THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT - KHẢO NGHIỆM HIỆU LỰC SINH HỌC TRÊN ĐỒNG RUỘNG
Pesticides - Bio-efficacy field trials
Mục lục
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Các yêu cầu về khảo nghiệm
4.1 Yêu cầu chung
4.2 Phương pháp khảo nghiệm
4.2.1 Diện tích ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
4.2.2 Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong khảo nghiệm
4.2.3 Phương pháp điều tra
4.2.4 Yêu cầu về điểm điều tra theo m2
4.3 Tính toán số liệu
4.4 Đánh giá ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến cây trồng
5 Cách tiến hành khảo nghiệm
5.1 Thuốc trừ sâu
5.2 Thuốc trừ bệnh
5.3 Thuốc trừ cỏ
5.4 Thuốc trừ tuyến trùng
5.5 Thuốc điều hòa sinh trưởng
5.5.1 Cây lúa
5.5.2 Cây lương thực khác
5.5.3 Cây rau, cây công nghiệp ngắn ngày
5.5.4 Cây thuốc lá, thuốc lào
5.5.5 Dâu tây
5.5.6 Cây ăn quả
5.5.7 Cây cao su
5.5.8 Cây chè
5.5.9 Cây công nghiệp dài ngày khác
5.5.10 Cỏ sân golf
5.5.11 Cây hoa, cây cảnh
5.6 Thuốc khử trùng đất, xử lý hạt giống, xử lý khi chưa xuất hiện sinh vật gây hại
5.7 Thuốc trừ chuột
5.8 Thuốc trừ ốc
5.8.1 Ốc bươu vàng
5.8.2 Ốc sên, sên trần hại cây trồng cạn
5.9 Thuốc trừ mối
5.9.1 Mối hại công trình xây dựng
5.9.2 Mối hại đê, đập
5.9.3 Mối hại cây trồng
5.10 Thuốc dùng trong khử trùng
5.10.1 Thuốc trừ côn trùng trong kho
5.10.2 Bảo quản bằng phương pháp xông hơi
5.10.3 Thuốc sử dụng khử trùng kho
5.11 Thuốc dùng trong bảo quản
5.11.1 Bảo quản ngũ cốc các loại (Lúa, ngô,...)
5.11.2 Bảo quản rau, trái cây
5.11.3 Thuốc ủ chín trái cây, thuốc làm chậm quá trình chín trái cây
5.11.4 Thuốc bảo quản lâm sản
5.12 Thuốc dẫn dụ, xua đuổi côn trùng, pheromon và các thuốc có phương thức tác động tương tự
5.13 Chất phụ trợ (chất trải, chất tăng cường bám dính, tăng hiệu lực...)
6 Phương pháp xử lý số liệu
7 Báo cáo kết quả khảo nghiệm
7.1 Thông tin chung
7.2 Căn cứ và yêu cầu của khảo nghiệm
7.3 Điều kiện thực hiện khảo nghiệm
7.4 Phương pháp khảo nghiệm
7.5 Kết quả thực hiện khảo nghiệm
7.6 Nhận xét kết quả khảo nghiệm
Phụ lục A (Quy định) Bảng 1 - Nội dung công việc khảo nghiệm đối với thuốc trừ sâu
A.1 Cây lương thực
A.1.1 Cây lúa
A.1.2 Cây ngô
A.1.3 Khoai lang
A.1.4 Cây sắn (khoai mì)
A.2 Cây rau, cây công nghiệp ngắn ngày
A.2.1 Cây họ hoa thập tự
A.2.2 Cây họ cà
A.2.3 Cây họ bầu bí
A.2.4 Cây họ đậu
A.2.5 Cây họ hành
A.2.6 Các loại rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả khác (rau gia vị, rau muống, rau dền, rau mông tơi, ngót, chùm ngây...)
A.2.7 Cây khoai môn, khoai sọ, khoai mỡ
A.2.8 Cây dược liệu
A.2.9 Cây thuốc lá thuốc lào
A.2.10 Cây vừng
A.2.11 Cây bông vải
A.2.12 Cây mía
A.2.13 Cây chuối
A.3 Cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày
A.3.1 Cây có múi
A.3.2 Cây ăn quả dạng thân leo, thân bò (nho, chanh dây, ..)
A.3.3 Cây dâu tây
A.3.4 Cây nhãn, vải
A.3.5 Cây thanh long
A.3.6 Cây xoài, chôm chôm, bơ, sầu riêng
A.3.7 Cây mít
A 3.8 Cây mắc ca
A.3.9 Cây ca cao
A.3.10 Cây ăn quả khác (Na, ổi, đu đủ....)
A.3.11 Cây cà phê
A.3.12 Cây hồ tiêu
A.3.13 Cây điều
A.3.14 Cây chè
A.4 Cỏ sân golf
A. 5 Cây hoa, cây cảnh
Phụ lục B (Quy định) Bảng 2 - Nội dung công việc khảo nghiệm đối với thuốc trừ bệnh
B.1 Cây lương thực
B.1.1 Cây lúa
B.1.2 Cây ngô
B.1.3 Khoai lang
B.1.4 Cây sắn (khoai mì)
B.2 Cây rau và cây công nghiệp ngắn ngày
B.2.1 Cây họ hoa thập tự
B.2.2 Cây họ cà
B.2.3 Cây họ bầu bí
B.2.4 Cây họ đậu
B.2.5 Cây họ hành
B.2.6 Các loại rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả khác (rau gia vị, rau muống, rau dền, rau mồng tơi, rau ngót, chùm ngây...)
B.2.7 Cây khoai môn, khoai sọ, khoai mỡ
B.2.8 Nhóm cây dược liệu
B.2.9 Cây thuốc lá, thuốc lào
B.2.10 Cây vừng
B.2.11 Cây gừng
B.2.12 Cây chuối
B.3 Cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày
B.3.1 Cây có múi
B.3.2 Cây ăn quả dạng thân leo, thân bò (nho, chanh leo ...)
B.3.3 Cây dâu tây
B.3.4 Cây nhãn vải
B.3.5 Cây thanh long
B.3.6 Xoài, chôm chôm, bơ, sầu riêng
B.3.7 Cây mít
B.3.8 Mắc ca
B.3.9 Ca cao
B.3.10 Cây dừa
B.3.11 Cây ăn quả khác (Na, ổi, đu đủ, ...)
B.3.12 Cây cà phê
B.3.13 Cây hồ tiêu
B.3.14 Cây điều
B.3.15 Cây cao su
B.3.16 Cây quế
B.3.17 Cây chè
B.4 Cỏ sân golf
B.5 Cây hoa cây cảnh
Phụ lục C (Quy định) Một số chỉ tiêu chất lượng
Phụ lục D (Tham khảo) Một số phương pháp bố trí khảo nghiệm ngoài đồng ruộng Thư mục tài liệu tham khảo
Lời nói đầu
TCVN 12561:2022 thay thế TCVN 12561:2018.
TCVN 12561:2022 do Cục Bảo vệ thực vật biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT - KHẢO NGHIỆM HIỆU LỰC SINH HỌC TRÊN ĐỒNG RUỘNG
Pesticides - Bio-efficacy field trials
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp khảo nghiệm đánh giá hiệu lực sinh học của thuốc bảo vệ thực vật.
Tiêu chuẩn này có thể áp dụng đối với khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng mới, đối tượng sinh vật gây hại mới có phương thức gây hại tương tự như đối tượng sinh vật gây hại hoặc cây trồng cùng nhóm, họ đã được quy định trong tiêu chuẩn này.
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có):
TCVN 4331:2001, Thức ăn chăn nuôi - Xác định hàm lượng chất béo.
TCVN 5366:1991, Sản phẩm rau quả - Xác định hàm lượng chất khô bằng phương pháp làm khô dưới áp suất thấp và xác định hàm lượng nước bằng phương pháp chưng cất đẳng phí.
TCVN 7771:2007, Sản phẩm rau, quả - Xác định chất rắn hòa tan - Phương pháp khúc xạ.
TCVN 7983:2008, Gạo - Xác định tỷ lệ thu hồi tiềm năng từ thóc và từ gạo lật.
TCVN 8227:2009, Mối gây hại công trình đê, đập - Định loại, xác định đặc điểm sinh học, sinh thái học và đánh giá mức độ gây hại.
TCVN 8372: 2010, Gạo trắng - Xác định tỷ lệ trắng trong, trắng bạc và độ trắng bạc.
TCVN 8479: 2010, Công trình đê, đập - Yêu cầu kỹ thuật khảo sát mối, một số ẩn họa và xử lý mối gây hại.
TCVN 8480: 2010, Công trình đê, đập - Yêu cầu về thành phần, khối lượng khảo sát và xử lý mối gây hại.
TCVN 8977:2011, Thực phẩm - Xác định Vitamin C bằng sắc ký lồng hiệu năng cao (HPLC).
TCVN 9017:2011, Quả tươi - Phương pháp lấy mẫu trên vườn sản xuất.
TCVN 9683:2013, Hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng nguyên hạt hoặc dạng bột - Xác định hàm lượng Piperin - Phương pháp đo quang phổ.
TCVN 9723:2013, Cà phê và sản phẩm cà phê - Xác định hàm lượng Cafein bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) - Phương pháp chuẩn.
TCVN 10753:2015, Thuốc bảo quản gỗ - Phương pháp xác định hiệu lực với nấm hại gỗ Basidiomycetes.
TCVN 10754:2015, Thuốc bảo quản gỗ - Phương pháp xác định hiệu lực bảo quản gỗ tại bãi thử tự nhiên.
TCVN 11888:2017, Gạo trắng.
Trong tiêu chuẩn này, sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:
3.1
Khảo nghiệm hiệu lực sinh học (Bio-efficacy trials)
Xác định hiệu lực phòng, trừ sinh vật gây hại hoặc điều hòa sinh trưởng đối với cây trồng (bao gồm cả sự an toàn đối với cây trồng).
3.2
Thuốc bảo vệ thực vật sinh học (Biological pesticide product)
Thành phần hữu hiệu là vi sinh vật sống hoặc chất có nguồn gốc từ vi sinh vật, thực vật, động vật.
3.3
Thuốc bảo vệ thực vật hóa học (Chemical pesticide product)
Thành phần hoạt chất là các chất hóa học vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp.
3.4
Mật độ sinh vật gây hại (Pest density)
Số lượng cá thể loài sinh vật gây hại trên một đơn vị diện tích, trên một cây hoặc một bộ phận của cây trồng được điều tra.
3.5
Tỷ lệ bệnh (Disease rate)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ phổ biến của bệnh trên cây trồng tại trên ô khảo nghiệm được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm (%).
3.6
Chỉ số bệnh (Disease index)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ bệnh trên cây trồng trên ô khảo nghiệm được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm (%), phụ thuộc vào mức độ phổ biến của bệnh và tần suất xuất hiện của mỗi cấp độ bệnh theo thang điểm quy định.
3.7
Tỷ lệ hại (Damage rate)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ phổ biến của triệu chứng hại do sinh vật gây hại gây ra cho cây trồng trên ô khảo nghiệm được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm (%).
3.8
Chỉ số hại (Damage index)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ bị hại trên cây trồng trên ô khảo nghiệm được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm (%), phụ thuộc vào mức độ phổ biến của triệu chứng hại do sinh vật gây hại gây ra và tần suất xuất hiện của mỗi cấp độ hại theo thang điểm quy định.
3.9
Công thức khảo nghiệm (Treatments)
Công thức dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật dự định khảo nghiệm ở các nồng độ, liều lượng khác nhau hoặc theo cách sử dụng khác nhau.
3.10
Công thức so sánh (Reference treatments)
Công thức dùng một loại thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ đối tượng sinh vật gây hại hoặc điều hòa sinh trưởng trên cây trồng định khảo nghiệm đã được đăng ký trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam [4].
CHÚ THÍCH: Trường hợp đối tượng sinh vật gây hại, cây trồng cần khảo nghiệm chưa có trong Danh mục thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có cùng hoạt chất hoặc nhóm hoạt chất hoặc cùng cơ chế tác động với thuốc bảo vệ thực vật định khảo nghiệm đã được đăng ký trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam [4].
Trường hợp không lựa chọn được thuốc so sánh thì tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm và không bố trí thử nghiệm công thức so sánh.
3.11
Công thức đối chứng (Untreated control)
Công thức không dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào trừ các trường hợp quy định tại 4.1.
3.12
Khảo nghiệm diện hẹp (Small scale)
Diện tích ô nhỏ, có nhắc lại (trừ trường hợp quy định ở 5.7 và 5.12).
3.13
Khảo nghiệm diện rộng (Large scale)
Diện tích ô lớn, không nhắc lại.
3.14
Khảo nghiệm đặc thù (Special scale)
Khảo nghiệm có diện tích ô khảo nghiệm, phương pháp bố trí khảo nghiệm, phương pháp điều tra khác biệt một phần hoặc toàn bộ so với các nội dung quy định ở 4.2.1, 4.2.2, 4.2.3.
CHÚ THÍCH: Khảo nghiệm đặc thù trong tiêu chuẩn này bao gồm các khảo nghiệm quy định ở 5.6, 5.7, 5.8, 5.9, 5.10, 5.11, 5.12, 5.13.
Khảo nghiệm hiệu lực sinh học thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo:
- Điều kiện thời vụ và thời tiết tại thời điểm tiến hành khảo nghiệm phải thích hợp với sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại là đối tượng khảo nghiệm.
- Khảo nghiệm thực hiện tại các khu vực đại diện cho vùng sản xuất.
- Điều kiện canh tác (đất, phân bón, giống cây trồng, mật độ trồng, chế độ chăm sóc) phải đồng đều trên toàn khu khảo nghiệm và phù hợp với tập quán sản xuất tại địa phương.
- Trong thời gian khảo nghiệm không được dùng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào cùng nhóm với thuốc khảo nghiệm trên khu khảo nghiệm (bao gồm cả các công thức khảo nghiệm và dải phân cách).
- Trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ các sinh vật gây hại khác, thuốc bảo vệ thực vật được dùng phải không làm ảnh hưởng đến thuốc bảo vệ thực vật cần khảo nghiệm, không làm ảnh hưởng đến đối tượng khảo nghiệm và phải được phun rải đều trên tất cả các ô khảo nghiệm, kể cả ô đối chứng. Các trường hợp trên nếu có phải được ghi chép lại.
- Khi xử lý thuốc bảo vệ thực vật không để thuốc ở ô khảo nghiệm này tạt sang ô khảo nghiệm khác.
4.2.1 Diện tích ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp: Diện tích của mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu 30 m2 đối với nhóm cây lương thực, cây rau, cây hoa, cây dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây chè, cây ăn quả dạng thân leo và thân bò hoặc tối thiểu 5 cây (nọc, trụ, chậu)[1] đối với nhóm cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, cây hoa, cây cảnh trồng theo chậu (giò) hoặc đơn vị tương đương, cây thân gỗ lớn (mật độ trồng nhỏ hơn 1000 cây/ha).
Khảo nghiệm diện hẹp có số lần nhắc lại tối thiểu là 3 lần. Các ô khảo nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ (tham khảo D.1 Phụ lục D).
Khảo nghiệm diện rộng: Diện tích của mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu là 300 m2 đối với nhóm cây lương thực, rau, cây hoa, cây dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây chè, cây ăn quả dạng thân leo và thân bò hoặc tối thiểu 16 cây (nọc, trụ, chậu) đối với nhóm cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, cây hoa, cây cành trồng theo chậu (giò) hoặc đơn vị tương đương, cây thân gỗ lớn (mật độ trồng nhỏ hơn 1000 cây/ha).
Khảo nghiệm diện rộng không nhắc lại. Các ô khảo nghiệm được bố trí theo kiểu tuần tự hoặc ngẫu nhiên (tham khảo D.2, D.3 Phụ lục D).
Đối với khảo nghiệm trên cây ăn quả, cây dược liệu và cây công nghiệp, cây lâm nghiệp trong giai đoạn vườn ươm, diện tích ô khảo nghiệm như khảo nghiệm trên cây công nghiệp ngắn ngày.
Giữa các công thức khảo nghiệm phải có dải phân cách tối thiểu 1,0 m hoặc 1 hàng cây, khu khảo nghiệm cách bờ tối thiểu 1,0 m hoặc 1 hàng cây hoặc có biện pháp che chắn để đảm bảo khi xử lý thuốc không bị tạt từ công thức này sang công thức khác.
CHÚ THÍCH: Những quy định trên có thể không áp dụng cho những khảo nghiệm đặc thù.
4.2.2 Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong khảo nghiệm
4.2.2.1 Liều lượng và lượng nước thuốc bảo vệ thực vật
Khối lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng được tính bằng kilôgam hoặc lít (gam hoặc mililít) thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm trên đơn vị diện tích 1 ha. Khảo nghiệm trên cây ăn quả, cây làm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày và cây thân gỗ lớn (mật độ trồng nhỏ hơn 1000 cây/ha) lượng thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm được quy đổi ra nồng độ phần trăm (%) với các thuốc bảo vệ thực vật pha với nước để phun.
Đối với dạng thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm pha với nước để phun, lượng nước thuốc bảo vệ thực vật dùng phải phù hợp với từng loại thuốc, loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng của cây cũng như thiết bị phun thuốc và phải được phun đều trên các ô khảo nghiệm.
4.2.2.2 Thời điểm và số lần xử lý thuốc
Tùy theo mục đích khảo nghiệm, các đặc tính hoá học, phương thức tác động của thuốc, tùy theo đặc điểm sinh trưởng của cây trồng, đặc điểm sinh trưởng của sinh vật gây hại để chọn thời điểm xử lý phù hợp.
Số lần xử lý thuốc bảo vệ thực vật hóa học để khảo nghiệm là 1 lần, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có thể nhiều hơn 1 lần (nhưng không quá 3 lần).
Những đối tượng sinh vật gây hại hoặc thuốc bảo vệ thực vật có cơ chế tác động đặc thù như các loại bệnh hại trên hoa (bông) mà thời điểm xử lý trước khi hoa (bông) nở, trỗ, các loại bệnh do vi khuẩn, vi rút gây hại, bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại cây tiêu, bệnh xì mù (chảy gôm), bệnh chết ẻo hại cây trồng, tuyến trùng, các thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng có thể được xử lý nhiều hơn 1 lần (không quá 2 lần) và phải đảm bảo sự thống nhất số lần phun ở tất cả các khảo nghiệm.
CHÚ THÍCH: Những quy định trên có thể không áp dụng cho những khảo nghiệm đặc thù.
4.2.3 Phương pháp điều tra
Khảo nghiệm diện hẹp: Mỗi công thức khảo nghiệm điều tra 5 điểm (trên 2 đường chéo góc) đối với cây lương thực, cây rau, cây hoa, cây cành, cây dược liệu, cây chè, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả dạng thân leo và thân bò, hoặc 3 cây đối với cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, cây hoa, cây cảnh trồng theo chậu (giò), cây thân gỗ lớn (mật độ trồng nhỏ hơn 1000 cây/ha).
Khảo nghiệm diện rộng: Mỗi công thức khảo nghiệm điều tra 10 điểm ngẫu nhiên phân bố đều trong ô khảo nghiệm đối với cây lương thực, cây rau, cây hoa, cây cảnh, cây chè, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả dạng thân leo và thân bò, hoặc 5 cây đối với cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, cây hoa, cây cảnh trồng theo chậu (giò), cây thân gỗ lớn (mật độ trồng nhỏ hơn 1000 cây/ha).
Các điểm điều tra cách mép ô khảo nghiệm tối thiểu 1 m (trừ cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày.
Số lượng mẫu điều tra tại từng điểm, từng cây điều tra được quy định chi tiết tại mục 5.
CHÚ THÍCH: Những quy định trên có thể không áp dụng cho những khảo nghiệm đặc thù.
4.2.4 Yêu cầu về điểm điều tra theo m2
Điểm điều tra 0,2 m2: điểm điều tra có kích thước chiều dài, chiều rộng lần lượt là 0,5 m và 0,4 m.
Điểm điều tra 0,5 m2: điểm điều tra có kích thước chiều dài, chiều rộng lần lượt là 1,0 m và 0,5 m.
Điềm điều tra 1 m2: điểm điều tra cỏ kích thước chiều dài, chiều rộng lần lượt là 1 m và 1 m.
Điểm điều tra 9 m2: điểm điều tra có kích thước chiều dài, chiều rộng lần lượt là 3 m và 3 m.
4.3.1 Mật độ sinh vật gây hại, được tính bằng công thức
4.3.2 Tỷ lệ bệnh, tỷ lệ hại, được tính bằng công thức
4.3.3 Chỉ số bệnh, chỉ số hại, được tính bằng công thức
Trong đó:
N1 là số lượng (dảnh, lá, cành, quả, cây ...) bị bệnh, bị hại ở cấp 1;
N2 là số lượng (dảnh, lá, cành, quà, cây ...) bị bệnh, bị hại ở cấp 2;
N3 là số lượng (dảnh, lá, cành, quà, cây ...) bị bệnh, bị hại ở cấp 3;
...
Nn là số lượng (dảnh, lá, cành, quả, cây ...) bị bệnh, bị hại ở cấp n.
N là tổng số (dảnh, lá, cành, quả, cây ...) điều tra. n là cấp bệnh, cấp hại cao nhất.
CHÚ THÍCH: Phân cấp bị bệnh, bị hại (cấp 1, cấp 2, cấp 3.... cấp n) được quy định tại phụ lục A, B.
4.3.4 Tỷ lệ cây chết, được tính bằng công thức
4.3.5 Hiệu lực của thuốc
4.3.5.1 Công thức Henderson - Tilton
Trong đó:
E: Hiệu lực của thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm, tính bằng phần trăm (%);
Ta: Mật độ sinh vật gây hại còn sống ở công thức có xử lý thuốc thuốc bảo vệ thực vật tại thời điểm điều tra sau xử lý;
Tb: Mật độ sinh vật gây hại còn sống ở công thức có xử lý thuốc bảo vệ thực vật tại thời điểm điều tra trước xử lý;
Ca: Mật độ sinh vật gây hại còn sống ở công thức đổi chứng tại thời điểm điều tra sau xử lý;
Cb: Mật độ sinh vật gây hại còn sống ở công thức đối chứng tại thời điểm điều tra trước xử lý.
4.3.5.2 Công thức Abbott
Trong đó:
E: Hiệu lực của thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm, tính bằng phần trăm (%);
Ca: Mật độ sinh vật gây hại còn sống ở công thức đổi chứng tại thời điểm điều tra sau xử lý thuốc bảo vệ thực vật;
Ta: Mật độ sinh vật gây hại còn sống ở công thức khảo nghiệm tại thời điểm điều tra sau xử lý thuốc bảo vệ thực vật;
4.3.5.3 Thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng
Đánh giá hiệu lực của thuốc bảo vệ thực vật căn cứ vào tỷ lệ % tăng năng suất, chất lượng nông sản so với công thức đối chứng.
4.3.5.4 Công thức xác định hiệu lực của thuốc trừ chuột
Trong đó:
E: Hiệu lực của thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm, tính bằng phần trăm (%);
A: Chỉ số hoạt động của chuột sau khi xử lý thuốc bảo vệ thực vật;
B: Chỉ số hoạt động của chuột trước khi xử lý thuốc bảo vệ thực vật.
4.3.5.5 Công thức Schneider - Orelli xác định hiệu lực của thuốc trừ ốc bươu vàng
Trong đó:
E: Hiệu lực của thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm, tính bằng phần trăm (%);
b: Tỷ lệ ốc chết ở ô xử lý thuốc bảo vệ thực vật tính bằng phần trăm (%);
k: Tỷ lệ ốc chết ở ô đối chứng không xử lý thuốc bảo vệ thực vật tính bằng phần trăm (%);
4.4 Đánh giá ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến cây trồng
Đánh giá ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng theo thang phân cấp:
Cấp |
Triệu chứng nhiễm độc. |
1 |
Cây không có biểu hiện ngộ độc. |
2 |
Ngộ độc nhẹ, sinh trưởng của cây có biểu hiện suy giảm khi quan sát kỹ. |
3 |
Có triệu chứng ngộ độc dễ dàng quan sát bằng mắt. |
4 |
Triệu chứng ngộ độc ở mức độ trung bình, cây có thể phục hồi và không ảnh hưởng năng suất. |
5 |
Cây biến màu, thuốc bắt đầu gây ảnh hưởng đến năng suất. |
6 |
Cây cháy lá, thuốc ảnh hưởng đến năng suất ở mức độ nhẹ. |
7 |
Thuốc gây ảnh hưởng đến năng suất ở mức độ trung bình. |
8 |
Triệu chứng ngộ độc tăng dần tới làm chết từng phần của cây, ảnh hưởng năng suất ở mức độ nặng. |
9 |
Cây bị chết hoàn toàn. |
Trong quá trình khảo nghiệm nếu cây bị ngộ độc thì theo dõi đến khi cây phục hồi và ghi rõ thời gian phục hồi.
Trường hợp cây không phục hồi thì tiếp tục theo dõi đến khi thu hoạch.
Thời điểm điều tra: ảnh hưởng thuốc đối với cây trồng ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc. Đối với thuốc trừ cỏ xử lý ở sau gieo, trồng, cấy từ 0 đến dưới 10 ngày hoặc thuốc xử lý hạt giống, xử lý đất thì điều tra ở 3, 7, 14 ngày sau xử lý thuốc (trừ 5.3 và 5.9.3).
Nội dung công việc khảo nghiệm đối với thuốc trừ sâu được quy định trong Phụ lục A.
Nội dung công việc khảo nghiệm đối với thuốc trừ bệnh được quy định trong Phụ lục B.
a) Thời điểm xử lý
- Thuốc trừ cỏ được xử lý ở một trong các trường hợp sau:
- Xử lý thuốc trước khi trồng, ngay sau khi trồng, ngay sau khi làm sạch cỏ hoặc sau trồng dưới 10 ngày (khi cỏ từ 1 đến 2 lá).
- Xử lý thuốc sau khi gieo, trồng từ 10 ngày (khi cỏ từ 3 đến 5 lá).
- Xử lý thuốc ở thời điểm cỏ phát triển mạnh (chiều cao cây cỏ từ 20 cm đến 25 cm).
b) Chỉ tiêu theo dõi
- Thành phần của các loài cỏ thuộc các nhóm cỏ (nhóm cỏ hòa thảo, nhóm cỏ năn lác, nhóm cỏ lá rộng).
- Mức độ phổ biến của các nhóm cỏ.
- Mật độ các nhóm cỏ.
- Khối lượng cỏ tươi của các nhóm cỏ.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
c) Phương pháp điều tra
- Thành phần của các loài cỏ thuộc các nhóm có trên khu khảo nghiệm: bằng kinh nghiệm, hình thái cỏ dại, so sánh tranh ảnh cỏ, tài liệu phân loại, liệt kê các loài cỏ có trên khu thí nghiệm.
- Mức độ phổ biến của các loài cỏ theo các cấp (+ ít phổ biến: tỷ lệ chiếm nhỏ hơn 10% trong tổng số các loài cỏ: ++ trung bình: tỷ lệ chiếm từ 10% đến 70% trong tổng số các loài cỏ và +++ phổ biến: tỷ lệ chiếm lớn hơn 70% trong tổng số các loài cỏ).
- Mật độ cỏ: Mỗi điểm dùng khung kích thước 0,4 m x 0,5 m, dùng dao rạch trong phạm vi khung cắt những cây cỏ bò lan từ trong khung hoặc ngược lại, 1 cây cỏ được tính bao gồm đầy đủ các phần lá cỏ, thân cỏ và rễ cỏ. Tiến hành phân theo nhóm rồi đếm số lượng của từng nhóm cỏ ở trong khung.
- Khối lượng cỏ tươi: Mỗi điểm dùng khung kích thước 0,4 m x 0,5 m, dùng dao rạch trong phạm vi khung cắt những cây cỏ bò lan từ trong khung hoặc ngược lại sau đó nhổ toàn bộ số cỏ có trong khung, rũ sạch đất. Ngay sau khi thu mẫu về cần thả các mẫu cỏ vào nước ngâm 1 giờ cho cỏ tươi trở lại. Phân thành các nhóm cỏ chính đếm số lượng cá thể và cân khối lượng cỏ tươi.
d) Thời điểm điều tra
- Xử lý thuốc trước khi trồng, ngay sau khi trồng, ngay sau khi làm sạch cỏ hoặc trồng dưới 10 ngày: điều tra mật độ cỏ ở 15, 30, 45 ngày sau xử lý thuốc đối với cây lúa hoặc 10, 20, 30 ngày sau xử lý thuốc đối với các cây trồng khác. Thành phần và mức độ phổ biển của các nhóm cỏ, khối lượng cỏ tươi điều tra ở kỳ điều tra cuối cùng.
- Xử lý thuốc sau khi gieo, trồng, cấy từ 10 ngày trở lên, xử lý khi cỏ đang phát triển mạnh: điều tra mật độ cỏ trước xử lý và 10, 20, 30 ngày sau xử lý thuốc. Thành phần và mức độ phổ biến của các nhóm cỏ, khối lượng cỏ tươi điều tra ở kỳ điều tra cuối cùng.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng: điều tra ở 3, 7, 14 ngày sau xử lý nếu xử lý thuốc trước khi trồng, ngay sau khi trồng, ngay sau khi làm sạch cỏ hoặc gieo, trồng, cấy dưới 10 ngày. Điều tra ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc nếu xử lý sau gieo, trồng, cấy từ 10 ngày trở lên.
e) Công thức tính hiệu lực của thuốc
Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Abbott (xem 4.3.4.2) dựa trên khối lượng cỏ tươi của các nhóm cỏ tại thời điểm điều tra cuối cùng.
a) Thời điểm xử lý
Thuốc được xử lý khi tuyến trùng xuất hiện, gây hại (thường xử lý vào đầu mùa mưa khi thời tiết thuận lợi cho tuyến trùng phát triển mạnh) hoặc trước; ngay sau khi trồng.
b) Chỉ tiêu theo dõi
- Mật độ tuyến trùng trong đất (con/100 gam).
- Mật độ tuyến trùng trong rễ hoặc thân, hoặc lá hoặc bộ phận bị tuyến trùng gây hại (con/ 5 gam),
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
c) Phương pháp điều tra
- Mỗi điểm (cây) điều tra tiến hành lấy 100 gam đất trong vùng tán cây và 5 gam rễ hoặc thân hoặc lá (phần mô thực vật bị tuyến trùng gây hại).
Gộp các mẫu của các điểm điều tra để lấy mẫu trung bình (mẫu đất, mẫu rễ, thân, lá để riêng) và đếm số tuyến trùng còn sống.
Các mẫu phải được bảo quản tốt trong quá trình vận chuyển để có thể cho kết quả tốt.
d) Thời điểm điều tra
- Điều tra mật độ tuyến trùng ở trước xử lý thuốc và 20 ngày sau xử lý thuốc. Trường hợp xử lý trước khi trồng hoặc ngay khi trồng (khi tuyến trùng chưa xuất hiện) thì không phải điều tra chỉ tiêu mật độ tuyến trùng trong rễ hoặc thân, hoặc lá hoặc bộ phận bị tuyến trùng gây hại ở trước xử lý.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 3, 7, 14 ngày sau xử lý thuốc.
e) Công thức tính hiệu lực của thuốc
Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Henderson - Tilton (xem 4.3.4.1) hoặc công thức Abbott (xem 4.3.4.2).
5.5 Thuốc điều hòa sinh trưởng
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Chiều cao cây lúa.
- Mức độ đổ ngã.
- Số bông/m2.
- Số hạt/bông, tỷ lệ hạt chắc.
- Khối lượng 1000 hạt.
- Năng suất lúa.
- Chỉ tiêu chất lượng: Tỷ lệ gạo nguyên, tỷ lệ trắng trong/trắng bạc của gạo và tỷ lệ thu hồi gạo xay.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Chiều cao cây lúa (cm): Mỗi điểm chọn cố định 5 khóm mỗi khóm chọn 1 dành cao nhất đối với lúa cấy và 5 dành cố định đối với lúa sạ. Đo chiều cao từ mặt đất đến chóp lá hoặc chóp bông.
- Mức độ đổ ngã điều tra theo thang phân cấp:
Cấp 1: Cây cứng khỏe hoàn toàn không đổ ngã.
Cấp 3: Cây tương đối khỏe, hầu hết cây còn đứng.
Cấp 5: Hầu hết cây bị nghiêng.
Cấp 7: Cây yếu, hầu hết cây ngã rạp.
Cấp 9: Cây rất yếu, tất cả cây đều ngã rạp.
- Số bông/m2: Mỗi điểm dùng 1 khung 0,4 m x 0,5 m và đếm số bông có trong khung.
- Số hạt/bông, tỷ lệ hạt chắc: Mỗi điểm điều tra 2 khóm đối với lúa cáy hoặc 10 bông đối với lúa sạ. Đếm tổng số hạt, số hạt chắc rồi tính toán số liệu ra số hạt trên bông, tỷ lệ hạt chắc (%).
- Khối lượng 1000 hạt (g): Loại bỏ hạt lép, cân 50 gam hạt, đếm số hạt có trong 50 gam rồi tính toán số liệu ra khối lượng 1000 hạt.
- Năng suất lúa: Mỗi điểm thu hoạch 1 m2 (đối với diện hẹp) hoặc 9 m2 (đối với diện rộng). Phơi khô (độ ẩm 13%), quạt sạch, cân khối lượng rồi tính toán số liệu ra năng suất (tấn/ha).
- Chỉ tiêu chất lượng: Mỗi công thức lấy tối thiểu 300 gam hạt thóc để phân tích các chỉ tiêu chất lượng.
d) Thời điểm điều tra:
- Chiều cao cây ở trước xử lý và khi lúa trỗ hoàn toàn.
- Các chỉ tiêu khác: khi thu hoạch.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây lúa ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Chiều cao cây hoặc chiều dài dây (đối với cây khoai lang)
- Khối lượng trung bình củ (bắp).
- Năng suất.
- Chỉ tiêu chất lượng: Hàm lượng tinh bột.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Chiều cao cây (cm): Mỗi điểm điều tra 4 cây cố định. Đo chiều cao từ mặt đất đến đỉnh sinh trưởng hoặc chóp lá cao nhất.
- Chiều dài dây (cm): Mỗi điểm điều tra 4 cây cố định. Đo chiều dài từ gốc đến đỉnh sinh trưởng.
- Khối lượng trung bình củ (bắp) (g): Mỗi điểm điều tra 4 cây, đếm số cù (bắp), cân khối lượng rồi tính toán số liệu ra khối lượng trung bình bắp.
- Năng suất (kg/ha): Tiến hành thu hoạch toàn bộ số củ (bắp) ô thí nghiệm, cân khối lượng rồi tính toán số liệu ra năng suất trung bình.
- Chỉ tiêu chất lượng: Mỗi công thức láy tối thiểu 500 gam củ (bắp) để phân tích hàm lượng tinh bột.
c) Thời điểm điều tra:
- Chiều cao cây, chiều dài dây: Trước xử lý và 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
- Các chỉ tiêu khác: Khi thu hoạch.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
5.5.3 Cây rau, cây công nghiệp ngắn ngày
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Chiều cao cây.
- Khối lượng trung bình của bộ phận thu năng suất (cây, quả, hạt).
- Năng suất.
- Chỉ tiêu chất lượng (quy định tại Phụ lục C).
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Chiều cao cây (cm): Mỗi điểm điều tra 4 cây cố định. Đo chiều cao từ mặt đất đến đỉnh sinh trưởng hoặc chóp lá cao nhất.
- Khối lượng trung bình của bộ phận thu năng suất (cây, quả, hạt) (g): Mỗi điểm điều tra 4 cây. Thu hoạch bộ phận cấu thành năng suất để tính toán số liệu ra khối lượng trung bình.
- Năng suất (kg/ha): Tiến hành thu hoạch năng suất toàn bộ ô thí nghiệm, cân khối lượng rồi tính toán số liệu ra năng suất trung bình.
- Chỉ tiêu chất lượng: Mỗi công thức lấy tối thiểu 300 gam (đối với hạt, quả có khối lượng nhỏ hơn 50 gam) hoặc tối thiểu 500 gam (đối với hạt, quả có khối lượng từ 50 gam đến 300 gam) hoặc tối thiểu 10 cây, quả (đối với cây, quả có khối lượng lớn hơn 300 gam) hoặc tối thiểu 2 kg đối với cây ăn lá.
c) Thời điểm điều tra:
- Chiều cao cây: ở trước xử lý và 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
- Các chỉ tiêu khác: Khi thu hoạch.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 1,3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Chiều dài, chiều rộng của lá.
- Số lượng chồi nách (đối với thuốc có tác dụng diệt chồi nách).
- Năng suất.
- Chỉ tiêu chất lượng: Hàm lượng nicotin.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Chiều dài lá (cm): Mỗi điểm điều tra 5 cây, mỗi cây điều tra 2 lá. Đo chiều dài từ cuống lá đến chóp lá.
- Chiều rộng của lá (cm): Mỗi điểm điều tra 5 cây, mỗi cây điều tra 2 lá. Đo chiều rộng tại nơi rộng nhất của phiến lá.
- Số lượng chồi nách: Mỗi điểm điều tra 5 cây, đến số lượng chồi nách trên từng cây.
- Năng suất (kg/ha): Thu hoạch năng suất của toàn bộ ô thí nghiệm (số liệu cộng dồn của tất cả các đợt thu hoạch), cân khối lượng rồi tính toán số liệu ra năng suất trung bình.
- Chỉ tiêu chất lượng: Mỗi công thức lấy tối thiểu 1 kg lá tươi (đợt thu hoạch cuối) để phân tích chỉ tiêu chất lượng.
c) Thời điểm điều tra:
- Số lượng chồi nách: ở 7, 14, 21 ngày sau xử lý thuốc.
- Các chỉ tiêu khác: Khi thu hoạch.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Chiều cao cây.
- Số ngó (chồi)/cây.
- Số quả/cây.
- Khối lượng trung bình quả.
- Năng suất.
- Chỉ tiêu chất lượng (quy định tại Phụ lục C).
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây dâu tây.
b) Phương pháp điều tra
- Chiều cao cây (cm): Mỗi điểm điều tra 5 cây, đo chiều cao từ gốc thân đến điểm cao nhất của chóp lá.
- Số ngó (chồi)/cây: Mỗi điểm điều tra 5 cây, đếm số ngó (chồi) ở mỗi cây.
- Số quả trên cây: Mỗi điểm điều tra 5 cây, đếm toàn bộ số quả trên cây.
- Khối lượng trung bình quả (gam): Mỗi điểm thu hoạch ngẫu nhiên 5 quả (quả không bị dị dạng), tiến hành cân khối lượng rồi tính toán số liệu ra khối lượng trung bình quả.
- Năng suất (kg/ha): Tiến hành thu hoạch năng suất toàn bộ ô thí nghiệm, cân khối lượng rồi tính toán số liệu ra năng suất trung bình.
- Chỉ tiêu chất lượng: Mỗi công thức chọn ngẫu nhiên 20 quả (quả không bị dị dạng) để phân tích chỉ tiêu chất lượng.
c) Thời điểm điều tra:
- Chiều cao cây, số ngó (chồi)/cây: Trước xử lý, 7 ngày sau xử lý và trước khi thu hoạch.
- Số quả trên cây, khối lượng trung bình quả, năng suất, chỉ tiêu chất lượng: Khi thu hoạch.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Khối lượng trung bình quả (chùm quả).
- Năng suất thu hoạch 1 đợt.
- Riêng đối với thuốc bảo vệ thực vật dùng để ức chế sinh trưởng thì điều tra bổ sung chỉ tiêu thời gian ra hoa.
- Chỉ tiêu chất lượng (quy định tại Phụ lục C).
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Khối lượng trung bình quả (chùm quả) (gam): Mỗi cây chọn 5 quả (chùm quả), tiến hành cân khối lượng rồi tính toán số liệu ra khối lượng trung bình quả (chùm quả).
- Năng suất thu hoạch 1 đợt (kg/cây); Tiến hành thu hoạch năng suất toàn bộ ô thí nghiệm, cân khối lượng rồi tính toán số liệu ra năng suất trung bình.
- Thời gian ra hoa: tính từ khi xử lý thuốc lần cuối đến khi cây nhú mầm hoa.
- Chỉ tiêu chất lượng: Mỗi công thức lấy tối thiểu 10 quả hoặc 5 chùm quả để phân tích chỉ tiêu chất lượng.
c) Thời điểm điều tra:
- Khi thu hoạch.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Sản lượng mủ nước, sản lượng mù tạp.
- Chỉ tiêu chất lượng: Hàm lượng cao su khô DRC.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Sản lượng mủ nước, sản lượng mủ tạp (gam/cây/ngày): Thu hoạch mù của toàn bộ số cây.
- Chỉ tiêu chất lượng: Sau khi đong lấy mủ ở mỗi ô, dùng pipette tự động hút 5 ml mủ nước và cho đông trong dung dịch acid acetic 3%, mủ đông được rửa sạch, cán mỏng và sấy khô. Từ đó tính ra hàm lượng mủ khô như sau:
c) Thời điểm điều tra
- Trước xử lý 6, 3 ngày và sau xử lý 3, 6, 12 ngày.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Số búp/m2.
- Năng suất thu hoạch 1 đợt.
- Chỉ tiêu chất lượng (quy định tại Phụ lục C).
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Số búp/m2: Mỗi điểm điều tra toàn bộ số búp trong khung kích thước 0,2 m2.
- Năng suất thu hoạch 1 đợt (kg/ha): Mỗi điểm tiến hành thu toàn bộ số búp trong khung kích thước 0,2 m2. Cân khối lượng tươi rồi tính toán số liệu ra năng suất.
- Chỉ tiêu chất lượng: Mỗi công thức lấy tối thiểu 500 gam búp chè tươi để phân tích chỉ tiêu chất lượng,
c) Thời điểm điều tra:
- Khi thu hoạch.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây chè ở 1,3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
5.5.9 Cây công nghiệp dài ngày khác
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Số lượng quả trên chùm quả (đối với cây có quả dạng chùm).
- Khối lượng trung bình quả hoặc khối lượng trung bình 100 quả (hạt).
- Năng suất thu hoạch 1 đợt.
- Chỉ tiêu chất lượng (Quy định tại Phụ lục C).
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Số lượng quả trên chùm quả: Mỗi cây điều tra 4 cành phân bố đều theo 4 hướng, mỗi cành đếm số lượng quả của 5 chùm quả rồi suy ra số lượng quả trung bình/ chùm quả.
- Khối lượng trung bình:
+ Đối với quả có khối lượng lớn hơn 300 gam: Mỗi công thức tiến hành cân khối lượng của 5 quả rồi tính toán số lượng ra khối lượng trung bình quả (gam).
+ Đối với quả có khối lượng nhỏ hơn 300 gam: Mỗi công thức tiến hành cân khối lượng 500 gam quả, hạt (đối với quả, hạt có khối lượng từ 5 gam đến 300 gam) hoặc 300 gam quả, hạt (đối với quả, hạt có khối lượng nhỏ hơn 5 gam), đếm số quả, hạt rồi suy ra khối lượng trung bình 100 quả, hạt (gam).
- Năng suất thu hoạch 1 đợt (kg/ha); Tiến hành thu toàn bộ ô thí nghiệm, cân khối lượng rồi suy ra năng suất trung bình.
- Chỉ tiêu chất lượng: Mỗi công thức lấy tối thiểu 300 gam (đối với quả có khối lượng nhỏ hơn 50 gam) hoặc tối thiểu 500 gam (đối với quả có khối lượng từ 50 gam đến 300 gam) hoặc tối thiểu 10 quả (đối với quả có khối lượng lớn hơn 300 gam).
c) Thời điểm điều tra
- Khi thu hoạch.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng 1,3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Chiều cao cây.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Chiều cao cây (cm): Mỗi điểm điều tra 1 khung 0,2 m2. Mỗi khung chọn 10 cây cố định. Đo từ mặt đất đến đình sinh trưởng hoặc chóp lá cao nhất.
c) Thời điểm điều tra
- Chiều cao cây ở trước xử lý và 10, 20, 30 ngày sau xử lý thuốc.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng 1,3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
a) Chỉ tiêu theo dõi
- Chiều cao cây (đối với cây nhỏ).
- Thời gian ra hoa.
- Số cành hữu hiệu (đối với cây có nhiều cành mang hoa).
- Đường kính hoa.
- Riêng đối với thuốc có tác dụng kích thích ra rễ (để xử lý hom giống, phong lan) điều tra bổ sung chỉ tiêu chiều dài rễ mới ra.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
b) Phương pháp điều tra
- Chiều cao cây (đối với cây nhỏ) (cm): Mỗi điểm chọn 4 cây cố định. Đo từ mặt đất đến đỉnh sinh trưởng hoặc chóp lá cao nhất.
- Thời gian ra hoa (ngày): tính từ lần xử lý cuối cùng đến khi bông hoa đầu tiên nở.
- Số cành hữu hiệu:
Đối với cây nhỏ: Mỗi điểm điều tra 2 cây ngẫu nhiên, đếm số cành mang hoa, tổng số cành rồi suy ra số cành hữu hiệu trung bình.
Đối với cây thân gỗ lớn: Mỗi cây đếm số cành mang hoa, tổng số cành rồi suy ra số cành hữu hiệu trung bình.
- Đường kính hoa (cm): Mỗi điểm (cây) chọn ngẫu nhiên 2 hoa, đo đường kính hoa ở vị trí to nhất rồi suy ra đường kính hoa trung bình.
- Chiều dài rễ mới ra (cm): Đo chiều dài phần rễ mới mọc ra.
c) Thời điểm điều tra
- Chiều cao cây ở trước xử lý và 15, 30 ngày sau xử lý thuốc.
- Chiều dài rễ mới ra ở 15, 30 ngày sau xử lý thuốc.
- Các chỉ tiêu khác: khi thu hoạch đợt hoa đầu tiên.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
5.6 Thuốc khử trùng đất, xử lý hạt giống, xử lý khi chưa xuất hiện sinh vật gây hại
a) Thời điểm xử lý
Thuốc được dùng xử lý đất trước khi trồng; xử lý hạt giống; xử lý khi chưa xuất hiện sinh vật gây hại.
b) Chỉ tiêu theo dõi
Tùy thuộc vào đối tượng sinh vật hại và cây trồng cụ thể cần khảo nghiệm của từng loại thuốc để áp dụng chỉ tiêu theo dõi được quy định ở Phụ lục A, Phụ lục B.
Đối với thuốc bảo vệ thực vật dùng để khử trùng đất và xử lý hạt giống thì điều tra bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ hạt nảy mầm.
c) Phương pháp điều tra
Tùy thuộc vào đối tượng sinh vật hại và cây trồng cụ thể cần khảo nghiệm của từng loại thuốc để áp dụng phương pháp điều tra được quy định ở Phụ lục A, Phụ lục B.
Tỷ lệ hạt nảy mầm:
Đối với thuốc bảo vệ thực vật dùng để xử lý hạt giống trước khi trồng: Mỗi công thức điều tra tỷ lệ nảy mầm của 100 hạt.
Đối với với thuốc dùng để khử trùng đất thì điều tra tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống trong phòng thí nghiệm: mỗi công thức dùng 5 đĩa petri đường kính từ 20 cm đến 25 cm lấy đất ở ô xử lý và đối chứng không xử lý cho vào 2/3 đĩa petri, mỗi dĩa cho 100 hạt giống cây trồng. Đối với những loại cây trồng bằng cành thì có thể dùng các loại hạt cây trồng khác (cải ngọt, cải xanh) để kiểm tra tỷ lệ nảy mầm. Nếu tỷ lệ nẩy mầm đạt ≥ 80 % thì đất đã sạch thuốc sẵn sàng cho việc gieo trồng.
d) Thời điểm điều tra
Điều tra các chỉ tiêu hiệu lực của thuốc: Tùy thuộc vào đối tượng sinh vật hại và cây trồng cụ thể cần khảo nghiệm của từng loại thuốc thì thời điểm điều tra sinh vật gây hại là 5, 10, 15 ngày sau khi ô đối chứng xuất hiện sinh vật gây hại (đối với thuốc trừ bệnh và thuốc trừ sâu không tính được mật độ) hoặc 1, 3, 7 ngày sau khi ô đối chứng xuất hiện sinh vật gây hại (đối với thuốc trừ sâu tính được mật độ).
Điều tra chỉ tiêu tỷ lệ hạt nảy mầm của hạt giống ở 7 ngày sau gieo.
Điều tra ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 3, 7, 14 ngày sau gieo, trồng.
5.7 Thuốc trừ chuột (Rattus sp.)
a) Bố trí công thức khảo nghiệm
Chọn địa điểm khảo nghiệm: do đặc tính sinh học, tập tính kiếm mồi, hoạt động của các loài chuột nên việc chọn điểm khảo nghiệm cần chú ý chọn điểm khảo nghiệm nơi có nhiều chuột đang phá hại và khu thí nghiệm phải đủ rộng.
Bố trí khảo nghiệm:
- Đối với chuột đồng ruộng: Sau khi đã chọn được địa điểm khảo nghiệm, tiến hành bao kín diện tích ô khảo nghiệm bằng nylon có chiều cao tối thiểu là 0,5 m để ngăn không cho chuột từ bên ngoài vào cũng như chuột từ bên trong di chuyển đi nơi khác trong suốt thời gian khảo nghiệm.
- Đối với chuột hại kho: Khu thí nghiệm được chọn là các nhà kho kín để ngăn không cho chuột từ bên ngoài vào cũng như chuột từ bên trong di chuyển đi nơi khác trong suốt thời gian khảo nghiệm.
Khảo nghiệm chỉ bao gồm 01 công thức, tương ứng với 01 liều lượng thuốc cần khảo nghiệm.
b) Diện tích ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Đối với chuột đồng ruộng: mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu là 1 hecta (khảo nghiêm diện hẹp) và 2 hecta (khảo nghiệm diện rộng), không nhắc lại.
Đối với chuột hại kho: mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu là 500 m2 (khảo nghiệm diện hẹp) và 1000 m2 (khảo nghiệm diện rộng), không nhắc lại.
c) Phương pháp xử lý thuốc:
Đặt bả mồi không chưa thuốc (bả trắng) trước khi xử lý thuốc: Mồi thường sử dụng là các nguyên liệu mà chuột ưa thích như lúa (khô hoặc ngâm cho ra mộng) hay các loại thức ăn khác như: cua, ốc ... tại địa phương. Đặt khoảng 150 đến 200 điểm mồi cố định cho 1 ha (khoảng 20g mồi/điểm); mồi được đặt một lần vào chiều tối và theo dõi số điểm mồi bị chuột ăn trong buổi sáng ngày tiếp theo, sau đó bổ sung số bả đã bị chuột ăn. Do chuột là loài rất nhát bả, cho nên việc theo dõi số bả trắng bị chuột ăn cần được tiến hành liên tục trong 3 ngày để xác định chỉ số hoạt động trước khi đặt bả thuốc. Sau khi kết thúc, thu gom toàn bộ bả trắng ra khỏi khu ruộng khảo nghiệm trước khi tiến hành đặt bả thuốc.
Đặt bả thuốc: Thuốc có thể là dạng thành phẩm đã được gia công thành viên hoặc khối không cần phải trộn thêm thức ăn, hoặc những dạng khác phải trộn thêm bả mồi để đặt và đều được gọi là bả thuốc. Nếu thuốc khảo nghiêm dùng để trộn với bả mồi trước khi đặt thì nguyên liệu làm bả mồi phải tương tự với bả trắng đã sử dụng để hạn chế hiện tượng nhát mồi của chuột.
Bả thuốc phải được đặt đều trên toàn ô khảo nghiệm với khoảng cách giữa các điểm đặt bả thuốc từ 5m đến10m. Nếu trên ruộng khảo nghiệm xuất hiện hang, ổ chuột tập trung thành từng cụm thì chú ý đặt nhiều điểm ở những nơi này và dọc theo đường đi nơi chuột thường lui tới, ẩn náu.
Vào buổi sáng thu gom toàn bộ bả trắng đã đặt trước, thì buổi chiều cùng ngày tiến hành đặt bả thuốc cùng vị trí như trên. Bả thuốc được đặt vào buổi chiều hôm trước, kiểm tra và bổ sung vào sáng hôm sau, liên tục cho đến khi bả thuốc bị chuột ăn thay đổi không đáng kể thì ngưng (thường từ 4 đến 5 ngày). Sau đó gom toàn bộ các bả thuốc còn lại và tiêu hủy.
Đặt mồi sau khi xử lý thuốc: Ba ngày sau khi kết thúc việc thu hồi bả thuốc như đã nêu trên, tiến hành đặt bả trắng như lần đầu trước khi đặt bả thuốc cũng ở cùng những vị trí như trên, và theo dõi số bả trắng bị chuột ăn liên tục trong 3 ngày để xác định chỉ số hoạt động sau khi đặt bả thuốc. Sau khi kết thúc, thu gom toàn bộ bả trắng ra khỏi ruộng khảo nghiệm.
d) Chỉ tiêu theo dõi
Chỉ số hoạt động của chuột vào các thời điểm trước và sau giai đoạn đặt bả thuốc.
Công thức tính chỉ số hoạt động (CSHĐ) của chuột như sau:
e) Phương pháp và thời điểm điều tra:
Trong giai đoạn đặt bả mồi (không chứa thuốc) trước khi xử lý thuốc: vào mỗi buổi sáng ghi nhận số mồi bị chuột ăn và tổng số mồi đã đặt để tính chỉ số hoạt động của chuột cho đến khi ngưng đặt mồi. Chỉ số hoạt động được tính trung bình của 3 ngày theo dõi liên tục.
Trong giai đoạn đặt bả thuốc: vào mỗi buổi sáng, ghi nhận và bổ sung số bả thuốc bị chuột ăn và tổng số bả thuốc đã đặt cho đến khi kết thúc đặt bả thuốc.
Trong giai đoạn đặt bả mồi (không chứa thuốc) sau khi xử lý thuốc: ghi nhận số mồi bị chuột ăn và tổng số mồi đặt mỗi đêm để tính chỉ số hoạt động của chuột như thời điểm trước khi xử lý thuốc.
Chú ý: Số mồi có dấu chuột ăn hoặc số mồi chuột tha đi nơi khác nhưng có dấu chuột ăn đều tính là số mồi được chuột ăn. Số mồi đã bị mất mà không rõ nguyên nhân thì không tính vào số mồi bị chuột ăn.
f) Công thức tính hiệu lực của thuốc.
Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức tại 4.5.4.4.
5.8.1 Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata)
a) Diện tích ô khảo nghiệm
Khảo nghiệm diện hẹp: Diện tích của mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu 30 m2, số lần nhắc lại tối thiểu 3 lần.
Khảo nghiệm diện rộng: Diện tích của mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu 300 m2, không nhắc lại.
Giữa các công thức khảo nghiệm phải đắp bờ ngăn rộng từ 20 cm đến 25 cm, đủ chắc chắn giữa các ô để nước không tràn sang nhau trong quá trình thí nghiệm. Khu thí nghiệm phải được thiết kế có hệ thống rãnh đưa nước và thoát nước độc lập để có thể điều chỉnh mực nước trong từng ô thí nghiệm mà không làm ảnh hưởng đến các ô thí nghiệm khác.
b) Bố trí thí nghiệm
Mỗi ô khảo nghiệm chọn 1 khung có kích thước 5 m2 (2 m x 2,5 m) ở giữa ô (đối với khảo nghiệm diện hẹp) hoặc 3 khung có kích thước 5 m2 phân bố đều (đối với khảo nghiệm diện rộng) và được bao xung quanh bằng lưới nilon (nước ra vào được) cao 1 m. Mỗi khung thả 20 con ốc bươu vàng (ốc có sức sống tốt và có đường kính từ 3 cm đến 4 cm) và 20 con cá rô phi (có sức sống tốt và có khối lượng từ 5 g đến 10 g). Đối với các hoạt chất ngoài Metaldehyde thì cá được thả ở 7 ngày sau xử lý thuốc.
c) Chỉ tiêu theo dõi
- Số lượng ốc sống.
- Số lượng cá sống.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng
d) Phương pháp điều tra
Điều tra toàn bộ số lượng ốc chết, cá chết ở trong khung
e) Thời điểm điều tra
- Tỷ lệ ốc chết ở 3, 7, 14 ngày sau xử lý thuốc.
- Tỷ lệ cá chết ở 1, 3, 7 ngày sau thả cá.
- Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 1, 3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
Lưu ý: Nếu tỷ lệ cá chết ở công thức đối chứng lớn hơn 20% thì phải triển khai lại thí nghiệm.
f) Công thức tính hiệu lực
Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Schneider - Orelli (4.5,4.4)
5.8.2 Ốc sên, sên trần (Zonitoides arboreus, Achatina fulica,...) hại cây trồng cạn
a) Thời điểm xử lý
Thuốc được xử lý khi ốc sên, sên trần xuất hiện, gây hại.
b) Chỉ tiêu theo dõi
Mật độ ốc sên, sên trần sống (con/m2 hoặc con/cây).
Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
c) Phương pháp điều tra
Mỗi điểm điều tra 1 khung kích thước 0,2 m2, đếm số lượng ốc sên, sên trần sống trong khung hoặc điều tra số lượng ốc sên, sên trần sống trên cây rồi tính toán số liệu ra mật độ con/m2 hoặc con/cây.
d) Thời điểm điều tra:
Mật độ ốc sên, sên trần sống ở trước xử lý và 3, 7, 10 ngày sau xử lý thuốc.
Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 1,3, 7 ngày sau xử lý thuốc.
e) Hiệu lực của thuốc
Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Henderson - Tilton (xem 4.3.4.1).
5.9.1 Mối hại công trình xây dựng (Coptotermes sp.)
a) Diện tích ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại * Khảo nghiệm diện hẹp, nhắc lại 03 lần:
Trường hợp thuốc được xử lý lên gỗ có tác dụng ngăn chặn mối phá hại hoặc các bẫy bả sẵn có tác dụng chậm (mối thợ mang mầm bệnh về cho tổ): Thực hiện trên đĩa Petri có đường kính từ 150 đến 200 mm và chiều cao từ 20 mm đến 25 mm. Mỗi đĩa cho 10 mẫu gỗ (gỗ dễ bị mối tấn công) có kích thước 1 cm x 1 cm x 1 cm hoặc các loại bẫy bả sẵn theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Mỗi đĩa Petri tiến hành thả 100 con mối (95 mối thợ và 5 mối lính).
Hình 1 - Đĩa Petri
Trường hợp thuốc được xử lý vào trong đất có tác dụng ngăn chặn mối xâm nhập: ống nghiệm có đường kính 30 mm và chiều cao 150 mm. Mỗi ống nghiệm tiến hành thả 100 con mối (95 mối thợ và 5 mối lính).
Hình 2 - Ống nghiệm
A: Khoang thả mối, B: khoang chứa đất xử lý thuốc (ở công thức thử nghiệm) và đất sạch (tại công thức đối chứng), C: khoang chứa thức ăn cho mối, D: Nút đáy ống, E: Nút thạch, F: Nút miệng ống
Khảo nghiệm diện rộng, không nhắc lại : 1 m2 nơi có tổ mối hoặc 1 ngôi nhà, công trình có mối gây hại. Mỗi công thức cho 10 mẫu gỗ (gỗ dễ bị mối tấn công) có kích thước 150 x 30 x 10 mm hoặc các loại bẫy bả sẵn theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
b) Phương pháp xử lý thuốc
- Đối với thí nghiệm diện hẹp: Thuốc được phun vào đất khô hoặc các thanh gỗ ở các đĩa Petri sau đó thả mối vào. Nếu phun vào đất khô thì trong các dĩa phải đặt thêm 1 mảnh bìa ẩm làm thức ăn cho mối.
Đối với thuốc bẫy bả thì dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Đối với thí nghiệm diện rộng trên thực địa nơi có mối hoạt động thuốc được xử lý theo các cách sau: Đối với thuốc được phun lên trên bề mặt đất (sau khi đã dọn lá cây và xác thực vật) thì trên diện tích thí nghiệm chọn 1 m2 và xử lý thuốc trên đó. Sau khi xử lý đặt các miếng gỗ và dùng hộp nhựa chụp lên mặt đất.
Đối với thuốc bẫy bả: dùng các thanh bả trắng (là các thanh gỗ không xử lý hóa chất mối thích ăn) theo khuyến các của nhà sản xuất để tính chỉ số hoạt động trước xử thuốc (CSHĐ 1). Sau khi xử lý thuốc hoặc dùng các thanh bả có tẩm thuốc (các thanh bả được đặt trong 30 ngày) thì tiến hành xác định chỉ số hoạt động sau xử lý thuốc (CSHĐ 2) như cách xác định CSHĐ 1.
c) Chỉ tiêu theo dõi
Khảo nghiệm diện hẹp: Số lượng mối sống
Khảo nghiệm diện rộng:
* Đối với thuốc phun lên bề mặt đất: Xác định tỷ lệ và mức độ thanh gỗ bị hại
* Đối với thuốc bẫy bả: Chỉ số hoạt động của mối.
d) Phương pháp điều tra
Khảo nghiệm diện hẹp: Đếm số lượng mối sống trong đĩa Petri
Khảo nghiệm diện rộng:
* Đối với thuốc phun lên bề mặt đất:
+ Tỷ lệ (%) mẫu gỗ bị hại
Trong đó:
X: Tỷ lệ mẫu gỗ bị hại tính bằng phần trăm (%);
VĐC1: số mẫu gỗ đối chứng có vết mối ăn;
VQT1: số mẫu gỗ xử lý thuốc có vết mối ăn.
+ Tỷ lệ (%) mẫu có vết mối ăn rộng > 1cm
Trong đó:
Y: Tỷ lệ mẫu có vệ mối ăn rộng > 1cm, tính bằng phần trăm (%);
VĐC2: số mẫu gỗ đối chứng có vết mối ăn rộng ≥ 1 cm;
VQT2: số mẫu gỗ xử lý thuốc có vết mối ăn rộng ≥ 1 cm.
+ Tỷ lệ (%) mẫu có vết mối ăn sâu ≥ 1 mm
Trong đó:
Z: Tỷ lệ mẫu có vết mối ăn sâu > 1 mm, tính bằng phần trăm (%);
VĐC3: số mẫu gỗ đối chứng có vết mối ăn sâu ≥ 1 mm;
VQT3: số mẫu gỗ xử lý thuốc có vết mối ăn sâu ≥ 1 mm.
* Đối với thuốc bẫy bả:
Các chỉ số hoạt động được tính toán theo công thức sau:
Trong đó:
CSHĐ: Chỉ số hoạt động của mối, tính bằng phần trăm (%);
V0: Khối lượng bả trắng ban đầu;
V1: Khối lượng bả trắng sau khi bị mối ăn.
e) Thời điểm điều tra Diện hẹp:
Đếm số mối sống ở các đĩa Petri ở 3, 7, 10 ngày sau xử lý thuốc hoặc 7, 10, 15 ngày sau xử lý thuốc đối với thuốc điều hòa sinh trưởng côn trùng hoặc thuốc vi sinh vật.
Trường hợp số mối còn sống ở công thức đối chứng thấp hơn 70% phải tiến hành lại khảo nghiệm. Diện rộng: Điều tra sau 60 ngày xử lý thuốc
f) Công thức tính kết quả
Diện hẹp: Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Abbott (xem 4.3.4.2)
Diện rộng:
* Đối với thuốc phun lên bề mặt đất: Đánh giá hiệu lực của thuốc qua các thang điểm sau: Cộng dồn điểm của 3 chỉ tiêu X (%), Y(%), Z(%) (xem công thức 11, 11, 12) của mỗi công thức:
+ Từ 0 đến 30 % đạt 1 điểm
+ Lớn hơn 30 % đến 60 % đạt 2 điểm
+ Lớn hơn 60 % đến 100 % đạt 3 điểm
Nếu công thức thí nghiệm đạt từ 3 đến 4 điểm: Hiệu lực tốt
Nếu công thức thí nghiệm đạt từ 5 đến 7 điểm: Hiệu lực trung bình
Nếu công thức thí nghiệm đạt từ 8 đến 9 điểm: Hiệu lực kém.
* Đối với thuốc bẫy bả:
Trong đó:
E: Hiệu lực của thuốc, tính bằng phần trăm (%);
CSHĐ2: Chỉ số hoạt động của mối sau xử lý;
CSHĐ1: Chỉ số hoạt động của mối trước xử lý.
5.9.2 Mối hại đê, đập (Odontotermes sp.)
a) Bố trí công thức khảo nghiệm
Chọn địa điểm khảo nghiệm: Khảo sát tìm tổ mối, đánh giá sự hoạt động của tổ mối, xác định thành phần loài mối được thực hiện theo TCVN 8227, TCVN 8479, TCVN 8480.
b) Diện tích ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp, nhắc lại 03 lần: ống nghiệm có đường kính 30 mm và chiều cao 150 mm. Mỗi ống nghiệm tiến hành thả 100 con mối (95 mối thợ và 5 mối lính).
Hình 3 - Ống nghiệm
A: Khoang thà mối, B: khoang chứa đất xử lý thuốc (ở công thức thử nghiệm) và đất sạch (tại công thức đối chứng), C: khoang chứa thức ăn cho mối, D: Nút đáy ống, E: Nút thạch, F: Nút miệng ống
Khảo nghiệm diện rộng, không nhắc lại: Được tiến hành trên 1 tổ mối đang hoạt động mạnh.
c) Phương pháp xử lý thuốc
Được thực hiện đúng theo hướng dẫn sử dụng của nhả sản xuất và đăng ký. Trường hợp không có khuyến cáo thì thuốc được phun trực tiếp vào tổ mối.
d) Phương pháp đánh giá hiệu lực của thuốc
* Đối với khảo nghiệm diện hẹp
Đếm số mối sống ở các ống nghiệm ở 3, 7, 10 ngày sau xử lý thuốc. Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Abbott (xem 4.3.4.2)
Trường hợp số mối còn sống ở công thức đối chứng thấp hơn 70% phải tiến hành lại khảo nghiệm.
* Đối với khảo nghiệm diện rộng
Xác định hiệu lực của thuốc ở 45 ngày sau khi xử lý thuốc theo các trường hợp sau đây:
- Xuất hiện nấm than (Xylaria sp.) ở trên bề mặt đất khu vực có tổ mối: Tổ mối đã chết, thuốc có hiệu quả.
Hình 4 - Nấm than mọc sau khi xử lý mối
- Trường hợp không thấy xuất hiện nắm than thì sử dụng máy dò âm để xác định sự hoạt động của tổ mối. Dùng đầu thanh dò âm của máy dò âm luồn vào trong tổ mối. Đánh giá sự hoạt động, hiệu của của thuốc theo cách sau:
+ Không nghe thấy tiếng lách tách do hàm của mối va vào thanh dò âm: Tổ mối đã chết, thuốc có hiệu quả.
+ Nghe thấy thấy lách tách: Tổ mối còn hoạt động, thuốc có hiệu quả thấp.
a) Diện tích ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp: Diện tích của mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu 20 cây, số lần nhắc lại tối thiểu 3 lần. Khảo nghiệm diện rộng: Diện tích của mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu 50 cây, không nhắc lại.
b) Chỉ tiêu theo dõi Tỷ lệ cây bị hại (%).
Đánh giá ảnh hưởng của thuốc với cây trồng.
c) Thời điểm xử lý
Thuốc được xử lý khi mối xuất hiện, gây hại
d) Phương pháp điều tra
Điều tra tất cả các cây trong ô khảo nghiệm, đếm số cây bị mối gây hại rồi tính toán số liệu ra tỷ lệ cây bị hại.
Lưu ý: Cây bị hại là cây có mối trong đường mui hoặc có đường mui mới. Đường mui mới có mối sống đi lại bên trong, thường là ẩm và liên tục không bị nứt nẻ, bong, còn đường mui cũ không có mối đi lại bên trong thường khô nứt nẻ, có khi bị bong ra rơi từng đoạn.
e) Thời điểm điều tra
Tỷ lệ cây bị hại trước xử lý và 15, 30, 45 ngày sau xử lý thuốc.
Ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng ở 3, 7, 14 ngày sau xử lý thuốc.
5.10 Thuốc dùng trong khử trùng
5.10.1 Thuốc trừ côn trùng trong kho
a) Bố trí công thức khảo nghiệm
Hạt bảo quản dùng trong khảo nghiệm phải có độ thủy phần an toàn (nhỏ hơn hoặc bằng thủy phần cân bằng của hạt ở nhiệt độ và độ ẩm của không khí khảo nghiệm).
Hạt bảo quản dùng trong khảo nghiệm chia ra 2 nhóm:
+ Nhóm hạt bảo quản làm giống.
+ Nhóm hạt bảo quản làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho người và gia súc.
Côn trùng trong khảo nghiệm:
- Trường hợp yêu cầu khảo nghiệm là đánh giá hiệu lực của thuốc với 1 loài côn trùng hại kho cụ thể thì thí nghiệm với côn trùng hại kho đó.
- Trường hợp yêu cầu khảo nghiệm không ghi cụ thể loài nào thì có tối thiểu từ 1 đến 3 loài sau:
+ Mọt đục hạt nhỏ: Rhyzopertha dominica.
+ Mọt bột đỏ: Tribolium castaneum.
+ Mọt gạo, mọt ngô: Sitophilus oryzae và Sitophilus zeamais.
b) Quy mô ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp, nhắc lại tối thiểu là 3 lần: Lô hạt bảo quản dùng khảo nghiệm phải có khối lượng tối thiểu là 1 kg/công thức/lần nhắc lại. Số lượng côn trùng thí nghiệm là 50 cá thể/loài và phải đồng nhất về pha phát dục/công thức/lần nhắc lại.
Khảo nghiệm diện rộng, không nhắc lại: Lô hạt bảo quản dùng khảo nghiệm phải có khối lượng tối thiểu 10 tấn/công thức. Mật độ quần thể côn trùng khảo nghiệm sống trong lô hạt phải đạt tối thiểu 5 con/kg. Trường hợp mật độ côn trùng chưa đảm bảo cần tiến hành thả bổ sung côn trùng trước khi tiến hành khảo nghiệm.
c) Phương pháp xử lý
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất và đăng ký. Khi không có hướng dẫn cụ thể thì thuốc được phun hoặc trộn hoặc theo các cách khác nhau với hạt bảo quản.
d) Chỉ tiêu theo dõi
Thành phần các loài có trong lô hạt bảo quản đối với khảo nghiệm diện rộng.
Số lượng côn trùng sống của từng loài riêng rẽ (con/kg) trong các công thức khảo nghiệm.
Tỷ lệ hạt nảy mầm (%) đối với nhóm hạt bảo quản dùng làm giống ở khảo nghiệm diện rộng.
Nhận xét ảnh hưởng của thuốc đến màu sắc hạt bảo quản.
e) Phương pháp điều tra
Điều tra thành phần loài đối với khảo nghiệm diện rộng nếu làm theo cách xử lý khi đã xuất hiện côn trùng có trong hạt bảo quản: tiến hành lấy mẫu theo phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật.
Điều tra số lượng côn trùng sống của từng loài riêng rẽ (con/kg) trong các công thức thí nghiệm:
Khảo nghiệm diện hẹp: đếm số lượng côn trùng sống ở tất cả các lô bảo quản.
Khảo nghiệm diện rộng: điều tra theo phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật.
Xác định tỷ lệ hạt nảy mầm: Đối với khảo nghiệm diện rộng, mỗi công thức lấy ngẫu nhiên 100 hạt giống để xác định tỷ lệ nảy mầm. Đối với các hạt loại hạt ngủ phải phải tiến hành xử lý hạt rồi cho kiểm tra tỷ lệ nảy mầm theo điều kiện của từng loại hạt (có thể cho nảy mầm trên-giấy lọc hoặc trên cát sạch hoặc trên đất.
Đánh giá ảnh hưởng của thuốc đến màu sắc của lô hạt bảo quản sau bảo quản bằng mắt.
f) Thời điểm điều tra
Đối với khảo nghiệm hiệu lực thuốc bảo vệ thực vật trừ côn trùng gây hại trong bảo quản: Lấy mẫu và đếm mật độ côn trùng sống ở các thời điểm trước xử lý và 7, 14 ngày sau xử lý thuốc.
Đối với khảo nghiệm hiệu lực thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ côn trùng kho bãi các sản phẩm nông nghiệp: Lấy mẫu và đếm mật độ côn trùng sống ở thời điểm trước xử lý và 3, 7, 10 ngày sau xử lý thuốc.
g) Công thức tính hiệu lực của thuốc
Khảo nghiệm diện hẹp: Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Abbott (xem 4.3.4.2)
Khảo nghiệm diện rộng: Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Henderson - Tilton (xem 4.3.4.1).
5.10.2 Bảo quản bằng phương pháp xông hơi
a) Bố trí công thức khảo nghiệm
Khảo nghiệm phải được tiến hành tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành hoặc kho, bãi, toa xe lửa, công ten nơ...
Hàng hóa khử trùng phải đúng với yêu cầu khảo nghiệm, khối lượng hàng hóa khử trùng phải chiếm từ 50 % đến 75 % thể tích không gian khử trùng.
Côn trùng trong khảo nghiệm:
- Trường hợp yêu cầu khảo nghiệm là đánh giá hiệu lực của thuốc với 1 loài côn trùng hại kho cụ thể thì thí nghiệm với côn trùng hại kho đó.
- Trường hợp yêu cầu khảo nghiệm không ghi cụ thể loài nào thì có tối thiểu từ 1 đến 3 loài sau:
+ Mọt đục hạt nhỏ: Rhyzopertha dominica.
+ Mọt bột đỏ: Tribolium castaneum.
+ Mọt gạo, mọt ngô: Sitophilus oryzae và Sitophilus zeamais.
b) Quy mô ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp, nhắc lại tối thiểu là 3 lần: Thể tích khử trùng là 1 m3. Số lượng côn trùng đưa vào khảo nghiệm ít nhất là 100 cá thể/loài và đồng nhất về pha phát dục/01 loài/01 công thức/01 lần nhắc lại. Côn trùng được cho vào các lọ nhỏ (có chứa thức ăn) có nắp lưới thoáng khí và đặt trong các thùng khử trùng chuyên dụng có thể tích là 1 m3.
Khảo nghiệm diện rộng, không nhắc lại: Thể tích không gian khảo nghiệm phải đạt tối thiểu là 100 m3/công thức. Mật độ quần thể côn trùng sống cần khảo nghiệm phải đạt tối thiểu là 5 con/kg. Trường hợp do mật độ quần thể côn trùng có sẵn trên hàng hóa quá thấp, cho phép bố trí các bao chứa hàng có sẵn côn trùng sống với mật độ như trên vào trong lô hàng với số lượng là 20 bao/lô, khối lượng một bao là 1 kg. Bố trí các bao hàng có sẵn côn trùng vào lô hàng khảo nghiệm theo sơ đồ lẩy mẫu của phương pháp lấy mẫu kiềm dịch thực vật.
c) Phương pháp xử lý
Trước khi xử lý thuốc các công thức thí nghiệm cần được làm kín khí để đảm bảo độ kín khí tốt, không ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh và hiệu lực trừ côn trùng của thuốc khảo nghiệm. Tùy theo thuốc ở thể lỏng (khí được hóa lỏng ở điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp) hoặc ở thể rắn (bột, viên nén hoặc đĩa nén...) mà có các phương pháp xử lý khác nhau.
Lưu ý: Trong quá trình xử lý thuốc cần có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người xử lý thuốc và phải đảm bảo đúng quy định hiện hành về công tác xông hơi khử trùng.
d) Chỉ tiêu theo dõi
Thành phần các loài có trong kho bảo quản đối với khảo nghiệm diện rộng
Số lượng côn trùng sống của từng loài riêng rẽ (con) trong các công thức khảo nghiệm.
Tỷ lệ hạt nảy mầm (%) ở thí nghiệm diện rộng đối với nhóm hạt bảo quản dùng làm giống.
Nhận xét ảnh hưởng của thuốc đến màu sắc của nông sản sau xông hơi.
e) Phương pháp điều tra
Điều tra thành phần loài đối với khảo nghiêm diện rộng: phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật.
Điều tra số lượng côn trùng sống của từng loài riêng rẽ (con) trong các công thức thí nghiệm:
- Khảo nghiệm diện hẹp: đếm số lượng côn trùng sống ở tất cả các lọ đưa vào thùng khử trùng.
- Khảo nghiệm diện rộng: điều tra phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật.
Xác định tỷ lệ hạt nảy mầm: Khảo nghiệm diện rộng, mỗi công thức lấy ngẫu nhiên 100 hạt giống để xác định tỷ lệ nảy mầm. Các hạt loại hạt ngủ phải phải tiến hành xử lý hạt rồi cho kiểm tra tỷ lệ nảy mầm theo điều kiện của từng loại hạt (có thể cho nảy mầm trên giấy lọc hoặc trên cát sạch hoặc trên đất.
Đánh giá ảnh hưởng của thuốc đến màu sắc của nông sản sau xông hơi bằng mắt.
f) Thời điểm điều tra
- Thành phần các loài có trong kho bảo quản đối với khảo nghiệm diện rộng: điều tra trước khi xử lý thuốc.
- Số lượng côn trùng sống của từng loài riêng rẽ (con) trong các công thức khảo nghiệm ở thời điểm trước xông hơi (khảo nghiệm diện rộng) và 7 ngày sau khi kết thúc xông hơi.
- Tỷ lệ nảy mầm lấy mẫu để kiểm tra khi kết thúc thí nghiệm.
- Đánh giá ảnh hưởng của thuốc đến màu sắc, mùi của nông sản ở thời điểm sau khi kết thúc xông hơi.
g) Công thức tính hiệu lực của thuốc
Khảo nghiệm diện hẹp: Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Abbott (xem 4.3.4.2)
Khảo nghiệm diện rộng: Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Henderson - Tilton (xem 4.3.4.1).
5.10.3 Thuốc sử dụng khử trùng kho
a) Bố trí công thức khảo nghiệm
Khảo nghiệm phải được tiến hành tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành hoặc các kho bãi... thường xuất hiện các côn trùng gây hại sản phẩm nông, lâm nghiệp khô bảo quản.
Côn trùng trong khảo nghiệm:
- Trường hợp yêu cầu khảo nghiệm là đánh giá hiệu lực của thuốc với 1 loài côn trùng hại kho cụ thể thi thí nghiệm với côn trùng hại kho đó.
- Trường hợp yêu cầu khảo nghiệm không ghi cụ thể loài nào thì có tối thiểu từ 1 đến 3 loài sau:
+ Mọt đục hạt nhỏ: Rhyzopertha dominica.
+ Mọt bột đỏ: Tribolium castaneum.
+ Mọt gạo, mọt ngô: Sitophilus oryzae và Sitophilus zeamais.
b) Quy mô ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp được bố trí trong phòng thí nghiệm, nhắc lại tối thiểu là 3 lần, diện tích thí nghiệm là 1 m2/công thức/lần nhắc lại. Số lượng côn trùng thí nghiệm là 100 cá thể/loài và phải đồng nhất về pha phát dục/công thức/lần nhắc lại. Các công thức đều có khung và lưới để ngăn côn trùng. Khảo nghiệm diện rộng, không nhắc lại: Diện tích bề mặt xử lý thuốc tối thiểu 300 m2/1 công thức hoặc một gian kho trống riêng biệt hoặc 1 công ten nơ riêng biệt/ công thức. Mật độ quần thể côn trùng khảo nghiệm sống trong diện tích bề mặt xử lý phải đạt tối thiểu 5 con/m2. Trường hợp mật độ côn trùng chưa đảm bảo cần tiến hành thả bổ sung côn trùng trước khi tiến hành khảo nghiệm.
c) Phương pháp xử lý
Theo hương dẫn của nhà sản xuất và đăng ký. Khi không có hướng dẫn cụ thể thì thuốc được phun hoặc rắc hoặc theo các cách khác nhau đều trên bề mặt xử lý.
d) Chỉ tiêu theo dõi
Thành phần các loài có trong diện tích bề mặt xử lý đối với khảo nghiệm diện rộng làm theo cách trên diện tích xử lý có xuất hiện côn trùng gây hại kho.
Số lượng côn trùng sống (con/m2 hoặc con/vợt) trong các công thức khảo nghiệm.
e) Phương pháp điều tra
Điều tra thành phần loài đối với khảo nghiêm diện rộng khi bề mặt xử lý có côn trùng gây hại tiến hành theo phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật.
Khảo nghiệm diện hẹp: đếm toàn bộ số lượng côn trùng sống ở các ô thí nghiệm.
Khảo nghiệm diện rộng: đếm số lượng côn trùng sống ở 10 điểm trên 2 đường chéo góc, cố định các điểm điều tra và diện tích mỗi điểm là 1 m2. Trong trường hợp có côn trùng cánh vẩy gây hại bay trong không gian khảo nghiệm thì ngoài điều tra như trên thì mỗi ô khảo nghiệm vợt 10 vợt (một lần vợt đi và 1 lần vợt trở lại mới tính là 1 vợt). Sau đó đếm số côn trùng cánh vảy gây hại có trong vợt. Dùng vợt có hình dáng và kích thước như sau:
Vợt điều tra
f) Thời điểm điều tra
- Thành phần các loài có trong kho bảo quản đối với khảo nghiệm diện rộng nếu làm trong trường hợp đã xuất hiện côn trùng: điều tra trước khi xử lý thuốc.
- Số lượng côn trùng sống trong các công thức khảo nghiệm đối với khảo nghiệm diện hẹp điều tra ở 7 và 14 ngày sau xử lý thuốc.
- Số lượng côn trùng sống trong các công thức khảo nghiệm đối với khảo nghiệm diện rộng điều tra ở trước xử lý 7 và 14 ngày sau xử lý thuốc hoặc số lượng côn trùng sống ở 3, 7 ngày sau khi ô đối chứng xuất hiện côn trùng trong trường hợp xử lý khi bề mặt chưa bị nhiễm bất kỳ côn trùng nào.
g) Công thức tinh hiệu lực của thuốc
Khảo nghiệm diện hẹp: Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Abbott (xem 4.3.4.2)
Khảo nghiệm diện rộng: Hiệu lực của thuốc được tính theo công thức Henderson - Tilton (xem 4.3.4.1).
5.11 Thuốc dùng trong bảo quản
5.11.1 Bảo quản ngũ cốc các loại (Lúa, ngô,...)
a) Qui mô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp: khối lượng tối thiểu 10 kg/công thức, số lần nhắc lại tối thiểu 3 lần.
Khảo nghiệm diện rộng: khối lượng tối thiểu 50 kg/công thức, không nhắc lại.
b) Phương pháp xử lý
Thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất và đăng ký. Nếu không có hướng dẫn cụ thể thì thông thường thuốc dùng để bảo quản ngũ cốc được xử lý theo các cách sau: Phun trực tiếp lên ngũ cốc, nhúng vào dung dịch hoặc xông hơi.
c) Chỉ tiêu theo dõi
Tỷ lệ hao hụt khối lượng (%).
Tỷ lệ thối hỏng (%).
Tỷ lệ nảy mầm(%) ( đối với bảo quản dùng làm giống).
Chỉ tiêu chất lượng (Tham khảo Phụ lục C).
Đánh giá về màu sắc, mùi vị của của ngũ cốc.
d) Phương pháp điều tra
Tỷ lệ hao hụt khối lượng: Cân khối lượng của từng công thức khảo nghiệm.
Tỷ lệ thối hỏng, tỷ lệ nảy mầm: Mỗi công thức điều tra ngẫu nhiên 1 kg đối với diện hẹp và 3 kg đối với diện rộng. Đếm số hạt (củ, quả ...) bị thối hỏng, nảy mầm, tổng số hạt (củ, quả ...) rồi tính toán số liệu ra tỷ lệ thối hỏng, tỷ lệ nảy mầm.
Chỉ tiêu chất lượng: khảo nghiệm diện hẹp mỗi ô thí nghiệm chọn ngẫu nhiên 1 kg rồi gộp của các lần nhắc lại để đánh giá. Khảo nghiệm diện rộng mỗi ô thí nghiệm chọn ngẫu nhiên 3 kg để đánh giá.
Chỉ tiêu màu sắc, mùi vị của ngũ cốc: Đánh giá cảm quan.
e) Thời điểm điều tra
- Tỷ lệ hao hụt khối lượng, tỷ lệ thối hỏng, đánh giá về màu sắc, mùi vị của ngũ cốc ở 15, 30, 45 ngày đối với ngũ cốc tươi (xử lý thuốc ngay sau khi thu hoạch) hoặc 30, 60, 90 ngày đối với ngũ cốc khô (ngũ cốc được phơi khô trước khi xử lý thuốc).
Tỷ lệ nảy mầm, chỉ tiêu chất lượng: ở kỳ điều tra cuối cùng của khảo nghiệm.
a) Qui mô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp khối lượng từ 5 đến 20 kg/công thức, số lần nhắc lại tối thiểu 3 lần.
Khảo nghiện diện rộng khối lượng từ 30 đến 50 kg/công thức và không nhắc lại.
b) Phương pháp xử lý
Thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất và đăng ký. Nếu không có hướng dẫn cụ thể thì thông thường thuốc dùng để bảo quản ngũ cốc được xử lý theo các cách sau: Phun trực tiếp lên ngũ cốc, nhúng vào dung dịch hoặc xông hơi.
c) Chỉ tiêu theo dõi
Tỷ lệ hao hụt khối lượng (%).
Tỷ lệ thối hỏng (%).
Chỉ tiêu chất lượng (Tham khảo Phụ lục C).
Đánh giá về màu sắc, mùi vị của quả.
d) Phương pháp điều tra
Tỷ lệ hao hụt khối lượng và tỷ lệ thối hỏng điều tra tất cả lượng mẫu khảo nghiệm của từng lần nhắc lại.
Tính tỷ lệ thối hỏng theo công thức sau:
Trong đó:
H1: Tỷ lệ cây (bộ phận của cây), quả thối hỏng, tính bằng phần trăm (%):
NA: số cây (bộ phận của cây), quả ban đầu;
NB: số cây (bộ phận của cây), quả thối hỏng.
Tính tỷ lệ hao hụt khối lượng theo công thức sau:
Trong đó:
H2: Tỷ lệ hao hụt, tính bằng phần trăm (%);
MA: Khối lượng ban đầu;
MB: Khối lượng sau xử lý.
Chỉ tiêu chất lượng: Mỗi công thức thí nghiệm chọn ngẫu nhiên từ 3 đến 10 cây (hoặc quả) đối với khảo nghiệm diện hẹp tùy theo kích cỡ quả rồi gộp của các lần nhắc lại để đánh giá. Đối với khảo nghiệm diện rộng mỗi công thức thí nghiệm chọn ngẫu nhiên từ 6 đến 20 cây (hoặc quả) tùy theo kích cỡ quả để đánh giá.
Nhận xét về màu sắc, mùi vị của quả, những tác động bất thường, ví dụ: sém, nám, đốm vỏ quả...: Đánh giá cảm quan.
e) Thời điểm điều tra
Tỷ lệ hao hụt, tỷ lệ thối hỏng, đánh giá về màu sắc, mùi vị của quả ở thời điểm 5, 10, 15, 20 ngày sau khi xử lý thuốc.
Chỉ tiêu chất lượng ở kỳ điều tra cuối cùng.
5.11.3 Thuốc ủ chín trái cây, thuốc làm chậm quá trình chín trái cây
a) Qui mô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp: Đối với quả cỡ nhỏ (cam, bơ, ổi và các quả khác khối lượng tương đương): tối thiểu 10 kg/công thức; đối với quả cỡ trung bình (dứa, đu đủ, xoài và các quả khác khối lượng tương đương) 20 kg/công thức; đối với quả cỡ lớn (mít, sầu riêng và các quả khác khối lượng tương đương): 30 kg/công thức. Khảo nghiệm diện hẹp bố trí từ 3 đến 4 lần nhắc lại.
Khảo nghiệm diện rộng: Đối với quả cỡ nhỏ (cam, bơ, ổi và các quả khác khối lượng tương đương): tối thiểu 30 kg/công thức; đối với quả cỡ trung bình (dứa, đu đủ, xoài và các quả khác khối lượng tương đương) 40 kg/công thức; đối với quả cỡ lớn (mít, sầu riêng và các quả khác khối lượng tương đương): 50 kg/công thức. Khảo nghiệm diện rộng không nhắc lại.
Phương pháp lấy mẫu: theo TCVN 9017:2011 Quả tươi - phương pháp lấy mẫu trên vườn sản xuất.
b) Chỉ tiêu theo dõi
- Chỉ tiêu chất lượng (tham khảo Phụ lục C).
- Tỷ lệ quả chín (%).
- Tỷ lệ thối hỏng (%).
- Tỷ lệ hao hụt khối lượng (%)
- Đánh giá về sự thay đổi màu sắc của quả.
c) Phương pháp điều tra
Chỉ tiêu chất lượng: Đối với quả cỡ nhỏ: Mỗi công thức chọn ngẫu nhiên 1 kg quả; Đối với quả cỡ trung bình và lớn: Mỗi công thức thí nghiệm chọn ngẫu nhiên từ 3 đến 5 quả (tùy theo kích cỡ quả) để đánh giá.
Tỷ lệ quả chín: Điều tra toàn bộ số quả. Quả chín được xác định bằng một trong các cách sau đây:
- Đối với nhóm thay đổi màu sắc vỏ quả: Vỏ quả chuyển từ màu đặc trưng của giống đó trước khi chín (xanh, nâu...) chuyển thành màu đặc trưng của giống đó khi chín (vàng, đỏ ...).
- Đối với nhóm không thay đổi màu sắc vỏ quả:
+ Xuất hiện mùi thơm đặc trưng của quả khi chín.
+ Độ cứng của vỏ quả: Dùng tay ấn nhẹ vào phần vỏ quả. Nếu vỏ quả cứng thì quả chưa chín; Nếu vỏ quả mềm, có đàn hồi thì quả đã chín.
Tỷ lệ thối hỏng: Điều tra toàn bộ số quả. Tính tỷ lệ quả thối hỏng theo công thức (16):
Tỷ lệ hao hụt khối lượng: Điều tra toàn bộ số quả. Tính tỷ lệ hao hụt khối lượng theo công thức (17):
Nhận xét về màu sắc, những tác động bất thường, ví dụ: rám, nám, đốm vỏ quả...: Quan sát bằng bằng mắt.
d) Thời điểm điều tra
Tỷ lệ quả chín, đánh giá sự thay đổi màu sắc của quả: Quan sát ở thời điểm 3, 7, 10 ngày sau khi xử lý thuốc.
Tỷ lệ thối hỏng, tỷ lệ hao hụt khối lượng, chỉ tiêu chất lượng ở 10 ngày sau xử lý thuốc
Tùy thuộc vào từng loại thuốc khảo nghiệm, đăng ký của nhà sản xuất việc đánh giá hiệu lực của thuốc bảo vệ thực vật trong bảo quản gỗ có thể sử dụng TCVN 10753:2015 hoặc TCVN 10754:2015
5.12 Thuốc dẫn dụ, xua đuổi côn trùng, pheromon và các thuốc có phương thức tác động tương tự
a) Bố trí thí nghiệm
Các công thức khảo nghiệm được chia thành 3 nhóm:
- Nhóm 1: Công thức khảo nghiệm là công thức dùng các loại thuốc định khảo nghiệm ở những liều lượng, nồng độ (%) khác nhau hoặc theo cách dùng khác nhau.
- Nhóm 2: Công thức so sánh là công thức chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có cùng hoạt chất, nhóm hoạt chất hoặc cùng cơ chế tác động với công thức ở nhóm 1 và phải được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam [4]. Trường hợp không có thuốc đáp ứng được các yêu cầu trên thì không phải làm công thức này.
- Nhóm 3: Công thức đối chứng là công thức không dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.
b) Qui mô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Khảo nghiệm diện hẹp: Diện tích của mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu 500 m2. Không nhắc lại.
Khảo nghiệm diện rộng: Diện tích của mỗi ô khảo nghiệm tối thiểu 1000 m2, Không nhắc lại.
Giữa các công thức khảo nghiệm phải có dải phân cách tối thiểu 10 m.
c) Phương pháp xử lý
Theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, đăng ký thuốc. Trường hợp không có hướng dẫn cụ thể (với các thuốc dạng lỏng) thì sử dụng bẫy để tiến hành khảo nghiệm. Bẫy được làm bằng hộp nhựa, khoét lỗ ở thành hộp để trưởng thành sâu hại dễ bay vào. Bên trong hộp có treo miếng bông gòn (hoặc vải) đã tẩm thuốc theo đúng liều lượng khảo nghiệm. Sau khi tẩm thuốc bẫy được đặt ở độ cao phù hợp với tập tính của con trưởng thành (đặt nơi dễ quan sát), đặt bẫy nơi thoáng mát tránh để ánh nắng chiếu trực tiếp vào bẫy. Bẫy được đặt nơi đầu gió.
Lưu ý: Số bẫy/đơn vị diện tích phụ thuộc vào từng loại thuốc khảo nghiệm. Bẫy phải được xử lý đúng vị trí, đúng lượng thuốc đã quy định cho mỗi ô và đồng đều trên toàn ô khảo nghiệm.
d) Chỉ tiêu theo dõi
- Đối với thuốc dẫn dụ:
Số lượng trưởng thành chết (con/bẫy).
Mật độ sâu non (tỷ lệ hại).
- Đối với thuốc xua đuổi: Mật độ sâu non (tỷ lệ hại).
e) Phương pháp điều tra
- Đối với thuốc dẫn dụ:
Mỗi công thức theo dõi số trưởng thành chết của toàn bộ số bẫy đã đặt, sau mỗi lần theo dõi loại bỏ số trưởng thành đã chết.
Mật độ sâu non (tỷ lệ hại): Tùy thuốc từng loại sinh vật gây hại thì phương pháp điều tra được quy định tại phụ lục A.
Lưu ý: Số lượng trưởng thành chết được cộng dồn ở các kỳ điều tra tiếp theo.
- Đối với thuốc xua đuổi:
Mật độ sâu non (tỷ lệ hại): Tùy thuốc từng loại sinh vật gây hại và cây trồng thì phương pháp điều tra được quy định tại phụ lục A.
f) Thời điểm điều tra
- Đối với thuốc dẫn dụ:
Số lượng trưởng thành chết (con/bẫy) ở 1, 3, 5, 7, 10 ngày sau khi đặt bẫy.
Mật độ sâu non ở 10 ngày sau khi đặt bẫy
- Đối với thuốc xua đuổi: Mật độ sâu non (tỷ lệ hại) ở 5, 10, 15 ngày sau khi đặt bẫy
g) Công thức tính hiệu lực của thuốc
Hiệu lực của thuốc: Được tính theo công thức Abbott (xem 4.3.4.2)
5.13 Chất phụ trợ (chất trải, chất tăng cường bám dính, tăng hiệu lực...)
a) Bố trí thí nghiệm
Các công thức khảo nghiệm được chia thành 3 nhóm:
- Nhóm 1: Công thức khảo nghiệm là công thức dùng thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam [4] để pha cùng với chắt phụ trợ (chất trải, chất tăng cường bám dính, tăng hiệu lực...) cần khảo nghiệm.
- Nhóm 2: Công thức so sánh là công thức chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật ở nhóm 1 không pha cùng chất trợ (chất trải, chất tăng cường bám dính, tăng hiệu lực...).
- Nhóm 3: Công thức đối chứng là công thức không dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào để phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Với khảo nghiệm là chất phụ trợ pha với nước để phun thì công thức đối chứng được phun bằng nước.
b) Các chỉ tiêu khác
Tùy thuộc vào từng loại thuốc khảo nghiêm thực hiện trên đối tượng sinh vật gây hại, cây trồng khảo nghiệm thì phương pháp điều tra, thời điểm điều tra được thực hiện theo phương pháp tương ứng (đã quy định ở trên).
Số liệu khảo nghiệm phải được xử lý bằng phương pháp thống kê thích hợp. Khảo nghiệm diện hẹp phải được xử lý thống kê với mức tin cậy 95%.
Báo cáo khảo nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau:
7.1 Thông tin chung
Tên thương phẩm; Tên hoạt chất, hàm lượng, đơn vị tính.
Đối tượng khảo nghiệm (ghi rõ tên khoa học).
Cây trồng.
Tên tổ chức thực hiện khảo nghiệm.
7.2 Căn cứ và yêu cầu của khảo nghiệm
Căn cứ để tiến hành khảo nghiệm.
Yêu cầu của khảo nghiệm.
7.3 Điều kiện thực hiện khảo nghiệm
Địa điểm thực hiện khảo nghiệm.
Thời gian thực hiện khảo nghiệm.
Cây trồng; Giống; Giai đoạn sinh trưởng của cây.
Các điều kiện về đất đai và chế độ canh tác: Loại đất; Phân bón; Chế độ canh tác.
Điều kiện về thời tiết.
Tình hình phát sinh, phát triển của đối tượng khảo nghiệm trong khu thí nghiệm.
Tình hình phát sinh của sinh vật gây hại khác trong khu thí nghiệm (nếu có).
7.4 Phương pháp khảo nghiệm
Các công thức khảo nghiệm: Công thức khảo nghiệm; Công thức so sánh; Công thức đối chứng.
Quy mô và phương pháp bố trí: Quy mô; Diện tích ô khảo nghiệm; số lần nhắc lại (đối với khảo nghiệm diện hẹp); Phương pháp bố trí.
Phương pháp xử lý thuốc: Lượng thuốc; Lượng nước thuốc (Đối với thuốc phun); số lần xử lý; Thời điểm xử lý; Ngày xử lý; Phương pháp xử lý; Dụng cụ xử lý; Sử dụng thuốc khác trong quá trình khảo nghiệm (nếu có).
Chỉ tiêu và phương pháp điều tra.
Phương pháp xử lý số liệu.
Đánh giá ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
7.5 Kết quả thực hiện khảo nghiệm
Kết quả khảo nghiệm: Các bảng số liệu phù hợp với các chỉ tiêu theo dõi.
Kết quả ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng ở các ngày sau xử lý: Bảng số liệu phù hợp với chỉ tiêu theo dõi.
Nhận xét ảnh hưởng của thuốc đối với môi trường và sinh vật có ích (nếu có).
7.6 Nhận xét kết quả khảo nghiệm
Nhận xét về hiệu lực của thuốc khảo nghiệm ở các liều lượng đã khảo nghiệm.
Nhận xét về ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng.
Nhận xét về ảnh hưởng của thuốc đến môi trường và sinh vật có ích (nếu có).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.