ISO/TS 34700:2016
QUẢN LÝ PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT- YÊU CẦU CHUNG VÀ HƯỚNG DẪN CÁC TỔ CHỨC TRONG CHUỖI CUNG ỨNG THỰC PHẨM
Animal welfare management - General requirements and guidance for organizations in the food supply chain
Lời nói đầu
TCVN 12448:2018 hoàn toàn tương đương với ISO/TS 34700:2016;
TCVN 12448:2018 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Xã hội ngày càng quan tâm về phúc lợi động vật. Nhận thức về phúc lợi động vật là phức tạp và đa dạng, chịu ảnh hưởng bởi các khía cạnh khoa học, đạo đức, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kinh tế và chính trị. Khi đề cập đến phúc lợi động vật, phải thực hiện theo phương pháp khoa học đáng tin cậy. Quy phạm về Sức khoẻ Động vật trên cạn (TAHC) do Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) ban hành đã đưa ra các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật làm cơ sở cho các quy định quốc gia và các văn bản về phúc lợi động vật khác có liên quan.
Việc quản lý phúc lợi động vật nêu trong tiêu chuẩn này, đã được xây dựng để thích nghi với các tình huống khác nhau, bao gồm:
- các hệ thống sản xuất khác nhau và các tổ chức khác nhau trong chuỗi cung ứng các sản phẩm có nguồn gốc động vật, không kể quy mô;
- các vùng địa lý, văn hóa và tôn giáo khác nhau;
- các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển.
Mục đích của tiêu chuẩn này là để đảm bảo phúc lợi của động vật nuôi để chế biến thực phẩm hoặc sản xuất thức ăn chăn nuôi thông qua các mục tiêu sau:
- cung cấp công cụ quản lý để thực hiện các nguyên tắc phúc lợi động vật của OIE TAHC (Phần 7);
- cung cấp hướng dẫn để thực hiện các tiêu chuẩn phúc lợi động vật công cộng hoặc tư nhân và luật pháp có liên quan đáp ứng ít nhất là OIE TAHC (Phần 7);
- để tạo thuận lợi cho việc tích hợp các nguyên tắc phúc lợi động vật trong quan hệ giữa các doanh nghiệp.
Khái niệm về năm quyền tự do, được đề cập trong Chương 7.1 của OIE TAHC (không bị đói, khát và suy dinh dưỡng; không sợ hãi và đau đớn; không bị cảm giác khó chịu về thể chất và nhiệt độ; không bị đau, chấn thương và bệnh tật và tự do thể hiện các tập tính thông thường), cung cấp hướng dẫn về sự hiểu biết đối với phúc lợi động vật, xác định các khía cạnh liên quan cần được xem xét và áp dụng các thực hành có liên quan. Các nguyên tắc chung về phúc lợi động vật trong hệ thống sản xuất chăn nuôi (Điều 7.1.4 của OIE TAHC) cung cấp cơ sở về các yêu cầu thực tế để đảm bảo năm quyền tự do được đáp ứng.
Quản lý phúc lợi động vật có thể được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau, như luật pháp, các quy phạm thực hành tốt, các yêu cầu riêng hoặc yêu cầu của khách hàng/nhà cung cấp.
Tiêu chuẩn này nhằm hỗ trợ việc áp dụng các thực hành liên quan để đảm bảo phúc lợi động vật trong các hệ thống chăn nuôi.
QUẢN LÝ PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT- YÊU CẦU CHUNG VÀ HƯỚNG DẪN CÁC TỔ CHỨC TRONG CHUỖI CUNG ỨNG THỰC PHẨM
Animal welfare management - General requirements and guidance for organizations in the food supply chain
Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu và hướng dẫn áp dụng các quy tắc về phúc lợi động vật như được nêu trong lời giới thiệu được khuyến cáo đối với phúc lợi động vật của OIE TAHC (Chương 7.1).
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các động vật trên cạn được nuôi hoặc nhốt giữ để sản xuất thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho động vật dùng trong các hoạt động nghiên cứu và giáo dục, trại cứu hộ và vườn thú, nơi nuôi giữ động vật cảnh trong gia đình và động vật hoang dã, động vật thủy sản, động vật giết mổ vì mục đích sức khoẻ cộng đồng hoặc thú y dưới sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, động vật được bẫy để giết nhân đạo đối với các loài gây hại và lấy lông thú.
Việc áp dụng tiêu chuẩn này được giới hạn cho các quá trình hoặc các chương cụ thể có sẵn trong OIE TAHC. Tại thời điểm công bố tiêu chuẩn này, chúng là:
- Chương 7.2: Vận chuyển động vật bằng đường biển:
- Chương 7.3: Vận chuyển động vật bằng đường bộ;
- Chương 7.4: Vận chuyển động vật bằng đường hàng không;
- Chương 7.5: Giết mổ động vật;
- Chương 7.9: Phúc lợi động vật và hệ thống chăn nuôi trâu bò thịt;
- Chương 7.10: Phúc lợi động vật và hệ thống sản xuất gà thịt;
- Chương 7.11: Phúc lợi động vật và hệ thống chăn nuôi bò sữa.
Tiêu chuẩn này được thiết kế để hướng dẫn người sử dụng tiến hành phân tích khoảng trống và xây dựng một kế hoạch phúc lợi động vật phù hợp với OIE TAHC. Tiêu chuẩn này cũng có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn phúc lợi động vật của khu vực tư nhân hoặc công cộng, tối thiểu là đáp ứng OIE TAHC.
Phạm vi của tiêu chuẩn này được sửa đổi khi các điều khoản về phúc lợi động vật của OIE TAHC được bổ sung hoặc sửa đổi.
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Quy phạm Sức khoẻ động vật trên cạn, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE TAHC).
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:
3.1
Động vật (animal)
Động vật có vú hoặc chim
[NGUỒN: OIE TAHC, được sửa đổi: lược bỏ phần định nghĩa về ong vì chúng không nằm trong phạm vi của tiêu chuẩn này]
3.2
Biện pháp để đánh giá động vật (animal-based measure)
Phản ứng của động vật hoặc tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến động vật để đánh giá phúc lợi, bao gồm cả việc sử dụng hồ sơ động vật
CHÚ THÍCH 1: Có thể là kết quả của một trường hợp cụ thể (ví dụ: bị thương) hoặc là kết quả tích lũy trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng (ví dụ: tình trạng cơ thể).
CHÚ THÍCH 2: Tiêu chuẩn đánh giá động vật tham chiếu đến kết quả có thể đánh giá được của OIE TAHC. Kết quả có thể đánh giá được gồm việc đánh giá mức độ (phạm vi ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng và thời lượng) của chức năng bị suy giảm liên quan đến thương tật, bệnh tật và suy dinh dưỡng hoặc các thay đổi về sinh lý, tập tính và miễn dịch hoặc tác động làm cho động vật biểu hiện các phản ứng khác nhau. Chúng cung cấp thông tin về nhu cầu của động vật và các trạng thái cảm xúc như đói, khát, đau đớn và sợ hãi, thường bằng cách đo hành động ưa thích, sự vận động và vẻ khó chịu của động vật. Chúng được phân biệt với các biện pháp nguồn lực (3.9).
3.3
Người chăm sóc động vật (animal handler)
Người có kiến thức về tập tính và nhu cầu của động vật, có kinh nghiệm phù hợp và chuyên nghiệp đáp ứng tốt các nhu cầu của vật nuôi để đạt được hiệu quả quản lý và phúc lợi tốt.
[NGUỒN: OIE TAHC, có sửa đổi - lược bỏ câu “Năng lực cần đạt được thông qua đào tạo chính quy và/hoặc kinh nghiệm thực tiễn.”]
3.4
Phúc lợi động vật (animal welfare)
Tình trạng của một động vật phản ánh điều kiện sống của động vật đó
CHÚ THÍCH 1: OIE TAHC định nghĩa phúc lợi động vật là “Tình trạng của một động vật phản ánh điều kiện sống của động vật đó. Vật nuôi có tình trạng phúc lợi tốt nếu (có bằng chứng khoa học) vật nuôi khỏe mạnh, thoải mái, được nuôi dưỡng tốt, an toàn, có khả năng biểu lộ tập tính bẩm sinh và không phải chịu đựng tình trạng khó chịu như đau đớn, sợ hãi và lo âu. Phúc lợi động vật tốt đòi hỏi phải phòng bệnh và điều trị thú y, có nơi nuôi nhốt thích hợp, được quản lý, chăm sóc dinh dưỡng phù hợp, xử lý nhân đạo và giết mổ nhân đạo. Phúc lợi động vật đề cập đến tình trạng của động vật; việc điều trị động vật bao gồm các khái niệm khác như chăm sóc động vật, nuôi dưỡng động vật và điều trị nhân đạo.
[NGUỒN: OIE TAHC, có sửa đổi - một phần của định nghĩa đã được chuyển đến chú thích 1]
3.5
Quản lý phúc lợi động vật (animal welfare management)
Các hoạt động cần thiết để đảm bảo phúc lợi động vật
CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ này bao gồm các hoạt động liên quan đến động vật (điều trị động vật còn gọi là chăm sóc động vật, nuôi dưỡng động vật và điều trị nhân đạo động vật theo OIE TAHC), các hoạt động liên quan đến nhân viên, tình trạng và sử dụng các phương tiện cho mục đích này.
3.6
Kế hoạch phúc lợi động vật (animal welfare plan)
Tài liệu mô tả các nguyên tắc, chính sách và hành động cần thiết đối với việc quản lý phúc lợi động vật
3.7
Cơ quan có thẩm quyền (competent authority)
Cơ quan thú y hoặc cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm và thẩm quyền để đảm bảo hoặc giám sát việc thực hiện các biện pháp thú y và phúc lợi động vật, chứng nhận thú y quốc tế và các tiêu chuẩn, khuyến nghị khác trong OIE TAHC
[NGUỒN: OIE TAHC, có sửa đổi]
3.8
Tổ chức (organization)
Người hoặc nhóm người có chức năng riêng với trách nhiệm, thẩm quyền và các mối quan hệ để đạt được mục tiêu của mình.
CHÚ THÍCH 1: Trong tiêu chuẩn này, thuật ngữ này đề cập đến cơ sở kinh doanh hoặc một nhóm các cơ sở kinh doanh trong toàn bộ hoặc một phần của chuỗi cung cấp thực phẩm, bao gồm các công ty chăn nuôi, người chăn nuôi, đơn vị vận chuyển vật nuôi và cơ sở giết mổ. Một tổ chức có thể là tổ chức công hoặc tư nhân và có thể bao gồm người kinh doanh đơn lẻ, công ty, tập đoàn, hợp tác xã, trang trại, nhà máy, cơ quan, hiệp hội, hội từ thiện hoặc viện nghiên cứu, hoặc kết hợp của chúng, có thể có liên kết giữa các thành phần công và tư.
3.9
Biện pháp nguồn lực (resource-based measure)
Yếu tố hoặc kết hợp của các yếu tố có thể liên quan khả năng thay đổi phúc lợi động vật theo hướng tốt hoặc xấu
CHÚ THÍCH 1: Các yếu tố này bao gồm các nguồn lực (ví dụ: chuồng, không gian cho mỗi vật nuôi, phương tiện vận chuyển và nhốt, nhiệt độ và chất lượng không khí, thông số của thiết bị làm choáng) hoặc quản lý (ví dụ: nhân sự, tài chính, quá trình).
CHÚ THÍCH 2: Các biện pháp này được phân biệt với các tiêu chuẩn đánh giá động vật (3.2).
4 Nguyên tắc chính trong việc xây dựng kế hoạch phúc lợi động vật
4.1 Tổ chức xây dựng kế hoạch phúc lợi động vật phải đảm bảo:
a) Cho phép áp dụng các nguyên tắc và hướng dẫn phúc lợi động vật của OIE hoặc các điều khoản khác từ các tiêu chuẩn riêng hoặc tiêu chuẩn chung, đáp ứng ít nhất là OIE TAHC; các nguyên tắc chung về phúc lợi động vật trong hệ thống chăn nuôi (Điều 7.1.4) và các chương khác liên quan đến Phần 7 của OIE TAHC cung cấp hướng dẫn có giá trị để xây dựng một kế hoạch phúc lợi động vật phù hợp với ít nhất là OIE TAHC;
b) Đảm bảo cam kết duy trì phúc lợi động vật tốt bắt đầu từ ban quản lý và được thấu hiểu trong tất cả nhân viên; điều này có thể bao gồm việc xác định người quản lý phúc lợi động vật hoặc các biện pháp phù hợp khác với tổ chức để đảm bảo phúc lợi động vật;
c) Bao gồm tất cả các giai đoạn sống của động vật thuộc trách nhiệm của tổ chức và xác nhận khi có thể, về sự liên tục của phúc lợi động vật trong quá trình chuyển giao trách nhiệm từ tổ chức hoặc đến tổ chức;
d) Tạo điều kiện cho việc thực hiện và truyền đạt kế hoạch trong tổ chức;
e) Khuyến khích cải tiến liên tục thông qua việc thực hiện những thay đổi ở các mức độ khác nhau để ngăn ngừa sự không phù hợp hoặc để đảm bảo sự phù hợp với kế hoạch đã nêu trong 4.1 a) đến 4.1;
d) Cũng như kết hợp những thay đổi liên quan khác để đảm bảo tốt hơn phúc lợi động vật khi cần; việc khuyến khích cải tiến liên tục này không có nghĩa là áp dụng những thay đổi nếu không cần thiết để duy trì phúc lợi tốt cho động vật.
4.2 Tổ chức phải thiết lập và duy trì tài liệu và hồ sơ thích hợp liên quan đến kế hoạch, như:
a) Các hướng dẫn, tiêu chuẩn hoặc quy phạm thực hành tốt về phúc lợi động vật của bên ngoài để xây dựng kế hoạch phúc lợi động vật,
b) Mọi tài liệu hoặc hồ sơ do tổ chức xây dựng liên quan đến việc thực hiện hoặc quản lý kế hoạch, bao gồm các kết quả của các lần đánh giá trước đó và các xem xét, cũng như dữ liệu được sử dụng để thiết lập và đạt tới ngưỡng đối với tiêu chuẩn đánh giá động vật, theo 5.3 c) và 5.3 d).
5 Xây dựng kế hoạch phúc lợi động vật
Xem Hình 1.
Hình 1 - Các bước để xây dựng kế hoạch phúc lợi động vật
Việc xây dựng kế hoạch phúc lợi động vật phải dựa trên các bước sau: đánh giá việc quản lý hiện hành về phúc lợi động vật trong tổ chức (bước 1, xem 5.2), soạn thảo kế hoạch phúc lợi động vật (bước 2, xem 5.3), thực hiện kế hoạch đã định (bước 3, xem 5.4), đánh giá và xem xét kế hoạch phúc lợi động vật (bước 4, xem 5.5). Các bước tiếp theo bao gồm phản hồi về đánh giá đầu tiên và đánh giá phân tích khoảng trống như là một phần của quá trình cải tiến liên tục.
5.2 Bước 1 - Xác định khoảng trống
5.2.1 Yêu cầu chung
Bước này mô tả cách xác định khoảng trống trong quản lý phúc lợi động vật hiện tại của tổ chức, bao gồm các biện pháp dựa trên tiêu chuẩn đánh giá động vật (như đã được ghi chép và thực hiện), các nguyên tắc của OIE và các tài liệu khác có liên quan đáp ứng ít nhất là OIE TAHC.
Những người thực hiện kế hoạch phúc lợi động vật phải có kiến thức đầy đủ về thực tiễn, tập tính và nhu cầu của động vật, về thực hành quản lý và chăm sóc động vật hiệu quả, về điều kiện địa phương và về luật pháp.
5.2.2 Xác định các tài liệu liên quan
Trước khi tiến hành phân tích khoảng trống, cần xác định các tài liệu liên quan được sử dụng làm tham khảo cho phân tích khoảng trống và phải bao gồm ít nhất là OIE TAHC, đặc biệt là các nguyên tắc chung về phúc lợi động vật trong 7.1.4 và các chương cụ thể của OIE TAHC có liên quan đến tổ chức. Cũng cần xác định các yêu cầu pháp luật có liên quan.
Tài liệu cũng có thể bao gồm sổ tay hướng dẫn về phúc lợi động vật, quy phạm thực hành hoặc các quy định của các cơ quan có thẩm quyền của khu vực tư nhân cũng như các tài liệu khoa học và kỹ thuật, đáp ứng ít nhất là OIE TAHC.
5.2.3 Phương pháp xác định khoảng trống
Các điều kiện địa phương của tổ chức có thể khác nhau và cần được xem xét khi thực hiện phân tích khoảng trống (ví dụ: vùng miền, khí hậu và hệ thống sản xuất). Phân tích khoảng trống phải dựa trên đánh giá mức độ áp dụng từng nguyên tắc chung về phúc lợi động vật (7.1.4 của OIE TAHC), có tính đến cả các biện pháp nguồn lực và tiêu chuẩn đánh giá động vật (xem Phụ lục A). Phân tích khoảng trống phải tính đến các loài động vật khác nhau và nhu cầu của chúng phù hợp với giai đoạn sống của động vật thuộc trách nhiệm của tổ chức và theo các chương cụ thể của OIE TAHC.
a) Thứ nhất, phân tích khoảng trống phải xác định giai đoạn sống của động vật thuộc trách nhiệm của tổ chức, trong tất cả các đơn vị xử lý động vật.
b) Thứ hai, phân tích khoảng trống phải xác định các mục tiêu phúc lợi động vật của tổ chức. Bước này phải xác định các hoạt động và nguồn lực cần được thực hiện và đặc biệt là các tiêu chuẩn đánh giá động vật có thể được sử dụng để theo dõi các mục tiêu này và mức độ thực hiện của chúng.
c) Thứ ba, phân tích khoảng trống phải xác định từng bước sự khác nhau giữa thực hành thông thường do tổ chức thực hiện, bao gồm hệ thống giám sát và các điều kiện về phúc lợi động vật trong các đơn vị xử lý động vật và yêu cầu của OIE TAHC và các tài liệu khác có liên quan được nhận biết.
d) Cuối cùng, "các khoảng trống" sẽ là kết quả của việc tổng hợp b) và c) bằng cách xác định các hạng mục còn thiếu trong quản lý phúc lợi động vật. Các khoảng trống được xác định và ưu tiên các cải tiến liên tục dựa trên tần suất và mức độ nghiêm trọng đối với phúc lợi động vật cũng như khả năng dễ dàng khắc phục các khoảng trống được xác định và thực hiện những cải tiến sẽ có tác động lớn nhất đến phúc lợi động vật.
Nếu kế hoạch phúc lợi động vật của tổ chức đã có sẵn thì phân tích khoảng trống phải đánh giá được việc thực hiện và tuân thủ kế hoạch đó cũng như với các yêu cầu của OIE TAHC.
Việc phân tích khoảng trống phải đánh giá được nhu cầu đưa ra kế hoạch dự phòng trong trường hợp, như: hư hỏng hệ thống cung cấp năng lượng, nước, thức ăn chăn nuôi và thiên tai, khi đó họ có thể dung hòa với phúc lợi động vật.
Ở cuối bước 1, phải xác định được các khoảng trống giữa thực hành thông thường của tổ chức và các nguyên tắc của OIE và các tài liệu liên quan khác ít nhất là OIE TAHC.
5.3 Bước 2 - Soạn thảo kế hoạch phúc lợi động vật
Bước này được thiết kế để hỗ trợ tổ chức trong việc xây dựng kế hoạch nhằm giải quyết các khoảng trống đã xác định được trong bước 1 (xem 5.2) và đảm bảo phúc lợi động vật bằng một chương trình được lập bằng văn bản có thể được thực hiện ở tất cả các đơn vị xử lý vật nuôi thuộc trách nhiệm của tổ chức. Việc này bao gồm việc xem xét các nguyên tắc chính được quy định trong Điều 4.
a) Để đảm bảo tính khả thi, kế hoạch phúc lợi động vật phải dựa trên việc đánh giá các nguồn lực và các thực hành cần thiết để đạt được các mục tiêu về phúc lợi động vật phù hợp với ít nhất với OIE TAHC, có tính đến điều kiện địa lý và khí hậu của địa phương. Điều này bao gồm các khía cạnh của con người (bao gồm cả năng lực), tài chính và môi trường. Kế hoạch phúc lợi động vật phải xem xét việc quản lý sức khỏe và bệnh tật động vật dựa vào, ví dụ: bối cảnh dịch tễ địa phương và các chương trình thú y quy định. Mức độ chi tiết của đánh giá phải tương xứng với quy mô và tính chất của các hoạt động liên quan đến động vật mà kế hoạch được áp dụng. Nếu cần, phải xác định các biện pháp khẩn cấp trong kế hoạch dự phòng.
b) Kế hoạch phúc lợi động vật phải xác định năng lực đối với người chăn nuôi để đảm bảo điều kiện phúc lợi động vật phù hợp.
c) Kế hoạch phúc lợi động vật phải xác định việc giám sát có liên quan về các biện pháp chăm sóc động vật và các chỉ số có thể đo được theo OIE TAHC, ví dụ: các tiêu chuẩn đánh giá động vật và dựa vào các biện pháp nguồn lực.
d) Nếu có bằng chứng khoa học cho thấy các thực hành cụ thể sẽ có lợi hoặc làm hạn chế phúc lợi động vật thì cần nhấn mạnh việc giám sát các biện pháp nguồn lực tương ứng.
e) Nếu có bằng chứng khoa học cho thấy rằng vấn đề phúc lợi có thể có nguồn gốc nhiều yếu tố thì cần nhấn mạnh đến việc giám sát các tiêu chuẩn đánh giá động vật. Các ngưỡng chấp nhận được đối với các chỉ số này sẽ được xác định trên cơ sở khoa học, sử dụng hướng dẫn trong Phụ lục A.
f) Việc đáp ứng các khoảng trống trong kế hoạch phúc lợi động vật cần xác định một sơ đồ và thời gian để cải thiện chăm sóc động vật, có tính đến việc ưu tiên các khoảng trống trong bước 1 [xem 5.2.3 d)].
g) Kế hoạch phúc lợi động vật phải xác định hoặc mô tả phương pháp đánh giá và xem xét.
h) Kế hoạch phúc lợi động vật phải được những người chăn nuôi và điều hành giàu kinh nghiệm, hoặc các chuyên gia giàu kinh nghiệm khác xem xét để đảm bảo các kết quả thực tế và có thể đạt được.
Ở cuối bước 2, phải có kế hoạch phúc lợi động vật bằng văn bản cho tổ chức.
5.4 Bước 3 - Thực hiện kế hoạch phúc lợi động vật
Bước thực hiện nêu ra những gì cần phải làm để thực hiện kế hoạch phúc lợi động vật được nêu trong bước 2 (xem 5.3) để duy trì và cải thiện phúc lợi động vật. Bước này bao gồm cả nhân lực và các nguồn lực khác được yêu cầu cũng như giám sát cách thực hiện các quy định của kế hoạch. Việc này phải tính đến quy mô và tính chất của các hoạt động mà kế hoạch được áp dụng. Điều này nhấn mạnh rằng các hành động khắc phục cần phải cố gắng giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự không tuân thủ với kế hoạch phúc lợi động vật đã được xác định.
a) Theo kế hoạch được xây dựng trong bước 2 (xem 5.3), các nguồn lực cần thiết (ví dụ: thiết bị, vật liệu, hệ thống, chuồng trại, cơ sở vật chất, nhân lực) phải có sẵn để thực hiện kế hoạch phúc lợi động vật. Các khoảng trống xác định trong bước 1 (xem 5.2) phải được giải quyết.
b) Người thực hiện các hoạt động quản lý động vật phải có thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ này, và khi cần thiết, phải tư vấn hoặc đào tạo để hỗ trợ họ tiếp thu những kỹ năng mới.
c) Quy trình phối hợp và quản lý phải được xác định để đảm bảo thực hiện có hiệu quả kế hoạch phúc lợi động vật nếu cần, tùy thuộc vào quy mô và tính chất của các hoạt động.
d) Các yêu cầu then chốt được mô tả trong kế hoạch phúc lợi động vật (kể cả kỹ năng chăm sóc động vật) phải được giải thích cho tất cả các nhân viên liên quan của tổ chức theo nhiệm vụ và trách nhiệm của họ thông qua các phương tiện truyền thông thích hợp.
e) Việc thực hiện kế hoạch phải được theo dõi và giám sát. Việc giám sát phải dựa trên các biện pháp nguồn lực và tiêu chuẩn đánh giá động vật được xác định trong bước 2 [xem 5.3 c) và 5.3 d)]. Tổ chức phải đánh giá mức độ thực hiện của kế hoạch bằng các chỉ thị thích hợp.
f) Nếu việc theo dõi và giám sát cho thấy sự hiểu biết không rõ ràng hoặc không đầy đủ, phải đảm bảo sự trao đổi thông tin phù hợp và phải có hành động khắc phục.
g) Phải có quy trình để xác định và thực hiện hành động khắc phục trong trường hợp các kết quả không thể chấp nhận được. Việc lạm dụng động vật phải được khắc phục ngay.
h) Ghi chép các thông tin chính, bao gồm hồ sơ các biện pháp nguồn lực, các tiêu chuẩn đánh giá động vật và hành động khắc phục.
Ở cuối bước 3, việc thực hiện kế hoạch phúc lợi động vật đã định dẫn đến tiêu chuẩn chứng minh phúc lợi, ít nhất phù hợp với các yêu cầu của OIE TAHC hoặc các tiêu chuẩn phúc lợi động vật khác đã được xác định trong bước 1 (xem 5.2).
5.5 Bước 4 - Đánh giá và xem xét
Bước này được thiết kế để hỗ trợ trong việc xác định xem kế hoạch phúc lợi động vật đã được thực hiện đúng trong tổ chức để đáp ứng yêu cầu của OIE TAHC. Bước này cung cấp một số hướng dẫn cho tổ chức để đánh giá hiệu lực của kế hoạch bằng văn bản và để xem xét khi cần cải tiến.
a) Tổ chức phải xác định tần suất xem xét kế hoạch phúc lợi động vật dựa trên việc cập nhật các tài liệu có liên quan, đặc biệt là việc xem xét thường xuyên của OIE TAHC, những thay đổi có liên quan trong tổ chức và hoạt động tổng thể của kế hoạch phúc lợi động vật.
b) Việc đánh giá phải do người quản lý phúc lợi động vật hoặc người có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phúc lợi động vật hoặc người bất kỳ có kỹ năng liên quan đến quản lý phúc lợi động vật do tổ chức chỉ định thực hiện. Phải đánh giá được phúc lợi động vật đạt được và sự phù hợp của các biện pháp thực hành của tổ chức với kế hoạch phúc lợi động vật của họ.
Việc đánh giá phải bao gồm:
- đánh giá việc thực hiện kế hoạch phúc lợi động vật;
- đánh giá hiệu lực của kế hoạch phúc lợi động vật thông qua đánh giá các chỉ tiêu thích hợp được sử dụng trong bước 3 [xem 5.4 e)];
- phản hồi từ tổ chức với sự kết hợp với người làm các công việc liên quan và thảo luận về các lĩnh vực phúc lợi động vật chính cần quan tâm;
- kết hợp quan sát với việc xem xét hồ sơ/tài liệu;
- đánh giá mức độ phù hợp của kế hoạch phúc lợi động vật đối với hoạt động hiện tại của tổ chức và bối cảnh hoạt động của tổ chức.
c) Việc xem xét là đánh giá năng lực của kế hoạch phúc lợi động vật để lấp khoảng trống từ bước 1 (xem 5.2) và đảm bảo phúc lợi động vật theo OIE TAHC và các tài liệu đã được xác định khác. Việc xem xét phải do ban quản lý của tổ chức, bao gồm người quản lý phúc lợi động vật hoặc người có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phúc lợi động vật hoặc người bất kỳ có các kỹ năng liên quan đến quản lý phúc lợi động vật do tổ chức chỉ định.
Việc xem xét do ban quản lý của tổ chức phải tính đến:
- tất cả các kết quả từ việc thực hiện (xem 5.4) và đánh giá [xem 5.5 b)] của kế hoạch phúc lợi động vật;
- bất kỳ kiến thức, thực tiễn hoặc công nghệ mới nào liên quan đến việc cải thiện phúc lợi động vật trong tổ chức;
- bất kỳ bản cập nhật hoặc thay đổi nào của các tài liệu liên quan (ví dụ: OIE TAHC, luật định) để xác minh rằng những thay đổi này đã được tính đến trong kế hoạch phúc lợi động vật.
Việc xem xét phải chứng minh rằng những người liên quan trong tổ chức đã đóng góp vào việc đánh giá kế hoạch, đã cung cấp một số đầu vào cho việc đánh giá kế hoạch phúc lợi động vật và đảm bảo tính khả thi của kế hoạch đó.
Các ngưỡng phúc lợi động vật đối với tiêu chuẩn đánh giá động vật
Phụ lục này cung cấp hướng dẫn để xác định ngưỡng đối với tiêu chuẩn đánh giá động vật vì không có ngưỡng hoặc nguyên tắc dựa trên kết quả rõ ràng để xác định ngưỡng được OIE TAHC thiết lập.
Các tiêu chuẩn đánh giá động vật có thể là những chỉ thị hữu ích về phúc lợi động vật và là một cách để đánh giá các lĩnh vực chính mà phúc lợi có thể bị tổn hại và cần được cải thiện hoặc duy trì. Tiêu chuẩn đánh giá động vật hỗ trợ người chăn nuôi (ví dụ như các nhà sản xuất, người vận chuyển và nhân viên giết mổ) theo dõi hiệu lực của các thực hành về phúc lợi động vật.
Việc thiết lập các ngưỡng đối với tiêu chuẩn đánh giá động vật có thể được sử dụng cho tính minh bạch và đánh giá sự phù hợp với các mục tiêu của tổ chức và/hoặc mức độ phúc lợi động vật có thể chấp nhận được.
Các tiêu chuẩn đánh giá động vật không nhất thiết được sử dụng để xác định mức tổng thể về phúc lợi động vật.
Cách tiếp cận sau đây có thể được xem xét để sử dụng đối với tiêu chuẩn đánh giá động vật.
a) Các tiêu chuẩn đánh giá động vật này dựa trên các bài báo về "Các tiêu chí hoặc các thước đo phúc lợi [của từng loài]" trong các chương kỹ thuật của OIE TAHC và các bài báo khoa học đã được công bố. Các tiêu chuẩn đánh giá động vật cần có hiệu lực, đáng tin cậy và người xử lý vật nuôi có thể sử dụng được. Khi thích hợp, tổ chức cần theo dõi các tiêu chuẩn đánh giá động vật và lưu giữ hồ sơ.
b) Các ngưỡng có thể bao gồm một giá trị tuyệt đối hoặc dải các giá trị có thể chấp nhận được.
c) Khi xác định các ngưỡng có liên quan và các tiêu chuẩn đánh giá động vật, tổ chức cần đề cập đến các tài liệu khoa học đã được kiểm tra. Trong trường hợp không có tài liệu tham khảo đó, tổ chức cần xem xét các cơ sở dữ liệu có liên quan với các thông tin tương tự đối với hoàn cảnh nhất định.
d) Nếu xuất hiện sai lệch so với ngưỡng thì tổ chức cần xem xét sai lệch ở cấp tổ chức và tại các địa điểm hoạt động thích hợp của tổ chức. Khi xem xét sai lệch so với ngưỡng, cần có hành động khắc phục có tính đến tác động có thể của các sự kiện cụ thể (ví dụ: điều kiện địa phương, điều kiện khí hậu và các vụ dịch bệnh bùng phát bất ngờ).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.