TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13976:2024
SƠN NHÔM
Aluminium paint
Lời nói đầu
TCVN 13976:2024 được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo JIS K 5492:2014 Aluminum Paint.
TCVN 13976:2024 do Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
SƠN NHÔM
Aluminium paint
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng cho sơn nhôm được dùng chủ yếu ở ngoài trời, tạo lớp phủ màu bạc với mục đích chính là phản xạ bức xạ năng lượng mặt trời, chống thấm.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 2090 (ISO 15528), Sơn, vecni và nguyên liệu cho sơn và vecni - Lấy mẫu;
TCVN 2094, Sơn - Phương pháp gia công màng sơn;
TCVN 2096-3 (ISO 9117-3), Sơn và vecni - Phương pháp xác định độ khô và thời gian khô - Phần 3: Xác định thời gian khô bề mặt dùng hạt Ballotini;
TCVN 2099 (ISO 1519), Sơn và vecni - Phép thử uốn (trục hình trụ);
TCVN 2101 (ISO 2813), Sơn và vecni - Xác định độ bóng phản quang của màng sơn không chứa kim loại ở góc 20°, 60° và 85°;
TCVN 2102 (ISO 3668), Sơn và vecni - Xác định màu sắc theo phương pháp so sánh trực quan;
TCVN 5668 (ISO 3270), Sơn, vecni và nguyên liệu của chúng. Nhiệt độ và độ ẩm để điều hòa và thử nghiệm;
TCVN 5669 (ISO 1513), Sơn và vecni - Kiểm tra và chuẩn bị mẫu thử;
TCVN 5670 (ISO 1514), Sơn và vecni - Tắm chuẩn để thử;
TCVN 7218, Kính tấm xây dựng - Kính nổi - Yêu cầu kỹ thuật;
TCVN 7858 (ISO 3574), Thép tấm các bon cán nguội chất lượng thương mại và chất lượng dập vuốt;
TCVN 7874-1 (ISO 80000-1), Đại lượng và đơn vị - Phần 0: Nguyên tắc chung;
TCVN 8991 (ISO 11949), Thép tấm cán nguội được phủ thiếc bằng mạ điện;
TCVN 9761 (ISO 2810), Sơn và vecni - Sự phong hóa tự nhiên của lớp phủ - Phơi mẫu và đánh giá;
TCVN 10237-1 (ISO 2811-1), Sơn và vecni - Xác định khối lượng riêng - Phần 1: Phương pháp Pynometer;
TCVN 10517-2 (ISO 2812-2), Sơn và vecni - Xác định độ bền với chất lỏng - Phần 2: Phương pháp ngâm nước;
TCVN 10519 (ISO 3251), Sơn, vecni và chất dẻo - Xác định hàm lượng chất không bay hơi;
TCVN 11608-2 (ISO 16474-2), Sơn và vecni - Phương pháp phơi nhiễm với nguồn sáng phòng thử nghiệm - Phần 2: Đèn hồ quang Xenon;
TCVN 12704-3 (ISO 6504-3), Sơn và vecni - Phương pháp xác định độ phù - Phần 3: Xác định tỷ lệ độ tương phản của sơn màu với độ phủ sơn cố định;
TCVN 13478 (ISO 4618), Sơn và vecni - Thuật ngữ và định nghĩa;
TCVN 13527, Sơn phản xạ ánh sáng mặt trời dùng cho mái nhà;
TCVN 13977, Sơn và vecni - Xác định hàm lượng formaldehyt phát tán từ màng;
ISO 3366, Coated abrasives - Abrasive rolls (Mài mòn bề mặt - cuộn mài mòn);
JIS K 5600-1-8, Testing methods for paints - Part 1: Rule-Section 8: Reference sample (Sơn - Phương pháp kiểm tra chung - Phần 1: Quy tắc chung - Mục 8: Mẫu đối chứng);
JIS K 5674, Lead-free, Chromium-free anticorrosive paints (Sơn chống ăn mòn không chì, không Crom);
JIS z 8721, Colour specification - Specification according to their three attributes (Yêu cầu kỹ thuật về màu sắc - Yêu cầu kỹ thuật theo 3 chiều).
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 13478 (ISO 4618) và các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1 Sơn nhôm (aluminum paint)
Là loại sơn đóng rắn nhờ phản ứng ôxi hóa, gồm hai loại:
Loại đã trộn sẵn với vảy nhôm dạng khô hoặc paste nhôm với nhựa vecni gốc dầu Loại bao gồm hai thành phần đựng trong bình chứa riêng và chỉ trộn chung khi sử dụng.
4 Yêu cầu kỹ thuật
4.1 Mức yêu cầu kỹ thuật
Sơn nhôm phải đáp ứng các mức yêu cầu kỹ thuật nêu trong Bảng 1 khi thử nghiệm theo Điều 6.
Bảng 1 - Yêu cầu kỹ thuật
Tên chỉ tiêu |
Mức yêu cầu |
1. Trạng thái sơn trong thùng chứa |
Khi khuấy sơn sẽ đồng nhất, không vón cục |
2. Khối lượng riêng, g/cm3 |
0,95 ÷ 1,10 |
3. Hàm lượng chất không bay hơi, %, không nhỏ hơn |
45 |
4. Đặc tính thi công |
Dễ dàng sơn |
5. Thời gian khô bề mặt, h, không lớn hơn |
16 |
6. Ngoại quan màng sơn |
Không có biểu hiện khác thường trên bề mặt màng sơn |
7. Độ bóng, góc 60°, không nhỏ hơn |
100 |
8. Độ tương phản, %, không nhỏ hơn |
90 |
9. Độ bền uốn, trục 10 mm |
Bề mặt màng sơn không bị rạn nứt, bong tróc |
10. Độ bền nước, sau 18 h |
Bề mặt màng sơn không có dấu hiệu bất thường |
11. Độ bền thời tiết gia tốc, sau 240 h |
Bề mặt màng sơn không bị phồng rộp, bong tróc và thay đổi màu sắc so với mẫu đối chứng |
12. Độ bền phơi nhiễm ngoài trời, sau 12 tháng |
Bề mặt màng sơn không bị phồng rộp, bong tróc và thay đổi màu sắc so với mẫu đối chứng |
4.2 Cấp phát tán formaldehyt
Hàm lượng formaldehyt được phân cấp trong Bảng 2 khi thử nghiệm theo 6.16.
Bảng 2- cấp phát tán formaldehyt
Cấp phát tán formaldehyt |
Cấp 4 |
Cấp 3 |
Cấp 2 |
- (1) |
Hàm lượng formaldehyt phát tán, mg/L |
≤ 0,12 |
≤ 0,35 |
≤ 1,8 |
≥ 1,8 |
CHÚ THÍCH (1): Không quy định mức độ phát tán formaldehyt. |
5 Mẫu đối chứng
Mẫu đối chứng được quy định trong Bảng 3, căn cứ phân loại về sản phẩm theo JIS K 5600-1-8.
Bảng 3 - Mẫu đối chứng
Phép thử |
Chỉ tiêu quan sát |
Phân loại mẫu đối chứng |
||
Dạng mẫu |
Phương thức thiết lập |
Mức chất lượng |
||
Ngoại quan màng sơn |
Màu sắc |
Mẫu màng sơn hoặc mẫu sơn lỏng |
Mẫu của nhà sản xuất |
Mẫu tiêu chuẩn |
vết nhám, vết gợn, vết lõm và lỗ chân kim, không đồng đều |
Mẫu giới hạn |
|||
Độ bền nước |
Sự thay đổi độ bóng, thay đổi màu sắc, vết gợn |
|||
Độ bền thời tiết gia tốc |
Sự thay đổi màu sắc |
|||
Độ bền phơi nhiễm ngoài trời |
Sự thay đổi màu sắc |
6 Phương pháp thử
Tham khảo: Tấm thử, kích thước, số lượng tấm mẫu thử và số ngày thử nghiệm cần thiết cho việc thử nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật trong tiêu chuẩn này theo Phụ lục tham khảo A. Ngoài ra, trong các thử nghiệm này cần tối thiểu 500 mL mẫu thử.
6.1 Lấy mẫu
Lấy mẫu theo TCVN 2090 (ISO 15528).
6.2 Kiểm tra và chuẩn bị mẫu thử
Kiểm tra và chuẩn bị mẫu thử theo TCVN 5669 (ISO 1513).
6.3 Điều kiện chung
Điều kiện chung khi thử nghiệm phải phù hợp theo các nội dung cụ thể sau.
6.3.1 Vị trí thử nghiệm và nguồn sáng để quan sát
a, Trừ khi có quy định khác, vị trí ổn định và thử nghiệm phải tuân theo điều kiện tiêu chuẩn quy định tại 4.1 trong TCVN 5668 (ISO 3270), ở trong phòng không có ánh sáng mặt trời trực tiếp, ít chịu ảnh hưởng bởi khí, hơi nước, bụi bẩn, trong phòng ít thông gió.
b, Nguồn sáng để quan sát là ánh sáng ban ngày khuếch tán quy định tại 5.2 (ánh sáng tự nhiên) trong TCVN 2102 (ISO 3668). Ngoài ra, có thể sử dụng buồng quan sát màu quy định tại 5.3 (buồng quan sát màu của ánh sáng nhân tạo) trong TCVN 2102 (ISO 3668).
6.3.2 Chuẩn bị tấm mẫu thử
6.3.2.1 Chuẩn bị tấm thử
Tấm thử và chuẩn bị tấm thử phải tuân theo TCVN 5670 (ISO 1514).
Trường hợp không có quy định khác, sử dụng tấm thép có kích thước (150 × 70 × 0,8) mm được gia công mài bóng. Tấm thép phù hợp theo TCVN 7858 (ISO 3574), giấy nhám chịu nước sử dụng P280 trong ISO 3366.
6.3.2.2 Gia công màng sơn
Trường hợp không có quy định khác, gia công màng sơn bằng chổi quét theo TCVN 2094, lượng sơn dùng để sơn một lớp khoảng (0,3 ± 0,05) g /100 cm2. Nếu cần, có thể sử dụng dung môi pha loãng quy định cho sản phẩm nhưng không quá 10 % (tỷ lệ khối lượng).
6.3.2.3 Phương pháp làm khô
Ngoại trừ các quy định đặc biệt khác, tấm mẫu thử sẽ được để khô tự nhiên.
CHÚ THÍCH: Sau khi sơn tấm thử xong, đặt tầm mẫu thử nằm ngang, hướng mặt sơn lên phía trên. Đối với các tấm mẫu thử dùng để ngâm trong dung dịch, đặt tấm đứng và hướng cạnh dùng để ngâm lên trên.
6.3.2.4 Sơn bọc xung quanh tấm thử nghiệm: Ngoại trừ tấm kính, trường hợp không có quy định khác sẽ sơn lẻn cả hai mặt của tấm thử, sau khi làm khô bề mặt sơn, sử dụng sơn thử nghiệm để sơn bọc xung quanh tấm mẫu thử.
CHÚ THÍCH: Ngoài tấm mẫu thử để ngâm trong nước, trường hợp tấm mẫu thử để thử độ bền theo thời gian thì các cạnh của tấm mẫu thử cũng sơn như vậy.
6.4 Xác định trạng thái sơn trong thùng chứa
Mở nắp thùng chứa, loại bỏ lớp váng bề mặt nếu đã hình thành và sau đó kiểm tra bằng cách dùng que khuấy, thìa, ... khuấy đều lên. Khi khuấy nếu thấy sơn đồng nhất, không có cục vón cứng thì kết luận "khi khuấy sơn đồng nhất, không vón cục”.
Trong trường hợp sơn nhiều thành phần, kiểm tra trạng thái sơn trong thùng chứa của từng thành phần.
6.5 Xác định khối lượng riêng
Xác định theo TCVN 10237-1 (ISO 2811-1).
6.6 Xác định hàm lượng chất không bay hơi
Xác định theo TCVN 10519 (ISO 3251) và các điều kiện thử nghiệm sau:
- Nhiệt độ thử nghiệm (105 ± 2) °C;
- Thời gian gia nhiệt là 1 h.
6.7 Xác định đặc tính thi công
Tấm thử là tấm kính có kích thước (200 × 100 x 3) mm.
Sơn một lớp lên bề mặt của tấm thử bằng chổi quét theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo hướng dẫn ở 6.3.2.2 nếu không có trờ ngại gì thì kết luận là “dễ dàng sơn”.
Tấm mẫu thử được sử dụng làm mẫu thí nghiệm cho 6.9.
CHÚ THÍCH: Tấm kính quy định theo TCVN 7218 đã được gia công và làm sạch bằng dung môi.
6.8 Xác định thời gian khô
Xác định theo TCVN 2906-3 (ISO 9117-3).
Tấm thử là tấm kính có kích thước (300 × 100 × 2) mm đã gia công và làm sạch bằng dung môi.
Gia công màng sơn bằng thước gạt màng sơn có khe hở là 100 μm.
6.9 Xác định ngoại quan màng sơn
Đánh giá ngoại quan màng sơn đối với tấm mẫu thử ở 6.7 sau khi sơn 48 h, quan sát bằng mắt thường nếu không thấy bề mặt màng sơn bị nhăn, phồng rộp, rạn nứt, bong tróc, không có lỗ châm kim, không có sự thay đổi nhiều về màu sắc và độ bóng so với tấm mẫu thử đối chứng thì kết luận “không có biểu hiện khác thường trên bề mặt màng sơn".
6.10 Xác định độ bóng
Xác định theo TCVN 2101 (ISO 2813).
Tuy nhiên, tấm thử là tấm kính có kích thước (200 × 150 × 5) mm đã được gia công làm và sạch bằng dung môi. Gia công tấm mẫu thử bằng thước gạt có khe hở là 100 μm. Sau khi sơn xong, đặt tấm thử theo phương ngang, hướng bề mặt sơn lên phía trên và làm khô trong thời gian 48 h, sau đó đo độ bóng với góc đo là 60 °.
CHÚ THÍCH: Ví dụ về thước gạt màng sơn được đưa ra trong Phụ lục A của TCVN 13527.
6.11 Xác định độ tương phản
Xác định tỷ lệ tương phản theo phương pháp B (biểu đồ đen trắng) của TCVN 12704-3 (ISO 6504-3) và các hướng dẫn cụ thể sau đây:
6.11.1 Tấm mẫu thử
Tấm mẫu thử được làm bằng cách cố định giấy thử tỷ lệ tương phản lên trên tấm kính phẳng, trên đó sơn mẫu thử bằng thước gạt có khe hở 100 μm, Sau khi sơn xong, đặt tấm mẫu thử theo chiều ngang, hướng mặt sơn lên phía trên và làm khô trong thời gian 48 h.
6.11.2 Cách tiến hành
Tiến hành đo giá trị tương phản Tristimulus Y theo JIS z 8721 ở 4 vị trí trên màng sơn ở khu vực màu trắng và màu đen trên tấm mẫu thử, yêu cầu giá trị trung bình YW (trên khu vực màu trắng) và YB (khu vực màu đen) ở mỗi chỗ.
6.11.3 Tính toán
Yêu cầu tính tỷ lệ tương phản của tấm thử từ giá trị trung bình YW và YB. Tính YB/YW theo tỷ lệ phần trăm, làm tròn 2 chữ số nguyên theo TCVN 7874-1 (ISO 80000-1).
6.12 Xác định độ bền uốn
Xác định độ bền uốn theo TCVN 2099 (ISO 1519) và các hướng dẫn cụ thể sau:
6.12.1 Tấm thử
Tấm thử là tấm thép mạ thiếc có kích thước (150 × 50 × 0,3) mm được gia công và làm sạch bằng dung môi. Số lượng tấm thử là 2.
CHÚ THÍCH: Tấm thép mạ thiếc bằng điện được quy định trong TCVN 8991 (ISO 11949).
6.12.2 Cách tiến hành
Sơn một lớp lên một mặt của 2 tấm thử theo 6.3.2.2 và để khô tự nhiên trong 72 h, sau đó tiếp tục gia nhiệt trong tủ sấy ở mức nhiệt (105 ÷ 110) °C trong 5 h. Để ổn định 1 h trong môi trường nhiệt độ phòng, sử dụng thiết bị thử nghiệm loại 1 ở 4.1.2 trong TCVN 2099 (ISO 1519), bẻ cong tấm mẫu thử với vòng trục gá có đường kính 10 mm, quan sát bằng mắt thường kiểm tra các vết nứt rạn của màng sơn hay vết rạn từ bề mặt ban đầu.
6.12.3 Đánh giá
Khi không thấy có hiện tượng rạn nứt, bong tróc ở lớp màng sơn trên cả 2 tấm mẫu thử thì đánh giá màng sơn chịu được độ bền uốn với đường kính trục là 10 mm.
6.13 Xác định độ bền nước
Xác định theo TCVN 10517-2 (ISO 2812-2) và các hướng dẫn cụ thể sau:
6.13.1 Tấm mẫu thử
Chuẩn bị 3 tấm mẫu thử là tấm thép có kích thước (150 × 70 × 0,8) mm như mô tả trong 6.3.2, mặt sau và các mặt xung quanh tấm mẫu thử được phủ cùng loại sơn. Để khô 72 h, sau đó tiến hành thử với 2 trong 3 tấm mẫu thử trên, tấm còn lại để làm tấm mẫu so sánh.
6.13.2 Cách tiến hành
Tiến hành ngâm các tấm mẫu thử trong nước khử ion giữ ở nhiệt độ (27 ± 2) °C, trong 18 h. Sau đó, lấy các tấm mẫu thử ra, vẩy hết nước, quan sát ngoại quan màng sơn bằng mắt thường. Tiếp tục để khô trong không khí 2 h và một lần nữa quan sát ngoại quan màng sơn bằng mắt thường. Sau đó, loại bỏ màng sơn bằng dung môi và quan sát sự phát sinh gỉ sét ở bề mặt của tấm thử ban đầu.
6.13.3 Đánh giá
Quan sát bề mặt của các tấm mẫu thử ngay sau khi lấy ra khỏi nước nếu không bị rạn, nứt, nhăn hay phồng rộp và sau khi để thêm 2 h ở nhiệt độ phòng cũng không có sự thay đổi nhiều về ngoại quan màng sơn, không thấy có sự thay đổi nhiều về độ bóng, gợn hay màu sắc so với tấm mẫu so sánh. Tiếp tục loại bỏ màng sơn bằng dung môi, nếu không thấy có gỉ sét trên bề mặt tấm thử ban đầu thì mẫu sơn được đánh giá là có khả năng chịu được ngâm nước 18 h.
6.14 Xác định độ bền thời tiết gia tốc
Xác định theo TCVN 11608-2 (ISO 16474-2) và các hướng dẫn sau:
6.14.1 Tấm mẫu thử:
a) Tấm thử là tấm thép được quy định tại 6.3.2.1. Bề mặt tấm thử (bề mặt thử nghiệm) sẽ được sơn bằng một loại sơn lót chống gỉ phù hợp với JIS K 5674, lượng dùng (0,4 ± 0,05) mL trên 100 cm2. Sau đó dùng chổi quét sơn mẫu sơn cần thử 2 lớp cách nhau 24 h theo 6.3.2.2 lên bề mặt tấm thử. Sau 24 h, sơn bọc bằng sơn lót chống gỉ ở trên cho mặt sau và xung quanh tấm mẫu thử, để ổn định (7 ÷ 14) ngày trước khi tiến hành thử.
b) Số lượng tấm mẫu thử, bao gồm 2 tấm mẫu thử của mẫu sơn thử nghiệm và 2 tấm mẫu thử của mẫu đối chứng.
6.14.2 Cách tiến hành
Điều kiện thao tác đối với máy thử nghiệm tính chịu được thời tiết theo phương pháp A trong 7.2 của TCVN 11608-2 (ISO 16474-2). Tuy nhiên, độ ẩm tương đối trong chu kỳ khô là (50 ± 5) %. Sau thời gian chiếu sáng quy định (240 h), lấy mẫu ra để 1 h trong phòng, quan sát ngoại quan màng sơn xem sự biến đổi màu sắc, có bị rộp, tróc hay rạn không.
6.14.3 Đánh giá
Quan sát ngoại quan các tấm mẫu thử khi không thấy có sự phồng rộp, bong tróc hay rạn nứt, mức độ thay đổi màu của mẫu thử nghiệm không khác biệt nhiều so với mẫu đối chứng, thì mẫu sơn thử nghiệm đạt yêu cầu về độ bền thời tiết gia tốc theo quy định trong Bảng 1.
6.15 Xác định độ bền phơi nhiễm ngoài trời
Xác định theo TCVN 9761 (ISO 2810) và các hướng dẫn sau:
6.15.1 Tấm mẫu thử
a) Tấm thử là tấm thép đã được gia công mài bóng có kích thước (300 × 150 × 1) mm, bề mặt tấm thử (bề mặt thử nghiệm) sẽ được sơn bằng một loại sơn lót chống gỉ phù hợp với JIS K 5674, lượng dùng (0,4 ± 0,05) mL trên 100 cmz. Sau đó dùng chổi quét sơn mẫu sơn cần thử 2 lớp cách nhau 24 h theo 6.3.2.2 lên bề mặt tấm thử. Sau 24 h, tiếp tục sơn bọc cho mặt sau và xung quanh tấm mẫu thử bằng sơn lót chống gỉ ở trên tối thiểu 2 lớp, mỗi lớp cách nhau 24 h, để ổn định (7 ÷ 14) ngày trước khi tiến hành thử.
b) Số lượng tấm mẫu thử, gồm 4 tấm mẫu thử của mẫu sơn thử nghiệm và 4 tấm mẫu thử của mẫu đối chứng, trong đó mỗi loại sử dụng 3 tấm để thử khả năng chịu được thời phơi nhiễm ngoài trời, tấm còn lại sử dụng làm tấm so sánh. Tuy nhiên, khi biết kết quả thử về khả năng chịu phơi nhiễm ngoài trời không khác nhau nhiều với mỗi tấm mẫu thử, thì có thể sử dụng 1 tấm mẫu thử để đem đi thử khả năng chịu phơi nhiễm ngoài trời.
6.15.2 Cách tiến hành
a) Thời gian bắt đầu thử nghiệm là tháng 4 hoặc tháng 10. Tuy nhiên, trong trường hợp có yêu cầu khác vẫn có thể bắt đầu thử nghiệm ngoài tháng 4 hoặc tháng 10;
b) Góc tiếp xúc của tấm mẫu thử là 30 0 theo phương ngang;
c) Khoảng thời gian thử nghiệm là 12 tháng;
d) Thời gian thử nghiệm và giám sát là 6 tháng, 12 tháng sau khi bắt đầu;
e) Mục đánh giá gồm sự thay đổi về độ phồng rộp, độ bóc tróc, nứt và màu sắc.
6.15.3 Đánh giá
Sau khi để các tấm mẫu thử ngoài trời 12 tháng mà không thấy có xuất hiện sự phồng rộp, bong tróc, rạn nứt ở trên bề mặt màng sơn, mức độ thay đổi màu sắc của mẫu thử nghiệm không khác biệt nhiều so với mẫu đối chứng thì kết luận mẫu sơn thử nghiệm đạt yêu cầu về khả năng chịu được phơi nhiễm ngoài trời theo quy định trong Bảng 1.
6.15.4 Thời gian lưu giữ hồ sơ
Trong vòng 5 năm.
6.16 Xác định hàm lượng formaldehyt phát tán
Hàm lượng formaldehyt phát tán từ màng sơn được xác định theo Điều 5 Phương pháp bình hút ẩm của TCVN 13977. Thời gian ổn định mẫu là 7 ngày.
7. Kiểm soát chất lượng
Sơn nhôm phải đạt mức yêu cầu kỹ thuật theo Bảng 1 và 2 khi thử nghiệm theo Điều 6. Tuy nhiên, với chỉ tiêu độ bền phơi mẫu ngoài trời thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm trong thời gian dài theo Bảng Phụ lục A (thực hiện và quản lý thử nghiệm chịu được thời tiết) theo TCVN 9761 (ISO 2810) đối với sản phẩm đã được sản xuất trong quá khứ, khi kết quả thử nghiệm chỉ tiêu "Độ bền phơi mẫu ngoài trời” đạt yêu cầu, thì sản phẩm hiện tại mới là phù hợp.
8. Ghi nhãn
Trên bao bì sản phẩm cần phải ghi nhãn bằng chất liệu bền, khó xóa với các thông tin sau:
a, Tên sản phẩm;
b, Thể tích thực hoặc khối lượng tinh;
c, Tên hoặc tên viết tắt của nhà sản xuất;
d, Ngày hoặc viết tắt của ngày sản xuất;
e, Số hiệu sản xuất hoặc số lô;
f, Ký hiệu phân loại cấp độ phát tán formaldehyt(2)
CHÚ THÍCH: (2) Áp dụng cho các sản phẩm ứng với mức độ phát tán từ cấp 4, cấp 3 và cấp 2 ở Bảng 2.
9 Bảo quản và vận chuyển
9.1 Bảo quản
Sơn phải bảo quản trong kho kín, khô ráo, xa nguồn lửa;
Chế độ và thời gian bảo quản phải được ghi rõ trong tài liệu yêu cầu kỹ thuật cho mỗi loại sơn.
9.2 Vận chuyển
Có thể vận chuyển bằng nhiều phương tiện;
Khi chuyên chở trên tàu hỏa, ô tô không có mui, phải có phương tiện che mưa nắng.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.