QUY HOẠCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN - TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ
Planning of rural - Design standard
Lời nói đầu
TCVN 4454:2012 thay thế TCVN 4454:1987.
TCVN 9410:2012 do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
QUY HOẠCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN - TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ
Planning of rural - Design standard
1.1. Tiêu chuẩn này được áp dụng trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn trong phạm vi ranh giới hành chính xã (còn gọi là quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới - gọi tắt là quy hoạch xây dựng nông thôn).
CHÚ THÍCH: Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới được lập nhằm đáp ứng các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009.
1.2. Đối tượng quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới bao gồm: quy hoạch xây dựng xã, quy hoạch chi tiết trung tâm xã; quy hoạch chi tiết khu dân cư mới, khu tái định cư, cải tạo xây dựng thôn, bản hiện có (còn gọi là quy hoạch điểm dân cư nông thôn).
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng theo phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 3907:2011, Trường mầm non. Tiêu chuẩn thiết kế;
TCVN 4054:2005, Đường ô tô - Tiêu chuẩn thiết kế;
TCVN 5945:2010, Nước thải công nghiệp. Tiêu chuẩn thải;
TCVN 7956:2008, Nghĩa trang đô thị. Tiêu chuẩn thiết kế;
TCVN 7957:2008, Thoát nước - Mạng lưới và công trình bên ngoài - Tiêu chuẩn thiết kế;
TCVN 8793:2011, Trường tiểu học - Yêu cầu thiết kế;
TCVN 8794:2011, Trường trung học - Yêu cầu thiết kế;
22TCN 210:19921), Đường giao thông nông thôn. Tiêu chuẩn thiết kế.
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới
Việc tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới bao gồm quy hoạch định hướng phát triển không gian; quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường và quy hoạch điểm dân cư nông thôn hoặc trung tâm xã (còn gọi là quy hoạch chi tiết).
3.2. Hạ tầng kỹ thuật
Bao gồm các công trình giao thông, cấp điện, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, nghĩa trang, chất thải, vệ sinh môi trường và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
3.3. Hạ tầng xã hội
Bao gồm các công trình nhà ở, cơ quan hành chính, công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, thương mại và các công trình dịch vụ công cộng khác.
3.4. Điểm dân cư nông thôn
Là nơi cư trú tập trung của nhiều hộ gia đình gắn kết với nhau trong sản xuất, sinh hoạt và các hoạt động xã hội khác trong phạm vi một khu vực nhất định bao gồm trung tâm xã, thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn, bản) được hình thành do điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán và các yếu tố khác.
3.5. Đất ở (khuôn viên ở)
Là khu đất để xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ cho sinh hoạt của hộ gia đình (bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm) và các không gian phụ trợ khác (khu sản xuất, sân vườn, chuồng trại, ao…) trong cùng một thửa đất của một hộ gia đình hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật tại các điểm dân cư nông thôn.
4.1. Khi lập quy hoạch xây dựng nông thôn ngoài việc đảm bảo các quy định trong tiêu chuẩn này còn phải tuân thủ các quy định có liên quan [1].
4.2. Quy hoạch xây dựng nông thôn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Tuân thủ các văn bản pháp quy hiện hành về quy hoạch xây dựng;
- Tuân thủ các quy định pháp lý có liên quan về bảo vệ các công trình kỹ thuật, công trình quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường;
- Phù hợp với đặc điểm của địa phương về:
+ Điều kiện tự nhiên: địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, đất đai, nguồn nước, môi trường, khí hậu, tài nguyên, cảnh quan;
+ Điều kiện kinh tế: hiện trạng và tiềm năng phát triển;
+ Điều kiện xã hội: dân số, phong tục, tập quán, tín ngưỡng…
+ Khả năng sử dụng đất đai, tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân và các đặc trưng khác.
- Đảm bảo việc xây dựng mới, cải tạo các điểm dân cư nông thôn đạt các yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đảm bảo phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống và sản xuất;
- Điều kiện an toàn, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường;
- Bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử, văn hóa; giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc;
- Các yêu cầu về quốc phòng, an ninh;
- Sử dụng hợp lý vốn đầu tư, đất đai và tài nguyên.
4.3. Nội dung đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn và đồ án quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cần tuân theo quy định có liên quan [2] và [3] và phù hợp với đồ án quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt.
4.4. Quy hoạch xây dựng nông thôn phải hướng vào phát triển nông thôn theo yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia, đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững.
5. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới
5.1. Quy hoạch định hướng phát triển không gian xã
5.1.1. Yêu cầu chung
5.1.1.1. Quy hoạch định hướng phát triển không gian tổng thể toàn xã cần phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và hiện trạng của xã. Trên cơ sở này để triển khai các quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.
5.1.1.2. Định hướng tổ chức hệ thống khu dân cư mới và cải tạo thôn xóm cũ phải dựa trên qui mô dân số, chỉ tiêu đất cho từng nhóm hộ, qui mô chiếm đất và nhu cầu đất của toàn thôn.
5.1.1.3. Định hướng tổ chức hệ thống các công trình công cộng, bảo tồn công trình văn hóa lịch sử cần xác định vị trí, quy mô, định hướng kiến trúc phù hợp với phong tục tập quán. Khi bố trí các hạng mục này cần tránh thay đổi địa hình, địa mạo và hệ thống thoát nước tự nhiên vốn có.
5.1.1.4. Định hướng tổ chức hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật toàn xã phải đảm bảo yêu cầu kết nối các thôn, bản với vùng sản xuất, với trung tâm xã và vùng liên xã (bao gồm hạ tầng phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống).
5.1.1.5. Đối với các xã trong vùng có thiên tai không được bố trí các công trình như nhà ở, công trình giáo dục, y tế và nơi tập trung đông người ở những khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở và động đất, đồng thời cần có giải pháp cảnh báo và phòng chống phù hợp.
5.1.2. Phân bố dân cư và không gian ở
5.1.2.1. Quy mô dân số phải được tính toán phù hợp với dự báo quy hoạch vùng liên xã, vùng huyện và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã (theo các quy hoạch có liên quan)
5.1.2.2. Tổng dân số dự báo trong khu vực quy hoạch phải là số nhân khẩu thường trú (theo sổ hộ khẩu; theo tạm trú KT 2, 3, 4) trong khu vực hành chính đó và số nhân khẩu dự báo tăng cơ học trong kỳ quy hoạch, được tính theo công thức sau:
Q= Q0 (1 + K)n + P
Trong đó:
Q - Tổng số nhân khẩu dự báo (người)
Q0 - Tổng số nhân khẩu hiện trạng (người)
K - Tỷ lệ tăng nhân khẩu tự nhiên trong kỳ quy hoạch (%)
P - Số nhân khẩu tăng cơ học trong kỳ quy hoạch (người)
n - Kỳ quy hoạch (năm)
5.1.2.3. Cần dự báo cơ cấu lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thương mại, xây dựng, công nghiệp hoặc tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã.
5.1.2.4. Việc bố trí dân cư phải phù hợp với loại hình sản xuất (nông nghiệp, lâm nghiệp), điều kiện dịch vụ công cộng cho người dân. Việc bố trí các điểm dân cư có thể được phân tán thành từng cụm, điểm tập trung hay tuyến tùy theo địa hình, phong tục tập quán, đảm bảo sự kết nối về giao thông, hạ tầng cơ sở, an toàn vệ sinh môi trường và yêu cầu về an ninh quốc phòng.
5.1.2.5. Khu vực phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thể phát triển các điểm dân cư tập trung với định hướng đô thị hóa. Dân cư khu vực ven đường quốc lộ, khu vực biên giới, nên bố trí tập trung về một phía đường theo dạng tuyến điểm. Nhà ở thường gắn với các trục giao thông và hạ tầng cơ sở thuận lợi giao lưu, trao đổi hàng hóa.
5.1.2.6. Đối với các xã bị ảnh hưởng ngập lụt, nên tổ chức các điểm dân cư tập trung trên các khu vực đất cao hoặc phát triển, hoàn chỉnh dân cư theo dạng tuyến điểm dọc theo các kênh rạch, đường giao thông.
5.1.2.7. Tùy thuộc vào đặc trưng của các vùng, miền để lựa chọn định hướng quy hoạch khu dân cư (diện tích, mật độ tầng cao, hình thái kiến trúc) cho phù hợp với tiềm năng và định hướng phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn trước mắt cũng như dài hạn. Tổ chức không gian ở phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, môi trường sinh thái, giữ gìn và bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống, phòng chống và giảm nhẹ tác động thiên tai đối với các khu vực bị ảnh hưởng.
5.1.3. Quy hoạch trung tâm xã
5.1.3.1. Trung tâm xã cần bố trí gắn với các điểm dân cư chính của xã và đảm bảo yêu cầu thuận tiện đi lại giữa xã với các thôn bản và trục đường giao thông. Đối với những xã có quy mô diện tích lớn nên hình thành khu trung tâm phụ gắn với một điểm dân cư tập trung hiện có để đảm bảo yêu cầu phục vụ.
CHÚ THÍCH: Các cơ quan hành chính cấp xã, các công trình văn hóa, thông tin nên được đặt ở trung tâm xã. Nếu điều kiện đất đai cho phép có thể bố trí hệ thống các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, sân thể thao trong khu vực trung tâm xã.
5.1.3.2. Trung tâm xã phải có đủ diện tích để xây dựng đồng bộ các công trình trước mắt và phát triển trong tương lai. Cần tận dụng và kế thừa các công trình hiện có. Đối với quy hoạch xây dựng mới cần hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác và tránh di chuyển dân cư, đảm bảo cao độ để tránh ngập lụt, lũ quét.
5.1.3.3. Đối với các xã có hệ thống di tích, cảnh quan có giá trị phải có giải pháp bảo tồn, tôn tạo nhưng vẫn phải đảm bảo giá trị và ý nghĩa lịch sử, văn hóa của công trình.
5.1.3.4. Bán kính phục vụ của các công trình công cộng đối với các điểm dân cư nông thôn tối đa là 2 km. Đối với các điểm dân cư có trên 1 000 người, cách xa khu trung tâm xã trên 2 km; cụm điểm dân cư khu vực miền núi có trên 500 người, bán kính phục vụ trên 3 km cần bố trí một trung tâm phụ gồm các nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo, tiểu học trên các địa bàn khác nhau (gọi là điểm trường), cửa hàng mua bán, nhà văn hóa thôn, bản…
5.1.3.5. Khi bố trí các công trình trong trung tâm xã cần khai thác hợp lý điều kiện địa hình, cảnh quan thiên nhiên để tạo lập không gian kiến trúc đẹp.
5.1.3.6. Đối với các xã có tiền đề phát triển thành đô thị cần quy hoạch bố trí trung tâm xã gắn với điểm dân cư tập trung của xã và đáp ứng theo các tiêu chí đô thị.
5.1.3.7. Đối với các xã biên giới khi bố trí hệ thống trung tâm xã cần phù hợp với yêu cầu về an ninh quốc phòng. Phân bố đều theo khoảng cách giữa các lưới đường giao thông cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia; mở rộng, nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm liên xã và trung tâm các xã để tạo hạt nhân hoặc liên kết hỗ trợ phát triển các khu dân cư nông thôn.
5.2.1. Quy hoạch sản xuất phải phù hợp với tiềm năng, quy mô của từng loại hình sản xuất theo định hướng phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương như:
- Bố trí cơ cấu diện tích đất đai sản xuất nông nghiệp hợp lý (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…) theo hướng công nghiệp hóa, giảm chi phí lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm;
- Dự báo khả năng sản xuất, sản lượng theo từng giai đoạn;
- Các điều kiện phục vụ sản xuất: thị trường tiêu thụ, khả năng huy động vốn, công nghệ áp dụng, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước…).
5.2.2. Xác định ranh giới, quy mô đất phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng công trình phục vụ sản xuất. Quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất.
5.2.3. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nuôi trồng thủy sản) định hướng chuyển đổi sản xuất, hướng tới các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa trong khu vực nông thôn.
5.2.4. Quy hoạch phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp quy mô phù hợp, xa khu dân cư để kiểm soát được dịch bệnh, hạ giá thành sản phẩm, cải thiện môi trường sinh thái.
5.2.5. Các công trình sản xuất và phục vụ sản xuất nên bố trí gần đồng ruộng, gần đầu mối giao thông, hệ thống kênh mương, trạm bơm tưới tiêu để thuận tiện cho việc cấp nước và xây dựng hệ thống kỹ thuật, sử dụng hiệu quả thiết bị, máy móc và được bố trí thành từng cụm công trình như sau:
- Cụm công trình phục vụ sản xuất và chăn nuôi: sân phơi, kho nông sản, trạm xay xát, trạm chế biến thức ăn gia súc; xưởng sửa chữa cơ khí nông cụ, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp;
- Cụm công trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao đầm nuôi trồng thủy sản, trạm bơm, trạm xử lý và chế biến phân bón.
- Trạm giới thiệu sản phẩm, khu chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản…
CHÚ THÍCH:
1) Mô hình phát triển các cụm công trình sản xuất và phục vụ sản xuất được tổ chức dưới dạng hợp tác xã, tổ hợp tác, hoặc liên kết giữa các hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để thực hiện việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
2) Chỉ tiêu diện tích đất của một số công trình phục vụ sản xuất, trại chăn nuôi tham khảo ở phụ lục A của tiêu chuẩn này.
5.2.6. Khi quy hoạch sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phù hợp với tiềm năng phát triển công nghiệp - dịch vụ về tài nguyên, đất đai, lao động;
- Phù hợp với quy hoạch tổ chức không gian trong điểm dân cư nông thôn;
- Lựa chọn ngành công nghiệp - dịch vụ phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa bàn xã;
- Tổ chức tốt các hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước…) và hạ tầng xã hội (trường học, y tế, công trình văn hóa, chợ…) có tính đến yêu cầu kết nối với khu trung tâm xã.
5.2.7. Khu sản xuất tập trung, xí nghiệp, cụm - điểm công nghiệp có chất thải độc hại và nguy cơ gây ô nhiễm cao phải bố trí ở cuối hướng gió chủ đạo, cuối nguồn nước đối với khu dân cư tập trung, gần các trục đường chính, đường liên thôn, liên xã hoặc cạnh kênh mương chính. Đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh phù hợp với đặc điểm, quy mô và mức độ độc hại của công trình sản xuất tiểu, thủ công nghiệp như các quy định có liên quan.
CHÚ THÍCH: Khu sản xuất tập trung có thể là khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp hay khu chăn nuôi tập trung.
5.2.8. Những cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp không gây độc hại có thể bố trí trong khu ở, tại các hộ gia đình nhưng phải có giải pháp thu gom nước thải và không được gây tiếng ồn quá mức cho phép trong khu dân cư từ 50 dBA đến 75 dBA.
5.2.9. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các loại hình sản xuất sạch. Đối với các làng nghề truyền thống phát triển theo hình thành khu tiểu thủ công nghiệp tập trung, kết hợp với sản xuất tại hộ gia đình (sản xuất không gây ô nhiễm).
5.2.10. Các xã có điều kiện thuận lợi về vị trí và giao thông đối ngoại cần phát triển mạnh dịch vụ thương mại; du lịch sinh thái, khai thác cảnh quan thiên nhiên kết hợp với văn hóa truyền thống.
5.2.11. Cần bố trí dải cách ly vệ sinh giữa các công trình công nghiệp, khu sản xuất chăn nuôi tập trung và khu dân cư. Trong dải cách ly vệ sinh, tối thiểu 50% diện tích đất phải được trồng cây xanh và không quá 40% diện tích đất có thể được sử dụng để bố trí bãi đỗ xe, trạm bơm, trạm xử lý nước thải, trạm trung chuyển chất thải rắn.
5.2.12. Lựa chọn địa điểm và bố trí đất kho tàng cần dựa theo tính chất của hàng cất giữ và đối tượng phục vụ chủ yếu, có vị trí giao thông thuận tiện, ở nơi cao ráo. Các kho có cùng tính chất nên bố trí tập trung, đảm bảo các yêu cầu về môi trường và an toàn.
5.3. Quy hoạch định hướng tổ chức hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật
5.3.1. Chuẩn bị kỹ thuật (san nền - thoát nước mưa)
5.3.1.1. Đề xuất các giải pháp chuẩn bị kỹ thuật trên cơ sở triệt để tận dụng địa hình tự nhiên, hạn chế khối lượng đất san lấp, đào đắp; bảo vệ cây lưu niên, lớp đất màu.
Khi xây dựng công trình chỉ nên san đắp nền cục bộ để bảo vệ địa hình tự nhiên.
5.3.1.2. Cần xác định cao độ khống chế cho từng điểm dân cư; xác định lưu vực, hướng và mạng lưới thoát nước chính. Có giải pháp bảo vệ, cải tạo hệ thống hồ, ao và sông ngòi hiện trạng để tạo môi trường sinh thái và làm nơi điều hòa thoát nước mặt khi cần thiết.
5.3.1.3. Căn cứ vào mực nước lũ trung bình hàng năm để lựa chọn cao độ cho khu vực xây dựng mới. Có kế hoạch cải tạo các công trình đầu mối để chống ngập úng.
5.3.1.4. Tùy điều kiện cụ thể của điểm dân cư, khi quy hoạch thoát nước mưa cần lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp. Có thể là thoát nước mưa tự chảy, thoát nước mưa chung kết hợp với thoát nước thải hoặc thoát nước mưa và nước thải theo kiểu nửa chung nửa riêng.
5.3.1.5. Đối với khu vực có nguy cơ ngập lụt hệ thống thoát nước mưa phải kết hợp với hệ thống tiêu thủy lợi, ao hồ. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cần có các mương dẫn nước và trồng cây ven đồi.
5.3.2. Quy hoạch giao thông
5.3.2.1. Mạng lưới đường giao thông nông thôn bao gồm: đường từ huyện đến xã, đường trục xã (nối từ trung tâm xã xuống thôn hoặc nối giữa các xã); đường thôn (nối giữa các thôn đến xóm), đường ngõ, xóm và đường trục chính nội đồng. Đường xã bao gồm đường trục xã, đường thôn và đường ngõ xóm.
5.3.2.2. Đường xã phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường huyện và tỉnh. Kế thừa và phát triển mạng lưới đường hiện có để đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải và phục vụ sản xuất trước mắt và tương lai, kết nối liên hoàn với hệ thống đường quốc gia, đường tỉnh và đường huyện.
5.3.2.3. Quy hoạch giao thông cấp xã phải kết hợp với quy hoạch mạng lưới thủy nông, đồng ruộng.
5.3.2.4. Khi quy hoạch mạng lưới giao thông cần tận dụng tối đa điều kiện địa hình để giảm thiểu đền bù giải phóng mặt bằng, khối lượng đào đắp và các công trình phải xây dựng trên tuyến.
5.3.2.5. Mặt cắt các loại đường (mặt đường, nền đường…) phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng xã và được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV. Đường trục xã được thiết kế theo tiêu chuẩn đường loại A; đường nối thôn, xã được thiết kế theo tiêu chuẩn đường loại B.
5.3.2.6. Đối với xã có tiềm năng về giao thông đường thủy (sông, kênh rạch, ven biển) phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch thủy lợi, quy hoạch khu dân cư. Tổ chức quy hoạch các bến thuyền, cảng, khu neo đậu tàu thuyền… đảm bảo khả năng phục vụ vận chuyển trước mắt cũng như trong tương lai. Chiều rộng mặt cắt ngang phải xác định trên cơ sở kích thước phương tiện giao thông, lưu lượng giao thông, chiều dài luồng, các điều kiện khí tượng, thủy văn. Đối với các luồng tàu thông thường, chiều rộng chuẩn được lấy theo chiều dài lớn nhất của phương tiện giao thông được sử dụng phổ biến trên kênh, rạch.
5.3.3. Quy hoạch cấp nước
5.3.3.1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, trong một xã có thể sử dụng nhiều nguồn nước và áp dụng nhiều loại hình cấp nước khác nhau (cấp nước tập trung, phân tán, giếng khơi…), nhưng phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu dùng nước và chất lượng nước cho sinh hoạt của người dân trong xã.
5.3.3.2. Tính toán hệ thống cấp nước phải đảm bảo cấp nước cho các giai đoạn quy hoạch ngắn hạn là 10 năm và dài hạn là 20 năm, phải thỏa mãn các yêu cầu ăn uống, sinh hoạt, chăn nuôi gia cầm, gia súc; sản xuất chế biến nông sản và các ngành sản xuất công nghiệp khác.
5.3.3.3. Đối với các xã có điều kiện kinh tế phát triển, có các điểm dân cư tập trung quy mô từ 100 hộ trở lên hoặc có nguồn nước bị ô nhiễm, chất lượng kém, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì nên dùng cấp nước tập trung. Việc xác định quy mô trạm cấp nước tập trung cần căn cứ vào dự báo nhu cầu dùng nước; nguồn nước và công nghệ xử lý nước; mạng lưới đường ống cấp nước chính và nhu cầu phát triển trong tương lai.
5.3.3.4. Lựa chọn nguồn nước thải theo những quy định của cơ quan quy hoạch và quản lý nguồn nước. Chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt phải tuân theo quy định về chất lượng nước sinh hoạt [4]. Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống phải tuân theo quy định có liên quan [5].
5.3.3.5. Phải xác định vùng bảo vệ vệ sinh nguồn cấp nước, tránh các nguy cơ gây nhiễm bẩn do ảnh hưởng của sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nguồn nhiễm bẩn sinh hoạt và nông nghiệp trong khu vực có nguồn nước.
CHÚ THÍCH: Việc xác định vùng bảo vệ vệ sinh nguồn nước cần đánh giá tình trạng vệ sinh ở nơi lấy nước (đối với nguồn nước ngầm) và khu vực thượng lưu và hạ lưu của nguồn nước mặt: về phía thượng lưu không nhỏ hơn 200 m, về phía hạ lưu không nhỏ hơn 100 m.
5.3.3.6. Để tránh hiện tượng sạt lở khi đặt công trình thu nước ở bờ sông thì phải đảm bảo cách bờ sông không nhỏ hơn 100 m.
5.3.3.7. Khi công trình xử lí đặt gần sông hồ thì cao độ xây dựng công trình phải cao hơn đỉnh sóng của mức nước cao nhất ứng với tần suất tính toán trong sông hồ là 0,5 m.
5.3.4. Quy hoạch cấp điện
5.3.4.1. Khi lập quy hoạch, lập dự án và thiết kế mạng lưới điện trong xã phải điều tra, xác định nhu cầu hiện tại trong khu vực và định hướng phát triển giai đoạn từ 5 năm đến 10 năm, đồng thời đảm bảo công suất sử dụng không thấp hơn 30 % vào năm thứ nhất. Tại các xã chưa có điều kiện cấp điện lưới, trong giai đoạn trước mắt cần xác định nguồn cấp điện phù hợp với điều kiện tiềm năng và kinh tế của địa phương như thủy điện nhỏ, biogas, năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
5.3.4.2. Quy hoạch hệ thống công trình cung cấp điện nông thôn phải căn cứ vào phụ tải điện, nguồn cung cấp điện, điện áp, mạng lưới đường dây cấp điện và thiết bị điện.
5.3.4.3. Phụ tải điện tính toán bao gồm phụ tải điện sinh hoạt gia đình, dịch vụ công cộng (công sở cấp xã, trường hợp, trạm y tế, HTX mua bán, nhà văn hóa…), công nghiệp - tiểu thủ công, nông nghiệp có trên địa bàn.
CHÚ THÍCH:
1) Nhu cầu phụ tải điện sinh hoạt và dịch vụ công cộng được xác định trên cơ sở đăng ký sử dụng điện, số liệu điều tra về mức sống, số lượng và chủng loại thiết bị sử dụng điện, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã.
2) Nhu cầu phụ tải điện nông nghiệp được xác định trên cơ sở kế hoạch và quy hoạch phát triển các loại hình cây trồng (cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả), vật nuôi (nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm) có tính đến đặc thù về địa hình, quy mô tưới tiêu trên địa bàn xã.
5.3.4.4. Mạng lưới điện trung và hạ thế cần tránh vượt qua ao, hồ, đầm lầy, núi cao, đường giao thông có mặt cắt ngang lòng đường lớn, các khu vực sản xuất công nghiệp…
5.3.4.5. Lưới điện phân phối trung áp phải được xây dựng theo hướng quy hoạch lâu dài với cấp điện áp chuẩn là 22 kV và 35 kV.
CHÚ THÍCH: Các cấp điện áp là 6 kV, 10 kV và 15 kV chỉ nên sử dụng cho đến hết tuổi thọ công trình.
5.3.4.6. Quy hoạch tuyến điện trong các điểm dân cư phải gắn liền với quy hoạch cải tạo kiến trúc, cải tạo đường giao thông, hồ ao.
5.3.4.7. Phải đảm bảo khoảng cách an toàn và hành lang bảo vệ các tuyến điện theo quy định trong quy định kỹ thuật điện nông thôn [6].
5.3.5. Quy hoạch thoát nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, nghĩa trang
5.3.5.1. Thoát nước thải
5.3.5.1.1. Xác định giải pháp thoát nước thải phải phù hợp với thực tế của điểm dân cư và điều kiện kinh tế của xã. Đối với khu vực mật độ dân cư thấp và có diện tích các khuôn viên hộ gia đình lớn nên áp dụng giải pháp thoát nước thải có xử lý tự thấm (khi điều kiện địa chất cho phép).
Đối với khu vực dân cư khác cần xây dựng hệ thống thoát nước thải chung hoặc theo kiểu nửa chung nửa riêng.
5.3.5.1.2. Nước thải từ các làng nghề bị nhiễm bẩn và gây độc hại phải được phân loại, thu gom bằng hệ thống tiêu thoát riêng và được xử lý đạt yêu cầu về môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
5.3.5.1.3. Cần phân chia các lưu vực thoát nước chính theo vị trí của từng thôn, xóm để tránh nước thải bị ứ đọng, đặc biệt trong mùa mưa lũ, gây ảnh hưởng đến môi trường trong khu dân cư.
5.3.5.1.4. Chọn hệ thống thoát nước thải phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và đầu tư ít nhất. Khi quy hoạch mạng lưới thoát nước thải cần xác định chỉ tiêu nước thải, dự báo nhu cầu thoát nước; lựa chọn mạng lưới thoát nước và công trình xử lý nước thải. Đối với khu vực thường xuyên bị ngập lũ cần chọn giải pháp thoát nước và công nghệ xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa lũ; đề xuất biện pháp làm sạch môi trường sau lũ.
5.3.5.2. Thu gom và xử lý chất thải rắn
5.3.5.2.1. Khuyến khích áp dụng hệ thống thu gom chất thải rắn bao gồm các điểm thu gom và trạm trung chuyển. Việc xác định hệ thống thu gom dựa vào lượng chất thải rắn trong ngày và bán kính phục vụ thu gom chất thải rắn. Khoảng cách an toàn môi trường nhỏ nhất giữa hàng rào của trạm trung chuyển cố định đến chân xây dựng công trình khác phải không nhỏ hơn 20 m.
5.3.5.2.2. Các trạm trung chuyển chất thải rắn phải được quy hoạch tại các vị trí thuận tiện giao thông và phải bảo đảm hoạt động chuyên chở không gây ảnh hưởng tới chất lượng môi trường. Trạm trung chuyển chất thải rắn phải có khả năng tiếp nhận và vận chuyển hết khối lượng chất thải rắn trong phạm vi bán kính thu gom đến khu xử lý tập trung với thời gian không quá 2 ngày đêm.
5.3.5.2.3. Trạm trung chuyển không chính thức (không có hạ tầng kỹ thuật) loại nhỏ có diện tích tối thiểu là 20 m2.
5.3.5.2.4. Đối với các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải rắn công nghiệp phải thu gom và vận chuyển về nơi xử lý, tiêu hủy theo quy định.
5.3.5.2.5. Khu vực mật độ dân cư thấp nên chọn giải pháp tự xử lý tại gia đình thông qua các hình thức như tổ hợp vườn, ao, chuồng; thùng rác, hầm chứa rác, hố chứa rác tự phân hủy; hố ủ phân trát bùn tại các hộ gia đình để xử lý chất thải rắn từ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi.
5.3.5.3. Nghĩa trang
5.3.5.3.1. Quy hoạch nghĩa trang nên phù hợp với yêu cầu phục vụ cho trước mắt và phát triển lâu dài. Loại hình nghĩa trang nên phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Hạn chế tình trạng nghĩa trang phân bố phân tán, xen lẫn với khu dân cư trên địa bàn xã.
CHÚ THÍCH: Khuyến khích quy hoạch nghĩa trang phục vụ cho các xã lân cận và các nghĩa trang có sử dụng hình thức táng văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
5.3.5.3.2. Địa điểm nghĩa trang phải phù hợp với các điều kiện địa hình, điều kiện địa chất, địa chất thủy văn và khả năng khai thác quỹ đất, phù hợp với tổ chức phân bố dân cư và kết nối công trình hạ tầng kỹ thuật.
5.3.5.3.3. Tiêu chuẩn sử dụng đất cho các loại hình nghĩa trang có hình thức táng khác nhau phải phù hợp với quy định hiện hành về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang (chôn cất một lần, cát táng, hung táng, cải táng và hỏa táng). Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường nhỏ nhất từ nghĩa trang đến khu dân cư, trường học phải phù hợp với quy định [7].
5.3.5.3.4. Khi quy hoạch xây dựng nghĩa trang phải tổ chức không gian kiến trúc, phân khu chức năng và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật hợp lý nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm đất, hạn chế ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường và quản lý nghĩa trang.
5.3.5.3.5. Cần có giải pháp cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh trong các nghĩa trang còn phù hợp với quy hoạch xây dựng để đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, cảnh quan môi trường và không làm ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh.
6. Quy hoạch điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã (quy hoạch chi tiết)
6.1. Quy hoạch không gian kiến trúc điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã
6.1.1. Quy mô dân số và đất để xây dựng mới và mở rộng các điểm dân cư nông thôn
6.1.1.1. Quy mô dân số ở các điểm dân cư nông thôn được xác định trên cơ sở dân số hiện trạng, dự báo quy mô dân số vùng huyện và khả năng dung nạp tại thời điểm quy hoạch.
6.1.1.2. Khu đất xây dựng điểm dân cư nông thôn phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn, đảm bảo yêu cầu về vị trí và điều kiện tự nhiên, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, chất lượng môi trường, các tiện ích xã hội khác và đất dự trữ phát triển. Đảm bảo liên hệ thuận tiện trong sinh hoạt và sản xuất của người dân. Khoảng cách từ điểm dân cư đến khu vực canh tác không lớn hơn 2 km.
6.1.1.3. Khu đất để xây dựng mới và mở rộng các điểm dân cư nông thôn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc xây dựng hiện tại với dự kiến phát triển tương lai;
- Đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh;
- Đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất cho việc xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật;
- Sử dụng đất xây dựng hiện có, hạn chế tối đa việc lấy đất canh tác cho mục đích xây dựng, đặc biệt đất sản xuất nông nghiệp năng suất cao. Đối với miền núi và trung du, những khu đất có độ dốc dưới 15o cần ưu tiên để trồng trọt, canh tác, không nên dùng làm đất xây dựng;
- Không bị úng ngập, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai;
- Đảm bảo yêu cầu về cấp thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ;
- Đảm bảo các yêu cầu về an ninh, quốc phòng, du lịch, văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng…
6.1.1.4. Không sử dụng đất để xây dựng và mở rộng các điểm dân cư nông thôn trong các khu vực sau:
- Khu vực có môi trường bị ô nhiễm nặng chưa được xử lý;
- Khu vực có khí hậu, địa chất xấu, nơi gió quẩn, gió xoáy;
- Khu vực có tài nguyên cần khai thác hoặc trong khu vực khảo cổ;
- Khu vực cấm xây dựng (phạm vi bảo vệ các công trình kỹ thuật hạ tầng, khu bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, khu bảo tồn sinh học, khu bảo vệ công trình quốc phòng…);
- Khu vực thường xuyên bị ngập lụt quá sâu (ngập trên 3 m), sạt lở, lũ quét;
- Khu vực có đường sắt, đường bộ trọng yếu, tuyến đường dây tải điện cao áp, đường ống dẫn dầu, dẫn khí xuyên qua.
6.1.1.5. Quy hoạch sử dụng đất phải bao gồm đất ở, đất xây dựng các công trình công cộng, đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất nông, lâm ngư nghiệp, đất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đất phục vụ sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất cần kết hợp với việc tổ chức các không gian, cảnh quan và hạ tầng thiết yếu cho các vùng sản xuất của toàn xã, phù hợp với quy hoạch sản xuất, hướng tới các loại hình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa.
6.1.1.6. Chỉ tiêu đất xây dựng điểm dân cư nông thôn được quy định trong Bảng 1.
Bảng 1 - Chỉ tiêu đất xây dựng điểm dân cư nông thôn
Loại đất |
Chỉ tiêu sử dụng đất m2/người |
1. Đất ở (các lô đất ở gia đình) |
40 - 50 |
2. Đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng |
10 - 12 |
3. Đất cho giao thông và hạ tầng kỹ thuật |
10 - 12 |
4. Đất cây xanh công cộng |
6 - 9 |
5. Đất nông, lâm ngư nghiệp, đất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phục vụ sản xuất |
Tùy thuộc vào quy hoạch phát triển của từng địa phương |
CHÚ THÍCH: 1) Đối với các vùng sâu, vùng xa, đất rộng, người thưa có thể lấy theo quy định của chính quyền địa phương. 2) Giá trị quy định cho ở bảng trên được lấy như sau: Giới hạn dưới áp dụng cho các điểm dân cư lớn và giới hạn trên áp dụng cho các địa điểm dân cư trung bình và nhỏ. |
6.1.2. Yêu cầu đối với khu ở
6.1.2.1. Quy hoạch xây dựng khu ở phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Kế thừa hiện trạng phân bố dân cư và phù hợp với quy hoạch mạng lưới phân bố dân cư của khu vực lớn hơn có liên quan;
- Phân bố dân cư thích hợp, thuận lợi cho tổ chức các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, chợ… nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân và tổ chức hiệu quả các công trình hạ tầng xã hội;
- Phù hợp với đất đai, địa hình. Có thể căn cứ vào địa hình, địa vật tự nhiên như đường sá, ao hồ, kênh mương, đồi núi, dải đất để phân định ranh giới;
- Tổ chức không gian ở phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh và môi trường sinh thái. Kế thừa bản sắc và kiến trúc truyền thống theo các vùng miền.
6.1.2.2. Diện tích đất ở được lấy theo Bảng 1 của tiêu chuẩn này. Cho phép tăng giảm các trị số cho ở Bảng 1 nhưng phải phù hợp với quy định của địa phương về hạn chế đất ở được giao cho mỗi hộ gia đình.
CHÚ THÍCH: Chỉ tiêu diện tích đất ở, mật độ xây dựng và hình thái kiến trúc nhà ở theo vùng miền tham khảo ở phụ lục B của tiêu chuẩn này.
6.1.2.3. Trong lô đất ở của một hộ gia đình bao gồm đất xây dựng:
- Nhà chính và nhà phụ (nhà ở, bếp, kho, sản xuất phụ);
- Các công trình phụ (nhà tắm, nhà vệ sinh);
- Lối đi, sân, chỗ để rơm rạ, củi, rác, hàng rào;
- Đất vườn, chuồng trại, đất ao…
6.1.2.4. Bố cục các hạng mục công trình trong lô đất ở phải thuận tiện cho sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình và đảm bảo vệ sinh môi trường. Căn cứ vào yếu tố khí hậu từng vùng để chọn giải pháp bố cục mặt bằng, hướng nhà thích hợp, Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa - xã hội, truyền thống xây dựng từng vùng, miền.
6.1.2.5. Đối với các khu vực phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, những điểm dân cư gần đường giao thông lớn hoặc ở khu vực ven đô có thể phát triển các điểm dân cư tập trung theo hướng đô thị hóa. Hình thái nhà ở có thể là nhà vườn, nhà liên kế (chia lô) để thay thế cho nhà ở nông thôn truyền thống. Tổ chức không gian phải đảm bảo yêu cầu tổ chức hạ tầng kỹ thuật về lâu dài, đảm bảo vệ sinh môi trường khu ở và phù hợp với cảnh quan kiến trúc trong khu vực.
6.1.2.6. Đối với các khu vực làng xã có diện tích khuôn viên đất ở lớn cần phát triển kinh tế vườn kết hợp với kiến trúc sinh thái trong khu đất ở.
6.1.2.7. Nhà ở nông thôn cần đạt tiêu chuẩn diện tích sàn tối thiểu là 14 m2/người và có niên hạn sử dụng từ 20 năm trở lên, đảm bảo có nền cứng, khung cứng và mái cứng. Nhà ở phải được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên và kiến trúc không gian làng xã.
6.1.2.8. Trong khuôn viên ở phải có đủ hệ thống kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước sạch, vệ sinh môi trường… Giao thông đi lại phải kết nối với hệ thống giao thông chung của thôn, bản, bảo đảm an toàn thuận tiện cho việc đi lại của người dân và khi sử dụng các phương tiện thô sơ như xe đạp, xe máy…
6.1.2.9. Đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh từ nhà ở (chỉ có chức năng ở) tới các khu chăn nuôi tập trung, sản xuất tiểu thủ công nghiệp không nhỏ hơn 200 mm. Nếu nhà ở kết hợp với sản xuất hoặc làm nghề phụ thì chỉ áp dụng cho các loại hình ít gây ảnh hưởng xấu đến môi trường khu ở.
6.1.2.10. Chuồng trại chăn nuôi gia súc - gia cầm trong khuôn viên lô đất hộ gia đình (nếu có) phải đặt cách xa nhà ở, giếng và đường đi chung ít nhất 5 m, đặt ở cuối hướng gió và phải có hố chứa phân, rác, thoát nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.
6.1.2.11. Rác và nước thải phải được thu gom và xử lý trước khi thải ra khuôn viên ở của hộ gia đình.
6.1.2.12. Các hộ gia đình phải xây dựng bể xí tự hoại hoặc bán tự hoại. Trường hợp không thể thiết kế bể xí tự hoại hoặc bán tự hoại thì sử dụng hố xí hai ngăn nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường.
6.1.2.13. Nhà vệ sinh phải xây dựng ở nơi kín đáo, cách xa nhà ở ít nhất là 6 m và cách nguồn nước sinh hoạt ít nhất là 10 m. Nước thải từ bể tự hoại phải được chảy vào cống hoặc hố thấm, không được chảy tràn ra mặt đất.
6.1.2.14. Khuyến khích sử dụng cây xanh, cây leo làm tường rào.
6.1.3. Yêu cầu quy hoạch trung tâm xã
6.1.3.1. Yêu cầu chung
6.1.3.1.1. Tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, mỗi xã có thể có trung tâm chính và trung tâm phụ. Trung tâm xã nằm trên đường trục xã, đảm bảo sự liên hệ thuận tiện đến các điểm dân cư trong xã và với bên ngoài.
6.1.3.1.2. Khu trung tâm xã có thể được kết hợp với khu di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của địa phương (nếu có).
6.1.3.1.3. Tại khu trung tâm xã được bố trí các công trình dịch vụ công cộng quan trọng như:
- Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước tại xã;
- Các công trình công cộng bao gồm: nhà trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, chợ, cửa hàng dịch vụ trung tâm, điểm phục vụ bưu chính viễn thông.
CHÚ THÍCH: Đối với các xã có quy mô dân số lớn hơn 20 000 dân, cần quy hoạch trường trung học phổ thông.
6.1.3.1.4. Việc tổ chức hệ thống các công trình công cộng phải đảm bảo yêu cầu về đi lại, sinh hoạt công cộng và bảo vệ môi trường sống.
CHÚ THÍCH: Khi xây dựng các công trình công cộng cần tính đến nhu cầu tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật theo các quy định có liên quan.
6.1.3.1.5. Dự báo đất đai xây dựng cho các công trình công cộng trong trung tâm xã phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trước mắt và phát triển trong tương lai.
6.1.3.2. Trụ sở xã
a) Trụ sở xã được xây dựng ở trung tâm xã, thuận tiện giao thông và các hoạt động đối nội, đối ngoại;
b) Trụ sở xã phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn diện tích làm việc theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước tại xã [8].
Các bộ phận chức năng trong công trình bao gồm: phòng làm việc của cán bộ công chức, các nhân viên thực hành nghiệp vụ kỹ thuật, các phòng họp, phòng tiếp khách, phòng tiếp dân, phòng giao dịch phục vụ cải cách hành chính một cửa, phòng phục vụ lưu trữ hồ sơ, phòng phục vụ hoạt động thông tin và tuyên truyền.
Các bộ phận phụ trợ và phục vụ bao gồm sảnh chính, sảnh phụ; hành lang; cầu thang, khu vệ sinh, kho, nhà để xe.
c) Phòng họp lớn hoặc hội trường được thiết kế đa năng, sử dụng cho hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hoặc các công việc chung khác của xã. Tiêu chuẩn diện tích: không nhỏ hơn 0,8 m2/chỗ ngồi.
d) Diện tích đất xây dựng: không nhỏ hơn 1 000 m2.
e) Diện tích cây xanh: không nhỏ hơn 30 %.
f) Trụ sở xã được xây dựng tối đa là 3 tầng.
6.1.3.3. Trường học
- Mỗi xã phải quy hoạch xây dựng nhà trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.
- Có đủ các khối chức năng được xây dựng kiên cố.
- Trong phòng học có đủ bàn ghế cho giáo viên và học sinh, có trang bị hệ thống quạt và đèn chiếu sáng. Kích thước phòng học, bàn, ghế, bảng, bục giảng, hệ thống chiếu sáng, trang trí phòng học phải đúng quy cách.
- Khuôn viên nhà trường phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh theo quy định hiện hành [9].
- Khu vực xây dựng trường phải đảm bảo yên tĩnh, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm học sinh đi lại được an toàn và thuận tiện.
- Phải đảm bảo cung cấp nguồn cấp nước sạch, có khu vệ sinh riêng cho cán bộ giáo viên và học sinh, có hệ thống thoát nước và thu gom rác thải cho trường học.
- Trường phải có sân vườn, tường bao quanh, cổng trường và biển trường.
- Có đủ các loại thiết bị giáo dục theo danh mục tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
- Giải pháp thiết kế trường học phải phù hợp với các quy định có liên quan.
a) Nhà trẻ, trường mầm non
- Chỉ tiêu quy hoạch trường mầm non được xác định theo quy định tối thiểu 50 chỗ học cho 1000 dân (50 chỗ/1 000 dân) để thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ ba tháng tưới đến sáu tuổi, đảm bảo tiếp nhận từ 50 % đến 80 % số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp và 50 % đến 60 % số trẻ trong lứa tuổi nhà trẻ được gửi.
- Bán kính phục vụ:
+ Đối với khu vực ngoại thành, nông thôn khu tái định cư: không lớn hơn 1,0 km;
+ Đối với miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa: không lớn hơn 2,0 km.
- Đối với các xã ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tùy điều kiện cụ thể ở địa phương, có thể tổ chức thêm các nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo trên các địa bàn khác nhau (gọi là điểm trường). Ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường.
- Diện tích khu đất xây dựng trường mầm non gồm: diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng không nhỏ hơn 12 m2/trẻ.
- Cơ cấu các khối chức năng trong công trình:
+ Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo: phòng sinh hoạt chung; phòng ngủ; phòng vệ sinh; hiên chơi.
+ Khối phòng phục vụ học tập: phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng.
+ Khối phòng tổ chức ăn: khu vực nhà bếp và kho.
+ Khối hành chính quản trị: văn phòng trường; phòng hiệu trưởng (phó hiệu trưởng); văn phòng; phòng hành chính quản trị; phòng y tế; phòng bảo vệ; phòng dành cho nhân viên; khu vệ sinh cho giáo viên, cán bộ, nhân viên; khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên; khu để xe cho khách và phụ huynh học sinh.
+ Sân vườn
- Tổng mặt bằng các khối công trình trong trường mầm non cần đảm bảo quy định sau:
+ Các khối chức năng có quy mô, diện tích đáp ứng nhu cầu sử dụng và quản lý; đảm bảo giao thông nội bộ an toàn và hợp lý.
+ Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo cần được đặt ở vị trí ưu tiên: trực tiếp đón gió mát về mùa hè, tránh gió lùa và hạn chế gió lạnh vào mùa đông; Có biện pháp tránh mưa hắt, tránh bức xạ mặt trời trực tiếp hướng Tây;
+ Sân chơi có đủ nắng, tạo được môi trường không gian phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ;
- Mật độ xây dựng:
+ Diện tích xây dựng công trình: không lớn hơn 40 %;
+ Diện tích sân vườn, cây xanh: không nhỏ hơn 40 %;
+ Diện tích giao thông nội bộ: không nhỏ hơn 20 %.
- Giải pháp thiết kế nhà trẻ, trường mầm non phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh mạng, sức khỏe phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ [9] và TCVN 3907:2011.
- Trường mầm non không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 3 tầng.
b) Trường tiểu học
- Quy hoạch trường tiểu học phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường. Chỉ tiêu quy hoạch được xác định từ 65 chỗ học đến 80 chỗ học cho 1.000 dân.
- Trường tiểu học được thiết kế tối đa 30 lớp với số học sinh mỗi lớp không lớn hơn 35 học sinh.
- Bán kính phục vụ:
+ Khu vực tái định cư: không lớn hơn 0,5 km;
+ Khu vực ngoại thành, nông thôn: không lớn hơn 1,0 km;
+ Khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: không lớn hơn 2,0 km.
- Tùy theo điều kiện ở địa phương, có thể có thêm điểm trường ở những địa bàn khác nhau để tạo thuận lợi cho trẻ đến trường. Ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học.
- Diện tích khu đất xây dựng không nhỏ hơn 10 m2/học sinh.
- Cơ cấu các khối chức năng trong công trình:
+ Khối phòng học: số phòng học được xây dựng tương ứng với số lớp học của trường, đảm bảo mỗi lớp có một phòng học riêng.
+ Khối phục vụ học tập: phòng giáo dục rèn luyện thể chất hoặc nhà đa năng; phòng giáo dục nghệ thuật; thư viện; phòng thiết bị giáo dục; phòng truyền thống và hoạt động Đội; phòng hỗ trợ giáo dục học sinh tàn tật, khuyết tật học hòa nhập.
+ Khối hành chính quản trị: phòng Hiệu trưởng (phó hiệu trưởng); phòng giáo viên; văn phòng; phòng y tế học đường; kho; phòng thường trực, bảo vệ;
+ Khu sân chơi, bãi tập;
+ Khu vệ sinh: cho giáo viên, nhân viên và học sinh (đặt theo các khối chức năng hoặc đặt hoặc bên ngoài công trình);
+ Khu để xe: cho giáo viên và học sinh;
- Chỉ tiêu diện tích các phòng học chính:
+ Phòng học: không nhỏ hơn 1,25 m2/học sinh;
+ Phòng giáo dục rèn luyện thể chất: không nhỏ hơn 1,8 m2/học sinh;
+ Phòng giáo dục nghệ thuật: không nhỏ hơn 1,5 m2/học sinh.
- Mật độ xây dựng:
+ Diện tích xây dựng công trình: không lớn hơn 40 %;
+ Diện tích cây xanh: không nhỏ hơn 40 %;
+ Diện tích sân chơi, bãi tập: không lớn hơn 20 %.
- Giải pháp thiết kế trường tiểu học phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh mạng, sức khỏe và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ [9] và TCVN 8793:2011.
c) Trường trung học cơ sở
- Quy hoạch trường trung học cơ sở phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường trung học trên địa bàn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tiêu quy hoạch được lấy từ 55 chỗ học đến 70 chỗ học cho 1 000 dân.
- Trường trung học cơ sở được thiết kế tối đa là 45 lớp với số học sinh mỗi lớp không lớn hơn 45 học sinh. Số phòng học và phòng học bộ môn đủ để học nhiều nhất là 2 buổi/ngày.
- Diện tích khu đất xây dựng không nhỏ hơn 10 m2/học sinh.
- Cơ cấu các khối công trình:
+ Khối phòng học: phòng học, phòng học bộ môn;
+ Khối phục vụ học tập: Nhà tập đa năng, thư viện, phòng đồ dùng chuẩn bị giảng dạy, phòng hoạt động Đoàn - Đội, phòng truyền thống, phòng hỗ trợ giáo dục học sinh khuyết tật hòa nhập;
+ Khối hành chính quản trị: phòng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, văn phòng, phòng Hội đồng giáo viên; phòng nghỉ giáo viên; phòng y tế học đường; kho; phòng thường trực;
+ Sân chơi, bãi tập.
+ Khu vệ sinh và khu để xe;
- Chỉ tiêu diện tích các phòng học chính:
+ Phòng học: không nhỏ hơn 1,80 m2/học sinh;
+ Phòng học bộ môn: không nhỏ hơn 1,85 m2/học sinh;
+ Phòng học bộ môn công nghệ: không nhỏ hơn 2,25 m2/học sinh;
- Mật độ xây dựng:
+ Diện tích xây dựng công trình: không lớn hơn 45 %;
+ Diện tích sân cây xanh: không nhỏ hơn 30 %;
+ Diện tích sân chơi, bãi tập, giao thông nội bộ: không nhỏ hơn 25 %
- Giải pháp thiết kế trường tiểu học phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh mạng, sức khỏe và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ [8] và TCVN 8794:2011.
- Trường trung học cơ sở không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 4 tầng.
6.1.3.4. Trạm y tế xã
a) Trạm y tế xã được đặt ở khu trung tâm xã, gần đường giao thông, tại nơi yên tĩnh, cao ráo, thoáng mát, liên hệ thuận tiện với các xóm, thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám - chữa bệnh. Trạm y tế được đặt cách các công trình khác ít nhất 50 m. Môi trường xung quanh phải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh.
b) Bán kính phục vụ không lớn hơn 3,0 km đối với miền núi và không lớn hơn 2,0 km đối với vùng đồng bằng.
c) Trạm y tế xã được thiết kế theo quy mô dân số, đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng miền và được phân thành các loại sau:
- Loại trạm có quy mô dân số không lớn hơn 10 000 dân.
- Loại trạm có quy mô dân số lớn hơn 10 000 dân.
d) Cơ cấu các khối chức năng trong công trình:
- Khối nhà chính: phòng tư vấn, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng khám bệnh, và sơ cứu, bộ phận kế hoạch hóa gia đình, sản, lưu bệnh nhân, rửa, tiệt trùng, khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Số tầng cao công trình: 2 tầng;
- Công trình phụ trợ: nhà kho, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà để xe (tùy theo yêu cầu của từng địa phương);
- Sân chơi, vườn trồng cây thuốc.
e) Diện tích khu đất xây dựng trạm y tế tối thiểu là 500 m2 nếu không có vườn thuốc và tối thiểu là 1.000 m2 nếu có vườn trồng cây thuốc, đảm bảo xây dựng khối nhà chính và các công trình phụ trợ.
f) Mật độ xây dựng:
- Diện tích xây dựng công trình: không lớn hơn 40 %.
- Diện tích cây xanh (diện tích cây bóng mát, vườn hoa, vườn thuốc nam): không nhỏ hơn 45 %.
- Diện tích khác: Không nhỏ hơn 15 %.
g) Có nguồn điện đảm bảo cung cấp điện ổn định và nguồn nước đảm bảo vệ sinh
h) Có hàng rào bảo vệ, có cổng và biển ghi tên trạm y tế.
i) Có các trang thiết bị cơ bản để thực hiện việc khám, điều trị bệnh nhân ở tuyến đầu tiên và các trang thiết bị cấp cứu thông thường ban đầu.
j) Có hệ thống thu gom nước thải và chất thải rắn.
k) Khi thiết kế trạm y tế xã cần tham khảo các quy định có liên quan.
6.1.3.5. Cơ sở vật chất văn hóa - thể thao
a) Cơ sở vật chất văn hóa xã bao gồm trung tâm văn hóa, thể thao xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn. Các công trình này có thể xây dựng riêng biệt hoặc hợp khối kết hợp với cây xanh, mặt nước tạo thành bộ mặt kiến trúc cho làng xã và tiết kiệm đất đai. Chỉ tiêu đất thể thao từ 2 m2/người đến 3 m2/người.
b) Trung tâm văn hóa, thể thao xã gồm nhà văn hóa đa năng (hội trường, phòng chức năng, phòng tập, các công trình phụ trợ), sân thể thao phổ thông (sân bóng đá, bóng chuyền, sân nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ và các sân để tổ chức các môn thể thao dân tộc của địa phương). Hội trường được sử dụng vào các hoạt động chung của xã.
c) Nhà văn hóa - khu thể thao thôn là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, hội họp, sinh hoạt cộng đồng của thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
d) Diện tích đất tối thiểu:
- Trung tâm văn hóa, thể thao xã:
+ Nhà văn hóa đa năng: 1 000 m2 đối với các xã vùng đồng bằng và 800 m2 đối với các xã vùng miền núi, trong đó:
♦ Hội trường: 150 chỗ ngồi đối với các xã vùng đồng bằng và 100 chỗ ngồi đối với các xã vùng miền núi;
♦ Phòng chức năng (hành chính; thông tin; đọc sách, báo; truyền thanh; câu lạc bộ): 05 phòng đối với các xã vùng đồng bằng và từ 02 phòng trở lên đối với các xã vùng miền núi;
♦ Phòng tập thể thao đơn giản sử dụng để huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu thể thao, diện tích: 30 m x 18 m đối với các xã vùng đồng bằng và 24 m x 12 m đối với các xã vùng miền núi;
♦ Các công trình phụ trợ (nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa) cần đáp ứng yêu cầu: 100 % đối với các xã vùng đồng bằng và 70 % đối với các xã vùng miền núi.
- Nhà văn hóa - khu thể thao thôn:
+ Nhà văn hóa: 500 m2 đối với các xã vùng đồng bằng và 300 m2 đối với các xã vùng miền núi, trong đó:
♦ Hội trường: 100 chỗ ngồi đối với các xã vùng đồng bằng và 80 chỗ ngồi đối với các xã vùng miền núi;
♦ Phòng chức năng (hành chính; thông tin; đọc sách, báo; truyền thanh; câu lạc bộ): 02 phòng đối với các xã vùng đồng bằng và từ 01 phòng trở lên đối với các xã vùng miền núi;
+ Khu thể thao thôn: 2 000 m2 đối với các xã vùng đồng bằng và 1 500 m2 đối với các xã vùng miền núi, trong đó:
♦ Sân tập thể thao đơn giản: 250 m2 đối với các xã vùng đồng bằng và 200 m2 đối với các xã vùng miền núi;
♦ Phòng tập thể thao đơn giản sử dụng để huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu thể thao, diện tích: 24 m x 12 m đối với các xã vùng đồng bằng và 18 m x 15 m đối với các xã vùng miền núi.
e) Trang thiết bị bàn ghế, giá, tủ, trang bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thanh, dụng cụ thể thao chuyên dụng đáp ứng yêu cầu: 100 % đối với các xã vùng đồng bằng và 70 % đối với các xã vùng miền núi.
CHÚ THÍCH:
1) Đối với các xã có điều kiện cần bố trí thêm:
- Phòng truyền thống để trưng bày lịch sử và thành tích chiến đấu, sản xuất của địa phương: diện tích xây dựng tối thiểu là 200 m2;
- Thư viện: 15 chỗ ngồi đối với các xã vùng đồng bằng; 10 chỗ ngồi đọc đối với các xã vùng miền núi; kho sách có sức chứa từ 3 000 đến 5 000 cuốn;
2) Sân bãi thể thao cần kết hợp với sân thể thao của trường học và dùng làm bãi chiếu phim ngoài trời để tiết kiệm đất. Cần tận dụng sông ngòi, ao hồ sẵn có để cải tạo làm nơi bơi lội, vui chơi. Thiết kế sân bãi thể thao cần tham khảo các quy định có liên quan.
6.1.3.6. Chợ
a) Trên địa bàn xã có thể có chợ thôn và chợ xã để phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, thông qua các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ trong xã.
b) Chợ xã là chợ hạng 3 có dưới 200 điểm kinh doanh với tiêu chuẩn diện tích một đơn vị kinh doanh chuẩn là 3 m2. Khuyến khích tăng số hộ kinh doanh trên chợ và tăng thời gian bán hàng hàng ngày của các hộ trong xã.
c) Diện tích đất xây dựng chợ từ 2 000 m2 đến 3 000 m2;
d) Chợ được xây dựng cấp 3 hoặc cấp 4, có số tầng cao từ 1 tầng đến 2 tầng.
e) Mặt bằng tổng thể của chợ, thường bao gồm các loại diện tích chiếm đất như: diện tích xây dựng nhà chợ chính (và các hàng mục công trình có mái khác), diện tích mua bán ngoài trời, diện tích đường giao thông nội bộ và bãi để xe, diện tích sân vườn, cây xanh, nơi thu gom rác thải.
CHÚ THÍCH: Đối với chợ ở các xã miền núi cần bố trí các không gian để tổ chức các hoạt động văn hóa ngoài trời phù hợp với các hoạt động văn hóa, lễ hội ở địa phương.
f) Mật độ xây dựng:
+ Diện tích xây dựng nhà chợ chính (và các hạng mục công trình có mái khác): không nhỏ hơn 40 %;
+ Diện tích mua bán ngoài trời: không nhỏ hơn 25 %;
+ Diện tích đường giao thông nội bộ và bãi để xe: lớn hơn 25 %;
+ Diện tích sân vườn, cây xanh: không nhỏ hơn 10 %.
CHÚ THÍCH: Có thể kết hợp sử dụng diện tích bãi để xe vào các hoạt động văn hóa lễ hội ngoài trời.
g) Thiết kế chợ phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, kết hợp chặt chẽ với giải pháp thiết kế kỹ thuật của các công trình lân cận (như: tổ chức đường giao thông, hệ thống đường ống cấp nước chữa cháy, thông tin liên lạc báo cháy…) phù hợp với các quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành và phải tính đến khả năng phát triển chợ sau này.
h) Đối với các xã vùng sâu, vùng xa có thể tổ chức các cửa hàng hợp tác xã mua bán phục vụ các hoạt động mua bán thực phẩm, rau quả, nông sản, lâm sản, hàng thủ công hoặc cửa hàng ăn uống. Diện tích khu đất cửa hàng mua bán hợp tác xã có diện tích từ 500 m2 đến 600 m2. Ngoài ra còn có thể xây dựng một số cửa hàng phục vụ sinh hoạt của nhân dân như sửa chữa đồ gia dụng, xe đạp, xe máy, may mặc, cắt tóc. Diện tích khu đất xây dựng các cửa hàng phục vụ sinh hoạt của nhân dân có diện tích từ 300 m2 đến 400 m2. Các cửa hàng này nên ở trên trục đường chính của xã và kết hợp với chợ xã. Số chỗ bán hàng phụ thuộc vào quy mô dân số và khả năng thực tế phát triển kinh tế, xã hội của xã, thường tính từ 1 000 dân/chỗ bán đến 2 000 dân/chỗ bán.
i) Khi thiết kế chợ nông thôn cần tham khảo các quy định có liên quan.
6.1.3.7. Điểm phục vụ bưu chính viễn thông
a) Mỗi xã phải có ít nhất một điểm phục vụ bưu chính viễn thông cho người dân trên địa bàn xã, đạt mức độ phục vụ bình quân tối đa là 8 000 người dân trên một điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, bán kính phục vụ bình quân dưới 3 km;
b) Các cơ sở phục vụ bưu chính, viễn thông gồm có: bưu cục (nếu có), đại lý bưu điện, điểm bưu điện - văn hóa xã, ki ốt, thùng thư công cộng và các điểm truy nhập dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng khác (gồm cả truy cập internet);
c) Các cơ sở phục vụ bưu chính, viễn thông phải đặt ở vị trí thuận lợi cho người sử dụng, thuận lợi cho việc kết nối với mạng đường thư, mạng truyền dẫn thông tin như trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của xã; trung tâm khu dân cư đi lại, làm việc như đầu mối giao thông, bến tàu, bến cảng, chợ, trường học, công trường…
d) Diện tích đất cấp cho một điểm phục vụ bưu chính viễn thông: không nhỏ hơn 150 m2.
CHÚ THÍCH: Điểm phục vụ bưu chính viễn thông có thể bố trí kết hợp với nhà văn hóa, thể thao xã, thôn bản.
6.1.4. Yêu cầu quy hoạch công trình sản xuất và phục vụ sản xuất
6.1.4.1. Trong khu vực trung tâm xã và các xóm nhà ở có thể bố trí các công trình sản xuất và phục vụ sản xuất không gây ô nhiễm như các công trình phục vụ trồng trọt, kho giống lúa, cây trồng, sân phơi, công trình sản xuất tiểu thủ công nghiệp dệt thảm, thêu ren, gia công hàng tiêu dùng…
CHÚ THÍCH: Sân phơi có thể kết hợp sử dụng vào một số sinh hoạt công cộng như hội họp, văn nghệ, chiếu phim của xã.
6.1.4.2. Các công trình phục vụ sản xuất như kho nông sản, kho giống lúa, ngô, kho phân hóa học và thuốc trừ sâu, kho nông cụ vật tư,… phải bố trí liên hệ thuận tiện với đường giao thông nội đồng. Khoảng cách từ các kho phân hóa học phải đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu 100 m đến các công trình khác về cuối hướng gió chủ đạo.
6.1.4.3. Trạm xay xát, xưởng sửa chữa cơ khí nông cụ nên đặt gần trục đường liên thôn, liên xã nhưng phải đặt cách xa khu trung tâm xã và khu dân cư tối thiểu là 100 m để chống ồn và bụi.
6.1.4.4. Các trang trại chăn nuôi hoặc khu nuôi trồng thủy sản tập trung phải có hệ thống thu gom và xử lý phân, rác. Địa điểm xây dựng phải gần nguồn nước, nguồn cung cấp thức ăn, thuận tiện giao thông, cuối hướng gió. Khoảng cách ly vệ sinh giữa trại chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung với khu dân cư phải lớn hơn 100 m.
6.1.5. Yêu cầu quy hoạch cây xanh, mặt nước
6.1.5.1. Cây xanh trong các điểm dân cư nông thôn bao gồm cây xanh, vườn hoa công cộng; vườn cây tập trung như cây ăn quả, cây thuốc, vườn ươm; cây xanh cách ly tại các khu sản xuất, công trình sản xuất tập trung.
6.1.5.2. Cây xanh, vườn hoa nên được trồng tại khu trung tâm xã và quanh các công trình công cộng, công trình văn hóa, lịch sử.
6.1.5.3. Chỉ tiêu đất cây xanh công cộng được lấy theo quy định trong Bảng 1.
6.1.5.4. Trồng cây xanh ở các điểm dân cư nông thôn phải kết hợp chặt chẽ giữa lợi ích kinh tế với các yêu cầu cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp với quy hoạch trồng cây phòng hộ, cây chống xói mòn và bạc màu đất.
6.1.5.5. Cây xanh trong khuôn viên các hộ gia đình cần phù hợp với hướng nhà, để đảm bảo thoáng mát, che chắn nắng, phù hợp điều kiện đất đai và bản sắc của địa phương.
6.1.5.6. Ven đường trục xã, liên xã, đường từ xã tới thôn cần trồng ít nhất một hàng cây bóng mát cho thu hoạch gỗ hoặc hoa quả. Đảm bảo mật độ cây xanh trong khu trung tâm xã và trong các công trình văn hóa, di tích lịch sử.
6.1.5.7. Xung quanh khu sản xuất, các công trình sản xuất gây bụi, phát ra tiếng ồn hoặc có mùi cần trồng dải cây xanh cách ly.
CHÚ THÍCH: Nên trồng cây có thân cao, tán lớn, lá dầy xen kẽ với cây bụi để tăng khả năng cách ly vệ sinh.
6.1.5.8. Không được trồng cây có nhựa độc, cây hoa quả có hấp dẫn ruồi muỗi, cây có gai trong trường học, trạm y tế. Cần trồng các loại cây bóng mát và tác dụng làm sạch không khí.
6.1.5.9. Cần tận dụng mặt nước ao, hồ, sông suối để tạo môi trường sinh thái và làm nơi điều hòa thoát nước mặt khi cần thiết. Đối với các ao, hồ tù đọng phải được cải tạo để tạo lập không gian cảnh quan, sinh thái đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường.
6.2. Quy hoạch mạng lưới hệ thống hạ tầng kỹ thuật điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã
6.2.1. Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật
6.2.1.1. Quy hoạch san nền
6.2.1.1.1. Quy hoạch san đắp nền phải tận dụng địa hình tự nhiên, hạn chế khối lượng đất san lấp, đào đắp, bảo vệ cây lưu niên, lớp đất màu, hạn chế tối đa hiện tượng xói lở đường, nền công trình. Cần xác định cốt cao độ khống chế quy hoạch của công trình, sân bãi, đường xá, hệ thống thoát nước.
6.2.1.1.2. Quy hoạch san đắp nền phải đảm bảo thoát nước mưa, giao thông đi lại thuận tiện, an toàn.
6.2.1.1.3. San nền giật cấp các khu vực có độ dốc từ 10 % đến 20 %, kè các mái dốc tạo mặt bằng đủ để xây dựng công trình.
6.2.1.1.4. Chỉ tiến hành san đắp nền khi đã xác định vị trí quy hoạch xây dựng công trình và có quy hoạch thoát nước mưa.
6.2.1.1.5. Cao độ thiết kế được xác định tùy thuộc loại công trình:
- Đối với nhà kho (kho phân hóa học, thuốc trừ sâu, kho thóc giống), trạm y tế xã, nhà trẻ: cao độ nền phải nằm trên mực nước lũ cao nhất có thể xảy ra, tối thiểu là 0,3 m.
- Đối với các trại chăn nuôi, sân phơi, trạm xay xát, trụ sở xã: cao độ phải nằm trên mực nước ngập trung bình lớn nhất hàng năm;
- Nhà ở và các công trình công cộng khác: phải đảm bảo cao độ nền không thấp hơn 1,5 m so với mực nước ngập cao nhất.
6.2.1.1.6. Đối với điểm dân cư nằm trong vùng đồng bằng bị ngập thì quy hoạch đào kênh, đào ao, đắp nền phải được nghiên cứu toàn diện để kết hợp việc sử dụng đất với chăn nuôi thủy sản và giao thông đường thủy.
6.2.1.2. Quy hoạch thoát nước mưa
6.2.1.2.1. Hệ thống thoát nước mưa cần căn cứ vào đặc điểm địa hình, lượng nước mưa, diện tích bề mặt, xác định cao độ khống chế cho từng điểm dân cư, phân chia lưu vực thoát nước, hướng dốc, độ dốc và hệ thống cống rãnh.
6.2.1.2.2. Cần lựa chọn hệ thống thoát nước chung, thoát nước nửa chung, nửa riêng phù hợp với hệ thống tiêu thủy lợi. Đối với sông suối chảy qua khu vực dân cư, cần cải tạo, gia cố bờ, chống sạt lở.
6.2.1.2.3. Dùng hệ thống mương, máng hở để thu và dẫn nước mưa đến các hồ ao hoặc kênh tưới.
6.2.1.2.4. Cần tận dụng hệ thống ao hồ để làm nơi điều hòa tiêu thoát nước, tránh úng ngập cục bộ trong khu dân cư.
6.2.1.2.5. Mạng lưới thoát nước mưa phụ thuộc vào loại mặt phủ và chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán P, được lấy theo TCVN 7957:2008.
6.2.1.2.6. Đối với khu dân cư nằm bên sườn đồi, núi phải thiết kế các mương đón hướng dòng chảy hoặc kênh chắn hướng dòng trên đỉnh đồi, núi xuống, không chảy tràn qua khu dân cư.
6.2.2. Quy hoạch giao thông
6.2.2.1. Khi quy hoạch đường giao thông nông thôn phải đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội của các làng xã, thôn bản, bảo đảm cho các phương tiện cơ giới và xe thô sơ qua lại.
6.2.2.2. Mạng lưới đường giao thông nông thôn phải phù hợp với địa hình để đảm bảo khối lượng đào đắp ít nhất, không phải xây dựng nhiều công trình trên đường (cầu, cống…); kết hợp với mạng lưới tưới tiêu của thủy lợi.
6.2.2.3. Đường từ huyện đến xã phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường ô tô cấp IV được quy định trong TCVN 4054:2005, như sau:
- Lưu lượng xe thiết kế: lớn hơn 500 xqđtc/ngđ.
- Tốc độ thiết kế:
+ 60 km/h đối với vùng đồng bằng;
+ 40 km/h đối với vùng miền núi.
- Số làn xe tối thiểu dành cho xe cơ giới: 2 làn xe.
- Chiều rộng phần xe chạy dành cho xe cơ giới: không nhỏ hơn 3,5 m/làn xe.
- Chiều rộng lề và lề gia cố: không nhỏ hơn 1,50 m; tối thiểu phải không nhỏ hơn 0,5 m.
- Chiều rộng nền đường: 9,00 m.
- Tĩnh không: 4,5 m.
6.2.2.4. Đường trục xã, từ xã đến thôn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp A được quy định như sau:
- Tốc độ thiết kế:
+ 15 km/h đối với vùng đồng bằng;
+ 10 km/h đối với vùng miền núi.
- Số làn xe tối thiểu dành cho xe cơ giới: 1 làn xe.
- Chiều rộng phần xe chạy dành cho xe cơ giới: không nhỏ hơn 3,5 m/làn xe.
- Chiều rộng lề và lề gia cố: không nhỏ hơn 1,00 m; tối thiểu phải không nhỏ hơn 0,5 m;
- Chiều rộng nền đường: 5,00 m (đối với xã có điều kiện khó khăn 4,0 m).
- Tĩnh không: 3,5 m.
6.2.2.5. Đường thôn có chiều rộng phần cho xe chạy từ 4 m đến 5 m, chiều rộng lề đường tối thiểu 0,5 m, tĩnh không: 3,0 m.
6.2.2.6. Đường ngõ, xóm có chiều rộng lòng đường tối thiểu là 3,5 m, được cứng hóa và có rãnh thoát nước.
6.2.2.7. Đường trục chính nội đồng phải đáp ứng yêu cầu từ phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới nhẹ hoặc phương tiện giao thông thô sơ. Chiều rộng mặt đường bờ vùng (trục giao thông chính nội đồng): không nhỏ hơn 2,0 m, chiều rộng nền không nhỏ hơn 3,0 m và có chỗ cho xe tránh nhau. Chiều rộng bờ thửa là 1,5 m.
6.2.2.8. Đường trục chính nội đồng được bố trí phù hợp với hệ thống kênh mương thủy lợi và được rải cấp phối.
6.2.2.9. Đối với các xã có phát triển thương mại, dịch vụ cần bố trí bãi đỗ xe. Các xã có phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì đường vận chuyển hàng hóa nên đi phía ngoài điểm dân cư, nối với nhà máy, kho tàng, bến bãi.
6.2.2.10. Kết cấu mặt đường được áp dụng các hình thức kết cấu mặt đường bê tông xi măng hoặc đá dăm, hoặc lát gạch, cát sỏi trộn xi măng, hoặc gạch vỡ, xỉ lò cao theo cấp kỹ thuật các quy định hiện hành có liên quan.
6.2.3. Quy hoạch cấp nước
6.2.3.1. Tại các điểm dân cư nông thôn tập trung phải được cung cấp nước sạch đáp ứng chất lượng nước sinh hoạt [4]. Hệ thống cấp nước cho các điểm dân cư nông thôn xã có thể là cấp nước tập trung hoặc phân tán, sử dụng các nguồn nước ngầm và nước mặt. Đối với các xã khan hiếm nguồn nước nên có giải pháp thu gom và dự trữ nước mưa.
6.2.3.2. Đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt như sau:
- Có trang thiết bị vệ sinh và mạng lưới đường ống cấp thoát nước: không nhỏ hơn 100 lít/người/ngày;
- Có đường ống dẫn đến và vòi nước gia đình: không nhỏ hơn 60 lít/người/ngày;
- Sử dụng vòi nước công cộng: không nhỏ hơn 40 lít/người/ngày.
CHÚ THÍCH: Tiêu chuẩn dùng nước của một số ngành nghề sản xuất tham khảo phụ lục C của tiêu chuẩn này.
6.2.3.3. Chất lượng nguồn nước phải đảm bảo các yêu cầu có liên quan [9] và [10].
6.2.3.4. Quy định khoảng cách ly vệ sinh để bảo vệ nguồn nước:
- Đối với nguồn nước mặt: trong khoảng 200 m tính từ điểm lấy nước về phía thượng lưu và 100 m về phía hạ lưu không được xây dựng các công trình gây ô nhiễm nguồn nước.
- Đối với nguồn nước ngầm: trong phạm vi bán kính 20 m tính từ giếng không được xây dựng các công trình làm nhiễm bẩn nguồn nước;
- Đối với các giếng nước công cộng, giếng khoan: phải chọn nơi có nguồn nước tốt, xây thành giếng cao và lát xung quanh; cách nhà vệ sinh, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc các nguồn gây ô nhiễm khác tối thiểu là 10 m;
CHÚ THÍCH: Cây trồng phải cách xa giếng ít nhất 10 m và không được trồng các loại cây có nhựa độc.
6.2.4. Quy hoạch cấp điện
6.2.4.1. Yêu cầu về phụ tải điện
- Nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt điểm dân cư nông thôn cần đảm bảo đạt yêu cầu tối thiểu như trong Bảng 2 theo quy định hiện hành có liên quan [11].
- Nhu cầu điện cho công trình công cộng trong các điểm dân cư nông thôn phải đảm bảo không nhỏ hơn 15 % nhu cầu điện sinh hoạt của xã.
- Nhu cầu điện phục vụ sản xuất phải dựa theo các yêu cầu cụ thể của từng cơ sở sản xuất.
6.2.4.2. Quy hoạch tuyến điện trong các điểm dân cư phải gắn liền với quy hoạch cải tạo kiến trúc, cải tạo đường giao thông, hồ ao.
Bảng 2 - Nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt điểm dân cư nông thôn
Khu vực |
2010 |
2015 |
||
Nhu cầu điện năng kWh/hộ/năm |
Nhu cầu công suất W/hộ |
Nhu cầu điện năng kWh/hộ/năm |
Nhu cầu công suất W/hộ |
|
1. Trung tâm cụm xã |
1 200 |
850 |
1 600 |
1 000 |
2. Đồng bằng, trung du |
700 |
500 |
1 000 |
650 |
3. Miền núi |
400 |
350 |
600 |
450 |
CHÚ THÍCH: Nhu cầu điện sinh hoạt được xác định trên cơ sở dự báo đăng ký sử dụng điện, mức sống, số lượng và chủng loại thiết bị điện và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã. |
6.2.4.3. Trạm biến áp phải đặt ở trung độ của các điểm dùng điện hoặc ở gần phụ tải điện lớn nhất, có vị trí thuận tiện cho việc đặt đường dây ra - vào, ít cắt đường giao thông không gây trở ngại và nguy hiểm cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trạm biến áp nên đặt ở nơi cao ráo.
6.2.4.4. Hành lang bảo vệ trạm biến áp:
- Đối với điện áp 22 KV: không nhỏ hơn 2m;
- Đối với điện áp 35 kV: không nhỏ hơn 3 m.
6.2.4.5. Bố trí đường dây cao thế dưới 20 kV cần bảo đảm các yêu cầu sau:
- Bám theo trục các đường;
- Ít vượt sông hồ;
- Ít vượt đường giao thông lớn, khu ở;
- Tránh xuyên qua các công trình công cộng, công trình sản xuất nhà ở. Nếu đi ven sông, bờ kênh mương, bờ hồ ao cần có biện pháp bảo vệ chân cột không bị nước xói mòn hoặc sụt lở;
- Không được đi qua các nơi chứa chất dễ cháy, dễ nổ (bãi xăng dầu, bãi than, kho bông, sợi, kho phân đạm, kho lương thực, bãi để tre, nứa, lá gỗ…);
- Đường dây cao thế không được đi qua mái nhà. Nếu đường dây cao thế chạy qua công trình sản xuất có mái lợp bằng tôn thì công trình phải được tiếp đất phù hợp với quy định có liên quan.
6.2.4.6. Khoảng cách từ đường dây hạ thế tới công trình phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu sau:
- Cách cửa sổ, ban công, nóc nhà: 0,7 m;
- Cách cửa nhà: 0,5 m.
- Khoảng cách nằm ngang giữa các đường dây đi song song và gần nhau ở trạng thái tĩnh: 4,0 m.
6.2.4.7. Nên lắp đặt riêng đường dây cấp điện sinh hoạt, điện công nghiệp và nông nghiệp.
6.2.4.8. Các công trình quan trọng, các hộ tiêu thụ có nhu cầu sử dụng điện lớn cần có nguồn điện dự phòng.
6.2.4.9. Bố trí các tuyến chiếu sáng theo các trục đường liên thôn, đường ngõ xóm. Hệ thống chiếu sáng đường cho các điểm dân cư nông thôn, khu vực trung tâm xã phải đạt chỉ tiêu tối thiểu:
- Độ chói trung bình trên mặt đường: từ 0,2 Cd/m2 đến 0,4 Cd/m2;
- Độ rọi trung bình trên mặt đường: 5 lux đến 8 lux.
6.2.5. Quy hoạch thoát nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, nghĩa trang
6.2.5.1. Thoát nước thải
6.2.5.1.1. Trong các điểm dân cư nông thôn phải có hệ thống thoát nước từ các hộ gia đình dẫn ra hệ thống (chung hoặc riêng) dẫn ra ao, hồ kênh rạch, rãnh (cống thoát nước).
6.2.5.1.2. Bố trí rãnh (cống thoát nước) dọc theo trục đường chính, có độ dốc thoát ra ruộng, ao, hồ, mương tiêu thủy lợi. Xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước có tấm đan hoặc mương hở để thoát nước chung.
Tỷ lệ thu gom nước thải và lựa chọn hệ thống thoát nước các điểm dân cư cần phù hợp với khu vực nông thôn ở các vùng, miền khác nhau, tối thiểu phải thu gom được 80 % lượng nước cấp để xử lý.
6.2.5.1.3. Tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt phải phù hợp với quy định về tiêu chuẩn nước thải [12].
6.2.5.1.4. Phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nước sản xuất bị nhiễm bẩn của các làng nghề, trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung.
- Nước thải làng nghề phải xử lý đạt tiêu chuẩn loại B theo TCVN 5945:2010.
- Đối với nước thải từ các cơ sở chế biến thủy sản, cơ sở chế sản xuất giấy và bột giấy, các cơ sở dệt may phải phù hợp với quy định có liên quan [13], [14] và [15].
6.2.5.1.5. Nước thải sau khi được xử lý sơ bộ sẽ được dẫn đến hệ thống thoát nước chung để áp dụng phương pháp xử lý bằng sinh học trong điều kiện tự nhiên tại các ao, hồ (hồ sinh học) hoặc giếng tự thấm.
6.2.5.2. Thu gom và xử lý chất thải rắn
6.2.5.2.1. Sử dụng các hình thức tổ hợp vườn, ao chuồng (VAC) và áp dụng phương pháp công nghệ sinh học như: thùng rác, hầm chứa rác, hố chứa rác tự phân hủy, hố ủ phân trát bùn tại các hộ gia đình để xử lý chất thải rắn từ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện chất lượng môi trường nước, đất và không khí.
6.2.5.2.2. Hình thành các hợp tác xã, hộ kinh doanh hoặc các hình thức khác để thực hiện thu gom chất thải rắn vô cơ từ các thôn, xóm tới các điểm thu gom tập trung và vận chuyển tới khu xử lý chất thải rắn của xã hoặc cụm xã.
6.2.5.2.3. Các điểm tập thu gom tại các thôn, xóm được bố trí trong bán kính không lớn hơn 100 m, sau đó vận chuyển tới các trạm trung chuyển.
Khu chôn lấp chất thải rắn thông thường được quy hoạch với chỉ tiêu diện tích đất từ 0,3 ha đến 0,5 ha/khu. Khoảng cách từ khu chôn lấp đến khu dân cư ở cuối hướng gió chính không được nhỏ hơn 1 000 m, các hướng khác là 300 m. Xung quanh khu chôn lấp phải xây tường bao, mương thu nước, trồng cây xanh cách ly.
6.2.5.2.4. Các hộ gia đình có tổ chức sản xuất tại nơi ở phải có trách nhiệm phân loại chất thải, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, không được đổ chất thải ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và các nguồn nước mặt.
6.2.5.2.5. Các chất thải ở dạng bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất đã hết hạn sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải được lưu giữ trong các túi riêng, được thu gom, vận chuyển và xử lý riêng.
6.2.5.2.6. Nhà vệ sinh trong các hộ gia đình và nhà vệ sinh công cộng trong trường học, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa phải đảm bảo điều kiện vệ sinh như các quy định có liên quan.
6.2.5.2.7. Các hộ gia đình có quy mô chăn nuôi gia súc lớn nên sử dụng ủ phân bằng bể khí sinh học (biogas) để sử dụng khí mêtan làm nhiên liệu thắp sáng và nấu ăn.
6.2.5.3. Nghĩa trang
6.2.5.3.1. Mỗi xã chỉ nên bố trí một nghĩa trang nhân dân với các hình thức mai táng khác nhau. Đối với các xã có nhu cầu khác nhau theo từng dân tộc, tôn giáo thì nên bố trí thành các khu an táng riêng biệt.
CHÚ THÍCH: Đối với các điểm dân cư nông thôn của 2 - 3 xã gần nhau (trong bán kính 3 km) thì quy hoạch một nghĩa trang nhân dân chung cho các xã đó.
6.2.5.3.2. Yêu cầu quy hoạch địa điểm nghĩa trang phải phù hợp với khả năng khai thác quỹ đất; phù hợp với tổ chức phân bố dân cư và kết nối công trình hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
6.2.5.3.3. Địa điểm xây dựng nghĩa trang phải phù hợp với điều kiện tự nhiên như: khí hậu, địa hình, địa chất, thủy văn… Không bố trí nghĩa trang tại khu vực thiên tai, úng ngập, sạt lở. Riêng nghĩa trang hung táng cần ở nơi trũng, có độ ẩm cao.
6.2.5.3.4. Diện tích đất nghĩa trang được xác định trên cơ sở:
- Tỷ lệ tử vong tự nhiên;
- Diện tích đất xây dựng cho một mộ phần.
6.2.5.3.5. Diện tích đất xây dựng cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát táng tối đa không quá 3 m2. Đảm bảo tỷ lệ sử dụng đất dành cho chôn cất không vượt quá 35 % và cho cây xanh không nhỏ hơn 50 % tổng diện tích nghĩa trang.
CHÚ THÍCH: Diện tích trên đã kể đến đường đi và khoảng cách giữa các ngôi mộ.
6.2.5.3.6. Phân khu chức năng, phân lô mộ, nhóm mộ, hàng mộ, khoảng cách giữa các mộ tuân thủ theo quy định đồng thời phải thuận tiện cho việc thực hiện các nghi lễ táng, tham khảo TCVN 7956:2008.
6.2.5.3.7. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật; các công trình nhà hỏa táng, nhà lưu giữ tro cốt (nếu có), các công trình phục vụ, các công trình khác có liên quan phải được quy hoạch xây dựng đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường.
6.2.5.3.8. Nghĩa trang cần được quy hoạch đường đi, trồng cây xanh bao quanh và trong nghĩa trang, có rào ngăn thích hợp. Các tuyến đường chính và nhánh trong nghĩa trang phải có rãnh thoát nước mặt. Xung quanh nghĩa trang phải có hệ thống mương thoát nước mặt.
6.2.5.3.9. Khoảng cách tối thiểu từ ranh giới nghĩa trang đến các công trình khác được quy định trong Bảng 3.
Bảng 3 - Khoảng cách ly vệ sinh tối thiểu của nghĩa trang đến các công trình khác
Đối tượng cần cách ly |
Khoảng cách tới nghĩa trang m |
||
Nghĩa trang hung táng |
Nghĩa trang chôn một lần |
Nghĩa trang cát táng |
|
1. Từ hàng rào của hộ dân gần nhất |
≥ 1 500 |
≥ 700 |
≥ 300 |
2. Công trình khai thác nước sinh hoạt tập trung |
≥ 5 000 |
≥ 5 000 |
≥ 3 000 |
6.3. Yêu cầu quy hoạch xây dựng nông thôn vùng bị ảnh hưởng thiên tai
6.3.1. Yêu cầu chung
6.3.1.1. Khi quy hoạch xây dựng nông thôn vùng bị ảnh hưởng thiên tai ngoài việc đáp ứng các quy định trong 5.1; 5.2; 6.1 và 6.2 còn cần phải tuân theo các quy định trong 6.3 của tiêu chuẩn này. Giải pháp phòng chống thiên tai phải phù hợp với quy hoạch phòng chống thiên tai của vùng hoặc huyện, tỉnh.
CHÚ THÍCH: Các ảnh hưởng thiên tai thường gặp là bão lũ, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất, động đất…
6.3.1.2. Tại các vùng bị ảnh hưởng thiên tai phải bố trí điểm sơ tán khẩn cấp. Các công trình công cộng như trụ sở cơ quan, trạm y tế, trường học… được xây dựng kiên cố, cao trên 2 tầng để làm nơi tránh bão, lũ, lụt. Cao độ nền cao hơn mức nước lũ lớn nhất (max) hàng năm.
6.3.1.3. Quy hoạch phòng chống thiên tai cần xây dựng mạng lưới thông tin dự báo tại các địa phương.
6.3.1.4. Không được quy hoạch, bố trí các điểm dân cư tại những khu vực đã được cảnh báo, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai: lũ ống lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở,…
6.3.1.5. Đối với khu vực dân cư hiện hữu thì phải có biện pháp bảo vệ, hướng dòng lũ quét ra khỏi khu vực hoặc di dời dân trong trường hợp cần thiết.
6.3.1.6. Số liệu điều kiện tự nhiên của các địa phương có thể tham khảo quy định có liên quan [16].
6.3.2. Yêu cầu đối với khu vực bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy và gió bão
6.3.2.1. Không được xây dựng điểm dân cư trong hành lang bị ảnh hưởng của lũ quét và khu vực cấm xây dựng theo các quy định có liên quan.
6.3.2.2. Xác định cắm mốc phạm vi đường thoát lũ ở hai bên sông, suối, ở vùng đất trũng để phục vụ cho công tác quy hoạch phòng, chống, tránh lũ của địa phương.
6.3.2.3. Cần tiến hành quy hoạch điều chỉnh, bố trí lại khu dân cư. Tuyệt đối không được xây dựng nhà, công trình trong phạm vi đường thoát lũ để phòng tránh sự phá hoại của chúng. Phải có biện pháp gia cố sườn dốc, lấp khe vực.
6.3.2.4. Cần tính toán khả năng tiêu và thoát nước mưa, nước ngầm trong khe núi chảy ra; nước từ đỉnh đồi, núi chảy xuống.
6.3.2.5. Quy hoạch phòng lũ cần kết hợp với hệ thống sông ngòi, hệ thống thủy lợi, trồng rừng, kết hợp với các giải pháp chỉnh trị sông, tu sửa đê đập, bờ cao. Cao độ tôn nền trên mực nước lũ cao nhất từ 0,5 m đến 0,7 m. Cần tập trung những khu đất, gò, đồi cao, bờ kênh, đường giao thông… để tiết kiệm khối lượng đắp, nhưng phải đảm bảo không để lũ gây sạt lở, xói trôi…
6.3.2.6. Có giải pháp thoát lũ thích hợp khi có bão: hồ điều hòa, phá bỏ các vật cản, khơi thông hệ thống hồ, ao sông, kênh, đầm phá. Hệ thống thoát nước được thiết kế chảy vào sông, hồ (nếu có) hoặc vào kênh mương thủy lợi.
6.3.2.7. Đối với vùng chịu ảnh hưởng ngập lụt do úng lụt nội đồng do mưa lớn, lũ lớn ngoài sông, do tràn vỡ đê, do nước dâng, do bão… cần đảm bảo yêu cầu sau:
- Khu vực có đê bảo vệ:
+ Tôn nền với cao độ xây dựng khống chế bằng mức úng nội đồng lớn nhất cộng 0,5 m;
+ Xây dựng hệ thống thoát nước kết hợp với tiêu thủy lợi.
- Khu vực chưa có hệ thống đê bảo vệ: nên xây dựng hệ thống đê bao hoặc tôn nền, hệ thống kênh tiêu, hồ điều hòa, trạm bơm tiêu.
6.3.2.8. Các tuyến đê bao, đê khoanh vùng bảo vệ khu dân cư phải có hình thức và kết cấu tuyệt đối an toàn.
6.3.2.9. Đối với vùng ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều, nước biển dâng do bão, sóng lớn phải đảm bảo yêu cầu công trình chống được lũ khi mực nước triều có tần suất P = 5 %. Áp dụng các giải pháp giảm nhẹ thiên tai như làm đường tránh lũ, đê quai, đê chống lũ tiểu mãn, đê biển cho các xã bị ngập lũ biển…
6.3.2.10. Khi thiết kế hệ thống đê biển, đê sông; các hệ thống tiêu thoát lũ, các công trình có tính vĩnh cửu phải xét tới các đặc trưng hải dương như thủy triều, nước dâng, sóng, gió, lớn khi có bão.
6.3.2.11. Đối với khu vực bị sạt lở đất phải có giải pháp kè bờ sông, trồng cây xanh,… để tránh sạt lở đất hai bên bờ sông.
6.3.2.12. Đối với khu vực có gió bão phải lựa chọn địa điểm xây dựng ở nơi khuất gió, tránh hướng gió chủ đạo. Tận dụng địa hình gò, đồi để hạn chế tác động của gió bão.
6.3.2.13. Nên xây nhà thành cụm và so le nhau để hạn chế tác động của gió. Mặt bằng nhà phải đơn giản, không nên thiết kế nhà có mặt bằng hình chữ U, L hoặc chữ T. Chiều dài không nên lớn hơn 2,5 lần chiều rộng.
6.3.2.14. Mái và tường nhà phải đảm bảo chịu được tác động của gió và phải được gia cố bằng các biện pháp neo buộc, giằng vào kết cấu mái hoặc khung và sàn chịu lực.
6.3.2.15. Nhà phải có kết cấu tạo độ cứng và khả năng chống xoắn cho nhà. Mỗi nhà phải bố trí bể nước sạch dự trữ và nhà vệ sinh đặt trên cao để sử dụng trong và sau khi có lũ.
6.3.2.16. Các công trình công cộng như trường học, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, kho tàng, trạm y tế phải bố trí ngoài đường thoát lũ và cao trên mực nước lũ lớn nhất 1,0 m để làm nơi tránh lũ.
6.3.3. Yêu cầu đối với khu vực bị ảnh hưởng của động đất
6.3.3.1. Quy hoạch trong vùng có động đất cần tiến hành đánh giá đất xây dựng, mức độ quan trọng của các công trình và có biện pháp di dời khi xảy ra động đất. Nghiêm cấm xây dựng các công trình tập trung đông người tại khu vực có nguy cơ gây nguy hiểm cao.
6.3.3.2. Các công trình xây dựng phải tuân theo các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan để thiết kế phù hợp với cấp động đất ở từng địa phương.
6.3.3.3. Khu vực quy hoạch nằm trong vùng có động đất cần bố trí sân bãi sơ tán người với khoảng cách không lớn hơn 500 m so với khu ở hoặc khu trung tâm xã, chỉ tiêu diện tích 3 m2/người.
6.3.3.4. Các công trình quan trọng như giao thông, thông tin liên lạc, cấp nước, cấp điện, các kho tàng có chứa dễ cháy, nổ, rò rỉ độc hại cần có biện pháp gia cố, ngăn ngừa và di dời khi cần thiết.
6.3.4. Yêu cầu đối với khu vực bị ảnh hưởng ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu long
6.3.4.1. Hình thành các điểm dân cư nông nghiệp, phi nông nghiệp, thương mại dịch vụ, trang trại theo các hình thái dân cư vùng ngập sâu; vùng ngập vừa và nông; làng vườn và dân cư phân bố theo kênh rạch, các trục giao thông đường bộ và mô hình tập trung theo cụm dân cư.
6.3.4.2. Đối với các xã bị ảnh hưởng ngập lụt cần quy hoạch khu ở thành các điểm dân cư tập trung trên khu vực đất cao.
6.3.4.3. Tại các điểm dân cư tập trung hoặc các tuyến dân cư thực hiện giải pháp tôn nền bằng cách đào ao, hồ lấy đất tôn nền theo cụm; đào kênh lấy đất tôn nền dọc bờ kênh, đắp bờ bao khu dân cư hoặc làm nhà trên cọc. Việc đắp bờ ao các khu dân cư phải thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tránh làm dâng cao mực nước được kiểm soát và đảm bảo thoát nước nhanh.
6.3.4.4. Tận dụng đến mức cao nhất địa hình tự nhiên và tính toán triều cường lớn hơn đỉnh triều lớn nhất.
6.3.4.5. Nhà ở nên bám theo sông, kênh, rạch, đường giao thông chính. Hướng thuận lợi là hướng quay ra kênh rạch và đường giao thông, phía sau có đường đi và đảm bảo sự liên kết với các nhà trong xóm. Bố trí các bến thuyền vào nhà đảm bảo sinh hoạt hàng ngày và không cản trở giao thông trên kênh rạch.
6.3.4.6. Đối với vùng ngập nông nên áp dụng giải pháp tôn nền cục bộ kết hợp sàn gác hoặc tôn nền toàn bộ cao hơn mực nước lũ. Tôn nền phải đảm bảo thoát nước nhanh và không gây xói lở nền đường và nền công trình, tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, hạn chế khối lượng san đắp.
6.3.4.7. Nền các công trình phải cao hơn mực nước lũ lớn nhất (max) thường xuyên xảy ra, đặc biệt đối với các công trình nhà kho (nhất là các kho chứa phân hóa học, thuốc trừ sâu, thóc giống), trường học, nhà trẻ, trạm y tế…
6.3.4.8. Đối với vùng ngập sâu chọn giải pháp xây dựng loại hình nhà vượt lũ, nhà sàn, nhà trên cọc kết hợp giải pháp tôn nền. Khi xây dựng nhà sàn, nhà vượt lũ thì chiều cao sàn nhà tính từ cao độ nền không nhỏ hơn 1,5 m.
6.3.4.9. Quy hoạch xây dựng nông thôn vùng ngập lũ, lụt phải kết hợp với hệ thống sông, hồ, hệ thống thoát nước, hệ thống thủy lợi để tiêu, thoát lũ.
6.3.4.10. Tận dụng kênh rạch làm hệ thống giao thông.
6.3.4.11. Lựa chọn cây trồng thích hợp với vùng lũ để bảo vệ đất và chống xói lở.
6.3.4.12. Phải bố trí điểm sơ tán khẩn cấp, có các công trình công cộng làm nơi tránh bão, lụt. Cao độ nền cần cao hơn mức nước tính toán lớn nhất (max) hàng năm tối thiểu là 0,3 m.
6.3.5. Yêu cầu đối với khu vực bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn
6.3.5.1. Cần có giải pháp quy hoạch các bãi chăn thả, trồng rừng, phát triển hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ, sử dụng vật liệu ngăn giữ nước và sử dụng nguồn nước có hiệu quả.
6.3.5.2. Quy hoạch sử dụng đất hợp lý theo cơ cấu sản xuất mùa vụ, nuôi trồng thích hợp theo từng vùng sinh thái. Không quy hoạch khu dân cư ở gần bờ biển, cửa sông.
6.3.5.3. Lựa chọn giải pháp làm đê biển, đê bao kết hợp hệ thống cống và trạm bơm ở các vùng ven biển để tránh ngập lụt; xây dựng các hồ chứa nước ngọt. Các công trình tưới tiêu phải đảm bảo yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất, dân sinh và được kiên cố hóa.
7. Yêu cầu quy hoạch xây dựng cải tạo mạng lưới và điểm dân cư nông thôn hiện hữu
7.1. Quy hoạch xây dựng cải tạo mạng lưới điểm dân cư hiện hữu
7.1.1. Khi tiến hành quy hoạch cải tạo mạng lưới điểm dân cư nông thôn cần căn cứ vào kết quả đánh giá điều kiện tự nhiên; điều kiện kinh tế - xã hội; thực trạng sử dụng đất đai; hạ tầng kỹ thuật và môi trường, công tác quản lý quy hoạch xây dựng và các yếu tố tác động như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; biến động về điều kiện địa lý, tự nhiên trong địa bàn ranh hành chính của xã.
7.1.2. Đối với những xã đã có quy hoạch xây dựng nông thôn được duyệt nhưng chưa đáp ứng các chỉ tiêu về nông thôn mới cần tổ chức điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn cho phù hợp.
7.1.3. Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn phải đảm bảo tính kế thừa, chỉ điều chỉnh những nội dung cần thay đổi.
7.1.4. Nội dung quy hoạch xây dựng cải tạo mạng lưới điểm dân cư nông thôn cần tập trung vào những nội dung điều chỉnh. Xác định rõ các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang để đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, giải pháp tổ chức không gian cho từng khu vực, giải pháp cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng, dịch vụ phù hợp với khả năng, nguồn lực và yêu cầu phát triển.
7.1.5. Đối với các xã có yêu cầu quy hoạch bảo tồn văn hóa, lịch sử cần tôn trọng tính chân thực của lịch sử về kết cấu, không gian và hình thức kiến trúc trên cơ sở áp dụng khoa học và công nghệ. Việc lựa chọn các hạng mục công trình cần bảo tồn, nội dung bảo tồn, phạm vi bảo tồn, vị trí khu đất cần đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
7.2. Quy hoạch xây dựng cải tạo điểm dân cư nông thôn hiện hữu
7.2.1. Khi tiến hành cải tạo, chỉnh trang điểm dân cư hiện hữu phải đánh giá thực trạng quy hoạch sử dụng đất của khu dân cư, khu trung tâm xã, khu xây dựng các công trình sản xuất và phục vụ sản xuất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và khu dành cho các mục đích khác (quốc phòng, du lịch, di tích lịch sử…). Khu vực (theo chức năng) đã sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch cần được giữ lại; khu vực đã ổn định nhưng cần chỉnh trang, cải tạo. Những khu đất không còn phù hợp phải chuyển đổi mục đích sử dụng.
7.2.2. Đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện sống của nhân dân trong các điểm dân cư cũ như tổ chức lại các không gian chức năng, nâng cấp mạng lưới giao thông và các công trình đầu mối kỹ thuật.
7.2.3. Rà soát lại sự phân bố dân cư theo các quy hoạch đã và đang thực hiện. Tùy theo tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế của từng địa phương xác định rõ mô hình xã nông nghiệp, xã phi nông nghiệp, xã có nghề truyền thống, xã có dịch vụ du lịch, thương mại.
7.2.4. Các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang, mở rộng khu ở phải đáp ứng các chỉ tiêu về quy mô dân số, cảnh quan sinh thái, môi trường, phạm vi ranh giới.
7.2.5. Cần đề xuất quy hoạch mới khu dân cư phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai hoặc nhu cầu tái định cư khi có yêu cầu thay đổi chức năng sử dụng đất cho các điểm dân cư ở các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, bắt buộc phải di dời.
7.2.6. Có giải pháp cải tạo hoặc xây mới nhà ở cho các hộ gia đình có diện tích dưới 14 m2/người và nhà tạm, nhà dột nát có tuổi thọ dưới 20 năm. Nhà ở được cải tạo, nâng cấp phù hợp với nhà ở nông thôn truyền thống của từng vùng miền.
7.2.7. Đối với khu trung tâm xã, cần tổ chức lại hoặc điều chỉnh mạng lưới các công trình công cộng, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc nâng cấp cải tạo để phù hợp với chức năng và đảm bảo tiện nghi phục vụ. Những công trình còn phù hợp được đề xuất phát triển, mở rộng; những công trình ít hoặc không còn phù hợp được điều chỉnh lại hoặc di dời. Khi có điều kiện, cần tăng mật độ cây xanh tại các khu vực có mật độ xây dựng lớn.
7.2.8. Việc mở rộng trung tâm xã hoặc các điểm dân cư nông thôn tập trung phải phù hợp với quy mô dân số, khả năng, nguồn lực phát triển trong từng giai đoạn.
7.2.9. Cần chuyển đổi những mảnh đất canh tác nhỏ lẻ xen lẫn với đất thổ cư để có điều kiện hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
7.2.10. Bảo vệ và tôn tạo các di sản văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc, cảnh quan có giá trị đã được xếp hạng. Các công trình được cải tạo nâng cấp hoặc phá dỡ để xây lại, hoặc xây thêm mới phải phù hợp với giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc và chất lượng của các công trình hiện có.
7.2.11. Tổ chức và điều chỉnh lại mạng lưới giao thông trên cơ sở kế thừa và phát triển mạng lưới đường hiện có. Cải tạo và mở rộng các đường cụt, đường hẻm hoặc mở thêm các đường mới để đáp ứng yêu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất và tiếp cận với khu trung tâm xã. Nâng cấp cải tạo kết cấu mặt đường phù hợp với điều kiện cụ thể của từng xã, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường.
CHÚ THÍCH: Các loại kết cấu mặt đường thường được sử dụng là bê tông xi măng, đá dăm vữa xi măng hoặc đá dăm cấp phối, cát sỏi trộn xi măng, gạch vỡ, xỉ lò cao…
7.2.12. Cải thiện hoặc bổ sung thêm các công trình hạ tầng kỹ thuật như trạm cấp điện, trạm cấp nước tập trung cho các khu dân cư tập trung và khu trung tâm xã.
7.2.13. Cải tạo hoặc xây dựng mới nhà xí hợp vệ sinh (nhà xí có bể tự hoại, nhà xí hai ngăn ủ phân tại chỗ hoặc xí thấm hợp vệ sinh).
7.2.14. Xây dựng hệ thống cống hoặc mương thoát nước có tấm đan theo địa hình tự nhiên để thoát nước chung. Mở rộng hồ, ao, đầm, kênh, rạch để thoát nước, chống úng, ngập và làm sạch nước thải tự nhiên.
7.2.15. Có giải pháp thu gom và xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất, làng nghề trước khi thoát ra hệ thống thoát nước chung.
7.2.16. Tổ chức thu gom, phân loại và chôn lấp chất thải rắn vô cơ từ các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Không được xả phân trực tiếp xuống hồ, ao, hầm cỏ.
7.2.17. Có giải pháp di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các công trình sản xuất và phục vụ sản xuất, các cơ sở công nghiệp gây độc hại, ô nhiễm môi trường vào khu chăn nuôi, khu cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung.
7.2.18. Tổ chức bố trí các điểm thu gom rác thải trong từng thôn và trạm trung chuyển rác thải cho từng xã hoặc cụm xã.
7.2.19. Không xây dựng mới nghĩa trang trong các điểm dân cư hiện hữu. Đối với các nghĩa trang nhân dân hiện hữu cần cải tạo đường đi và hệ thống thoát nước mặt xung quanh nghĩa trang. Trồng cây xanh và có rào cây ngăn bao quanh khu vực nghĩa trang.
(tham khảo)
Chỉ tiêu diện tích đất của một số công trình phục vụ sản xuất, trại chăn nuôi
A.1. Diện tích khu đất xây dựng cho một số công trình phục vụ sản xuất:
- Sân thu hoạch: từ 35 m2/ha canh tác đến 45 m2/ha canh tác;
- Kho thóc: từ 2,0 m2/tấn thóc đến 3,0 m2/tấn thóc;
- Kho giống lúa: từ 1,0 m2/ha đến 1,5 m2/ha;
- Kho phân hóa học: từ 0,5 m2/ha canh tác đến 1,0 m2/ha canh tác;
- Nhà ủ phân: từ 0,2 m2/tấn phân ủ đến 3,0 m2/tấn phân ủ;
- Xưởng nghiền trộn: từ 400 m2 đến 500 m2;
- Trạm thú y xã: từ 400 m2 đến 500 m2;
- Trạm xay xát thóc: 250 m2/trạm đến 350 m2/trạm (bao gồm diện tích đất xây dựng nhà để máy xay xát, nơi công nhân vận hành, chỗ để thóc, xay xát, cân đong thóc, sân phục vụ).
A.2. Chỉ tiêu diện tích xây dựng một số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung
Bảng A.1 - Chỉ tiêu diện tích trại nuôi lợn
Loại lợn |
Tiêu chuẩn đất xây dựng m2/con |
|
Lợn nội |
Lợn ngoại |
|
1. Lợn thịt |
Từ 3,5 đến 4,5 |
Từ 4 đến 5 |
2. Lợn nái không nuôi con |
Từ 5 đến 6,5 |
Từ 6 đến 8 |
3. Lợn nái nuôi con |
Từ 18 đến 25 |
Từ 25 đến 30 |
4. Lợn đực giống |
Từ 25 đến 30 |
Từ 30 đến 35 |
Bảng A.2 - Chỉ tiêu diện tích trại nuôi gà
Loại gà |
Tiêu chuẩn đất xây dựng m2/100 con |
1. Gà thịt thương phẩm |
Từ 600 đến 800 |
2. Gà hậu bị đẻ trứng thương phẩm giai đoạn gà con (1 - 35 ngày tuổi) |
Từ 250 đến 350 |
3. Gà đẻ trứng thương phẩm trong đó: |
|
4. Gà nuôi trên nền |
Từ 1 500 đến 2 000 |
5. Gà nuôi lồng 1 tầng |
Từ 800 đến 1 000 |
CHÚ THÍCH: Tiêu chuẩn cho ở Bảng trên tính cho các công trình cần thiết cho một trại nuôi gà kể cả vành đai bảo vệ và cách ly |
Bảng A.3 - Chỉ tiêu diện tích trại nuôi vịt, ngan, ngỗng
Loại vịt, ngan, ngỗng |
Tiêu chuẩn đất xây dựng m2/100 con |
||
Trại nuôi vịt |
Trại nuôi ngan |
Trại nuôi ngỗng |
|
1. Vịt, ngan, ngỗng lấy thịt |
Từ 300 đến 350 |
Từ 300 đến 400 |
Từ 500 đến 600 |
2. Vịt, ngan, ngỗng lấy trứng |
Từ 1 400 đến 1 500 |
Từ 1 500 đến 1 600 |
Từ 2 000 đến 2 500 |
3. Vịt hậu bị thay thế vịt đẻ |
Từ 1 100 đến 1 200 |
Từ 1 200 đến 1 300 |
Từ 1 600 đến 1 800 |
CHÚ THÍCH: Nếu nuôi theo hình thức chăn thả thì chỉ tiêu diện tích được phép lấy bằng 50 % diện tích cho ở Bảng trên. |
A.3. Chỉ tiêu diện tích xây dựng một số cơ sở sản xuất:
- Cơ sở sản xuất gạch ngói: từ 550 m2/1 000 viên/năm đến 650 m2/1 000 viên/năm.
CHÚ THÍCH: Diện tích trên bao gồm diện tích đất để làm kho nguyên liệu, kho nhiên liệu, kho ngâm ủ, tạo hình, sân lò, đường nội bộ, lán trại, nơi đóng gạch, ngói, nơi xếp thành phẩm.
- Cơ sở sản xuất vôi: từ 0,5 m2/tấn/năm đến 0,7 m2/tấn/năm.
CHÚ THÍCH: Diện tích trên bao gồm diện tích đất xây dựng lò, kho nhiên liệu, bãi nguyên liệu, đường nội bộ, lán trại, kho chứa thành phẩm.
- Xưởng rèn, mộc, sửa chữa cơ khí, nông cụ: 700 m2 đến 1 000 m2.
CHÚ THÍCH: Diện tích xây dựng trên bao gồm diện tích đất xây dựng các bộ phận rèn, mộc, nguội, cơ khí, bãi để nguyên liệu, máy móc cần sửa chữa, sân thao tác ngoài trời.
(tham khảo)
Diện tích đất ở và hình thái kiến trúc nhà ở theo vùng miền
B.1. Đối với vùng Trung du và Miền núi phía Bắc
- Diện tích lô đất ở 200 m2/hộ - 500 m2/hộ; vùng đồng bào dân tộc: 500 m2/hộ.
- Các loại nhà ở (nhà chính): nhà sàn; nhà trệt; nhà nửa sàn, nửa trệt, nhà vườn (đối với các khu vực phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp).
B.2. Đối với vùng đồng bằng sông Hồng
- Diện tích lô đất ở hộ sản xuất nông nghiệp: từ 200 m2/hộ đến 250 m2/hộ; hộ kinh doanh dịch vụ thương mại: từ 100 m2/hộ đến 150 m2/hộ. Khuôn viên đất ở có diện tích lớn hơn 700 m2 khuyến nghị phát triển kinh tế vườn.
- Mật độ xây dựng tối đa trong làng xóm là 60 %;
- Nhà ở nông thôn dưới 3 tầng:
+ Nhà chính: có từ 3 đến 5 gian, từ 1 đến 2 tầng, có không gian sinh hoạt chung rộng, cửa ra vào nên quay hướng Nam hoặc hướng Đông Nam.
+ Nhà phụ: để đựng thóc lúa, nông cụ và các đồ nghề sản xuất nông nghiệp và làm nghề phụ.
+ Không gian sản xuất: nên bố trí ở tầng 1 đối với nhà có hai tầng hoặc bố trí không gian riêng đối với nhà chỉ có một tầng.
+ Sân nên bố trí ở trước mặt nhà chính là nơi sinh hoạt hàng ngày.
+ Khu phụ: Khu bếp, chăn nuôi, vệ sinh tách rời khỏi nhà chính. Khu bếp có thể bố trí sát cạnh nhà chính và gắn liền với khu chăn nuôi và vệ sinh.
B.3. Đối với vùng miền Trung (Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ)
- Diện tích lô đất ở: từ 150 m2/hộ đến 200 m2/hộ; đối với hộ dân cư sản xuất muối: 150 m2/hộ;
- Mật độ xây dựng tối đa 60 % và tầng cao tối đa 3 tầng;
- Nhà ở nông thôn truyền thống và cải tiến:
+ Nhà chính nên bố trí quay ra hướng gió mát (hướng Nam tới Đông) và phải cách nhà phụ tối thiểu 2 m;
+ Mái nhà chính nên có độ dốc lớn và mái hiên thoải hơn.
+ Nhà phụ nên bố trí lùi sau hoặc vuông góc với nhà chính.
+ Sân phía sau cần có diện tích lớn để tạo không gian rộng thoáng.
+ Nên trồng nhiều cây ăn quả xung quanh nhà để chắn gió bão và hạn chế gió Lào.
+ Đối với nhà ở trên sườn núi, trong thung lũng, vùng ngập lụt nên dùng những vật liệu nhẹ, dễ tháo lắp để thuận tiện cho việc di chuyển khi có bão lũ.
B.4. Đối với vùng Tây Nguyên
- Diện tích lô đất ở: từ 300 m2/hộ đến 500 m2/hộ; khu vực mật độ dân cư thấp bố trí khuôn viên đất ở từ 1 000 m2 đến 2 000 m2/hộ (bao gồm cả đất vườn), tại khu vực trung tâm xã:
- Mật độ xây dựng: từ 20 % đến 35 %;
- Các loại nhà ở chính là nhà sàn và nhà đất (nhà trệt);
- Nhà ở được xây dựng 2 tầng, theo dạng nhà vườn. Hạn chế và không phát triển mới trang trại gắn liền với chức năng ở;
- Đối với buôn dân tộc (J'Rai, Ê Đê, BaNar, Xơ Đăng, M'Nông, Cơ Ho, Mạ, Giẻ Triêng) bảo tồn và phát triển trên không gian truyền thống vốn có. Tăng cường điều kiện hạ tầng kỹ thuật. Bố trí nhà trẻ cho buôn nằm ngoài khu vực cấu trúc không gian truyền thống.
- Đối với dân cư khu vực biên giới:
+ Khu vực trung tâm xã: diện tích lô đất ở: 400 m2/hộ, mật độ xây dựng tối đa 40 %;
+ Các khu vực khác: diện tích lô đất ở: 1 000 m2/hộ, mật độ xây dựng tối đa 20 %;
+ Một lớp nhà kết hợp với điểm tập trung tại các giao cắt cửa ngõ đi ra biên giới (giao cắt đường đi ra biên giới và đường trong xã).
B.5. Đối với vùng Đông Nam Bộ
- Diện tích lô đất ở: từ 150 m2/hộ đến 200 m2/hộ (các hộ phi nông nghiệp); từ 500 m2/hộ đến 1000 m2/hộ (với khu vực phát triển kinh tế nông nghiệp - dịch vụ); 100 m2/hộ - 150 m2/hộ (khu trung tâm kết hợp dịch vụ); từ 800 đến 1 000 m2/hộ (hộ nông nghiệp); từ 120 m2/hộ đến 250 m2/hộ (hộ thương mại dịch vụ theo các trục giao thông chính); hộ nông nghiệp ở kết hợp vườn cây ăn trái diện tích từ 500 m2 đến 1 500 m2;
- Mật độ xây dựng tối đa: 70 %, tầng cao trung bình 3 tầng;
- Loại hình nhà ở: nhà nông thôn truyền thống, nhà vườn và nhà liên kế.
B.5. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Diện tích lô đất ở: từ 300 m2/hộ đến 400 m2/hộ (đối với hộ nông nghiệp), 150 m2/hộ (đối với hộ thương mại dịch vụ);
- Đối với khu vực ngập lũ: 150 m2/hộ (đối với hộ nông nghiệp), 70 m2/hộ (đối với hộ thương mại dịch vụ);
- Đối với khu dân cư miệt vườn, khuôn viên đất ở hộ thuần nông có diện tích 1 000 m2 đến 1 500 m2;
- Đối với khu vực dân cư dân tộc Khơ Me, phát triển thành điểm tập trung quần tụ theo các phum, sóc với trung tâm là chùa Khơ Me.
- Các loại nhà chủ yếu là nhà vượt lũ, nhà sàn, nhà nổi, nhà trên cọc, nhà tôn nền. Các khu quy hoạch mới nên xây dựng theo mô hình dạng nhà vườn.
(tham khảo)
Tiêu chuẩn dùng nước của một số ngành nghề sản xuất
C.1. Tiêu chuẩn cấp nước dùng cho các trạm, trại chăn nuôi gia cầm - gia súc tính cho một con trong một ngày được quy định trong Bảng C.1.
Bảng C.1 - Tiêu chuẩn cấp nước cho các trạm, trại chăn nuôi
Tên gia cầm, gia súc |
Tiêu chuẩn cho 1 con trong một ngày lít |
1. Trâu, bò sữa |
80 đến 100 |
2. Trâu, bò thịt |
60 đến 70 |
3. Trâu bò cày, kéo |
70 đến 80 |
4. Bê nghé con dưới 6 tháng tuổi |
20 đến 25 |
5. Ngựa lớn |
50 đến 70 |
6. Ngựa con dưới 1,5 tuổi |
30 đến 40 |
7. Dê lớn |
10 |
8. Dê con |
6 |
9. Lợn sữa, lợn nái đã lớn |
25 |
10. Lợn nái đang nuôi con |
5 |
11. Lợn thịt đang vỗ béo |
15 |
12. Lợn con đang cách ly mẹ |
5 |
13. Gà |
1 |
14. Vịt, ngan, ngỗng |
2 |
15. Thỏ |
2 |
CHÚ THÍCH: 1) Ở những vùng khô nóng, cho phép tăng thêm từ 12 % đến 20 % so với chỉ tiêu quy định. 2) Đối với gia cầm nhỏ tính bằng một nửa tiêu chuẩn so với gia cầm lớn. 3) Tiêu chuẩn trên bao gồm lượng nước dùng rửa chuồng trại, rửa dụng cụ lấy sữa, chuẩn bị thức ăn cho gia cầm, gia súc… 4) Nếu dùng nước để dọn phân ra khỏi chuồng thì phải được phép lấy theo tiêu chuẩn từ 4 lít đến 10 lít cho 1 con (tùy vào phương pháp dọn phân). |
C.2. Tiêu chuẩn cấp nước dùng cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông phẩm, sửa chữa cơ khí nhỏ… lấy theo yêu cầu từng cơ sở được quy định trong Bảng C.2
Bảng C.2 - Tiêu chuẩn cấp nước cho các cơ sở sản xuất
Tên các cơ sở sản xuất |
Tiêu chuẩn dùng nước m3 |
1. Xưởng xay xát gạo, ngô (1 tấn gạo) |
1,0 |
2. Xưởng ép dầu thực vật (1 tấn dầu) |
100 |
3. Xưởng làm đường từ mía (1 tấn đường) |
20 |
4. Xưởng làm nước mắm (1 000 lít) |
2,5 |
5. Xưởng sản xuất gạch ngói (1 000 viên) |
1,5 |
6. Xưởng sản xuất vôi cục (1 tấn) |
1,5 |
7. Xưởng sản xuất gạch xỉ, gạch papanh (1 000 viên) |
11 |
8. Lò rèn, các trạm sửa chữa cơ khí (1 tấn sản phẩm) |
30 |
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] QCVN 14:2009/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Quy hoạch xây dựng nông thôn.
[2] Thông tư 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011, Quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xã nông thôn mới.
[3] Thông tư 07/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/2/2010, Hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
[4] QCVN 02:2009/BYT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt.
[5] Quyết định số 1329/2002/BYT/QĐ ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống.
[6] QĐKT. ĐNT-2006, Quy định kỹ thuật điện nông thôn.
[7] QCVN 07:2010/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
[8] Quyết định số 23/2012/QĐ-TTg về việc quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước tại xã, phường.
[9] QCVN 08:2008/BTNMT, Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt.
[10] QCVN 09:2008/BTNMT, Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ngầm.
[11] QĐKT-ĐNT-2006, Quy định kỹ thuật điện nông thôn.
[12] QCVN 14:2008/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.
[13] QCVN 11:2008/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản.
[14] QCVN 12:2008/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy.
[15] QCVN 13:2008/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt may.
[16] QCVN 02:2008/BXD, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng - Phần 1.
MỤC LỤC
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Quy định chung
5 Quy hoạch chung xã
5.1 Quy hoạch định hướng phát triển không gian xã
5.2 Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật
6 Quy hoạch điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã (quy hoạch chi tiết)
6.1 Quy hoạch không gian kiến trúc điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã
6.1.1 Quy mô dân số và đất để xây dựng mới và mở rộng các điểm dân cư nông thôn
6.1.2 Yêu cầu đối với khu ở
6.1.3 Yêu cầu quy hoạch trung tâm xã
6.1.4 Yêu cầu quy hoạch công trình sản xuất và phục vụ sản xuất
6.1.5 Yêu cầu quy hoạch cây xanh, mặt nước
6.2 Quy hoạch mạng lưới hệ thống hạ tầng kỹ thuật điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã
6.3 Yêu cầu quy hoạch xây dựng nông thôn vùng bị ảnh hưởng thiên tai
7 Yêu cầu quy hoạch xây dựng cải tạo mạng lưới và điểm dân cư nông thôn hiện hữu
Phụ lục A
Phụ lục B
Phụ lục C
Thư mục tài liệu tham khảo
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.