TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 14181:2024
BÊ TÔNG PHUN - PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU VÀ THỬ NGHIỆM TRÊN LÕI KHOAN
Shotcrete - Obtaining and Testing Drilled Cores
Lời nói đầu
TCVN 14181:2024 được biên soạn trên cơ sở tham khảo ASTM C1604/C1604M-05(2019).
TCVN 14181:2024 do Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải biên soạn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
BÊ TÔNG PHUN - PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU VÀ THỬ NGHIỆM TRÊN LÕI KHOAN
Shotcrete - Obtaining and Testing Drilled Cores
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định việc lấy, chuẩn bị và thử nghiệm các lõi khoan được khoan từ kết cấu bê tông phun để xác định chiều dày, cường độ chịu nén hoặc cường độ chịu kéo khi bửa.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 13509, Bê tông phun trong công trình hầm giao thông - Yêu cầu kỹ thuật, thi công và nghiệm thu;
TCVN 14180:2024, Bê tông phun - Chuẩn bị mẫu khoan cắt từ tấm thử;
ASTM C39/C39M, Test Method for Compressive Strength of Cylindrical Concrete Specimens (Phương pháp thử cường độ chịu nén mẫu trụ);
ASTM C42/C42M, Test Method for Obtaining and Testing Drilled Cores and Sawed Beams of Concrete (Phương pháp thử mẫu bê tông khoan và cắt);
ASTM C125, Terminology Relating to Concrete and Concrete Aggregates (Thuật ngữ cho bê tông và cốt liệu);
ASTM C174/C174M, Test Method for Measuring Thickness of Concrete Elements Using Drilled Concrete Cores (Phương pháp đo chiều dày cấu kiện bê tông sử dụng lõi khoan bê tông);
ASTM C496/C496M, Test Method for Splitting Tensile Strength of Cylindrical Concrete Specimens (Phương pháp thử cường độ chịu kéo khi bửa mẫu bê tông trụ);
ASTM C617/C617M, Standard Practice for Capping Cylindrical Concrete Specimens (Tiêu chuẩn làm phẳng bề mặt mẫu bê tông trụ);
ASTM C823/C823M, Standard Practice for Examination and Sampling of Hardened Concrete in Constructions (Tiêu chuẩn kiểm tra và lấy mẫu bê tông từ kết cấu công trình);
ASTM C1231/C1231M, Standard Practice for Use of Unbonded Caps in Determination of Compressive Strength of Hardened Concrete Cylinders (Tiêu chuẩn sử dụng mũ không liên kết trong việc xác định cường độ chịu nén mẫu bê tông trụ).
ACI 318, Building Code Requirements for Structural Concrete (Quy chuẩn Xây dựng đối với Kết cấu Bê tông);
ACI 506.4R, Guide for the Evaluation of Shotcrete (Chỉ dẫn đánh giá bê tông phun).
3 Thuật ngữ, định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong ASTM C125, TCVN 14180:2024.
4 Ý nghĩa và sử dụng
4.1 Tiêu chuẩn này quy định phương pháp để lấy mẫu thử xác định cường độ chịu nén và cường độ chịu kéo khi bửa của bê tông phun trước khi thi công, trong quá trình thi công và từ các kết cấu bê tông phun hiện hữu.
4.2 Thông thường, các mẫu thử được lấy tại hiện trường khi có nghi ngờ về chất lượng bê tông phun do kết quả thử nghiệm cường độ thấp trong quá trình thi công hoặc có dấu hiệu của hư hỏng trong kết cấu. Các ứng dụng khác của tiêu chuẩn này là cung cấp các mẫu thử để nghiệm thu, kiểm soát thi công và để đánh giá tình trạng, chất lượng và tính đồng nhất của bê tông phun phù hợp với tiêu chuẩn ASTM C823/C823M (xem Chú thích 1).
4.3 Các mẫu thử thu được bằng tiêu chuẩn này được sử dụng để kiểm tra chiều dày của lớp bê tông phun và hỗ trợ đánh giá trực quan chất lượng bê tông phun, tay nghề, các khuyết tật, dính bám của bê tông phun với nền và tình trạng của cốt thép gia cường.
4.4 Cường độ của bê tông phun bị ảnh hưởng bởi vị trí của nó trong kết cấu. Tính chất của các cấu kiện ở vị trí sàn, sườn hoặc trần của kết cấu bê tông phun có thể thay đổi. Cường độ của mẫu khoan bị ảnh hưởng bởi hướng khoan so với hướng phun bê tông. Các yếu tố này phải được xem xét khi lập kế hoạch lấy mẫu và trong việc diễn dịch kết quả thử nghiệm cường độ của mẫu bê tông phun.
4.5 Bê tông phun có thể được thi công thành một lớp hoặc nhiều lớp, dưới dạng bê tông phun thông thường, bê tông phun có cốt thép hoặc bê tông phun có sợi gia cường. Không được sử dụng các mẫu khoan có chứa lưới thép và thanh cốt thép thường để thử cường độ chịu nén.
4.6 Cường độ của bê tông phun bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, quy trình ổn định trạng thái ẩm quy định cho mẫu lõi khoan nhằm mục đích đảm bảo độ ẩm cho mẫu thử có khả năng tái lập để giảm thiểu mức độ biến động độ ẩm của các mẫu thử trong nội bộ phòng thí nghiệm và giữa các phòng thí nghiệm với nhau.
4.7 Việc lấy mẫu có thể yêu cầu kết hợp cả khoan, cưa và mài, nó có thể có khả năng ảnh hưởng xấu đến tình trạng mẫu nếu không cẩn thận trong quá trình lấy mẫu và thử nghiệm.
4.8 Phải lập kế hoạch lấy mẫu, chỉ ra số lượng mẫu và vị trí của chúng (xem Chú thích 1). Các tiêu chí chấp nhận đối với cường độ của mẫu khoan bê tông phun phải được xác định bởi chuyên gia (xem Chú thích 2).
CHÚ THÍCH 1: Tiêu chuẩn ASTM C823/C823M cung cấp hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch lấy mẫu bê tông trong các công trình xây dựng. Một số phương pháp bổ sung cho việc kiểm tra bê tông phun bằng các mẫu khoan đại diện và thử nghiệm được đưa ra trong ACI 506.4R.
CHÚ THÍCH 2 - Tiêu chí chấp nhận cường độ mẫu khoan được trích dẫn trong ACI 318 dựa trên sự so sánh giữa các mẫu khoan và mẫu hình trụ đúc. Cường độ bê tông phun dựa vào kết quả thử nghiệm các mẫu khoan được nêu trong TCVN 13509.
5 Thiết bị, dụng cụ
5.1 Máy khoan
Để lấy mẫu khoan hình trụ với các mũi khoan phủ kim cương. Máy khoan rút lõi phải có đế gắn cứng và có khả năng hoạt động theo bất kỳ hướng nào vuông góc với kết cấu bê tông phun được lấy mẫu. Máy khoan rút lõi phải không bị rung quá mức khi khoan và phải có đủ mô-men xoắn và tốc độ quay phù hợp để duy trì tốc độ xuyên của mũi khoan đồng đều. Mũi khoan phải được làm mát và xối, rửa bụi bằng nước trong suốt quá trình khoan.
5.2 Máy cắt:
Để cắt mẫu khoan theo kích thước của mẫu nén. Máy cắt phải có lưỡi phủ kim cương hoặc cacbua silic và phải có khả năng cắt mẫu thử không có cốt thép hoặc có cốt thép bằng một đường cắt duy nhất, phù hợp với các kích thước quy định và mẫu không bị quá nhiệt hoặc tác động mạnh khi cắt.
5.3 Máy mài:
Để mài và làm phẳng các mẫu bê tông phun thông thường hoặc bê tông phun có sợi gia cường sao cho kích thước và hình dạng có sai số trong dung sai quy định, không làm ảnh hưởng đáng kể đến sự bong bật cốt liệu, vữa hoặc sợi gia cường.
6 Lấy mẫu
6.1 Quy định chung
6.1.1 Việc lấy mẫu phải được lập kế hoạch phù hợp với các quy định theo ASTM C823/C823M. Số lượng mẫu, vị trí lấy mẫu và quy trình lấy mẫu phải được thiết lập trong kế hoạch.
6.1.2 Các mẫu bê tông phun thu được từ các tấm thử phải phù hợp với các quy định của TCVN 14180:2023.
6.1.3 Mẫu bê tông phun đã đông cứng được chuẩn bị cho mẫu thử cường độ phải đủ cứng để cho phép lấy mẫu mà không làm ảnh hưởng đến liên kết giữa vữa, cốt liệu thô (xem Chú thích 3) và cốt sợi. Khi chuẩn bị các mẫu thử cường độ từ các mẫu bê tông phun đã đông cứng, không được sử dụng các mẫu đã bị hỏng trong quá trình lấy mẫu. Các mẫu bê tông phun bị lỗi không thể dùng để làm mẫu thử phải được báo cáo nếu là các khuyết tật đại diện cho tình trạng thi công của bê tông phun (xem ACI 506.4R).
CHÚ THÍCH 3 - Không thể quy định tuổi tối thiểu khi bê tông phun đủ cứng để chịu được hư hỏng trong quá trình lấy mẫu, vì cường độ ở mọi tuổi phụ thuộc vào mác bê tông theo cường độ và quá trình dưỡng hộ của bê tông phun. Nếu phụ gia đóng rắn nhanh được sử dụng trong quá trình thi công bê tông phun, có thể lấy mẫu khoan để thử nghiệm trong khoảng 6 h. Nếu điều này là không thực tế, có thể tiến hành lấy mẫu bê tông phun nếu các bề mặt mẫu khoan hoặc mẫu cắt không cho thấy vữa bị xói mòn và các hạt cốt liệu thô lộ ra được gắn chặt vào vữa. Phương pháp thử không phá hủy có thể được sử dụng để ước tính mức độ phát triển cường độ tại hiện trường trước khi lấy các mẫu khoan bê tông phun (xem ACI 506.4R và TCVN 13509).
6.1.4 Các mẫu thử có chứa cốt thép bên trong không được sử dụng để xác định cường độ chịu kéo khi bửa hoặc cường độ chịu nén.
6.2 Khoan lõi
Khoan mẫu vuông góc với bề mặt và tránh khoan gần các mối nối hoặc vị trí cạnh mép phun. Ghi lại góc gần đúng giữa trục lõi khoan và bề mặt của bê tông phun tại công trường.
7 Đo chiều dài lõi khoan
7.1 Các lõi khoan để xác định độ dày của lớp bê tông phun hoặc các kết cấu khác phải có đường kính ít nhất là 75 mm, khi đó chiều dài của các lõi khoan đó được đo theo ASTM C174/C174M hoặc tương đương.
7.2 Đối với lỗi khoan không dùng để xác định kích thước kết cấu, đo chiều dài dài nhất và ngắn nhất trên mặt cắt dọc theo các đường song song với trục lỗi khoan. Ghi lại chiều dài trung bình chính xác đến 5 mm.
8 Thử nghiệm cường độ chịu nén mẫu khoan
8.1 Đường kính mẫu khoan
Đường kính của các mẫu khoan để xác định cường độ chịu nén trong các bộ phận kết cấu chịu lực ít nhất phải là 75 mm (xem Chú thích 4). Đường kính mẫu khoan nhỏ hơn 75 mm phải được cho phép theo yêu cầu của chuyên gia.
CHÚ THÍCH 4: Cường độ chịu nén của mẫu khoan đường kính 50 mm được biết là thấp hơn và biến động nhiều hơn so với mẫu khoan đường kính 75 mm. Ngoài ra, các mẫu khoan có đường kính nhỏ hơn dường như nhạy cảm hơn với sự thay đổi của tỷ lệ chiều dài và đường kính.
8.2 Chiều dài mẫu khoan
8.2.1 Chiều dài của các mẫu khoan có làm phẳng mặt chịu lực bằng vật liệu phủ hoặc làm phẳng bằng cách mài, thích hợp nhất là hai lần đường kính.
Nếu tỷ lệ giữa chiều dài (L) và đường kính (D) của mẫu khoan vượt quá 2,1, cần giảm chiều dài của mẫu khoan sao cho tỷ lệ (L / D) của mẫu thử nằm trong khoảng 1,9 đến 2,1. Các mẫu thử có tỷ lệ (L / D) bằng hoặc nhỏ hơn 1,75 yêu cầu hiệu chỉnh cường độ chịu nén đo được (xem 8.8). Hệ số hiệu chỉnh cường độ không bắt buộc đối với L / D lớn hơn 1,75. Mẫu khoan trước khi làm phẳng mặt có chiều dài nhỏ hơn 95 % đường kính hoặc mẫu khoan sau khi làm phẳng có chiều dài nhỏ hơn đường kính không được sử dụng làm mẫu thử. (trừ khi có ý kiến của chuyên gia).
8.2.2 Đối với các bộ phận kết cấu không chịu lực hoặc khi không thể lấy được mẫu khoan bê tông phun có tỷ lệ chiều dài và đường kính (L / D) lớn hơn hoặc bằng 1,0, các mẫu khoan thử nghiệm phải được sự chấp thuận của chuyên gia.
8.3 Điều kiện ẩm
Quy trình sau đây nhằm mục đích duy trì độ ẩm của mẫu khoan và nhằm mục đích cung cấp điều kiện môi trường ẩm có khả năng tái lập để giảm thiểu ảnh hướng của gradient độ ẩm tạo ra do làm ướt trong quá trình khoan và chuẩn bị mẫu.
8.3.1 Quy trình sau đây được sử dụng để thu được các mẫu khoan có điều kiện ẩm đại diện cho bê tông phun tại chỗ. Sau khi đã khoan xong, dùng khăn khô lau sạch nước bề mặt trên mẫu đã khoan và để hơi ẩm bề mặt còn lại bay hơi. Khi bề mặt khô, nhưng không quá 1 h sau khi khoan, đặt mẫu khoan vào túi nhựa riêng hoặc hộp không hấp thụ và bịt kín để tránh mắt độ ẩm. Duy trì mẫu khoan ở nhiệt độ môi trường xung quanh và bảo vệ mẫu khoan để tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp. Vận chuyển mẫu khoan đến phòng thí nghiệm thử nghiệm càng sớm càng tốt. Luôn luôn giữ các mẫu khoan trong túi nhựa kín hoặc hộp kín, ngoại trừ trong quá trình làm phẳng bề mặt chịu lực và thời gian làm phẳng mặt tối đa là 2 h trước khi thử nghiệm.
8.3.2 Nếu sử dụng nước trong quá trình cắt hoặc mài các đầu mẫu khoan, hoàn thành các thao tác này càng sớm càng tốt, nhưng không quá 2 ngày sau khi khoan lấy lõi. Sau khi hoàn thành việc chuẩn bị cuối cùng, sử dụng một miếng vải khô để loại bỏ độ ẩm bề mặt, đề bề mặt khô và đặt mẫu khoan vào túi nhựa kín hoặc hộp không hấp thụ. Giảm thiểu thời gian tiếp xúc với nước trong quá trình chuẩn bị cuối cùng.
8.3.3 Đối với các mẫu khoan có độ tuổi từ 28 ngày trở lên cho phép giữ trong túi nhựa kín hoặc hộp kín ít nhất 5 ngày sau khi làm ướt lần cuối và trước khi thử nghiệm (xem Chú thích 5). Để đánh giá cường độ ở tuổi sớm của mẫu thử trước 28 ngày tuổi, tiến hành lấy mẫu và thử nghiệm theo chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.
CHÚ THÍCH 5 - Thời gian chờ ít nhất 5 ngày nhằm mục đích làm giảm thiểu gradient độ ẩm trong mẫu thử nghiệm khi mẫu thử nghiệm tiếp xúc với nước trong quá trình khoan, cắt hay mài.
8.3.4 Khi được chỉ định trực tiếp, các mẫu thử nghiệm ở điều kiện ẩm khác với điều kiện thực tế, có thể đạt được bằng cách ổn định trạng thái ẩm theo 8.3.3. Báo cáo quy trình bảo dưỡng độ ẩm thay thế.
8.4 Cắt đầu mẫu khoan
Các đầu của mẫu khoan được thử nghiệm khi nén phải phẳng và vuông góc với trục dọc. Nếu cần, cắt các đầu của mẫu khoan được giới hạn để sao cho đáp ứng các yêu cầu sau:
8.4.1 Các phần nhô ra không được kéo dài quá 5 mm trên bề mặt cuối.
8.4.2 Các bề mặt đầu mẫu khoan không được lệch khỏi phương vuông góc với trục dọc theo độ dốc lớn hơn 1: 0,3d, trong đó d là đường kính mẫu trung bình tính bằng mm.
CHÚ THÍCH 6 - Giới hạn này nhằm tránh chiều dày của lớp làm phẳng mặt vượt quá yêu cầu của ASTM C617/C617M.
8.5 Làm phẳng mặt mẫu
Nếu các đầu của mẫu khoan không phù hợp với các yêu cầu về độ vuông góc và độ phẳng của ASTM C39/C39M, chúng được cắt hoặc mài để đáp ứng các yêu cầu đó hoặc được làm phẳng mặt theo ASTM C617/C617M. Nếu các mẫu khoan được làm phẳng mặt theo tiêu chuẩn ASTM C617/C617M, thiết bị làm phẳng mặt phải phù hợp với đường kính mẫu khoan thực tế và tạo ra các mặt đồng tâm với các đầu mẫu khoan. Đo chiều dài mẫu khoan chính xác đến 2 mm trước khi làm phẳng mặt. Không được phép sử dụng mũ không liên kết theo ASTM C1231/C1231M.
CHÚ THÍCH 7 - Trước khi làm phẳng mặt mẫu, có thể tính khối lượng thể tích của mẫu khoan bằng cách cân nó và chia khối lượng cho thể tích được tính từ đường kính và chiều dài trung bình của mẫu.
8.6 Đo kích thước
Trước khi thử nghiệm, đo chiều dài của mẫu thử đã được làm phẳng mặt hoặc mài, chính xác đến 2 mm và sử dụng chiều dài này để tính toán tỷ lệ chiều dài và đường kính (L / D). Xác định đường kính trung bình bằng cách lấy giá trị trung bình của hai phép đo được thực hiện vuông góc với nhau tại khoảng giữa của chiều cao mẫu. Đo đường kính mẫu khoan chính xác đến 0,2 mm khi sự khác biệt về đường kính mẫu khoan không vượt quá 2% mức trung bình của chúng; nếu không, đo chính xác đến 2 mm. Không thử nghiệm mẫu khoan nếu sự khác biệt giữa đường kính lớn nhất và nhỏ nhất vượt quá 5% giá trị trung bình của chúng.
8.7 Thử nghiệm cường độ chịu nén
Thử nghiệm các mẫu theo ASTM C39/C39M hoặc tương đương. Các mẫu khoan được thử nghiệm trong vòng 7 ngày kể từ khi khoan, trừ khi có yêu cầu khác của chuyên gia.
8.8 Tính toán
8.8.1 Tính toán cường độ chịu nén của từng mẫu thử bằng cách chia tải trọng tối đa mà mẫu chịu được trong quá trình thử nghiệm cho diện tích mặt cắt ngang trung bình theo Megapascan (MPa), chính xác đến 0,1 MPa.
8.8.2 Nếu tỷ lệ giữa chiều dài mẫu khoan và đường kính (L / D) của mẫu thử là 1,75 hoặc nhỏ hơn, hiệu chỉnh kết quả thu được trong Điều 8.8.1 bằng cách nhân với hệ số hiệu chỉnh cường độ chịu nén được thể hiện trong bảng sau (xem Chú thích 8).
Tỷ lệ chiều dài và đường kính (L/D) |
Hệ số hiệu chỉnh |
1,75 |
0,98 |
1,50 |
0,96 |
1,25 |
0,93 |
1,00 |
0,87 |
Sử dụng phép nội suy để xác định hệ số hiệu chỉnh cho các giá trị L / D không được đưa ra trong bảng.
CHÚ THÍCH 8 - Các hệ số hiệu chỉnh phụ thuộc vào các điều kiện khác nhau như tình trạng độ ẩm, cường độ và mô đun đàn hồi. Các giá trị trung bình được cho trong bảng. Các hệ số hiệu chỉnh này áp dụng cho bê tông phun có khối lượng thể tích bình thường. Chúng có thể áp dụng cho cả bê tông phun khô và ướt với cường độ nén của bê tông từ 14 MPa đến 42 MPa. Đối với cường độ chịu nén trên 70 MPa, dữ liệu thử nghiệm trên mẫu khoan cho thấy các hệ số hiệu chỉnh có thể lớn hơn các giá trị được liệt kê ở trên.
8.9 Báo cáo
Báo cáo kết quả theo yêu cầu của ASTM C39/C39M kèm theo các thông tin sau:
8.9.1 Chiều dài mẫu khoan được khoan chính xác đến 5 mm.
8.9.2 Chiều dài của mẫu thử trước và sau khi xử lý bề mặt hoặc kết thúc mài chính xác đến 2 mm và đường kính trung bình của mẫu chính xác đến 0,2 mm hoặc 2 mm.
8.9.3 Cường độ chịu nén chính xác đến 0,1 MPa khi đường kính được đo chính xác đến 0,2 mm và chính xác đến 0,5 MPa khi đường kính được đo chính xác đến 2 mm, sau khi hiệu chỉnh tỷ lệ chiều dài và đường kính khi được yêu cầu.
8.9.4 Hướng tác dụng của tải trọng lên mẫu so với mặt phẳng ngang của bê tông phun khi thi công.
8.9.5 Tình trạng độ ẩm.
8.9.5.1 Ngày và giờ lấy mẫu khoan và thời điểm được đặt trong túi kín hoặc hộp kín;
8.9.5.2 Nếu nước được sử dụng trong quá trình chuẩn bị mẫu cuối cùng, thì ngày và giờ kết thúc quá trình chuẩn bị và được đặt trong túi kín hoặc hộp kín.
8.9.6 Ngày và giờ thử nghiệm.
8.9.7 Kích thước hạt lớn nhất của cốt liệu bê tông phun.
8.9.8 Khối lượng thể tích (nếu được xác định).
8.9.9 Nếu có thể, mô tả các khuyết tật trong mẫu khoan.
8.9.10 Nếu yêu cầu bát kỳ độ chệch nào so với phương pháp thử này, mô tả độ chệch đó và giải thích lý do tại sao lại cần.
8.10 Độ chụm
8.10.1 Độ chụm cường độ chịu nén của mẫu khoan bê tông phun được đo bằng phương pháp thử này chưa được xác định, nhưng được cho là tương tự như độ chụm của mẫu bê tông khoan thông thường.
Do đó, các tuyên bố tạm thời sau đây được lấy từ ASTM C42/C42M được áp dụng cho đến khi hoàn thành nghiên cứu liên phòng thí nghiệm về mẫu khoan bê tông phun.
8.10.2 Hệ số biến thiên của mẫu khoan bê tông là 3,2% đối với dải cường độ chịu nén từ 32,0 MPa đến 48,3 MPa. Do đó, kết quả của hai phép thử được tiến hành đúng cách đối với các mẫu đơn của cùng một người thực hiện trên cùng một mẫu vật liệu không được chênh lệch nhau quá 9% giá trị trung bình của chúng.
8.10.3 Hệ số biến thiên của nhiều phòng thí nghiệm trên các mẫu khoan được phát hiện là 4,7% đối với dải cường độ chịu nén từ 32,0 MPa đến 48,3 MPa. Do đó, kết quả của hai phép thử được tiến hành đúng cách trên các mẫu được lấy từ cùng một loại bê tông đã đông cứng (trong đó một phép thử duy nhất được xác định là giá trị trung bình của hai lần quan sát (mẫu khoan), mỗi lần được thực hiện trên các mẫu khoan có đường kính 100 mm được khoan liền kề riêng biệt) và được thử nghiệm bởi hai phòng thí nghiệm khác nhau không được chênh lệch nhau quá 13% giá trị trung bình.
8.11 Độ chệch
Vì không có vật liệu tham chiếu được chấp nhận phù hợp để xác định độ chệch cho quy trình trong phương pháp thử nghiệm này, không có tuyên bố nào về độ chệch được đưa ra.
9 Thử nghiệm cường độ chịu kéo khi bửa mẫu khoan
9.1 Mẫu thử
Các mẫu thử phải phù hợp với các yêu cầu về kích thước trong 8.1, 8.2, 8.4.1 và 8.4.2. Các đầu mẫu khoan không cần xử lý bề mặt.
9.2 Bảo dưỡng ẩm
Bảo dưỡng mẫu thử như mô tả trong 8.3, hoặc theo chỉ định thử nghiệm.
9.3 Bề mặt chịu tải
Đường tiếp xúc giữa mẫu thử và mỗi dải truyền tải phải thẳng và không có bất kỳ chỗ lồi, lõm nào cao hơn hoặc thấp hơn 0,2 mm. Khi đường tiếp xúc không phẳng hoặc có các chỗ lồi, lõm có chiều cao hoặc độ sâu lớn hơn 0,2 mm, mài hoặc làm mặt mẫu để tạo ra các đường chịu lực đáp ứng các yêu cầu này.
Không kiểm tra các mẫu thử có các chỗ lồi, lõm lớn hơn 2 mm. Khi sử dụng việc làm phẳng mặt, các lớp xử lý mặt càng mỏng càng tốt và phải được tạo thành từ xi măng thạch cao cường độ cao.
CHÚ THÍCH 9 - Hình 1 minh họa một thiết bị thích hợp để làm phẳng mặt trên bề mặt chịu lực của mẫu khoan.
Hình 1 - Dụng cụ thích hợp để làm phẳng mặt mẫu khoan
9.4 Thử nghiệm
Thử nghiệm các mẫu theo ASTM C496/C496M hoặc tương đương.
9.5 Tính toán và báo cáo
Tính toán cường độ chịu kéo khi bửa và báo cáo kết quả theo yêu cầu trong ASTM C496/C496M. Khi cần mài hoặc làm phẳng các bề mặt chịu lực, đo đường kính giữa của các bề mặt đã hoàn thiện. Chỉ ra rằng mẫu là mẫu khoan và được bảo dưỡng ẩm như trong 8.9.5.
9.6 Độ chụm
9.6.1 Chưa xác định được độ chụm khi xác định cường độ chịu kéo khi bửa của mẫu khoan bê tông phun được đo bằng phương pháp thử này, nhưng được cho là tương tự như của mẫu khoan bê tông. Do đó, các tuyên bố tạm thời sau đây lấy từ ASTM C42/C42M là được cung cấp cho đến khi hoàn thành nghiên cứu liên phòng thí nghiệm về mẫu khoan bê tông phun.
9.6.2 Hệ số biến thiên của một người vận hành trong phòng thí nghiệm để xác định cường độ chịu kéo khi bửa giữa 3,6 MPa và 4,1 MPa của các mẫu khoan là 5,3 %. Do đó, kết quả của hai thử nghiệm được tiến hành thích hợp bằng cùng một người thực hiện trong cùng một phòng thí nghiệm trên cùng một mẫu vật liệu không được chênh lệch quá 14,9 % giá trị trung bình của chúng.
9.6.3 Hệ số biến thiên giữa các phòng thí nghiệm đối với cường độ chịu kéo khi bửa giữa 3,6 MPa và 4,1 MPa của các mẫu khoan là 15 %. Do đó, kết quả của hai thử nghiệm được tiến hành thích hợp trên cùng một mẫu vật liệu bê tông đã đông cứng và được thử nghiệm bởi hai phòng thí nghiệm khác nhau không được chênh lệch nhau quá 42,3 % giá trị trung bình của chúng.
9.7 Độ chệch
Vì không có vật liệu tham chiếu được chấp nhận phù hợp để xác định độ chệch của quy trình trong phương pháp thử nghiệm này, nên không có tuyên bố nào về độ chệch được đưa ra.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] BS EN 14488-2:2006, Testing sprayed concrete - Part 2: Compressive strength of young sprayed concrete;
[2] BS EN 14488-3:2006, Testing sprayed concrete - Part 3: Flexural strengths (first peak, ultimate and residual) of fibre reinforced beam specimens;
[3] BS EN 14488-6:2006, Testing sprayed concrete - Part 6: Thickness of concrete on a substrate;
[4] ASTM C670, Standard Practice for Preparing Precision and Bias Statements for Test Methods for Construction Materials (Tiêu chuẩn về độ chụm và độ chệch cho các phương pháp thử đối với vật liệu xây dựng);
[5] ASTM C1140/C1140M. Standard Practice for Preparing and Testing Specimens from Shotcrete Test Panels (Tiêu chuẩn lấy và kiểm tra mẫu lây từ tấm bê tông phun);
[6] ACI 506.2, Specification for Shotcreting (Chỉ dẫn kỹ thuật cho bê tông phun);
[7] TCVN 3118, Bê tông - Phương pháp xác định cường độ chịu nén.
[8] TCVN 13051, Bê tông - Bê tông xi măng - Thuật ngữ và định nghĩa;
[9] TCVN 3120, Bê tông - Phương pháp xác định cường độ chịu kéo khi bửa;
MỤC LỤC
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ, định nghĩa
4 Ý nghĩa và sử dụng
5 Thiết bị, dụng cụ
6 Lấy mẫu
7 Đo chiều dài lõi khoan
8 Thử nghiệm cường độ chịu nén mẫu khoan
9 Thử nghiệm cường độ chịu kéo khi bửa mẫu khoan
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.