TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8928:2023
PHÒNG, CHỐNG BỆNH HẠI CÂY RỪNG - HƯỚNG DẪN CHUNG
Prevention and control of forest diseases - General guidance
TCVN 8928:2023 thay thế TCVN 8928:2013
TCVN 8928:2023 do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
PHÒNG, CHỐNG BỆNH HẠI CÂY RỪNG - HƯỚNG DẪN CHUNG
Prevention and control of forest diseases - General guidance
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chung về phương pháp phòng, chống bệnh hại cây rừng.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đều rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 12561:2018, Thuốc bảo vệ thực vật - Khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc trên đồng ruộng;
TCVN 13268-7:2023, Bảo vệ thực vật - Phương pháp điều tra sinh vật gây hại - Phần 7: Nhóm cây lâm nghiệp.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau.
Bệnh hại cây rừng (forest disease)
Trạng thái động phức tạp, đặc trưng của một quá trình bệnh lý xảy ra liên tục trong cơ thể thực vật do tác động của yếu tố phi sinh vật hoặc yếu tố sinh vật (sinh vật ký sinh) dẫn đến làm rối loạn chức năng sinh lý, thay đổi cấu trúc giải phẫu của từng bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể thực vật, hoặc có thể gây chết cho cơ thể thực vật đã nhiễm bệnh.
Bệnh hại chính (major disease)
Những bệnh thường xuyên xuất hiện và gây hại nặng trên cây rừng làm giảm sút phẩm chất, năng suất cây rừng trong từng thời gian nhất định.
Cấp bệnh (disease rating scale)
Sự quy ước bằng thang điểm đánh giá tình trạng bệnh thông qua mức độ biểu hiệu của bệnh hại gây hại trên các bộ phận cây rừng, cấp bệnh được chia làm 5 cấp (đánh số từ 0 đến 4).
3.4
Tỷ lệ bệnh (disease incidence)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ phổ biến về số lượng triệu chứng bệnh của cây rừng tại khu vực điều tra được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm (%).
3.5
Chỉ số bệnh (disease index)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ nhiễm bệnh của cây rừng tại khu vực điều tra được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm (%), phụ thuộc vào mức độ phổ biến của bệnh và tần suất xuất hiện của mỗi cấp độ bệnh theo quy định.
3.6
Điều tra sơ bộ (general survey)
Hoạt động tại thực địa để thu thập thông tin khái quát về tình hình bệnh hại của khu vực điều tra. Kết quả điều tra xác định ra các nhóm bệnh hại chính và loài cây bị hại ở khu vực điều tra.
3.7
Điều tra tỉ mỉ (specific survey)
Hoạt động tại thực địa để điều tra chi tiết trên các ô tiêu chuẩn hay một lô mẫu nhằm đánh giá chính xác thành phần loại bệnh hại chính, đặc điểm phân bố, tỷ lệ bệnh và mức độ bệnh trên cây rừng. Cung cấp thông tin đánh giá mức độ hại và tổn thất do bệnh hại gây ra để tiến hành các biện pháp phòng, chống thích hợp.
3.8
Điều tra bổ sung (additional survey)
Hoạt động tại thực địa được thực hiện thêm vào các thời kỳ xung yếu của cây rừng hoặc vào các đợt bùng phát số lượng lớn của bệnh gây hại nhằm thu thập bổ sung số liệu về tình hình phát sinh, phát triển mới của bệnh, phạm vi phân bố mở rộng và mức độ bệnh của cây rừng tại khu vực điều tra.
3.9
Mức hại kinh tế (economic injury level)
Mức nhiễm bệnh (chỉ số bệnh) tại đó nếu tiến hành các biện pháp phòng, chống thì giá trị của phần năng suất tăng (do phòng, chống bệnh) chỉ bằng chi phí áp dụng các biện pháp phòng, chống.
3.10
Ngưỡng kinh tế (economic threshold)
Sự xâm nhiễm của bệnh hại ở đó cần phải tiến hành các biện pháp phòng, chống để ngăn ngừa bệnh hại phát triển đạt tới mức hại kinh tế.
3.11
Quản lý bệnh hại tổng hợp (integrated disease management)
Một hệ thống điều khiển sinh vật gây bệnh được thực hiện trong một khung cảnh cụ thể của một môi trường liên quan cùng với những biến động quần thể của các loài sinh vật gây bệnh, trong đó sử dụng tất cả các biện pháp kỹ thuật sẵn có một cách thích hợp nhằm duy trì các quần thể sinh vật gây bệnh ở dưới mức gây hại kinh tế.
3.12
Tính kháng bệnh của cây (disease resistance)
Tính kháng bệnh là khả năng của cây rừng ngăn chặn và chống lại sự xâm nhập, lây lan của vi sinh vật gây bệnh vào trong cây.
3.13
Tính chống chịu bệnh của cây (disease tolerance)
Tính chống chịu là khả năng của cây khi bị vi sinh vật xâm nhập gây bệnh và phát triển thành quần thể nhưng vẫn bảo tồn khả năng sinh trưởng phát triển và cho năng suất bình thường.
4 Nguyên tắc phòng, chống bệnh hại
Phát hiện sớm các loại bệnh hại chính có khả năng gây thiệt hại nặng đối với cây rừng.
Xác định chính xác diện tích nhiễm bệnh, mức độ bệnh, xu hướng phát triển và và các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ phát triển của bệnh hại chính.
Xác định đúng thời điểm áp dụng các biện pháp để phòng, chống bệnh hại hiệu quả, không để bệnh hại lây lan gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây rừng, chú trọng biện pháp kỹ thuật lâm sinh, vật lý, cơ giới, sinh học và kinh nghiệm của người dân.
Ưu tiên thực hiện các biện pháp quản lý bệnh hại tổng hợp bao gồm sử dụng giống cây trồng sạch bệnh và có khả năng kháng hoặc chống chịu bệnh, vệ sinh rừng thường xuyên, trồng và chăm sóc đúng thời vụ, chế độ phân bón phù hợp và biện pháp sinh học thân thiện môi trường tạo điều kiện cho cây rừng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng của cây với sinh vật gây bệnh, bảo vệ sinh vật có ích làm hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây bệnh.
Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả và không hạn chế được bệnh hại ở dưới mức hại kinh tế, dịch bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất của cây rừng, cần bảo đảm an toàn về môi trường và sức khỏe cho con người khi sử dụng biện pháp hóa học.
Xác định chính xác biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh hại và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây rừng.
5 Phương pháp điều tra phục vụ phòng chống bệnh hại
5.1 Phương pháp điều tra phát hiện bệnh hại chính
5.1.1 Thời điểm điều tra
Tiến hành điều tra vào đầu mùa mưa hoặc đầu chu kì sinh trưởng của cây rừng.
5.1.2 Hình thức điều tra
Điều tra sơ bộ: Thu thập thông tin khái quát về tình hình bệnh hại của khu vực điều tra. Kết quả điều tra xác định được các nhóm bệnh hại chính và loài cây bị hại ở khu vực điều tra.
5.1.3 Xác định ô tiêu chuẩn điều tra
Ô tiêu chuẩn cỏ diện tích từ 500 m2 đến 2 500 m2 và phải đảm bảo số cây trong khu vực điều tra tối thiểu 30 cây hoặc tối thiểu 30 khóm cây (với nhóm loài tre, luồng, nứa). Ô tiêu chuẩn điều tra phải đại diện cho khu vực điều tra, diện tích ô tiêu chuẩn được lập để điều tra dao động từ 1 % đến 3 % tổng diện tích điều tra theo B.1 Phụ lục B. Các ô tiêu chuẩn phải được lập ở nơi thường xuyên ghi nhận xuất hiện loài bệnh hại chính.
5.1.4 Chỉ tiêu điều tra
Xác định thời điểm xuất hiện bệnh hại chính và mức độ bệnh hại chính.
5.2 Phương pháp điều tra theo dõi xu hướng phát triển của bệnh hại chính
5.2.1 Thời điểm điều tra
Tiến hành sau khi xác định được bệnh hại chính đã xuất hiện (kết quả điều tra sơ bộ).
5.2.2 Hình thức điều tra
Điều tra tỉ mỉ: Đánh giá chính xác thành phần loại bệnh hại chính, đặc điểm phân bố, tỷ lệ bệnh và mức độ bệnh trên cây rừng. Cung cấp thông tin đánh giá mức độ hại và tổn thất do bệnh hại chính gây ra để xác định và tiến hành các biện pháp phòng, chống thích hợp.
5.2.3 Xác định ô tiêu chuẩn điều tra
Cách xác định ô tiêu chuẩn theo mục 5.1.3. Diện tích ô tiêu chuẩn được lập để điều tra từ 0,2 % đến 1,0 % tổng diện tích khu vực cần điều tra.
5.2.4 Chỉ tiêu điều tra
Xác định tỷ lệ bệnh, chỉ số bệnh của loại bệnh hại chính.
5.2.5 Điều tra nhóm bệnh hại chính
5.2.5.1 Điều tra nhóm bệnh chính hại lá
Trên ô tiêu chuẩn đã lập, chọn cây để điều tra theo phương pháp hệ thống điều tra theo hàng và theo từng cây trong hàng hoặc phương pháp rút thăm ngẫu nhiên. Đối với rừng có mật độ thấp, điều tra toàn bộ cây trong ô tiêu chuẩn để đảm bảo số cây được điều tra tối thiểu là 30 cây. Nếu cây rừng có chiều cao dưới 2 m thì điều tra toàn bộ cây. Nếu cây rừng cao hơn 2 m có thể chia thành dưới, giữa, trên tán cây theo các hướng khác nhau để điều tra. Đối với các loài cây lá rộng, phân cấp bệnh dựa trên diện tích tán lá bị bệnh hại. Đối với các loài cây lá kim phân cấp bệnh dựa trên số cụm lá kim bị bệnh hại. Cấp bệnh được xác định theo Bảng A.1 Phụ lục A.
5.2.5.2 Điều tra nhóm bệnh chính hại quả, hạt
Trên ô tiêu chuẩn đã lập, chọn cây điều tra theo phương pháp hệ thống điều tra theo hàng và theo từng cây trong hàng hoặc phương pháp rút thăm ngẫu nhiên. Đối với rừng có mật độ thấp, điều tra toàn bộ cây trong ô tiêu chuẩn để đảm bảo số cây được điều tra tối thiểu là 30 cây. Mỗi cây chia ra trên, giữa, dưới tán, lấy mẫu quả, hạt, kiểm tra bệnh hại. Cấp bệnh được xác định theo Bảng A.2 Phụ lục A.
5.2.5.3 Điều tra nhóm bệnh chính hại thân, cành
Trên ô tiêu chuẩn đã lập, chọn cây để điều tra theo phương pháp hệ thống điều tra theo hàng và theo từng cây trong hàng hoặc phương pháp rút thăm ngẫu nhiên. Đối với rừng có mật độ thấp, điều tra toàn bộ cây trong ô tiêu chuẩn để đảm bảo số cây được điều tra tối thiểu là 30 cây. Cấp bệnh được xác định theo A.3 Phụ lục A.
- Đối với các bệnh có triệu chứng bệnh bên ngoài như thối, loét thân được đánh giá theo diện tích bị bệnh trên thân, cành.
- Đối với bệnh có triệu chứng cả ở thân và tán lá như bệnh chết héo hoặc tuyến trùng trong thân làm tán lá chuyển vàng, cây bị héo rũ cần đánh giá mức độ bệnh ở cả hai yếu tố biểu hiện ở thân và tán lá.
- Đối với các bệnh không có hoặc ít xuất hiện triệu chứng bên ngoài như bệnh rỗng ruột đánh giá dựa trên diện tích bệnh gây hại bên trong thân cây. Có thể tiến hành theo 02 phương pháp:
+ Tiến hành cắt tối thiểu 5 cây lựa chọn theo quy tắc ngẫu nhiên trên các ô tiêu chuẩn để kiểm tra mức độ bệnh bên trong. Trên mỗi cây điều tra tiến hành cắt thành các khúc chiều dài 1 m, đo diện tích bị rỗng, mục ở đầu phía trên của mỗi khúc. Đo tất cả các khúc đến khi không phát hiện vết bệnh bên trong.
+ Sử dụng máy dò siêu âm hoặc khoan tăng trưởng để đo diện tích bị mục, rỗng bên trong thân cây.
- Đối với bệnh có triệu chứng rõ ràng trên thân, cành như bệnh tua mực, bệnh chổi sể hoặc thực vật bậc cao ký sinh (tơ hồng hoặc tầm gửi) tiến hành phân cấp theo số lượng điểm xuất hiện trên thân và chiều dài các mô bệnh.
5.2.5.4 Điều tra nhóm bệnh chính hại rễ
Trên ô tiêu chuẩn đã lập, chọn cây để điều tra theo phương pháp hệ thống điều tra theo hàng và theo từng cây trong hàng hoặc phương pháp rút thăm ngẫu nhiên. Đối với rừng có mật độ thấp, điều tra toàn bộ cây trong ô tiêu chuẩn để đảm bảo số cây được điều tra tối thiểu là 30 cây. Các bệnh hại rễ sẽ có biểu hiện khá rõ thông qua tán lá do rễ cây bị bệnh hại làm mất khả năng cung cấp nước. Do đó dựa vào các mức độ biểu hiện của tán lá bị khô héo để đánh giá mức độ bị bệnh. Để đánh giá mức độ tổn thương của rễ do bệnh hại tiến hành đào tối thiểu 3 gốc trong mỗi ô tiêu chuẩn có triệu chứng tán lá bị vàng úa, héo. Cấp bệnh được xác định theo Bảng A.4 Phụ lục A.
5.3 Phương pháp điều tra, xác định thời điểm áp dụng biện pháp phòng, chống bệnh
5.3.1 Thời điểm điều tra
Tiến hành sau khi điều tra tỉ mỉ, loại bệnh hại chính đang có xu hướng phát triển mạnh.
5.3.2 Hình thức điều tra
Điều tra tỉ mỉ: Đánh giá chính xác thành phần loại bệnh hại chính, đặc điểm phân bố, tỷ lệ bệnh và mức độ bệnh trên cây rừng. Cung cấp thông tin đánh giá tác hại và tổn thất do bệnh hại gây ra để tiến hành các biện pháp phòng, chống thích hợp.
Điều tra bổ sung: Thực hiện vào các thời kỳ cây rừng mẫn cảm với bệnh hại hoặc vào các đợt bùng phát số lượng lớn của bệnh gây hại nhằm thu thập bổ sung số liệu về tình hình phát sinh, phát triển mới của bệnh, phạm vi phân bố mở rộng và mức độ bệnh của cây rừng tại khu vực cần điều tra.
5.3.3 Xác định ô tiêu chuẩn điều tra
Cách xác định ô tiêu chuẩn theo mục 5.2.3. Tổng diện tích ô tiêu chuẩn được lập để điều tra dao động từ 0,2 % đến 1,0 % tổng diện tích cần điều tra.
5.3.4 Chỉ tiêu điều tra
Xác định tỷ lệ bệnh, chỉ số bệnh và thời điểm áp dụng các biện pháp phòng, chống.
6 Phương pháp phòng, chống bệnh hại chính
6.1 Phòng bệnh khi trồng rừng mới
- Điều kiện áp dụng: Tất cả các diện tích rừng.
- Yêu cầu: Áp dụng biện pháp phòng bệnh hại được thực hiện ngay từ khi bắt đầu trồng rừng mới và xuyên suốt trong quá trình chăm sóc và kinh doanh rừng bao gồm: Sử dụng cây giống tốt để trồng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh và biện pháp vật lý.
Sử dụng cây giống tốt là cây có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, hạt giống được thu hái từ những cây sạch bệnh hoặc từ cây giống nhân giống vô tính bằng mô tế bào.
Ưu tiên sử dụng các giống có tính kháng bệnh hoặc chống chịu bệnh khi trồng rừng mới.
Áp dụng phương pháp xông khói, xử lý nhiệt đối với hạt giống trước khi gieo trồng để ngăn chặn sinh vật gây bệnh là nấm và tuyến trùng.
6.2 Biện pháp lâm sinh
- Điều kiện áp dụng: Tất cả các diện tích rừng.
- Yêu cầu: Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng rừng đã quy định đảm bảo đúng mật độ cây rừng, đúng lập địa, đào hố bón lót vôi bột và phơi ải tối thiểu 2 tuần sau khi bón vôi.
Chăm sóc, bón phân để tăng sức đề kháng cho cây. Chặt tỉa bớt những cây sinh trưởng kém, bị bệnh hại. Cắt tỉa cành thực hiện vào mùa khô để tránh sự xâm nhiễm của bệnh, tránh gây tổn thương nặng đến thân, rễ cây.
Trồng hỗn giao giữa các loài cây chủ hoặc giống khác nhau theo lô hoặc theo băng, mỗi lô hoặc băng với diện tích trồng nhỏ hơn 10 ha. Thực hiện luân canh, thay đổi loài cây trồng rừng khác phù hợp sau tối đa 3 chu kỳ kinh doanh.
6.3 Biện pháp thủ công
- Điều kiện áp dụng: Bệnh hại chính gây hại ở mức hại nhẹ theo B.4 Phụ lục B và có xu hướng phát triển.
VÍ DỤ: Đối với bệnh chết héo các loài keo áp dụng khi chỉ số bệnh hại ở ngưỡng dưới 5 %.
- Yêu cầu: Thu dọn tàn dư thực vật, thu gom và tiêu hủy những cây đã bị bệnh. Ở những nơi bị bệnh hại rễ, trong điều kiện thuận lợi có thể nhổ bỏ những rễ cây đã bị bệnh đem tiêu hủy, bón vôi để khử trùng ít nhất 2 tuần trước khi trồng mới. Quản lý, bảo vệ các cây rừng khỏi tác động của gia súc phá hoại, tránh gây tổn thương cây.
6.4 Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
- Điều kiện áp dụng: Bệnh hại chính gây hại ở mức hại trung bình theo B.4 Phụ lục B và có xu hướng phát triển mạnh.
VÍ DỤ: Đối với bệnh chết héo các loài keo áp dụng khi chỉ số bệnh hại ở ngưỡng từ 5 % đến 10 %.
- Yêu cầu: Khi sử dụng thuộc bảo vệ thực vật sinh học cần tuân thủ các yêu cầu sau:
+ Ưu tiên bảo vệ các vi sinh vật đối kháng sinh vật gây bệnh, có thể trồng xen các loài cây tạo đối kháng vi sinh vật gây bệnh.
+ Sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Liều lượng sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, phun thuốc ở giai đoạn sâu non và phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát sau mưa, điều kiện thích hợp cho vi khuẩn phát triển tốt ở nhiệt độ từ 27 °C đến 32 °C và độ ẩm từ 80 % đến 90 %. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cần tuân thủ nguyên tắc đúng loại thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và nồng độ, đúng phương pháp.
6.5 Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học
- Điều kiện áp dụng: Chỉ tiến hành khi tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh ở mức tại đó phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để ngăn chặn bệnh phát triển đạt đến mức hại kinh tế hoặc từ mức hại nặng trở lên theo B.4 Phụ lục B.
VÍ DỤ: Đối với bệnh chết héo các loài keo áp dụng biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học khi chỉ số bệnh hại ở ngưỡng trên 10 %.
- Yêu cầu: Thuốc phải nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học cần tuân thủ nguyên tắc đúng loại thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và nồng độ, đúng phương pháp với từng loại bệnh hại chính theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối (nếu trời không mưa). Phun thuốc đều cho toàn bộ cây bị bệnh, phun từ chân đồi lên đỉnh đồi, phun xuôi theo hướng gió.
7 Báo cáo kết quả phòng, chống bệnh cây rừng
Báo cáo kết quả phòng, chống bệnh cây rừng có các nội dung sau:
- Phần mở đầu: Thông tin chung liên quan đến đối tượng cần thiết tiến hành phòng, chống như loài cây rừng, diện tích, đặc điểm khu vực tiến hành phòng, chống bệnh hại chính.
- Phần nội dung và phương pháp: Trình bày những nội dung và phương pháp chính đã thực hiện.
- Phần kết quả: Trình bày toàn bộ kết quả phòng, chống bệnh hại cây rừng bao gồm:
+ Tên loại bệnh hại chính và nguyên nhân gây bệnh.
+ Tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh trước khi thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh hại chính.
+ Thời gian thực hiện phòng, chống bệnh hại chính.
+ Kết quả thực hiện phòng, chống bệnh hại chính; tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh sau khi thực hiện biện pháp phòng chống sâu hại. Hiệu lực phòng, chống bệnh hại chính được viện dẫn theo TCVN 12561:2018, Thuốc bảo vệ thực vật - Khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc trên đồng ruộng tại B.5 Phụ lục B.
- Kết luận và kiến nghị: nêu những kết luận chính được rút ra và những kiến nghị để thực hiện những công việc tiếp theo.
Phụ lục A
(Quy định)
Các chỉ tiêu xác định cấp bệnh cho một số loại bệnh hại chính.
Bảng A.1 Áp dụng đối với bệnh hại lá.
Cấp bệnh |
Mức độ biểu hiện |
0 |
Diện tích tán lá không bị bệnh |
1 |
Diện tích tán lá bị bệnh dưới 15 % |
2 |
Diện tích tán lá bị bệnh từ 15 % đến dưới 30 % |
3 |
Diện tích tán lá bị bệnh từ 30 % đến dưới 50 % |
4 |
Diện tích tán lá bị bệnh bằng hoặc lớn hơn 50 % |
Bảng A.2 Áp dụng đối với bệnh hại quả, hạt trên cây lấy quả.
Cấp bệnh |
Mức độ biểu hiện |
0 |
Không có quả, hạt bị bệnh |
1 |
Tỷ lệ quả, hạt bị bệnh trên cây dưới 10 % |
2 |
Tỷ lệ quả, hạt bị bệnh trên cây từ 10 % đến dưới 25 % |
3 |
Tỷ lệ quả, hạt bị bệnh trên cây từ 25 % đến dưới 50 % |
4 |
Tỷ lệ quả, hạt bị bệnh trên cây bằng hoặc lớn hơn 50 % |
A.3 Áp dụng đối với bệnh hại thân, cành.
Bảng A.3.1 Bệnh có triệu chứng trên thân cành như bệnh loét thân, chảy nhựa.
Cấp bệnh |
Mức độ biểu hiện |
0 |
Thân không bị bệnh |
1 |
Diện tích thân bị bị bệnh dưới 10 % |
2 |
Diện tích thân bị bệnh từ 10% đến dưới 25 % |
3 |
Diện tích thân bị bệnh từ 25 % đến dưới 50 % |
4 |
Diện tích thân bị bệnh bằng hoặc lớn hơn 50 % |
Bảng A.3.2 Các bệnh có triệu chứng trên thân cành và tán lá.
Cấp bệnh |
Mức độ biểu hiện trên thân |
Mức độ biểu hiện trên lá |
0 |
Không có vết bệnh trên thân |
Tán lá bình thường, cây khỏe |
1 |
Chiều dài vết bệnh nhỏ hơn 10 cm, có xì mủ chảy nhựa. |
Tán lá thưa, có biểu hiện úa vàng |
2 |
Chiều dài vết bệnh lớn hơn hoặc bằng 10 cm đến nhỏ hơn 20 cm, có xì mủ chảy nhựa |
Tán lá bắt đầu chuyển màu vàng |
3 |
Chiều dài vết bệnh lớn hơn hoặc bằng 20 cm đến nhỏ hơn 30 cm, có xì mủ chảy nhựa. |
Toàn bộ tán lá bắt đầu chuyển màu vàng |
4 |
Chiều dài vết bệnh bằng hoặc lớn hơn 30 cm, có xì mủ chảy nhựa. |
Toàn bộ tán lá bị héo, khô và rụng, cây chết |
Bảng A.3.3 Bệnh không có triệu chứng bên ngoài trên thân cành như bệnh rỗng ruột.
Cấp bệnh |
Mức độ biểu hiện |
0 |
Thân không bị mục, rỗng |
1 |
Diện tích bị mục rỗng nhỏ hơn 15 % |
2 |
Diện tích bị mục rỗng lớn hơn hoặc bằng 15 % đến nhỏ hơn 30 % |
3 |
Diện tích bị mục rỗng lớn hơn hoặc bằng 30 % đến nhỏ hơn 50 % |
4 |
Diện tích bị mục rỗng bằng hoặc lớn hơn 50 % |
Bảng A.3.4 Bệnh có triệu chứng xuất hiện các mô bệnh trên thân, cành.
Cấp bệnh |
Mức độ biểu hiện |
0 |
Thân, cành không xuất hiện tua mực |
1 |
Trên thân cành có dưới 2 điểm xuất hiện tua mực hoặc chiều dài tua nhỏ hơn 5 cm |
2 |
Trên thân cành có từ 2 đến dưới 5 điểm xuất hiện tua mực hoặc chiều dài tua từ 5 cm đến nhỏ hơn 10 cm |
3 |
Trên thân cành có từ 5 đến dưới 10 điểm xuất hiện tua mực hoặc chiều dài tua từ 10cm đến nhỏ hơn 15 cm |
4 |
Trên thân cành có 10 điểm trở lên xuất hiện tua mực hoặc chiều dài tua bằng hoặc lớn hơn 15 cm |
Bảng A.4 Áp dụng đối với bệnh hại rễ do các vi sinh vật gây hại như nấm gây bệnh Fusarium, Phytophthora, Pythium, tuyến trùng hại rễ ... kết hợp thu mẫu bệnh vùng rễ.
Cấp bệnh |
Mức độ biểu hiện trên lá |
0 |
Cây khỏe, sinh trưởng tốt, rễ không bị hại |
1 |
Lá bắt đầu bị hẻo nhưng sinh trưởng bình thường |
2 |
Một số lá khô héo |
3 |
Cây bị khô dần |
4 |
Cây bị chết khô |
Phụ lục B
(Quy định)
Phương pháp xác định các chỉ tiêu bệnh hại
B.1 Xác định số lượng ô tiêu chuẩn điều tra
|
(B.1) |
Trong đó: N là số lượng ô tiêu chuẩn điều tra.
S là số diện tích cần điều tra (từ 0,2 đến 3,0 % tổng diện tích điều tra).
h là tỷ lệ phần trăm diện tích điều tra.
s là diện tích ô tiêu chuẩn điều tra.
B.2 Xác định diện tích nhiễm bệnh
Được tính toán trực tiếp thông qua đo diện tích trên bản đồ phân bố bằng các dụng cụ đo đạc như máy định vị tọa độ GPS hoặc sử dụng công thức và các ngưỡng thống kê bệnh hại được nêu trong tiêu chuẩn TCVN 13268-7:2023 Bảo vệ thực vật - Phương pháp điều tra sinh vật gây hại - Phần 7: Nhóm cây lâm nghiệp:
|
(B.3) |
Trong đó: Xi (ha) là diện tích nhiễm sinh vật gây hại ở mức i.
Nn là số điểm nhiễm sinh vật gây hại của yếu tố thứ n.
Sn là diện tích cây trồng của yếu tố thứ n.
10 là số điểm điều tra của 1 yếu tố.
i là mức nhiễm bệnh nhẹ, trung bình, nặng.
Được tính riêng cho từng loại bệnh hoặc tính chung cho các loại bệnh trên cùng một cây tùy mục đích của công tác điều tra.
|
(B.3) |
Trong đó: P là tỷ lệ bệnh (%).
n là số cây bị bệnh.
N là tổng số cây điều tra.
B.4 Chỉ số bệnh (R)
Được tính bằng công thức sau:
|
(B.4) |
Trong đó: R là chỉ số bệnh (%)
ni là số cây bị bệnh ở cấp bệnh i
vi là trị số của cấp bệnh i, có giá trị từ 0 đến 4
N là tổng số cây điều tra
V là giá trị cao nhất của thang phân cấp bệnh được sử dụng.
Dựa trên trị số của chỉ số bệnh (R) được chia làm 5 mức độ:
Không bi bệnh: Bệnh hại nhẹ: Bệnh hại trung bình Bệnh hại nặng: Bệnh hại rất nặng |
R (%) = 0 % R (%) < 25 % 25 % ≤ R (%) < 50 % 50 % ≤ R (%) < 75 % R (%) ≥ 75 % |
B.5 Hiệu quả phòng, chống bệnh hại
Được tính dựa theo chỉ số bệnh trước và sau khi tiến hành phòng, chống theo công thức Henderson - Tilton đã được quy định trong TCVN 12561:2018 Thuốc bảo vệ thực vật - Khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc trên đồng ruộng:
(B.5) |
Trong đó: E là hiệu quả phòng chống (%)
Rcb là chỉ số bệnh ở ô đối chứng tại thời điểm trước xử lý.
Rca là chỉ số bệnh ở ô đối chứng tại thời điểm sau xử lý.
Rtb là chỉ số bệnh ở ô xử lý thuốc tại thời điểm trước xử lý
Rta là chỉ số bệnh ở ô xử lý thuốc tại thời điểm sau xử lý.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1]. ISPM (International Standards Phythosanity Measures) No. 5 - Glossary.
[2]. ISPM (International Standards Phythosanity Measures) No. 6 - Surveillance.
[3]. ISPM (International Standards Phythosanity Measures) No. 9 - Guidelines for Pest Eradication Programmes.
[4]. Vũ Triệu Mân. Giáo trình bệnh cây đại cương. Nhà Xuất bản Nông nghiệp, 2007.
[5]. TCVN 8928:2013 về Phòng trừ bệnh hại cây rừng - Hướng dẫn chung
[6]. Tiến bộ kỹ thuật: “Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh chết héo gây hại keo lá tràm, keo lai và keo tai tượng”, Cục Bảo vệ thực vật, 2021.
[7]. Phạm Quang Thu. Kết quả điều tra thành phần sinh vật gây hại cây lâm nghiệp ở Việt Nam, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, 2015.
[8]. Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13.
[9]. Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14
[10] QCVN 01-38: 2010/BNNPTNT, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.