TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8230:2018
ISO/ASTM 51539:2013
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG DỤNG CỤ CHỈ THỊ NHẠY BỨC XẠ
Standard guide for use of radiation-sensitive indicators
Lời nói đầu
TCVN 8230:2018 thay thế TCVN 8230:2009;
TCVN 8230:2018 hoàn toàn tương đương với ISO/ASTM 51539:2013;
TCVN 8230:2018 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F5 Vệ sinh thực phẩm và chiếu xạ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG DỤNG CỤ CHỈ THỊ NHẠY BỨC XẠ
Standard guide for use of radiation-sensitive indicators
1 Phạm vi áp dụng
1.1 Tiêu chuẩn này đưa ra quy trình sử dụng các dụng cụ chỉ thị nhạy bức xạ (sau đây được gọi là dụng cụ chỉ thị) trong xử lý bằng bức xạ. Các dụng cụ chỉ thị này có thể là nhãn, giấy, mực hoặc vật liệu bao gói mà nhìn thấy sự thay đổi khi chiếu xạ bằng bức xạ ion hóa[1-5].
1.2 Mục đích sử dụng dụng cụ chỉ thị là để xác định sản phẩm có được chiếu xạ hay không bằng thị giác mà không đo các mức liều khác nhau.
1.3 Dụng cụ chỉ thị không phải là liều kế và không được dùng thay thế cho hệ đo liều chính xác. Thông tin về hệ đo liều dùng trong xử lý bằng bức xạ được nêu trong các tiêu chuẩn khác [Xem TCVN 12019 (ISO/ASTM 51261)].
1.4 Tiêu chuẩn này không đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến an toàn. Trách nhiệm của người sử dụng tiêu chuẩn này là phải tự xác lập các tiêu chuẩn thích hợp về thực hành an toàn và sức khỏe và xác định khả năng áp dụng các giới hạn quy định trước khi sử dụng.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
2.1 Tiêu chuẩn ASTM
ASTM E 170 Terminology Relating to Radiation Measurements and Dosimetry (Thuật ngữ liên quan đến các phép đo bức xạ và đo liều).
2.2 Tiêu chuẩn ISO/ASTM
TCVN 7248 (ISO/ASTM 51204), Tiêu chuẩn thực hành đo liều áp dụng cho thiết bị chiếu xạ gamma dùng để xử lý thực phẩm.
TCVN 7249 (ISO/ASTM 51431), Tiêu chuẩn thực hành đo liều áp dụng cho thiết bị chiếu xạ chùm tia điện tử và tia X (Bức xạ hãm) dùng để xử lý thực phẩm.
TCVN 8234 (ISO/ASTM 51702), Thực hành đo liều áp dụng cho thiết bị chiếu xạ gamma.
TCVN 8772 (ISO/ASTM 51940), Hướng dẫn đo liều đối với các chương trình phóng thích côn trùng bất dục.
TCVN 12019 (ISO/ASTM 51261), Bảo vệ bức xạ - Thực hành hiệu chuẩn hệ đo liều thường quy cho xử lý bức xạ.
TCVN 12020 (ISO/ASTM 51608), Bảo vệ bức xạ - Thực hành đo liều trong một cơ sở xử lý bức xạ bằng tia X (bức xạ hãm) với năng lượng trong khoảng từ 50 keV đến 7,5 MeV.
TCVN 12532 (ISO/ASTM 51649), Thực hành đo liều áp dụng cho thiết bị chiếu xạ chùm điện tử ở năng lượng từ 300 keV đến 25 MeV.
ISO/ASTM 51939, Practice for Blood Irradiation Dosimetry (Thực hành đo liều trong chiếu xạ máu).
2.3 Báo cáo của Ủy ban quốc tế về đơn vị và phép đo bức xạ (ICRU)
Báo cáo số 85 của ICRU Fundamental Quantities and Units for Ionizing Radiation (Đại lượng và đơn vị cơ bản trong bức xạ ion hóa).
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1 Định nghĩa
3.1.1
Hệ đo liều (dosimetry system)
Hệ được sử dụng để xác định liều hấp thụ bức xạ, bao gồm các liều kế, các dụng cụ đo, các chuẩn tham chiếu có liên quan cũng như các quy trình sử dụng hệ đo liều.
3.1.2
Dụng cụ chỉ thị (indicator)
Xem dụng cụ chỉ thị nhạy bức xạ.
3.1.3
Đơn vị nạp hàng (process load)
Thể tích vật liệu có cấu hình nạp hàng xác định được chiếu xạ như một đơn vị độc lập.
3.1.4
Dụng cụ chỉ thị nhạy bức xạ (Radiation-sensitive indicator)
Vật liệu như các chất nền đã được phủ hoặc tẩm lớp bám dính phía sau, mực, các vật liệu phủ hoặc vật liệu khác có thể dán hoặc in trên các đơn vị nạp hàng mà có thể nhìn thấy sự thay đổi khi chiếu xạ bằng bức xạ ion hóa.
3.1.4.1 Giải thích: Sự thay đổi nhìn thấy được này có thể quan sát được bằng mắt hoặc với sự trợ giúp của bộ lọc quang.
3.1.4.2 Giải thích: Trước đây, dụng cụ chỉ thị bức xạ có các tên khác nhau[1-5] bao gồm: nhãn liều kế, nhãn chỉ thị, chỉ thị nhãn, chỉ thị liều và nhãn kiểm soát bức xạ. Tiểu ban kỹ thuật ASTM E10.01 khẳng định nhãn liều kế có sự khác nhau cơ bản về dụng cụ chỉ thị và mục đích để xác định nhãn liều kế như loại liều kế thường xuyên (định lượng) dán chặt vào sản phẩm và có thể đọc mà không cần bóc ra khỏi sản phẩm.
3.2 Định nghĩa về các thuật ngữ khác sử dụng trong tiêu chuẩn này có liên quan đến phép đo bức xạ và đo liều có thể tham khảo trong ASTM E170. Định nghĩa trong ASTM E 170 phù hợp với Báo cáo số 85 của ICRU, do đó, Báo cáo số 85 của ICRU có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo thay thế.
4 Ý nghĩa và ứng dụng
4.1 Các dụng cụ chỉ thị có thể được dùng để chỉ ra rằng sản phẩm đã được chiếu xạ. Chúng chỉ được sử dụng để đưa ra một nhận biết định tính của việc chiếu xạ và có thể được dùng để phân biệt các đơn vị nạp hàng đã chiếu xạ và các đơn vị nạp hàng chưa chiếu xạ.
CHÚ THÍCH 1: Sử dụng các dụng cụ chỉ thị không hạn chế đối với quy trình kiểm soát quá trình khác, như liều kế định lượng hoặc kiểm soát việc phân biệt các sản phẩm đã chiếu xạ và các sản phẩm chưa chiếu xạ.
CHÚ THÍCH 2: Xem TCVN 7248 (ISO/ASTM 51204), TCVN 7249 (ISO/ASTM 51431), TCVN 12020 (ISO/ASTM 51608), TCVN 15232 (ISO/ASTM 51649), TCVN 8234 (ISO/ASTM 51702), TCVN 8772 (ISO/ASTM 51940) và ISO/ASTM 51939 về thông tin sử dụng dụng cụ chỉ thị trong các loại thiết bị chiếu xạ khác nhau và về việc áp dụng sản phẩm duy nhất.
4.2 Nhà sản xuất dụng cụ chỉ thị chỉ cần cung cấp mức liều xấp xỉ mà ở đó người kiểm tra (thị lực 20/20), ở ánh sáng tiêu chuẩn (ánh sáng ban ngày không lọc hoặc ánh sáng nhân tạo của quang phổ và cường độ được xác định bằng tiêu chuẩn thích hợp) cũng có thể xác định sự thay đổi nhìn thấy được trong dụng cụ chỉ thị.
5 Lựa chọn dụng cụ chỉ thị
5.1 Dụng cụ chỉ thị cần được lựa chọn sao cho thuận tiện sử dụng, được dán trên sản phẩm và có thể chịu ứng suất của quá trình chiếu xạ.
5.2 Dụng cụ chỉ thị cần được lựa chọn sao cho có ngưỡng đáp ứng thích hợp với dải liều của sản phẩm thử nghiệm. Sự thay đổi nhìn thấy được sẽ xuất hiện dưới liều cực tiểu yêu cầu đối với sản phẩm. Trong trường hợp có sự gián đoạn quá trình mà tại đó sản phẩm chưa đi qua trường bức xạ chính và chỉ nhận được một vài bức xạ tán xạ, thì dụng cụ chỉ thị sẽ không có sự thay đổi.
5.3 Dụng cụ chỉ thị cần được chọn sao cho có ngưỡng đáp ứng thích hợp với dải liều, năng lượng bức xạ, điều kiện môi trường của sản phẩm thử nghiệm[1].
5.4 Cần xác định sự phù hợp của các dụng cụ chỉ thị (trong điều kiện sử dụng) từ khi mua cho tới khi sử dụng hoặc đến khi hết hạn sử dụng.
5.5 Dụng cụ chỉ thị được sử dụng trong chiếu xạ chùm điện tử cần phải đủ mỏng để tránh ảnh hưởng đáng kể đến sự phân bố liều trong sản phẩm.
5.6 Vật liệu chỉ thị có thể không hạn chế, bao gồm: các nền chất đã được phủ hoặc tẩm lớp bám dính phía sau, mực và lớp phủ[1-5].
6 Ứng dụng
6.1 Dụng cụ chỉ thị có thể dùng để đảm bảo rằng đơn vị nạp hàng đã được chiếu xạ.
6.2 Dụng cụ chỉ thị có thể dùng để đảm bảo phân biệt sản phẩm đã chiếu xạ và chưa chiếu xạ trong cơ sở chiếu xạ.
6.3 Trong trường hợp có sự gián đoạn quá trình chiếu xa, dụng cụ chỉ thị dán vào sản phẩm có thể giúp định vị vùng cụ thể bị gián đoạn quá trình, bằng cách đó hạn chế tối đa lượng sản phẩm bị loại bỏ.
6.4 Dụng cụ chỉ thị có thể dùng để kiểm soát quá trình chiếu xạ nhiều mặt. Trong trường hợp đó, quá trình mà ở đó liều hấp thụ ở mặt xa của sản phẩm đủ ảnh hưởng đến dụng cụ chỉ thị, thì dụng cụ chỉ thị chưa chiếu xạ có thể được dán vào mặt sản phẩm đối diện với nguồn trước lần chiếu đầu tiên và giữa mỗi lần chiếu tiếp theo.
CHÚ THÍCH 3: Có các cách khác để kiểm soát quá trình chiếu xạ sản phẩm nhiều mặt như sử dụng mã vạch hoặc thiết bị quay vòng sản phẩm tự động.
7 Giới hạn sử dụng
7.1 Dụng cụ chỉ thị nhạy bức xạ không có các đặc tính phù hợp cho việc đo liều định lượng và đo liều chính xác. Do vậy, dụng cụ chỉ thị không phải là liều kế và không thể dùng thay thế cho hệ đo liều chính xác.
7.2 Chiếu xạ ở điều kiện môi trường như nhiệt, ánh sáng ban ngày, bức xạ tử ngoại và khi sinh ra bởi quá trình chiếu xạ, có thể gây ra sự thay đổi không mong muốn tới một vài vật liệu chỉ thị này[1-4]. Do vậy, dụng cụ chỉ thị chỉ có thể được dùng trong các cơ sở chiếu xạ mà ở đó các điều kiện môi trường có thể kiểm soát được. Người sử dụng cần biết và tuân theo các trình tự thao tác và bảo quản đặc biệt mà có thể hạn chế các hiệu ứng này. Thông tin về các ảnh hưởng của môi trường đến dụng cụ chỉ thị có thể nhận được từ nhà sản xuất hoặc từ dữ liệu được công bố.
CHÚ THÍCH 4: Một số điều kiện chiếu xạ hoặc bảo quản có thể làm cho dụng cụ chỉ thị chưa chiếu xạ nhưng được nhận diện sai là đã chiếu xạ hoặc dụng cụ chỉ thị đã chiếu xạ nhận diện sai là chưa chiếu xạ (quan sát sai).
7.3 Với các lý do nêu trên, dụng cụ chỉ thị không được dùng làm cơ sở để đưa sản phẩm ra bên ngoài sử dụng.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Abdel-Rahim, F., Miller, A., và McLaughlin, W. L, "Response of Radiation Monitoring Labels to Gamma Rays and Electrons," Radiation Physics and Chemistry, Vol 25, Nos 4-6,1985. pp. 767-775,
[2] Razem. D., "Dosimetric Performances of and Environmental Effects on Sterin Irradiation Indicator Labels," Radiation Physics and Chemistry, Vol 49. No. 4, 1997, pp. 491-495.
[3] Prusik. T., Montesalvo. M.. va Wallace, T.. "Use of Poiydiacetylenes in an Automated Label Dosimetry System," Radiation Physics and Chemistry, Vol 31, Nos, 4-6.1988, pp. 441-447.
[4] Patel, G. N„ "Diacetylenes as Radiation Dosage Indicators" Radiation Physics and Chemistry, Vol 18, Nos 5-6, 1981. pp. 913-925.
[5] Ehlermann. D. A. E.. "Validation of a Label Dosimeter for Food Irradiation Applications by Subjective and Objective Means," Appl. Radial Isot., Vol 48, No. 9,1997, pp. 1197-1201.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.