TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13910 - 2 : 2024
ISO 14817 - 2 : 2015
HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH - TỪ ĐIỂN DỮ LIỆU TRUNG TÂM ITS - PHẦN 2: QUẢN LÝ ĐĂNG KÝ KHÁI NIỆM DỮ LIỆU ITS TRUNG TÂM
Intelligent transport systems - ITS central data dictionaries - Part 2: Governance of the Central ITS Data Concept Registry
Lời nói đầu
TCVN 13910-2:2024 hoàn toàn tương đương ISO 14817-2:2015.
TCVN 13910-2:2024 do Cục Đường bộ Việt Nam biên soạn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 13910, Hệ thống giao thông thông minh - Từ điển dữ liệu trung tâm ITS gồm 3 phần:
- TCVN 13910-1:2024, Hệ thống giao thông thông minh - Từ điển dữ liệu trung tâm ITS - Phần 1: Yêu cầu đối với định nghĩa dữ liệu ITS.
- TCVN 13910-2:2024, Hệ thống giao thông thông minh - Từ điển dữ liệu trung tâm ITS - Phần 2: Quản lý đăng ký khái niệm dữ liệu ITS trung tâm
- TCVN 13910-3:2024, Hệ thống giao thông thông minh - Từ điển dữ liệu trung tâm ITS - Phần 3: Gán mã định danh đối tượng cho các khái niệm dữ liệu ITS.
HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH - TỪ ĐIỂN DỮ LIỆU TRUNG TÂM ITS - PHẦN 2: QUẢN LÝ ĐĂNG KÝ KHÁI NIỆM DỮ LIỆU ITS TRUNG TÂM
Intelligent transport systems - ITS central data dictionaries - Part 2: Governance of the Central ITS Data Concept Registry
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này trình bày quy trình đăng ký để nhập các khái niệm dữ liệu vào hệ thống đăng ký khái niệm dữ liệu ITS trung tâm (CIDCR).
CIDCR được thiết kế bao gồm các khái niệm dữ liệu phù hợp với TCVN 13910 -1:2023. Các khái niệm dữ liệu này có thể lấy từ phân cấp hệ thống được định nghĩa trong ISO 14813, cũng có thể từ các khái niệm dữ liệu của các tổ chức khác hoặc từ các tài liệu kỹ thuật, tài liệu phương pháp đo trong phân cấp hệ thống quốc gia, khu vực và quốc tế khác.
2 Sự phù hợp
Tiêu chuẩn này định nghĩa một mô hình khái niệm, chứ không phải cách thức triển khai thực tế mô hình này. Do đó, mô hình meta không cần phải triển khai thực tế đúng như quy định. Tuy nhiên, có thể đối chiếu tương quan giữa mô hình metal và triển khai thực tế.
Việc triển khai thực hiện phù hợp sẽ hỗ trợ tất cả các quy trình được định nghĩa trong tiêu chuẩn này.
3 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau, toàn bộ hoặc một phần rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 13910-1:2024, Hệ thống giao thông thông minh - Từ điển dữ liệu trung tâm ITS - Phần 1: Yêu cầu đối với định nghĩa dữ liệu ITS (ISO 14817-1:2015, Intelligent transport systems - ITS central data dictionaries - Part 1: Requirements for ITS data definitions);
TCVN 13910-3:2024, Hệ thống giao thông thông minh - Từ điển dữ liệu trung tâm ITS - Phần 3: Gán mã định danh đối tượng cho các khái niệm dữ liệu ITS (ISO 14817-3:2017, Intelligent transport systems - ITS central data dictionaries - Part 3: Object identifier assignments for ITS data concepts).
4 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 13910-1:2024, TCVN 13910 - 3:2024 và các thuật ngữ, định nghĩa dưới đây:
4.1
Quy trình đăng ký khái niệm dữ liệu (data concept registration process)
Quy trình mà dữ liệu được mô tả chính thức và được chuyển đến một vị trí đã được phê duyệt trong hệ thống đăng ký khái niệm dữ liệu.
CHÚ THÍCH 1 đối với đầu vào: Quy trình này được thực hiện dưới sự kiểm soát của "Đơn vị đăng ký ITS", phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn này.
4.2
Đơn vị đăng ký ITS (ITS registrar)
Cá nhân hoặc tổ chức được chỉ định để đảm nhận việc quản lý hàng ngày quy trình đăng ký khái niệm dữ liệu.
5 Ký hiệu và thuật ngữ viết tắt
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa dưới đây:
ASN.1 |
Abstract Syntax Notation One |
Ký hiệu cú pháp trừu tượng một |
ANSI |
American National Standards Institute |
Viện tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ |
CASE |
Computer-Aided Software Engineering |
Kỹ thuật phần mềm có sự hỗ trợ của máy tính |
CCC |
Change Control Committee |
Đơn vị kiểm soát thay đổi |
CIDCR |
Central ITS Data Concept Registry |
Đăng ký khái niệm dữ liệu ITS trung tâm |
DCI |
Data concept identifier |
Định danh khái niệm dữ liệu |
DD |
Data Dictionary |
Từ điển dữ liệu |
DCR |
Data Concept Registry |
Đăng ký khái niệm dữ liệu |
ExCom |
Executive Committee |
Đơn vị điều hành |
ID |
identification |
Nhận dạng |
IEC |
International Electrotechnical Commission |
Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế |
ISO |
International Organization for Standardization |
Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hoá |
ITS |
Intelligent transport system(s) |
(Các) hệ thống giao thông thông minh |
N/A |
Not applicable |
Không áp dụng |
OID |
Object identifier |
Định danh đối tượng |
OSI |
Open System Interconnection |
Mô hình tham chiếu kết nối hệ thống mở |
RA |
Registration Authority |
Đơn vị đăng ký |
TC |
Technical Committee |
Hội đồng kỹ thuật |
UML |
Unified Modelling Language |
Ngôn ngữ mô hình hóa thống nhất |
URL |
Uniform Resource Locator |
Định vị tài nguyên thống nhất |
6 Khung đăng ký khái niệm dữ liệu ITS trung tâm
Khung tổng thể của CIDCR được trình bày trong Hình 1. Hình này minh họa các mối quan hệ giữa các phần tử sau:
- Các kiến trúc ITS (và các mô hình dữ liệu);
- Từ điển dữ liệu ITS (bao gồm tất cả các khái niệm dữ liệu);
- Hệ thống CIDCR;
- Các ứng dụng của ITS.
Hình 1 - Khung vận hành của hệ thống CIDCR
Hình 1 trình bày các chức năng chính của từng phần tử trên. Đối với các phần tử như từ điển dữ liệu, hệ thống CIDCR và các ứng dụng thì hình về sẽ thể hiện thêm các bên liên quan chính hoặc các nhóm bên liên quan mà tham gia vào hoặc quản lý hoạt động của chúng. Hình 1 cũng minh họa thông tin được trao đổi giữa các phần tử hoạt động này.
Từ điển dữ liệu ITS gồm các khái niệm dữ liệu được lấy từ các luồng thông tin được ghi lại trong phân cấp ITS.
CHÚ THÍCH: Có thể có nhiều phân cấp, mỗi phân cấp có nhiều phiên bản.
Ví dụ, từ điển dữ liệu trong hình 1 có thể được xây dựng bởi tổ chức có thẩm quyền hoặc “Các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn” (SDO) khu vực hoặc quốc gia, các cơ quan nhà nước hoặc các công ty tư nhân. Các từ điển dữ liệu này do các SDO, các hội đồng quốc gia hoặc các hội đồng khu vực tương ứng chịu trách nhiệm quản lý. Người quản lý dữ liệu và/ hoặc người gửi dữ liệu sẽ liên kết từng từ điển dữ liệu theo quy trình được định nghĩa trong tiêu chuẩn này để gửi các khái niệm dữ liệu từ các từ điển dữ liệu tương ứng của họ tới CIDCR. Các từ điển dữ liệu này sẽ sử dụng các khái niệm dữ liệu đã đăng ký từ hệ thống CIDCR thay vì phải tìm ra các khái niệm dữ liệu mới. Việc sử dụng các khái niệm dữ liệu đã đăng ký như vậy sẽ tránh được sự dư thừa khái niệm dữ liệu.
Hệ thống CIDCR sẽ là kho lưu trữ các khái niệm dữ liệu được gửi đi. Cùng với sự trợ giúp của những người quản lý dữ liệu, người đăng ký khái niệm dữ liệu và đơn vị kiểm soát thay đổi CIDCR (CCC) đưa ra mức độ hài hòa giữa các khái niệm dữ liệu, các khuyến nghị để hài hòa và đẩy các khái niệm dữ liệu lên mức chất lượng cao hơn nếu được bảo đảm. Cuối cùng, CIDCR có thể cung cấp các khái niệm dữ liệu cho những người xây dựng khái niệm dữ liệu và những người dùng khác để sử dụng trong các ứng dụng ITS.
Những người xây dựng khái niệm dữ liệu và những người dùng khác sẽ sử dụng các khái niệm dữ liệu ở mức chất lượng cao nhất (“Ưu tiên”) lấy từ hệ thống CIDCR. Các khái niệm dữ liệu ở mức chất lượng này được mô tả rõ ràng, hài hòa giữa các lĩnh vực của ITS và được coi là các khái niệm tiêu biểu của các tiêu chuẩn dữ liệu đã công bố.
Bảng 1 trình bày tóm tắt sự khác nhau giữa từ điển dữ liệu và hệ thống CIDCR.
Bảng 1 - Sự khác nhau giữa từ điển dữ liệu và hệ thống CIDCR
Từ điển dữ liệu ITS |
Hệ thống CIDCR |
Nhiều từ điển dữ liệu |
Một hệ thống đăng ký khái niệm dữ liệu (Quốc tế) |
Bao gồm một khu chức năng |
Bao gồm nhiều khu chức năng |
Được quản lý bởi một người quản lý khu chức năng |
Được quản lý bởi CCC |
Các khái niệm dữ liệu được hài hòa trong phạm vi khu chức năng |
Các khái niệm dữ liệu được hài hòa trong ITS |
7 Quản lý đăng ký khái niệm dữ liệu ITS trung tâm
7.1 Tổng quan
Cần phải thiết lập các vai trò của tổ chức có liên quan đến quy trình đăng ký khái niệm dữ liệu ITS. Các vai trò của tổ chức trong CIDCR sẽ bao gồm: Đơn vị điều hành ITS, đơn vị kiểm soát thay đổi (CCC), người đăng ký, người quản lý dữ liệu, người gửi và những người dùng chỉ đọc dữ liệu. Bản tóm tắt của từng vai trò sẽ được trình bày trong điều này. Điều 8 mô tả mục đích, trách nhiệm cụ thể và tiêu chí chọn thành viên hoặc tiêu chí lựa chọn đối với từng vai trò.
Hình 2 đưa ra một cái nhìn ở cấp độ cao về mối quan hệ giữa các vai trò của tổ chức này trong hệ thống CIDCR.
Hình 2 - Sơ đồ tổ chức của hệ thống CIDCR
7.2 Đơn vị điều hành ITS
Đơn vị điều hành hệ thống CIDCR (ExCom) là một tổ chức được thành lập để giám sát các trách nhiệm và quyền hạn của từng vai trò được giao có liên quan đến hệ thống CIDCR. tổ chức có thẩm quyền sẽ quy định trách nhiệm cụ thể đối với ExCom. Các thủ tục và việc thực thi của ExCom sẽ được tổ chức có thẩm quyền hoặc cá nhân trong tổ chức đã được tổ chức có thẩm quyền chỉ định xem xét và phê duyệt.
Đơn vị điều hành ITS (ITS ExCom) sẽ chịu trách nhiệm về chính sách tổng thể và định hướng kinh doanh đối với CIDCR, bao gồm những vấn đề sau đây:
a) Xây dựng các chính sách đăng ký khái niệm dữ liệu một cách tổng thể, chẳng hạn như quy trình đăng ký đối với người gửi dữ liệu;
b) Giải quyết tất cả các vấn đề về quản lý kinh doanh liên quan đến việc đăng ký khái niệm dữ liệu, bao gồm:
1) Giải quyết các vấn đề liên quan đến bản quyền;
2) Chỉ định người đại diện cho đơn vị kiểm soát thay đổi (CCC);
3) Bổ nhiệm người quản lý dữ liệu;
4) Lựa chọn đơn vị đăng ký dữ liệu;
5) Giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh phí;
6) Xác định thành viên của đơn vị điều hành (ExCom).
c) Bảo đảm sự thành công và hoạt động lâu dài của hệ thống đăng ký.
d) Xây dựng và cập nhật điều lệ đăng ký và các kế hoạch chiến lược.
e) Họp trực tiếp ít nhất nửa năm một lần, đối với các cuộc họp bổ sung và/ hoặc hội nghị từ xa sẽ được tổ chức khi cần thiết.
Thông thường ExCom sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình khi có được sự đồng thuận của các thành viên. Các vấn đề không thống nhất được có thể được tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
7.3 Đơn vị kiểm soát thay đổi
Đơn vị kiểm soát thay đổi CIDCR (CCC) là tổ chức được thành lập để đưa ra hướng chỉ đạo kỹ thuật về hệ thống CIDCR và các nội dung cũng như hoạt động của nó. Cơ cấu, biên chế, thủ tục và số thành viên của CCC được xác định bởi đơn vị điều hành CIDCR. Thành viên của CCC sẽ bao gồm cả những người quản lý dữ liệu.
CCC chịu trách nhiệm về những vấn đề sau:
a) Điều khiển toàn bộ các hoạt động đăng ký khái niệm dữ liệu ITS;
b) Thúc đẩy việc tái sử dụng và chia sẻ dữ liệu trong hệ thống CIDCR và trên các khu chức năng của ITS và giữa những đơn vị bên ngoài với doanh nghiệp ITS;
c) Phát triển các khái niệm dữ liệu thông qua đăng ký mức chất lượng “Đủ tiêu chuẩn” hoặc “Ưu tiên”;
d) Đồng nhất các khái niệm dữ liệu được đăng ký từ các hệ thống đăng ký khái niệm dữ liệu bên ngoài hoặc từ từ điển dữ liệu với hệ thống đăng ký khái niệm dữ liệu;
e) Giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến các khái niệm dữ liệu đã đăng ký, ví dụ như chồng chéo, trùng lặp, vv;
f) Cập nhật các khái niệm dữ liệu đã được đăng ký ở các mức chất lượng “Đủ tiêu chuẩn” hoặc “Ưu tiên” trước đó;
g) Đề xuất các chính sách đăng ký khái niệm dữ liệu đối với ExCom để phê duyệt;
h) Phê duyệt nội dung, thủ tục và định dạng đăng ký;
i) Gửi các đề xuất và vấn đề liên quan đến quản lý cho ExCom;
j) Làm việc dưới sự chỉ đạo của ExCom;
k) Họp mặt trực tiếp theo định kỳ, đối với các cuộc họp bổ sung và hội thảo từ xa sẽ được tổ chức khi cần thiết.
Thông thường CCC sẽ thực hiện trách nhiệm của mình bằng cách tạo sự đồng thuận theo thủ tục do ExCom thiết lập. Các vấn đề không thống nhất được có thể được giải quyết theo thủ tục do ExCom lập ra.
7.4 Đơn vị đăng ký
Đơn vị đăng ký CIDCR (RA) được chỉ định sẽ chịu trách nhiệm:
a) Chỉ định một người đăng ký khái niệm dữ liệu ITS để ExCom phê duyệt.
b) Quản lý CIDCR.
Đơn vị điều hành hệ thống CIDCR sẽ chỉ định RA với khoảng thời gian xác định, tùy thuộc vào khả năng của họ để bổ nhiệm một người đăng ký phù hợp.
7.5 Người đăng ký
Người đăng ký CIDCR phải là người đại diện của đơn vị đăng ký (RA) và có chuyên môn về xử lý các vấn đề về đăng ký khái niệm dữ liệu. Người đăng ký có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký các khái niệm dữ liệu ITS và làm cho các khái niệm dữ liệu đó có thể truy cập rộng rãi và lưu sẵn trong CIDCR để cộng đồng ITS sử dụng. Đơn vị đăng ký sẽ chỉ định người đăng ký dưới sự phê chuẩn của đơn vị điều hành CIDCR.
Người đăng ký sẽ là đầu mối liên hệ duy nhất chịu trách nhiệm quản lý và duy trì thông tin về dữ liệu ITS trong hệ thống đăng ký, dưới quyền quản lý của RA. Người đăng ký chịu trách nhiệm về những vấn đề sau:
a) Giám sát và quản lý nội dung đăng ký/ nội dung từ điển dữ liệu (Lưu ý: Hệ thống đăng ký được thiết lập, vận hành và duy trì bởi RA);
b) Thực thi các chính sách, thủ tục và định dạng dữ liệu để nhập vào hệ thống đăng ký và dùng để đăng ký khái niệm dữ liệu;
c) Đề xuất với CCC các thủ tục đăng ký và định dạng chuẩn về đăng ký để CCC xem xét;
d) Ghi lại trạng thái đăng ký và mức chất lượng hiện tại của các khái niệm dữ liệu trong hệ thống đăng ký;
e) Đảm bảo quyền truy cập vào các nội dung trong hệ thống đăng ký cho những người dùng được ủy quyền;
f) Hỗ trợ phát triển các khái niệm dữ liệu thông qua các mức chất lượng được đăng ký;
g) Hỗ trợ nhận dạng và giải quyết các khái niệm dữ liệu trùng lặp hoặc chồng chéo trong hệ thống đăng ký;
h) Làm việc dưới sự chỉ đạo của CCC;
j) Bảo quản phần mềm CIDCR trong phạm vi ngân sách đã định;
k) Giữ thông tin liên lạc đối với tất cả các thành viên của CCC và ExCom;
l) Cung cấp quyền truy cập vào hệ thống CIDCR cho người dùng được ủy quyền;
m) Lưu giữ danh sách các thông tin của CIDCR như sau:
1) Các mức trạng thái (như mô tả trong điều 8.2.7 và Phụ lục C);
2) Định danh của tổ chức (như được mô tả TCVN 13910 -1:2023, điều B.1.5)
7.6 Người quản lý
Người quản lý CIDCR phải là một chuyên gia trong lĩnh vực ITS có kiến thức về tiêu chuẩn hóa trong một hay nhiều lĩnh vực của ITS. Người quản lý chịu trách nhiệm về độ chính xác, độ tin cậy và sư lưu hành của siêu dữ liệu mô tả đối với các khái niệm dữ liệu ở mức chất lượng đăng ký “Đủ tiêu chuẩn” hoặc mức chất lượng cao hơn trong khu chức năng, trong các khu dân cư hoặc khu vực quốc gia được chỉ định. Mỗi lĩnh vực ITS phải được quản lý bởi ít nhất một người quản lý chính, nhưng một người quản lý có thể quản lý nhiều lĩnh vực ITS (ví dụ: các miền giá trị như ngày, giờ, vị trí, mã của các quốc gia trên thế giới). Người quản lý do ExCom chỉ định.
Người quản lý cung cấp các đầu mối liên hệ của các chuyên gia mà chịu trách nhiệm nhận biết, tổ chức và thiết lập dữ liệu đã đăng ký để sử dụng trong toàn bộ hệ thống ITS trong một khu vực được chỉ định. Người quản lý chịu trách nhiệm về những vấn đề sau:
a) Nhận biết và tài liệu hóa các khái niệm dữ liệu trong khu vực được chỉ định của họ;
b) Đảm bảo rằng những khái niệm dữ liệu phù hợp trong khu vực được chỉ định đã được đăng ký hợp thức;
c) Phối hợp với những người quản lý khác để ngăn ngừa hoặc xử lý các khái niệm dữ liệu trùng lặp;
d) Xem xét lại tất cả các khái niệm dữ liệu ở mức chất lượng “Đã đạt yêu cầu” để thống nhất và giải quyết xung đột giữa các khái niệm dữ liệu với những người quản lý khác;
e) Đảm bảo chất lượng của các thuộc tính meta của các khái niệm dữ liệu mà được đề xuất mức chất lượng đăng ký “Đủ tiêu chuẩn”, sử dụng lại dữ liệu được chuẩn hóa từ các hệ thống đăng ký khái niệm dữ liệu bên ngoài nếu có;
f) Đề xuất mức chất lượng cho các khái niệm dữ là “Ưu tiên” trong khu vực được chỉ định;
g) Đảm bảo rằng các định dạng và thủ tục đăng ký khái niệm dữ liệu tuân thủ trong khu vực chức năng;
h) Đề xuất người gửi dữ liệu cho RA.
7.7 Người gửi
Người gửi dữ liệu CIDCR phải là một chuyên gia trong lĩnh vực ITS và là người xây dựng dữ liệu hoặc là người đại diện cho một tổ chức xây dựng dữ liệu. Người gửi được phê chuẩn theo một quy trình do Excom quy định. Người gửi được ủy quyền để nhận diện và gửi các khái niệm dữ liệu phù hợp để đăng ký. Người gửi có thể là người quản lý hệ thống CIDCR hoặc các cơ quan nhà nước.
Người gửi phải thành thạo hoặc có tham gia vào các môi trường xây dựng và môi trường vận hành. Người gửi lưu trữ các khái niệm dữ liệu, mô tả và gửi các khái niệm dữ liệu mới mà phù hợp với TCVN 13910 -1: 2023.
Người gửi chịu trách nhiệm về những vấn đề sau:
a) Cung cấp thông tin về bản thân với “người đăng ký” bằng văn bản hoặc các giấy tờ liên quan;
b) Nhận diện và ghi lại các khái niệm dữ liệu thích hợp để đăng ký trong hệ thống đăng ký dữ liệu;
c) Gửi các khái niệm dữ liệu đến hệ thống đăng ký dữ liệu;
d) Đảm bảo tính đầy đủ của các thuộc tính meta bắt buộc đối với các khái niệm dữ liệu ITS được đề xuất mức chất lượng đăng ký “Đã đạt yêu cầu”.
7.8 Người dùng chỉ đọc
Người dùng chỉ đọc CIDCR là cá nhân được tổ chức phê chuẩn để xem xét các nội dung của CIDCR. Người dùng chỉ đọc gửi yêu cầu truy cập qua CIDCR. Quyền truy cập được người đăng ký CIDCR phê duyệt theo các quy tắc do đơn vị kiểm soát thay đổi CIDCR đưa ra. Người dùng chỉ đọc có quyền truy cập vào tất cả nội dung của ITS trong hệ thống đăng ký, nhưng không được phép gửi, sửa đổi hoặc xóa nội dung của nó.
8 Siêu dữ liệu quản trị
8.1 Tổng quan
Ngoài các thuộc tính meta được trình bày trong tiêu chuẩn TCVN 13910 -1: 2023, hệ thống CIDCR sẽ chấp nhận siêu dữ liệu được trình trong điều này tuân thủ theo các quy tắc được trình bày trong phụ lục A. Điều 8.2 trình bày các thuộc tính meta cho từng khái niệm dữ liệu, điều 8.3 và 8.4 trình bày các khái niệm quản trị cùng với tập hợp các thuộc tính meta của chúng. Các khái niệm quản trị bao gồm tập hợp các thuộc tính meta quản trị có liên quan với nhau. Tổng quan về siêu dữ liệu này được trình bày trong hình 3.
Hình 3 - Tổng quan về khái niệm dữ liệu
Mỗi khái niệm dữ liệu sẽ bao gồm các thông tin về ngày tạo, ngày sửa, mức chất lượng, trạng thái, người gửi và chủ sở hữu dữ liệu. Mỗi khái niệm dữ liệu có thể không có hoặc có nhiều người theo dõi, không có hoặc có nhiều người quản lý và không có hoặc có nhiều bình luận. Mỗi thuộc tính meta này được định nghĩa trong điều 8.2.
Bất kì sửa đổi nào hoặc bất kì phiên bản mới nào của khái niệm dữ liệu cũng sẽ tạo ra một bản ghi khái niệm dữ liệu mới trong CIDCR và nó sẽ được liên kết với phiên bản mà nó cập nhật. Việc này giúp chúng ta biết được lịch sử về sự phát triển của khái niệm dữ liệu một cách đầy đủ.
Thuộc tính meta bình luận được biểu diễn bởi khái niệm quản trị bình luận, bao gồm: nội dung bình luận, ngày bình luận và người bình luận. Chi tiết về các thuộc tính meta này được trình bày trong điều 8.3.
Các thuộc tính người gửi, người quản lý, chủ sở hữu, người theo dõi và người bình luận được biểu diễn bởi khái niệm quản trị người dùng, bao gồm: tên người dùng, tổ chức, tên, số điện thoại, thư điện tử và cấp độ truy cập. Chi tiết về các thuộc tính meta này được trình bày trong điều 8.4.
8.2 Các thuộc tính meta quản trị cho các khái niệm dữ liệu
8.2.1 Ngày tạo
Định nghĩa: Là ngày mà phiên bản chính của khái niệm dữ liệu ban đầu được nhập vào hệ thống CIDCR, không đề cập đến trạng thái hoặc chất lượng của nó tại thời điểm nó được nhập vào hệ thống.
8.2.2 Ngày sửa đổi
Định nghĩa: Là ngày thực hiện bản sửa đổi cuối cùng của khái niệm dữ liệu.
8.2.3 Người gửi
Định nghĩa: Là khái niệm chỉ người dùng mà kiểm tra khái niệm dữ liệu lần cuối.
8.2.4 Người quản lý dữ liệu
Định nghĩa: Là khái niệm chỉ người dùng mà có trách nhiệm chính trong việc hài hòa hóa các khái niệm dữ liệu.
8.2.5 Chủ sở hữu dữ liệu
Định nghĩa: Là khái niệm chỉ người dùng mà chịu trách nhiệm cuối cùng về việc quản lý khái niệm dữ liệu.
Hệ thống CIDCR có thể gồm cả các khái niệm dữ liệu được lấy từ các từ điển dữ liệu nước ngoài. Trong những trường hợp này, đơn vị cung cấp nguồn khái niệm dữ liệu này sẽ phải tham chiếu đến người dùng đưa ra từ điển dữ liệu đó, còn nếu không thì thuộc tính meta này sẽ tham chiếu đến người quản lý khái niệm dữ liệu.
8.2.6 Chất lượng
Định nghĩa: Là sự biểu thị về mức độ phù hợp của khái niệm dữ liệu với các quy tắc của tiêu chuẩn TCVN 13910 -1:2023, được trình bày trong Phụ lục B.
8.2.7 Trạng thái
Định nghĩa: Là một mức quản trị được gán cho một khái niệm dữ liệu theo sự chuẩn hóa, được trình bày trong Phụ lục C.
8.2.8 Người theo dõi
Định nghĩa: Là khái niệm chỉ người dùng mà sẽ nhận được thông báo bất cứ khi nào khái niệm dữ liệu này (hoặc bất kỳ khái niệm dữ liệu nào chứa trong nó) thay đổi.
CHÚ THÍCH: Nếu một người dùng mà có theo dõi một Mô-đun thì sẽ được thông báo bất cứ lúc nào khi khái niệm dữ liệu trong Mô-đun đó có sự thay đổi.
8.2.9 Bình luận
Định nghĩa: Là khái niệm chỉ một bình luận đã được người dùng gửi đi.
CHÚ THÍCH: Xem điều 8.3 để biết chi tiết về bình luận.
8.2.10 Sự hài hòa
Định nghĩa: Là dấu hiệu cho thấy người dùng nhận thấy khái niệm dữ liệu đã được hài hòa. Thông tin chi tiết về sự hài hòa dữ liệu sẽ được đưa ra bằng một bình luận.
CHÚ THÍCH: Quy trình hài hòa dữ liệu được định nghĩa trong phụ lục E.
8.3 Bình luận
8.3.1 Bình luận
Định nghĩa: Là mô tả bằng văn bản của một bình luận do người dùng viết ra và gửi đến để người quản lý xem xét.
CHÚ THÍCH: Tất cả người dùng mà có thể nhìn thấy khái niệm dữ liệu thì đều có thể nhìn thấy bình luận.
8.3.2 Ngày tháng
Định nghĩa: Là ngày mà những bình luận được gửi tới hệ thống CIDCR.
8.3.3 Người bình luận
Định nghĩa: Là khái niệm chỉ người dùng mà đã gửi những bình luận.
8.4 Người dùng
8.4.1 Tên người dùng
Định nghĩa: Là tên của người dùng khi nó xuất hiện cùng với những người dùng khác trong hệ thống CIDCR
8.4.2 Tổ chức
Định nghĩa: Là tổ chức do người dùng đại diện khi đăng nhập bằng tài khoản này.
CHÚ THÍCH: Một chuyên gia có thể được nhiều khách hàng thuê để gửi dữ liệu thay họ. Một người dùng có thể có nhiều tài khoản để thực hiện việc này, mỗi tài khoản có một tên người dùng riêng.
8.4.3 Tên
Định nghĩa: Là họ và tên của người dùng.
8.4.4 Điện thoại
Định nghĩa: Là số điện thoại, bao gồm cả mã quốc gia, có thể được sử dụng để liên hệ với người dùng.
8.4.5 Thư điện tử
Định nghĩa: Là địa chỉ thư điện tử mà người dùng dùng để nhận các thông tin liên quan đến CIDCR.
8.4.6 Cấp độ truy cập
Định nghĩa: Là cấp độ truy cập đã được chỉ định cho người dùng.
Phụ lục A
(Quy định)
Các yêu cầu đối với siêu dữ liệu quản trị
A.1 Tổng quan
Phụ lục này trình bày các thuộc tính meta của khái niệm dữ liệu trong hệ thống CIDCR.
Các hàng ở bảng A.1 dưới đây biểu thị các thuộc tính meta khác nhau. Cột đầu tiên của bảng là tên của thuộc tính meta. Cột thứ hai là số điều. Các cột tiếp theo trình bày các khái niệm dữ liệu có thể được đăng ký trong hệ thống CIDCR. Cột cuối cùng của bảng là cột ghi chú về thuộc tính meta và mối quan hệ của chúng với từng khái niệm dữ liệu.
Mỗi một ô trong bảng là một mã thuộc tính được ký hiệu bằng một chữ cái cụ thể cho biết rằng thuộc tính meta trong một hàng cụ thể nào đó là bắt buộc, là tùy chọn, là chỉ định, là được gán tự động hay là không áp dụng đối với khái niệm dữ liệu trong một cột cụ thể. Các mã này như sau:
- “M” = Bắt buộc. Các thuộc tính meta Bắt buộc được áp dụng cho các khái niệm dữ liệu được tham chiếu, không có ngoại lệ.
- “O” = Tùy chọn. Các thuộc tính meta Tùy chọn có thể được áp dụng nếu từ điển dữ liệu theo vùng chức năng đòi hỏi phải có định nghĩa thuộc tính này.
- “I” = Biểu thị. Thuộc tính meta Biểu thị phụ thuộc vào điều kiện “if, không phụ thuộc vào bất kỳ thuộc tính meta nào. Nếu thuộc tính meta “I” là bắt buộc thì có thể áp dụng điều kiện “if; ngược lại, nếu thuộc tính meta là tùy chọn thì không thể áp dụng được điều kiện “if.
- “A” = Đã gán. Giá trị của thuộc tính meta này được gán tự động cho các khái niệm dữ liệu được nhập vào CIDCR.
- “N / A” = không áp dụng.
Cột ghi chú của bảng giải thích bản chất của từng thuộc tính meta ngẫu nhiên hoặc chỉ định và những giải thích khác.
CHÚ THÍCH: Mỗi thuộc tính meta chỉ được nhận một giá trị trừ khi nó được xác định là “Được phép nhận nhiều giá trị”.
A.2 Yêu cầu thuộc tính meta đối với các khái niệm dữ liệu
Bảng A.1 trình bày các yêu cầu thuộc tính meta quản trị đối với các khái niệm dữ liệu trong CIDCR.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.