TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 14127:2024
CHẾ PHẨM BẢO QUẢN GỖ - XÁC ĐỊNH HIỆU LỰC PHÒNG CHỐNG HÀ BIỂN HẠI GỖ
Wood preservatives - Determination of the preventive action against marine borers
Lời nói đầu
TCVN 14127: 2024 xây dựng trên cơ sở tham khảo BS EN 275:1992
TCVN 14127: 2024 do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ khoa học và Công nghệ công bố.
CHẾ PHẨM BẢO QUẢN GỖ - XÁC ĐỊNH HIỆU LỰC PHÒNG CHỐNG HÀ BIỂN HẠI GỖ
Wood preservatives - Determination of the preventive action against marine borers
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định hiệu lực của chế phẩm bảo quản gỗ được tẩm bằng phương pháp chân không - áp lực hoặc các phương pháp khác đảm bảo chế phẩm thấm sâu vào gỗ để chống hà biển hại gỗ. Hiệu lực bảo quản được so sánh với hiệu lực của chế phẩm bảo quản tham chiếu được tẩm vào gỗ theo phương pháp đã chuẩn hóa. Kết quả của phép thử này và hiệu quả thực tế có thể khác biệt ở các chế phẩm bảo quản khác nhau.
Phương pháp này được ứng dụng cho thử nghiệm bất kỳ loại chế phẩm bảo quản nào có khả năng thấm sâu vào mẫu thử.
CHÚ THÍCH: Sau các điều chỉnh phù hợp, phương pháp này đánh giá hiệu lực của chế phẩm bảo quản với các loại gỗ khác hoặc thử hiệu lực của chế phẩm khi được tẩm bằng các phương pháp khác ngoài phương pháp tẩm chân không - áp lực song phải đảm bảo chế phẩm bảo quản thấm vào mẫu thử.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1
Chế phẩm bảo quản gỗ (wood preservatives)
Các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên, hóa tổng hợp, hóa sinh học dùng để bảo quản gỗ, phòng chống sinh vật gây hại (nấm, côn trùng và hà biển), phi sinh vật (lửa, ánh sáng, cơ học, hóa học), làm phá hủy hoặc biến dạng gỗ và sản phẩm gỗ
2.2
Chế phẩm bảo quản tham chiếu (reference preservatives)
Chế phẩm bảo quản có hiệu lực phòng chống hà biển hại gỗ, có trên thị trường và được sử dụng phổ biến, nhằm mục đích so sánh với các chế phẩm đang thử nghiệm
2.3
Mẫu đại diện (representative sample)
Mẫu có các tính chất vật lý và/hoặc hóa học tương đồng với đặc tính trung bình của lô mẫu.
2.4
Đơn vị cung cấp (supplier)
Đơn vị cung cấp chế phẩm bảo quản thử nghiệm.
3 Nguyên tắc
Các mẫu thử được tẩm bằng phương pháp chân không hoặc áp lực với các dung dịch chế phẩm bảo quản để đạt được lượng thấm yêu cầu. Sau khi sấy khô, mẫu được ổn định trong điều kiện phù hợp nếu cần. Sau đó, các mẫu thử được đặt chìm trong môi trường biển nơi có sự phát triển mạnh của hà biển hại gỗ. Khu vực được đánh giá là phù hợp khi có sự hoạt động mạnh của cả loài hà bún và hà giáp xác.
Ngoài ra có thể thêm các địa điểm thử nghiệm bổ sung tùy chọn với đặc tính của nước và/hoặc khí hậu khác.
Lấy mẫu thử ra khỏi nước biển để định kỳ kiểm tra sự gây hại của hà biển thông qua quan sát bằng mắt thường hoặc dùng tia X, thời gian không quá 12 tháng giữa mỗi lần kiểm tra. Tình trạng của các mẫu thử sẽ so sánh với các mẫu đối chứng không tẩm và mẫu tẩm chế phẩm bảo quản tham chiếu, cả hai loại đối chứng này dùng để thể hiện mức độ gây hại của từng khu vực thử nghiệm.
4 Thiết bị, dụng cụ
4.1 Các dụng cụ thí nghiệm thông thường
4.2 Thiết bị tia X
Thiết bị tia X với bia là volfram và cửa sổ berili, với điện áp và dòng điện liên tục thay đổi trong phạm vi:
Điện áp: 10 kV đến 50 kV
Dòng điện: 0 mA đến 15 mA
4.3 Hệ thống ngâm tẩm
Hệ thống ngâm tẩm có đủ điều kiện để tẩm gỗ (theo 6.2)
5 Lấy mẫu
5.1 Mẫu chế phẩm bảo quản
Mẫu chế phẩm bảo quản phải có tính đại diện cho chế phẩm bảo quản được thử nghiệm. Các mẫu phải được lưu trữ và được sử dụng theo khuyến cáo từ đơn vị cung cấp.
CHÚ THÍCH: Khi lấy mẫu chế phẩm bảo quản từ các nguồn cung cấp có số lượng lớn, nên lấy mẫu theo quy trình trong EN 212
5.2 Mẫu gỗ thử nghiệm
5.2.1 Loại gỗ
Với tất cả các thử nghiệm, sử dụng phần dác gỗ Thông mã vĩ (Pinus massoniana Lamb)
Nếu sử dụng các loại gỗ khác bổ sung, các loại đó phải dễ bị hà biển hại gỗ gây hại như Bồ đề (Styrax tonkinensis (Pierre) Craib. ex Hartw), Cao su (Hevea brasiliensis), keo (Acacia)... và mẫu thử của các loại đó phải có khả năng thấm hoàn toàn chế phẩm bảo quản.
CHÚ THÍCH: Nếu chế phẩm bảo quản được dự kiến sử dụng cho gỗ lá rộng, khuyến cáo nên đưa loài gỗ phù hợp với địa phương.
5.2.2 Chất lượng gỗ
Gỗ phải sinh trưởng đồng đều và hạn chế các mắt gỗ, vết nứt, vết ố màu, mục, vết phá hoại của côn trùng hoặc các khuyết tật khác. Không được sử dụng mẫu thử có vết dầu nhựa lộ ra bên ngoài. Gỗ không được ngâm nước, thả nổi, xử lý hóa chất hay hấp luộc.
Dác gỗ Thông mã vĩ trong chiều dài 10mm có khoảng từ 2,5 vòng năm đến 8 vòng năm.
Sự thay đổi về số vòng năm ở mỗi loại gỗ được sử dụng phải được đề cập trong báo cáo thử nghiệm.
Báo cáo thử nghiệm cũng phải có thông tin về khối lượng riêng trung bình của loại gỗ được sử dụng để tạo mẫu.
5.2.3 Chuẩn bị mẫu
Kích thước mẫu thử ở độ ẩm (14 ± 2) % (theo khối lượng)[1]:
Chiều dài (200 ± 1) mm (theo chiều dọc thớ gỗ) x rộng (75 ± 1) mm x dày (25 ± 1) mm
Mỗi thử nghiệm sẽ bao gồm các mẫu thử với khối lượng riêng tương đương nhau và các mẫu có khối lượng riêng nằm ngoài khoảng ± 15% so với khối lượng riêng trung bình thì bị loại bỏ.
Mẫu thử được lấy trực tiếp từ tấm gỗ mới xẻ từ xưởng.
Mẫu thử phải có hướng của các vòng năm tương tự như hướng tiếp tuyến (xem Hình 1). Các vòng năm của mẫu thử nên song song với cạnh chiều rộng 75 mm. Đường kính của bất kỳ lỗ khoan treo mẫu nào đều không được vượt quá 25 mm và phải được xem xét khi tính toán lượng thấm của chế phẩm bảo quản.
Hình 1: Mẫu gỗ với hướng tiếp tuyến của các vòng năm
Nếu bố trí các mẫu như trong Phụ lục A, các mẫu thử sẽ phải khoan một lỗ ở tâm với đường kính 25 mm. Xem Phụ lục A và Phụ lục B. Nếu bố trí mẫu không theo mô tả ở Phụ lục A, thì đường kính các lỗ không lớn quá 25 mm và có nhiều nhất hai lỗ trên một mẫu.
5.2.4 Số lượng mẫu thử
Nước biển là môi trường khắc nghiệt để thử nghiệm lâu dài vật liệu. Các mẫu thử có thể bị mất trong quá trình thử nghiệm. Điều này phải được tính đến khi quyết định số lượng mẫu thử.
Phải thử ít nhất 5 mẫu thử cho mỗi loại chế phẩm bảo quản và ở mỗi lượng thấm khác nhau được bố trí tại các địa điểm thử nghiệm. Tẩm thêm chế phẩm bảo quản vào các mẫu thử bổ sung để loại bỏ những mẫu có lượng thấm bất thường.
CHÚ THÍCH: Các mẫu thử bổ sung cũng có thể được đưa vào để phân tích hóa học nhằm hỗ trợ xác định lượng thấm và/hoặc sự phân bố hóa học của chế phẩm bảo quản (xem Điều 6.3).
Để đánh giá mức độ gây hại tại địa điểm thử nghiệm, cần có lô mẫu đối chứng với 5 mẫu thử không tẩm chế phẩm bảo quản đặt tại mỗi địa điểm thử nghiệm. Các mẫu thử bổ sung phải được đặt thường xuyên tại mỗi vị trí (xem Điều 8).
Tại mỗi địa điểm thử nghiệm bố trí 2 lô mẫu với mỗi lô gồm 5 mẫu đối chứng đã tẩm bằng chế phẩm bảo quản tham chiếu (xem Điều 7) với ít nhất hai cấp lượng thấm chế phẩm bảo quản khác nhau theo 6.2.
5.2.5 Ghi nhãn mẫu thử
Mỗi mẫu thử phải được ghi nhãn sao cho có thể nhận biết được, ngay cả sau khi tiếp xúc lâu dài trong nước biển.
CHÚ THÍCH 1: Điều này có thể được thực hiện bằng cách cố định một tấm kim loại nhỏ chịu ăn mòn vào mẫu thử. Có thể sử dụng titan hoặc thép không gì với mã nhận dạng bằng đục lỗ. Qua đó có thể xác định ngay mẫu vật trên phim tia X (xem Phụ lục B).
CHÚ THÍCH 2: Nhãn nên được gắn vào mẫu thử bằng vòng, chuôi, đinh hoặc vít bằng vật liệu thép không gỉ.
6 Ổn định và tẩm các mẫu thử
6.1 Làm khô mẫu
Các mẫu thử phải được làm khô đến độ ẩm phù hợp với phương pháp tẩm.
6.2 Quy trình tẩm mẫu
Quy trình tẩm chân không - áp lực với phương thức tế bào đầy được sử dụng với các mẫu tham chiếu và các mẫu thử, trừ khi có các quy định khác. Tất cả các mẫu phải được ngăn cách với nhau bằng các tấm kê trong suốt quá trình tẩm. Ban đầu áp suất hút chân không nhỏ hơn 100 kPa ít nhất trong 30 min. Sau đó tăng áp suất tẩm lên tối thiểu là 1 MPa và giữ duy trì ít nhất trong 90 min.
Bản mô tả quá trình, bao gồm chi tiết thông số về áp suất và chân không, cùng với khoảng thời gian của từng giai đoạn phải được ghi lại cho mỗi thử nghiệm.
6.3. Xác định lượng thấm của chế phẩm bảo quản
Tính thể tích của mỗi mẫu thử trước khi tẩm theo các kích thước các chiều (xem Điều 5.2.3). Xác định khối lượng của từng mẫu thử bằng cách cân có độ chính xác đến 0,5 g.
Sau khi tẩm, để ráo mẫu trong vài phút hoặc dùng vải lau sạch dung dịch chế phẩm thửa trên bề mặt mẫu. Cân lại từng mẫu thử, chính xác đến 0,5 g để xác định khối lượng dung dịch tẩm thấm vào mẫu thử.
Tính toán lượng thấm của mỗi mẫu thử từ khối lượng dung dịch chế phẩm thấm vào mẫu, nồng độ của dung dịch chế phẩm tẩm và thể tích mẫu đã tính toán. Biểu diễn lượng thấm dưới dạng kilogam chế phẩm bảo quản trên mét khối gỗ. Tính lượng thấm trung bình cho mỗi lô mẫu thử.
Các mẫu thử có lượng thấm riêng, nếu sai lệch hơn 10 % so với giá trị trung bình thì bị loại bỏ.
CHÚ THÍCH: Nếu dung môi dễ bay hơi được sử dụng làm chất mang, thì có thể tính toán lượng thấm bằng phân tích hóa học trên các mẫu bổ sung được tẩm (xem 5.2.4). Cũng nên thực hiện phân tích hóa học để xác định lượng thấm hoặc sự phân bố của chế phẩm bảo quản trong mẫu trước và tại các khoảng thời gian trong suốt quá trình thử nghiệm. Nếu lượng thấm được tính từ phép phân tích của mẫu được sử dụng, phương pháp lấy mẫu và phân tích cần được nêu trong báo cáo thử nghiệm.
6.4. Các mức thấm của chế phẩm bảo quản
Nếu chế phẩm bảo quản có thể pha loãng, thì cần có ít nhất ba mức pha loãng và khuyến nghị nên có năm mức lượng thấm khác nhau. Các mức độ khác nhau này được thực hiện bằng cách sử dụng dung dịch chế phẩm bảo quản gốc với các tỷ lệ pha loãng khác nhau và không thay đổi phương pháp tẩm.
Ghi chép lại nồng độ bằng tỷ lệ % (theo khối lượng) của mỗi dung dịch sử dụng. Dùng dung dịch gốc cho mỗi lần điều chỉnh nồng độ chế phẩm.
CHÚ THÍCH: Với các dung dịch đã tẩm thì việc pha loãng tiếp sẽ không đảm bảo yêu cầu do trong quá trình tẩm trước đó có thể xảy ra việc hấp thụ ưu tiên các thành phần chế phẩm khác nhau.
Nếu chế phẩm bảo quản không thể pha loãng, các mức lượng thấm khác nhau có thể đạt được bằng cách thay đổi các thông số tẩm trong 6.2 đảm bảo rằng chế phẩm thấm sâu vào mẫu gỗ (xem Điều 1) Lượng thấm trung bình của bộ mẫu cần tương ứng với giá trị khuyến nghị của nhà sản xuất phù hợp sử dụng trong môi trường nước biển (kg/m3). Khoảng giá trị phù hợp có thể là: 0,25 kg/m3, 0,5 kg/m3, 1 kg/m3, 2 kg/m3 và 3 kg/m3. Khoảng hẹp hơn có thể sử dụng nếu có thêm đủ các thông tin về khoảng hiệu lực của sản phẩm, ví dụ là một cấp số nhân với hệ số .
6.5. Ổn định mẫu sau tẩm
Do các quy trình làm khô và ổn định mẫu được sử dụng phụ thuộc vào bản chất của chế phẩm được thử nghiệm và bản chất của chất pha loãng hoặc dung môi, nên phải tuân theo các khuyến nghị của đơn vị cung cấp.
Để cố định chế phẩm bảo quản tham chiếu, các mẫu thử đã tẩm phải được xếp chồng khít lên nhau, các mẫu thử với cùng lượng thấm được nhóm riêng biệt và được bọc trong tấm polyetylen hoặc vật liệu tương tự để tránh làm khô quá nhanh. Khoảng thời gian tối thiểu để cố định là 28 ngày. Việc cố định chỉ được thực hiện ở nhiệt độ môi trường lớn hơn 10 °C.
Để làm khô sau khi cố định, các mẫu thử phải được xếp chồng lên nhau bằng cách sử dụng tấm kê dày 10 mm và được bảo vệ khỏi mưa và sương.
7. Các mẫu chế phẩm tham chiếu
7.1 Chế phẩm bảo quản tham chiếu
Các mẫu tẩm theo 6.2, nếu có thể bằng cách sử dụng chế phẩm bảo quản tham chiếu XM5 100SP với thành phần sau:
CuSO4 50 % (theo khối lượng)
K2Cr2O7 50 % (theo khối lượng)
CHÚ THÍCH 1: Độ tinh khiết của các thành phần riêng lẻ cần phải đạt mức tối thiểu 98 % (theo khối lượng).
Sử dụng tối thiểu 2 mức nồng độ của dung dịch chế phẩm bảo quản.
CHÚ THÍCH 2: Nồng độ 5 % (theo khối lượng) và 10 % (theo khối lượng) có thể là đủ, tương ứng với lượng thấm tương đương 8 kg/m3 và 13 kg/m3 tùy theo quy định.
Ít nhất 5 mẫu thử với mỗi nồng độ của chế phẩm bảo quản tham chiếu chuẩn.
7.2 Chế phẩm bảo quản tham chiếu thay thế
Ngoài chế phẩm bảo quản XM5 100SP được đề cập ở trên, các mẫu đối chứng có thể tẩm bằng chế phẩm bảo quản thay thế có thành phần sau:
CUSO4 50 % (theo khối lượng)
K2Cr2O7 48 % (theo khối lượng)
CrO3 2 % (theo khối lượng)
CHÚ THÍCH 1: Độ tinh khiết của các thành phần riêng lẻ phải đạt tối thiểu 98 % (theo khối lượng).
Sử dụng tối thiểu 2 mức nồng độ chế phẩm bảo quản.
CHÚ THÍCH 2: Nồng độ 5 % (theo khối lượng) và 1,2 % (theo khối lượng) có thể đủ, tương ứng với lượng thấm tương đương 30 kg/m3 và 7 kg/m3 tùy theo quy định.
CHÚ THÍCH 3: Các chế phẩm bảo quản tham chiếu bổ sung và các loại gỗ khác có thể sử dụng nếu cần thiết.
8 Các mẫu thử đối chứng không tẩm
Mức độ gây hại tại địa điểm thử nghiệm phải theo dõi trong suốt thời gian thử nghiệm. Do đó, ít nhất 5 mẫu đối chứng không tẩm được đặt bổ sung hàng năm tại mỗi địa điểm thử nghiệm. Các mẫu đối chứng không tẩm và các mẫu tẩm chế phẩm bảo quản đều đặt ở cùng điều kiện thời tiết và lưu giữ như nhau trước khi thử nghiệm.
CHÚ THÍCH: Mục đích sử dụng các mẫu đối chứng chưa tẩm để theo dõi mức độ gây hại ở địa điểm thử nghiệm và so sánh tốc độ gây hại của gỗ chưa tẩm với gỗ tẩm chế phẩm bảo quản thử nghiệm và gỗ tẩm chế phẩm bảo quản đối tham chiếu.
9 Địa điểm thử nghiệm
9.1 Số lượng địa điểm thử nghiệm
Một địa điểm thử nghiệm là đủ, tuy nhiên, sẽ ưu tiên khi hai hoặc nhiều hơn các địa điểm nếu có sự khác biệt về quần thể sinh vật biển, thường là liên quan đến sự khác biệt về các đặc tính lý hóa của nước.
9.2 Lựa chọn địa điểm thử nghiệm
Chọn địa điểm thử nghiệm ở những vùng nước có nhiều hà biển hại gỗ và đại diện bởi ít nhất một loài Hà bún (Molusc) và ít nhất một loài Hà giáp xác (Limnoria), hoặc các loài giáp xác biển gây hại gỗ khác.
CHÚ THÍCH: Quần thể của những sinh vật này phải ổn định từ năm này sang năm khác. Nên tránh những vùng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nhiệt độ và độ mặn trung bình của nước ở tháng lạnh nhất và ấm nhất phải được đánh giá và các phương pháp sử dụng để xác định các đặc tính đó phải được ghi lại trong báo cáo. Hơn nữa, mức độ gây hại tại địa điểm thử nghiệm phải được theo dõi và đánh giá bằng độ bền trung bình của gỗ đối chứng và được coi là thích hợp khi độ bền trung bình dưới 5 năm.
9.3 Đặt mẫu thử trong nước biển
Thử nghiệm phải bắt đầu vào mùa xuân hoặc mùa hè trước khi ấu trùng của sinh vật thân mềm hại gỗ phát tán.
CHÚ THÍCH 1: Ở vùng nhiệt đới, thời điểm bắt đầu thử nghiệm không quá quan trọng mặc dù cần xem xét ảnh hưởng của mùa mưa đến độ mặn gần cửa sông.
Các mẫu thử phải được đặt dưới độ sâu khoảng 6 m so với bề mặt nước biển khi thủy triều lên cao ở mức trung bình. Các mẫu thử không được tiếp xúc với không khí khí thủy triều xuống.
CHÚ THÍCH 2: Ở vùng nước ôn đới, cả Hà bún và Hà giáp xác đều gây hại nghiêm trọng nhất ở độ sâu 6 m từ mặt nước; sự gây hại nghiêm trọng của Hà bún cũng xảy ra ở độ sâu này trong các khu vực nhiệt đới.
Dìm các mẫu thử xuống biển tại địa điểm thử nghiệm, cố định chắc chắn các mẫu trên giá đỡ thích hợp giúp các mẫu cách xa nhau ít nhất là 25 mm. Các mẫu thử đối chứng chưa tẩm và các mẫu bổ sung sau đó được đặt ngẫu nhiên trên thiết bị thử nghiệm.
CHÚ THÍCH 3: Phương pháp thích hợp để lắp đặt lâu dài gồm việc gắn các mẫu thử vào một thang đỡ (xem Phụ lục A) đặt trên đáy biển[2] hoặc, đặc biệt ở nơi có biên độ thủy triều cao, treo chúng trong nước từ một chiếc bè.
CHÚ THÍCH 4: Các mẫu thử cũng có thể được treo vào dây. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có một cấu trúc chắc chắn được làm bằng vật liệu chống chịu tốt. Điều quan trọng là kiểm tra lắp đặt mẫu thường xuyên, vài lần trong năm, nếu có thể.
10 Kiểm tra thử nghiệm
Tiến hành kiểm tra định kỳ 6 tháng trong 3 năm đầu, vào khoảng thời gian mà sinh vật ít hoạt động nhất. Đặc biệt, tránh thời điểm tương ứng với thời kỳ phát tán của ấu trùng. Sau đó, các kỳ kiểm tra tiếp theo có thể thực hiện trong khoảng thời gian dài hơn.
CHÚ THÍCH 1: Cần ghi lại chi tiết về các loài sinh vật hại gỗ xuất hiện tại địa điểm thử nghiệm và vòng đời của chúng để xác định thời gian đặt và khoảng thời gian giữa các lần kiểm tra.
Tại mỗi lần kiểm tra, đưa các mẫu thử ra khỏi nước và kiểm tra các sinh vật bám vào. Ghi lại gần đúng phần trăm diện tích bề mặt của các mẫu bị bao phủ bởi các sinh vật bám.
CHÚ THÍCH 2: Các sinh vật khác bám lên nhiều có thể làm giảm diện tích bề mặt gỗ nơi cư trú của ấu trùng Hà bún.
Các loại sinh vật bám vào mẫu chiếm ưu thế cũng phải được ghi lại, ví dụ: Hà cổ ngỗng barnacles, tunicate, bọt biển, động vật hình rêu bryozoans, tảo đỏ, v.v.
Các sinh vật bám phải được loại bỏ khỏi các mẫu thử trước khi kiểm tra thêm.
Nên thực hiện loại bỏ sinh vật bám khỏi bề mặt một cách cẩn thận để tránh làm hỏng bề mặt của các mẫu thử.
CHÚ THÍCH 3: Các lỗ đục của Hà giáp xác Limnoria và các hang rỗng của chúng ngay bên dưới bề mặt gỗ đặc biệt dễ bị hư hại do bất cẩn trong quá trình vệ sinh; sự sống của hà biển cũng sẽ bị đe dọa.
Sau khi loại bỏ cẩn thận các sinh vật bám, các mẫu thử được kiểm tra sự gây hại của Hà giáp xác (chủ yếu là các loài Limnoria). Việc đánh giá sự gây hại sẽ được chấm điểm theo hệ thống chấm điểm nêu trong Điều 11.
Sau đó, chiếu tia X qua một trong các bề mặt 200 mm x 75 mm của các mẫu thử. Các tia x tiếp theo sẽ được thực hiện từ cùng một mặt để có thể theo dõi phát triển mức độ gây hại của hà biển.
CHÚ THÍCH 4: Tùy thuộc vào thiết bị được sử dụng, các yếu tố như thời gian tiếp xúc, khoảng cách giữa mẫu và đơn vị bức xạ, cường độ dòng điện, loại phim tia X, v.v. có thể khác nhau đáng kể và được xác định riêng.
Sau khi quét tia X, đặt lại các mẫu thử trong nước ở vị trí gần giống như trước. Trong quá trình đánh giá hạn chế để mẫu thử ngoài không khí, thời gian tiếp xúc không khí phải ít hơn 4h.
CHÚ THÍCH: Nên giữ các mẫu thử trong xô hoặc vật chứa tương tự có nước biển tuần hoàn trong thời gian chúng được đưa ra khỏi biển, để tránh tổn hại đến Hà biển.
11 Đánh giá thử nghiệm
11.1. Yêu cầu chung
Đánh giá độc lập sự gây hại của sinh vật biển gây hại thân mềm và giáp xác
11.2. Đánh giá sự gây hại của Hà bún và các sinh vật thân mềm khác bằng thiết bị tia X
Phim X quang, sau khi được rửa, được kiểm tra để tìm bằng chứng về các đường hang do sinh vật ở biển đục trong các mẫu thử.
CHÚ THÍCH: Do vôi hóa, một số đường hang hiển thị sự tương phản trên phim tia X.
Sau khi hà biển chết và đường hang bị nước biển xâm nhập vào, lớp vôi trắng của đường hang bị tan dần và đường hang có màu sẫm hơn gỗ xung quanh trên phim chụp tia X. Tuy nhiên, phần xác (vỏ) của hà biển thường tồn tại trong một thời gian dài hơn và có thể nhìn thấy rõ ràng trên phim ngay cả khi lớp vôi trắng đã tan hoàn toàn.
Tương tự như vậy, sự gây hại của Hà bún không tạo ra lớp vôi trắng trong đường hang của chúng hiển thị trên phim tia X bởi các dấu do phần xác tạo ra, cho thấy độ tương phản mạnh, và thực tế là đường hang tối hơn vùng gỗ xung quanh.
Sự gây hại trên mỗi mẫu thử phải được đánh giá theo các cấp như Bảng 1. cấp độ xếp hạng gây hại của Hà bún và các sinh vật thân mềm khác được tính bằng trung bình cộng của các cấp độ gây hại của từng mẫu thử trong công thức.
Bảng 1: Hệ thống phân cấp mức độ gây hại của Hà bún và các sinh vật thân mềm khác
Cấp độ |
Phân cấp |
Điều kiện và ngoại quan của mẫu thử |
0 |
Không gây hại |
Không có dấu hiệu gây hại |
1 |
Gây hại nhẹ |
Có một hoặc vài hang rải rác che phủ không quá 15 % diện tích bề mặt của mẫu khi kiểm tra phim tia X |
2 |
Gây hại trung bình |
Các hang che phủ không quá 25 % diện tích bề mặt của mẫu khi kiểm tra phim tia X |
3 |
Gây hại nặng |
Các hang che phủ khoảng từ 25 % đến 50 % diện tích bề mặt của mẫu khi kiểm tra phim tia X |
4 |
Hư hại hoàn toàn |
Các hang che phủ trên 50 % diện tích bề mặt của mẫu khi kiểm tra phim tia X |
CHÚ THÍCH: Các loài giáp xác (Limnorids) gây hại gỗ từ bề mặt và tạo ra các khoang rỗng khá rộng. Tuy nhiên, do sự phá hủy dần dần và mất đi lớp gỗ chống đỡ bên ngoài, nên kích thước mẫu thử giảm dần và hình dạng có thể thay đổi.
11.3. Đánh giá sự gây hại của hà giáp xác và các sinh vật giáp xác khác
Sự gây hại của hà giáp xác được đánh giá bằng cách kiểm tra trực quan mẫu thử có tính đến số lượng các khoang rỗng và sự phân bố của khoang rỗng (theo diện tích bề mặt được bao phủ và độ sâu của khoang rỗng).
Sự gây hại trên mỗi mẫu thử được phân loại theo Bảng 2. Cấp độ xếp hạng gây hại của hà giáp xác và các sinh vật giáp xác khác được tính bằng trung bình cộng của các cấp độ gây hại của từng mẫu thử trong công thức thử nghiệm.
Bảng 2: Hệ thống phân cấp mức độ gây hại của hà giáp xác và các sinh vật giáp xác khác
Cấp độ |
Phân cấp |
Điều kiện và ngoại quan của mẫu thử |
0 |
Không gây hại |
Không có dấu hiệu gây hại |
1 |
Gây hại nhẹ |
Có một hoặc vài khoang rỗng rải rác che phủ không quá 10 % diện tích bề mặt của mẫu (tính toàn bộ các mặt) Kích thước mặt cắt không đổi |
2 |
Gây hại trung bình |
Các khoang rỗng che phủ nhiều hơn 10 % diện tích bề mặt của mẫu Kích thước mặt cắt gần như không đổi |
3 |
Gây hại nặng |
Bề mặt của mẫu bị che phủ gần như hoàn toàn bởi các khoang rỗng Kích thước mặt cắt giảm rõ rệt |
4 |
Hư hại hoàn toàn |
Hơn nửa thể tích ban đầu của mẫu đã bị mất hoặc mẫu bị vỡ ra khỏi giá hoặc có thể bị bẻ vỡ dễ dàng |
11.4. Đánh giá tổng thể
Đánh giá tổng thể cho từng cấp độ lượng thấm chế phẩm bảo quản được thử nghiệm đối với 2 loại sinh vật hà biển gây hại được lấy từ Hình 2.
Hình 2: Cấp độ tổng thể cho 2 loại gây hại
12. Hiệu lực của thử nghiệm
Thử nghiệm phải được thực hiện trong thời gian tối thiểu là 3 năm (hoặc cho đến khi tất cả các mẫu thử đối chứng không tẩm đều bị phá hủy hoàn toàn) trước khi có thể đưa ra bất kỳ giải thích nào về kết quả.
Xếp hạng trung bình theo lý thuyết thì các mẫu tẩm chế phẩm đối chứng ở mức lượng thấm thấp hơn không được nhỏ hơn cấp độ 2 trong cả 2 bảng đánh giá.
CHÚ THÍCH: Ở các vùng ôn đới, thời gian thử nghiệm dài hơn có thể được chấp nhận.
13. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm gồm ít nhất các thông tin sau (xem thêm ví dụ ở Phụ lục C):
a) Viện dẫn tiêu chuẩn này;
b) Tên của người gửi mẫu;
c) Tên và loại sản phẩm được thử nghiệm, và công thức sản phẩm đã được công bố hay chưa;
d) Dung môi hoặc chất pha loãng được sử dụng;
e) Loại gỗ được sử dụng và khối lượng riêng trung bình của nó;
f) Bất kỳ loại gỗ bổ sung nào được sử dụng, bao gồm số vòng hàng năm trên 10 mm và khối lượng riêng trung bình của gỗ được chọn;
g) Số lần lặp lại phép thử;
h) Nồng độ, tính theo phần trăm khối lượng, của chế phẩm bảo quản được thử nghiệm;
i) Ngày và phương pháp tẩm;
j) Lượng dung dịch thấm trung bình tính bằng lít trên mét khối trong mỗi lô mẫu và các giá trị nhỏ nhất và lớn nhất;
k) Lượng thấm trung bình của chế phẩm bảo quản tính bằng kilôgam trên mét khối đối với mỗi lô mẫu và các giá trị nhỏ nhất và lớn nhất;
l) Chế phẩm bảo quản tham chiếu (thành phần, nồng độ, lượng thấm trung bình và các giá trị tối thiểu và tối đa);
m) Phương pháp ổn định sau tẩm và ngày tháng;
n) Ngày đặt mẫu trên biển;
o) Tên và địa điểm thử nghiệm;
p) Đặc điểm của địa điểm đặt mẫu (bao gồm độ mặn, nhiệt độ và độ tàn phá được theo dõi bởi sự gây hại trong các mẫu đối chứng);
q) Mô tả các điều kiện đặt mẫu bao gồm loại giàn thử, độ sâu liên quan đến thủy triều;
r) Ngày đánh giá cuối cùng;
s) Khoảng thời gian của giai đoạn thử nghiệm;
t) Các loài gây hại gỗ trong nước biển xuất hiện tại địa điểm thử nghiệm;
u) Hệ thống chấm điểm được sử dụng trong đánh giá (xem Điều 11);
v) Các loại và mức độ sinh vật bám được tìm thấy trên cả mẫu thử và mẫu đối chứng;
w) xếp hạng trung bình lý thuyết hàng năm và cuối cùng được ghi lại đối với các mẫu thử đối chứng, mẫu chuẩn và mẫu thử;
x) Trong trường hợp toàn bộ lô mẫu không đạt ở một mức lượng thấm nhất định: tuổi thọ trung bình (năm) (tối thiểu - tối đa) (năm) tương ứng là lượng thấm trung bình (kg/m3);
y) Tên của tổ chức chịu trách nhiệm về báo cáo thử nghiệm và ngày hoàn thành thử nghiệm;
z) Tên và chữ ký của các cán bộ phụ trách thử nghiệm;
a) lưu ý sau:
"Việc giải thích và các kết luận thực tế có thể rút ra từ báo cáo thử nghiệm này đòi hỏi kiến thức chuyên môn về bảo quản gỗ và do vậy, báo cáo thử nghiệm này không được coi là một chứng chỉ phê duyệt”.
Báo cáo thử nghiệm phải liệt kê bất kỳ sự thay đổi nào so với phương pháp thử nghiệm đã mô tả, cũng như bất kỳ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Ví dụ về hệ thống thử nghiệm phù hợp cho các vùng có biên độ thủy triều thấp
Phụ lục B
(Tham khảo)
Ví dụ về phân cấp các mức gây hại của Hà bún khi chúng xuất hiện trên phim tia X
CHÚ DẪN: Cấp 1: Gây hại nhẹ
Cấp 2: Gây hại trung bình
Cấp 3: Gây hại nặng
Cấp 4: Hư hại hoàn toàn
Phụ lục C
(Tham khảo)
Ví dụ minh họa về một báo cáo thử nghiệm
Số hiệu và năm của tiêu chuẩn |
TCVN 14127:2024 |
Tên đơn vị yêu cầu thử nghiệm |
Công ty D |
Tên và loại sản phẩm |
XYZ, dạng bột |
Dung môi hoặc chất pha loãng được sử dụng |
Nước |
Loài gỗ và khối lượng riêng |
Thông mã vĩ (Pinus massoniana Lamb), 480 kg/m3 |
Số lượng mẫu lặp |
8 |
Nồng độ chế phẩm bảo quản được thử nghiệm |
2,4 - 3,5 - 5,0 - 7,2 - 10,4 % (theo khối lượng) |
Ngày và phương pháp tẩm |
25-10-2022 phương pháp tẩm chân không/áp lực (chân không 8 kPa trong 45 min và áp suất 1,5 MPa trong 2h) |
Lượng hấp thụ trung bình |
Xem Bảng C.1 |
Lượng thấm trung bình |
Xem Bảng C.1 |
Chế phẩm bảo quản đối chứng được sử dụng |
Chế phẩm bảo quản đối chứng tiêu chuẩn là XM5 gồm thành phần sau: CuSO4 50 % (theo khối lượng) K2Cr2O7 50 % (theo khối lượng) |
Phương pháp ổn định mẫu sau tẩm |
Các mẫu được làm khô bằng cách xếp đống mở ở nhiệt độ trong khoảng 15 °C đến 20 °C trong 45 ngày sau tẩm |
Ngày đặt mẫu |
7-11-2022 |
Tên và vị trí đặt mẫu |
Hải Phòng, 100 Km từ trung tâm thành phố |
Đặc điểm vị trí đặt mẫu |
|
Nhiệt độ và độ mặn của nước |
Nhiệt độ dao động trong khoảng (37-42) °C vào mùa hè và 7 °C vào giữa mùa đông. Độ mặn dao động trong khoảng 26 g/kg đến 34 g/kg. |
Hoạt động của hà biển |
Hà biển hoạt động trong suốt thời gian thử nghiệm. Tuổi thọ tối đa của mẫu đối chứng chưa qua tẩm dưới 2 năm. |
Điều kiện đặt mẫu |
Mẫu vật được treo trên một giàn giống bậc thang đặt trên đáy biển ở độ sâu 6 m dưới mực nước thấp ± 0,4 m. Kết quả là các mẫu thử nằm ở độ sâu thay đổi từ 4 m đến 6,5 m dưới mặt nước trong thời gian thử nghiệm. |
Ngày đánh giá cuối cùng |
7-11-2027 |
Thời gian thử nghiệm |
5 năm |
Các loài hà biển xuất hiện |
Limnoria lignorum, Teredo navalis, Psiloteredo megotara, Xylophaga dorsalis |
Hệ thống cấp độ sử dụng để đánh giá |
Xem Bảng C.2 |
Các loại và mức độ của các sinh vật bám |
Bọt biển, 80 % diện tích bề mặt |
Tuổi thọ trung bình, xếp hạng trung bình lý thuyết hàng năm và cuối cùng được ghi lại cho các mẫu thử kiểm soát, mẫu đối chứng và mẫu thử. |
Xem Bảng C.1 |
Báo cáo này được thực hiện bởi |
Phòng thí nghiệm bộ môn bảo quản Lâm sản |
Địa điểm và ngày |
Hải Phòng 7-11-2027 |
Tên và chữ ký của (các) cán bộ phụ trách |
Bà Y |
CHÚ THÍCH: Việc giải thích và các kết luận thực tế có thể rút ra từ báo cáo thử nghiệm này đòi hỏi kiến thức chuyên môn về bảo quản gỗ và do vậy, báo cáo thử nghiệm này không được coi là một chứng chỉ phê duyệt.
Bảng C.1: Kết quả từ XYZ trên gỗ Thông mã vĩ (Pinus massoniana Lamb) sau 5 năm thử nghiệm dưới biển
Loại mẫu |
Nồng độ thử nghiệm |
Lượng chế phẩm thấm |
Lượng thấm |
Xếp hạng trung bình lý thuyết dựa trên việc đánh giá sự gây hại của các mẫu thử riêng lẻ |
Đánh giá tổng thể |
Tuổi thọ trung bình (năm) |
|
|
% (theo khối lượng) |
Gỗ dác (l/m3) |
Gỗ dác (kg/m3) |
Hà giáp xác |
Hà bún |
Trung bình Nhỏ nhất, lớn nhất |
|
|
2,4 |
630 (606-653) |
15,2 (14,6-15,7) |
2,0a |
4 |
Hư hại hoàn toàn |
2,8 (1-4) |
|
3,5 |
621 (600-645) |
21,6 (20,8-22,4) |
0,9 |
2,2 |
Gây hại nặng |
d |
Các mẫu thử |
5,0 |
629 (601-663) |
31,5 (30,1-33,2) |
0 |
1,7 |
Gây hại trung bình |
d |
|
7,2 |
637 (615-648) |
45,9 (44,3-46,7) |
0 |
0 |
Không gây hại |
d |
|
10,4 |
615 (695-640) |
63,8 (61,7-66,4) |
0 |
0 |
Không gây hại |
d |
Các mẫu đối chứng |
0,6 |
635 (601-658) |
3,8 (3,6-3,9) |
1,2b |
4 |
Hư hại hoàn toàn |
3,6 |
2,6 |
626 (609-649) |
16,3 (15,8-16,9) |
0 |
1,8 |
Gây hại trung bình |
|
|
Các mẫu thử kiểm soát không tẩm |
0 |
0 |
0 |
2,0c |
4 |
Hư hại hoàn toàn |
1,4 |
CHÚ THÍCH: a Sau năm thứ 3 thử nghiệm, không cần đánh giá sự gây hại của Hà giáp xác khi mẫu đã bị Hà bún Teredinids gây hư hại hoàn toàn. b Sau năm thứ 4 thử nghiệm, không cần đánh giá sự gây hại của Hà giáp xác khi mẫu đã bị Hà bún Teredinids gây hư hại hoàn toàn. c Sau năm thứ 2 thử nghiệm, không cần đánh giá sự gây hại của Hà giáp xác khi mẫu đã bị Hà bún Teredinids gây hư hại hoàn toàn. d Tuổi thọ trung bình chưa thể tính toán. |
Bảng C.2: Hệ thống chấm điểm được sử dụng trong đánh giá
Các hệ thống phân loại sau đây đã được sử dụng. Gây hại bởi Hà giáp xác Limnoria và các loài sinh vật giáp xác khác dựa trên quan sát trực quan của các mẫu thử |
||
Cấp độ |
Phân cấp |
Điều kiện và ngoại quan của mẫu thử |
0 |
Không gây hại |
Không có dấu hiệu gây hại |
1 |
Gây hại nhẹ |
Có một hoặc vài khoang rỗng rải rác che phủ không quá 10 % diện tích bề mặt của mẫu (tính toàn bộ các mặt) Kích thước mặt cắt không đổi |
2 |
Gây hại trung bình |
Các khoang rỗng che phủ nhiều hơn 10 % diện tích bề mặt của mẫu Kích thước mặt cắt gần như không đổi |
3 |
Gây hại nặng |
Bề mặt của mẫu bị che phủ gần như hoàn toàn bởi các khoang rỗng Kích thước mặt cắt giảm rõ rệt |
4 |
Hư hại hoàn toàn |
Hơn nửa thể tích ban đầu của mẫu đã bị mất hoặc mẫu bị vỡ ra khỏi giá hoặc có thể bị bẻ vỡ dễ dàng |
Gây hại bởi Hà bún Teredinids và các sinh vật thân mềm khác dựa trên việc kiểm tra các bức ảnh chụp tia X của mẫu thử |
||
Cấp độ |
Phân cấp |
Điều kiện và ngoại quan của mẫu thử |
0 |
Không gây hại |
Không có dấu hiệu gây hại |
1 |
Gây hại nhẹ |
Có một hoặc vài hang rải rác che phủ không quá 15 % diện tích bề mặt của mẫu khi kiểm tra phim tia X |
2 |
Gây hại trung bình |
Các hang che phủ không quá 25 % diện tích bề mặt của mẫu khi kiểm tra phim tia X |
3 |
Gây hại nặng |
Các hang che phủ khoảng từ 25 % đến 50 % diện tích bề mặt của mẫu khi kiểm tra phim tia X |
4 |
Hư hại hoàn toàn |
Các hang che phủ trên 50 % diện tích bề mặt của mẫu khi Kiểm tra phim tia X |
Bằng cách cộng xếp hạng của tất cả các mẫu thử và chia cho số lượng mẫu thử, sẽ thu được xếp hạng trung bình lý thuyết cho mỗi cấp lượng thấm chế phẩm bảo quản được thử nghiệm, xếp hạng trung bình lý thuyết đã được tính toán riêng biệt cho sự gây hại của Hà giáp xác và Hà bún. Đánh giá tổng thể về hai kiểu gây hại của Hà biển thu được bằng các tọa độ xác định trong hệ thống được biểu diễn trong Hình C.1.
Hình C.1 Đánh giá tổng thể hai kiểu gây hại của Hà biển
Khi tất cả các mẫu thử tại một cấp lượng thấm nhất định hư hại hoàn toàn theo đánh giá tổng thể, tuổi thọ sử dụng trung bình của các mẫu thử trong nhóm được tính toán và xác định tuổi thọ tối đa và tối thiểu.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 13701-1:2023 Tính chất vật lý và cơ học của gỗ - Phương pháp thử dành cho mẫu nhỏ không khuyết tật từ gỗ tự nhiên - Phần 1: Xác định độ ẩm cho các thử nghiệm vật lý và cơ học
[2] BS EN 212:2003 Wood preservatives - General guidance on sampling and preparation for analysis of wood preservatives and treated timber
[3] Gareth Jones, E.B., Kϋhne, H., Trussee, p.c. and Turner, R.D., 1972; Results of an international co-operative research programme on the biodeterioration of timber submerged in the sea. Material und Organismen 1972:2 (93-118),
[4] Nordic Wood, Preservation Council, 1973; NWPC Standard for testing of wood preservatives. Marine Test - a test against marine wood boring organisms in sea water. NWPC Standard No. 1422/73
[5] M.V, Rao, S.K. Pati, D. Swain, and R.M. Sharma (2012), Marine wood borers
[6] Bùi Văn Ái (2009), “Nghiên cứu công nghệ bảo quản gỗ đóng tàu thuyền đi biển”, Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
[7] Lê Văn Lâm (1985), “Bước đầu chống hà cho tàu thuyền đi biển” Một số kết quả nghiên cứu ứng dụng KHKT công nghiệp rừng”, NXB Nông nghiệp
[8] Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Nông (2006) "Bảo quản Lâm sản”, nhà xuất bản nông nghiệp,
[9] Nguyễn Thị Bích Ngọc, Lê Văn Lâm, Nguyễn Văn Đức (2006) "Tuyển tập các công trình nghiên cứu Bảo quản Lâm sản (1986-2006)", nhà xuất bản thống kê.
Mục lục
1 Phạm vi áp dụng
2 Thuật ngữ và định nghĩa
3 Nguyên tắc
4 Thiết bị, dụng cụ
4.1 Các dụng cụ thí nghiệm thông thường
4.2 Thiết bị tia X
4.3 Hệ thống ngâm tẩm
5. Lấy mẫu
5.1 Mẫu chế phẩm bảo quản
5.2 Mẫu gỗ thử nghiệm
5.2.1 Loại gỗ
5.2.2 Chất lượng gỗ
5.2.3 Chuẩn bị mẫu
5.2.4 Số lượng mẫu thử
5.2.5 Ghi nhãn mẫu thử
6 Ổn định và tẩm các mẫu thử
6.1 Làm khô mẫu
6.2 Quy trình tẩm mẫu
6.3. Xác định lượng thấm của chế phẩm bảo quản
6.4. Các mức thấm của chế phẩm bảo quản
6.5. Ổn định mẫu sau tẩm
7. Các mẫu chế phẩm tham chiếu
7.1 Chế phẩm bảo quản tham chiếu
7.2 Chế phẩm bảo quản tham chiếu thay thế
8 Các mẫu thử đối chứng không tẩm
9 Địa điểm thử nghiệm
9.1 Số lượng địa điểm thử nghiệm
9.2 Lựa chọn địa điểm thử nghiệm
9.3 Đặt mẫu thử trong nước biển
10 Kiểm tra thử nghiệm
11 Đánh giá thử nghiệm
11.1. Yêu cầu chung
11.2. Đánh giá sự gây hại của Hà bún và các sinh vật thân mềm khác bằng thiết bị tia X
11.3. Đánh giá sự gây hại của hà giáp xác và các sinh vật giáp xác khác
11.4. Đánh giá tổng thể
12. Hiệu lực của thử nghiệm
13, Báo cáo thử nghiệm
Phụ lục A
Ví dụ về hệ thống thử nghiệm phù hợp cho các vùng có biên độ thủy triều thấp
Phụ lục B
Ví dụ về phân cấp các mức gây hại của Hà bún khi chúng xuất hiện trên phim tia X
Phụ lục C
Thư mục tài liệu tham khảo
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.