TCVN
13083-2:2020
IEC TS 61724-2:2016
TÍNH NĂNG CỦA HỆ THỐNG QUANG ĐIỆN -
PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ CÔNG SUẤT
Photovoltaic system performance - Part 2: Capacity evaluation method
Mục lục
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Phạm vi thử nghiệm, chu trình và khoảng thời gian thử nghiệm
4 Thiết bị và phép đo
6 Quy trình
7 Lập tài liệu quy trình thử nghiệm
8 Báo cáo thử nghiệm
Phụ lục A (tham khảo) - Ví dụ về mô hình dùng để tính toán nhiệt độ môđun
Phụ lục B (tham khảo) - Ví dụ về mô hình công suất hệ thống
Phụ lục C (tham khảo) - Hướng không nhất quán của dàn quang điện
Thư mục tài liệu tham khảo
Lời nói đầu
TCVN 13083-2:2020 hoàn toàn tương đương với IEC TS 61724-2:2016;
TCVN 13083-2:2020 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC/E13 Năng lượng tái tạo biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 13083 (IEC 61724), Tính năng của hệ thống quang điện, gồm các phần sau:
- TCVN 13083-1:2020 (IEC 61724-1:2017), Phần 1: Theo dõi
- TCVN 13083-2:2020 (IEC TS 61724-2:2016), Phần 2: Phương pháp đánh giá công suất
- TCVN 13083-3:2020 (IEC TS 61724-3:2016), Phần 3: Phương pháp đánh giá năng lượng
Lời giới thiệu
Tính năng của một hệ thống quang điện (PV) phụ thuộc vào thời tiết, các ảnh hưởng theo mùa, và các vấn đề mang tính gián đoạn khác, vì vậy phép đo tính năng của một hệ thống pv sẽ có các kết quả khác nhau. TCVN 11855-1 (IEC 62446-1), Hệ thống quang điện (PV) - Yêu cầu thử nghiệm, tài liệu và bảo trì - Phần 1: Hệ thống nối lưới - Tài liệu, thử nghiệm nghiệm thu và kiểm tra, mô tả một quy trình để bảo đảm rằng nhà máy được xây dựng đúng, nhưng không nhằm kiểm tra xác nhận rằng đầu ra của nhà máy là đáp ứng các quy định kỹ thuật thiết kế. TCVN 13083-1 (IEC 61724-1), Tính năng của hệ thống quang điện - Phần 1: Theo dõi, xác định các dữ liệu tính năng có thể thu thập được, nhưng không xác định cách phân tích các dữ liệu này so với tính năng dự kiến. ASTM E2848-13, Phương pháp thử nghiệm tiêu chuẩn để báo cáo về tính năng của hệ thống quang điện không hội tụ mô tả một phương pháp xác định công suất của một hệ thống quang điện theo phương pháp hồi quy. TCVN 13083-3 (IEC TS 61724-3), Tính năng của hệ thống quang điện - Phần 3: Phương pháp đánh giá năng lượng mô tả thử nghiệm trong một năm đề đánh giá tính năng cho toàn bộ dải các điều kiện vận hành và là phương pháp được ưu tiên khi đánh giá tính năng của hệ thống. Tuy nhiên, tính năng nhà máy cũng cần được định lượng bằng một thử nghiệm ngắn hơn, kể cả có thể có mức độ không đảm bảo cao hơn khi thực hiện thử nghiệm này. Tiêu chuẩn này được thiết kế để hoàn chỉnh việc đánh giá trong thời gian ngắn cùng với TCVN 13083-3 (IEC TS 61724-3). Là một thử nghiệm công suất, thử nghiệm này đo công suất (không phải năng lượng) tại một tập hợp các điều kiện chuẩn quy định (có thể khác so với các điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn được thiết kế để thực hiện các phép đo trong nhà). Phương pháp trong tiêu chuẩn này là phương pháp không hồi quy để xác định công suất.
Phương pháp này sử dụng các tham số thiết kế của nhà máy để định lượng một hệ số hiệu chỉnh nhằm so sánh tính năng đo được của nhà máy với tính năng mục tiêu trong các điều kiện chuẩn. Nói cách khác, tính năng đo được sau khi được hiệu chỉnh theo hệ số hiệu chỉnh được so sánh với tính năng mục tiêu của nhà máy để xác định xem liệu nhà máy đang hoạt động trên hay dưới mức kỳ vọng tại các điều kiện chuẩn mục tiêu.
Nhiều khía cạnh về chất lượng của hệ thống PV phụ thuộc vào cả thời tiết và chất lượng hệ thống, vì vậy cần có sự hiểu biết rõ về hệ thống cần thử nghiệm. Ví dụ, nhiệt độ môđun là một hàm của bức xạ, nhiệt độ môi trường xung quanh và tốc độ gió, đây đều là các yếu tố thời tiết khó có thể mô phỏng một cách chính xác. Tuy nhiên, cấu hình lắp môđun cũng ảnh hưởng đến nhiệt độ môđun, và khung lắp cũng là một khía cạnh của hệ thống cần thử nghiệm. Tiêu chuẩn này đưa ra một quy trình thử nghiệm và làm rõ việc lựa chọn phép đo có thể tác động như thế nào đến kết quả thử nghiệm, để người sử dụng có thể hưởng lợi từ thiết kế thử nghiệm tinh gọn này với các định nghĩa thống nhất, trong khi vẫn cho phép tính linh hoạt khi áp dụng thử nghiệm để phù hợp với nhiều hệ thống lắp đặt riêng nhất có thể.
Lưu ý rằng khi công suất ra của một hệ thống PV vượt quá khả năng của bộ nghịch lưu thì công suất của hệ thống được xác định bằng sự vận hành của bộ nghịch lưu thay vì môđun PV. Trong trường hợp này, phép đo công suất của nhà máy để phát điện trở nên phức tạp do cần phải phân biệt các trường hợp mà bộ nghịch lưu đã bão hòa và khi nào công suất ra của hệ thống PV phản ánh tính năng của môđun. Đối với các nhà máy PV có tỷ số điện một chiều - xoay chiều cao, hoạt động của nhà máy có thể phản ánh công suất của bộ nghịch lưu chủ yếu vào ban ngày, với công suất của dàn một chiều chỉ có thể đo được trong thời gian ngắn vào buổi sáng và buổi tối. Trong trường hợp này, có thể cần phải ngắt kết nối các phần của dàn một chiều để giảm tỷ số điện một chiều - xoay chiều trong thời gian đo.
Tiêu chuẩn này được áp dụng vào thời điểm khi hệ thống đã hoàn toàn khả dụng.
Các phương pháp được trình bày trong tiêu chuẩn này có thể được sử dụng thay cho ASTM E2848-13 để xác định tính năng của hệ thống PV.
TÍNH NĂNG CỦA
HỆ THỐNG QUANG ĐIỆN -
PHẦN
2: PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ CÔNG SUẤT
Photovoltaic system performance - Part 2: Capacity evaluation method
Tiêu chuẩn này đưa ra quy trình để đo và phân tích sản lượng công suất của một hệ thống quang điện (PV) cụ thể nhằm đánh giá chất lượng tính năng của hệ thống PV. Thử nghiệm này dự kiến được thực hiện trong một khoảng thời gian tương đối ngắn (vài ngày nắng ở mức tương đối).
Trong quy trình này, công suất phát ra thực tế của hệ thống quang điện được đo và so sánh với công suất dự kiến trong thời tiết được quan sát dựa trên các tham số thiết kế của hệ thống. Công suất dự kiến trong các điều kiện chuẩn và điều kiện đo thường được suy ra từ các tham số thiết kế, các tham số này đã được sử dụng để suy ra tính năng mục tiêu cho nhà máy như đã thỏa thuận trước khi bắt đầu thử nghiệm. Đối với các trường hợp không lập mô hình công suất trong giai đoạn thiết kế nhà máy, có thể sử dụng mô hình đơn giản để tăng sự rõ ràng như được trình bày trong các phụ lục.
Mục đích của tiêu chuẩn này nhằm xác định rõ một quy trình khung để so sánh công suất phát ra đo được so với công suất dự kiến của một hệ thống PV trong những ngày tương đối nắng. Quy trình thử nghiệm này nhằm áp dụng cho các hệ thống quang điện nối lưới trong đó có ít nhất một bộ nghịch lưu và phần cứng đi kèm.
Tính năng của hệ thống được định lượng trong thời gian bộ nghịch lưu bám theo điểm công suất lớn nhất và trong thời gian khi công suất hệ thống bị giới hạn bởi khả năng của bộ nghịch lưu hoặc giới hạn kết nối, giảm công suất hệ thống tương ứng với công suất khi có bộ nghịch lưu phát điện tự do theo cường độ bức xạ, nếu điều kiện này có liên quan.
Quy trình này có thể áp dụng cho hệ thống PV bất kỳ, kể cả hệ thống quang điện hội tụ, sử dụng bức xạ (trực tiếp hoặc tổng xạ) liên quan đến tính năng của hệ thống.
Quy trình thử nghiệm này được thiết kế và biên soạn với mục tiêu chính là tạo thuận lợi để lập tài liệu mục tiêu tính năng, nhưng cũng có thể được sử dụng để kiểm tra xác nhận cho một mô hình, bám theo tính năng (ví dụ sự suy giảm) của một hệ thống trong nhiều năm, hoặc để lập tài liệu chất lượng hệ thống cho các mục đích khác. Không có thuật ngữ tổng quát hóa cho tất cả các trường hợp này, nhưng mục đích là tạo ra một phương pháp luận có thể được sử dụng khi muốn kiểm tra xác nhận tính năng hệ thống ở điều kiện chuẩn cụ thể được chọn là điều kiện quan sát thường xuyên. Có thể thực hiện việc đánh giá hoàn chỉnh hơn về tính năng nhà máy sử dụng TCVN 13083-3 (IEC TS 61724-3).
Các tài liệu viện dẫn dưới đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu có ghi năm công bố, chỉ áp dụng các bản được nêu. Đối với các tài liệu không ghi năm công bố, áp dụng bản mới nhất (kể cả các sửa đổi).
TCVN 9595-1 (ISO/IEC Guide 98-1), Độ không đảm bảo đo - Phần 1: Giới thiệu về trình bày độ không đảm bảo đo
TCVN 13083-1 (IEC 61724-1), Tính năng của hệ thống quang điện - Phần 1: Theo dõi
IEC TS 61836, Solar photovoltaic energy systems - Terms, definitions and symbols (Hệ thống năng lượng quang điện mặt trời - Thuật ngữ, định nghĩa và ký hiệu)
ASME, Performance Test Code 19.1 (Bộ quy tắc thử nghiệm tính năng 19.1)
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1), IEC TS 61836, ASME, Bộ quy tắc thử nghiệm tính năng 19.1) và các thuật ngữ và định nghĩa dưới đây.
3.1
Vận hành bị hạn chế (constrained operation)
Vận hành của một nhà máy trong điều kiện khi tất cả các bộ nghịch lưu bị giới hạn bởi khả năng của bộ nghịch lưu (còn được gọi là bão hòa bộ nghịch lưu) mà không phải bởi đầu ra từ dàn PV, như được quan sát đối với hệ thống có thông số đặc trưng một chiều cao hơn so với thông số đặc trưng xoay chiều và khi cường độ bức xạ cao.
3.2
Hệ số hiệu chỉnh (correction factor)
Tỷ số giữa công suất dự kiến trong các điều kiện chuẩn và công suất dự kiến trong các điều kiện đo.
3.3
Vận hành bị cắt giảm (curtailed operation)
Công suất ra của (các) bộ nghịch lưu bị giới hạn vì các lý do bên ngoài như lưới điện địa phương không thể tiếp nhận điện hoặc thỏa thuận hợp đồng.
3.4
Công suất dự kiến (expected power)
Sự phát công suất của một hệ thống PV được dự kiến đối với các dữ liệu thời tiết thực thu thập được tại hiện trường trong khi vận hành hệ thống dựa trên các tham số thiết kế của hệ thống.
3.5
Công suất đo được (measured power)
Công suất điện được phát ra từ hệ thống PV.
CHÚ THÍCH 1: Xem thêm 3.14 để xác định vị trí đo.
3.6
Mô hình (model)
Mô hình mô phỏng được sử dụng để tính toán sự phát điện PV dự đoán hoặc dự kiến dựa trên các tham số thiết kế của hệ thống.
3.7
Các bên tham gia thử nghiệm (parties to the test)
Cá nhân hoặc công ty áp dụng thử nghiệm.
CHÚ THÍCH 1: Thông thường, các bên tham gia này có thể là người sử dụng PV và đơn vị lắp đặt PV, với phương pháp thử nghiệm được áp dụng để xác định việc hoàn thành một hợp đồng, nhưng phương pháp thử nghiệm này có thể được áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau và các bên tham gia thử nghiệm trong một số trường hợp có thể là một cá nhân hoặc công ty.
3.8
Mục tiêu tính năng (performance target)
Sự phát công suất dự kiến từ một hệ thống PV trong các điều kiện chuẩn dựa trên các tham số thiết kế của hệ thống.
3.9
Mặt phẳng của dàn (plane of array)
POA
Mặt phẳng vật lý trong đó các môđun được triển khai theo hướng của hệ thống cần thử nghiệm.
3.10
Vận hành hệ thống (system operation)
Các thuộc tính về tính năng hệ thống có thể được truy nguyên đến chất lượng của các hoạt động và dịch vụ bảo trì được cung cấp.
CHÚ THÍCH 1: Ví dụ, mức độ khả dụng thấp của hệ thống có thể là do phản hồi chậm với đánh thủng.
CHÚ THÍCH 2: Nếu các thực thể khác nhau chịu trách nhiệm về việc lắp đặt và vận hành, thì sẽ hữu ích khi phân biệt giữa các khía cạnh của tính năng được truy nguyên đến lắp đặt ban đầu và các khía cạnh được truy nguyên đến vận hành.
3.11
Chất lượng hệ thống (system quality)
Các thuộc tính về tính năng hệ thống có thể truy nguyên đến chất lượng của thiết kế hệ thống, chất lượng của các thành phần hệ thống và chất lượng của việc lắp đặt.
CHÚ THÍCH 1: Nhìn chung, đơn vị lắp đặt chịu trách nhiệm đối với chất lượng hệ thống.
3.12
Công suất mục tiêu (target power)
Sự phát công suất dự kiến từ một hệ thống PV ở điều kiện chuẩn mục tiêu (TRC) dựa trên các tham số thiết kế của hệ thống.
3.13
Điều kiện chuẩn mục tiêu (target reference conditions)
TRC
Điều kiện chuẩn tại đó công suất dự kiến là công suất mục tiêu, bao gồm cường độ bức xạ, nhiệt độ môi trường xung quanh, gió và tham số bất kỳ khác được sử dụng để xác định tính năng mục tiêu.
CHÚ THÍCH 1: Xem 6.1.3.
3.14
Ranh giới thử nghiệm (test boundary)
Sự phân chia vật lý giữa phần được xem là phần của hệ thống cần thử nghiệm và phần nằm ngoài hệ thống đó.
CHÚ THÍCH 1: Bên cạnh việc xác định các ranh giới vật lý và công tơ điện nào đo đếm sản lượng điện, việc xác định ranh giới thử nghiệm bao gồm vị trí, loại, cấp chính xác của tát cả các thiết bị đo.
CHÚ THÍCH 2: Để tạo thuận lợi cho mô tả phương pháp thử nghiệm, tiêu chuẩn này xác định một ranh giới thử nghiệm mặc định. Nhiệt độ môi trường xung quanh và tốc độ gió nằm ngoài ranh giới thử nghiệm mặc định này. Khi tiêu chuẩn này được áp dụng sử dụng các phép đo cấp A (độ chính xác cao) như được xác định trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1), bị bẩn nằm trong ranh giới thử nghiệm mặc định, nhất quán với yêu cầu cấp A của TCVN 13083-1 (IEC 61724-1) rằng các cảm biến được làm sạch, đo cường độ bức xạ mà không bị ảnh hưởng do bị bẩn. Khi tiêu chuẩn này được áp dụng sử dụng các phép đo cấp B (độ chính xác trung bình) như được xác định trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1), bị bẩn nằm ngoài ranh giới thử nghiệm mặc định và dự kiến rằng các cảm biến sẽ không sạch, cho phép xem bẩn là một phần của thời tiết. Sự căn chỉnh dán PV nằm trong ranh giới thử nghiệm khi xác nhận sự căn chỉnh của mặt phẳng mặt phẳng cảm biến dàn. Các bên tham gia thử nghiệm có thể xác định ranh giới thử nghiệm mà họ muốn, ranh giới thử nghiệm mặc định chỉ được xác định như một công cụ để làm rõ việc áp dụng phương pháp thử nghiệm nêu ở đây và như một ví dụ về cách xác định ranh giới thử nghiệm. Tuy nhiên, nếu mục đích của việc áp dụng thử nghiệm là đo tỷ lệ suy giảm trên các hệ thống nhỏ thì nên đo nhiệt độ môđun tại các vị trí nhát quán trên môđun.
3.15
Vận hành không bị hạn chế (unconstrained operation)
Công suất ra của tất cả các bộ nghịch lưu không phụ thuộc vào công suất của dàn một chiều khi phản ứng với ánh nắng mặt trời mà không bị giới hạn bởi công suất của bộ nghịch lưu hoặc các ảnh hưởng cắt giảm.
3.16
Bám theo điểm công suất lớn nhất (maximum-power-point tracking)
Bộ nghịch lưu tối đa hóa một cách chính xác công suất ra của dàn một chiều.
4 Phạm vi thử nghiệm, chu trình và khoảng thời gian thử nghiệm
Thử nghiệm này có thể áp dụng ở một trong nhiều cấp độ chi tiết của một nhà máy PV. Người sử dụng thử nghiệm cằn thống nhất (các) mức áp dụng thử nghiệm. Mức nhỏ nhất có thể thực hiện thử nghiệm là mức nhỏ nhất của cụm phát điện xoay chiều có khả năng vận hành trên lưới độc lập.
Khi việc xây dựng nhà máy PV được chia thành các giai đoạn, khuyến cáo rằng thử nghiệm cần được áp dụng ở mức cao nhất, bao gồm toàn bộ dự án PV. Tuy nhiên, thử nghiệm có thể được áp dụng cho các cụm nhỏ của nhà máy khi chúng trở nên khả dụng để kết nối. Nếu mong muốn, sau khi hoàn thiện toàn bộ nhà máy, có thể thực hiện thử nghiệm lại bao gồm toàn bộ nhà máy, có tính đến sự suy giảm dự kiến theo mô hình được các bên tham gia thử nghiệm chấp nhận, và các mức độ bẩn nếu không thể làm sạch toàn bộ dàn trước khi thử nghiệm. Trong tất cả các trường hợp, ranh giới hệ thống và ranh giới thử nghiệm phải được xác định rõ ràng.
Một số môđun PV có sự thay đổi tính năng có thể đo được trong vòng hàng giờ hoặc hàng ngày khi lắp đặt tại hiện trường: một số khác thì không. Khoảng thời gian thử nghiệm phải được thỏa thuận giữa các bên theo hướng dẫn của nhà chế tạo về số ngày phơi nắng hoặc phơi bức xạ cần thiết để nhà máy đạt được tính năng mục tiêu cùng với các mô tả chi tiết về ngày lắp đặt và kết nối thực tế. Các giả định về trạng thái giả ổn định bất kỳ (sự thay đổi về hiệu suất môđun phụ thuộc vào các điều kiện làm việc trước đó) và sự suy giảm (bao gồm các giả định với hằng số thời gian ngắn và dài) cần được thỏa thuận bởi tất cả các bên và lập tài liệu như một phần trong bản mô tả mục tiêu.
CHÚ THÍCH 1: Các môđun mới lắp đặt có thể bị suy giảm cảm ứng ánh sáng (LID), một hiệu ứng quá độ làm suy giảm hiệu suất chuyển đổi quang điện của các môđun khi bị phơi sáng.
CHÚ THÍCH 2: Hiệu suất của một số môđun có thể thay đổi theo năm tùy thuộc vào lịch sử bức xạ và nhiệt độ do trạng thái giả ổn định.
Khuyến cáo rằng thử nghiệm nên bao gồm dữ liệu từ ít nhất hai ngày nếu thu được dữ liệu đủ ổn định. Thử nghiệm có thể được kéo dài bảy ngày hoặc dài hơn nếu muốn đánh giá độ lặp lại hoặc nếu thời tiết không ổn định. Tiêu chí lọc để lựa chọn các khoảng thời gian tương đối ổn định được trình bày trong Điều 6.
Thử nghiệm có thể được hoàn thiện vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, mặc dù độ lệch so với các điều kiện chuẩn và các ảnh hưởng của góc tới khác nhau có thể làm tăng độ không đảm bảo đo vào một số thời điểm trong năm.
Tất cả các bên tham gia thử nghiệm cần thống nhất một quy trình thử nghiệm chi tiết trước khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm như được nêu trong Điều 5 và Điều 6.
Thiết bị và quy trình đo đối với tất cả các tham số được đo được khuyến cáo phù hợp với các yêu cầu cấp A trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1). Tuy nhiên, đánh giá theo cấp B hoặc cấp C cũng có thể được hoàn thiện và được lập tài liệu trong báo cáo cuối cùng.
Sử dụng ranh giới thử nghiệm mặc định, thời tiết được đặc trưng bởi:
• cường độ bức xạ trên mặt phẳng dàn (tổng xạ đối với hệ thống tấm phẳng và trực tiếp đối với hệ thống hội tụ; đối với các hệ thống có nhiều hướng, xem Phụ lục C);
• nhiệt độ môi trường xung quanh;
• tốc độ gió.
Nếu yêu cầu thêm các đặc điểm của thời tiết để thực hiện mô hình đã đồng ý thì các dữ liệu này phải được thu thập một cách nhất quán với tính năng mục tiêu và được lập tài liệu trong quy trình thử nghiệm chi tiết.
Công suất ra của hệ thống được đặc trưng bởi:
• công suất xoay chiều thực phát lên lưới hoặc tải tại ranh giới hệ thống/ranh giới thử nghiệm;
• công suất xoay chiều phản kháng hoặc hệ số công suất nếu công suất thực phụ thuộc vào các thay đổi của hệ số công suất;
• tình trạng bộ nghịch lưu (bộ nghịch lưu bám theo công suất lớn nhất hay bộ nghịch lưu vận hành ở chế độ bị hạn chế, bị giới hạn bởi công suất ra của nó).
Việc xác định công suất xoay chiều, bao gồm điểm đo (ví dụ như tại công tơ điện của công ty điện lực tại điểm kết nối) được lập tài liệu như một phần trong định nghĩa “ranh giới thử nghiệm” (3.14). Nếu có các tải ký sinh nằm ngoài ranh giới hệ thống (ví dụ như hệ thống bám) thì hợp đồng hoặc thử nghiệm cần xác định có thực hiện các điều chỉnh đối với các tải này hay không, nếu có, phải nêu đặc điểm của các điều chỉnh này.
Tất cả các mô tả chi tiết về thu thập dữ liệu (bao gồm số lượng cảm biến, hiệu chuẩn, vị trí lắp đặt, và làm sạch) phải theo TCVN 13083-1 (IEC 61724-1) theo cấp đo đã chọn ngoại trừ như dưới đây.
• Loại cảm biến và vị trí cảm biến phải nhất quán với mô hình tính năng công suất được sử dụng để thử nghiệm (có thể khác so với mô hình tính năng năng lượng), cảm biến nhiệt độ cần đo nhiệt độ môi trường xung quanh để tính đến các ảnh hưởng của việc lắp môđun. Tuy nhiên, lập mô hình nhiệt độ môđun có thể thay đổi hàng ngày do sự biến đổi nhiệt độ bầu trời và các điều kiện khác, làm tăng độ không đảm bảo đo, và thúc đẩy việc sử dụng nhiệt độ môđun nếu được xem xét để có độ tái lập tốt hơn. Nếu cần đo nhiệt độ môđun thì vị trí đo phải được các bên tham gia thử nghiệm thống nhất trước.
CHÚ THÍCH: Thông thường, độ không đảm bảo đo cuối cùng bị chi phối bởi độ không đảm bảo đo của phép đo cường độ bức xạ, vì thế cần có các cảm biến có độ chính xác cao.
• Ghi lại thời gian kiểm tra bằng mắt và làm sạch bằng tay các cảm biến bức xạ trong quá trình thử nghiệm.
• (Các) cảm biến bức xạ được lắp trên mặt phẳng dàn với độ chính xác căn chỉnh như được quy định theo cấp A, B, hoặc C trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1). Trường hợp các dàn có môđun không nằm trên cùng mặt phẳng, xem Phụ lục C.
• Khi các cảm biến bức xạ được triển khai trên một mặt phẳng nghiêng, suất phản chiếu mặt đất đối với khu vực gần cảm biến cần đại diện cho suất phản chiếu mặt đất trên toàn bộ dàn. Các bất thường trong suất phản chiếu mặt đất phải được thảo luận khi phân tích độ không đảm bảo đo của thử nghiệm.
• Đối với các thử nghiệm cấp A, vì phép đo cường độ bức xạ là rất quan trọng trong thử nghiệm, nên việc hiệu chuẩn cần được kiểm tra xác nhận độc lập bằng cách sử dụng cảm biến đã được hiệu chuẩn tại các vị trí thử nghiệm khác nhau hoặc vào các thời điểm khác nhau để tránh trệch có hệ thống trong hiệu chuẩn.
• Dữ liệu phải được lọc để nhận dạng thời gian vận hành ổn định dưới ánh sáng mặt trời đầy đủ như mô tả ở Điều 6.
• Dữ liệu được thu thập cho cả vận hành “không bị hạn chế” và “bị hạn chế”, nếu liên quan. Tất cả các khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi mất điện lưới hoặc các tình trạng bất thường khác cần được loại ra khỏi việc phân tích.
6.1 Lập tài liệu các mục tiêu tính năng trong vận hành “không bị hạn chế” và “bị hạn chế”
6.1.1 Quy định chung
Công suất ra dự kiến và các điều kiện chuẩn kết hợp phải được xác định cho cả vận hành “không bị hạn chế” và vận hành “bị hạn chế”, nếu liên quan, như được mô tả ở các điều từ 6.1.2 đến 6.1.8.
6.1.2 Xác định ranh giới thử nghiệm phù hợp với ranh giới hệ thống dự kiến
Phương pháp thử nghiệm này nhằm định lượng tính năng của một hệ thống, nhưng kết quả thử nghiệm có thể phụ thuộc vào những yếu tố được xem là một phần của hệ thống. Các bên tham gia thử nghiệm sẽ thống nhất việc xác định hệ thống bao gồm:
• (các) công tơ điện để xác định công suất ra của hệ thống;
• các khía cạnh của thiết kế hệ thống cần thử nghiệm như các môđun có được lắp đúng thiết kế không (độ nghiêng, góc phương vị, chiều cao, thiết kế giá đỡ) để cho phép làm mát dự kiến và thu ánh sáng mặt trời;
• các khía cạnh về vận hành hệ thống cần thử nghiệm như mức độ bẩn được xem là một phần của thử nghiệm.
Ranh giới thử nghiệm phải được căn chỉnh phù hợp với ranh giới hệ thống để kết quả thử nghiệm phản ánh được tính năng của hệ thống cần thử nghiệm.
6.1.3 Xác định các điều kiện chuẩn đối với vận hành “không bị hạn chế”
Các điều kiện chuẩn mục tiêu (TRC) đối với vận hành không bị hạn chế được xác định đối với tính năng mục tiêu (xem 6.1.4). TRC cần được chọn sao cho việc vận hành không bị hạn chế (tức là trong phạm vi công suất của bộ nghịch lưu) và điều kiện bức xạ có thể khác với so với mức 1 000 W/m2 nếu nhà máy được thiết kế phải chịu sự hạn chế của công suất bộ chuyển đổi là 1 000 W/m2. Thông thường, các điều kiện chuẩn mục tiêu được chọn để phản ánh một nhiệt độ môi trường xung quanh và tốc độ gió, đó là các yếu tố thường được quan sát tại hiện trường và bức xạ cao nhất mà không gây ra hiện tượng vận hành bị hạn chế (khi bộ nghịch lưu đạt đến giới hạn công suất của nó) đối với nhiệt độ thấp nhất dự kiến phải được đưa vào xem xét trong thử nghiệm. Phương án lựa chọn tối ưu các điều kiện chuẩn mục tiêu có thể phụ thuộc vào thời tiết trong thời gian thử nghiệm. Tuy nhiên, việc sử dụng các thông số thiết kế của nhà máy làm cơ sở cho mô hình phải giảm thiểu sai số hiệu chỉnh đối với các thay đổi điều kiện, giảm sự cần thiết phải điều chỉnh các điều kiện chuẩn mục tiêu cho chính xác với các điều kiện trong quá trình đo. Các điều kiện chuẩn mục tiêu phải được các bên tham gia thử nghiệm thống nhất trước khi tiến hành thử nghiệm.
Các nguồn dữ liệu về cường độ bức xạ, nhiệt độ môi trường xung quanh, tốc độ gió và các dữ liệu khí tượng khác phải được mô tả sao cho việc xác định các điều kiện chuẩn mục tiêu được rõ ràng. Các yêu cầu về thu thập dữ liệu nêu trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1) phải được tuân theo cấp theo dõi mong muốn, cấp A, B hoặc C ngoại trừ trường hợp được chú thích trong Điều 5. Các yêu cầu này cần được lập thành tài liệu càng cụ thể càng tốt trong quy trình thử nghiệm chi tiết trước khi tiến hành thử nghiệm (ví dụ loại cảm biến, vị trí, làm sạch, hiệu chuẩn, và các thông tin bổ sung khác có liên quan).
6.1.4 Xác định tính năng mục tiêu khi vận hành “không bị hạn chế” và “bị hạn chế”
Công suất ra mục tiêu của hệ thống được xác định đối với vận hành “không bị hạn chế” và với các điều kiện chuẩn mục tiêu đã được xác định ở 6.1.3 và với một mô hình đề xác định sự thay đổi của công suất theo cường độ bức xạ, nhiệt độ và gió, sử dụng các tham số thiết kế của nhà máy. Cơ sở của tính năng mục tiêu phải được các bên tham gia thử nghiệm thống nhất. Đối với trường hợp thiết kế nhà máy được thiết lập dựa trên mô hình đối với năng lượng đầu ra, chuyển đổi mô hình năng lượng đó sang mô hình công suất hoặc suy ra mô hình công suất từ dữ liệu đo được đối với một nhà máy tương tự có thể tạo ra các bất thường trong mô hình công suất. Ví dụ, việc áp dụng hồi quy tuyến tính đối với các tập hợp dữ liệu con tại các thời điểm khác nhau trong năm có thể dẫn đến các hệ số nhiệt độ khác nhau. Trong trường hợp này, nếu không lập mô hình công suất lúc thiết kế hệ thống ban đầu, thì khuyến cáo rằng cơ sở phải được trình bày bằng một mô hình đơn giản bắt đầu với thông số đặc trưng trên tấm nhãn và áp dụng các hệ số tổn hao đã được hiểu rõ như hệ số tổn hao công suất của bộ nghịch lưu, tổn hao trên cáp, tổn hao do sự không phù hợp, v.v... và áp dụng một hệ số nhiệt độ có thể có liên quan trực tiếp đến tính năng của môđun. Lưu ý rằng mô hình bao gồm các tổn hao do bóng che là rất quan trọng khi dự đoán năng lượng từ một nhà máy, nhưng thử nghiệm công suất này nhằm lập tài liệu tính năng khi không có bóng che, vì thế một mô hình đơn giản có thể thay cho mô hình phức tạp hơn, làm tàng tính rõ ràng của quy trình thử nghiệm.
Thông thường, giả định rằng nhà máy được đánh giá trong tình trạng như đã lắp đặt, nghĩa là còn sạch. Nếu việc đánh giá được hoàn thành vào thời điểm mà nhà máy có thể đã bị bẩn thì tổn hao do bẩn có thể là một trong các hệ số tổn hao hoặc nhà máy cần được làm sạch trước khi bắt đầu đánh giá.
Nếu sử dụng mô hình phức tạp thì mô hình này có thể được xác định theo TCVN 13083-3 (IEC TS 61724-3) và thử nghiệm được áp dụng bảo đảm rằng mô hình được áp dụng một cách nhất quán cho cả điều kiện mục tiêu và điều kiện đo.
Tính năng mục tiêu trong vận hành “bị hạn chế” thường được xác định bằng khả năng của bộ nghịch lưu. Nếu giá trị này độc lập với các điều kiện vận hành, thì việc kiểm tra xác nhận vận hành trong tình trạng “không bị hạn chế” rất đơn giản và các bên tham gia thử nghiệm không cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu một hệ thống được dự kiến vận hành trong tình trạng “bị hạn chế” trong nhiều giờ của năm, kiến nghị nên kiểm tra xác nhận sự vận hành đúng trong tình trạng “bị hạn chế”.
6.1.5 Xác định sự phụ thuộc nhiệt độ của công suất nhà máy trong vận hành “không bị hạn chế”
Nếu mô hình nhiệt độ đã được xác định cho nhà máy thì ưu tiên sử dụng mô hình này.
Nếu mô hình sử dụng tốc độ gió là một yếu tố đầu vào, thì vị trí (bao gồm độ cao) của cảm biến gió phải được xác định rõ.
Nếu mô hình nhiệt độ chưa được xác định thì có thể sử dụng mô hình trong Phụ lục A. Ưu tiên sử dụng mô hình nhiệt độ dựa trên nhiệt độ môi trường xung quanh và tốc độ gió thay vì dựa trên việc đo nhiệt độ phía sau môđun vì việc đánh giá bao gồm một số khía cạnh về lắp môđun có thể khiến cho môđun chạy bị nóng và vì để tránh các thách thức trong việc mô tả đặc tính nhiệt độ môđun mà có thể rất khác nhau trên toàn khu vực hiện trường. Tuy nhiên, mặc dù môđun trong Phụ lục A đã được chứng minh là cung cấp mô hình chính xác nhiệt độ trung bình của tế bào, nhưng theo thời gian, mô hình này có thể có độ chính xác biến đổi do biến đổi nhiệt độ ngoài trời hoặc các điều kiện khác. Các bên tham gia thử nghiệm phải lựa chọn phương pháp tiếp cận mang lại kết quả tốt nhất cho trường hợp đưa ra. Nếu lựa chọn đo nhiệt độ môđun thay vì nhiệt độ môi trường xung quanh, thì có thể cần kiểm tra xác nhận riêng rẽ để bảo đảm rằng các môđun làm việc ở nhiệt độ nhất quán với quy định kỹ thuật về thiết kế nhà máy. Các kiến nghị về cách đo chính xác nhiệt độ phía sau môđun có thể có trong Phụ lục B của TCVN 13083-1:2020 (IEC 61724-1:2016).
Trong mọi trường hợp, mô hình phải được các bên tham gia thử nghiệm thống nhất trước khi thử nghiệm và được lập tài liệu trong báo cáo thử nghiệm. TCVN 13083-3 (IEC TS 61724-3) nêu hướng dẫn về việc lập tài liệu mô hình phức tạp.
6.1.6 Xác định sự phụ thuộc vào cường độ bức xạ
Công suất nhà máy là một hàm của cường độ bức xạ phải được xác định bằng mô hình công suất được thống nhất bởi các bên tham gia thử nghiệm. Người thực hiện cần chọn mô hình công suất dựa trên các tham số thiết kế của hệ thống. Nếu chương trình máy tính phức tạp được sử dụng làm mô hình công suất thì mô hình này cần được lập tài liệu như mô tả trong TCVN 13083-3 (IEC TS 61724-3) cùng với mục tiêu tính năng. Bộ lọc bức xạ áp dụng cùng Bảng 1 cần được kiểm tra xác nhận để nhất quán với phạm vi vận hành của mô hình được sử dụng để xác định công thức hiệu chỉnh. Ví dụ, công suất nhà máy có thể được giả thiết là tuyến tính với cường độ bức xạ trong phạm vi bức xạ giới hạn, ví dụ như ± 20 %. Độ không đảm bảo đo bất kỳ thêm vào cũng cần ghi vào tài liệu. Ví dụ về mô hình đơn giản được nêu trong Phụ lục B.
6.1.7 Xác định mục tiêu tính năng trong vận hành “bị hạn chế”
Tính năng trong vận hành “bị hạn chế” có thể tương đương với thông số đặc trưng xoay chiều của bộ nghịch lưu được điều chỉnh đối với tất cả các tổn hao giữa bộ nghịch lưu và vị trí đo công suất xoay chiều và được lập tài liệu. Nếu tính năng trong vận hành “bị hạn chế” có thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường xung quanh hoặc điều kiện khác thì cũng phải ghi vào tài liệu.
Nếu tính năng trong điều kiện “bị cắt giảm” bị khống chế bởi một đơn vị bên ngoài thì việc đánh giá tính năng trong các điều kiện như vậy có thể được loại trừ khỏi việc đánh giá, có thống nhất từ các bên tham gia thử nghiệm.
Phép đo trong điều kiện “bị hạn chế” có thể được bỏ qua khi có sự đồng ý của các bên yêu cầu thử nghiệm.
6.1.8 Xác định độ không đảm bảo đo
Độ không đảm bảo đo trong thử nghiệm cần được tính toán như mô tả ở 6.5. Xác định độ không đảm bảo đo và vai trò của nó trong việc xác định kết quả thử nghiệm đạt/không đạt so với công suất mục tiêu và công suất đo được phải được thỏa thuận. Khuyến cáo rằng việc thỏa thuận này cần được ghi vào tài liệu trước khi thử nghiệm.
CHÚ THÍCH: Thông thường, độ không đảm bảo đo được thống nhất bởi các bên tham gia thường là một dải cố định xung quanh mục tiêu bất kỳ. Dải cố định này gây bất lợi cho tất cả các bên tham gia thử nghiệm, do đó cần giữ càng nhỏ càng tốt. Khoảng tin cậy 95 % là một thông lệ chung trong ngành.
Các chiến lược để giảm độ không đảm bảo đo bao gồm:
• sử dụng các cảm biến bức xạ chất lượng cao và/hoặc sử dụng dữ liệu từ nhiều cảm biến đối với từng trạm thời tiết được triển khai, trước tiên loại bỏ dữ liệu sai do cảm biến bị hỏng hoặc bị che, sau đó lấy trung bình các điểm dữ liệu còn lại đối với từng phép đo;
• sử dụng nhiều cảm biến để thêm dự phòng hoặc lập tài liệu sự biến đổi của tham số đó;
• lưu ý đặc biệt đến khả năng bị che và bẩn các cảm biến bức xạ, cũng như điều chỉnh đúng trong mặt phẳng;
• so sánh dữ liệu với các phép đo tương tự khác thu thập được gần đó để phát hiện và giải quyết nhanh các vấn đề, vào những ngày có nắng tương đối, dữ liệu có thể được so sánh trực tiếp; vào những ngày có mây, việc so sánh dữ liệu tổng hợp có thể giúp xác định tốt hơn các vấn đề phụ thuộc vào khoảng cách giữa các cảm biến.
6.2.1 Quy định chung
Công suất ra, cường độ bức xạ, nhiệt độ, tốc độ gió, tình trạng sạch của cảm biến và hệ thống PV và các dữ liệu bất kỳ khác được thu thập trong vài ngày.
6.2.2 Kiểm tra dữ liệu đối với từng luồng dữ liệu
Từng luồng dữ liệu phải được kiểm tra dữ liệu nằm ngoài dài hoặc các xu hướng bất hợp lý như mô tả trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1). Khuyến cáo về việc áp dụng quy trình này cho ứng dụng này được nêu chi tiết trong Bảng 1 với các giá trị được đề xuất khi dữ liệu thu thập được được lấy trung bình trong khoảng thời gian 15 min. Tùy theo các điều kiện cục bộ, mô tả chi tiết thiết kế nhà máy, việc bổ sung các luồng dữ liệu khác và tần suất thu thập dữ liệu, các tiêu chí lọc dữ liệu có thể thay đổi, nhưng cả bốn kiểu lọc (dải, giá trị cố định, thay đổi đột ngột ổn định và trạng thái bộ nghịch lưu được trình bày trong Bảng 1) phải được áp dụng và ghi vào tài liệu thành một phần của báo cáo cuối cùng.
Công suất ra tự báo cáo của bộ nghịch lưu hoặc cờ trạng thái tự báo cáo của bộ nghịch lưu được sử dụng để nhận dạng khi nào bộ nghịch lưu vận hành bị hạn chế. Nếu không có cờ trạng thái, dữ liệu có thể được sàng lọc để báo cáo các giá trị gần công suất lớn nhất của bộ nghịch lưu. Việc ghi chép được phân loại theo không có bộ nghịch lưu nào bị hạn chế, tất cả bộ nghịch lưu bị hạn chế, hoặc một số bộ nghịch lưu bị hạn chế. Trong trường hợp thứ nhất, các ghi chép dữ liệu được xem là vận hành không bị hạn chế. Trong trường hợp thứ hai, các ghi chép dữ liệu được xem là vận hành bị hạn chế. Trong trường hợp thứ ba, các ghi chép dữ liệu không thể sử dụng để đánh giá tính năng hệ thống. Nếu trạng thái của bộ nghịch lưu thay đổi trong thời gian ghi chép, thì điểm dữ liệu đó phải được loại trừ khi phân tích.
Bảng 1 - Sự hợp lệ của dữ liệu và các tiêu chí lọc
|
Các tiêu chí được đề xuất để gắn cờ dữ liệu bị loại bỏ (dữ liệu 15 min) |
||||
Kiểu cờ |
Mô tả |
Cường độ bức xạ (W/m2) |
Nhiệt độ môi trường xung quanh (°C) |
Tốc độ gió (m/s) |
Công suất (công suất danh định xoay chiều) |
Dải |
Giá trị nằm ngoài giới hạn được chấp nhận |
< 0,5 cường độ bức xạ TRC hoặc > 1,2 TRC b |
> 50 hoặc < -10 a |
> 15 hoặc < 0,5 |
> 1,02-công suất hoặc < -0,01-công suất |
Giá trị cố định |
Các giá trị giữ nguyên không đổi theo thời gian. Được phát hiện khi sử dụng đạo hàm. |
Đạo hàm < 0,0001 khi giá trị > 5 |
< 0,0001 và > -0,0001 |
< độ nhạy của cảm biến |
thay đổi < 0,1 % trong 3 số đọc |
Thay đổi đột ngột và ổn định |
Các giá trị thay đổi không được chấp nhận giữa các điểm dữ liệu. Được phát hiện khi dùng đạo hàm đối với nhiệt độ và tốc độ gió. |
Giả định dữ liệu 15 min được suy ra từ ít nhất dữ liệu 1 min, độ lệch chuẩn > 5 % giá trị trung bình |
> 4 |
> 10 |
Giả định dữ liệu 15 min được suy ra từ ít nhất dữ liệu 1 min, độ lệch chuẩn > 5 % giá trị trung bình |
Trạng thái bộ nghịch lưu |
Các trạng thái của bộ nghịch lưu không nhất quán (không phải tất cả đều bị hạn chế - xem chữ) |
Không áp dụng |
Không áp dụng |
Không áp dụng |
Không áp dụng |
CHÚ THÍCH 1: Bộ lọc bức xạ có thể được điều chỉnh cho phù hợp với phạm vi tính năng hệ thống tuyến tính với cường độ bức xạ. Dữ liệu gắn cờ được xem xét để loại bỏ và được ghi vào tài liệu trong báo cáo thử nghiệm giải thích lý do loại bỏ. CHÚ THÍCH 2: Các hiệu ứng suy giảm cảm ứng tiềm ẩn (PID) có thể bắt đầu làm suy giảm đáng kể tính năng trong các điều kiện bức xạ yếu, mà không có một hiệu ứng có thể đo được ở mức bức xạ cao. Sự phát hiện sớm dấu hiện suy giảm cảm ứng tiềm ẩn không nằm trong phạm vi của thử nghiệm này. a Có thể được điều chỉnh tùy theo mùa thu thập dữ liệu. b Cường độ bức xạ lớn nhất trong phân tích này có thể được điều chỉnh để giải thích cho khả năng xảy ra hiệu ứng rìa mây, theo đó ánh sáng bị phân tán bởi một đám mây gần đó và có thể dẫn đến các số đọc cường độ bức xạ lên đến gần 1 500 W/m2. Đối với hầu hết các hệ thống, các điều kiện này sẽ gây ra bão hòa bộ nghịch lưu và thường sẽ không được đưa vào dữ liệu đánh giá khi lọc độ ổn định. |
Bộ lọc độ ổn định được khuyến cáo ở đây tính giá trị trung bình của ít nhất 15 điểm dữ liệu (đo được ít nhất từng phút trong khoảng 15 min) và xác nhận rằng độ lệch tiêu chuẩn của các điểm dữ liệu này là dưới 5 % giá trị trung bình của cùng các điểm dữ liệu. Nên áp dụng bộ lọc độ ổn định đối với cả dữ liệu cường độ bức xạ và công suất.
Số điểm dữ liệu được nhận biết là đáp ứng tiêu chí trong Bảng 1 sẽ ảnh hưởng đến độ không đảm bảo đo của thử nghiệm. Bảng 2 có thể được sử dụng để xác định số lượng các điểm dữ liệu đủ một cách hợp lý. Số lượng lớn các điểm dữ liệu trong mùa hè cho thấy sự dễ dàng hơn khi thu thập dữ liệu trong những ngày dài hơn và dự kiến sẽ cho kết quả đo chính xác hơn, tùy thuộc vào thời tiết cục bộ. Các vị trí mà hiếm khi có ngày nắng, trời trong có thể cần thời gian thu thập dữ liệu dài hơn hoặc cần giảm số điểm dữ liệu mục tiêu, làm tăng độ không đảm bảo đo của thử nghiệm. Đối với các ứng dụng CPV, Bảng 2 không liên quan trực tiếp. Đối với CPV, sau khi lọc theo các điều kiện ổn định, dữ liệu thu thập được phải bao gồm ít nhất 30 điểm dữ liệu (giả định các giá trị trung bình 15 min) hoặc ít nhất 7,5 h dữ liệu được lọc nếu sử dụng các giá trị trung bình trong một khoảng thời gian khác nhau.
Đối với các hệ thống có tỷ số điện một chiều sang xoay chiều cao, số điểm dữ liệu thu thập được trong vận hành “không bị hạn chế” có thể là một cỡ mẫu không đủ. Nếu thử nghiệm không thể hoàn thành vì điều này, hoặc nếu lo ngại rằng việc mô tả đặc điểm chỉ vào sáng sớm và chiều muộn sẽ gây ra trệch kết quả, thì việc xác định ranh giới hệ thống và các điều kiện chuẩn mục tiêu cũng phải nêu rõ một phần các chuỗi PV được ngắt kết nối tạm thời để giảm tỷ số điện một chiều sang xoay chiều.
Bảng 2 - Các yêu cầu bức xạ ổn định tối thiểu theo mùa đối với các hệ thống trên mặt phẳng
Mùa (bán cầu bắc) |
Ngày |
Cường độ bức xạ tối thiểu POA (W/m2) |
Số lượng yêu cầu các điểm dữ liệu trung bình 15 min |
Đông |
22/11 - 21/1 |
450 |
20 |
Xuân |
22/1 - 23/3 |
550 |
30 |
Hè |
24/3 - 21/9 |
650 |
60 |
Thu |
22/9 - 22/11 |
550 |
40 |
Các dữ liệu cũng có thể được sàng lọc theo chức năng bình thường của hệ thống. Các giai đoạn hỏng bộ bám theo mặt trời hoặc bẩn hệ thống ảnh hưởng đến các kết quả thử nghiệm có thể được loại bỏ hoặc không loại bỏ tùy thuộc vào mục đích ứng dụng thử nghiệm. Việc loại bỏ hoặc không loại bỏ phải được ghi vào báo cáo như một phần của báo cáo thử nghiệm (xem Điều 8, điểm 8)).
6.2.3 Che cảm biến bức xạ
Do độ nhạy của thử nghiệm đối với dữ liệu bức xạ, phải đặc biệt lưu ý đến dữ liệu bức xạ. Đặc biệt, dữ liệu bức xạ có thể bắt nguồn từ việc che ngẫu nhiên một cảm biến hoặc hỏng cảm biến cần được loại bỏ trước khi lấy trung bình các dữ liệu từ các cảm biến còn lại. Việc sử dụng nhiều cảm biến tại mỗi trạm thời tiết rất hữu ích khi xác định các vấn đề do bị che một số cảm biến.
Ngoài ra, nếu một cảm biến bức xạ được định hướng không chính xác (ví dụ nếu lắp trên một bộ bám theo mặt trời và bộ này dừng lại), thì dữ liệu từ cảm biến này cần được loại bỏ.
6.2.4 Độ chính xác hiệu chuẩn
Tất cả các cảm biến phải được hiệu chuẩn chính xác để cung cấp kết quả thử nghiệm với độ không đảm bảo đo thấp, nhất quán với các yêu cầu được mô tả trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1) đối với cấp mong muốn của phép đo.
6.2.5 Sử dụng dữ liệu từ nhiều cảm biến
6.2.5.1 Quy định chung
Trong trường hợp sử dụng nhiều cảm biến, nếu việc kiểm tra dữ liệu phát hiện ra sai số ở đầu ra của cảm biến thì dữ liệu đó cần được loại bỏ trước khi lấy trung bình của các dữ liệu. Việc này chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận giữa các bên liên quan.
6.2.5.2 Nhiều cảm biến bức xạ
Bức xạ được sử dụng làm đầu vào cho mô hình công suất cần được lấy trung bình của các phép đo sẵn có, trừ trong trường hợp phép đo được xác định là sai, trong trường hợp này, đầu vào cho mô hình cần được lấy trung bình cho các phép đo còn lại, như mô tả ở trước đó.
6.2.5.3 Nhiều cảm biến nhiệt độ môi trường xung quanh
Nhiệt độ môi trường xung quanh được sử dụng làm đầu vào cho mô hình cần được lấy trung bình của các phép đo sẵn có, trừ trường hợp phép đo được xác định là sai, trong trường hợp này, đầu vào cho mô hình cần được lấy trung bình/số ở giữa cho các phép đo còn lại, như mô tả ở trước đó.
6.2.5.4 Nhiều cảm biến nhiệt độ môđun PV
Nhiệt độ môđun PV bất kỳ được sử dụng làm đầu vào cho mô hình cần được lấy trung bình của các phép đo sẵn có, trừ trường hợp phép đo được xác định là sai, trong trường hợp này, đầu vào cho mô hình cần được lấy trung bình/số ở giữa cho các phép đo còn lại.
6.2.6 Vận hành không bị hạn chế và vận hành bị hạn chế khi đạt đến giới hạn công suất của bộ nghịch lưu
Như đã mô tả ở 6.1, dữ liệu phải được gắn cờ phụ thuộc vào việc tất cả các bộ nghịch lưu đang bám theo điểm công suất lớn nhất hay tất cả các bộ nghịch lưu bị giới hạn công suất vì đạt đến công suất ra của nó. Tất cả các dữ liệu khác bị loại bỏ.
Nếu bộ nghịch lưu giới hạn công suất theo nhiều cách khác nhau tùy theo các điều kiện vận hành, thì dữ liệu phải được chia thành bin để xác định các dữ liệu nào thuộc điều kiện vận hành đang được xem xét.
6.3 Tính toán hệ số hiệu chỉnh
6.3.1 Quy định chung
Hệ số hiệu chỉnh được tính toán để điều chỉnh công suất do được theo các điều kiện được sử dụng cho tính năng mục tiêu. Các điều từ 6.3.2 đến 6.3.7 mô tả từng bước của quy trình.
6.3.2 Đo các đầu vào
Đo tất cả các đầu vào thay đổi, bao gồm dữ liệu khí tượng và các tham số cụ thể của nhà máy cần thiết để xác định các điều kiện đo.
6.3.3 Kiểm tra xác nhận chất lượng của dữ liệu
Nếu cần, kiểm tra xác nhận dữ liệu đầu vào thay đổi đo được như 6.2.
6.3.4 Tính toán hệ số hiệu chỉnh đối với từng điểm đo
Đưa dữ liệu khí tượng đo được vào mô hình của hệ thống và tính toán hệ số hiệu chỉnh cần thiết để chuyển dữ liệu đo được sang các điều kiện nhiệt độ, gió và bức xạ được quy định bởi TRC đối với tất cả các điểm đo được trong vận hành ổn định “không bị hạn chế”.
Tính toán hệ số hiệu chỉnh cho từng điểm bằng mô hình công suất và công thức (1):
CF = PPredtarg / PPredmeas |
(1) |
trong đó:
CF là hệ số hiệu chỉnh;
PPredtarg là công suất dự đoán ở các điều kiện mục tiêu;
PPremeas là công suất dự đoán ở các điều kiện đo;
Cả hai công suất dự đoán này đều được lấy từ mô hình với sự thống nhất của các bên. Xem các phụ lục về mô hình ví dụ.
6.3.5 Hiệu chỉnh công suất đo được
Hiệu chỉnh công suất đo được bằng hệ số hiệu chỉnh đối với tất cả các điểm đo được trong vận hành ổn định “không bị hạn chế” như được tính toán từ mô hình công suất sử dụng công thức (2):
Pcorr = Pmeas CF |
(2) |
6.3.6 Tính trung bình tất cả các giá trị công suất được hiệu chỉnh
Chỉ xem xét các dữ liệu được bao gồm sau khi lọc dữ liệu (xem 6.2.2), tính trung bình tất cả các giá trị công suất được hiệu chỉnh trong các điều kiện vận hành “không bị hạn chế” và tính trung bình riêng rẽ tất cả các giá trị công suất đo được trong điều kiện vận hành bị hạn chế.
6.3.7 Phân tích các sai khác
Nếu một công suất hiệu chỉnh trung bình sai lệch so với giá trị trung bình ở mức trên 5 %, thì phải thực hiện chẩn đoán nguyên nhân gốc đối với điểm dữ liệu để xem có tình huống ngoại lệ không và có được xem xét khi lọc dữ liệu không.
Nếu các giá trị công suất trung bình sai lệch đáng kể so với các giá trị tính năng mục tiêu (như đã thiết lập bởi các bên tham gia thử nghiệm), thì phải thực hiện chẩn đoán nguyên nhân gốc. Báo cáo thử nghiệm phải nhận xét về việc thử nghiệm có còn được xem là hợp lệ không.
6.4 So sánh công suất đo được với tính năng mục tiêu
Công suất hiệu chỉnh trung bình đo được (xem 6.3) và tính năng mục tiêu có thể được so sánh dưới dạng một hiệu số đơn giản, hiệu phần trăm hoặc tính toán tỉ số.
Tính hiệu:
Pcorr - PTarget |
(3) |
Tính hiệu phần trăm:
[Pcorr - PTarget] . 100 / PTarget |
(4) |
Tỷ số (chỉ số tính năng của công suất):
Pcorr / PTarget |
(5) |
Tỷ số (đơn vị %):
(Pcorr . 100) / PTarget |
(6) |
Thực hiện một số sánh tương tự giữa công suất trung bình phát ra trong thời gian vận hành bị hạn chế tương ứng với việc xác định tính năng mục tiêu dự kiến trong thời gian vận hành bị hạn chế. Nếu công suất đầu ra của bộ nghịch lưu phụ thuộc vào nhiệt độ bộ nghịch lưu hoặc yếu tố khác, thì tính năng sẽ được đánh giá trên cơ sở ngữ cảnh tương ứng đó.
Đối với các hệ thống thường xuyên vận hành bị hạn chế và khi các bên tham gia thử nghiệm thống nhất đưa nội dung này vào, thì báo cáo thử nghiệm sẽ bao gồm hai kết quả thử nghiệm để phản ánh cả vận hành bị hạn chế và vận hành không bị hạn chế. Việc sử dụng hai kết quả thử nghiệm này được chọn bởi người sử dụng thử nghiệm và phải được xác định rõ trước khi thực hiện thử nghiệm. Nếu chỉ mong muốn một kết quả thử nghiệm, thì một cách tiếp cận là sử dụng dữ liệu thời tiết thông thường để nhận biết lượng năng lượng dự kiến phát ra trong điều kiện vận hành bị hạn chế và không bị hạn chế, và sau đó suy ra một kết quả tổng hợp áp dụng cho cả hai giá trị năng lượng điển hình để thu được trung bình có trọng số của hai kết quả thử nghiệm.
Phép so sánh Pcorr và tính năng mục tiêu bao gồm việc xem xét độ không đảm bảo đo được theo 6.5 như được hướng dẫn theo thỏa thuận ban đầu.
6.5 Phân tích độ không đảm bảo đo
Là một phần của kế hoạch tính năng mục tiêu hoặc kế hoạch thử nghiệm, thỏa thuận phải tuyên bố cách xem xét độ không đảm bảo đo trong phép đo. Theo đó, cần phải định lượng độ không đảm bảo đo trong phép đo như một phần của việc xác định xem tính năng đo được có đạt mức kỳ vọng không. Bất kể liệu độ không đảm bảo đo có được sử dụng khi xác định kết quả thử nghiệm hay không, thì việc phân tích độ không đảm bảo đo phải là một phần của việc đánh giá.
Dữ liệu được thu thập với độ chính xác nhất quán hoặc tốt hơn so với sự mô tả trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1) đối với cấp được chọn của phép đo. Trong khi, độ chính xác của phép đo xác định cấp của phép đo thì độ không đảm bảo đo cuối cùng gắn liền với kết luận của thử nghiệm sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ dữ liệu bị loại bỏ và các yếu tố khác không được xác định trong TCVN 13083-1 (IEC 61724-1). Điều 6.5 này cung cấp một số hướng dẫn bổ sung về phân tích độ không đảm bảo đo.
Độ không đảm bảo đo được xác định đối với Pcorr, thay vi tính năng mục tiêu. Độ không đảm bảo đo đi kèm với mô hình được sử dụng để tính toán tính năng mục tiêu được bỏ qua. Tuy nhiên, độ không đảm bảo đo đi kèm với các dữ liệu thời tiết đo được sẽ được đưa vào trong Pcorr.
Cả độ không đảm bảo đo mang tính hệ thống (định thiên) và mang tính ngẫu nhiên (chính xác) đều được xem xét trong phân tích này. Các yếu tố góp phần tạo ra độ không đảm bảo đo phụ thuộc vào mô hình sử dụng, nhưng thường xem xét độ không đảm bảo đo trong các phép đo bức xạ, nhiệt độ, tốc độ gió và điện phát ra, cũng như là độ không đảm bảo đo khi hiệu chỉnh các yếu tố này.
Tất cả các phép đo và độ không đảm bảo đo đi kèm được lập thành bảng và kết hợp sử dụng sự lan truyền chuẩn lỗi như được mô tả trong:
• Bộ quy tắc thử nghiệm tính năng ASME 19.1;
• ISO 5725;
• TCVN 9595-1 (ISO/IEC Guide 98-1).
Độ không đảm bảo đo đi kèm với từng cảm biến được lấy từ quy định kỹ thuật của nhà sản xuất và/hoặc từ báo cáo hiệu chuẩn do phòng thí nghiệm hiệu chuẩn cung cấp.
Phân tích độ không đảm bảo đo cũng phải bao gồm các sai số hệ thống có thể phát sinh từ việc lắp đặt sai hoặc không thích hợp các cảm biến, bao gồm:
• vị trí cảm biến bức xạ (độ nghiêng, góc phương vị và độ cao);
• vị trí của cảm biến nhiệt độ so với mô hình công suất;
• vị trí của cảm biến gió so với mô hình công suất;
• bẩn chưa xác định được vị trí;
• sự biến đổi về không gian khi một tổ hợp con các điểm đo không thể thu được phần lớn giá trị thực của dàn (ví dụ tốc độ gió).
Độ không đảm bảo đo của thiết bị thu thập dữ liệu cũng phải được xem xét.
Đánh giá độ không đảm bảo đo phải bao gồm việc xem xét một dải các điều kiện đã lấy mẫu thành công trong quá trình thử nghiệm. Ví dụ, định thiên liên quan đến phổ, góc tới, v.v... có thể được đưa vào nếu phép đo được giới hạn trong một thời điểm ngắn vào buổi sáng và một thời điểm ngắn vào buổi chiều khi công suất một chiều nằm trong giới hạn công suất của bộ nghịch lưu.
Mô hình nhiệt được mô tả trong Phụ lục A và các mô hình nhiệt khác thường được thiết kế đề đưa ra các ước tính tương ứng với nhiệt độ trung bình trong một thời gian dài. Vì thử nghiệm này thu thập dữ liệu trong một thời gian tương đối ngắn, nên nhiệt độ được tính đối với nhiệt độ mô hình có thể sai khác so với nhiệt độ thực. Phân tích độ không đảm bảo đo cần bao gồm việc đánh giá độ nhạy của kết quả cuối cùng đối với mô hình nhiệt độ được chọn.
Công suất của một hệ thống không phải lúc nào cũng tuyến tính. Bảng 1 xác định bộ lọc bức xạ ở mức ± 20 % so với bức xạ TRC. Phân tích độ không đảm bảo đo cần bao gồm lập tài liệu độ tuyến tính của tính năng hệ thống trong khoảng ±20 % so với bức xạ trong điều kiện chuẩn mục tiêu và/hoặc cần điều tra sự tác động đến kết quả khi điều chỉnh bộ lọc bức xạ trong Bảng 1.
CHÚ THÍCH: Công suất hệ thống không tuyến tính có thể là riêng theo công nghệ, hoặc do sự suy giảm điện trở song song, hoặc do trạng thái bất ổn định của màng mỏng.
7 Lập tài liệu quy trình thử nghiệm
Tài liệu này nhằm đưa ra các hướng dẫn vừa mang tính quy tắc và vừa cụ thể về thử nghiệm và cho phép linh hoạt khi cần thiết để phù hợp với từng hệ thống riêng biệt và duy nhất. Do đó, cần xác định một kế hoạch thử nghiệm chi tiết và cụ thể đối với từng ứng dụng của thử nghiệm này trước khi bắt đầu tiến hành thử nghiệm. Quy trình thử nghiệm này bao gồm tất các yêu cầu và thỏa thuận cụ thể về thực hiện thử nghiệm và rút gọn dữ liệu. Tất cả các bên tham gia thử nghiệm có đủ cơ hội để xem xét và phê duyệt quy trình thử nghiệm này. Khuyến cáo rằng việc lập tài liệu quy trinh thử nghiệm bao gồm các phần sau:
a) mục đích;
b) các giá trị mục tiêu và cơ sở bao gồm việc xác định ranh giới hệ thống dự kiến và ranh giới thử nghiệm có liên quan;
c) trình tự thử nghiệm;
d) các bên tham gia thử nghiệm và các vai trò, trách nhiệm tương ứng đối với mô tả chị tiết việc lắp đặt, vận hành, và phân tích dữ liệu, bao gồm trách nhiệm về:
i) hiệu chuẩn;
ii) làm sạch các cảm biến;
iii) làm sạch dàn;
iv) phát hiện các vấn đề hệ thống;
v) giải quyết các vấn đề hệ thống;
vi) xác định các cắt giảm điện năng (nếu có);
vii) phân tích dữ liệu;
viii) viết/rà soát lại báo cáo cuối cùng;
ix) các vai trò liên quan khác.
e) các yêu cầu vận hành nhà máy bao gồm việc làm sạch, kiểm tra bằng chứng về sự tương tác với chim muông, động vật, sự tích tụ rác thải, gạch đá vụn, v.v....
f) thiết bị đo;
g) phân tích độ không đảm bảo đo trước thử nghiệm;
h) các phương pháp chi tiết về xử lý dữ liệu và rút gọn dữ liệu;
i) các tiêu chí đối với một thử nghiệm thành công;
j) các tờ thông số kỹ thuật của phương tiện, dụng cụ và các giấy chứng nhận hiệu chuẩn;
k) dữ liệu khí tượng lịch sử tham chiếu và/hoặc tệp điện tử.
Báo cáo thử nghiệm cuối cùng phải bao gồm quy trình thử nghiệm (trình bày rõ ràng hoặc bằng cách tham chiếu) và các hạng mục sau:
l) mô tả bên thực hiện thử nghiệm;
2) mô tả hiện trường cần thử nghiệm, bao gồm vĩ độ, kinh độ và cao độ;
3) mô tả hệ thống cần thử nghiệm; cần lưu ý cụ thể có tải kí sinh hay không và cách lập tài liệu tải kí sinh này khi thử nghiệm;
4) tóm tắt về tính năng mục tiêu trong điều kiện vận hành “không bị hạn chế” và “bị hạn chế”, bao gồm việc xác định TRC và mô hình công suất đi kèm;
5) tóm tắt việc xác định các dữ liệu khí tượng thu thập được trong quá trình thử nghiệm, bao gồm dữ liệu hiệu chuẩn đối với tất cả các cảm biến (nhận dạng cảm biến, phòng thí nghiệm thử nghiệm, ngày giờ thử nghiệm) và vị trí của cảm biến, bao gồm cả hình ảnh để lập tài liệu vị trí cảm biến và điều kiện đất như thảm thực vật gồ ghề hay bằng phẳng hoặc có tuyết và các ghi chép về việc làm sạch cảm biến;
6) tóm tắt việc xác định các dữ liệu đầu ra thu thập được trong quá trình thử nghiệm, bao gồm các bản ghi về việc hiệu chuẩn đã thực hiện;
7) dữ liệu chưa xử lý thu thập được trong quá trình thử nghiệm, trong đó ghi lại dữ liệu nào đã đáp ứng sự ổn định và các tiêu chí khác;
8) giải thích tại sao dữ liệu đã đạt các tiêu chí lọc (nếu có) bị loại bỏ;
9) đối với các thử nghiệm CPV, khối lượng không khí trung bình (bức xạ có trọng số) trong thời gian thử nghiệm phải được báo cáo;
10) danh mục tất cả các sai lệch so với quy trình thử nghiệm và tại sao lại thực hiện như vậy;
11) tóm tắt các hệ số hiệu chỉnh được tính toán đối với dữ liệu đã lọc;
12) bản so sánh tóm tắt giữa tính năng mục tiêu và các giá trị công suất trung bình được đo, hiệu chỉnh như được tính theo 6.3 đối với điều kiện vận hành “bị hạn chế” và “không bị hạn chế” nếu có;
13) mô tả về phân tích độ không đảm bảo đo và tuyên bố về độ không đảm bảo đo đi kèm với các hệ số hiệu chỉnh, trên cơ sở độ không đảm bảo đo của các phép đo thời tiết (xem 6.5) và độ không đảm bảo đo của các mô hình như mô hình nhiệt độ và giả định về đáp ứng tuyến tính với bức xạ;
14) mô tả về phân tích độ không đảm bảo đo và tuyên bố về độ không đảm bảo đo đi kèm với tính năng đo được (xem 6.5) bao gồm phân tích độ không đảm bảo đo được đưa vào từ ngoại suy (tất cả các điểm dữ liệu nằm về một phía của TRC);
15) phiên bản tóm tắt các kết quả thử nghiệm trong đó bao gồm:
a) Pcorr trong điều kiện vận hành “không bị hạn chế”;
b) Pcorr trong điều kiện vận hành “bị hạn chế”;
c) các điều kiện chuẩn trong vận hành không bị hạn chế (TRC) và công suất mục tiêu đi kèm với các điều kiện này;
d) chỉ số tính năng trong điều kiện TRC (tỉ số giữa Pcorr và tính năng mục tiêu tính theo %).
Đối với các hạng mục bị trùng lặp trong cả hai danh sách, báo cáo cuối cùng cần lặp lại thông tin gốc, kiểm tra xác nhận rằng dự án đã được thực hiện như kế hoạch ban đầu, hoặc ghi lại các thay đổi xảy ra trong quá trình thử nghiệm.
Ví dụ về mô hình dùng để tính toán nhiệt độ môđun
Nói chung, có hai phần để xác định sự phụ thuộc của nhiệt độ vào công suất ra của một hệ thống PV: 1) sự liên quan giữa các điều kiện thời tiết với nhiệt độ môđun và 2) công suất ra là một hàm của nhiệt độ môđun.
Có thể đo nhiệt độ môđun trực tiếp bằng cách sử dụng cảm biến ở phía sau môđun như mô tả trong TCVN 12677 (IEC 61829) hoặc Phụ lục B của TCVN 13083-1:2020 (IEC 61724-1:2016), hoặc một camera hồng ngoại đã được hiệu chuẩn cẩn thận đối với phát xạ của môđun, nhưng nhiệt độ môđun phản ánh cả các điều kiện thời tiết và chất lượng hệ thống lắp đặt hoặc thiết kế, vì việc lắp đặt sai các môđun hoặc thiết kế lắp đặt yếu có thể khiến cho môđun vận hành ở nhiệt độ tăng lên so với thiết kế dự kiến. Để đưa vào nhiệt độ vận hành của môđun trong thử nghiệm, có thể sử dụng nhiệt độ môi trường xung quanh và tốc độ gió để tính toán nhiệt độ trung bình dự kiến của môđun. Nếu các phép đo theo IEC 61853-2 có sẵn, các phép đo này có thể đưa ra mô hình để tính toán nhiệt độ môđun từ nhiệt độ môi trường xung quanh và tốc độ gió.
A.2 Ví dụ về mô hình truyền nhiệt để tính toán nhiệt độ vận hành dự kiến của tế bào
Phần này trình bày về một mô hình truyền nhiệt đã mang lại các kết quả tốt. Tuy nhiên, cũng có các mô hình khác, và người thực hiện phải chọn một mô hình mà phù hợp nhất với trường hợp của họ. Điều quan trọng nhất là sử dụng các mô hình truyền nhiệt đồng nhất để xác định công suất mục tiêu cũng như là các điều kiện chuẩn mục tiêu.
Nhiệt độ môđun và tế bào quang điện có thể được thể hiện bằng công thức A.1 và A.3:
Tm = Gmeas • [e(a+b.WS)][°C m2/W] + Ta |
(A.1) |
trong đó
Tm là nhiệt độ bề mặt phía sau môđun được tính toán (°C);
Gmeas là cường độ bức xạ lên mặt phẳng dàn (POA) đo được (W/m2);
Ta là nhiệt độ môi trường xung quanh đo được (°C);
WS là tốc độ gió được hiệu chỉnh theo độ cao 10 m (m/s);
a là hệ số lớp phủ bề mặt của môđun (xem Bảng A.1);
b là hệ số lớp phủ bề mặt đối lưu cưỡng bức (s/m);
e là cơ số logarit tự nhiên.
WS = WSmeas . [H / Hmeas] α |
(A.2) |
trong đó:
WS là tốc độ gió được hiệu chỉnh theo độ cao 10 m hoặc theo độ cao phù hợp với mô hình công suất;
WSmeas là tốc độ gió đo được;
H là độ cao được sử dụng trong mô hình tính năng (m) (thường là 10 m);
Hmeas là độ cao phong tốc kể trên mặt đất (m);
α là hệ số điện trở của lớp phủ đất hoặc hệ số Hellmann (xem Bảng A.2) (không có đơn vị).
Sự giảm nhiệt độ dẫn giữa bề mặt sau môđun và tế bào quang điện phía trong có thể được tính toán theo công thức A.3.
Tc = Tm + (Gmeas/1000 W/m2) . dTcond [°C] |
(A.3) |
trong đó:
Tc là nhiệt độ tế bào quang điện được tính toán (°C);
dTcond là hệ số nhiệt độ dẫn để xác định chênh lệch giữa bề mặt môđun và khu vực giữa tế bào quang điện (°C).
Các hệ số a, b và dTcond được xem là một phần của việc xác định sự phụ thuộc của nhiệt độ. Các hệ số này có thể được suy ra từ dữ liệu đo được hoặc được thu thập từ các tài liệu về các cấu hình tương tự, như các hệ số trong Bảng A.1. Nếu dữ liệu tốc độ gió đo được và trong đầu vào mô hình được thu thập ở độ cao như nhau, thì việc hiệu chỉnh tốc độ gió trong công thức A.2 có thể được bỏ qua.
Bảng A.1 - Các hệ số được xác định theo kinh nghiệm để dự đoán nhiệt độ môđun
Loại môđun |
Phương pháp lắp |
a |
b (s/m) |
dTcond (°C) |
Kính/tế bào/kính |
Giá hở |
-3,47 |
-0,0594 |
3 |
Kính/tế bào/kính |
Khung có vòm kín |
-2,98 |
-0,0471 |
1 |
Kính/tế bào/tấm polyme |
Giá hở |
-3,56 |
-0,0750 |
3 |
Kính/tế bào/tấm polyme |
Phía sau có cách điện |
-2,81 |
-0,0455 |
0 |
Polyme/màng mỏng/thép |
Giá hở |
-3,58 |
-0,113 |
3 |
Bộ hội tụ tuyến tính 22x |
Bộ bám theo mặt trời |
-3,23 |
-0,130 |
13 |
CHÚ THÍCH: Tốc độ gió được đo ở độ cao khí tượng tiêu chuẩn 10 m. |
Hệ số Hellmann phụ thuộc vào sự ổn định của không khí và kiểu địa hình. Có thể lựa chọn các giá trị trong Bảng A.2. Phân tích độ không đảm bảo đo phải bao gồm việc đánh giá độ nhạy của kết quả cuối cùng đối với giá trị được chọn từ Bảng A.2 hoặc các mô hình giả định khác.
Bảng A.2 - Hệ số Hellmann,. α, để hiệu chỉnh tốc độ gió theo độ cao đo được, nếu sử dụng các giá trị trong Bảng A.1
Vị trí |
α |
Không khí không ổn định phía trên bờ biển không có người ở, bằng phẳng |
0,11 |
Không khí trung hòa phía trên bờ biển không có người ở, bằng phẳng |
0,16 |
Không khí không ổn định phía trên các khu vực có người ở |
0,27 |
Không khí trung hòa phía trên các khu vực có người ở |
0,34 |
Không khí ổn định phía trên bờ biển không có người ở, bằng phẳng |
0,40 |
Không khí ổn định phía trên các khu vực có người ở |
0,60 |
Đối với một số thiết kế, hệ số nhiệt độ có thể phụ thuộc nhiều vào hướng gió. Nếu vậy, việc đo hướng gió và điều chỉnh mô hình nhiệt độ tương ứng có thể cải thiện độ chính xác của thử nghiệm.
Nếu các ranh giới hệ thống và thử nghiệm đã được xác định để cho phép đo trực tiếp nhiệt độ phía sau môđun, thì chỉ cần công thức (A.3) với Tm ở nhiệt độ đo được. Trong trường hợp này, nhiệt độ phía sau môđun phải được đo theo TCVN 12677 (IEC 61829) và Phụ lục B của TCVN 13083-1:2020 (IEC 61724-1:2016). Cũng có thể sử dụng TCVN 12678-5 (IEC 60904-5) để xác định nhiệt độ lớp tiếp giáp, nhưng việc này thường gặp khó khăn khi đánh giá tính năng của một hệ thống hoạt động liên tục vì TCVN 12678-5 (IEC 60904-5) sử dụng điện áp mạch hở đo được, cần lưu ý rằng nhiệt độ lớp tiếp giáp tính được từ điện áp mạch hở đo được sẽ phản ánh sự dao động nhanh của nhiệt độ tế bào quang điện khi có các thay đổi nhanh trong bức xạ gây ra do tốc độ cao của gió và mây trên bầu trời mà không phù hợp với nhiệt độ đo được trực tiếp của bề mặt phía sau. Do đó, việc đánh giá công suất điện ra của hệ thống phải được thực hiện khi bức xạ ổn định như được yêu cầu bằng cách lọc như mô tả trong Bảng 1.
Ngoài ra, hệ số công suất giữa nhiệt độ tế bào và sự thay đổi tương đối trong công suất hệ thống được xác định và công suất được hiệu chỉnh theo công thức (A.4).
CFTcell = 1 + δ (Tc - TTRC) |
(A.4) |
trong đó
CFTcell là hệ số hiệu chỉnh nhiệt độ làm việc của tế bào;
δ là hệ số giữa công suất PV và nhiệt độ tế bào được lấy từ tài liệu của sản phẩm (lưu ý rằng hệ số này có giá trị âm (1/°C));
Tc là nhiệt độ tế bào tính từ các điều kiện khí tượng đo được sử dụng mô hình truyền nhiệt hoặc từ nhiệt độ môđun đo được;
TTRC là nhiệt độ tế bào ở TRC. Nhiệt độ này được tính toán với cùng mô hình đã được sử dụng để xác định công suất mục tiêu trong điều kiện chuẩn mục tiêu (TRC) đã cho.
Ví dụ về mô hình công suất hệ thống
B.1 Quy định chung
Mô hình công suất điện ra của một hệ thống có thể đơn giản hoặc phức tạp. Dưới đây là một ví dụ đơn giản.
B.2 Mô hình ví dụ
Là một ví dụ về việc thực hiện một giả định tuyến tính, nếu công suất nhà máy được xác định theo công thức (B.1) thì hệ số hiệu chỉnh đối với bức xạ sẽ áp dụng theo công thức (B.2) bao gồm các ảnh hưởng của nhiệt độ môđun theo một giả định tuyến tính đối với hiệu chỉnh nhiệt độ.
PPred = (PPredTarg) . (Gmeas / GTRC) + Pzero . (1 - Gmeas / GTRC) |
(B.1) |
trong đó
Ppred là công suất dự đoán;
PPredTarg là công suất dự đoán trong các điều kiện mục tiêu;
Gmeas là bức xạ đo được;
GTRC là bức xạ danh định được sử dụng để xác định công suất mục tiêu;
Pzero là giao điểm (âm) thường quan sát thấy khi vẽ đồ thị công suất ra như một hàm của bức xạ khi bộ nghịch lưu cần một đầu vào công suất tối thiểu cho hàm.
Việc bổ sung hiệu chuẩn nhiệt độ vào công thức B.1 và bỏ qua Pzero dẫn đến mối liên quan dưới đây để dự đoán công suất từ bức xạ và nhiệt độ tế bào đo được:
PPred = (PPredTarg) . (Gmeas / GTRC) . [1 + δ (Tc - TTRC)] |
(B.2) |
trong đó
δ là hệ số nhiệt độ lấy từ tài liệu của sản phẩm;
TTRC là nhiệt độ tế bào được tính theo mô hình nhiệt trong điều kiện chuẩn mục tiêu (TRC);
TC là nhiệt độ tế bào được tính theo từng điểm đo (xem Phụ lục A về ví dụ cách tính nhiệt độ này).
Xem 6.3.4 về cách sử dụng công thức B.2 khi tính toán hệ số hiệu chuẩn.
Hướng không nhất quán của dàn quang điện
Hướng của một dàn quang điện có thể khác nhau do:
• thay đổi không chủ ý trong tay nghề công nhân;
• thay đổi không chủ ý do hoạt động sai hoặc mất căn chỉnh của bộ bám theo mặt trời trong một phần của dàn;
• thay đổi có chủ ý để phù hợp với địa hình cục bộ theo cách không kiểm soát được;
• thay đổi không chủ ý theo các hướng cụ thể, như trên một mái nhà có hai hướng khác nhau.
Việc xác định các phương pháp để giải quyết từng tình huống như vậy nằm ngoài phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này. Mục đích của phụ lục này là đưa ra các hướng dẫn thay vì các phương pháp cụ thể.
Mặc dù đã xác định một thử nghiệm năng lượng tương ứng với một hướng cụ thể đã xác định, nhưng kiến nghị nên áp dụng thử nghiệm năng lượng tương ứng với hướng thiết kế, việc thử nghiệm công suất để phản ánh hướng thiết kế thay vì hướng lắp đặt có thể dẫn đến đánh giá sai hệ thống.
(Các) cảm biến bức xạ cần được đặt để phản ánh được việc căn chỉnh dàn. Nếu một hệ thống lớn và việc căn chỉnh không được kiểm soát tốt thì có thể sẽ có ích khi đưa vào các cảm biến bức xạ cho từng khu vực của nhà máy. số lượng cảm biến, vị trí (được chọn để phản ánh các hướng khác nhau), và sự cân nhắc dữ liệu đo được từ nhiều cảm biến (được chọn để phản ánh các môđun theo từng hướng) cần được chọn để có thể thấy rõ cường độ bức xạ trung bình mà dàn cần thử nghiệm nhận được. Các nội dung chi tiết này cần được thỏa thuận giữa các bên tham gia thử nghiệm.
Thông thường, thử nghiệm này không được áp dụng trong thời gian bộ bám theo mặt trời vận hành sai nhưng nếu dàn không được căn chỉnh nhất quán, thì cho phép sử dụng chiến lược đã xác định ở trên.
Trong trường hợp các phần khác của một hệ thống có hướng khác nhau, nếu từng phần này được kết nối với một bộ nghịch lưu khác nhau, thì nên thực hiện thử nghiệm một cách riêng rẽ đối với các phần khác nhau này. Nếu có nhiều dàn có các hướng khác nhau được kết nối với cùng một bộ nghịch lưu thì các phép đo bức xạ phải được cân nhắc để phản ánh các phần của dàn theo từng hướng.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 12678-5 (IEC 60904-5), Thiết bị quang điện - Phần 5: Xác định nhiệt độ tương đương của tế bào (ECT) của thiết bị quang điện (PV) bằng phương pháp điện áp hở mạch
[2] TCVN 13083-3 (IEC TS 61724-3), Tính năng của hệ thống quang điện - Phần 3: Phương pháp đánh giá năng lượng
[3] TCVN 12677 (IEC 61829), Dàn quang điện - Phép đo tại hiện trường về đặc tính dòng điện-điện áp
[4] IEC 61853-2, Photovoltaic (PV) module performance testing and energy rating - Part 2: Spectral response, incidence angle and module operating temperature measurements
[5] TCVN 11855-1 (IEC 62446-1), Hệ thống quang điện (PV) - Các yêu cầu về thử nghiệm, tài liệu và bảo dưỡng - Phần 1: Nối lưới - Tài liệu, thử nghiệm nghiệm thu và kiểm tra
[6] ISO 5725, Accuracy (trueness and precision) of measurement methods and results
[7] Photovoltaic Array Performance Model, D.L. King, W.E. Boyson, J.A. Kratochvill, Sandia Report SAND2004-3535, 2004. prod.sandia.govAechlib/access-control.cgi/2004/043535.pdf.
[8] Sandia’s PV Performance Modeling Collaborative, https://pvpmc.sandia.gov/.
[9] IEA PVPS (Photovoltaic Power Systems Programme of the International Energy Agency) Task13 (Performance and Reliability of Photovoltaic Systems), http://ieapvps.org/index.php?id=57
[10] ASTM E2848-13, Standard test method for reporting photovoltaic non-concentrator system performance
[11] A Fundamentals Approach to (PV) Plant Capacity Testing, T.A. Dierauf, S. Kurtz, E. Riley, B. Bourne, EU PVSEC 2014 Paper 5AO_7_1_A.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.