THỰC HÀNH NÔNG NGHIỆP TỐT ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT HALAL
Good agricultural practices for halal farm
Lời nói đầu
TCVN 13708:2023 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
THỰC HÀNH NÔNG NGHIỆP TỐT ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT HALAL
Good agricultural practices for halal farm
Tiêu chuẩn này quy định về thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất halal, bao gồm các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm halal.
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 12944:2020, Thực phẩm halal - Yêu cầu chung
TCVN 13709:2023, Thức ăn chăn nuôi halal
TCVN ISO/IEC 17025, Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:
3.1
Halal (Halal), tính từ
Được phép hoặc hợp pháp, theo Luật Hồi giáo (Luật Sharia)
3.2
Không halal (non-halal), tính từ Haram
Bị cấm hoặc không hợp pháp, theo Luật Hồi giáo
3.3
Cơ sở/Cơ sở sản xuất (operator/farm)
Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói sản phẩm nông nghiệp hoặc phân phối các sản phẩm đó trên thị trường
CHÚ THÍCH: Cơ sở có thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình.
3.4
Đơn vị sản xuất (production unit)
Phần có thể nhận diện được của một hoạt động trong cơ sở sản xuất
CHÚ THÍCH: Đơn vị sản xuất có thể là toàn bộ hoặc một phần của cánh đồng, khu vườn, nhà kinh hoặc bất kỳ khu vực nào khác được sử dụng để sản xuất theo kế hoạch của cơ sở.
4.1 Lai lịch của cơ sở sản xuất và quản lý cơ sở sản xuất
4.1.1 Lai lịch của cơ sở sản xuất
4.1.1.1 Cơ sở phải có hệ thống lưu hồ sơ riêng đối với mỗi đơn vị sản xuất, bao gồm lịch sử và toàn bộ hoạt động nông nghiệp được thực hiện tại đơn vị sản xuất đó. Hồ sơ cần được lưu trữ sao cho dễ theo dõi, dễ truy nhập và phải được cập nhật.
4.1.1.2 Cơ sở cần xây dựng hệ thống tài liệu đối với mỗi đơn vị sản xuất theo kế hoạch của cơ sở. Bộ tài liệu này phải đề cập các bảng hoặc biển chỉ dẫn từng đơn vị sản xuất.
4.1.2 Quản lý cơ sở sản xuất
4.1.2.1 Cơ sở phải đánh giá nguy cơ đối với tất cả đơn vị sản xuất, chỉ rõ mức độ phù hợp của từng đơn vị sản xuất đối với việc sản xuất thực phẩm về mặt an toàn thực phẩm, môi trường, sức khỏe và phúc lợi động vật.
Cơ sở phải tính đến lịch sử của đơn vị sản xuất, ảnh hưởng của đơn vị sản xuất dự kiến đối với cây trồng, vật nuôi và môi trường để xác định mức độ cần thiết khi đánh giá nguy cơ.
4.1.2.2 Cơ sở phải có kế hoạch giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm đã được nhận diện; kế hoạch này phải được rà soát định kỳ để đảm bảo tính hiệu lực và tính bền vững.
Kế hoạch giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm phải bao gồm một hoặc một số trong các nội dung sau: chất lượng môi trường, tính kết dính của đất, tình trạng xói mòn đất, phát thải khí từ các nhà màng, nhà kính, sự cân bằng các chất humic trong đất, sự cân bằng phospho, sự cân bằng nitơ, mức độ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
4.1.2.3 Vị trí và việc thiết kế, xây dựng cơ sở (bao gồm các đơn vị sản xuất) phải thuận tiện để làm sạch và kiểm soát sinh vật gây hại.
4.1.2.4 Cơ sở phải thiết lập, áp dụng và duy trì chương trình kiểm tra nội bộ đối với các đơn vị sản xuất của cơ sở.
4.2 Lưu trữ hồ sơ ghi chép và quá trình kiểm tra nội bộ
4.2.1 Tất cả các hồ sơ phải luôn sẵn có và được lưu trữ ít nhất 24 tháng, trừ khi có quy định cụ thể.
4.2.2 Cơ sở phải thiết lập, áp dụng và duy trì quy trình quản lý và kiểm soát thông tin dạng văn bản.
4.2.3 Cơ sở phải tiến hành kiểm tra nội bộ theo yêu cầu của tiêu chuẩn này với tần suất không quá 12 tháng một lần. Việc kiểm tra nội bộ phải bao gồm tất cả các điểm kiểm soát được áp dụng, kể cả điểm kiểm soát tại nhà thầu phụ, và phải thực hiện trước khi tổ chức chứng nhận thực hiện đánh giá.
4.2.4 Cơ sở phải tiến hành các hành động khắc phục khi phát hiện điểm không phù hợp sau khi kiểm tra nội bộ.
4.2.5 Cơ sở phải thực hiện và lưu hồ sơ về việc cải tiến liên tục.
4.3.1 Cơ sở phải có bản đánh giá nguy cơ về vệ sinh, bao gồm cả môi trường sản xuất.
4.3.2 Cơ sở phải có quy trình vệ sinh được lập thành văn bản và có các bảng hướng dẫn vệ sinh đặt tại các vị trí dễ quan sát đối với nhân viên và khách tham quan khi hoạt động của họ có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
4.3.3 Hàng năm, tất cả nhân viên làm việc tại cơ sở phải được tập huấn vệ sinh.
4.3.4 Quy trình vệ sinh của cơ sở phải được nhân viên áp dụng theo vị trí, nhiệm vụ của mỗi người.
4.3.5 Cơ sở phải có phương tiện, thiết bị và hóa chất thích hợp dùng để làm sạch theo mục đích sử dụng dự kiến, các phương tiện, thiết bị và hóa chất này phải được bảo quản và sử dụng đúng cách.
4.4 Sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động
4.4.1 Sức khỏe và an toàn
4.4.1.1 Cơ sở cần có bản đánh giá nguy cơ đối với các mối nguy về sức khỏe và an toàn của người lao động.
Có thể đánh giá nguy cơ chung nhưng phải phù hợp với các điều kiên của đơn vị sân xuất, cần phải xem xét và cập nhật đánh giá nguy cơ khi có bất kỳ thay đổi nào tại đơn vị sản xuất.
4.4.1.2 Cơ sở cần có quy trình về sức khỏe và an toàn đề cập đến các vấn đề đã nhận diện trong đánh giá nguy cơ theo 4.4.1.1. Quy trình này cũng có thể bao gồm cả các tình huống tai nạn, tình huống khẩn cấp và phải được rà soát hàng năm, cập nhật khi có thay đổi trong đánh giá nguy cơ. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của cơ sở phải được xây dựng và bảo trì sao cho giảm thiểu mối nguy về sức khỏe và an toàn đối với người lao động.
4.4.1.3 Tất cả người lao động tại cơ sở phải được tập huấn về sức khỏe và an toàn theo đánh giá nguy cơ tại 4.4.1.1.
4.4.2 Tập huấn
4.4.2.1 Cơ sở phải lưu trữ hồ sơ về các khóa tập huấn, bao gồm cả thông tin về học viên.
4.4.2.2 Tất cả người lao động làm việc với thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất làm sạch và khử trùng, các chất diệt khuẩn và các chất nguy hiểm khác, người lao động vận hành máy móc phức tạp hoặc nguy hiểm theo quy định tại 4.4.1.1 về phân tích nguy cơ phải có bằng chứng về năng lực hoặc chi tiết về các bằng cấp phù hợp.
4.4.2.3 Cơ sở phải nhận diện những người lao động mà hoạt động của họ có thể ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.
4.4.3 Mối nguy và sơ cứu ban dầu
4.4.3.1 Cơ sở cần có quy trình phòng ngừa tai nạn và tình huống khẩn cấp.
Cơ sở cần thông báo hoặc đặt biển cảnh báo tai nạn tại những nơi dễ thấy và dễ tiếp cận. Phải giải thích rõ bằng ngôn ngữ dễ hiểu đối với người lao động hoặc bằng hình ảnh.
Các quy trình, nếu có thể, cần bao gồm: bản đồ hoặc địa chỉ của đơn vị sản xuất, tên người liên lạc; danh sách cập nhật các số điện thoại quan trọng (cảnh sát, cứu thương, bệnh viện, cứu hỏa, y tế, điện lực, nước).
4.4.3.2 Cơ sở cần đặt các biển cảnh báo mối nguy tiềm ẩn. Các địa điểm có mối nguy tiềm ẩn bao gồm nơi thu gom rác, kho nhiên liệu, kho thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoặc các loại hóa chất khác.
4.4.3.3 Cơ sở cần cung cấp chỉ dẫn về an toàn và sức khỏe người lao động đối với các chất nguy hiểm khi cần thiết.
4.4.3.4 Cơ sở cần có các hộp sơ cứu tại tất cả các địa điểm cố định và tại gần khu vực thực địa.
4.4.4 Quần áo và dụng cụ bảo hộ lao động
4.4.4.1 Toàn bộ người lao động, khách tham quan và nhà thầu phụ phải được trang bị quần áo và dụng cụ bảo hộ lao động phù hợp.
4.4.4.2 Quần áo và dụng cụ bảo hộ lao động phải được giặt sau khi sử dụng và được bảo quản thích hợp để ngăn ngừa ô nhiễm.
4.4.5 Phúc lợi của người lao động
4.4.5.1 Cơ sở phải chỉ định một thành viên ban lãnh đạo để phụ trách về vấn đề sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động.
4.4.5.2 Cơ sở cần tổ chức các cuộc họp giữa ban lãnh đạo và người lao động mỗi năm ít nhất một lần, trong đó có đề cập, thảo luận cụ thể về vấn đề sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động.
4.4.5.3 Cơ sở phải bố trí nơi sạch sẽ để người lao động bảo quản thực phẩm, có nơi để họ nghỉ ngơi, có nơi rửa tay và có nước uống.
4.4.5.4 Cơ sở cần bố trí nơi ở tiện nghi dành cho người lao động (nếu cần), với các tiện ích và dịch vụ thích hợp.
Khi sử dụng thầu phụ, cơ sở phải cung cấp thông tin tổng quan về hoạt động của họ để đảm bảo các hoạt động liên quan đáp ứng tiêu chuẩn này.
4.6 Quản lý chất thải và chất ô nhiễm, tái chế và tái sử dụng
4.6.1 Nhận diện chất thải và chất ô nhiễm
Cơ sở cần xác định và lập danh sách tất cả các loại chất thải tiềm ẩn (ví dụ: giấy, bìa các-tông, nhựa, dầu v.v...) và các nguồn gây ô nhiễm (ví dụ: phân bón dư thừa, khói bụi, dầu, nhiên liệu, tiếng ồn, hóa chất, chất thải từ thức ăn chăn nuôi v.v...).
4.6.2 Kế hoạch giảm thiểu chất thải và chất ô nhiễm
4.6.2.1 Cơ sở phải có kế hoạch được lập thành văn bản trong đó hướng đến việc quản lý chất thải nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu chất thải và chất ô nhiễm, ngăn chặn việc chôn, đốt rác thải và thay thế bằng việc tái chế rác thải, có tính đến các chất ô nhiễm từ không khí, đất, nước.
4.6.2.2 Khu vực sản xuất phải được giữ sạch sẽ, ngăn nắp.
4.6.2.3 Cơ sở nên tiến hành sản xuất phân ủ (compost) từ các chất thải hữu cơ và sử dụng phân ủ để cải tạo đất với điều kiện không có nguy cơ về sinh vật gây hại, bệnh hại và có dại.
4.6.2.4 Nước được sử dụng để giặt, rửa và làm sạch cần được xử lý để đảm bảo tác động tối thiểu đến sức khỏe người lao động, an toàn thực phẩm và môi trường.
4.7.1 Tác động của hoạt động sản xuất đối với môi trường và đa dạng sinh học
4.7.1.1 Đối với mỗi loại sản phẩm, cơ sở cần có kế hoạch được lập thành văn bản nhằm bảo vệ và quản lý động vật hoang dã để giảm tác động của hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với môi trường.
4.7.1.2 Cơ sở nên tính đến cách thức cải thiện môi trường vì lợi ích của cộng đồng và hệ động thực vật. Chính sách của cơ sở phải phù hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững và giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động nông nghiệp.
4.7.2 Cải thiện sinh thái tại các địa điểm phi sản xuất
Cơ sở cần cân nhắc việc chuyển đổi các địa điểm phi sản xuất (các vùng đất thấp ẩm ướt, rừng, đất cằn cỗi, đất nghèo kiệt) thành các khu vực bảo tồn sinh thái nhằm khuyến khích đời sống thực vật và động vật tự nhiên.
4.7.3 Hiệu suất năng lượng
4.7.3.1 Cơ sở cần giám sát việc sử dụng năng lượng, trong đó bao gồm lưu hồ sơ về việc sử dụng năng lượng; lựa chọn và bảo trì thiết bị nhằm tối ưu việc tiêu thụ năng lượng.
4.7.3.2 Trên cơ sở kết quả giám sát việc sử dụng năng lượng, nên có kế hoạch cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng, trong đó cần giảm thiểu sử dụng năng lượng không tái tạo.
4.7.4 Thu gom và tái chế nước
Nếu có thể, cơ sở nên thực hiện các biện pháp để thu gom và tái chế nước, có xem xét đến tất cả các khía cạnh an toàn thực phẩm.
Cơ sở phải có quy trình xử lý được lập thành văn bản đối với những khiếu nại nội bộ và từ bên ngoài, liên quan đến phạm vi của tiêu chuẩn này và phải đảm bảo rằng các khiếu nại đã được lưu hồ sơ đầy đủ, được xem xét, theo dõi, bao gồm cả việc lưu hồ sơ về các biện pháp đã thực hiện.
4.9 Truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm
4.9.1 Cơ sở phải có quy trình kiểm tra hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy trình này phải được lập thành văn bản và được thực hiện hàng năm.
4.9.2 Cơ sở phải có quy trình được lập thành văn bản đối với việc thu hồi sản phẩm.
5.1.1 Chất lượng của vật liệu nhân giống
5.1.1.1 Đối với hạt giống hoặc vật liệu nhân giống được thu mua trong vòng 24 tháng, cần có bằng chứng đảm bảo rằng chúng được thu mua phù hợp với các quy định hiện hành, cần có hồ sơ (ví dụ: vỏ bao bì hạt giống, phiếu giao hàng hoặc hóa đơn) tối thiểu cho biết tên giống, số lô, nhà cung cấp vật liệu nhân giống, và, nếu có thể, thông tin bổ sung về chất lượng hạt giống (tỷ lệ nảy mầm, mức thuần giống, độ sạch, sức khỏe hạt giống, v.v...).
5.1.1.2 Trong trường hợp cơ sở sử dụng các giống cây đã được đăng ký hoặc gốc ghép, khi được yêu cầu, cơ sở cần xuất trình được hồ sơ chứng minh rằng các vật liệu nhân giống đã được thu mua theo đúng các quy định hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ.
5.1.1.3 Hệ thống kiểm soát chất lượng cây trồng cần được áp dụng cho việc nhân giống cây tại vườn ươm nội bộ.
5.1.2 Xử lý vật liệu nhân giống bằng hóa chất
5.1.2.1 Cơ sở phải lưu hồ sơ về các biện pháp xử lý hóa chất mà nhà cung cấp đã thực hiện đối với vật liệu nhân nhân giống được thu mua (hạt/gốc cây giống, cây giống, cây con, cành giâm).
5.1.2.2 Cơ sở phải lưu hồ sơ về việc xử lý thuốc bảo vệ thực vật trên vật liệu nhân giống tại vườn ươm nội bộ được áp dụng trong quá trình nhân giống cây trồng.
5.2.1 Cơ sở cần có kế hoạch quản lý đất trong thời gian không sử dụng, trong đó cân nhắc nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng và việc duy trì độ phì của đất.
5.2.2 Cơ sở nên có bản đồ khu đất, trong đó nhận diện các loại đất dựa trên lịch sử vùng đất hoặc kết quả phân tích đất hoặc bản đồ các loại đất của địa phương.
5.2.3 Cơ sở cần thực hiện luân canh cây trồng hàng năm, nếu có thể. Hồ sơ luân canh của hai năm gần nhất phải được lưu giữ.
5.2.4 Cơ sở cần sử dụng các kỹ thuật để cải thiện hoặc duy trì kết cấu đất và tránh hiện tượng đất bị nén (ví dụ: sử dụng cây trồng có rễ sâu, thoát nước, cày sâu, sử dụng ống áp suất thấp, đường phân ranh v.v...).
5.2.5 Cơ sở phải sử dụng các kỹ thuật trồng trọt để làm giảm khả năng xói mòn đất (ví dụ: kỹ thuật phủ đất, làm luống ngang trên đất dốc, mương thoát nước, trồng có hoặc sử dụng phân xanh, cây và bụi cây ở ranh giới của đơn vị sản xuất, v.v...).
5.2.6 Cơ sở cần cân nhắc sử dụng phân bón hữu cơ để cải thiện dinh dưỡng cho cây trồng, cần cân đối hàm lượng dinh dưỡng NPK (nitơ, phospho, kali) trong phân bón hữu cơ được sử dụng để tránh hiện tượng đất bị nén.
5.2.7 Cơ sở cần lưu hồ sơ về tỷ lệ hạt giống, mật độ cây trồng, ngày gieo hạt/trồng cây.
5.3.1 Việc sử dụng phân bón (hữu cơ hoặc vô cơ), bao gồm loại phân bón và lượng sử dụng, phải do người có năng lực và trình độ đưa ra.
5.3.2 Cơ sở cần lưu giữ hồ sơ về tất cả những lần bón phân, bao gồm chi tiết về vùng trồng, tên hoặc mã số của ruộng, vườn hoặc nhà kính trồng cây; thời điểm bón phân; loại phân bón; lượng phân bón sử dụng tính bằng khối lượng hoặc thể tích tương ứng với một đơn vị diện tích hoặc số lượng cây trồng; phương pháp bón phân và/hoặc thiết bị bón phân; người thực hiện công tác bón phân.
5.3.3 Phân bón cần được bảo quản tách biệt với thuốc bảo vệ thực vật bằng cách sử dụng rào chắn vật lý (tường, vách, v.v...). Nếu phân bón được dùng cùng với thuốc bảo vệ thực vật (ví dụ: chất dinh dưỡng vi lượng hay phân bón lá) và được đóng gói trong bao bì kín thì có thể bảo quản chung với thuốc bảo vệ thực vật.
5.3.4 Phân bón cần được bảo quản trong khu vực có che chắn.
5.3.5 Phân bón vô cơ cần được bảo quản trong khu vực sạch sẽ, khô ráo và hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
5.3.6 Phân bón phải bảo quản tách biệt với các sản phẩm đã thu hoạch.
5.3.7 Cơ sở cần có danh sách cập nhật về lượng phân bón bảo quản trong kho, hồ sơ tính toán lượng phân bón sắp thu mua và hồ sơ sử dụng phân bón.
5.3.8 Cơ sở phải có biện pháp phòng ngừa việc sử dụng chất thải từ con người đề làm phân bón.
5.3.9 Cơ sở phải đánh giá nguy cơ về nguồn gốc, tính chất và mục đích sử dụng của các loại phân hữu cơ trước khi sử dụng, cần xem xét đến phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ, sự ô nhiễm vi sinh vật (mầm bệnh từ cây trồng và con người), tỷ lệ có dại/hạt giống, hàm lượng kim loại nặng v.v...
5.3.10 Phân bón hữu cơ cần được bảo quản phù hợp, làm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm đối với môi trường.
5.3.11 Các loại phân bón vô cơ được thu mua cần có thông tin về hàm lượng các chất dinh dưỡng chủ yếu (N, P, K) và hàm lượng hóa chất, bao gồm hàm lượng các kim loại nặng.
5.4.1 Sử dụng nước hiệu quả
5.4.1.1 Cơ sở phải thực hiện đánh giá nguy cơ về các vấn đề môi trường liên quan đến việc sử dụng nước tại đơn vị sản xuất.
5.4.1.2 Cơ sở phải có kế hoạch quản lý nước, trong đó có nhận diện về nguồn nước và biện pháp để đâm bảo việc sử dụng nước hiệu quả.
5.4.1.3 Cơ sở cần duy trì hồ sơ sử dụng nước tưới, bón phân qua nước tưới và hồ sơ về chu kỳ trồng trọt riêng lẻ trước đó với thông tin về tổng lượng nước sử dụng.
5.4.2 Chất lượng nước
5.4.2.1 Việc sử dụng nước thải đã qua xử lý trong các hoạt động trước thu hoạch phải được xem xét trong bản đánh giá nguy cơ. Nước thải chưa qua xử lý không sử dụng để tưới cây/bón phân qua nước tưới hoặc cho các hoạt động trước thu hoạch khác.
5.4.2.2 Cơ sở phải đánh giá nguy cơ về ô nhiễm hóa học hoặc vật lý của nguồn nước được sử dụng cho các hoạt động trước thu hoạch (ví dụ: tưới nước/bón phân, rửa cây, phun xịt). Cơ sở phải thực hiện và lưu hồ sơ việc đánh giá nguy cơ và tối thiểu phải xem xét tới các vấn đề sau: nhận diện nguồn nước và kết quả các lần thử nghiệm nước (nếu áp dụng); phương pháp tưới nước; thời gian tưới nước (trong giai đoạn cây trồng tăng trưởng); sự tiếp xúc giữa cây trồng và nước tưới; đặc điểm của cây trồng và các giai đoạn tăng trưởng; độ sạch của nước sử dụng cho thuốc bảo vệ thực vật.
5.4.2.3 Nước tưới sử dụng trong các hoạt động trước thu hoạch phải được phân tích theo tần suất phù hợp với việc đánh giá nguy cơ (xem 5.4.2.2), có cân nhắc đến các tiêu chuẩn cụ thể có liên quan.
5.4.2.4 Theo đánh giá nguy cơ trong 5.4.2.2 và các tiêu chuẩn cụ thể có liên quan, việc thử nghiệm các chỉ tiêu của nước phải xem xét tới chất gây ô nhiễm hóa học và vật lý; phòng thử nghiệm phải được công nhận theo TCVN ISO/IEC 17025 (hoặc tiêu chuẩn tương đương), hoặc được cơ quan có thẩm quyền chỉ định về thử nghiệm nước.
5.4.2.5 Dựa trên những kết quả từ đánh giá nguy cơ, cơ sở cần thực hiện hành động khắc phục (nếu cần) trước kỳ thu hoạch tiếp theo.
5.5.1 Việc thực hiện hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) phải được hỗ trợ thông qua các khóa tập huấn hoặc tư vấn bởi người có năng lực và trình độ thích hợp.
5.5.2 Cơ sở phải lưu hồ sơ về việc thực hiện ít nhất một trong các hoạt động sau đây:
a) Phòng ngừa: cơ sở phải thực hiện ít nhất hai hoạt động đối với mỗi cây trồng, bao gồm việc áp dụng phương pháp trồng trọt nhằm giảm phạm vi tác động và cường độ sinh vật gây hại, từ đó sẽ giảm bớt sự cần thiết phải can thiệp.
b) Quan sát và giám sát: cơ sở phải có bằng chứng về việc thực hiện ít nhất hai hoạt động nhằm xác định sinh vật gây hại và thiên địch của chúng xuất hiện khi nào và ở mức độ nào, và việc sử dụng thông tin này đề lập kế hoạch quản lý dịch hại.
c) Can thiệp: cơ sở phải có bằng chứng rằng khi tình trạng sinh vật gây hại tấn công gây hại đến giá trị kinh tế của cây trồng, việc can thiệp bằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đặc hiệu sẽ được thực hiện. Khi có thể, nên sử dụng phương pháp không dùng hóa chất.
5.5.3 Cần tuân thủ khuyến cáo trên nhãn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật để chống lại tính kháng thuốc của sinh vật gây hại và/hoặc các khuyến cáo khác để duy trì hiệu quả của các loại thuốc bảo vệ thực vật.
5.6 Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
5.6.1 Lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật
5.6.1.1 Cơ sở cần có danh mục hiện hành của tất cả thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng.
5.6.1.2 Cơ sở chỉ được dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng.
5.6.1.3 Thuốc bảo vệ thực vật phải được sử dụng đúng mục đích như đã khuyến cáo trên nhãn bao bì sản phẩm. Nếu cơ sở sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo nhãn thi phải có bằng chứng cho thấy có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền rằng loại thuốc bảo vệ thực vật đó được dùng cho loại cây trồng tương ứng.
5.6.1.4 Cơ sở cần lưu giữ hóa đơn hoặc phiếu giao hàng khi mua thuốc bảo vệ thực vật.
5.6.2 Khuyến cáo về lượng và loại thuốc bảo vệ thực vật
Việc lựa chọn các thuốc bảo vệ thực vật phải do những người có năng lực thực hiện.
5.6.3 Hồ sơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
5.6.3.1 Hồ sơ của tất cả thuốc bảo vệ thực vật phải được lưu giữ và ít nhất bao gồm các tiêu chí sau: tên và/hoặc giống cây trồng; địa điểm sử dụng; ngày sử dụng và thời gian kết thúc sử dụng; tên thương mại và thành phần hoạt tính; khoảng thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
5.6.3.2 Hồ sơ của tất cả thuốc bảo vệ thực vật cần được lưu giữ và bao gồm các thông tin sau: người sử dụng; lý do sử dụng (tên của sinh vật gây hại, bệnh hại và/hoặc có dại); việc phê duyệt để sử dụng; số lượng sản phẩm đã được sử dụng; thiết bị sử dụng kèm theo (thiết bị đeo vai, thiết bị dung tích lớn, hệ thống tưới, bụi, sương, thiết bị không người lái v.v...); điều kiện thời tiết tại thời điểm sử dụng (không áp dụng đối với cây trồng trong nhà màng, nhà kính); các biện pháp ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật tròi dạt sang các khu đất lân cận.
5.6.3 3 Cơ sở cần thực hiện các biện pháp để tránh nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật từ các khu vực lân cận trôi dạt sang.
5.6.4 Khoảng thời gian cách ly trước khi thu hoạch
Cơ sở phải có hồ sơ chứng minh việc tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng cho cây trồng, thông qua hồ sơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ngày thu hoạch cây trồng.
5.6.5 Xử lý lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa
Lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa hoặc sau khi rửa thùng phải được xử lý sao cho không gây ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm và môi trường.
5.6.6 Phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
5.6.6.1 Cơ sở phải có thông tin về mức dư lượng tối đa (MRL) thuốc bảo vệ thực vật của thị trường nơi dự định bán sản phẩm.
5.6.6.2 Cơ sở phải thực hiện hành động để đáp ứng mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật của thị trường mà cơ sở dự định bán sản phẩm. Khi mức dư lượng tối đa của thị trường mà cơ sở dự định bán sản phẩm có mức nghiêm ngặt hơn mức của nước sản xuất, cơ sở phải chứng minh rằng trong chu trình sản xuất, các mức dư lượng tối đa này luôn được chú ý tới.
5.6.6.3 Cơ sở phải thực hiện đánh giá nguy cơ để xác định xem liệu sản phẩm của mình có tuân thủ theo các mức mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật ở thị trường mà họ dự định bán sản phẩm.
5.6.6.4 Cơ sở phải lưu hồ sơ về việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dựa vào kết quả đánh giá nguy cơ.
5.6.6.5 Khi việc đánh giá nguy cơ kết luận rằng cần thiết phải tiến hành phân tích dư lượng, phải có bằng chứng rằng:
a) cơ sở đã làm đúng theo thủ tục lấy mẫu.
b) phòng thử nghiệm thực hiện phán tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền là đáp ứng các yêu cầu của TCVN ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
c) cơ sở có kế hoạch hành động khi mức dư lượng tối đa bị vượt quá (bao gồm việc thông báo cho khách hàng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, v.v...).
5.6.7 Bảo quản thuốc bảo vệ thực vật
5.6.7.1 Thuốc bảo vệ thực vật phải được bảo quản phù hợp với các quy định hiện hành, tại nơi an toàn với đầy đủ phương tiện để đo lường và pha trộn, được giữ trong bao bì nguyên gốc, cửa kho phải có khóa.
5.6.7.2 Thuốc bảo vệ thực vật phải được bảo quản tại nơi có cấu trúc thích hợp và vững chắc, không gây nguy hiểm cho người lao động và không gây nguy cơ nhiễm chéo giữa thuốc bảo vệ thực vật với những sản phẩm khác; có điều kiện nhiệt độ phù hợp; thoáng khí (trong trường hợp phải đi vào kho thuốc); được thông khí sạch, hiệu quả và ổn định; được chiếu sáng thích hợp bằng ánh sáng tự nhiên hoặc đèn, để đảm bảo việc dễ dàng đọc các nhãn thuốc; đặt cách xa những vật liệu khác.
5.6.7.3 Kệ để thuốc bảo vệ thực vật cần được làm bằng vật liệu không hút ẩm.
5.6.7.4 Thuốc bảo vệ thực vật cần được bảo quản ở nơi có khả năng giữ lại những phần thuốc rò rỉ hoặc đổ chảy.
5.6.7.5 Cần có các phương tiện để xử lý trường hợp thuốc bảo vệ thực vật bị tràn đổ.
5.6.7.6 Chìa khóa và việc đi vào kho chứa thuốc bảo vệ thực vật chỉ dành cho những người có nhiệm vụ, đã qua đào tạo chính thức về việc sử dụng và xử lý thuốc bảo vệ thực vật an toàn.
5.6.7.7 Những thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng không được bảo quản trên kệ phía trên thuốc bảo vệ thực vật dạng bột.
5.6.7.8 Cơ sở cần có danh sách cập nhật các loại thuốc bảo vệ thực vật trong kho, các loại thuốc bảo vệ thực vật sắp thu mua và hồ sơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
5.6.7.9 Cơ sở cần có quy trình sơ cứu tai nạn có thể nhìn thấy và tiếp cận được trong vòng 10 m từ kho tồn trữ thuốc bảo vệ thực vật/kho hóa chất.
5.6.7.10 Có những phương tiện để xử lý tai nạn phơi nhiễm xảy ra với người thao tác với thuốc bảo vệ thực vật.
5.6.8 Xử lý thuốc bảo vệ thực vật
5.6.8.1 Cơ sở cần cho phép tất cả công nhân tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký kiểm tra sức khỏe hàng năm hoặc với tần suất nêu trong bản đánh giá nguy cơ trong đó xem xét tới việc họ tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật và độc tính của các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng.
5.6 8.2 Cơ sở phải có quy trình liên quan đến thời gian cách ly đối với người sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Cần đặc biệt chú ý tới những người lao động có nguy cơ cao nhất, ví dụ: người đang mang thai/đang cho con bú hoặc người già.
5.6.8.3 Nếu tất cả thuốc bảo vệ thực vật được vận chuyển tập trung trong và giữa các nông trại, chúng cần được vận chuyển an toàn và đảm bảo.
5.6.8.4 Khi pha trộn thuốc bảo vệ thực vật, cần tuân thủ các quy trình chiết rót và xử lý chính xác như quy định trên nhãn.
5.6.9 Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng
Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
5.6.10 Thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn
Những thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn cần được bảo quản an toàn, nhận diện và loại bỏ bởi đơn vị có thẩm quyền hoặc được phê duyệt.
5.6.11 Sử dụng các chất khác ngoài phân bón và thuốc bảo vệ thực vật
Cơ sở phải lưu hồ sơ về các chất khác ngoài phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng cho cây trồng và/hoặc đất.
5.7.1 Những thiết bị, dụng cụ nhạy cảm với an toàn thực phẩm (ví dụ: thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị tưới nước/bón phân, thiết bị xử lý sản phẩm sau thu hoạch) phải được thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ và được hiệu chuẩn ít nhất là hàng năm, nếu cần.
5.7.2 Những thiết bị, dụng cụ nhạy cảm với môi trường và những thiết bị khác sử dụng trong các hoạt động của nông trại (ví dụ: thiết bị rải phân bón, thiết bị sử dụng để kiểm soát nhiệt độ và khối lượng) cần được thường xuyên kiểm tra và được hiệu chuẩn hàng năm, nếu cần.
5.7.3 Thiết bị, dụng cụ phải được bảo quản sao cho ngăn ngừa ô nhiễm sản phẩm.
5.8 Các hoạt động trong và sau khi thu hoạch
5.8.1 Vệ sinh
5.8.1.1 Cơ sở phải có bản đánh giá nguy cơ về vệ sinh đối với quá trình thu hoạch và vận chuyển trong đơn vị sản xuất, và các hoạt động trước và sau thu hoạch, bao gồm sơ chế và chế biến sản phẩm.
5.8.1.2 Cơ sở phải có các quy trình và hướng dẫn bằng văn bản về vệ sinh cho quá trình thu hoạch và sau thu hoạch, bao gồm cà việc sơ chế, chế biến sản phim (kể cả khi các quy trình này diễn ra trực tiếp trên ruộng, trong vườn cây hoặc nhà kính) được thiết kế để ngăn ngừa ô nhiễm cho cây trồng, khu vực thu hoạch cây trồng, bề mặt tiếp xúc với thực phẩm và sản phẩm đã được thu hoạch.
5.8.1.3 Các quy trình và hướng dẫn về vệ sinh các hoạt động thu hoạch và sau thu hoạch phải được thực hiện.
5.8.1.4 Người lao động phải được hướng dẫn cụ thể về vệ sinh trước khi thu hoạch và xử lý sản phẩm.
5.8.1.5 Cơ sở phải cung cấp vật chứa sản phẩm thu hoạch, sử dụng riêng biệt cho sản phẩm; các vật chứa được sử dụng để thu hoạch và các thiết bị thu hoạch phù hợp với mục đích sử dụng phải được rửa sạch, bảo dưỡng và có khả năng bảo vệ sản phẩm khỏi bị ô nhiễm.
5.8.2 Chất lượng nước
Nước và nước đá sử dụng trong bất kỳ hoạt động nào liên quan tới thu hoạch hoặc làm lạnh sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn vi sinh dành cho nước uống và được xử lý trong điều kiện vệ sinh để phòng ngừa ô nhiễm sản phẩm.
5.8.3 Bao gói và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch
5.8.31 Sản phẩm khi thu hoạch phải được bảo vệ khỏi bị ô nhiễm.
5.8.3.2 Các điểm thu gom/bảo quản/phân phối sản phẩm đã đóng gói hoặc trên ruộng phải được duy trì trong điều kiện sạch sẽ và vệ sinh.
5.8.3.3 Vật liệu đóng gói phải phù hợp để sử dụng, phải được sử dụng và bảo quản trong điều kiện sạch sẽ và hợp vệ sinh để tránh trở thành nguồn gây ô nhiễm.
5.8.3.4 Không được đưa những sản phẩm bị loại bỏ hoặc bị ô nhiễm vào trong chuỗi cung ứng; chất thải phải được kiểm soát hiệu quả để không gây nguy cơ ô nhiễm.
5.8.4 Nhiệt độ và độ ẩm không khí
Cần lưu hồ sơ về việc kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm không khí (khi cần thiết).
5.8.5 Kiểm soát sinh vật gây hại
5.8.5.1 Cơ sở phải có hệ thống kiểm soát và tiêu diệt các quần thể sinh vật gây hại trong khu vực bao gói và bảo quản sản phẩm.
5.8.5.2 Phải có bằng chứng trực quan cho thấy hiệu lực của quá trình kiểm soát và tiêu diệt tác hại của sinh vật gây hại.
5.8.5.3 Hồ sơ chi tiết về công tác kiểm tra việc kiểm soát các sinh vật gây hại và các hành động cần thiết đã thực hiện phải được lưu giữ.
5.8.6 Rửa sau thu hoạch
5.8.6.1 Nguồn nước được sử dụng cho việc rửa thành phẩm (nếu cần) phải là nước uống được.
5.8.6.2 Nếu tái sử dụng nước để rửa sản phẩm cuối cùng thì nước đó phải được lọc và phải giám sát thường xuyên về pH, nồng độ và mức độ tiếp xúc với các chất khử trùng.
5.8.6.3 Phòng thử nghiệm thực hiện phân tích nước phải được công nhận theo TCVN ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
5.8.7 Xử lý sau thu hoạch
5.8.7.1 Các chế phẩm sinh học, sáp và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng để bảo vệ sản phẩm sau thu hoạch phải thuộc danh mục được phép sử dụng, tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên nhãn.
5.8.7.2 Hồ sơ về việc xử lý sau thu hoạch phải được lưu giữ và bao gồm tối thiểu các thông tin sau: định danh về cây trồng được thu hoạch (ví dụ: lô hoặc mẻ sản phẩm); địa điểm xử lý; ngày sử dụng; hình thức xử lý; tên thương mại của sản phẩm và các thành phần hoạt tính; lượng sản phẩm; tên người thao tác; lý do sử dụng.
6.1.1 Các vật liệu như sơn, chất bảo quản, thuốc khử trùng và các chất hóa học khác nếu sử dụng cho bề mặt tiếp cận được với vật nuôi thì phải thuộc danh mục được phép sử dụng và thích hợp sử dụng trong chăn nuôi. Các vật liệu này phải được bảo quản cách xa vật nuôi và thức ăn nhằm ngăn ngừa sự ô nhiễm.
6.1.2 Cơ sở phải có thỏa thuận chính thức với bên thứ ba về việc tận dụng chất thải từ vật nuôi nếu vượt mức quy định theo luật định hoặc quy phạm thực hành được chấp nhận.
6.1.3 Cơ sở phải có kế hoạch đặt bẫy hoặc bả để kiểm soát động vật gây hại.
6.1.4 Cơ sở phải lưu hồ sơ chi tiết về việc kiểm soát động vật gây hại và các hành động cần thiết có được thực hiện.
6.1.5 Phương tiện vận chuyển cây trồng hoặc thức ăn chăn nuôi phải sạch sẽ và phù hợp với mục đích vận chuyển nguyên liệu thô đi vào chuỗi thức ăn, ngăn chặn sự ô nhiễm không.
Cơ sở cần lưu giữ hồ sơ về nguồn, loại giống và giống nhập vào và/hoặc việc thụ tinh nhân tạo (đối với gia súc).
Giống vật nuôi sử dụng trong chăn nuôi phải là các động vật được phép sử dụng làm nguồn thực phẩm nêu trong 3.1.1 của TCVN 12944:2020.
6.3 Định danh và truy xuất nguồn gốc vật nuôi
6.3.1 Tất cả các đơn vị sản xuất của cơ sở phải cập nhật hồ sơ di chuyển vật nuôi.
6.3.2 Gia súc phải được định danh theo cá thể. Đối với gia cầm, có thể định danh theo lô.
6.3.3 Cơ sở phải có các thủ tục về truy xuất nguồn gốc vật nuôi từ trang trại ngược trở lại nơi sinh, nơi áp nở.
6.3.4 Cơ sở phải có cơ chế nhận diện đề xác định vật nuôi cụ thể hoặc lô/lồng/chuồng của vật nuôi cần điều trị hoặc đang được điều trị (có yêu cầu thời gian đào thải thuốc) ít nhất là cho đến khi hoàn tất giai đoạn đào thải thuốc.
6.4.1 Yêu cầu chung
6.4.1.1 Tất cả vật nuôi phải được tiếp cận đủ với nước sạch, kể cả khi được chăn thả.
6.4.1.2 Thành phần nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu nêu trong TCVN 13709:2023.
6.4.1.3 Thức ăn hỗn hợp phải được sản xuất từ nhà cung cấp đã được phê duyệt.
6.4.1.4 Cơ sở phải lưu nhãn hiệu của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã sử dụng, cũng như bằng chứng về nguồn gốc thức ăn và thành phần nguyên liệu.
6.4.1.5 Tất cả nguyên liệu thức ăn mua vào được lưu trữ tại cơ sở đều phải truy xuất nguồn gốc được đến nhà cung cấp.
6.4.1.6 Thành phần protein của khẩu phần ăn chỉ được thu từ các loại rau, sữa, trứng hoặc cá (bột cá không được làm thức ăn cho động vật nhai lại).
6.4.1.7 Nếu cơ sở tự phối trộn thức ăn chăn nuôi thì phải thiết lập công thức phổi trộn cho các loại thức ăn hỗn hợp.
6.4.1.8 Các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật được sử dụng trong sản xuất thức ăn tự trộn phải phù hợp với mục đích, an toàn cho sản xuất thức ăn chăn nuôi / sản xuất thực phẩm, được đánh giá nguy cơ và có khả năng truy xuất nguồn gốc.
6.4.1.9 Cơ sở phải có quy trình xử lý dư lượng thuốc thú y trong thức ăn chăn nuôi.
6.4.1.10 Cơ sở phải có quy trình để đảm bảo rằng hệ thống cho vật nuôi ăn được làm sạch thường xuyên.
6.4.2 Hồ sơ ghi chép về thức ăn chăn nuôi
6.4.2.1 Cơ sở phải có sẵn hồ sơ (ví dụ: hóa đơn hoặc phiếu giao hàng) của nhà cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
6.4.2.2 Cơ sở cần có hồ sơ của nhà cung cấp thức ăn hỗn hợp và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác.
6.4.3 Bảo quản thức ăn chăn nuôi
6.4.3.1 Thức ăn cần được bảo quản trong điều kiện ngăn chặn sự hư hỏng và ô nhiễm.
6.4.3.2 Các hệ thống cho vật nuôi ăn, thùng, hộp chứa và xe chở thức ăn phải được làm sạch thường xuyên.
6.4.3.3 Tất cả các đơn vị sản xuất phải thực hiện biện pháp phòng ngừa để kiểm soát loài gặm nhấm và động vật gây hại, ngăn chặn các vật nuôi trong gia đình làm ô nhiễm vào thức ăn (bao gồm cả có nếu có thể).
6.4.3.4 Thức ăn chăn nuôi chứa thuốc thú y dạng rời hoặc có bao gói phải được bảo quản riêng, được ghi nhãn rõ ràng và được định danh.
6.4.3.5 Thức ăn đặc biệt như thức ăn chứa thuốc thú y hoặc thức ăn chủ đích cho các loài khác nhau phải được định danh rõ ràng và bảo quản riêng biệt.
6.4.3.6 Cơ sở cần có sẵn kế hoạch cho vật nuôi ăn, được lập thành văn bản.
6.5 Chuồng trại và phương tiện chăn nuôi
6.5.1 Không gian sàn chuồng trại phải có đủ chỗ tương ứng với mật độ nuôi.
6.5.2 Việc thông gió (tự nhiên hay nhân tạo) phải có hiệu quả và phù hợp với loại vật nuôi nhằm duy trì nhiệt độ, môi trường không khí thích hợp và để ngăn chặn tích tụ hơi nước.
6.5.3 Chuồng nuôi phải được duy trì trong điều kiện sạch sẽ và vệ sinh.
6.5.4 Sàn của chuồng phải được bảo trì để tránh trơn trượt và tránh căng thẳng cho động vật.
6.5.5 Cần có sẵn hệ thống chiếu sáng cho phép kiểm tra động vật khi trời tối.
6.5.6 Chuồng nuôi (trong nhà và ngoài trời) không được có các vị trí nhô ra, góc, hàng rào hoặc máy móc sắc nhọn có thể gây thương tích cho vật nuôi.
6.5.7 Tất cả các vật nuôi có thể nhìn thấy nhau, kể cả động vật còn non, ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng (ví dụ: lồng cách ly bệnh).
6.5.8 Không được nuôi giữ chung vật nuôi halal với các động vật không halal.
6.6.1 Tất cả các đơn vị sản xuất của cơ sở phải có người phụ trách về thú y.
6.6.2 Cơ sở phải có bản kế hoạch về sức khỏe thú y được xây dựng, thực hiện, rà soát và cập nhật hàng năm, nội dung kế hoạch bao gồm việc phòng bệnh, tiêm vắc xin, điều trị bệnh trong điều kiện thông thường, kiểm soát ký sinh trùng, môi trường chăn nuôi, an toàn sinh học, giảm sử dụng kháng sinh v.v...
6.6.3 Nếu vật nuôi đang mắc bệnh hoặc bị chấn thương, chúng phải được nhận diện và xử lý thích hợp.
6.6.4 Mỗi đơn vị sản xuất phải được trang bị cơ sở vật chất thích hợp để cách ly vật nuôi mắc bệnh hoặc bị thương.
6.6.5 Chỉ được sử dụng thuốc thú y khi cần thiết, hoặc khi được kê đơn bởi người hành nghề thú y hoặc cho các mục đích dự phòng (ví dụ: tẩy giun).
6.6.6 Thời gian đào thải đối với các loại thuốc thú y phải được tuân thủ nghiêm ngặt và được truyền đạt cho chủ sở hữu mới khi động vật được bán trong thời gian đào thải thuốc.
6.6.7 Nếu trong quá trình điều trị cần tiến hành phẫu thuật vật nuôi thì việc này phải được thực hiện bởi người nuôi có kinh nghiệm và/hoặc người hành nghề thú y có năng lực.
6.6.8 Mọi thiết bị thú y đều phải được giữ sạch và bảo trì đúng cách.
6.6.9 Cơ sở phải có một thủ tục lập thành văn bản cho định vị và xử lý kim tiêm bị gãy trong bất kỳ quy trình nào và còn lưu lại trong cơ thể vật nuôi.
6.6.10 Khi phải giết mổ hoặc tiêu hủy khẩn cấp đối với vật nuôi bị nạn, các nguyên tắc nhân đạo phải được tôn trọng.
6.6.11 Người lao động phải thể hiện được sự hiểu biết và thực hiện việc thực hành vệ sinh phù hợp.
6.6.12 Tiểu khí hậu tại chuồng nuôi (ví dụ: lưu thông không khí, nhiệt độ, nồng độ khí và hàm lượng bụi) cần được giữ ở mức không gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ vật nuôi.
6.6.13 Cơ sở phải có quy định về việc thông báo cho cơ quan chức năng có liên quan về tình hình dịch bệnh theo quy định hiện hành.
6.6.14 Vật nuôi tại mọi thời điểm nếu cần điều trị và xử lý thì phải thực hiện sao cho chúng hạn chế bị đau, thương tổn và bệnh tật.
6.7.1 Yêu cầu chung
6.7.1.1 Các thuốc quá hạn (theo hạn sử dụng ghi trên bao bì) và các lọ chứa thuốc đã sử dụng phải được lưu giữ tại khu vực riêng, có dấu hiệu nhận biết và thải bỏ theo cách phù hợp để không dẫn đến việc sử dụng nhầm lẫn.
6.7.1.2 Cơ sở chỉ dùng những thuốc thuộc danh mục thuốc thú y được phép sử dụng.
6.7.1.3 Phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc để đảm bảo quản lý tốt và tránh nguy cơ cho vật nuôi, người lao động, người tiêu dùng và môi trường.
6.7.1.4 Các hướng dẫn trên nhãn hoặc những hướng dẫn chính thức khác (ví dụ: hướng dẫn của nhân viên thú y) phải luôn có sẵn.
6.7.1.5 Cơ sở cần có chính sách lập thành văn bản về việc giảm lượng kháng sinh sử dụng và việc này phải được đánh giá và xem xét thường xuyên. Việc sử dụng kháng sinh cần được giảm tới mức chấp nhận được.
6.7.2 Chất kích thích sinh trưởng
6.7.2.1 Việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
6.7.2.2 Cơ sở phải thông báo cho khách hàng trực tiếp nếu đã sử dụng chất kích thích tăng trưởng.
6.7.2.3 Nếu không sử dụng chất kích thích tăng trưởng cho toàn bộ vật nuôi trong chuồng thì phải có quy trình nhằm tránh nguy cơ nhiễm chéo giữa các vật nuôi.
6.7.2.4 Hồ sơ quản lý chất kích thích tăng trưởng phải được lưu giữ.
6.7.3 Phát hiện dư lượng thuốc thú y
Trong trường hợp vượt quá mức dư lượng tối đa (MRL) của thuốc thú y, phải lập biên bản với xác nhận của nhân viên thú y hoặc đại diện cơ quan có thẩm quyền, trong đó nêu kế hoạch hành động bằng văn về hành động khắc phục và hành động phòng ngừa.
6.7.4 Hồ sơ thuốc thú y
6.7.4.1 Cơ sở chỉ mua thuốc được phê duyệt chính thức và duy trì cập nhật hồ sơ mua thuốc.
6.7.4.2 Hồ sơ quản lý việc sử dụng thuốc phải được lưu giữ (bao gồm: tên sản phẩm, mã số lô, ngày cấp phát, định danh vật nuôi/ nhóm được điều trị, số vật nuôi được điều trị, tổng lượng thuốc đã sử dụng, ngày kết thúc điều trị, ngày kết thúc thời hạn đào thải thuốc, tên người cấp phát thuốc v.v...).
6.7.5 Bảo quản thuốc thú y
6.7.5.1 Thuốc thú y phải được bảo quản theo hướng dẫn trên nhãn (bao gồm cả bảo quản lạnh nếu cần), tại nơi an toàn, có khỏa, đủ ánh sáng, cách biệt với các vật tư khác.
6.7.5.2 Chỉ những người lao động được đào tạo đầy đủ và/hoặc có kinh nghiệm trong việc xử lý thuốc thú y mới được vào kho bảo quản thuốc thú y.
6.7.5.3 Tất cả thuốc thú y phải được bảo quản trong vật chứa ban đầu và có nhãn gốc.
6.7.6 Lọ thuốc đã sử dụng
6.7.6.1 Không được dùng lại vỏ lọ thuốc đã sử dụng.
6.7.6.2 Việc thải bỏ lọ thuốc đã sử dụng cần được thực hiện theo cách tránh ô nhiễm đối với môi trường và tuân thủ các quy định hiện hành.
Cơ sở phải có lò đốt để tiêu hủy vật nuôi đã chết.
6.9.1 Định danh và truy xuất nguồn gốc
6.9.1.1 Tất cả tài liệu liên quan đến việc định danh vật nuôi, và được yêu cầu bởi cơ quan chức năng đối với vật nuôi khi vận chuyển phải có sẵn ở nơi dẫn lên xe và nơi xuất phát đưa ra khỏi đơn vị sản xuất và được bên vận chuyển lưu giữ.
6.9.1.2 Vật nuôi được điều trị thuốc mà thời gian đào thải chưa kết thúc phải được ghi hồ sơ và được nhận diện là "không tiêu dùng" cho đến khi hoàn tất thời gian đào thải.
6.9.1.3 Các loài vật nuôi khác nhau và vật nuôi có những tình trạng khác nhau phải được lưu giữ riêng trong quá trình dẫn lên xe.
6.9.1.4 Thiết bị vận chuyển tiếp xúc trực tiếp với động vật phải chuyên dụng để vận chuyển động vật halal và không được sử dụng qua lại để vận chuyển lợn.
6.9.1.5 Các phương tiện vận chuyển tiếp xúc trực tiếp với động vật và đã được sử dụng để vận chuyển lợn phải được làm sạch bằng sertu theo luật Hồi giáo và sau đó không được sử dụng để vận chuyển lợn.
6.9.2 Lùa dẫn vật nuôi
6.9.2.1 Cần có phương tiện thích hợp để lùa dẫn vật nuôi lên và xuống xe một cách nhẹ nhàng, giảm thiểu gây áp lực, hạn chế việc gây căng thẳng cho vật nuôi.
6.9.2.2 Khi sử dụng cầu dẫn để lùa dẫn vật nuôi, cầu dẫn phải chống trơn trượt và có gờ bảo vệ an toàn, không có những chỗ sắc nhọn nhô ra có thể gây thương tích.
6.9.2.3 Chỉ được sử dụng roi điện đối với trâu bò trưởng thành trong những hoàn cảnh nhất định khi lùa dẫn nếu chúng không chịu di chuyển lên hoặc xuống xe, và chỉ dùng biện pháp này khi không áp dụng được các biện pháp khác đồng thời phía trước các con vật có chỗ trống để di chuyển. Không được lặp lại sốc điện nếu lần trước đó động vật không đáp ứng.
6.9.2.4 Người lùa dẫn phải có năng lực trong các hoạt động lùa dẫn vật nuôi.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Gulf Standard, GSO 2215:2012, Good Agricultural Practices - Part 2: Farm
[2] Gulf Standard, GSO 2216:2012, Good Agricultural Practices - Part 1: Fruit & vegetables
[3] GLOBALG.A.P, Integrated farm assurance - All Farm Base - Control points and Compliance Criteria, Version 5.4.1, 2021
[4] GLOBALG.A.P, Integrated farm assurance - Crop Base - Control points and Compliance Criteria, Version 5.4.1, 2021
[5] GLOBALG.A.P, Integrated farm assurance - Livestock Base - Control points and Compliance Critena, Version 5.2, 2019
[6] Malaysia National standard, MS 1784:2016, Good Agricultural Practice (GAP) - Crop commodities
Mục lục
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Yêu cầu chung
4.1 Lai lịch của cơ sở sản xuất và quản lý cơ sở sản xuất
4.2 Lưu trữ hồ sơ ghi chép và quá trình kiểm tra nội bộ
4.3 Vệ sinh
4.4 Sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động
4.5 Nhà thầu phụ
4.6 Quản lý chất thải và chất ô nhiễm, tái chế và tái sử dụng
4.7 Bảo vệ môi trường
4.8 Khiếu nại
4.9 Truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm
5 Yêu cầu đối với trồng trọt
5.1 Vật liệu nhân giống
5.2 Quản lý đất
5.3 Sử dụng phân bón
5.4 Quản lý nước
5.5 Quản lý dịch hại tổng hợp
5.6 Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
5.7 Thiết bị, dụng cụ
5.8 Các hoạt động trong và sau khi thu hoạch
6 Yêu cầu đối với chăn nuôi
6.1 Địa điểm
6.2 Giống vật nuôi
6.3 Định danh và truy xuất nguồn gốc vật nuôi
6.4 Nước và thức ăn chăn nuôi
6.5 Chuồng trại và phương tiện chăn nuôi
6.6 Sức khỏe vật nuôi
6.7 Thuốc thú y
6.8 Xử lý vật nuôi đã chết
6.9 Di chuyển vật nuôi
Thư mục tài liệu tham khảo
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.