TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13607-7:2024
GIỐNG CÂY NÔNG NGHIỆP - SẢN XUẤT GIỐNG - PHẦN 7: GIỐNG CÀ PHÊ
Agricultural crop varieties - Seedling production - Part 7: Coffee varieties
Lời nói đầu
TCVN 13607-7:2024 thay thế TCVN 10684-2:2018
TCVN 13607-7:2024 do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố,
Bộ tiêu chuẩn TCVN 13607 Giống cây nông nghiệp - Sản xuất giống gồm các phần sau đây:
- TCVN 13607-1:2023, Phần 1: Hạt giống lúa lai;
- TCVN 13607-2:2023, Phần 2: Hạt giống lúa thuần;
- TCVN 13607-3:2023, Phần 3: Hạt giống ngô lai;
- TCVN 13607-4:2024, Phần 4: Giống cam;
- TCVN 13607-5:2024, Phần 5: Giống bưởi;
- TCVN 13607-6:2024, Phần 6: Giống chuối;
- TCVN 13607-7:2024, Phần 7: Giống cà phê.
GIỐNG CÂY NÔNG NGHIỆP - SẢN XUẤT GIỐNG - PHẦN 7: GIỐNG CÀ PHÊ
Agricultural crop varieties - Seedling production - Part 7: Coffee varieties
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với sản xuất hạt giống, cây giống thực sinh và cây giống nhân vô tính của các giống cà phê thuộc loài cà phê vối - robusta (Coffea canephora) và cà phê chè - arabica (Coffea arabica) bằng phương pháp nhân giống vô tính (cây giống ghép, cây giống giâm cành và cây giống nuôi cấy mô) và hữu tính (cây giống thực sinh).
2 Tài liệu viện dẫn
Tiêu chuẩn này không có tài liệu viện dẫn.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Cây giống thực sinh (Seedlings)
Cây được ươm từ hạt của giống cà phê đã được cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng để trồng trực tiếp.
Cây giống thực sinh làm gốc ghép là cây được gieo ươm từ hạt giống tốt (hạt chắc, mẩy; nảy mầm tốt) của các cây bố và mẹ tốt (cà phê mít, cà phê vối) dùng làm gốc ghép.
3.2
Cây giống ghép (Graftings)
Dùng cây giống cà phê thực sinh đạt tiêu chuẩn sau đó ghép chồi của các dòng vô tính đã được công nhận lưu hành giống cây trồng, chồi được lấy từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng do cơ quan có thẩm quyền cấp.
3.3
Cây giống nuôi cấy mô (Regenerated plants)
Cây giống được nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào từ các vật liệu được lấy từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng do cơ quan có thẩm quyền cấp.
3.4
Cây giống giâm cành (Cuttings)
Cây giống được nhân từ một đoạn cành hoặc đoạn chồi (chồi vượt) của cây đầu dòng hoặc cây lấy từ vườn cây đầu dòng đã được công nhận, vật liệu được giâm trong đất hoặc môi trường thích hợp, cây phát triển đầy đủ bộ rễ, thân, lá và có thể đem trồng ngoài vườn.
3.5
Cây giống thuần thục (Mature seedlings)
Cây giống đạt chất lượng để đưa ra trồng an toàn trên đồng ruộng.
3.6
Vườn sản xuất hạt giống lai hai dòng (Bi-clonal hybrid seed garden)
<Áp dụng cho vườn sản xuất hạt giống cà phê vối>
Vườn được trồng bằng hai dòng vô tính (giống) cà phê vối, trong đó mỗi cây trong dòng vô tính đồng thời vừa là cây bố (cây cho hạt phấn hay giao tử đực) vừa là cây mẹ (cây nhận hạt phấn để thực hiện quá trình thụ tinh hình thành hợp tử và phát triển thành hạt).
CHÚ THÍCH: Hạt giống trên các cây mẹ được gọi là hạt giống lai hai dòng. Giống bố và giống mẹ của hạt giống lai hai dòng đều có thể xác định danh tính.
3.7
Vườn sản xuất hạt giống lai đa dòng (Polyclonal hybrid seed garden)
<Áp dụng cho vườn sản xuất hạt giống cà phê vối>
Vườn được trồng từ ba dòng vô tính (giống) cà phê vối trở lên, trong đó mỗi cây trong dòng đồng thời vừa là cây bố vừa là cây mẹ.
CHÚ THÍCH: Hạt giáng trên các cây mẹ được gọi là hạt giống lai đa dòng hay hạt giống lai tổng hợp. Hạt giống lai đa dòng không thể xác định được danh tính giống bố.
3.8
Hạt giống cà phê (Coffee seeds)
Bộ phận được sử dụng cho mục đích nhân giống, gồm nhân cà phê (coffee bean) và lớp vỏ trấu (parchment) bao bọc bên ngoài.
CHÚ THÍCH: Thông thường hạt có dạng bán cầu hơi thuôn, với một mặt lồi và một mặt phẳng; trên mặt phẳng có một rãnh giữa gọi là “khe hạt” (central-cut).
4 Yêu cầu kỹ thuật
4.1 Sản xuất cây giống thực sinh
4.1.1 Cơ sở hạ tầng
Đủ diện tích đất để bố trí vườn sản xuất giống; khu xử lý, sản xuất và bảo quản hạt giống; khu vực vườn ươm: gieo ươm sản xuất và huấn luyện cây giống, nhà xử lý đất, thiết bị nghiền trộn giá thể.
4.1.2 Hạt giống cà phê
4.1.2.1 Vườn sản xuất hạt giống
a) Yêu cầu về cách ly
Vườn sản xuất hạt giống cà phê chè: không cần áp dụng biện pháp cách ly.
Vườn sản xuất hạt giống cà phê vối (sản xuất hạt giống lai hai dòng hoặc sản xuất hạt giống lai đa dòng); cách ly về thời gian ra hoa để đảm bảo vườn cây nở hoa ít nhất 7 ngày trước hoặc sau các vườn cà phê vối khác ở xung quanh (trong phạm vi bán kính 300 m).
b) Yêu cầu về nguồn gốc vườn sản xuất hạt giống
Vườn sản xuất hạt giống phải có nguồn gốc rõ ràng, là những giống cà phê đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
c) Độ thuần giống
Vườn sản xuất hạt giống cà phê chè: trồng một giống duy nhất; độ thuần chủng của giống đạt 100 %.
Vườn sản xuất hạt giống lai hai dòng hoặc vườn sản xuất hạt giống lai đa dòng của cà phê vối: trồng xen kẽ theo hàng từ 2 giống tới 5 giống; độ thuần chủng của từng giống đạt 100 % (toàn bộ cây của một dòng được nhân vô tính).
d) Khử lẫn giống
Thực hiện khử lẫn giống sau 2 lần kiểm định vườn giống:
- Lần 1: vào năm thứ 2 sau trồng, Kiểm tra toàn bộ vườn giống, phát hiện và nhổ bỏ cây có đặc trưng hình thái khác biệt và trồng lại cây đúng giống tại vị trí cây bị nhổ bỏ.
- Lần 2: vào thời kỳ quả chín của năm kinh doanh thứ nhất: Kiểm tra toàn bộ vườn giống, phát hiện và nhổ bỏ cây có màu sắc quả chín khác biệt và trồng lại cây đúng giống tại vị trí cây bị nhổ bỏ.
4.1.2.2 Cây mẹ thu hạt giống
Cây mẹ thu hạt giống được chọn trong vườn sản xuất hạt giống và phải mang đặc tính, đặc trưng của giống.
Tuổi cây mẹ: từ 3 năm trở lên với cây ghép trong vườn sản xuất hạt lai cà phê vối; từ 4 năm trở lên với cây thực sinh trong vườn sản xuất hạt giống cà phê chè.
Cây không nhiễm các loại rệp chích hút thân, lá, rễ; không bị nhiễm bệnh gỉ sắt và bệnh thối nứt thân và không có triệu chứng vàng lá, thối rễ.
4.1.2.3 Tiêu chuẩn hạt giống
Tiêu chuẩn hạt giống cà phê được quy định trong Bảng 1.
Bảng 1 - Tiêu chuẩn hạt giống cà phê
Tên chỉ tiêu |
Cà phê chè |
Cà phê vối |
1. Ngoại hình |
Hạt còn nguyên vỏ thóc, vỏ màu vàng sáng hoặc trắng ngà, dạng hạt bình thường |
|
2. Tình trạng sâu bệnh |
|
|
- Mọt đục hạt, % số hạt, không lớn hơn |
0,5 |
0,5 |
- Nấm mốc, % số hạt, không lớn hơn |
0 |
0 |
3. Độ sạch, % khối lượng, không nhỏ hơn |
99,0 |
99,0 |
4. Kích thước nhân (hạt giống đã tách vỏ thóc) - Tỷ lệ nhân trên sàng số 16 (đường kính lỗ sàng Φ=6,3 mm), % khối lượng |
không nhỏ hơn 70 |
không nhỏ hơn 70 |
- Tỷ lệ nhân lọt sàng số 15 (Φ=6,0 mm), % khối lượng |
không được có |
không được có |
- Tỷ lệ nhân lọt sàng số 16 và trên sàng số 15, % khối lượng |
không lớn hơn 30 |
không lớn hơn 30 |
5. Độ ẩm, % khối lượng |
từ 20 đến 30 |
từ 25 đến 30 |
6. Tỷ lệ nảy mầm, % số hạt, không nhỏ hơn |
75 |
70 |
4.1.3 Yêu cầu về bầu ươm
4.1.3.1 Yêu cầu về giá thể
- Thành phần nguyên liệu chính làm giá thể: đất, chất độn không nhiễm vi sinh vật gây hại (nấm và tuyến trùng); phân chuồng hoai mục, phân lân.
- Hỗn hợp nguyên liệu làm giá thể được trộn đều trước khi cho vào bầu ươm. Giá thể phải đủ dinh dưỡng không nhiễm nấm (Hemileia vastatrix, Rhizoctonia solani, Fusarium spp.) và tuyển trùng (Pratylenchus sp. và Meloidogyne sp.).
4.1.3.2 Yêu cầu về quy cách bầu ươm
- Túi bầu làm bằng vật liệu phù hợp (ví dụ: túi làm từ nhựa polyetylen (PE) có độ dày từ 0,15 mm đến 0,20 mm).
- Kích thước túi bầu (trải phẳng); Chiều rộng từ 13 cm đến 15 cm, chiều dài từ 23 cm đến 25 cm.
- Túi bầu phải có các lỗ thoát nước ở nửa phía dưới thân túi, cách đáy bầu 2 cm; đường kính lỗ thoát nước từ 0,4 cm đến 0,5 cm.
- Bầu ươm phải thẳng, không nhăn nhúm hoặc bị gẫy gập. Giá thể trong bầu ươm phải tơi xốp, dung trọng nhỏ hơn 900 kg/m3.
4.1.4 Yêu cầu về vườn ươm
- Vườn ươm: gần nguồn nước, đường vận chuyển thuận tiện, đất thoát nước tốt với độ dốc < 3 %, có hệ thống giàn che và giàn tưới. Không thiết kế vườn ươm trên nền đất đã trồng cà phê già cỗi.
- Luống gieo hạt: Chiều rộng luống phù hợp để gieo ươm (tối đa 1,5 m); Chiều dài luống tùy thuộc theo thiết kế từng vườn ươm, có lối đi giữa các luống để thuận tiện cho việc chăm sóc cây con.
- Đất trong vườn ươm phải tơi xốp, dung trọng nhỏ hơn 900 kg/m3, không nhiễm vi sinh vật gây hại (nấm, tuyến trùng).
4.1.5 Yêu cầu về chăm sóc và huấn luyện cây con trong vườn ươm
Tham khảo Phụ lục A của tiêu chuẩn này.
4.1.6 Tiêu chuẩn cây con xuất vườn
Tiêu chuẩn cây con xuất vườn được quy định trong Bảng 2.
Bảng 2 - Tiêu chuẩn cây con (cây thực sinh) xuất vườn
Tên chỉ tiêu |
Yêu cầu |
1. Hình thái chung |
Sinh trưởng khỏe, không có dấu hiệu của các loại sâu bệnh hại. Phần thân từ vị trí ghép xuống gốc và cổ rễ phải thẳng |
2. Bộ lá |
Có từ 5 cặp lá thật trở lên |
3. Bộ rễ |
Một rễ cọc thẳng và phát triển tốt, có nhiều rễ tơ, không bị nhiễm sâu bệnh hại rễ (tuyến trùng, nấm thối rễ, rệp sáp) |
4. Đường kính thân |
Từ 0,3 cm trở lên đối với cà phê chè, 0,4 cm trở lên đối với cà phê vối, đo tại vị trí cách mặt bầu 1,0 cm |
5. Chiều cao cây |
Từ 25 cm trở lên đối với cà phê chè, 30 cm trở lên đối với cà phê vối, được đo từ mặt bầu tới ngọn |
4.2 Sản xuất cây giống ghép
4.2.1 Cơ sở hạ tầng
Theo quy định tại 4.1.1.
4.2.2 Bầu ươm cây
Theo quy định tại 4.1.3.
4.2.3 Chồi ghép
Chồi ghép khai thác từ vườn cây đầu dòng đã được cấp có thẩm quyền công nhận.
Chồi có chiều dài trên 7 cm, mang ít nhất một cặp lá thật bánh tẻ và một đỉnh sinh trưởng nằm trong 2 lá non chưa xòe.
4.2.4 Cây gốc ghép
Cây gốc ghép là cây giống thực sinh, đảm bảo các yêu cầu quy định tại 4.1.6.
4.2.5 Chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại
Tham khảo Phụ lục A của tiêu chuẩn này.
4.2.6 Cây giống ghép
Tiêu chuẩn cây giống ghép được quy định tại Bảng 3.
Bảng 3 - Tiêu chuẩn cây giống ghép xuất vườn
Chỉ tiêu |
Yêu cầu |
Hình thái chung |
Cây sinh trưởng khỏe, thân cây thẳng, cứng cáp, bầu nguyên vẹn. Vị trí vết ghép cách mặt bầu từ 12 cm đến 15 cm, hoặc cách 2 cặp lá thật đến 3 cặp lá thật của gốc ghép và cách cặp lá thật trên cùng 3 cm đến 4 cm. Vết ghép tiếp hợp tốt (phẳng, không bị bong, thối); vết ghép đã liền, tiếp hợp tốt và chưa được tháo băng ghép |
Bộ lá |
Phần thân ghép đã có ít nhất một cặp lá mới thành thục. Lá có kích thước và hình dạng đặc trưng của giống |
Rễ |
Phần rễ cọc từ cổ rễ tới đáy bầu phải thẳng. Rễ ngang phân bố đều quanh rễ cọc |
Đường kính thân |
Từ 0,4 cm trở lên đối với cà phê vối, từ 0,3 cm trở lên đối với cà phê chè, đo tại vị trí cách mặt bầu 1,0 cm |
Tuổi cây |
Từ 2 tháng đến 3 tháng kể từ ngày ghép; đã được huấn luyện dưới ánh sáng hoàn toàn ít nhất 10 ngày đến 15 ngày trước khi xuất vườn |
Sâu, bệnh |
Không bị nhiễm sâu bệnh hại nguy hiểm như tuyến trùng, nấm thối rễ, rệp sáp |
Tỷ lệ cây đúng giống |
100 % cây đúng giống |
4.3 Sản xuất cây giống giâm cành
4.3.1 Bể giâm cành
Bể giâm cành có thể được xây thành khung, dưới đáy bể giâm rải một lớp đá, sỏi dày từ 20 cm đến 30 cm. Có thể dùng cát, xơ dừa hoặc vỏ cà phê hoai mục làm giá thể, cần xử lý nấm và côn trùng cho giá thể định kỳ trước và sau khi giâm cành. Khung giâm cành được phủ nylon thấu quang để giữ ẩm, nhiệt độ thích hợp trong bể giâm từ 24 °C đến 28 °C.
4.3.2 Cành giâm
Cành giâm phải được lấy từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng/vườn nhân chồi được cấp có thẩm quyền công nhận, có quy trình chăm sóc phù hợp, cây sinh trưởng phát triển tốt.
Cây lấy cành giâm không được bón phân trước khi cắt cành từ 20 ngày đến 25 ngày.
Yêu cầu của cành giâm: cành vượt, đoạn cành thuần thục, chiều dài tối thiểu từ 4 cm đến 5 cm.
4.3.3 Phương pháp giâm cành
Chọn cành thuần thục, đoạn cành thuần thục vỏ còn xanh, không quá non hay quá già (vỏ đã hóa nâu); chiều dài cành giâm tối thiểu 4 cm, cắt tỉa bớt lá cành giâm để tránh thất thoát nước.
Vát cành giâm với vết vát dài tối thiểu 2 cm, sau đó cắm vào bể giâm. Khoảng cách cành giâm thích hợp là 2 cm x 10 cm, dùng màng nylon thấu quang che bể giâm để tránh thất thoát nước. Chiều cao bể giâm tối thiểu là 0,5 m.
4.3.4 Chăm sóc cây giâm cành
Trong 2 tuần đầu sau khi giâm cành, dùng các vật liệu che phủ đạt từ 75 % đến 80 % ánh sáng trên khung giâm cành, sau đó điều chỉnh dần và cố định khoảng 40 % ánh sáng. Khung giâm cành cần được tưới nước mỗi ngày từ 2 lần đến 3 lần trong 2 tuần đầu để giữ ẩm và sau đó giảm dần. Thường xuyên kiểm tra và loại bỏ các cành giâm bị chết nhằm tránh lây nhiễm mầm bệnh.
4.3.5 Huấn luyện cây con ra ngôi trong vườn ươm
4.3.5.1 Bầu ươm cây
Theo quy định tại 4.1.3.
4.3.5.2 Huấn luyện
Sau từ 2,5 đến 3 tháng giâm cành, khi cành giâm đã ra rễ và mọc chồi, cành được cấy chuyền vào bầu ươm và được phủ kín bằng màng nylon thấu quang trong khoảng 3 đến 4 tuần; sau đó tháo dỡ lớp màng phủ và tiếp tục chăm sóc đến khi cây đạt từ 3 đến 4 cặp lá có thể mang đi trồng.
4.3.6 Tiêu chuẩn cây con xuất vườn
Cây có bộ rễ phát triển tốt và có 1 rễ thẳng, nhiều rễ tơ, không bị bệnh thối rễ; có từ 3 cặp lá thuần thục trở lên, chiều cao cây lớn hơn 20 cm.
4.4 Sản xuất cây giống nuôi cấy mô
4.4.1 Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị
Có đầy đủ phòng đạt tiêu chuẩn về nuôi cấy mô (phòng chuẩn bị môi trường; phòng cấy và phòng nuôi sau cấy, phòng huấn luyện cây...).
Có các thiết bị phục vụ nuôi cấy mô (buồng cấy, nồi hấp, máy đo pH, cân điện tử, giàn nuôi cấy, tủ bảo quản hóa chất chuyên dụng, máy sấy, hóa chất); hệ thống Bioreactor.
Có vườn ươm có mái che mưa và điều chỉnh được ánh sáng.
Giá thể và bầu ươm cây nuôi cấy mô theo quy định tại 4.1.3.
4.4.2 Vật liệu nuôi cấy mô
Lựa chọn lá không bị sâu bệnh, dạng bánh tẻ (lá thứ 2 và thứ 3 từ ngọn). Sử dụng dao đã khử trùng cắt lá được lựa chọn (cách cành từ 0,5 cm đến 1,0 cm), thời gian thực hiện từ 8 giờ đến 10 giờ sáng.
4.4.3 Kỹ thuật nhân giống nuôi cấy mô
4.4.3.1 Giai đoạn nhân vitro
Giai đoạn nhân vitro gồm các bước sau:
- Lấy mẫu lá;
- Tạo mẫu sạch trong phòng (01 tháng);
- Tạo mô sẹo (callus) (04 tháng);
- Tăng sinh mô sẹo (02 tháng);
- Tái sinh phôi từ mô sẹo (03 tháng);
- Tạo phôi có lá mầm (02 tháng);
- Tạo cây hoàn chỉnh (phát sinh cặp lá thật, ra rễ).
4.4.3.2 Giai đoạn nuôi cây trong vườn ươm
Khi cây trong phòng ở giai đoạn phát triển hoàn chỉnh (phát sinh cặp lá thật, ra rễ) được đưa ra huấn luyện trong vườn ươm bằng cách cấy vào bầu ươm.
Chăm sóc và huấn luyện cây con trong vườn ươm: tham khảo Phụ lục A của tiêu chuẩn này.
4.4.4 Quản lý sâu bệnh hại
- Bệnh lở cổ rễ (do nấm Rhizoctonia solani gây hại): không tưới quá ẩm, ngừng tưới thúc phân khi có bệnh; kiểm tra nhổ bỏ và đốt cây bệnh nặng; phun thuốc đặc trị có trong danh mục thuốc cho phép sử dụng.
- Bệnh vàng lá, thối rễ (do nấm Fusarium spp. kết hợp tuyến trùng Pratylenchus sp. và Meloidogyne sp. gây hại): sử dụng các loại chế phẩm sinh học, nấm đối kháng tưới hoặc phun định kỳ 02 tháng một lần để phòng bệnh. Khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh ở mức nhẹ, sử dụng thuốc hóa học có trong danh mục cho phép sử dụng để xử lý tuyến trùng kết hợp xử lý các loại chế phẩm sinh học định kỳ cho đến khi cây con xuất vườn.
4.4.5 Tiêu chuẩn cây xuất vườn
Cây xuất vườn phải đạt các yêu cầu sau đây:
- Cây giống sinh trưởng khỏe, lá có màu xanh tự nhiên, phát triển bình thường;
- Thân thẳng, không bị dị dạng, không sâu bệnh;
- Tuổi cây: từ 6 tháng đến 8 tháng (trong vườn ươm);
- Chiều cao thân kể từ mặt bầu: từ 20 cm đến 25 cm;
- Số cặp lá thuần thục: lớn hơn 6 cặp;
- Đường kính gốc: lớn hơn 3 mm, có một rễ cọc mọc thẳng, không bị bệnh thối rễ;
- Tỷ lệ đúng giống 100 %.
5 Phương pháp đánh giá chất lượng cây giống
Đánh giá chất lượng cây giống theo quy định hiện hành đối với chất lượng vật liệu nhân giống cà phê.
6 Lưu giữ hồ sơ và truy xuất nguồn gốc
Lưu giữ hồ sơ theo quy định và thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quy định hiện hành.
Phụ lục A
(tham khảo)
Chăm sóc và huấn luyện cây con trong vườn ươm
A.1 Tưới nước
Lượng nước và thời gian tưới như sau:
Tháng sau khi ươm |
Giai đoạn sinh trưởng của cây con |
Chu kỳ (ngày) |
Lượng nước tưới (lít/m2/lần) |
Tháng thứ nhất |
Cây con mới cắm vào bầu |
Từ 1 đến 2 |
6 |
Tháng thứ hai |
Lá sò |
Từ 2 đến 3 |
9 |
Tháng thứ 3 đến tháng thứ 4 |
Có từ 1 cặp lá đến 3 cặp lá thật |
Từ 3 đến 4 |
Từ 12 đến 15 |
Tháng thứ 5 đến tháng thứ 6 |
Có 4 cặp lá thật trở lên |
Từ 4 đến 5 |
Từ 18 đến 20 |
Nếu tưới phun mưa, lượng nước mỗi lần từ 100 x 103 lít/ha đến 150 x 103 lít/ha khi cây có 1 đến 3 cặp lá thật, 200 x 103 lít/ha đến 240 x 103 lít/ha khi cây có 4 cặp lá thật trở lên.
A.2 Bón phân
Khi cây con có cặp lá thật thứ nhất, bắt đầu tưới thúc các loại phân như sau:
- Phân vô cơ: N-K (tỷ lệ nguyên chất 2:1), tùy theo tuổi cây để xác định lượng phân vô cơ phù hợp; chu kỳ tưới từ 15 ngày/lần đến 20 ngày/lần (chú ý: tưới lại bằng nước sạch sau mỗi lần bón phân).
- Phân bón lá: ngoài việc tưới thúc phân hóa học, có thể cung cấp thêm phân bón qua lá cho cây con.
A.3 Điều chỉnh ánh sáng
Điều chỉnh lượng ánh sáng tự nhiên đi qua giàn che ở các thời kỳ sinh trưởng của cây con như sau:
- Từ 20 % đến 30 %: giai đoạn từ khi cấy cây lá sò tới khi có 1 cặp lá thật;
- Từ 40 % đến 60 %: giai đoạn cây có từ 2 cặp lá đến 4 cặp lá thật;
- Từ 80 % đến 100 %: giai đoạn cấy trên 4 cặp lá thật.
A.4 Đảo bầu giãn cây, phá váng
Cây được từ 3 cặp lá đến 4 cặp lá tiến hành đảo bầu và phân loại cây con, trong quá trình phân loại kết hợp nhổ cỏ, bóp nhẹ mặt bầu để phá váng.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Tiêu chí vườn ươm, tiêu chuẩn cây giống, quy trình chứng nhận vườn ươm cà phê áp dụng cho dự án VnSAT (ban hành kèm theo Quyết định số 4510/QĐ-BNN-TT ngày 01/11/2016).
[2] Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2016). Quy trình tái canh cà phê vối (ban hành kèm theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31 tháng 5 năm 2016)
[3] Nguyễn Văn Thường, Trần Thị Hoàng Anh và ctv (2016). Quy trình nhân giống cà phê invitro bằng công nghệ Bioreactor, Báo cáo Tổng kết đề tài KC-06: Xây dựng hệ thống nhân giống cà phê chè bằng công nghệ Bioreactor.
Mục lục
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Yêu cầu kỹ thuật
4.1 Sản xuất cây giống thực sinh
4.1.1 Cơ sở hạ tầng
4.1.2 Hạt giống cà phê
4.1.3 Yêu cầu về bầu ươm
4.1.4 Yêu cầu về vườn ươm
4.1.5 Yêu cầu về chăm sóc và huấn luyện cây con trong vườn ươm
4.1.6 Tiêu chuẩn cây con xuất vườn
4.2 Sản xuất cây giống ghép
4.2.1 Cơ sở hạ tầng
4.2.2 Bầu ươm cây
4.2.3 Chồi ghép
4.2.4 Cây gốc ghép
4.2.5 Chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại
4.2.6 Cây giống ghép
4.3 Sản xuất cây giống giâm cành
4.3.1 Bể giâm cành
4.3.2 Cành giâm
4.3.3 Phương pháp giâm cành
4.3.4 Chăm sóc cây giâm cành
4.3.5 Huấn luyện cây con ra ngôi trong vườn ươm
4.3.6 Tiêu chuẩn cây con xuất vườn
4.4 Sản xuất cây giống nuôi cấy mô
4.4.1 Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị
4.4.2 Vật liệu nuôi cấy mô
4.4.3 Kỹ thuật nhân giống nuôi cấy mô
4.4.4 Quản lý sâu bệnh hại
4.4.5 Tiêu chuẩn cây xuất vườn
5 Phương pháp đánh giá chất lượng cây giống
6 Lưu giữ hồ sơ và truy xuất nguồn gốc
Phụ lục A (tham khảo) Chăm sóc và huấn luyện cây con trong vườn ươm
Thư mục tài liệu tham khảo
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.