TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 12444:2018
ISO 20585:2005
VÁN GỖ NHÂN TẠO - XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN UỐN SAU KHI NGÂM TRONG NƯỚC Ở NHIỆT ĐỘ 70°C HOẶC 100°C (NHIỆT ĐỘ SÔI)
Wood-based panels - Determination of wet bending strength after immersion in water at 70 °C or 100°C (boiling temperature)
Lời nói đầu
TCVN 12444:2018 hoàn toàn tương đương với ISO 20585:2005.
TCVN 12444:2018 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC89 Ván gỗ nhân tạo biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
VÁN GỖ NHÂN TẠO - XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN UỐN SAU KHI NGÂM TRONG NƯỚC Ở NHIỆT ĐỘ 70°C HOẶC 100°C (NHIỆT ĐỘ SÔI)
Wood-based panels - Determination of wet bending strength after immersion in water at 70 °C or 100°C (boiling temperature)
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền uốn của ván dăm và ván sợi sau khi ngâm trong nước nóng. Phương pháp A sử dụng nước ở nhiệt độ 70 °C và phương pháp B sử dụng nước ở nhiệt độ 100 °C (nhiệt độ sôi).
CHÚ THÍCH Nhiệt độ sôi có thể thay đổi phụ thuộc vào độ cao so với mực nước biển.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 5692 (ISO 9424), Ván gỗ nhân tạo -Xác định kích thước mẫu thử.
TCVN 11903 (ISO 16999), Ván gỗ nhân tạo - Lấy mẫu và cắt mẫu thử.
TCVN 12446 (ISO 16978), Ván gỗ nhân tạo - Xác định môđun đàn hồi khi uốn và độ bền uốn.
3 Nguyên tắc
Mẫu thử được ngâm 2 h trong nước nóng hoặc nước sôi, để nguội 1 h, sau đó thử độ bền uốn. Phép thử nhằm cung cấp thông tin về độ bền tự nhiên tấm ván sau khi thấm nước.
4 Thiết bị, dụng cụ
4.1 Bể nước nóng, làm bằng thép không gỉ, có nắp, được gia nhiệt để kiểm soát chính xác được nhiệt độ của nước bên trong.
Bể phải có kết cấu sao cho khu vực gia nhiệt tách khỏi khu vực ngâm mẫu bằng các tấm ngăn hoặc sử dụng khoang riêng biệt. Điều này sẽ ngăn ngừa sự hao mòn mẫu thử do bọt khí và dòng nước mạnh gây ra (xem Hình 1).
Một dụng cụ kiểm soát mức nước (ví dụ khoang phao) có thể được lắp đặt nhằm duy trì sự ổn định của mức nước, bởi nước sẽ bị hao hụt do bị bay hơi. Mẫu thử phải ngập sâu dưới mặt nước (75 ±15) mm. Một ống nối chảy ngược cũng sẽ đảm bảo nước được gia nhiệt trước khi đi vào bể từ khoang phao.
Đối với thử nghiệm ở 70 °C (Phương pháp A), nhiệt độ của nước phải được giữ ở (70 ± 3) °C.
Đối với thử nghiệm sôi (Phương pháp B), nước phải ở trạng thái sôi lăn tăn, không có sự sôi sùng sục hoặc sôi bùng lên bên trên hoặc bên dưới bề mặt.
CHÚ DẪN
1 khoang phao
2 đường nước vào
3 ống nối bổ sung nước (cho phép chảy ngược để làm ấm nước trước khi vào bể nước nóng)
4 bộ phận gia nhiệt
5 tấm ngăn
6 ống xả nước
7 ống chảy tràn
Hình 1 - Bể nước nóng
4.2 Giá giữ mẫu thử, để giữ mẫu thử sao cho cạnh dài theo phương ngang và cạnh ngắn theo phương thẳng đứng (xem Hình 2).
Các mẫu thử đặt cách nhau ít nhất 15 mm, cách đáy bể và bộ phận gia nhiệt ít nhất 40 mm. Giá phải đủ nặng để khi mẫu được xếp vào và ngâm trong nước, vẫn đảm bảo ổn định không bị nổi hoặc bồng bềnh lên xuống.
4.3 Bể ổn nhiệt ở nhiệt độ phòng, với thể tích bên trong có khả năng làm ngập hoàn toàn giá giữ và mẫu thử ở nhiệt độ ban đầu là (20 ± 2) °C. Sau khi lấy ra khỏi bể nước nóng, mẫu thử được ngâm trong bể ổn nhiệt ở nhiệt độ phòng, trong suốt thời gian ngâm nhiệt độ của bể ổn nhiệt phải duy trì ở (20 ± 2) °C.
4.4 Máy thử, thiết bị thử nghiệm độ bền uốn, được quy định trong TCVN 12446 (ISO 16978).
4.5 Dụng cụ đo, như quy định trong TCVN 5692 (ISO 9424).
Hình 2 - Giá giữ mẫu thử
5 Mẫu thử
5.1 Lấy mẫu
Lấy mẫu và cắt mẫu thử phải tiến hành theo TCVN 11903 (ISO 16999).
5.2 Kích thước
Kích thước của mẫu thử được quy định trong TCVN 12446 (ISO 16978).
5.3 Số lượng mẫu thử
Lấy sáu mẫu thử, ba mẫu có hướng gia công song song với chiều dài mẫu thử và ba mẫu có hướng gia công vuông góc với chiều dài mẫu thử.
5.4 Ổn định
Mẫu thử phải được ổn định đến khối lượng không đổi trong môi trường có độ ẩm tương đối (65 ± 5) % và nhiệt độ (20 ± 2) °C. Khối lượng được coi là không đổi khi chênh lệch kết quả giữa hai lần cân liên tiếp, được tiến hành cách nhau 24 h không vượt quá 0,1 % khối lượng mẫu thử.
6 Cách tiến hành
6.1 Phép đo ban đầu
Sau khi ổn định, tiến hành xác định chiều dày và chiều rộng theo TCVN 5692 (ISO 9424).
6.2 Quy trình ngâm - Phương pháp A (70 °C)
Sử dụng nước vòi sạch, uống được cho mỗi lần thử nghiệm. Đảm bảo rằng bể nước nóng đạt nhiệt độ đúng bằng (70 ± 3) °C.
Đặt mẫu thử vào bồn trong giá giữ và sau đó đặt giá có mẫu vào bể nước nóng sao cho mẫu thử ngập cách mặt nước (75 ± 15) mm. Duy trì nhiệt độ nước ở nhiệt độ đúng trong thời gian là 2 h. Lượng nước được thêm vào đều phải đạt nhiệt độ đúng.
6.3 Quy trình ngâm - Phương pháp B (100 °C, nước sôi)
Sử dụng nước vòi sạch, uống được cho mỗi lần thử nghiệm. Đảm bảo rằng nước sôi lăn tăn ở nhiệt độ ít nhất là 97 °C.
Đặt mẫu thử vào bên trong giá giữ và sau đó đặt giá có mẫu vào bể nước nóng sao cho mẫu thử ngập cách mặt nước (75 ± 15) mm. Duy trì nhiệt độ nước ở nhiệt độ sôi lăn tăn trong thời gian là 2 h. Lượng nước được thêm vào đều phải đạt nhiệt độ đúng.
6.4 Làm nguội - Phương pháp A và phương pháp B
Giá giữ có mẫu được lấy ra sau khoảng thời gian (120 ± 5) min trong bể nước nóng. Sau đó ngâm trong bể ổn nhiệt ở nhiệt độ phòng trong khoảng thời gian (60 ± 5) min. Lấy mẫu ra khỏi bể ổn nhiệt, lau khô để loại bỏ nước thừa, tiến hành thử nghiệm độ bền uốn trong khoảng thời gian 15 min. Nếu không thể thử nghiệm trong khung thời gian này, mẫu thử phải được bảo quản trong túi nylon trong 4 h, sau đó mới tiến hành thử nghiệm.
6.5 Thử nghiệm độ bền uốn - Phương pháp A và phương pháp B
Độ bền uốn của mẫu thử được xác định theo TCVN 12446 (ISO 16978).
7 Biểu thị kết quả
Độ bền uốn của mỗi mẫu thử, fmw được tính theo công thức sau:
trong đó:
fmw là độ bền uốn, tính bằng Megapascal (MPa);
Fmax là giá trị tải trọng lớn nhất, tính bằng Newton (N);
b là chiều rộng mẫu thử trước khi ngâm, tính bằng milimét (mm);
t là chiều dày mẫu thử trước khi ngâm, tính bằng milimét (mm);
l1 là khoảng cách giữa tâm hai gối đỡ, tính bằng milimét (mm).
Độ bền uốn của mỗi mẫu thử phải được tính chính xác đến ba chữ số thập phân.
8 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải theo TCVN 11903 (ISO 16999).
Ngoài ra, báo cáo thử nghiệm còn phải bao gồm các thông tin sau:
a) từng báo cáo thử nghiệm phải chi rõ các kết quả được xác định theo phương pháp A hay phương pháp B;
b) tất cả các thông tin về thử nghiệm không theo tiêu chuẩn này (ổn định mẫu thử, nhiệt độ nước, v.v...).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.