TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 12709-2-24:2024
QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH CÔN TRÙNG VÀ NHỆN NHỎ HẠI
THỰC VẬT
PHẦN 2-24: YÊU CẦU CỤ THỂ ĐỐI VỚI QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH NGÀI TÁO EPIPHYAS
POSTVITTANA WALKER
Procedure for diagnostic of insect and mite pests
Part 2-24: Particular requirements for diagnostic procedure of light brown
apple moth Epiphyas postvittana
Walker
Lời nói đầu
TCVN 12709-2-24:2024 do Cục Bảo vệ thực vật biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 12709 Quy trình giám định côn trùng và nhện nhỏ hại thực vật gồm các phần sau đây:
- TCVN 12709-1:2019. Phần 1: Yêu cầu chung
- TCVN 12709-2-1:2019. Phần 2-1: Yêu cầu cụ thể đối với mọt to vòi Caulophilus oryzae (Gyllenhal)
- TCVN 12709-2-2:2019. Phần 2-2: Yêu cầu cụ thể đối với mọt thóc Sitophilus granarius Linnaeus
- TCVN 12709-2-3:2019. Phần 2-3: Yêu cầu cụ thể đối với mọt cứng đốt (Trogoderma granarium Everts), mọt da vệt thận (Trogoderma inclusum Leconte) và mọt da ăn tạp (Trogoderma variable Ballion)
- TCVN 12709-2-4:2019. Phần 2-4: Yêu cầu cụ thể đối với rệp sáp vảy San Jose’ Diaspidiotus perniciosus (Comstock) Danzig
- TCVN 12709-2-5:2019. Phần 2-5: Yêu cầu cụ thể đối với ruồi đục quả giống Anastrepha
- TCVN 12709-2-6:2019. Phần 2-6: Yêu cầu cụ thể đối với ruồi đục quả giống Bactrocera
- TCVN 12709-2-7:2020. Phần 2-7: Yêu cầu cụ thể đối với vòi voi đục hạt xoài Sternochetus mangiferae (Fabricius)
- TCVN 12709-2-8:2020. Phần 2-8: Yêu cầu cụ thể đối với ruồi giấm cánh đốm Drosophila Suzukii (Matsumura)
- TCVN 12709-2-9:2020. Phần 2-9: Yêu cầu cụ thể đối với bọ trĩ hại đậu Caliothrips fasciatus (Pergande)
TCVN 12709-2-10:2020. Phần 2-10: Yêu cầu cụ thể đối với mọt lạc serratus Caryedon serratus Olivier
TCVN 12709-2-11:2020. Phần 2-11: Yêu cầu cụ thể đối với rệp sáp vảy đen Ross Lindingaspis rossi (Maskell)
TCVN 12709-2-12:2020. Phần 2-12: Yêu cầu cụ thể đối với nhện đỏ Chi lê Brevipalpus chilensis Baker
- TCVN 12709-2-13:2020. Phần 2-13: Yêu cầu cụ thể đối với ngài đục quả đào Carposina sasakii Matsumura
- TCVN 12709-2-14:2020. Phần 2-14: Yêu cầu cụ thể đối với ngài hại sồi dẻ Cydia latiferreana Walsingham và ngài đục quả óc chó Cydia pomonella Linnaeus
- TCVN 12709-2-15:2022. Phần 2-15: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định ngài hại quả Thaumatotibia leucotreta Meyrick
- TCVN 12709-2-16:2022. Phần 2-16: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định ruồi đục quả táo Rhagoletis pomonella Walsh
- TCVN 12709-2-17:2022. Phần 2-17: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định mọt đậu Mê-hi-cô Zabrotes subfasciatus (Boheman)
- TCVN 12709-2-18:2022. Phần 2-18: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định nhện nhỏ Thái Bình Dương Tetranychus pacificus McGregor
- TCVN 12709-2-19:2023. Phần 2-19: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định vòi voi đục quả mận Conotrachelus nenuphar (Herbst)
- TCVN 12709-2-20:2023. Phần 2-20: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định với rệp sáp vảy đỏ Tây Ấn Selenaspidus articulatus (Morgan)
- TCVN 12709-2-21:2023. Phần 2-21: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định ngài đục quả giống Grapholita
- TCVN 12709-2-22:2023. Phần 2-22: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định với ngài cải bắp Mamestra brassicae Linnaeus
- TCVN 12709-2-23:2023. Phần 2-23: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định ruồi đục quả ổi Bactrocera correcta Bezzi
- TCVN 12709-2-24:2024. Phần 2-24: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định ngài táo Epiphyas postvittana Walker
- TCVN 12709-2-25:2024. Phần 2-25: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định ngài củ khoai tây Phthorimaea operculella Zeller
- TCVN 12709-2-26:2024. Phần 2-26: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định bọ trĩ cam Nam Phi Scirtothrips aurantii Fauré
- TCVN 12709-2-27:2024. Phần 2-27: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định ruồi đục quả thuộc giống Ceratitis
QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH CÔN TRÙNG VÀ NHỆN NHỎ HẠI
THỰC VẬT
PHẦN 2-24: YÊU CẦU CỤ THỂ ĐỐI VỚI QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH NGÀI TÁO EPIPHYAS
POSTVITTANA WALKER
Procedure for diagnostic of insect and mite pests
Part 2-24: Particular requirements for diagnostic procedure of light brown
apple moth Epiphyas postvittana Walker
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định ngài táo Epiphyas postvittana Walker.
2 Tài liệu viện dẫn
Tài liệu viện dẫn dưới đây là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các phiên bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 12709-1:2019. Quy trình giám định côn trùng và nhện nhỏ hại thực vật - Phần 1: Yêu cầu chung.
3 Thiết bị, dụng cụ
Ngoài các thiết bị và dụng cụ thông thường sử dụng trong phòng thí nghiệm sinh học cần có thêm các thiết bị và dụng cụ sau:
3.1 Kính lúp soi nổi: có gắn máy ảnh kỹ thuật số và thước đo, có độ phóng đại từ 10 lần đến 40 lần.
3.2 Kính hiển vi: có gắn máy ảnh kỹ thuật số và thước đo, có độ phóng đại từ 40 lần đến 1 000 lần.
3.3 Tủ định ôn: có thể vận hành ở nhiệt độ từ 0 °C đến 50 °C.
3.4 Tủ sấy: có thể vận hành tối đa 300 °C.
3.5 Tủ lạnh: có thể vận hành từ -10 °C đến 5 °C.
3.6 Bàn gia nhiệt: có dải nhiệt từ 20 °C đến 100 °C.
3.7 Túi đựng mẫu
3.8 Ống tuýp nhựa có nắp
3.9 Hộp nhựa có nắp lưới: 1 cm2 có từ 630 mắt lưới đến 700 mắt lưới.
3.10 Dụng cụ thủy tinh: cốc thủy tinh có dung tích thích hợp: ống nghiệm thủy tinh có đường kính 2 cm; đĩa petri.
3.11 Bình thủy tinh chống ẩm
3.12 Lọ thủy tinh nút mài: có dung tích phù hợp.
3.13 Panh mềm
3.14 Kim côn trùng các số 1 và số 2: đầu nhọn và đầu gập (dạng chữ L).
3.15 Bút lông
3.16 Lam
3.17 Lamen
3.18 Hộp đựng tiêu bản lam
3.19 Đèn cồn
3.20 Giá định hình mẫu tiêu bản trưởng thành
4 Hoá chất
Chỉ sử dụng các hóa chất loại tinh khiết phân tích và nước cất, trừ khi có quy định khác.
4.1 Dung dịch Natri hydroxit (NaOH) 10 % hoặc Kali hydroxit (KOH) 10 %: cách chuẩn bị xem A.1 TCVN 12709-1:2019.
4.2 Dung dịch Hoyer’s: cách chuẩn bị xem A.15 TCVN 12709-1:2019.
4.3 Bôm Canada
4.4 Thymol
4.5 Dung dịch tổng hợp: cách chuẩn bị xem A.18 TCVN 12709-1:2019.
4.6 Dung dịch cồn Ethanol (C2H5OH) 70 %: cách chuẩn bị xem A.2 TCVN 12709-1:2019.
4.7 Keo bảo vệ tiêu bản lam
4.8 Dung dịch Formalin - glycerol (FG): cách chuẩn bị xem A.17 TCVN 12709-1:2019.
4.9 Ethyl acetate (CH3COOCH2CH3): chất giết côn trùng
5 Lấy mẫu và bảo quản mẫu
5.1 Lấy mẫu
- Lấy mẫu theo điều 5.1 TCVN 12709-1:2019.
- Thu các cá thể ở các giai đoạn phát dục (sâu non, nhộng, trưởng thành) phục vụ giám định:
+ Đối với sâu non: Kiểm tra hàng hóa là ký chủ (xem phụ lục A.3) có triệu chứng gây hại (xem phụ lục A.4) dưới kính lúp soi nổi (3.1) và bổ quả để thu bắt sâu non.
+ Thu cá thể nhộng: đối với mẫu hàng hóa nông sản trong quá trình bảo quản, vận chuyển, nhộng có thể tồn tại ở bên ngoài quả, vì vậy, có thể thu bắt nhộng bằng cách kiểm tra thùng/túi đựng quả và các khe kẽ của phương tiện vận chuyển. Các cá thể nhộng nghi là loài ngài táo Epiphyas postvittana Walker sẽ được chuyển về phòng thí nghiệm, tiếp tục theo dõi để thu trưởng thành phục vụ giám định.
5.2 Xử lý mẫu
- Mẫu hàng hóa nghi nhiễm ngài táo hoặc mẫu nhộng nghi là loài ngài táo Epiphyas postvittana Walker: đặt mẫu hàng hóa hoặc nhộng trên lớp cát hoặc đất sạch, khô bên trong hộp nhựa có nắp lưới (3.9), giữ ở nhiệt độ phòng. Phía ngoài hộp nhựa có dán nhãn ký hiệu mẫu và đặt trong các tủ đựng mẫu lưu ở điều kiện nhiệt độ phòng. Kiểm tra và theo dõi để thu cá thể trưởng thành.
- Đối với cá thể trưởng thành nghi là ngài táo: trước khi giám định hoặc bảo quản, cá thể trưởng thành được làm chết bằng phương pháp xử lý lạnh hoặc bằng lọ chứa Ethyl acetate (4.9).
+ Xử lý lạnh: trưởng thành thu được cho vào trong túi đựng mẫu (3.7) hoặc tuýp nhựa có nắp (3.9) giữ trong ngăn đá tủ lạnh (3.5) từ 1 giờ đến 3 giờ.
+ Xử lý bằng lọ chứa Ethyl acetate (4.9): trưởng thành thu được cho vào lọ chứa Ethyl acetate (4.9) đậy nắp kín để trong 2 giờ.
- Đối với sâu non nghi là sâu non của ngài táo: trước khi giám định hoặc bảo quản được làm chết bằng phương pháp xử lý lạnh hoặc xử lý bằng nước nóng.
+ Xử lý lạnh: sâu non thu được cho vào trong túi đựng mẫu (3.7) hoặc ống tuýp nhựa có nắp (3.8) giữ trong ngăn đá tủ lạnh (3.5) từ 1 giờ đến 3 giờ.
+ Xử lý bằng nước nóng: cho mẫu sâu non vào cốc thủy tinh (3.10) và đổ trực tiếp nước nóng 100 °C lên mẫu và giữ trong thời gian từ 3 phút đến 7 phút.
5.3 Bảo quản
- Đối với cá thể trưởng thành:
+ Các cá thể trưởng thành sau khi được xử lý bảo quản trong tủ sấy (3.4) ở nhiệt độ 40 °C đến 45 °C từ 5 ngày đến 7 ngày. Sau đó, chuyển mẫu vào lọ thủy tinh nút mài (3.12) đặt trong bình thủy tinh chống ẩm (3.11). Các mẫu được lưu giữ trong phòng tiêu bản có nhiệt độ dưới 20 °C, ẩm độ không khí không quá 50 % hoặc trong tủ định ôn (3.3).
+ Mẫu tiêu bản trưởng thành (điều 6.2.1) cắm trong hộp đựng tiêu bản và lưu giữ trong phòng tiêu bản có nhiệt độ dưới 20 °C, ẩm độ không khí không quá 50 % hoặc trong tủ định ôn (3.3).
- Đối với sâu non: các cá thể sâu non sau khi được xử lý được cho vào các lọ nút thủy tinh nút mài (3.12) chứa dung dịch Formalin - glycerol (FG) (4.8) hoặc dung dịch tổng hợp (4.5) hoặc dung dịch cồn Ethanol 70 % (4.6).
- Đối với mẫu tiêu bản lam: tiêu bản lam được dán nhãn, để trong hộp đựng tiêu bản lam (3.18) và giữ trong phòng tiêu bản có nhiệt độ dưới 20 °C, ẩm độ không khí không quá 50 %, hoặc trong tủ định ôn (3.3).
6 Giám định
Giám định ngài táo Epiphyas postvittana Walker bằng phương pháp quan sát các đặc điểm hình thái dưới kính lúp soi nổi (3.1) và kính hiển vi (3.2). Định loại đến loài đối với mẫu giám định là sâu non tuổi cuối và pha trưởng thành.
6.1 Pha sâu non
6.1.1 Trình tự giám định
- Quan sát hình thái sâu non dưới kính lúp soi nổi (3.1).
- So sánh các đặc điểm hình thái quan sát được với khóa phân loại của sâu non ngài táo Epiphyas postvittana Walker (điều 6.1.2).
6.1.2 Khóa định loại pha sâu non
- Khóa định loại đến loài của pha sâu non ngài táo Epiphyas postvittana Walker
1. Nhóm lông cứng SV trên mặt lưng đốt bụng A7 đến đốt bụng A9 có dạng 3, 2, 1 hoặc 2, 2, 2 hoặc 2, 2, 1; hàng lông cứng P và hàng lông cứng MD trên mảnh đầu tạo thành một góc tủ khoảng 100° đến 140° (hình 1a) không phải ................................. Epiphyas postvittana Walker
- Nhóm lông cứng SV trên mặt lưng đốt bụng A7 đến đốt bụng A9 có dạng 3, 2, 2; hàng lông cứng P và hàng lông cứng MD trên mảnh đầu tạo thành một đường thẳng hoặc một góc gần bằng 180° (hình 1b) ............................................................................................................ 2
2. Các lông cứng D1, D2, SD1 trên mặt lưng đốt bụng A9 thường mọc trên cùng một u lông không phải Epiphyas postvittana Walker
- Các lông cứng D1, D2, SD1 trên mặt lưng đốt bụng A9 mọc trên các u lông khác nhau ................................................................................................................................................3
3. Không có gai hậu môn dạng răng lược (AC) ....................................không phải Epiphyas postvittana Walker
- Có gai hậu môn dạng răng lược (AC), gai hậu môn dạng răng lược có từ 4 gai đến 10 gai ....................................4
4. Mỗi lông cứng D2 trên mặt lưng đốt bung A9 mọc trên một u lông riêng biệt và các u lông này cách xa nhau (hình 2) ............................................................ không phải Epiphyas postvittana Walker
- Các lông cứng D2 trên mặt lưng đốt bụng A9 cùng mọc trên một u lông hoặc trên các u lông ở gần nhau .....................................................................................................................................5
5. Các lông cứng D1, SD1 trên mặt lưng đốt bụng A9 mọc cùng trên một u lông (hình 3a) .......................................................................................không phải Epiphyas postvittana Walker
- Các lông cứng D1, SD1 trên mặt lưng đốt bụng A9 mọc trôn 2 u lông khác nhau (hình 3b) ................................................................................................................................................6
6. Trên mặt lưng đốt bụng A1 đến đốt bụng A8 có 1 lông cứng giữa lông cứng D và lông cứng SD .............................................................................. không phải Epiphyas postvittana Walker
- Trên mặt lưng đốt bụng A1 đến đốt bụng A8 không có lông cứng giữa lông cứng D và lông cứng SD ..................................................................................................................................7
7. Lông cứng D1 mọc ở nửa phía trước của phiến hậu môn (AS) (hình 3b) ................................. .................................................................................... không phải Epiphyas postvittana Walker
- Lông cứng D1 mọc ở nửa phía sau của phiến hậu môn (AS) .............................................8
8. Lông cứng D1, D2 trên mặt lưng đốt bụng A9 mọc trên cùng một u lông hoặc mọc trên 2 u lông gần nhau ...................................................................... không phải Epiphyas postvittana Walker
- Lông cứng D1, D2 trên mặt lưng đốt bụng A9 mọc trên các u lông khác nhau ....................... 9
9. Sâu non có các sọc màu sáng và tối xen kẽ, cơ thể có màu nâu đen hoặc nâu đỏ hoặc màu loang; phiến ngực và phiến hậu môn (AS) có họa tiết hoặc các đốm màu tối; mảnh đầu màu nâu đỏ, trên mảnh đầu có họa tiết màu tối .............................không phải Epiphyas postvittana Walker
- Sâu non có màu xanh nhạt hoặc màu xám nhạt; phiến ngực và phiến hậu môn (AS) thường có rìa màu tối; mảnh đầu thường có màu nâu nhạt, trên mảnh đầu có họa tiết màu nâu đen ....................................10
10. Trên mặt lưng đốt bụng A9, khoảng cách giữa 2 lông cứng D2 lớn hơn khoảng cách giữa 2 lông cứng D2 và D1 .....................................................không phải Epiphyas postvittana Walker
- Trên mặt lưng đốt bụng A9, khoảng cách giữa 2 lông cứng D2 nhỏ hơn khoảng cách giữa 2 lông cứng D2 và D1 ............................................................................................................11
11. Khoảng cách giữa 2 lông cứng V1 ở mặt bụng của đốt bụng A9 lớn hơn khoảng cách giữa 2 lông cứng V1 trên mặt lưng đốt bụng A7 và A8 .............không phải Epiphyas postvittana Walker
- Khoảng cách giữa 2 lông cứng V1 ở mặt bụng của đốt bụng A9 nhỏ hơn hoặc bằng với khoảng cách giữa 2 lông cứng V1 trên mặt lưng đốt bụng A7 và A8 .....................................................12
12. Sâu non đẫy sức có chiều dài nhỏ hơn 10 mm; lỗ thở trên đốt bụng A8 nằm trên mảnh kitin hóa cứng hình ô van..................................................... không phải Epiphyas postvittana Walker
- Sâu non đẫy sức có chiều dài lớn hơn 10 mm; lỗ thở trên đốt bụng A8 không nằm trên mảnh kitin hóa cứng .........................................................................................................................13
13. Phiến ngực và phiến hậu môn (AS) có rìa màu tối (hình 4): chân trước màu tối, hóa cứng; mấu hàm phía ngoài của mảnh hàm có dạng tròn (hình 5): lông cứng SD1 trên mặt lưng đốt bụng A8 phía trước lỗ thở ..................................................không phải Epiphyas postvittana Walker
- Phiến ngực và phiến hậu môn (AS) có màu sáng; chân trước màu sáng, hóa cứng; máu hàm phía ngoài của mảnh hàm có dạng răng cưa hoặc tiêu biến; lông cứng SD1 trên mặt lưng đốt bụng A8 không nằm phía trước lỗ thở ................................................................................14
14. Lông cứng D2 trên mặt lưng đốt bụng A9 thường mọc trên u lông có dạng thuôn dài hoặc tròn; cơ thể không có các đường chấm lõm chạy dọc; mấu hàm phía ngoài của mảnh hàm có hoặc không có răng cưa .............................................. không phải Epiphyas postvittana Walker
- Lông cứng D2 trên mặt lưng đốt bụng A9 thường mọc trên u lông có dạng yên ngựa; mảnh đầu có màu nâu nhạt, trên đầu có các chấm lõm màu nhạt (hình 6); cơ thể sâu non có 3 đường sọc (1 đường ở mặt lưng và 2 đường ở mặt bên), trên các đường sọc có các chấm lõm màu tối (hình 7), mấu hàm phía ngoài của mảnh hàm có răng cưa (hình 8).................................... Epiphyas postvittana Walker
a) Hàng lông cứng P1 và lông cứng MD tạo góc 100° đến 140° |
b) Hàng lông cứng P1 và lông cứng MD tạo góc 180° |
Hình 1 - Đầu sâu non [3]
Hình 2 - Vị trí lông cứng D2 trên đốt bụng A9 của sâu non [3]
a) Lông cứng D1 và SD1 mọc trên cùng 1 u lông |
b) Lông cứng D1 và SD1 mọc trên các u lông khác nhau |
Hình 3 - Vị trí lông cứng D1 và SD1 trên đốt bụng A9 của sâu non [3]
Hình 4 - Phiến hậu môn có rìa màu tối của sâu non [3] |
Hình 5 - Máu hàm phía ngoài của mảnh hàm có dạng tròn của sâu non [3] |
Hình 6 - Mảnh đầu sâu non có các điểm chấm lõm màu nhạt [3] |
Hình 7 - Sâu non ngài táo Epiphyas postvittana Walker [3] |
Hỉnh 8 - Mấu hàm phía ngoài của mảnh hàm sâu non non ngài táo Epiphyas postvittana Walker [3]
- Đặc điểm hình thái giám định đến loài của pha sâu non ngài táo Epiphyas postvittana Walker
Sâu non đẫy sức thường có màu xanh vàng, có thể biến đổi tùy thuộc cây ký chủ và tuổi sâu non. Sâu non tuổi một dài khoảng 1,6 mm; sâu non đẫy sức dài từ 10 mm đến 20 mm (hình 9).
Mặt lưng của sâu non các tuổi có màu đậm hơn. Phần đầu có màu nâu xám và phiến ngực của sâu non có màu tương tự như phần còn lại của cơ thể.
Mảnh đầu: khoảng cách giữa lông cứng AF2 và P1 bằng hoặc gần bằng với khoảng cách giữa lông cứng P1 và P2 (hình 10).
Đốt ngực trước: nhóm lông cứng L gồm 3 lông (L1, L2, L3) mọc trên cùng 1 u lông (hình 11).
Đốt bụng A1 đến A7: lông cứng L1, L2 mọc trên 1 u lông, phía dưới lỗ thở; lông cứng SD1 và SD2 mọc trên 2 u lông riêng biệt và sát cạnh nhau (hình 11).
Nhóm lông cứng sv trên đốt bụng A1, A2, A7, A8, A9 lần lượt là 3,3,3,2,2 (hình 11).
Đốt bụng A8: lông cứng L1 nằm phía trước lỗ thở (hình 11).
Đốt bụng A9: lông cứng D2 mọc trên u lông dạng yên ngựa; lông cứng D1 và SD2 mọc trên các u lông khác nhau. Nhóm lông cứng L cùng mọc trên một u lông. Khoảng cách giữa 2 lông cứng V1 bằng hoặc lớn hơn một chút so với khoảng cách giữa lông V1 trên đốt bụng A7 và A8 (hình 11).
Phiến hậu môn (AS) có màu xanh xám. Gai hậu môn dạng răng lược phát triển, có từ 7 gai đến 8 gai.
Hình 9 - Sâu non ngài táo Epiphyas postvittana Walker [7]
Hình 10 - Đầu sâu non ngài táo Epiphyas postvittana Walker [4]
Hình 11 - Sơ đồ vị trí lông cứng trên cơ thể sâu non ngài táo Epiphyas postvittana Walker [4]
6.2 Pha trưởng thành
6.2.1 Làm tiêu bản trưởng thành
Tiêu bản trưởng thành ngài táo được thực hiện theo phương pháp sau:
- Chuyển mẫu từ ngăn đá tủ lạnh (3.5) vào bình hút ẩm có chứa thymol (4.4) từ 6 giờ đến 12 giờ cho mẫu mềm.
- Cắm kim côn trùng đầu nhọn (3.14) trực tiếp vào giữa mảnh lưng ngực của trưởng thành (hình 12).
- Đặt trưởng thành vào giá định hình mẫu tiêu bản côn trùng (3.20). Dùng panh mềm (3.13) để căng cánh của trưởng thành, dùng giấy và kim côn trùng để giữ cố định cánh (hình 13).
Hình 12 - Vị trí cắm kim trên tấm lưng ngực giữa [5] |
Hình 13 - Cách định vị mẫu trưởng thành trên giá định hình mẫu [6] |
6.2.2 Làm tiêu bản lam cơ quan sinh dục của pha trưởng thành
Bước 1: Xử lý mẫu làm tiêu bản lam
- Dùng panh mềm (3.13) tách lấy phần bụng cá thể trưởng thành cần giám định đưa vào ống nghiệm thủy tinh (3.10) chứa 5 ml dung dịch Natri hydroxit (NaOH) 10 % hoặc Kali hydroxit (KOH) 10% (4.1) đun trên đèn cồn (3.19) từ 15 phút đến 20 phút (vừa đun vừa lắc ống nghiệm); hoặc cho mẫu vào cốc thủy tinh (3.10) có chứa 10 ml dung dịch Natri hydroxit (NaOH) 10 % hoặc Kali hydroxit (KOH) 10 % (4.1) đun trên bàn gia nhiệt ở 60 °C (3.6) từ 15 phút đến 20 phút.
- Vớt mẫu đã xử lý ra và đặt trên lam, nhỏ vào một giọt dung dịch Hoyer's (4.2) hoặc Bôm Canada (4.3) hoặc nước cất trên lam (3.16). Các thao tác thực hiện dưới kính lúp soi nổi (3.1).
Bước 2: Dùng kim côn trùng tách lấy bộ phận cần quan sát
- Tiêu bản Cơ quan sinh dục trưởng thành đực:
+ Dùng kim côn trùng đầu nhọn (3.14) và panh mềm (3.13) ấn vào phần cuối bụng, gạt nhẹ để cơ quan sinh dục trưởng thành đực trồi ra. Thao tác thực hiện trên đĩa petri (3.10).
+ Dùng kim côn trùng đầu nhọn (3.14) và panh mềm (3.13) tách láy cơ quan sinh dục trưởng thành đực.
- Tiêu bản cơ quan sinh dục trưởng thành cái:
+ Dùng kim côn trùng đầu nhọn (3.14) và panh mềm (3.13) xẻ màng đốt bụng dọc theo một bên sườn. Thao tác thực hiện trên đĩa petri (3.10).
+ Dùng kim côn trùng đầu nhọn (3.14) và panh mềm (3.13) tách riêng cơ quan sinh dục trưởng thành cái.
Bước 3: Chuyển bộ phận giải phẫu cần quan sát lên lam
+ Đặt lam (3.16) sạch dưới kính lúp soi nổi (3.1) và nhỏ 1 giọt dung dịch Hoyer’s (4.2) hoặc Bôm Canada (4.3) vào giữa lam (3.16).
+ Dùng kim côn trùng (3.14) và bút lông (3.15) chuyển bộ phận giải phẫu cần quan sát đã tách rời ở bước 2 lên giọt dung dịch Hoyer’s (4.2) hoặc Bôm Canada (4.3) và chỉnh tiêu bản trên lam.
Bước 4: Đặt lamen
Đặt lamen (3.17) tạo góc 45° với mặt phẳng lam, từ từ hạ xuống sao cho mẫu giữa lam và không có bọt khí. Dùng kim côn trùng đầu gập (3.14) ấn nhẹ lên lamen (3.17) để giữ mẫu và làm cho dung dịch tràn đều.
CHÚ THÍCH 1: Đối với tiêu bản soi ngay, tiêu bản lam sau khi hoàn thành được đặt trên bàn gia nhiệt (3.6) hoặc tủ sấy (3.4) làm khô ở 30 °C đến 45 °C trong 2 giờ. Sau đó lấy ra, để nguội và gắn keo bảo vệ tiêu bản lam (4.7).
CHÚ THÍCH 2: Đối với tiêu bản bảo quản trong thời gian dài, tiêu bản lam sau khi hoàn thành được đặt trên bàn gia nhiệt (3.6) hoặc tủ sấy (3.4) làm khô ở 30 °C đến 45 °C trong 4 tuần đến 6 tuần. Sau đó lấy ra để nguội, và gắn keo bảo vệ tiêu bản lam (4.7).
6.2.3 Trình tự giám định
- Quan sát hình thái trưởng thành dưới kính lúp soi nổi (3.1).
- Quan sát các tiêu bản lam dưới kính hiển vi (3.2).
- So sánh các đặc điểm hình thái quan sát được với khóa phân loại của trưởng thành loài ngài táo (điều 6.2.4).thuyvy15
6.2.4 Các đặc điểm hình thái giám định pha trưởng thành
- Khóa định loại đến loài của pha trưởng thành đực ngài táo Epiphyas postvittana Walker
1. Cánh trước có nếp gấp trên gân chính (hình 14a) ...................................................................2
- Cánh trước không có nếp gấp trên gân chính (hình 14b) .......... không phải Epiphyas postvittana Walker
2. Nếp gấp trên gân chính của cánh trước có dạng hình thoi; rìa của nếp gấp cong đều hoặc thẳng, không có các lông dài dạng vảy bao xung quanh (hình 15a); mảnh vỏ của cơ quan sinh dục trưởng thành đực có dạng thuôn dài, viền ngoài hóa cứng, rìa phía trên hơi lõm vào (hình 16a) .............................................................................. không phải Epiphyas postvittana Walker
- Nếp gấp trên gân chính của cánh trước có dạng ô van dài; rìa của nếp gấp tạo thành đường cắt; có các lông dài dạng vảy bao xung quanh (hình 15b); mảnh vỏ của cơ quan sinh dục trưởng thành đực có dạng ô van, viền ngoài không hóa cứng, rìa phía trên dạng thuôn (hình 16b) ................................................................................................................................................3
3. Gân R4+R5 trên cánh trước phát sinh từ một điểm của buồng cánh phụ, gân cánh có cuống dài hoặc ngắn ...............................................................không phải Epiphyas postvittana Walker
- Gân R4+R5 trên cánh trước phát sinh từ các điểm khác nhau của buồng cánh phụ, gân cánh thường nhỏ và không có cuống ..................................................................................................4
4. Cơ thể có màu xám nhạt với những mảng màu nâu xám; nếp gấp trên gân chính của cánh trước bắt đầu từ giữa cánh (hình 17a); mấu phía đỉnh cơ quan sinh dục trưởng thành đực thường kéo dài và hơi cong, mảnh vỏ của cơ quan sinh dục trưởng thành đực xoắn lại với nhau (hình 18a) ...................................................................... không phải Epiphyas postvittana Walker
- Cơ thể có màu nâu nhạt hoặc hơi vàng; nếp gấp trên gân chính của cánh trước bắt đầu từ gốc cánh (hình 17b); mấu phía đỉnh cơ quan sinh dục trưởng thành đực có hình ô van; mảnh vỏ của cơ quan sinh dục trưởng thành đực dạng dẹt (hình 18b) .............................. Epiphyas postvittana Walker
Hình 14 - Cánh trước trưởng thành đực [3]
Hình 15 - Nếp gấp trên gân chính của cánh trước trưởng thành đực [3]
Hình 16 - Mảnh vỏ của cơ quan sinh dục trưởng thành đực [3]
Hình 17 - Cánh trước trưởng thành đực [3]
Hình 18 - Cơ quan sinh dục trưởng thành đực [3]
- Khóa định loại đến loài của pha trưởng thành cái ngài táo Epiphyas postvittana Walker
1. Gân R4+R5 trên cánh trước tạo thành dạng chạc ba (hình 19a) .................................... .................................................................................... không phải Epiphyas postvittana Walker
- Gân R4+R5 trên cánh trước không tạo thành dạng chạc ba (hình 19b) ..................................2
2. Đốt bụng thứ 8 không hóa cứng; không có dạng gờ cong không phải Epiphyas postvittana Walker
- Đốt bụng thứ 8 hóa cứng; có dạng gờ cong (hình 20) ............................................................. 3
3. Mấu dạng thùy trên ống đẻ trứng cong gập hoặc xoắn lại; mặt bụng của cuống đính có cặp mấu dạng móc (hình 21); gân R5 trên cánh trước không kéo dài tới đỉnh cánh ............................ ....................................................................................... không phải Epiphyas postvittana Walker
- Mấu dạng thùy trên ống đẻ trứng không cong gập hoặc xoắn lại; gân R5 trên cánh trước kéo dài tới đỉnh cánh .........................................................................................................................4
4. Cánh sau có hàng lông cứng dạng răng lược (cp) trên gân chính của cánh hoặc một đường lông cứng dạng vảy dựng thẳng dọc theo phần gốc của gân Của kéo dài tới trước phần gốc của gân CuA2 hoặc một dải lông cứng dạng vảy ở 2 bên của gân CuP (hình 22) .............. không phải Epiphyas postvittana Walker
- Cánh sau không có hàng lông dạng lược ................................................................................5
5. Phía cuối bụng, xung quanh ống đẻ trứng có chùm lông cứng dạng vảy dài ............................. ...................................................................................... không phải Epiphyas postvittana Walker
- Phía cuối bụng, xung quanh ống đẻ trứng không có chùm lông cứng dạng vảy dài .................6
6. Túi bao không có gai ............................................... không phải Epiphyas postvittana Walker
- Túi bao có gai ............................................................................................................................7
7. Ống dẫn tinh có dạng ống rất dài, hóa cứng nhẹ ........không phải Epiphyas postvittana Walker
- Ống dẫn tinh dài không có ống dạng dài, không hóa cứng ........................................................8
8. Mép trên của cánh trước không có dạng lượn sóng hơi vát chéo về phía đỉnh cánh ................ ...................................................................................... không phải Epiphyas postvittana Walker
- Mép trên của cánh trước có dạng lượn sóng hơi vát chéo về phía đỉnh cánh; ống dẫn tinh mảnh, thẳng hoặc cuộn xoắn; gai trong túi bao cong và hóa cứng (hình 23); cánh trước có màu vàng sáng hoặc nâu, trên cánh có các dải màu tối (Hình 24a) hoặc có các đốm màu tối (hình 24b) ...............................................................................................Epiphyas postvitiana Walker
Hình 19 - Cánh trước trưởng thành cái [3]
Hình 20 - Đốt bụng 8 hóa cứng [3] |
Hình 21- Cơ quan sinh dục trưởng thành cái [3] |
Hình 22 - Hàng lông cứng trên cánh sau trưởng thành cái [3] |
Hình 23 - Cơ quan sinh dục trưởng thành cái ngài táo Epiphyas postvittana Walker[3] |
Hình 24 - Trưởng thành cái ngài táo Epiphyas postvittana Walker [3]
6.4 Kết luận
Mẫu giám định được kết luận là loài ngài táo Epiphyas postvittana Walker khi mẫu sâu non hoặc mẫu trưởng thành có đặc điểm hình thái phù hợp với các đặc điểm đã nêu ở điều 6.1.2 hoặc 6.2.4.
7 Báo cáo kết quả
Nội dung phiếu kết quả giám định gồm những thông tin cơ bản sau:
- Thông tin về mẫu giám định.
- Phương pháp giám định
- Kết quả giám định: tên khoa học của loài
- Người giám định/cơ quan giám định
Phiếu kết quả giám định chi tiết tham khảo phụ lục B TCVN 12709-1:2019.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Thông tin chung
A.1 Tên khoa học và vị trí phân loại
- Tên khoa học: Epiphyas postvittana Walker
- Tên tiếng Việt: ngài táo
- Vị trí phân loại:
Ngành |
: Arthropoda (Chân khớp) |
Lớp |
: Insecta (Côn trùng) |
Bộ |
: Lepidoptera (Cánh vảy) |
Họ |
: Tortricidae |
Giống |
: Epiphyas |
A.2 Phân bố
Trong nước: chưa có ở Việt Nam.
Trên thế giới:
Châu Âu: Cộng hòa Bồ Đào Nha, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Alien;
Châu Đại Dương: Ôxtrâylia, Niu Calêđônia, Niu Dilân;
Châu Mỹ: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
A.3 Ký chủ
Họ Actinidiaceae: Actinidia chinensis (Chinese gooseberry);
Họ Amaranthaceae: Amaranthus cruentus (red amaranth), Amaranthus hybridus (smooth pigweed); Họ Asteraceae: Arctotheca calendula (capeweed), Aster subulatus, Carduus nutans (nodding thistle), Chrysanthemum morifolium (chrysanthemum (florists')), Conyza canadensis (Canadian fleabane), Taraxacum (dandelion);
Họ Betulaceae: Alnus glutinosa (European alder);
Họ Brassicaceae: Brassica oleracea var. gemmifera (Brussels sprouts), Raphanus raphanistrum (wild radish), Sisymbrium officinale (Hedge mustard);
Họ Buxaceae: Buxus sempervirens (common boxwood);
Họ Cannabaceae: Humulus lupulus (hop);
Họ Caprifoliaceae: Abelia grandiflora (Glossy abelia); Lonicera japonica (Japanese honeysuckle), Viburnum plicatum;
Họ Celastraceae: Euonymus japonicus (Japanese spindle tree);
Họ Chenopodiaceae: Chenopodium album (fat hen);
Họ Commelinaceae: Tradescantia fluminensis (wandering Jew);
Họ Cucurbitaceae: Cucurbita (pumpkin);
Họ Ebenaceae: Diospyros (malabar ebony);
Họ Ericaceae: Arctostaphylos densiflora, Vaccinium (blueberries), Vaccinium corymbosum (blueberry);
Họ Fabaceae: Acacia (wattles), Acacia baileyana (cootamundra wattle), Acacia latifolia, Acacia longifolia (golden wattle), Acacia melanoxylon (Australian blackwood), Acacia riceana, Carmichaelia, Cassia corymbosa, Clianthus puniceus, Cytisus multiflorus, Cytisus scoparius (Scotch broom), Lotus corniculatus (bird's-foot trefoil), Lotus uliginosus (greater lotus), Lupinus (lupins), Lupinus albus (white lupine), Lupinus angustifolius (narrow-leaf lupin), Lupinus arboreus (tree lupin (UK)), Lupinus luteus (yellow lupin), Genista (broom), Genista monspessulana (Montpellier broom), Hardenbergia violacea, Laburnum anagyroides (laburnum), Lathyrus (Vetchling), Lathyrus odoratus (sweet pea), Pisum sativum (pea), Medicago lupulina (black medick), Medicago polymorpha (bur clover), Medicago sativa (lucerne), Phaseolus vulgaris (common bean), Trifolium (clovers), Trifolium arvense, Trifolium campestre (Hop trefoil), Trifolium dubium (yellow suckling clover), Trifolium fragjferum (strawberry clover), Trifolium glomeratum, Trifolium pratense (red clover), Trifolium repens (white clover), Trifolium subterraneum (subterranean clover), Trifolium tomentosum, Tulbaghia violacea, Ulex europaeus (gorse), Vicia (vetch), Vicia faba (faba bean), Vicia faba var. major (broad bean), Vicia hirsuta (hairy tare (UK)), Vicia sativa (common vetch), Vicia villosa (hairy vetch), Wisteria, Wisteria sinensis (Chinese wisteria), Senna multiglandulosa;
Họ Geraniaceae: Pelargonium zonale (horseshoe pelargonium), Pelargonium (pelargoniums);
Họ Grossulariaceae: Ribes (currants), Ribes nigrum (blackcurrant), Ribes sanguineum (Flowering currant);
Họ Hydrangeaceae: Hydrangea macrophylla (French hydrangea);
Họ Juglandaceae: Juglans nigra (black walnut);
Họ Kerriidae: Kerria japonica (Japanese kerria);
Họ Lamiaceae: Mentha arvensis (Corn mint), Mentha piperita (Peppermint), Salvia leucantha (Mexican bush sage), Lavandula stoechas, Rosmarinus officinalis (rosemary);
Họ Lauraceae: Persea americana (avocado);
Họ Liliaceae: Asparagus setaceus (asparagus fern), Hemerocallis (daylilies);
Họ Lithomyrtus: Acca sellowiana, Feijoa sellowiana (Horn of plenty), Myrtus communis (myrtle);
Họ Melastomataceae: Tibouchina urvilleana (princessflower);
Họ Malvaceae: Alcea rosea (Hollyhock);
Họ Moraceae: Ficus pumila (creeping fig);
Họ Myrtaceae: Eucalyptus, Eucalyptus obliqua (messmate stringybark), Eucalyptus pauciflora (cabbage gum);
Họ Oleaceae: Ligustrum japonicum (Japanese privet), Ligustrum vulgare (common privet), Osmanthus fragrans, Jasminum (jasmine);
Họ Papaveraceae: Romneya coulteri;
Họ Pittosporaceae: Pittosporum tobira (Japanese pittosporum), Sollya heterophylla;
Họ Plantaginaceae: Plantago lanceolata (ribwort plantain);
Họ Podocarpaceae: Podocarpus gracilior, Podocarpus macrophyllus (Long-leaf podocarpus), Polygonum capitatum (pinkhead smartweed);
Họ Polygonaceae : Rumex acetosa (sour dock), Rumex acetosella (sheep's sorrel), Rumex crispus (curled dock), Rumex obtusifolius (broad-leaved dock), Rumex pulcher;
Họ Plumbaginaceae: Ceratostigma plumbaginoides;
Họ Proteaceae: Grevillea rosmarinifolia;
Họ Ranunculaceae: Clematis vitalba (old man's beard);
Họ Rhamnaceae: Ceanothus (white-thorn);
Họ Rosaceae: Cotoneaster, Cotoneaster coriaceus, Cotoneaster frigidus, Crataegus (hawthorns), Crataegus monogyna (hawthorn), Crataegus rhipidophylla (Midland hawthorn), Duchesnea indica (India mockstrawberry), Eriobotrya japonica (loquat), Fragaria ananassa (strawberry), Fragaria moschata, Chaenomeles japonica (Japanese quince), Cydonia oblonga (quince), Malus (ornamental species apple), Malus baccata (Siberian crab apple), Malus domestica (apple), Photinia fraseri, Photinia glabra, Prunus (stone fruit), Prunus amygdalus, Prunus armeniaca (apricot), Prunus avium (sweet cherry), Prunus campanulata (Taiwan cherry), Prunus cerasifera (myrobalan plum), Prunus cerasus (sour cherry), Prunus domestica (plum), Prunus laurocerasus (cherry laurel), Prunus persica (peach), Prunus persica var. nucipersica (nectarine), Prunus serrulata (Japanese flowering cherry), Pyracantha angustifolia (Narrow- leaf firethorn), Pyrus (pears), Pyrus bretschneideri (yali pear), Pyrus communis (European pear), Pyrus pyrifolia (Oriental pear tree), Pyrus ussuriensis (amur pear) Rhaphiolepis indica, Rhaphiolepis umbellata (Yedda hawthorne), Rosa (roses), Rosa canina (Dog rose), Rosa rubiginosa (sweet briar), Rubus (blackberry, raspberry), Rubus fruticosus (blackberry), Rubus idaeus (raspberry), Rubus occidentalis (black raspberry), Rubus parvus, Spiraea arguta;
Họ Rutaceae: Citrus, Citrus limon (lemon). Citrus sinensis (sweet orange), Fortunella japonica (round kumquat);
Họ Salicaceae: Populus (poplars), Populus nigra (black poplar), Salix fragilis (crack willow);
Họ Sapindaceae: Litchi chinensis (lichi);
Họ Saxifragaceae: Heuchera sanguinea;
Họ Solanaceae: Solanum tuberosum (potato);
Họ Theaceae: Camellia japonica (camellia), Camellia sasanqua (Sasanqua);
Họ Verbenaceae: Aloysia citrodora (lemon verbena);
Họ Vitaceae: Parthenocissus inserta, Vitis (grape), Vitis vinifera (grapevine).
A.4 Triệu chứng
Sâu non tuổi nhỏ nằm trong lớp kén và ăn mặt dưới của lá, sâu non của những tuổi lớn có thể gấp các lá lại với nhau, tạo thành ổ từ nhiều lá, hoặc kết lá với quả thành ổ sau đó ăn trên bề mặt quả.
A.5 Đặc điểm sinh học
Sâu non của loài ngài táo Epiphyas postvittana Walker phát triển chậm ở khoảng nhiệt độ dưới 7,5 °C và khoảng nhiệt độ trên 31 °C.
Theo kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học, tại ôxtrâylia loài ngài táo Epiphyas postvittana Walker có từ 3 thế hệ đến 4 thế hệ trong một năm và có 4 thế hệ trong một năm tại miền Bắc Niu Dilân. Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ được từ 3 trứng đến 150 trứng, thời gian phát triển của trứng là khoảng 8 ngày ở 20 °C (thời gian phát triển của trứng sẽ kéo dài hơn nếu nhiệt độ thấp). Vào mùa đông, sâu non phát triển rất chậm. Đa số sâu non trú đông ở tuổi 2, tuổi 3 và tuổi 4.
Trưởng thành của loài ngài táo Epiphyas postvittana Walker có khả năng bay xa. Ngoài ra chúng cũng được ghi nhận là phát tán thông qua các bộ phận thực vật, bao gồm cả các cây táo được vận chuyển từ ôxtrâylia sang Niu Dilân và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Alien.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] CABI, 2023. Invasive Species Compendium
https://www.cabi.org/isc/datasheet/54204. Ngày truy cập 11/8/2023.
[2] IPPC, 2006. ISPM 27 Diagnostic protocols for regulated pests
[3] John S. Dugdale, 2005. A Diagnostic Guide to Tortricidae Encountered in Field Surveys & Quarantine Inspections in New Zealand: Morphological and Molecular Characters. MAF, National Plant Pest Reference Laboratory, 2005.
[4] John W. Brown, Marc E. Epstein, Todd M. Gilligan, Steven C. Passoa and Jerry A. Powell, 2010. Biology, Identification, and History of the Light Brown Apple Moth, Epiphyas postvittana (Walker) (Lepidoptera: Tortricidae: Archipini) in California: An Example of the Importance of Local Faunal Surveys to Document the Establishment of Exotic Insects. American Entomologist, 2010. Volume 56, Number 1.
[5] Lars Krogmann & Joachim Holstein, 2010. Preserving and Specimen Handling: Insects and other Invertebrates.
[6] http://www.entomologa.ru/outline/277.htm. Ngày truy cập 11/8/2023.
[7] https://www.ukmoths.org.uk/species/epiphyas-postvittana/larva/. Truy cập ngày 11/8/2023
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.