TCVN
12816-1:2019
(ISO 16276-1:2007)
Corrosion protection of steel structures by protective paint systems - Assessment of, and acceptance criteria for, the adhesion/cohesion (fracture strength) of a coating - Part 1: Pull-off testing
Lời nói đầu
TCVN 12816-1:2019 hoàn toàn tương đương với ISO 16276-1:2007
TCVN 12816-1:2019 do Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải biên soạn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ Công bố.
Mục lục
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Nguyên lý
5 Dụng cụ và vật liệu
6 Cách tiến hành
7 Biểu thị kết quả
8 Tiêu chí nghiệm thu
9 Báo cáo thử nghiệm
Thư mục tài liệu tham khảo
Lời giới thiệu
Mục đích của TCVN 12816-1:2019 là đưa ra quy trình đánh giá tại hiện trường, tiêu chí nghiệm thu độ bám dính/lực cố kết của màng phủ.
Đề phù hợp với TCVN 12816-1:2019, có thể yêu cầu thử nghiệm trong phòng với các tẩm mẫu thử.
TCVN 12816-1:2019 đưa ra thuật ngữ “cường độ phá hủy” áp dụng cho cả độ bám dính và lực cố kết. Thuật ngữ “Độ bám dính” và “lực cố kết” được định nghĩa trong ISO 4618, trong khi các tiêu chuẩn Việt Nam về “Sơn và vecni” chỉ sử dụng thuật ngữ “Độ bám dính”.
CHÚ THÍCH: TCVN 12816-1:2019 sử dụng để đánh giá thử nghiệm kéo nhổ của hệ sơn trên kết cấu thép tại hiện trường. ISO 4624 quy định phương pháp thử kéo nhổ trong phòng thí nghiệm, không có hướng dẫn để làm làm sáng tỏ kết quả thử nghiệm và không có tiêu chí nghiệm thu / loại bỏ.
Thử nghiệm cường độ phá hủy thường gây ra phá hủy và cần phải sửa chữa sau khi thử nghiệm, quy mô thử nghiệm phụ thuộc vào chì dẫn kỹ thuật và độ bền lâu yêu cầu của hệ sơn bảo vệ.
Mục tiêu của TCVN 12816-1:2019 là đưa ra phương thức thống nhất về cách đánh giá cường độ phá hủy của màng phủ và thiết lập tiêu chí nghiệm thu / loại bỏ đối với hệ sơn bảo vệ. Phương pháp thử sử dụng thiết bị thử nghiệm đưa trên nguyên lý kéo nhổ.
Hệ sơn bảo vệ có độ bám dính/lực cố kết yếu sẽ xảy ra phá hủy tại giá trị cường độ phá hủy thấp hơn nhiều so với giá trị quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật.
Đối với hệ sơn bảo vệ có cường độ phá hủy riêng biệt, sẽ có một khoảng kết quả thử nghiệm từ các loại thiết bị thử nghiệm khác nhau.
Ghi rõ thiết bị thử nghiệm đối với cường độ phá hủy riêng biệt, giá trị kết quả thử nghiệm cao nhất không chứng tỏ hệ sơn bảo vệ đó có độ bền lâu cao hơn. Tương tự, các giá trị kết quả thử nghiệm cao đối với cường độ phá hủy riêng biệt không chứng tỏ hệ sơn bảo vệ đó có độ bền lâu cao.
SƠN BẢO VỆ KẾT CẤU THÉP - ĐÁNH GIÁ ĐỘ BÁM DÍNH CỦA LỚP PHỦ VÀ CÁC TIÊU CHÍ CHẤP NHẬN - PHẦN 1: PHÉP THỬ KÉO NHỎ (PULL-OFF)
Corrosion protection of steel structures by protective paint systems - Assessment of, and acceptance criteria for, the adhesion/cohesion (fracture strength) of a coating - Part 1: Pull-off testing
Tiêu chuẩn này quy định cách tiến hành đánh giá cường độ phá hủy của sơn bảo vệ trên nền thép có chiều dày không nhỏ hơn 10 mm. Quy trình trong tiêu chuẩn này sử dụng các loại thiết bị kéo nhổ khác nhau. Kết quả nhận được từ các thiết bị thử nghiệm khác nhau không so sánh được với nhau.
CHÚ THÍCH 1: Nền thép có chiều dày nhỏ hơn 10 mm có thể được thử nghiệm khi nền thép được gia cường bằng kỹ thuật sandwich (xem ISO 4624) hoặc bản thân kết cấu (ví dụ dẫm chữ I hoặc thanh giằng). Ngoài ra, có thể sử dụng tấm mẫu thử nghiệm có chiều dày không nhỏ hơn 10 mm được sơn giống với quy trình sơn trên kết cấu, hoặc sử dụng phương pháp thử trong TCVN 12816-2: 2019.
Tiêu chuẩn này chỉ được áp dụng khi có quy định về giá trị cường độ phá hủy, cùng với loại thiết bị thử nghiệm và nhà sản xuất thiết bị. Thông thường, thông tin này sẽ được đưa vào trong văn bản hợp đồng.
CHÚ THÍCH 2: Giá trị cường độ phá hủy chỉ có nghĩa khi các yêu cầu về điều kiện môi trường xung quanh (xem 6.4.2) được đáp ứng.
Tiêu chuẩn này quy định thiết bị phù hợp và định nghĩa vùng kiểm tra, kế hoạch lấy mẫu và tiêu chí chấp nhận/loại bỏ.
Tiêu chuẩn này không đưa ra các giá trị cường độ phá hủy của các loại sơn bảo vệ khác nhau.
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
ISO 4624, Paints and varnishes - Pull-off test for adhesion (Sơn và vecni - Phương pháp thử kéo nhổ độ dính bám);
ISO 12944-7, Paints and varnishes - Corrosion protection of steel structures by protective paint systems - Part 7: Execution and supervision of paint work (Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ - Phần 7: Thi công và giám sát sơn);
ISO 12944-8, Paints and varnishes - Corrosion protection of steel structures by protective paint systems - Part 8: Development of specifications for new work and maintenance (Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ - Phần 8: Xây dựng chỉ dẫn đối với thi công mới và bảo dưỡng);
ISO 19840, Paints and varnishes - Corrosion protection of steel structures by protective paint systems - Measurement of, and acceptance criteria for, the thickness of dry films on rough surfaces (Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ - Phép đo, tiêu chí nghiệm thu đối với chiều dày màng sơn khô trên bề mặt nhám).
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Cường độ phá hủy (fracture strength)
Lực yêu cầu để vượt qua lực liên kết:
- Giữa các lớp sơn hoặc giữa lớp sơn và nền (độ bám dính).
- Trong màng sơn (lực cố kết).
3.2
Độ bám dính (adhesion)
Lực gắn kết tại bề mặt phân chia giữa bề mặt chất rắn và vật liệu khác bằng lực phân tử.
CHÚ THÍCH: Độ bám dính không được nhầm lẫn với lực cố kết.
[Xem ISO 4618:2006]
3.3
Lực cố kết (cohesion)
Lực liên kết màng thành một khối nguyên.
CHÚ THÍCH: Lực cố kết không được nhầm lẫn với độ bám dính.
[Xem ISO 4618:2006]
3.4
Lớp sơn (coat)
Lớp liên tục của vật liệu sơn tạo ra từ một lần thi công.
[Xem ISO 4618:2006]
3.5
Màng sơn (coating)
Lớp liên tục tạo ra từ một hay nhiều lần thi công vật liệu sơn trên bề mặt nền.
[Xem ISO 4618:2006]
3.6
Vùng kiểm tra (inspection area)
Vùng được chỉ định áp dụng kế hoạch lấy mẫu có thể là toàn bộ hoặc lựa chọn một phần của kết cấu.
Các đầu đo được gắn trên màng sơn bằng keo dính phù hợp và gia lực để gây ra phá hủy. Lực phá hủy được đo bằng thiết bị thử nghiệm.
5 Thiết bị, dụng cụ và vật liệu
5.1 Thiết bị thử nghiệm kéo/kéo nhổ
Thiết bị thử nghiệm phù hợp với yêu cầu trong 6.1.6. Nhà sản xuất và kiểu thiết bị sử dụng phải được quy định hoặc theo sự thỏa thuận giữa các bên liên quan.
5.2 Đầu đo
Đầu đo được làm từ thép không gỉ hoặc hợp kim nhôm, có đường kính phù hợp (thường là 20 mm), có chiều dày phù hợp đảm bảo không biến dạng trong quá trình thử nghiệm và phù hợp với thiết bị thử nghiệm. Khuyến cáo chiều cao của đầu đo không được nhỏ hơn một nửa đường kính của đầu đo. Các bề mặt đầu cuối của đầu đo phải được gia công vuông góc với trục dọc của đầu đo.
5.3 Keo dán
Sử dụng keo dán phải phù hợp với đầu đo và hệ sơn bảo vệ, ví dụ như keo epoxy 2 thành phần, cyanoacrylate một thành phần (xem ISO 4624). Chú ý không sử dụng keo dán có thể phá hủy màng sơn hoặc thấm vào màng sơn.
5.4 Dụng cụ cắt tròn
Dụng cụ cắt có đường kính trong không được lớn hơn đường kính của đầu đo quá 2 mm.
6.1.1 Do phép thử kéo nhổ là phương pháp thử phá hủy, nên cần phải sửa chữa sau khi phép thử được thực hiện trên các kết cấu đã sơn.
CHÚ THÍCH: Để tránh phá hủy kết cấu đã sơn, có thể sử dụng tấm mẫu thử nghiệm thay thế (xem 6.4.2).
6.1.2 Kết quả của mỗi lần thực hiện bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thử nghiệm khác nhau. Có một số điều kiện thử nghiệm phổ biến đối với tất cả các quy trình như sau:
6.1.3 Đầu đo thử nghiệm được cung cấp với nhiều hình dạng và lực kéo nhổ có thể được cung cấp ở nhiều dạng như thủy lực, khí nén hoặc sử dụng hệ kéo - nén.
6.1.4 Sử dụng thiết bị đo được hiệu chuẩn. Khi yêu cầu có chứng chỉ hiệu chuẩn, cần phải kiểm tra tính hiệu lực và sự liên quan tới thiết bị sử dụng, ví dụ có cùng số seri.
CHÚ THÍCH: Việc điều chỉnh và hiệu chuẩn được thực hiện bởi nhà sản xuất hoặc một tổ chức có thẩm quyền.
6.1.5 Trước khi thử nghiệm, màng sơn mới được thi công phải được để khô/đóng rắn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khi không có khuyến cáo của nhà sản xuất, màng sơn phải được làm khô/đóng rắn ít nhất 10 ngày trong điều kiện thoáng khí và nhiệt độ của nền lớn hơn 15 °C và độ ẩm tương đối nhỏ hơn 80 % trước khi thử nghiệm.
CHÚ THÍCH 1: Sự lão hóa của màng sơn có thể ảnh hưởng tới kết quả thử nghiệm. Màng sơn mới thi công có thể có cường độ phá hủy nhỏ hơn so với các màng sơn đã được thi công trước đó từ 2 tháng hoặc 3 tháng. Nhiệt độ, độ ẩm và độ thoáng khí trong quá trình khô/đóng rắn của màng sơn cũng ảnh hưởng tới kết quả cường độ phá hủy nhận được.
CHÚ THÍCH 2: Khi màng sơn bị tác động bởi độ ẩm cao, hoặc nước, màng sơn sẽ hấp thụ nước có thể làm giảm cường độ phá hủy. Trong quá trình khô, cường độ sẽ tăng lên đến một giới hạn nhất định trừ khi màng sơn bắt đầu bị lão hóa hoặc đã xảy ra ăn mòn nền thép.
6.1.6 Tốc độ gia lực để nhổ đầu đo có ảnh hưởng tới cường độ phá hủy nhận được, ứng suất kéo nhổ phải vuông góc với mặt phẳng của nền đã sơn và phải tăng với tốc độ đồng nhất, không lớn hơn 1 MPa/s sao cho phá hủy xảy ra trong 90 s. Thiết bị thử nghiệm không đáp ứng các yêu cầu trên được coi là không phù hợp.
Tác dụng lực không ổn định và không đồng nhất sẽ gây ra sự phá hủy sớm của màng sơn và đưa ra các kết quả không chính xác.
CHÚ THÍCH: Các thiết bị vận hành thủ công sẽ không thể tạo ra tốc độ gia lực đồng nhất.
6.1.7 Khi đầu đo là loại được khoan 1 lỗ ở tâm, phải loại bỏ keo ở lỗ đó để nhận được kết quả tối ưu.
6.1.8 Khi kết cấu đã sơn được chế tạo từ thép cường độ cao, lúc thử nghiệm cần chú ý không gây ra phá hủy bề mặt thép. Sự hư hỏng bề mặt thép có thể gây ra phá hủy kết cấu do ảnh hưởng của ăn mòn.
6.2 Thử nghiệm hiện trường trên kết cấu đã sơn
Trước khi thử nghiệm, màng sơn bảo vệ mới được thi công phải làm khô/đóng rắn theo 6.1.5.
Cần theo dõi và báo cáo các thông số dưới đây trong khoảng 24 h trước khi thử nghiệm (sự biểu thị của các thông số ước lượng là đầy đủ), bao gồm:
- Điều kiện môi trường như nhiệt độ không khí và độ ẩm tương đối.
- Nhiệt độ bề mặt của kết cấu đã sơn.
- Tình trạng bề mặt (khô hay ướt).
Các thông số sau cần phải đo và báo cáo tại thời điểm thử nghiệm:
- Nhiệt độ môi trường.
- Độ ẩm tương đối,
- Nhiệt độ bề mặt của kết cấu đã sơn.
Khi bề mặt ướt, phải làm khô và dữ liệu đó phải được ghi lại trong báo cáo thử nghiệm (xem 6.1.5, Chú thích 2).
Trước khi sử dụng, kiểm tra thiết bị thử nghiệm và đảm bảo đang ở trong tình trạng hoạt động tốt.
Đo tốc độ gia lực để đảm bảo phù hợp với các yêu cầu.
Làm sạch bề mặt đầu đo và bề mặt màng sơn bảo vệ trước khi thử nghiệm. Quá trình làm sạch bao gồm cả việc tẩy bỏ dầu mỡ.
Để tăng độ bám dính giữa lớp keo và đầu đo, tránh hiện tượng đứt liên kết giữa lớp keo và đầu đo có thể tạo nhám bề mặt đầu đo (ví dụ bằng phương pháp phun tạo nhám) và bề mặt của màng sơn (ví dụ sử dụng giấy nhám mịn), càn làm sạch bề mặt sau khi tạo nhám.
Tạo lớp keo mỏng và đồng đều trên bề mặt đầu đo với lượng vừa đủ để đảm bảo độ bám dính tốt tới màng sơn. Tránh sử dụng quá nhiều keo, thi công keo không đồng đều có thể làm cho lực kéo nhổ không tác dụng vuông góc với bề mặt màng sơn.
Thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng keo khi sử dụng.
Cắt bề mặt màng sơn quanh đầu đo xuống tới nền thép, sử dụng loại dụng cụ cắt quy định trong 5.4 để tách vùng thử nghiệm với vùng màng sơn còn lại.
6.4.1 Quy định chung
Trong tiêu chuẩn này, phép đo được hiểu là có giá trị cường độ phá hủy đơn lẻ.
Thử nghiệm kéo nhổ có thể được thực hiện theo 2 cách:
- Thử nghiệm với màng sơn trên kết cấu.
- Sử dụng tấm mẫu thử nghiệm được thi công cùng thời điểm và giống với sơn trên kết cấu.
Phương pháp sử dụng tấm mẫu thử nghiệm chỉ được sử dụng khi có quy định hoặc có sự thống nhất giữa các bên liên quan.
6.4.2 Tấm mẫu sử dụng tại hiện trường
Tấm thép có kích thước ít nhất là 100 mm x 100 mm x 10 mm
CHÚ THÍCH 1: Để đạt được chiều dày yêu cầu, các tấm mẫu thử nghiệm có thể được dính lại với nhau để tạo ra một tấm tổ hợp có chiều dày ít nhất là 10 mm. Có thể áp dụng kỹ thuật sandwich trong ISO 4624.
Tấm mẫu thử nghiệm phải được chuẩn bị, sơn và để khô/đóng rắn trong cùng điều kiện và cùng phương thức thi công trên kết cấu và phải gắn lên một khu vực tại kết cấu. Có 2 phương pháp để ổn định mẫu đối với tấm mẫu thử nghiệm được mô tả dưới đây. Cần có sự chấp nhận của nhà sản xuất sơn khi có sự thay đổi về điều kiện ổn định mẫu. Việc lựa chọn phương pháp ổn định mẫu phải có sự thống nhất giữa các bên liên quan.
a) Tấm mẫu đã sơn được giữ tại hiện trường trong 1 ngày và sau đó đem đi bảo quản trong điều kiện chuẩn [(23 ± 2) °C, (50 ± 5) % độ ẩm tương đối] trong thời gian ít nhất 10 ngày trước khi thử nghiệm.
b) Tấm mẫu đã sơn được giữ tại hiện trường ít nhất 10 ngày. Điều kiện môi trường tại hiện trường phải phù hợp với khuyến cáo của nhà sản xuất sơn. Tại thời điểm cuối của chu kỳ đặt mẫu tại hiện trường, mẫu được đem về bảo quản trong điều kiện chuẩn [(23 ± 2) °C, (50 ± 5) % độ ẩm tương đối] trong khoảng thời gian ít nhất 16 h trước khi thử nghiệm.
Khi điều kiện môi trường yêu cầu tại hiện trường không phù hợp trong khoảng thời gian quy định, cần tư vấn của nhà sản xuất sơn. Nếu không có tư vấn của nhà sản xuất sơn, giải pháp đưa ra là lấy tấm mẫu từ hiện trường và bảo quản như quy trình a. Trong trường hợp này, không cần xem xét tới điều kiện môi trường.
CHÚ THÍCH 2: Sự khác biệt giữa 2 phương pháp dựa trên điều kiện môi trường để làm khô/đóng rắn màng sơn. Phương pháp a) đảm bảo chất lượng của quá trình chuẩn bị bề mặt, sơn và quá trình thi công sẽ được đánh giá. Phương pháp b) bao gồm cả ảnh hưởng của điều kiện môi trường đối với quá trình khô/đóng rắn của màng sơn.
6.4.3 Kế hoạch lấy mẫu
6.4.3.1 Giới thiệu chung
Kế hoạch lấy mẫu quy định số lượng phép thử thực hiện trên một vùng kiểm tra.
6.4.3.2 Vùng kiểm tra
Vùng kiểm tra được quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật dự án (xem ISO 12944-7 và ISO 12944-8). Trừ khi kết cấu được chia thành nhiều vùng kiểm tra riêng lẻ, toàn bộ kết cấu được coi là vùng kiểm tra để thực hiện phép thử.
CHÚ THÍCH: Khuyến cáo các khu vực có cường độ phá hủy quy định khó mà đạt được (ví dụ các khu vực khó tiếp cận để sơn) sẽ được coi như vùng kiểm tra riêng lẻ.
6.4.3.3 Số lượng phép thử nhỏ nhất
Số lượng phép thử nhỏ nhất được thực hiện ngẫu nhiên trên toàn bộ vùng kiểm tra để đánh giá cường độ phá hủy của màng sơn bảo vệ được đưa ra trong Bảng 1. Trong tiêu chuẩn này, số lượng phép thử đưa ra phải đại diện cho vùng kiểm tra. Phép thử cũng được áp dụng đối với các khu vực khó đạt được giá trị cường độ phá hủy theo quy định ví dụ như các khu vực khó tiếp cận để sơn (xem chú thích trong 6.4.3.2).
Bảng 1 - Số lượng phép thử nhỏ nhất trong một vùng kiểm tra
Diện tích vùng kiểm tra, m2 |
Số lượng phép thử |
≤ 1000 |
03 phép thử đối với mỗi vùng có diện tích 250 m2 hoặc đối với vùng có diện tích nhỏ hơn |
> 1000 |
12 phép thử, cộng thêm 1 phép thử đối với mỗi vùng có diện tích 1000 m2 tiếp theo hoặc vùng có diện tích nhỏ hơna |
a - Nên phân chia thành các vùng kiểm tra có diện tích nhỏ hơn |
Khi sử dụng tấm mẫu thử nghiệm, số lượng tấm thử nghiệm phải bằng số lượng phép thử tương ứng với vùng kiểm tra.
Kiểm tra ngoại quan của bề mặt bị phá vỡ để thiết lập bản chất của việc phá hủy, đánh giá kiểu dạng phá hủy như sau:
A - Dạng phá hủy cố kết của nền.
A/B - Dạng phá hủy bám dính giữa nền và lớp sơn thứ nhất (lớp lót).
B - Dạng phá hủy cố kết của lớp sơn thứ nhất.
B/C - Dạng phá hủy bám dính giữa lớp sơn thứ nhất và lớp sơn thứ 2.
C - Dạng phá hủy cố kết của lớp sơn thứ 2.
C/m - Dạng phá hủy bám dính giữa lớp sơn thứ 2 và lớp sơn thứ m của hệ sơn nhiều lớp.
m - Dạng phá hủy cố kết của lớp sơn thứ m của hệ sơn nhiều lớp.
m/n - Dạng phá hủy bám dính giữa lớp sơn thứ m và lớp sơn thứ n của hệ sơn nhiều lớp.
n/- - Dạng phá hủy bám dính giữa lớp sơn thứ n và lớp sơn phù ngoài cùng của hệ sơn nhiều lớp.
- - Dạng phá hủy cố kết của lớp sơn phủ ngoài cùng.
-/Y - Dạng phá hủy bám dính giữa lớp sơn phủ ngoài dùng và keo dán.
Y - Dạng phá hủy cố kết của keo dán.
Y/Z - Dạng phá hủy bám dính giữa keo dán và đầu đo.
Hình 1 mô tả bề mặt phân chia giữa đầu đo, keo dán, lớp sơn phủ ngoài cùng, lớp sơn trung gian, lớp lót và vật liệu nền.
Hình 1 - Mô tả các dạng phá hủy bám dính
Nếu kết quả đo của phép thử vượt qua giá trị quy định, thì thử nghiệm đó hợp lệ và không tính tới kiểu dạng phá hủy.
Khi giá trị phép đo đã vượt qua giá trị quy định trong quá trình thử nghiệm, có thể không cần tiếp tục thử nghiệm cho tới khi phá hủy xảy ra, trừ khi có các quy định khác trong chỉ dẫn kỹ thuật.
Nếu cường độ phá hủy nhỏ hơn giá trị quy định, sự hợp lệ của phép thử phải được xác định như sau:
- Nếu hơn 20 % vùng bề mặt của đầu đo thuộc dạng phá hủy của keo dán (dạng Y/Z, Y hoặc -/Y), thì phép thử không có hiệu lực và cần phải thực hiện lại.
- Trừ khi có quy định khác, các phép thử hợp lệ yêu cầu điều kiện ổn định phù hợp với ISO 4624 [(23 ± 2) °C, (50 ± 5) % độ ẩm tương đối trong ít nhất 16 h]. Khi các điều kiện yêu cầu không được đáp ứng, thử nghiệm trong phòng phù hợp với ISO 4624 sẽ được thực hiện để xác nhận lại kết quả.
Để xác định dạng phá hủy bám dính hoặc cố kết, vùng bề mặt của dạng phá hủy sẽ phải lớn hơn hoặc bằng 80 % vùng bề mặt của đầu đo.
Kết quả thử nghiệm phải được báo cáo theo từng kiểu phá hủy riêng lẻ, theo mô tả trong 6.5 và bao gồm phần trăm của dạng phá hủy bám dính và cố kết. Đưa ra các yêu cầu điều kiện ổn định phù hợp, các giá trị cường độ phá hủy phải được biểu thị theo đơn vị MPa hoặc theo số lượng phép thử có giá trị vượt qua giá trị cường độ quy định, tương ứng.
Để nghiệm thu một vùng kiểm tra, các tiêu chí dưới đây phải được đáp ứng đầy đủ:
a) Giá trị cường độ phá hủy đối với dạng phá hủy bám dính giữa nền và lớp lót (A/B) phải bằng hoặc lớn hơn giá trị quy định.
b) Khi thực hiện 10 phép đo hoặc nhiều hơn trên một vùng đo riêng lẻ, không có quá một phần mười kết quả cường độ phá hủy nằm giữa khoảng 20 % tới 60 % giá trị quy định.
c) Hai phần ba kết quả cường độ phá hủy đo được lớn hơn hoặc bằng giá trị quy định, với yêu cầu bổ sung là một phần ba giá trị đo còn lại lớn hơn hoặc bằng 60 % giá trị quy định.
Báo cáo thử nghiệm bao gồm các thông tin sau:
a) Tất các các thông tin cần thiết xác nhận hệ sơn thử nghiệm bao gồm số lô, chiều dày màng sơn (xác định theo ISO 19840), thời gian và điều kiện làm khô/đóng rắn, điều kiện môi trường trong 24 h trước khi thử nghiệm (xem 6.2);
b) Viện dẫn tiêu chuẩn này: [TCVN 12816-1:2019 (ISO 16276-1:2007)];
c) Các thông tin cần thiết xác nhận thiết bị thử nghiệm cường độ phá hủy sử dụng, cộng với dữ liệu hiệu chuẩn thiết bị để xác nhận sự phù hợp của thiết bị để thử nghiệm;
d) Tất cả các thông tin cần thiết xác nhận nền thử nghiệm;
e) Tất cả thông tin cần thiết mô tả quá trình chuẩn bị bề mặt vật liệu nền;
f) Keo dán sử dụng, thời gian và điều kiện làm khô/đóng rắn, bao gồm cả nhiệt độ xung quanh;
g) Tất cả thông tin cần thiết xác định vùng kiểm tra;
h) Quy định tiêu chí nghiệm thu đối với mỗi vùng kiểm tra đáp ứng hoặc không đáp ứng;
i) Kết quả của phép đo, biểu thị theo Điều 7 (bao gồm hình ảnh của bề mặt vùng thử và bề mặt đầu đo thử nghiệm);
j) Nhiệt độ môi trường, độ ẩm tương đối và nhiệt độ bề mặt của kết cấu đã sơn trong quá trình thử nghiệm (xem 6.2);
k) Ngày và thời gian thử nghiệm;
l) Tên người kiểm tra.
Thư mục tài liệu tham khảo
1. ISO 4618:2006, Paints and varnishes - Terms and definitions (Sơn và vecni - Thuật ngữ và định nghĩa)
2. ISO 12944-1, Paints and varnishes - Corrosion protection of steel structures by protective paint systems - Part 1: General introduction (Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ - Phần 1: Giới thiệu chung)
3. ISO 12944-2, Paints and varnishes - Corrosion protection of Steel structures by protective paint
systems - Part 2: Classification of environments (Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ - Phần 2: Phân loại môi trường)
4. ISO 12944-3, Paints and varnishes - Corrosion protection of steel structures by protective paint systems - Part 3: Design considerations (Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ - Phần 3: Các cân nhắc về thiết kế)
5. ISO 12944-4, Paints and varnishes - Corrosion protection of Steel structures by protective paint
systems - Part 4: Types of surface and surface preparation (Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ - Phần 4: Loại bề mặt và chuẩn bị bề mặt)
6. ISO 12944-5, Paints and varnishes - Corrosion protection of Steel structures by protective paint
systems - Part 5; Protective paint systems (Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ - Phần 5: Hệ sơn bảo vệ)
7. ISO 12944-6, Paints and varnishes - Corrosion protection of steel structures by protective paint
systems - Part 6: Laboratory performance test methods (Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ - Phần 6: Các phương pháp thử tính năng trong phòng thí nghiệm).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.