IEC 62552-1:2015
THIẾT BỊ LẠNH GIA DỤNG - ĐẶC TÍNH VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ - PHẦN 1: YÊU CẦU CHUNG
Household refrigerating appliances - Characteristics and test methods - Part 1: General requirements
Mục lục
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ, định nghĩa và ký hiệu
4 Phân loại
5 Ký hiệu
6 Thông tin kỹ thuật và thương mại của sản phẩm
7 Hướng dẫn
Phụ lục A (quy định) - Phòng thử và thiết bị đo
Phụ lục B (quy định) - Chuẩn bị thiết bị cho thử nghiệm và quy trình đo chung
Phụ lục C (quy định) - Các gói thử
Phụ lục D (quy định) - Xác định nhiệt độ trung bình của không khí trong ngăn
Phụ lục E (quy định) - Chi tiết về các ký hiệu nhận biết
Phụ lục F (tham khảo) - Các nội dung cần nêu trong báo cáo thử nghiệm
Phụ lục G (quy định) - Thiết bị bảo quản rượu
Thư mục tài liệu tham khảo
Lời nói đầu
TCVN 11917-1:2017 thay thế TCVN 7627:2007 (ISO 15502:2005);
TCVN 11917-1:2017 hoàn toàn tương đương với IEC 62552-1:2015;
TCVN 11917-1:2017 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E1SC5 Hiệu suất năng lượng của thiết bị lạnh biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 11917 (IEC 62552) Thiết bị lạnh gia dụng - Đặc tính và phương pháp thử, gồm có các tiêu chuẩn sau:
- TCVN 11917-1:2017 (IEC 62552-1:2015), Phần 1: Yêu cầu chung;
- TCVN 11917-2:2017 (IEC 62552-2:2015), Phần 2: Yêu cầu về tính năng;
- TCVN 11917-3:2017 (IEC 62552-3:2015), Phần 3: Tiêu thụ năng lượng và dung tích.
THIẾT BỊ LẠNH GIA DỤNG - ĐẶC TÍNH VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ - PHẦN 1: YÊU CẦU CHUNG
Household refrigerating appliances - Characteristics and test methods - Part 1: General requirements
Tiêu chuẩn này quy định các đặc tính cơ bản của thiết bị lạnh gia dụng, làm lạnh bằng đối lưu tự nhiên hoặc cưỡng bức và xây dựng các phương pháp thử nghiệm để kiểm tra các đặc tính này.
Với mục đích công bố, các thử nghiệm trong tiêu chuẩn này được coi là thử nghiệm điển hình để đánh giá thiết kế và vận hành của các thiết bị lạnh. Tiêu chuẩn này không đề cập tới các yêu cầu về lấy mẫu trên dây chuyền sản xuất, đánh giá sự phù hợp hoặc chứng nhận.
Tiêu chuẩn này không xác định chế độ thử nghiệm đánh giá xác nhận vì phải thay đổi theo vùng và quốc gia. Trường hợp khi cần kiểm tra xác nhận tính năng của các thiết bị lạnh có kiểu xác định liên quan đến tiêu chuẩn này, thì tốt hơn hết là tất cả các thử nghiệm đều được áp dụng cho một thiết bị đơn chiếc. Các thử nghiệm cũng có thể thực hiện riêng lẻ để đánh giá một đặc tính cụ thể.
Các tài liệu viện dẫn dưới đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu ghi năm công bố thì áp dụng các bản được nêu. Đối với các tài liệu không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất (kể cả các sửa đổi).
TCVN 11917-2:2017 (IEC 62552-2:2015), Thiết bị lạnh gia dụng - Đặc tính và phương pháp thử - Phần 2: Yêu cầu về tính năng
TCVN 11917-3:2017 (IEC 62552-3:2015), Thiết bị lạnh gia dụng - Đặc tính và phương pháp thử - Phần 3: Tiêu thụ năng lượng và dung tích
3 Thuật ngữ, định nghĩa và ký hiệu
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ, định nghĩa và ký hiệu dưới đây.
3.1 Thuật ngữ chung và định nghĩa
3.1.1
Thiết bị lạnh (refrigerating appliance)
Một buồng cách nhiệt với một hoặc nhiều ngăn được khống chế tại các nhiệt độ xác định với trang bị và kích thước phù hợp cho mục đích gia dụng, được làm lạnh bởi hệ thống đối lưu tự nhiên hay cưỡng bức, trong đó việc làm lạnh đạt được bằng một hoặc nhiều thiết bị sử dụng năng lượng.
CHÚ THÍCH: Xét trên phương diện lắp đặt thì phải có nhiều loại thiết bị lạnh gia dụng khác nhau (thiết bị đứng, cầm tay, treo tường, hay tủ lắp sẵn (lắp âm), v.v.).
3.1.2
Tủ mát (refrigerator)
Thiết bị lạnh với mục đích là bảo quản thức ăn, với ít nhất một ngăn chứa thực phẩm tươi.
3.1.3
Tủ lạnh (refrigerator-freezer)
Thiết bị lạnh có ít nhất một ngăn chứa thực phẩm tươi và ít nhất một ngăn kết đông.
3.1.4
Thiết bị lạnh không đóng băng (frost-free refrigerating appliance)
Thiết bị lạnh trong đó tất cả các ngăn đều được xả băng tự động với việc loại bỏ nước ngưng tự động và ít nhất một ngăn được làm lạnh bởi hệ thống không đóng băng.
3.1.5
Tủ đông (freezer)
Thiết bị lạnh chỉ gồm các ngăn đông, ít nhất một trong số đó là ngăn kết đông.
3.1.6
Thiết bị bảo quản rượu (wine storage appliance)
Thiết bị lạnh không có ngăn nào ngoài một hoặc nhiều ngăn bảo quản rượu.
CHÚ THÍCH: Một thiết bị có bất kỳ ngăn nào không đáp ứng tất cả các yêu cầu của một thiết bị bảo quản rượu theo Phụ lục G thì không thể được phân loại như một thiết bị bảo quản rượu.
3.1.7
Thiết bị lắp sẵn (built-in appliance)
Thiết bị được sử dụng trong khi lắp đặt sẵn (âm) trong tường hay các vị trí tương tự.
3.1.8
Thực phẩm (foodstuff)
Tất cả các thức ăn và đồ uống với mục đích tiêu dùng.
3.1.9
Giá trị danh định (rated)
Giá trị được công bố bởi nhà chế tạo (ví dụ dung tích, năng lượng tiêu thụ, tính năng sử dụng).
3.1.10
Sử dụng bình thường (normal use)
Hoạt động khi thiết bị lạnh ở các điều kiện khác nhau có thể xảy ra trong sử dụng kể cả khi hoạt động trong phạm vi:
- nhiệt độ phòng (bao gồm cả nhiệt độ được xác định trong Thử nghiệm khả năng bảo quản, xem Điều 6 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2),
- các mức ẩm khác nhau, và
- hoạt động của người sử dụng, như mở cửa (có thể là thường xuyên, không thường xuyên hoặc kết hợp) và thêm hoặc bớt thực phẩm hoặc các thứ bảo quản khác.
3.2 Thuật ngữ và định nghĩa liên quan đến hệ thống lạnh
3.2.1
Môi chất lạnh (refrigerant)
Môi chất được sử dụng để truyền nhiệt trong hệ thống lạnh. Môi chất lạnh hấp thụ nhiệt ở nhiệt độ và áp suất thấp và thải nhiệt ở nhiệt độ cao hơn và áp suất cao hơn, thường liên quan đến việc chuyển pha của môi chất.
3.2.2
Dàn ngưng tụ (condenser)
Thiết bị trao đổi nhiệt mà từ đó nhiệt của môi chất lạnh được thải ra môi trường làm mát bên ngoài (thường là không khí bao quanh thiết bị).
3.2.3
Dàn bay hơi (evaporator)
Thiết bị trao đổi nhiệt hấp thụ nhiệt từ ngăn được làm lạnh và truyền cho môi chất lạnh.
3.3 Ngăn và các bộ phận khác
3.3.1
Ngăn (compartment)
Phần không gian kín bên trong một thiết bị lạnh, được tiếp cận trực tiếp qua một hoặc nhiều cửa bên ngoài, và có thể tự chia thành nhiều ngăn phụ.
CHÚ THÍCH 1: Các yêu cầu đối với các loại ngăn được nêu cụ thể trong Bảng 2 của TCVN 11917 (IEC 62552-2) và Bảng 1 của TCVN 11917 (IEC 62552-3).
CHÚ THÍCH 2: Trong tiêu chuẩn này, trừ khi được nêu cụ thể, thuật ngữ "ngăn" có nghĩa là ngăn và/hoặc ngăn phụ, được dùng phù hợp tùy theo ngữ cảnh.
3.3.2
Ngăn phụ (sub-compartment)
Không gian kín cố định bên trong một ngăn và có dải nhiệt độ làm việc khác với ngăn đó.
3.3.3
Khoang tiện ích (convenience feature)
Một không gian riêng biệt hoặc hộp đựng (có thể cố định hoặc tháo lắp được bởi người sử dụng), trong đó có điều kiện bảo quản thích hợp theo loại thực phẩm yêu cầu.
CHÚ THÍCH: Các điều kiện này có thể khác với các điều kiện của ngăn chứa nó.
3.3.4
Ngăn thay đổi được nhiệt độ (variable temperature compartment)
Ngăn dùng cho hai (hoặc nhiều hơn) loại ngăn khác nhau (ví dụ ngăn có thể là ngăn bảo quản thực phẩm tươi hoặc là ngăn kết đông) và có khả năng duy trì dải nhiệt độ làm việc liên tục được đặt bởi người sử dụng, áp dụng cho mỗi loại ngăn được công bố.
CHÚ THÍCH: Một ngăn dùng cho một loại ngăn nhưng cũng có thể đáp ứng các kiểu khác (ví dụ một ngăn nhiệt độ thấp cũng có thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu 0 sao) không phải là ngăn thay đổi được nhiệt độ.
3.3.5
Ngăn kết đông (freezer compartment)
Ngăn đáp ứng yêu cầu của ba sao hoặc bốn sao.
CHÚ THÍCH: Trong trường hợp cụ thể, khu vực 2 sao và/hoặc ngăn phụ được phép ở trong một ngăn.
3.3.6
Ngăn thực phẩm tươi (fresh food compartment)
Ngăn dùng để lưu giữ và bảo quản thực phẩm không kết đông.
3.3.7
Ngăn đồ uống (cellar compartment)
Ngăn dùng để trữ thực phẩm ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của ngăn thực phẩm tươi.
3.3.8
Ngăn đựng thức ăn (pantry compartment)
Ngăn dùng để trữ thực phẩm ở nhiệt độ cao hơn ngăn đồ uống.
3.3.9
Ngăn nhiệt độ thấp (chill compartment)
Ngăn để bảo quản thực phẩm dễ có khả năng hư hỏng.
3.3.10
Ngăn làm đá (ice-making compartment)
Ngăn riêng biệt để làm và trữ đá.
CHÚ THÍCH: Ngăn làm đá được phân loại như là ngăn 0 sao hoặc là ngăn đông.
3.3.11
Khuôn đá (ice mould)
Khuôn trong ngăn làm đá, nơi mà nước tự động chảy đầy vào khuôn và từ đó các khối đá được tách ra một cách tự động.
3.3.12
Khay đá (ice cube tray)
Khay có thể lấy ra và được đổ nước thủ công và đá có thể lấy ra một cách thủ công.
CHÚ THÍCH: Lượng nước trong khay đá được sử dụng để xác định hiệu suất xử lý tải. Xem phần Phụ lục G của TCVN 11917-3 (IEC 62552-3).
3.3.13
Ngăn không (0) sao (zero-star compartment)
Ngăn có nhiệt độ không lớn hơn 0 °C, có thể sử dụng để làm và trữ đá nhưng không phù hợp để bảo quản thực phẩm dễ bị hư hỏng.
3.3.14
Ngăn bảo quản rượu (wine storage compartment)
Ngăn chuyên để trữ và ủ rượu.
CHÚ THÍCH: Các yêu cầu về nhiệt đối với ngăn bảo quản rượu được quy định trong Phụ lục G.
3.3.15
Ngăn không đông (unfrozen compartment)
Bất kỳ các ngăn nào sau: 0 sao, nhiệt độ thấp, thực phẩm tươi, đồ uống, bảo quản rượu hoặc đựng thức ăn.
CHÚ THÍCH: Mặc dù ngăn làm đá và ngăn 0 sao hoạt động ở nhiệt độ âm nhưng chúng vẫn được coi là ngăn không đông đối với các thử nghiệm về năng lượng và tính năng trong tiêu chuẩn này.
3.3.16
Ngăn đông (frozen compartment)
Bất kỳ ngăn nào trong các ngăn sau: 1 sao, 2 sao, 3 sao và 4 sao.
CHÚ THÍCH: Ngăn đông được phân loại dựa theo nhiệt độ, xem 3.3.16.1 đến 3.3.16.4.
3.3.16.1
Một (1) sao (one-star)
Ngăn có nhiệt độ bảo quản không ấm hơn -6 °C.
3.3.16.2
Hai (2) sao (two-star)
Ngăn có nhiệt độ bảo quản không ấm hơn -12 °C.
3.3.16.3
Ba (3) sao (three-star)
Ngăn có nhiệt độ bảo quản không ấm hơn -18 °C.
3.3.16.4
Bốn (4) sao (four-star)
Ngăn có nhiệt độ bảo quản đáp ứng điều kiện 3 sao và năng suất kết đông nhỏ nhất đáp ứng các yêu cầu trong Điều 8 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2).
CHÚ THÍCH: Trong trường hợp cụ thể, khu vực 2 sao và/hoặc ngăn phụ được phép nằm trong ngăn 4 sao.
3.3.17
Khu vực 2 sao (two-star section)
Phần của ngăn 3 sao hoặc 4 sao, không nằm độc lập (nghĩa là không có cửa riêng hay nắp riêng) và đáp ứng yêu cầu của ngăn 2 sao.
CHÚ THÍCH: Khu vực 2 sao bất kỳ trong một ngăn đều không được vượt quá 20 % tổng dung tích của ngăn đó.
3.3.18
Ngăn rau (vegetable drawer or crisper)
Khoang tiện ích được cung cấp chủ yếu để làm chậm quá trình hỏng của rau quả.
CHÚ THÍCH: Ngăn rau thường được coi là một khoang tiện ích có thể lấy ra được, nhưng khi thử nghiệm thường được đặt đúng vị trí.
3.4 Kích thước và yếu tố vật lý
3.4.1
Loại cửa trên (top-opening type)
Thiết bị lạnh mà các ngăn được tiếp cận từ mặt trên (thường thông qua nắp).
3.4.2
Loại đứng (upright type)
Thiết bị lạnh mà các ngăn nhiệt độ thấp được tiếp xúc từ mặt trước.
3.4.3
Kích thước tổng thể (overall dimensions)
Khoảng không gian bị chiếm bởi thiết bị lạnh (cao, dài và rộng) với các cửa hoặc nắp ở vị trí đóng.
3.4.4
Không gian lắp đặt (space required in use)
Không gian bị chiếm bởi các thiết bị lạnh (cao, dài và rộng) cần thiết cho nhu cầu sử dụng bình thường với cửa hoặc nắp ở vị trí đóng, bao gồm không gian cần thiết cho sự tuần hoàn không khí và tay cầm, như Hình 5.
3.4.5
Không gian sử dụng (overall space required in use)
Tổng không gian bị chiếm bởi các thiết bị lạnh (cao, dài và rộng) cần thiết cho nhu cầu sử dụng bình thường với cửa hoặc nắp ở vị trí mở như Hình 5.
3.4.6
Dung tích (volume)
Phần không gian bên trong lớp lót của thiết bị lạnh, hoặc ngăn hoặc ngăn phụ được xác định trong TCVN 11917-3 (IEC 62552-3).
3.4.7
Giá đỡ (shelf)
Bề mặt nằm ngang có thể đặt thực phẩm lên trên.
CHÚ THÍCH: Một giá đỡ có thể được tạo nên bởi một hoặc nhiều phần đặt cạnh nhau, có thể cố định hoặc tháo ra được.
3.4.8
Giới hạn chất tải (load limit)
Phần bề mặt bao quanh không gian bảo quản thực phẩm hoặc các sản phẩm khác.
CHÚ THÍCH: Giới hạn chất tải có thể là một đặc điểm dễ dàng nhìn thấy hay một đường được đánh dấu.
3.4.9
Cách bố trí tải (storage plan)
Việc bố trí của các gói thử bên trong thiết bị lạnh khi thử nghiệm các tính năng cụ thể theo tiêu chuẩn này.
3.5 Thuật ngữ và định nghĩa liên quan tới đặc tính tính năng
3.5.1
Năng lượng tiêu thụ (energy consumption)
Năng lượng mà thiết bị lạnh sử dụng trong một khoảng thời gian quy định hoặc trong điều kiện vận hành quy định, được xác định theo TCVN 11917-3 (IEC 62552-3). Đơn vị đo là kWh (kilo oát giờ).
3.5.2
Công suất tiêu thụ trung bình (average power consumption)
Trị số trung bình của năng lượng tiêu thụ của một thiết bị lạnh trong điều kiện thử nghiệm quy định hoặc hoạt động như xác định theo TCVN 11917-3 (IEC 62552-3). Đơn vị đo là oát (W).
3.5.3
Nhiệt độ bảo quản (storage temperature)
Nhiệt độ mà thiết bị lạnh có khả năng duy trì theo 6.5 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2).
3.5.4
Nhiệt độ mục tiêu (target temperature)
Nhiệt độ tham chiếu của ngăn được dùng để xác định năng lượng tiêu thụ và công suất tiêu thụ trung bình theo TCVN 11917-3 (IEC 62552-3).
CHÚ THÍCH: Nhiệt độ mục tiêu là nhiệt độ không khí. Xem Phụ lục D.
3.5.5
Xả băng (defrosting)
3.5.5.1
Xả băng tự động (automatic defrost)
Xả băng mà người sử dụng không cần khởi động việc loại bỏ lượng băng tích trữ ở tất cả các mức cài đặt điều khiển nhiệt độ hoặc phục hồi hoạt động bình thường, nước sau xả băng được loại bỏ một cách tự động.
3.5.5.2
Xả băng thủ công (manual defrost)
Xả băng không phải là xả băng tự động.
3.5.5.3
Xả băng chu kỳ (cyclic defrost)
Hệ thống xả băng tự động trong đó các bề mặt được làm lạnh trong một ngăn (thường là ngăn không đông) của thiết bị được xả băng tự động và việc xả băng diễn ra trong mỗi chu kỳ của hệ thống lạnh.
CHÚ THÍCH: Các hệ thống xả băng chu kỳ không có chu trình điều khiển xả băng.
3.5.5.4
Xả băng có thể điều chỉnh (variable defrost)
Hệ thống xả băng tự động được thiết kế để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng mà điều chỉnh các khoảng thời gian giữa các lần xả băng liên tiếp trong sử dụng bình thường để phù hợp hơn với lượng băng thực tế trong dàn bay hơi bằng cách đánh giá (các) điều kiện vận hành mà không chỉ phụ thuộc vào, hoặc bổ sung cho, thời gian chạy của máy nén.
CHÚ THÍCH: Xả băng theo nhu cầu (đo trực tiếp lượng băng trên dàn bay hơi và quá trình xả băng tương ứng) là một dạng của xả băng có thể điều chỉnh.
3.5.6
Điều kiện hoạt động ổn định (stable operating conditions)
Các điều kiện trong đó thiết bị lạnh đảm bảo nhiệt độ và năng lượng tiêu thụ phù hợp với các yêu cầu về ổn định liên quan, được xác định trong TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) hoặc TCVN 11917-3 (IEC 62552-3), nếu có thể áp dụng.
3.5.7
Trạng thái ổn định (steady state)
Các điều kiện vận hành ổn định, đáp ứng các tiêu chí quy định trong Phụ lục B của TCVN 11917-3 (IEC 62552-3).
3.5.8
Nhiệt độ môi trường (ambient temperature)
Nhiệt độ đo được trong không gian bao quanh thiết bị lạnh cần thử nghiệm.
CHÚ THÍCH: Nhiệt độ môi trường đối với từng loại thử nghiệm được đo như quy định trong Phụ lục A của tiêu chuẩn này và giá trị của nó như quy định trong TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) và TCVN 11917-3 (IEC 62552-3) của tiêu chuẩn này nếu thuộc đối tượng áp dụng cho thử nghiệm cụ thể.
3.5.9
Tác động điều khiển (control event)
Thay đổi trong các điều kiện vận hành.
CHÚ THÍCH: Tác động điều khiển bao gồm những tác động dưới đây và có thể có những tác động khác:
a) Khởi động, tạm dừng hoặc thay đổi tốc độ của máy nén;
b) Thay đổi vị trí vách ngăn, hoạt động của quạt, hay bộ điều khiển hoặc thiết bị khác;
c) Những thay đổi trong hoạt động của chu trình lạnh;
d) Bật và tắt bộ sưởi xả băng;
e) Hoạt động của ngăn làm đá.
3.5.10
Không đóng băng (frost-free)
Hệ thống xả băng tự động để ngăn chặn quá trình hình thành băng thường xuyên trên một hoặc nhiều dàn bay hơi đặt xa.
3.5.11
Bộ điều chỉnh nhiệt độ (temperature control)
Thiết bị kiểm soát nhiệt độ tự động trong một hoặc nhiều ngăn.
CHÚ THÍCH: Nếu không có quy định khác, một bộ điều khiển hai vị trí (đóng hay mở) không phải là bộ điều chỉnh nhiệt độ.
3.5.12
Bộ điều chỉnh nhiệt độ bằng tay (user-adjustable temperature control)
Bộ điều chỉnh nhiệt độ được điều chỉnh bởi người sử dụng để thay đổi nhiệt độ trong một hay nhiều ngăn của thiết bị lạnh.
3.5.13
Cài đặt bộ điều chỉnh nhiệt độ (temperature control setting)
Cài đặt bộ điều chỉnh nhiệt độ bằng tay được chọn cho việc đo năng lượng hoặc tính năng theo tiêu chuẩn này.
3.5.14
Thời gian làm lạnh (cooling time)
Thời gian để làm lạnh một lượng tải nhất định trong một ngăn thực phẩm tươi xác định theo Điều 7 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2).
3.5.15
Năng suất lạnh (cooling capacity)
Nhiệt lượng cần thiết để làm lạnh một lượng tải nhất định trong ngăn thực phẩm tươi theo xác định theo Điều 7 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2).
3.5.16
Thời gian kết đông (freezing time)
Thời gian để kết đông một lượng tải nhất định trong tủ đông hoặc ngăn kết đông, xác định theo Điều 8 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2).
3.5.17
Năng suất kết đông (freezing capacity)
Nhiệt lượng được lấy khỏi tải bởi hệ thống làm lạnh trong tủ đông hoặc ngắt kết đông, xác định theo Điều 8 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2).
3.5.18
Năng suất làm đá (ice-making capacity)
Lượng đá mà thiết bị lạnh có khả năng tạo ra trong ngăn làm đá tự động theo Điều 9 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2).
3.5.19
Thời gian tăng nhiệt độ (temperature rise time)
Thời gian để nhiệt độ tăng lên một lượng xác định sau khi hệ thống bị gián đoạn, khi được thử nghiệm theo Phụ lục C của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2).
3.5.20
Tải nền (balast load)
Sự kết hợp giữa gói thử và gói M ở nhiệt độ bảo quản trong tủ đông hoặc ngăn kết đông, khi tải ngọn được thêm vào trong thử nghiệm năng suất kết đông.
3.5.21
Tải ngọn (light load)
Sự kết hợp giữa gói thử và gói M ở nhiệt độ môi trường, được nạp vào một ngăn kết đông trong quá trình kiểm tra năng suất kết đông.
3.5.22
Thử nghiệm hiệu suất xử lý tải (processing load efficiency test)
Thử nghiệm trong đó một tải nước quy định được đưa vào thiết bị lạnh nhằm xác định mức năng lượng gia tăng để làm lạnh lượng nước này (và đóng băng nó trong các ngăn đông).
CHÚ THÍCH: Xem Phụ lục G của TCVN 11917-3 (IEC 62552-3).
3.5.23
Tải xử lý (processing load)
Năng lượng tương đương của tải xử lý bởi người sử dụng, tính bằng Wh/ngày.
3.5.24
Hiệu suất xử lý tải (load processing efficiency)
Tỷ số giữa năng lượng gia tăng để thiết bị lạnh làm lạnh một tải xử lý quy định và năng lượng nhiệt theo tính toán được lấy ra khỏi tải xử lý đó.
3.5.25
Giai đoạn phục hồi xử lý tải (processing load recovery period)
Thời gian cần thiết để đạt tới các trạng thái làm việc ổn định, sau thử nghiệm hiệu suất xử lý tải.
3.6 Các trạng thái hoạt động được trình bày trên Hình 1
3.6.1
Chu kỳ điều chỉnh nhiệt độ (temperature control cycle)
Sự lặp đi lặp lại của nhiệt độ do hoạt động của bộ điều chỉnh nhiệt độ (bật hoặc tắt).
CHÚ THÍCH: Chu kỳ điều chỉnh nhiệt độ là thời gian giữa một tác động điều khiển và sự lặp lại của nó ở chu kỳ kế tiếp. Nếu các tác động điều khiển không thể xác định rõ ràng thì chu kỳ điều chỉnh nhiệt độ là thời gian giữa hai điểm có nhiệt độ nóng nhất liên tiếp hoặc hai điểm có nhiệt độ lạnh nhất liên tiếp.
3.6.2
Chu kỳ điều khiển xả băng (defrost control cycle)
Giai đoạn bắt đầu tại lúc kết thúc của các điều kiện làm việc ổn định trước khi hình thành quá trình xả băng tự động, và chấm dứt tại một điểm giống như trước khi xảy ra quá trình xả băng tự động tiếp theo.
CHÚ THÍCH 1: Điểm bắt đầu và kết thúc của chu kỳ điều khiển xả băng trước khi xả băng tự động phải là:
a) Đối với hệ thống lạnh có chu kỳ bật/tắt, giai đoạn bắt đầu là tại thời điểm kết thúc của chu kỳ điều chỉnh nhiệt độ cuối cùng (ví dụ, kết thúc của chu kỳ đóng cuối cùng)
b) Đối với hệ thống lạnh không có chu kỳ bật/tắt máy nén nhưng có các chu kỳ nhiệt độ đều đặn, tại thời điểm cuối cùng thay đổi công suất /tốc độ/năng suất lạnh liên quan đến nhiệt độ thông thường lớn nhất
c) Đối với hệ thống lạnh không có chu kỳ đóng mở và chu kỳ nhiệt độ thông thường, tại thời điểm kết thúc của giai đoạn hoạt động nhiệt độ ổn định.
CHÚ THÍCH 2: Các hệ thống xả băng chu kỳ không có một chu trình điều khiển xả băng.
3.6.3
Hoạt động xả băng (defrosting operation)
Giai đoạn bắt đầu chu kỳ điều khiển xả băng cho đến khi bắt đầu làm lạnh hệ thống sau khi xả băng.
3.6.4
Giai đoạn xả băng và phục hồi (defrost and recovery period)
Giai đoạn từ lúc bắt đầu chu kỳ điều khiển xả băng cho đến khi các điều kiện vận hành ổn định được thiết lập.
CHÚ THÍCH: Đối với các sản phẩm mà không đạt được điều điện vận hành ổn định (ví dụ, nhiệt độ giảm liên tục sau quá trình xả băng), giai đoạn xả băng và hồi phục có thể tương đương với chu kỳ điều khiển xả băng.
3.6.5
Giai đoạn phục hồi (recovery period)
Giai đoạn từ khi kết thúc hoạt động xả băng cho đến khi kết thúc quá trình xả băng và phục hồi.
Hình 1 - Minh họa các định nghĩa
3.7 Ký hiệu
TMP: điểm đo nhiệt độ (temperature measurement point)
T: nhiệt độ
t: thời gian
i: ký tự thể hiện vị trí của một cảm biến xác định
|
Giá trị nhiệt độ tức thời |
Nhiệt độ trung bình theo thời gian a) (im) |
Nhiệt độ trung bình của ngăn theo giá trị tức thời b) (a) |
Nhiệt độ trung bình của ngăn theo thời gian c) (ma) |
Nhiệt độ lớn nhất của ngăn d) |
Ngăn thực phẩm tươi |
Ti |
Tim |
Ta |
Tma |
|
Ngăn thực phẩm đông (f) |
Tfi |
Tfim |
Tfa |
Tfma |
T***, T**, T* |
Ngăn 0 sao (z) |
Tzi |
Tzim |
Tza |
Tzma |
|
Ngăn đựng thức ăn (p) |
Tpi |
Tpim |
Tpa |
Tpma |
|
Ngăn đồ hộp (c) |
Tci |
Tcim |
Tca |
Tcma |
|
Ngăn nhiệt độ thấp (cc) |
Tcci |
Tccim |
Tcca |
Tccma |
|
Ngăn bảo quản rượu (w) |
Twi |
Twim |
Twa |
Twma |
|
Môi trường (a) |
Tai |
Taim |
Taa |
Tama |
|
a) Nhiệt độ trung bình theo thời gian được xác định bằng tổng các giá trị nhiệt độ tức thời chia cho thời gian. b) Nhiệt độ trung bình ngăn theo giá trị tức thời là giá trị trung bình số học của tất cả nhiệt độ tức thời đo được trong một ngăn tại một thời điểm. c) Nhiệt độ trung bình ngăn theo thời gian là tích phân theo thời gian của nhiệt độ trung bình ngăn theo giá trị tức thời, hoặc trung bình số học của nhiệt độ trung bình theo thời gian (cả hai phương pháp đều cho cùng một kết quả). d) Nhiệt độ ngăn lớn nhất là nhiệt độ tối đa của bất kỳ gói M nào trong suốt giai đoạn thử nghiệm (theo các yêu cầu về công suất, xem TCVN 11917-2 (IEC 62552-2)). |
Các thiết bị lạnh trong tiêu chuẩn này được chia thành một (hoặc nhiều) trong số 4 vùng khí hậu khác nhau. Dải nhiệt độ môi trường trong đó thiết bị được thiết kế để sử dụng và đáp ứng nhiệt độ bảo quản yêu cầu (Xem Bảng 2 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) phải như quy định trong Bảng 1.
Bảng 1 - Các vùng khí hậu
Mô tả |
Loại |
Nhiệt độ môi trường, °C |
Ôn đới mở rộng |
SN |
+10 đến +32 |
Ôn đới |
N |
+16 đến +32 |
Cận nhiệt đới |
ST |
+16 đến +38 |
Nhiệt đới |
T |
+16 đến +43 |
5.1 Thông tin trên nhãn
Các thông tin dưới đây được khuyến nghị và nên được ghi nhãn cố định và thể hiện rõ ràng trên thiết bị:
a) Loại thiết bị lạnh (ví dụ: “Tủ lạnh”, với các tên gọi có thể thêm vào như “không đóng băng”, nếu có thể áp dụng được);
b) Số thứ tự và/hoặc ngày sản xuất, có thể được mã hóa;
c) Dung tích tổng (hoặc có thể liệt kê dung tích của từng ngăn);
d) Thông tin liên quan đến nguồn năng lượng;
e) Đối với các thiết bị 4 sao hoặc có ngăn 4 sao, năng suất kết đông danh định được đo bằng đơn vị kg/12 h;
f) Các ký tự thể hiện sự phân loại theo (các) vùng khí hậu (SN, N, ST, T).
Các điểm từ a) đến f) có thể nhìn thấy được khi thiết bị lạnh sử dụng bình thường. Ký hiệu khác có thể dễ dàng nhìn thấy trong sử dụng bình thường hoặc khi thiết bị lạnh để xa tường hoặc sau khi tháo nắp hoặc lưới (mà không cần sử dụng dụng cụ) v.v. Không cần lưu ý đến các vùng khí hậu đã nằm hoàn toàn trong các vùng khí hậu khác.
Thông tin chi tiết hơn liên quan đến ký hiệu của thiết bị được nêu trong TCVN 5699-2-24 (IEC 60335-2-24) và các tiêu chuẩn khác.
5.2 Nhận biết các ngăn đông
Khi có ký hiệu nhận biết, các ngăn 4 sao phải được nhận biết bằng ký hiệu dễ dàng nhìn thấy từ phía trước, bên trong hoặc bên ngoài như trình bày trên Hình 2.
Ngoài ra, trong trường hợp khu vực 2 sao trong một ngăn kết đông xác định, ký hiệu 2 sao tiêu chuẩn (xem Hình 3) phải được đặt để biểu thị rõ ràng khu vực này.
Ký hiệu ISO 7000-0500 (2004-01), chi tiết hơn, xem Hình E.1.
Hình 2 - Ký hiệu nhận biết của ngăn 4 sao
Khi có ký hiệu nhận biết, các buồng lạnh hoặc ngăn đông 1 sao, 2 sao hoặc 3 sao phải được nhận biết bằng ký hiệu như trên Hình 3 và dễ dàng nhìn thấy từ phía trước, bên trong hoặc bên ngoài. Trong trường hợp có khu vực 2 sao trong ngăn 3 sao hoặc 4 sao xác định, thì ký hiệu 2 sao phải được đặt để biểu thị rõ ràng khu vực 2 sao này.
Các ký hiệu trên Hình 2 và Hình 3 không được sử dụng nhiều hơn 2 màu hoặc hiển thị nhiều hơn 2 màu nền của bề mặt tương phản nhau. Màu sắc (hoặc phần kết thúc bề mặt) của mức sao lớn phải được phân biệt với mức của ba sao còn lại. Để đáp ứng yêu cầu này, trắng và đen cũng được coi là màu. Trên thiết bị lạnh không được đánh dấu hoặc trang trí ở bất cứ chỗ nào có thể gây nhầm lẫn ký hiệu nhận biết ngăn 4 sao như chỉ ra trên Hình 2.
Xem Hình E.2 để có thông tin thêm.
CHÚ DẪN
1 ký hiệu ngăn một sao ISO 7000-0497 (2004-01)
2 ký hiệu ngăn hai sao ISO 7000-0498 (2004-01)
3 ký hiệu ngăn ba sao ISO 7000-0499 (2004-01)
Hình 3 - Ký hiệu nhận biết sao của ngăn đông (ngoại trừ 4 sao)
5.3 Đường giới hạn chất tải
Chỉ cho phép các đường giới hạn chất tải liên quan đến dung tích tủ đông và không gian bảo quản đông 3 sao trong các khoang lạnh hoặc ngăn có các cửa độc lập bên ngoài.
Không cần đường giới hạn chất tải trong không gian buồng lạnh hoặc ngăn phù hợp cho việc bảo quản ở mức 3 sao nếu:
- không có không gian được công nhận là không phù hợp cho dự trữ ở mức 3 hay 4 sao, hoặc
- các giới hạn chất tải được xác định bởi sự xây dựng đặc biệt (giỏ, hộp chứa, nắp, v.v.), hoặc
- các giới hạn được xác định bởi các giới hạn chất tải tự nhiên (xem Hình 1b trong TCVN 11917-2 (IEC 62552-2)) và các điều kiện xử lý tải được mô tả đặc biệt trong các hướng dẫn này.
Nhà chế tạo nên tránh, càng xa càng tốt, việc tạo ra các khoảng không dự trữ bên ngoài giới hạn chất tải và bên ngoài bất kỳ ngăn hoặc khu vực 2 sao nào.
Kích thước tính bằng milimét
Hình 4 - Đánh dấu giới hạn chất tải
6 Thông tin kỹ thuật và thương mại của sản phẩm
6.1 Quy định chung
Bất cứ khi nào có thông tin kỹ thuật và thương mại của sản phẩm thì tất cả các dữ liệu được công bố về tính năng (đi kèm với đơn vị đo liên quan) phải phù hợp với tiêu chuẩn này.
6.2 Xác định các kích thước thẳng
Các kích thước thẳng phải được xác định tới milimet gần nhất.
Các kích thước tổng phải được đo gồm chiều cao, chiều dài và chiều rộng của hình hộp chữ nhật đặt nằm ngang có chứa toàn bộ thiết bị lạnh, ngoại trừ chỗ nhô ra và tay cầm (xem Hình 5). Chiều cao phải không tính chân thiết bị nếu chúng được lắp tại thời điểm lắp đặt.
Không gian lắp đặt phải được đo gồm có chiều cao, chiều dài và chiều rộng kể cả tay cầm. Không gian này tăng lên bởi khoảng không cần thiết cho việc tuần hoàn tự nhiên của không khí lạnh khi thiết bị lạnh hoạt động (xem Hình 5).
Không gian sử dụng phải được đo gồm có chiều cao, chiều dài và chiều rộng kể cả tay cầm. Không gian này tăng lên bởi khoảng không cần thiết cho việc tuần hoàn tự nhiên của không khí lạnh khi thiết bị lạnh hoạt động, cộng thêm với khoảng không cần thiết cho phép mở các bộ phận dễ tháo lắp bằng tay như các hộp chứa hay giá đỡ, bao gồm cả khay hứng nước ngưng (xem Hình 5).
Hình 5 - Các kích thước thẳng (ví dụ: hình chiếu bằng đối với thiết bị loại cửa trước)
Mọi thiết bị lạnh khi được giao đều phải có các hướng dẫn về lắp đặt, sử dụng, bảo dưỡng và thải bỏ an toàn. Điều này được thể hiện bằng ngôn ngữ sử dụng ở quốc gia bán thiết bị. Những quốc gia khác nhau nên có những yêu cầu riêng liên quan tới những thông tin này.
Hướng dẫn cần có các nội dung sau nếu có thể áp dụng được:
a) yêu cầu lắp đặt (vị trí tốt nhất, lấy cân bằng, kết nối tới nguồn năng lượng, kết nối - nếu có yêu cầu - với nguồn cấp nước hoặc nước sau xả băng);
b) không gian lắp đặt và không gian sử dụng với những bản vẽ chỉ ra được kích thước thiết bị lạnh và những khoảng cách tối thiểu cần thiết cho các phương tiện tiếp cận (mở hoặc đóng);
c) đối với thiết bị lạnh được thiết kế để lắp đặt sẵn (lắp âm), kích thước phải tính thêm yêu cầu thông gió;
d) giá trị giới hạn của dải nhiệt độ môi trường cho các vùng khí hậu và cảnh báo rằng nếu tủ lạnh hoạt động ngoài vùng khí hậu (dải nhiệt độ môi trường) mà thiết bị được thiết kế thì thiết bị có thể không có khả năng duy trì nhiệt độ bên trong một cách thỏa đáng;
e) hướng dẫn vận hành (quy trình khởi động và dừng, sử dụng các bộ điều chỉnh khác nhau - ví dụ, bộ điều chỉnh nhiệt độ, bộ chuyển sang kết đông nhanh, đèn báo, bộ điều khiển tuần hoàn không khí và xả băng, bộ xả nước và đá, v.v.);
f) thận trọng để có tính năng tốt nhất như:
1) đặt tải cho thiết bị lạnh, đặc biệt khi có các khu vực với các mức sao khác nhau trong cùng một ngăn và khi không tồn tại đường giới hạn chất tải,
2) bố trí thực phẩm để bảo quản, đặc biệt là yêu cầu tránh sự ô nhiễm chéo,
3) bố trí thực phẩm để bảo quản và kết đông, nếu có thể áp dụng, đặc biệt bao gồm khuyến nghị rằng thực phẩm kết đông không được tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm được bảo quản và, nếu phù hợp, có thể cần giảm số lượng thực phẩm kết đông nếu quá trình kết đông diễn ra hàng ngày.
4) trong trường hợp thiết bị lạnh có ngăn nhiệt độ thấp, phải có nội dung nêu rằng một số loại rau tươi và hoa quả nhạy với nhiệt độ lạnh, và do đó không thích hợp để bảo quản trong các ngăn nhiệt độ thấp này.
5) đặt các khay đựng nước đá để đạt được sự tối ưu về đóng băng;
g) Bảo dưỡng và làm sạch của người sử dụng đối với thiết bị lạnh;
h) Đối với sản phẩm xả băng thủ công, cần có biện pháp phòng ngừa liên quan đến xả băng và gây hại với thực phẩm bảo quản trong quá trình này;
i) hành động cần thực hiện khi thiết bị lạnh bị cắt điện và dừng hoạt động tạm thời hoặc trong thời gian kéo dài (ví dụ lấy thực phẩm ra, dọn dẹp và làm khô, và các cửa hoặc nắp ở vị trí đóng hờ);
j) đối với các cửa hoặc nắp có ổ khóa và chìa khóa, chìa khóa phải đặt xa tầm với của trẻ em và không gần thiết bị lạnh, để đề phòng trẻ em bị nhốt ở trong thiết bị;
k) tháo cửa và nắp khi thải bỏ để tránh tạo ra các bẫy;
l) Thu hồi môi chất lạnh và tái chế các bộ phận khi thải bỏ thiết bị lạnh.
(quy định)
A.1 Phạm vi áp dụng
Phụ lục A quy định độ chính xác của thiết bị đo và đặc tính phòng thử cần thiết để tiến hành đo và thử nghiệm nhằm xác định tính năng và năng lượng tiêu thụ của các thiết bị lạnh theo các quy trình trong TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) và TCVN 11917-3 (IEC 62552-3).
A.2 Thiết bị, sai số hệ thống và sai số ngẫu nhiên của phép đo
A.2.1 Quy định chung
Các phòng thí nghiệm cần có các quy trình để đảm bảo tất cả các thiết bị đo hoạt động đúng và được hiệu chuẩn đều đặn theo thực hành tốt của phòng thí nghiệm. Không thực hiện việc làm tròn nếu không được quy định trong các phần liên quan của bộ tiêu chuẩn này.
A.2.2 Điện năng tiêu thụ
Các phép đo điện năng tiêu thụ theo ngày phải được thực hiện với độ không đảm bảo đo mở rộng (k = 2)1 nhỏ hơn 2 % hoặc 8 Wh, chọn giá trị nào lớn hơn. Điện năng tiêu thụ theo ngày được ghi lại đến 1 Wh gần nhất hoặc tốt hơn. Năng lượng được ghi lại tại tối thiểu mỗi phút hoặc mỗi tác động điều khiển. Ngoài điện năng tiêu thụ, khuyến cáo ghi lại cả công suất tức thời và hệ số công suất.
CHÚ THÍCH: Xem Hướng dẫn TCVN 9595-3:2013 (ISO/IEC 98-3:2008), Độ không đảm bảo đo - Phần 3: Hướng dẫn cách thể hiện độ không đảm bảo đo (GUM:1995) để biết thêm chi tiết.
A.2.3 Độ ẩm
Độ ẩm của phòng thử phải được đo và ghi lại tại mỗi điểm đại diện. Khi có quy định dải độ ẩm, sai số hệ thống của các thiết bị đo phải sao cho kết quả, được biểu diễn dưới dạng phần trăm độ ẩm tương đối, có độ không đảm bảo đo tổng không lớn hơn 5 %. Khi quy định giới hạn độ ẩm một phía, sai số hệ thống của thiết bị phải đủ để đáp ứng giới hạn cho phép.
A.2.4 Chiều dài
Phép đo chiều dài phải có độ không đảm bảo đo mở rộng (k = 2) nhỏ hơn 1 mm hoặc 0,5 %, chọn giá trị nào lớn hơn.
Tất cả các chiều dài phải được ghi lại đến 1 mm gần nhất.
A.2.5 Khối lượng
Khối lượng đo được phải có độ không đảm bảo đo mở rộng (k = 2) nhỏ hơn 5 g.
A.2.6 Nhiệt độ
Dữ liệu nhiệt độ phải được đo tại các khoảng thời gian đo bằng nhau và không lớn hơn 1 min.
Nếu không có quy định khác, độ không đảm bảo đo mở rộng (k = 2) không được lớn hơn 0,5 K. Tất cả các phép đo nhiệt độ đều được ghi lại đến 0,1 K gần nhất hoặc tốt hơn.
Các bộ chuyển đổi nhiệt độ phải được đặt trong gói M (xem Phụ lục C) hoặc giữa một khối đặc bằng đồng thau hoặc đồng mạ thiếc có khối lượng 25 g ± 5 % và kích thước tối đa 18 mm. Khi nhắc đến cảm biến nhiệt độ trong tiêu chuẩn này nghĩa là các khối kim loại.
Các khối này cần được giữ sạch để giữ cho hệ số phát xạ là nhỏ.
Các đấu nối từ các cảm biến nhiệt độ phải được bố trí để đảm bảo giảm thiểu lượng không khí bên ngoài lọt vào các ngăn.
A.2.7 Thời gian
Các giá trị tính được của thời gian thử nghiệm, tạo nên bởi sai khác giữa thời gian ghi được tại mỗi giai đoạn lấy mẫu, phải có độ không đảm bảo đo mở rộng (k = 2) không lớn hơn 10 s hoặc 0,1 %, chọn giá trị nào lớn hơn. Thời gian ghi lại đối với mỗi điểm lấy mẫu phải có độ phân giải là 1 s hoặc tốt hơn. Tiêu chuẩn này không yêu cầu xác định các tác động xảy ra trong mỗi khoảng thời gian lấy mẫu. Tuy nhiên, việc sử dụng một bộ ghi lại các tác động nhằm xác định thời gian của các tác động trong một khoảng thời gian lấy mẫu có thể cải thiện chất lượng dữ liệu, đặc biệt trong trường hợp sản phẩm có các chu kỳ điều khiển tương đối ngắn.
A.2.8 Điện áp và tần số
Điện áp và tần số đo được phải có độ không đảm bảo đo mở rộng (k = 2) nhỏ hơn 0,5 %. Các dữ liệu năng lượng phải được ghi lại tại các khoảng thời gian đo bằng nhau và không lớn hơn 1 min.
A.3 Điều kiện thử nghiệm chung
A.3.1 Quy định chung
Các thông số phải được giữ không đổi và gần với giá trị mục tiêu trong quá trình thử nghiệm, ví dụ như nhiệt độ môi trường hoặc điện áp nguồn theo yêu cầu trong A.3.2.2 và A.3.3. Việc kiểm tra xác nhận các thông số này liên quan đến (xem Hình A.1):
- giá trị trung bình theo thời gian cần xét phải được xác định và phải nằm trong khoảng dung sai thứ nhất cho trước của giá trị mục tiêu: Mục tiêu - Tol1 < Trung bình < Mục tiêu + Tol1
- sai lệch chuẩn theo khoảng thời gian cần xét phải được xác định và phải nhỏ hơn dung sai thứ hai cho trước: 2σ < Tol2
CHÚ DẪN
σ Độ lệch chuẩn
Tol1 Dung sai so với giá trị mục tiêu
Tol2 Độ thăng giáng tham số được ràng buộc bởi yêu cầu rằng 2 lần độ lệch chuẩn nhỏ hơn dung sai cho trước (Tol2) có nghĩa là 95 % các điểm dữ liệu đo phải nằm trong phạm vi dung sai (giả thiết phân bố chuẩn của tham số cần quan tâm). Điều này không phụ thuộc vào tần số lấy mẫu.
Hình A.1 - Kiểm tra xác nhận các thông số cần giữ không đổi
A.3.2 Nhiệt độ môi trường
A.3.2.1 Cảm biến
Nhiệt độ môi trường được đo bằng các khối đồng hoặc đồng thau (xem A.2.6 và A.4.5).
A.3.2.2 Ổn định nhiệt độ
Trong khoảng thời gian bất kỳ để đạt được sự ổn định của sản phẩm và trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, các điểm sau được áp dụng đối với mỗi cảm biến ghi nhiệt độ môi trường Ta1 và Ta2:
a) Giá trị trung bình theo thời gian phải nằm trong khoảng ± 0,5 K của nhiệt độ môi trường thử nghiệm quy định trong A.3.2.3 (nếu thuộc đối tượng áp dụng).
b) Hai lần độ lệch chuẩn phải nhỏ hơn 0,5 K.
Gradient nhiệt độ môi trường theo phương thẳng đứng như quy định trong A.4.5 không được vượt quá 1 K/m.
A.3.2.3 Giá trị nhiệt độ
Các thử nghiệm phải được tiến hành trong các điều kiện nhiệt độ môi trường như sau:
a) Để đánh giá nhiệt độ bảo quản:
+ 10 °C và +32 °C cho thiết bị lạnh vùng SN;
+ 16 °C và +32 °C thiết bị lạnh cho vùng N;
+ 16 °C và +38 °C thiết bị lạnh cho vùng ST;
+ 16 °C và +43 °C cho thiết bị lạnh vùng T;
Đối với sản phẩm phù hợp cho nhiều vùng khí hậu, các thử nghiệm chỉ cần tiến hành tại nhiệt độ môi trường cực đoan của tất cả các vùng liên quan. Chi tiết về thử nghiệm được quy định trong Điều 6 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2).
Ví dụ: Đối với thiết bị lạnh từ vùng SN đến T, thử nghiệm được tiến hành tại nhiệt độ +10 °C và +43 °C.
b) Để xác định tiêu thụ năng lượng theo Điều 6 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2):
+16 °C và +32 °C đối với tất cả các thiết bị lạnh;
c) Để đánh giá thời gian tăng nhiệt độ, năng suất kết đông, năng suất lạnh và năng suất làm đá tự động của tất cả các thiết bị lạnh, nếu thuộc đối tượng áp dụng và được quy định trong Điều 7 đến Điều 9 và Phụ lục C của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2):
+25 °C cho tất cả các phân loại của thiết bị lạnh;
d) Để đánh giá thử nghiệm tính năng khi giảm nhiệt độ quy định trong Phụ lục A của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2):
+43 °C cho tất cả thiết bị lạnh;
e) Để đánh giá thử nghiệm sự ngưng tụ hơi nước quy định trong Phụ lục D của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2):
+25 °C đối với thiết bị lạnh vùng SN và N và +32°C đối với thiết bị lạnh vùng ST và T.
A.3.3 Nguồn cấp điện
Trừ khi có quy định khác của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, điện áp thử nghiệm và tần số thử nghiệm phải là:
a) Trong trường hợp điện áp và tần số danh định (hoặc dải điện áp và dải tần số) là một trong các giá trị dưới đây, thiết bị phải được thử nghiệm ở điện áp và tần số dưới đây:
230 V 50 Hz
115 V 60 Hz
100 V 50 Hz
100 V 60 Hz
b) Trong trường hợp nhiều hơn một trong các kết hợp điện áp/tần số nêu trên nằm trong dải danh định, thiết bị phải được thử nghiệm tại điện áp cao nhất (và tần số tương ứng cao nhất) được liệt kê ở trên thuộc dải đó.
c) Trong trường hợp điện áp và tần số danh định (hoặc dải điện áp và tần số) không bao gồm một trong những giá trị nêu trên, thiết bị lạnh phải được thử nghiệm tại điện áp danh định hoặc tại giá trị trung bình của dải điện áp danh định và tần số danh định cao nhất.
Để kiểm tra các mục đích thử nghiệm, méo hài tổng trong nguồn điện áp không được lớn hơn 3 % và giá trị của nó phải được ghi trong báo cáo thử nghiệm. Nguồn cấp điện phải được nêu trong báo cáo thử nghiệm.
Trong mỗi thử nghiệm, điện áp được ghi lại tại mỗi giai đoạn lấy mẫu ở điểm đo phải như sau:
a) Giá trị trung bình theo thời gian phải là điện áp thử nghiệm ± 1 %.
b) Hai lần độ lệch chuẩn phải nhỏ hơn 1 % giá trị trung bình theo thời gian.
Trong mỗi thử nghiệm, tần số nguồn tức thời ghi lại được tại điểm đo phải như sau:
c) Giá trị trung bình theo thời gian phải là tần số thử nghiệm ± 1 %.
d) Hai lần độ lệch chuẩn phải nhỏ hơn 1 % giá trị trung bình theo thời gian.
A.3.4 Nguồn năng lượng khác không phải điện năng
Các thiết bị lạnh có nguồn cấp khác với nguồn điện phải được thử nghiệm ở các điều kiện cấp nguồn tương ứng với thông tin ghi nhãn trên thiết bị.
A.3.5 Nhiều nguồn cung cấp
Các thiết bị lạnh được trang bị để hoạt động với nhiều nguồn năng lượng khác nhau hoặc bổ sung cho nguồn điện lưới cần được thử nghiệm tại mỗi điều kiện nguồn cấp, được chỉ rõ trên thiết bị.
A.3.6 Độ ẩm
Nếu không có hướng dẫn khác đối với các thử nghiệm tính năng và năng lượng cụ thể, thì độ ẩm tương đối không được vượt quá 75 %. Đối với thử nghiệm ở nhiệt độ môi trường 10 °C, không áp dụng giới hạn độ ẩm này. Đối với các thử nghiệm năng lượng ở nhiệt độ môi trường 16 °C, kết quả thử nghiệm không có hiệu lực nếu độ ẩm tương đối của môi trường vượt quá 75 % trong suốt thời gian thử nghiệm và có ngưng tụ nhìn thấy được dưới dạng giọt nước hoặc dòng chảy (như giải thích theo Phụ lục D của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2)).
A.4 Cấu hình phòng thử
A.4.1 Quy định chung
Thiết bị phải được lắp đặt trong phòng thử có bố trí như sau:
A.4.2 Nền
Từng thiết bị lạnh được đặt trên nền gỗ hoặc sản phẩm từ gỗ (ví dụ, gỗ dán hoặc tấm gỗ tái sử dụng) có mặt trên rắn được sơn đen mờ và hở để không khí tuần hoàn tự nhiên bên dưới nền. Một sàn treo đáp ứng các quy định kỹ thuật khác của nền được coi là một nền. Một giải pháp thay thế cho sơn đen, nền hoặc sàn gỗ có thể sử dụng bề mặt có màu tối phát xạ thấp, không bóng, nhẵn và không thấm nước (ví dụ, vải sơn lót sàn nhà).
Đáy của nền không được cách sàn của phòng thử ít hơn 0,05 m trên và mở rộng tối thiểu 0,3 m theo mọi hướng của thiết bị lạnh cần thử nghiệm, ngoại trừ phía sau, nơi mà nền phải mở rộng tới tường hoặc vách ngăn phía sau.
Không yêu cầu một nền nâng lên khi sàn của phòng thử được làm bằng gỗ hoặc sản phẩm từ gỗ có cách nhiệt bên dưới sàn và nhiệt độ bề mặt của sàn giữ trong khoảng 1,5 K so với giá trị dưới của cảm biến gradient nhiệt độ phòng thử. Nhiệt độ bề mặt sàn được ghi tại một vị trí đại diện trong suốt thử nghiệm để kiểm tra tính hiệu lực của yêu cầu này.
A.4.3 Tường hoặc vách ngăn phía sau
Bề mặt phía sau thiết bị phải cứng, thẳng đứng và được làm bằng gỗ hoặc sản phẩm từ gỗ và được sơn đen mờ. Bề mặt này phải liên tục, mở rộng không ít hơn 0,3 m về mỗi phía và phía trên thiết bị. Bề mặt có thể được cố định với tường của phòng thử với khoảng cách ≥ 0,3 m hoặc là một dạng vách ngăn cố định trong phòng thử.
A.4.4 Vách ngăn các bên
Trường hợp thiết bị cần thử nghiệm có dàn ngưng dùng quạt, phải có che chắn (nếu thuộc đối tượng áp dụng) để đảm bảo không khí nóng thải ra ở dàn ngưng không ảnh hưởng trực tiếp tới sản phẩm cần thử nghiệm ở gần. Không yêu cầu vách ngăn các bên đối với thiết bị thử nghiệm có đầu xả phía trước.
Trường hợp một sản phẩm kiểu dàn ngưng có vách nóng ở phía sau và/hoặc bên cạnh, phải sử dụng một vách ngăn liên tục bằng gỗ hoặc sản phẩm từ gỗ được sơn đen mờ, đặt song song với mỗi phía của thiết bị và được cố định trên nền cách các phía của thiết bị tối thiểu 0,3 m. Các vách ngăn này phải được mở rộng tối thiểu 0,3 m trên thiết bị và tối thiểu 0,3 m chiều sâu. Trường hợp cần thiết (ví dụ, khi có dàn ngưng lắp phía bên), vách ngăn các bên phải được mở rộng sao cho nó đủ độ sâu để che chắn thiết bị cần thử nghiệm bất kỳ khỏi các ngăn bức xạ trực tiếp từ dàn ngưng.
A.4.5 Vị trí cảm biến
Các cảm biến nhiệt độ môi trường được đặt ở hai vị trí, TMPa1 và TMPa2 trên mỗi phía của thiết bị cần thử nghiệm. Chiều cao của cảm biến nhiệt độ so với nền là 0,9 m ± 0,1 m hoặc chiều cao của thiết bị cần thử nghiệm là ± 0,1 m, chọn giá trị nào thấp hơn. Chiều sâu của cảm biến nhiệt độ tính từ vách ngăn phía sau là 0,3 m ± 0,1 m. Khoảng trống phía bên của cảm biến nhiệt độ là 0,3 m ± 0,1 m tính từ thiết bị lạnh. Trong trường hợp vách ngăn các bên mở rộng về phía vị trí cảm biến nhiệt độ môi trường hoặc khi tường bên ngoài tạo thành vách ngăn các bên thì cảm biến nhiệt độ môi trường liên quan phải được đặt trên vách của phía thiết bị và, khi cần thiết, phải được che chắn khỏi bức xạ bất kỳ từ thiết bị. Khoảng cách giữa cảm biến nhiệt độ môi trường và vách ngăn bất kỳ hoặc vật cố định phải tối thiểu là 25 mm.
Để đánh giá gradient nhiệt độ, bổ sung thêm hai cảm biến trong phòng thử được đặt ở độ cao 0,05 m và ở độ cao 2 m so với nền (không được thể hiện trên Hình A.2) ở một vị trí đại diện cho các điều kiện môi trường trong phòng thử.
Các cảm biến nhiệt độ phải được che chắn khỏi nguồn nhiệt bức xạ bất kỳ mà khác với nhiệt độ không khí đo được trong phòng thử quá 5 K, bao gồm thiết bị điều hòa, cửa sổ bên ngoài hoặc thiết bị cần thử nghiệm.
A.4.6 Cấu hình chung của phòng thử
Thiết bị lạnh phải được đặt hoặc được che chắn khỏi nguồn nhiệt bức xạ bất kỳ khác với nhiệt độ không khí đo được trong buồng thử nghiệm quá 5 K. Các nguồn nhiệt này bao gồm thiết bị điều hòa, cửa sổ ngoài hoặc thiết bị cần thử nghiệm.
Tuần hoàn không khí trong phòng thử phải sao cho đạt được nhiệt độ môi trường quy định trong các giới hạn dung sai quy định. Thiết bị lạnh cần thử nghiệm phải được che chắn khỏi luồng không khí bất kỳ có vận tốc lớn hơn 0,25 m/s. Trong quá trình vận hành phòng thử, sau khi lắp đặt thiết bị nhưng chưa chạy, việc kiểm tra phép đo vận tốc không khí tại tâm của tất cả vách tiếp cận được của thiết bị (kể cả ở nóc) ở khoảng cách 0,3 m phải thỏa mãn yêu cầu này.
Tuần hoàn không khí trong phòng thử không được cản trở tới tuần hoàn không khí bình thường được tạo ra bởi thiết bị lạnh.
Cấu hình phòng thử cho một thiết bị đơn chiếc được minh họa trên Hình A.2.
Kích thước tính bằng mét
Hình A.2 - Vách ngăn giới hạn tuần hoàn không khí và vị trí của các cảm biến nhiệt độ môi trường
(quy định)
Chuẩn bị thiết bị cho thử nghiệm và quy trình đo chung
B.1 Phạm vi áp dụng
Phụ lục này quy định các yêu cầu liên quan đến việc chuẩn bị thiết bị để thử nghiệm và các điều kiện thử nghiệm cần tuân thủ khi xác định tiêu thụ năng lượng và tính năng của thiết bị theo TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) và TCVN 11917-3 (IEC 62552-3) nếu thuộc đối tượng áp dụng.
B.2 Chuẩn bị và thiết lập thiết bị
B.2.1 Quy định chung
Các yêu cầu sau đây để chuẩn bị thiết bị để đo hoặc thử nghiệm phải được đáp ứng, ngoại trừ những thay đổi đặc biệt trong TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) và TCVN 11917-3 (IEC 62552-3).
B.2.2 Chạy thiết bị mới
Đối với thử nghiệm kiểm tra xác nhận, trước khi bắt đầu việc đo công suất tiêu thụ trung bình, thiết bị phải được chạy với thời gian chạy máy nén tối thiểu 12 h. Các thiết bị không sử dụng máy nén phải được hoạt động tối thiểu 12 h trước khi đo năng lượng tiêu thụ. Việc chạy thiết bị mới được tiến hành tại nhiệt độ phòng thích hợp bất kỳ hoặc có thể là một phần trong quá trình ổn định nhiệt của phép đo công suất tiêu thụ trung bình.
B.2.3 Lắp đặt thiết bị trong phòng thử
B.2.3.1 Quy định chung
Thiết bị phải lắp đặt trong phòng thử với thiết bị đo quy định trong Phụ lục A.
B.2.3.2 Khoảng cách phía sau
Để xác định khoảng cách phía sau, các kích thước dưới đây được xác định như minh họa trên Hình B.1:
- Kích thước A: Khoảng cách từ chỗ lồi ra sau cùng của thiết bị (kể cả miếng đệm bất kỳ) đến tường của phòng thử (hoặc tường giả phía sau thiết bị);
- Kích thước B: Khoảng cách từ mặt sau thiết bị đến tường của phòng thử (hoặc tường giả phía sau thiết bị). Việc đo được tiến hành tại điểm thấp nhất của mặt sau, dù mặt sau có thẳng đứng hay không.
Mặt sau của thiết bị là mặt phẳng lớn nhất ở phía sau của vỏ thiết bị lạnh, ngoại trừ bất cứ đặc điểm cục bộ nào (chẳng hạn như cụm dàn ngưng tụ hoặc các giá đỡ nhô ra hay là máy nén).
Thiết bị được lắp ráp và đặt trong phòng thử theo những quy tắc sau:
- Thiết bị được lắp ráp theo hướng dẫn (kể cả miếng đệm bất kỳ được lắp hoặc kích hoạt tại thời điểm lắp đặt);
- Trong bản vẽ, mặt sau của thiết bị phải song song với tường phòng thử hoặc tường giả phía sau;
- Nếu khoảng trống phía sau không được quy định, thiết bị phải được đặt với chỗ lồi ra sau cùng sát với tường thử nghiệm (kích thước A = 0 mm);
- Nếu khoảng trống được quy định, thiết bị phải được đặt trong khoang thử nghiệm theo hướng dẫn về khoảng trống phía sau, ngoại trừ trường hợp khoảng cách từ mặt sau của thiết bị tới tường thử nghiệm (kích thước B) được quy định là > 51 mm. Trong trường hợp khoảng cách này có thể điều chỉnh được thì kích thước A = 0 mm hoặc là kích thước B = 51 mm.
Nếu các miếng đệm không được lắp ráp hoặc kích hoạt tại thời điểm lắp đặt sẽ dẫn tới khoảng cách từ mặt sau thiết bị tới tường thử nghiệm (kích thước B) bằng hoặc lớn hơn 80 mm, thì không được sử dụng các miếng đệm. Trong trường hợp mà các miếng đệm không vừa với bất kỳ kích thước liên quan nào trong tài liệu của nhà chế tạo, phải sử dụng khoảng trống quy định nhỏ nhất. Trường hợp các miếng đệm vừa, chúng phải được xử lý theo những quy tắc trên.
Trường hợp không quy định khoảng trống cho thiết bị đòi hỏi một không gian yêu cầu phía sau cho hoạt động của nắp (ví dụ tủ đông kiểu cánh lật), vị trí sau cùng của nắp khi mở theo phương thẳng đứng phải được xem là chỗ lồi ra xa nhất của thiết bị.
Đối với những thiết bị lạnh di động hoặc thiết bị lạnh kiểu hấp thụ đứng độc lập (trong đó hiệu ứng lạnh được tạo ra bởi quá trình hấp thụ sử dụng nhiệt làm nguồn năng lượng), các quy định kỹ thuật của nhà chế tạo đối với khoảng trống phía sau phải được tuân thủ. Nếu không có miếng đệm nào được xác định thì khoảng cách giữa chỗ lồi ra xa nhất và tường phải là 20 mm hoặc nhỏ hơn.
Hình B.1 - Ví dụ của thiết bị khi không có miếng đệm, khi quy định các khoảng trống phía sau
B.2.3.3 Thiết bị lắp trong (lắp âm)
Các thiết bị được dự kiến lắp trong phải được lắp trong theo hướng dẫn kèm theo và theo các yêu cầu dưới đây.
Các khoảng trống phía sau phải theo B.2.3.2.
Các thiết bị lạnh dự kiến chỉ được lắp trong hoặc đặt bên dưới các quầy hàng hoặc hoặc bên dưới nơi để thức ăn, hoặc giữa các tủ trưng bày (kiểu bên dưới quầy hàng) phải được lắp trong hoặc đặt trong hộp thử nghiệm sơn đen mờ. Hộp này được làm bằng gỗ hoặc sản phẩm từ gỗ (ví dụ gỗ dán hoặc tấm gỗ tái sử dụng) có chiều dày từ 15 mm đến 25 mm. Nếu nhà chế tạo yêu cầu một cửa có bảng hiệu, thì phải lắp cửa như vậy.
Kích thước bên trong hộp thử nghiệm phải tuân thủ các hướng dẫn.
Nếu khoảng kích thước được cho trước, thì phải sử dụng giá trị nhỏ nhất. Nếu không cho trước dữ liệu này thì kích thước bên trong hộp thử nghiệm phải được xác định như sau:
- Chiều sâu bên trong lớn hơn 20 mm đến 22 mm so với tổng chiều sâu của thiết bị lạnh;
- Chiều rộng bên trong lớn hơn 4 mm đến 6 mm so với tổng chiều rộng của thiết bị lạnh;
- Chiều cao bên trong lớn hơn 2 mm đến 4 mm so với tổng chiều rộng của thiết bị lạnh.
Nếu cần thiết, hộp thử phải có các khe hở để thông gió theo hướng dẫn.
Thiết bị lạnh phải được lắp trong hoặc đặt trong hộp thử nghiệm theo hướng dẫn.
Nếu thiết bị lạnh được trang bị các miếng đệm, dải băng hoặc các phương tiện đặc biệt khác bằng vật liệu rắn hay đàn hồi để lấp khe hở giữa mép của thiết bị lạnh và buồng hoặc hộp, các phương tiện này phải được sử dụng một cách phù hợp. Nếu không có các phương tiện này, khe hở giữa hộp thử và thiết bị lạnh phải được để mở.
Để ngăn dòng không khí xâm nhập, mối nối giữa các cạnh và phía sau của hộp thử được tiếp xúc chặt và bịt kín nếu cần thiết.
B.2.4 Thiết bị kết hợp
Một thiết bị kết hợp với thiết bị khác không phải là thiết bị lạnh phải được tiến hành thử nghiệm và đo khi chúng được kết hợp với nhau, nhưng với thiết bị khác hoạt động trong các điều kiện tiêu thụ năng lượng thấp nhất có thể được lựa chọn bởi người sử dụng, kể cả "dừng" hoặc không hoạt động.
B.2.5 Bố trí
B.2.5.1 Quy định chung
Thiết bị phải được bố trí theo hướng dẫn, trừ trường hợp có xung đột với các yêu cầu của tiêu chuẩn này. Tất cả các vật liệu bao gói (như là tấm chặn, gói bệ đỡ, tấm nâng hàng, v.v.) được tháo ra.
Ngoại trừ các trường hợp dưới đây, tất cả các phụ kiện bên trong bao gồm ngăn kéo, hộp đựng và hộp cung cấp kèm theo thiết bị phải được đặt đúng vị trí. Các thay đổi cụ thể bất kỳ trong quy trình thử nghiệm theo TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) hoặc TCVN 11917-3 (IEC 62552-3) có thể được ưu tiên hơn yêu cầu ở B.2.5.1 a), b), c) hoặc d).
a) Trong trường hợp ngăn đông, khay đá bất kỳ không có ngăn cụ thể để chứa các khay đá này phải được tháo ra. Tất cả các khay đá khác phải được đặt đúng vị trí.
b) Trường hợp giá đỡ có khoang tiện ích gắn kèm thì cả giá đỡ và khoang tiện ích phải được đặt vào vị trí sao cho có ảnh hưởng ít nhất đến vị trí cảm biến nhiệt độ và kết quả đo.
c) Bất kỳ khay, hộp hoặc hộp chứa không có vị trí chuyên dụng phải được tháo ra.
d) Đối với yêu cầu các giá đỡ liên quan đến vị trí cảm biến nhiệt độ, xem Phụ lục D.
B.2.5.2 Ngăn thay đổi được nhiệt độ
Trường hợp ngăn là loại ngăn thay đổi được nhiệt độ (có phạm vi hoạt động bao trùm nhiều loại ngăn) thì phải được phân loại và vận hành là loại ngăn có mức tiêu thụ năng lượng cao nhất trong thử nghiệm về năng lượng. Các yêu cầu để xác định đúng loại ngăn được định nghĩa trong Bảng 1 của TCVN 11917-3 (IEC 62552-3). Một thiết bị lạnh có các ngăn nhiệt độ thay đổi được có thể làm việc dưới dạng nhiều hơn một loại ngăn, các phân loại ngăn khác có thể được thử nghiệm, nếu yêu cầu, bổ sung cho phân loại cơ bản ở trên.
B.2.5.3 Khoang tiện ích mà người sử dụng có thể điều chỉnh
Các khoang tiện ích mà người sử dụng có thể điều chỉnh phải được xử lý như sau:
a) Trường hợp có phương tiện để người sử dụng thiết bị thay đổi tỷ lệ dung tích của một loại không gian so với một loại không gian khác thì tỷ lệ này phải được điều chỉnh sao cho không gian lạnh hơn có dung tích tối đa, nếu không có quy định khác.
b) Trường hợp thiết bị có lắp bộ lựa chọn hoặc thiết bị đóng cắt để người sử dụng thao tác dùng cho các chức năng làm thay đổi nhiệt độ làm việc trong khoảng thời gian giới hạn, ví dụ thiết bị kết đông nhanh, thì các bộ lựa chọn hoặc thiết bị đóng cắt này phải được đặt sao cho các chức năng này mất hiệu lực, nếu không có quy định khác.
c) Trường hợp có các thiết bị đóng cắt để người sử dụng thao tác dùng cho các hạng mục như hiển thị, kết nối mạng hoặc chức năng thứ cấp (ví dụ như màn hình) để vận hành liên tục theo thiết kế thì từng hạng mục này phải được cài đặt theo hướng dẫn. Các phụ tùng không cần thiết cho hoạt động bình thường của thiết bị lạnh và không được thiết kế để làm việc liên tục thì phải luôn không hoạt động trong quá trình thử nghiệm.
d) Trường hợp có các bộ điều khiển mà người sử dụng có thể thao tác để điều chỉnh nhiệt độ của bộ sưởi chống ngưng tụ thì chúng phải được đặt theo quy định đối với các thử nghiệm cụ thể của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) hoặc TCVN 11917-3 (IEC 62552-3).
e) Trường hợp có các vách ngăn hoặc bộ điều khiển mà người sử dụng điều chỉnh được để điều chỉnh nhiệt độ trong khoang tiện ích, và chúng không được phân loại là ngăn phụ thì từng bộ điều khiển hoặc vách ngăn này phải được đặt sao cho năng lượng tiêu thụ là lớn nhất, nếu không có quy định khác, trong các thử nghiệm tính năng ở nhiệt độ làm việc.
f) Trường hợp có các ống dẫn không khí, lỗ thông gió và đầu ra không khí mà người sử dụng có thể điều chỉnh hướng gió, chúng phải được đặt như hướng dẫn sao cho chúng không hướng trong phạm vi 30° của đường tâm của vị trí cảm biến nhiệt độ bất kỳ. Nếu không có hướng dẫn cụ thể thì chúng phải được mở hoàn toàn và đặt vào vị trí trung tâm hoặc càng gần với vị trí đó càng tốt, với điều kiện chúng hướng chệch ra ngoài tối thiểu 30° so với vị trí của cảm biến nhiệt độ bất kỳ. Trong trường hợp không có vị trí trung tâm, luồng không khí phải được điều chỉnh theo hướng lên phía trên hoặc nếu không thể thì theo hướng ra cửa. Trong trường hợp các ống dẫn có tùy chọn để mở rộng hoặc thu hẹp dòng không khí thì chúng phải được đặt ở vị trí phân tán nhất. Nếu các tùy chọn này được cung cấp trong hướng dẫn thì phải chọn tùy chọn sát với yêu cầu nêu trên.
g) Nếu không được chỉ dẫn trong hướng dẫn khác, phải bật nguồn cho mọi quạt tuần hoàn không khí điều khiển bằng tay đối với các phép đo công suất.
h) Khi thiết bị lạnh không lắp bộ điều chỉnh nhiệt độ mà người sử dụng điều chỉnh được thì thiết bị lạnh phải được thử nghiệm trong các điều kiện như được giao.
i) Trường hợp việc chỉnh định bộ điều khiển có sẵn trên thiết bị là chưa được quy định đầy đủ ở trên thì việc chỉnh định bộ điều khiển nhiệt độ của thiết bị lạnh cần được lựa chọn sao cho chứng tỏ được sự phù hợp đồng thời với các yêu cầu thử nghiệm trong các tất cả các ngăn trong từng thử nghiệm.
B.2.6 Ngăn làm đá tự động
Đối với tất cả các thử nghiệm, hộp chứa phải giữ nguyên vị trí.
Đối với tất cả các thử nghiệm, bất kể có hoặc không có đá trong hộp chứa, cơ cấu cấp đá phải giữ nguyên chức năng, tức là tất cả các đường trượt và lối hẹp để cấp đá phải có bao gói, vỏ che hoặc bị chặn khác mà có thể được lắp vào khi vận chuyển hoặc khi không sử dụng ngăn làm đá tự động.
B.2.7 Điều kiện trước khi thử nghiệm
Nếu không có quy định khác trong TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) hoặc TCVN 11917-3 (IEC 62552-3), vào lúc bắt đầu thử nghiệm, các ngăn phải để rỗng, bề mặt không có đóng băng hoặc hơi ẩm. Các phương tiện để tiếp cận (cửa, ngăn kéo và nắp, v.v.) phải được trừ khi có quy định khác trong TCVN 11917-2 (IEC 62552-2) và TCVN 11917-3 (IEC 62552-3).
(quy định)
C.1 Kích thước và dung sai
Gói thử sử dụng trong các thử nghiệm có dạng hình hộp chữ nhật. Kích thước của nó, trước khi kết đông, là 50 mm ± 2,0 mm x 100 mm ± 3,0 mm x 100 mm ± 3,0 mm. Khối lượng, gồm cả bao gói, là 500 g ± 10 g.
Để hỗ trợ quy trình chuyên chở và đóng gói, các gói thử có thể giới hạn với một lớp băng đơn để tạo thành các cụm, với kích thước cơ bản là 100 mm x 100 mm. Khi các cụm có yêu cầu chiều cao lớn hơn 200 mm, chúng phải được tạo bởi các gói băng dính 1 kg (200 mm x 100 mm x 50 mm) để chúng có dấu chân 100 mm x 100 mm.
Gói thử được kiểm tra thường xuyên và không xuất hiện các lỗ hoặc vết nứt trên bao bì. Khi bất kỳ gói thử nào tìm thấy có dung sai vượt quá giá trị ở trên, nó phải được thay thế bằng gói mới.
C.2 Thành phần cấu tạo
Gói thử bao gồm các thành phần sau.
a) Vật liệu điền đầy phù hợp cho mỗi 1 000 g, bao gồm:
- 230 g oxyethyimenthylcellulose;
- 764,2 g nước;
- 5 g sodium chloride;
- 0,8 g 6-chloro-m-cresol.
Điểm kết đông của vật liệu này là -1 °C (đặc tính nhiệt của nó tương đương với thịt bò nạc).
b) Thành phần cấu tạo thay thế sau của gói thử với điểm kết đông gần -5 °C có thể được sử dụng:
- 232 g oxyethyimenthylcellulose;
- 725 g nước;
- 43 g sodium chloride;
- 0,6 g 6-chloro-m-cresol.
c) Bao gói, là một tấm nhựa hoặc vật liệu thích hợp bất kỳ khác có trao đổi ẩm với môi trường xung quanh là không đáng kể. Sau khi điền đầy, bao gói phải được bịt kín. Nên sử dụng bao gói là những lá mỏng, gồm một lớp polyethylene áp suất cao, dễ làm kín, chiều dày 120 µm, cùng với một tấm polyethyleneterephthalate bên ngoài có chiều dày xấp xỉ 12,5 µm, và hai tấm này được liên kết với nhau.
Trong trường hợp yêu cầu các gói thử, nhìn chung, có thể sử dụng cả gói thử kiểu a) hoặc b), ngoại trừ:
1) Đối với các ngăn nhiệt độ thấp, chỉ sử dụng gói thử b)
2) Đối với tải ngọn trong thử nghiệm năng suất kết đông, chỉ sử dụng gói thử a)
3) Đối với các ngăn 1 sao, chỉ sử dụng gói thử a).
C.3 Gói M
Một số gói thử 500 g (50 mm x 100 mm x 100 mm) được trang bị cho việc đo nhiệt độ và được gọi là gói M. Những gói thử này được lắp các nhiệt ngẫu hoặc bộ chuyển đổi đo nhiệt độ khác, được chèn vào tâm của gói thử và tiếp xúc trực tiếp với vật liệu điền đầy. Phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu dẫn nhiệt từ bên ngoài. Thành phần cấu tạo và giới hạn sử dụng được quy định trong Điều C.1 và Điều C.2.
(quy định)
Xác định nhiệt độ trung bình của không khí trong ngăn
D.1 Phạm vi áp dụng
Phụ lục này mô tả vị trí yêu cầu của các cảm biến để đo nhiệt độ không khí trong tất cả các ngăn. Phụ lục cũng mô tả phương pháp tính nhiệt độ không khí trung bình tại một điểm và trong ngăn đối với các quy trình thử nghiệm khác nhau. Mục đích của tiêu chuẩn này là lựa chọn các vị trí đại diện của nhiệt độ ngăn, nơi mà thực phẩm có nhiều khả năng được cất giữ.
D.2 Vị trí các cảm biến
D.2.1 Quy định chung
Các vị trí quy định cho cảm biến nhiệt độ là tâm hình học của cảm biến (khối kim loại) ngoại trừ trường hợp quy định khoảng cách nhỏ nhất (trong trường hợp này khoảng cách được tính đến bề mặt bên ngoài của khối kim loại).
Tất cả vị trí của cảm biến nhiệt độ được xác định theo chiều cao và chiều rộng hiệu dụng của ngăn trong các đoạn dưới đây nếu thuộc đối tượng áp dụng.
Chiều cao hiệu dụng của ngăn được trình bày trong D.2.4.2. Trường hợp đỉnh hoặc đáy là dốc, chiều cao hiệu dụng được lấy là chiều cao trung bình.
Các hạng mục như bộ điều khiển và các lỗ thông khí phải được bỏ qua như với các khoang tiện ích khác hoặc chỗ nhô ra với dung tích nhỏ hơn 2 lít.
D.2.2 Ngăn không đông
Ngoại trừ như nêu trong D.2.4, phải đặt 3 cảm biến đo nhiệt độ không khí trong ngăn không đông (ví dụ ngăn thực phẩm tươi, ngăn nhiệt độ thấp và ngăn đồ uống) như sau:
• cách đáy hiệu dụng của ngăn 50 mm;
• ở 1/2 h (chiều cao hiệu dụng của ngăn) được đo từ đáy hiệu dụng;
• ở 3/4 h (chiều cao hiệu dụng của ngăn) được đo từ đáy hiệu dụng.
Các vị trí này được minh họa trên Hình D.1, Hình D.2, Hình D.3 và Hình D.8 a) và tham khảo D.2.4 nếu thuộc đối tượng áp dụng.
Các cảm biến đều được bố trí ở giữa mặt trước và mặt sau của ngăn và ở chiều cao quy định của cảm biến đó, nếu không có quy định khác.
Cảm biến bất kỳ nằm ngay trên dàn bay hơi dạng hộp có hình dạng bất kỳ nhằm tạo ra không gian bảo quản riêng trong ngăn không đông phải được đặt bên dưới tâm mặt phẳng của dàn bay hơi.
D.2.3 Ngăn đông
Ngoại trừ như nêu trong D.2.4, phải đặt 5 hoặc 7 cảm biến đo nhiệt độ không khí trong ngăn đông như sau:
• hai cảm biến cách nóc hiệu dụng của ngăn (mặt trước và sau) 50 mm;
• ở 1/2 h (chiều cao hiệu dụng của ngăn) đo từ đáy hiệu dụng;
• hai cảm biến cách đáy hiệu dụng của ngăn (mặt trước và sau) 50 mm;
• trong trường hợp chiều cao hiệu dụng của ngăn đông lớn hơn 1 000 mm, 2 cảm biến bổ sung phải được đặt ở 1/4 h và 3/4 h (chiều cao hiệu dụng của ngăn) đo từ đáy hiệu dụng.
Các vị trí này được minh họa trên Hình D.3, Hình D.4, Hình D.5, Hình D.6, Hình D.7, Hình D.8 và tham khảo D.2.4 nếu thuộc đối tượng áp dụng.
D.2.4 Vị trí tương đương và yêu cầu khác cho tất cả các loại ngăn
D.2.4.1 Quy định chung
Vị trí tương đương của cảm biến đối với các cấu hình đặc biệt (hoặc khoang tiện ích) và các yêu cầu khác cho tất cả các loại ngăn được trình bày dưới đây.
Nếu không thể đặt cảm biến vào các vị trí như từ Hình D.1 đến Hình D.8, lựa chọn đầu tiên là sử dụng hình chiếu gương của vị trí đó nếu có thể sử dụng được như minh họa trên Hình D.9. Khi không thể đặt các cảm biến nhiệt độ vào một trong các vị trí này, chúng phải được đặt càng gần càng tốt với vị trí quy định mà tạo ra kết quả tương đương có tính đến lưu ý về mục đích nêu trên. Vị trí này phải được ghi lại trong báo cáo thử nghiệm.
D.2.4.2 Tính chiều cao hiệu dụng
Chiều cao hiệu dụng (h) của ngăn (có chiều cao h1) phải được hiệu chỉnh có tính đến phần chiều rộng bất kỳ hoặc toàn bộ chiều rộng của các khoang tiện ích hoặc ngăn phụ (không đông) như minh họa trên Hình D.2. Công thức tính chiều cao hiệu dụng là:
h = h1 - a - b
trong đó:
h chiều cao hiệu dụng
h1 chiều cao toàn phần của ngăn (bỏ qua chiều rộng một phần của ngăn phụ/khoang tiện ích)
a khoảng cách đến nóc hiệu dụng: =
b khoảng cách đến đáy hiệu dụng: =
h2a chiều cao của ngăn phụ/khoang tiện ích ở nóc
h2b chiều cao của ngăn phụ/khoang tiện ích ở đáy
w chiều rộng toàn phần của ngăn
w1a chiều rộng của ngăn phụ/khoang tiện ích ở nóc
w1b chiều rộng của ngăn phụ/khoang tiện ích ở đáy
Việc điều chỉnh chiều cao hiệu dụng như trên chỉ áp dụng cho ngăn phụ/khoang tiện ích nằm tại nóc hoặc đáy của ngăn khi đặt tại vị trí của nó theo thiết kế.
Các ngăn hoặc giá đỡ không được kể đến khi tính chiều cao hiệu dụng.
Khi xác định kích thước bên trong cho mục đích đặt cảm biến nhiệt độ trong trường hợp có dàn bay hơi dạng tấm để hở và dàn bay hơi lớn hơn 20 % chiều cao, hoặc chiều rộng hoặc chiều sâu, tùy từng trường hợp áp dụng, thì dàn bay hơi phải được coi là chiếm toàn bộ vách của ngăn.
CHÚ THÍCH: Dàn bay hơi dạng tấm là dàn bay hơi đặt sát vách hoặc nóc của ngăn ở đó dàn bay hơi không được cấu hình để tạo ra giá đỡ, không gian bảo quản hoặc ngăn phụ riêng biệt.
Khi khoảng trống bên cạnh nhỏ hơn 40 mm, ngăn phụ/khoang tiện ích cố định được coi như kéo dài tới lớp lót hoặc đối tượng gần kề.
Khi một ngăn phụ/khoang tiện ích cố định có chiều rộng lớn hơn 80 % chiều rộng của ngăn, ngăn phụ/khoang tiện ích đó có chiều rộng trọn vẹn.
D.2.4.3 Chiều sâu của ngăn
Các cảm biến nhiệt độ phải được bố trí ở giữa mặt trước và mặt sau của ngăn. Đối với tất cả ngăn, mặt trước của nó là lớp lót cửa. Trường hợp các bề mặt này không phẳng/thẳng thì giá trị trung bình tương đương của vị trí/hình dạng bề mặt tại và xung quanh điểm đo cần được sử dụng để xác định vị trí mặt trước và mặt sau hiệu dụng.
CHÚ THÍCH: Xem D.2.2 liên quan đến xử lý dàn bay hơi dạng hộp. Xem D.2.4.4 liên quan đến ngăn có chiều sâu thay đổi được.
D.2.4.4 Ngăn có chiều rộng và chiều sâu thay đổi được
Trong trường hợp chiều rộng hoặc chiều sâu tổng của ngăn (không tính các khoang tiện ích được quy định trong D.2.4.9) thay đổi theo chiều cao, thì chiều rộng và chiều sâu tại độ cao của mỗi cảm biến nhiệt phải được sử dụng để xác định vị trí cần thiết của cảm biến.
D.2.4.5 Ngăn nhỏ/ngăn phụ nhỏ
Đối với ngăn/ngăn phụ hoặc khoang tiện ích có chiều cao không lớn hơn 150 mm và dung tích không lớn hơn 25 l và yêu cầu phải đo nhiệt độ thì phải sử dụng hai cảm biến nhiệt độ. Mỗi cảm biến được đặt ở khoảng cách 50 mm tính từ đáy của ngăn phụ, một ở mặt trước bên trái và một ở mặt sau bên phải tại d/4 và w/4 (Xem Hình D.3 a)).
D.2.4.6 Ngăn có chiều cao thấp
Đối với ngăn không đông, ngăn phụ không đông hoặc khoang tiện ích không đông có chiều cao hiệu dụng bằng hoặc nhỏ hơn 300 mm, chiều cao này nhỏ hơn 0,7 lần chiều rộng hoặc chiều sâu thì cảm biến nhiệt độ phải được đặt ở các vị trí như thể hiện trên Hình D.3 b).
Trong trường hợp khi chiều rộng hoặc chiều sâu lớn hơn 700 mm thì các vị trí trên Hình D.3 b) cũng phải được sử dụng nếu tỷ số giữa chiều cao hiệu dụng và chiều rộng hoặc chiều sâu là nhỏ hơn 0,6.
Đối với các ngăn đông có chiều cao hiệu dụng nhỏ hơn hoặc bằng 200 mm và dung tích nhỏ hơn hoặc bằng 40 lít thì các cảm biến nhiệt độ phải được đặt ở các vị trí như thể hiện trên Hình D.3 b).
D.2.4.7 Khe hở không khí với phụ kiện bên trong (không phải các giá đỡ)
Nếu không có quy định thì khe hở không khí giữa các cảm biến nhiệt độ và các phụ kiện, vách hoặc khoang tiện ích bất kỳ bên trong tối thiểu phải bằng 25 mm. Khe hở không khí trong điều này có nghĩa là khoảng cách từ phụ kiện, vách hoặc khoang tiện ích bên trong đến bề mặt bên ngoài gần nhất của cảm biến nhiệt độ (khối kim loại).
Trong trường hợp cảm biến nhiệt độ sẽ có khe hở không khí nhỏ hơn 25 mm đến các ngăn phụ/khoang tiện ích cố định và không chiếm toàn bộ chiều rộng thì cảm biến phải được dịch chuyển sao cho duy trì chiều cao quy định trong khi vẫn giữ khe hở không khí 25 mm đến bề mặt của ngăn phụ/khoang tiện ích. Trong trường hợp cảm biến nhiệt độ phải được đặt gần khoang tiện ích có khe hở ở cả hai mặt thì cảm biến phải được đặt trong khe hở lớn hơn. Khi các khe hở có kích thước bằng nhau thì cảm biến phải được đặt trong khe hở bên trái đối với các vị trí của cảm biến nằm bên trên tâm của chiều cao hiệu dụng và trên khe hở bên phải đối với các vị trí cảm biến nằm tại hoặc thấp hơn tâm của chiều cao hiệu dụng. Xem thêm Hình D.1 và Hình D.2.
Cảm biến chỉ được đặt bên cạnh ngăn phụ/khoang tiện ích cố định chiếm một phần chiều rộng trong trường hợp khe hở bên đến lớp lót hoặc đối tượng liền kề bằng hoặc lớn hơn 100 mm.
D.2.4.8 Giá đỡ và bố trí cảm biến nhiệt độ
Trong trường hợp giá đỡ điều chỉnh được vị trí thì chúng phải được đặt ngay bên dưới vị trí quy định của các cảm biến trong khi vẫn đảm bảo khe hở không khí tối thiểu là 25 mm. Trong trường hợp khả năng điều chỉnh giá đỡ là không nhiều và cảm biến nhiệt độ sẽ nằm trong phạm vi 25 mm (đo từ tâm của cảm biến) đến mặt bên dưới của bề mặt giá đỡ thì phải chuyển cảm biến nhiệt độ sang vị trí nằm bên trên giá đỡ, khe hở không khí bằng 25 mm.
Trong trường hợp có thể, một giá đỡ trong ngăn đông lớn nhất (nếu có thể áp dụng được) phải đặt bên dưới vị trí cảm biến nhiệt độ TMP1 và bên trên TMP2, và một giá đỡ phải đặt bên dưới vị trí cảm biến nhiệt độ TMP2 và bên trên TMP3. Trong chừng mực có thể, giá đỡ được giữ bất kỳ phải được đặt cách đều nhau trong ngăn. Giá đỡ trên cửa, ngăn kéo, hộp, giỏ trượt hoặc những phụ kiện chuyên dụng nhưng có thể thay đổi vị trí đều được giữ lắp vào nhưng được tổ chức để giảm thiểu ảnh hưởng tới các cảm biến nhiệt độ.
Những phụ kiện không được thiết kế để lắp vào trong sử dụng bình thường, như quy định theo hướng dẫn, đều được tháo ra trong tất cả các thử nghiệm.
Trong trường hợp cảm biến nhiệt độ sẽ nằm trong phạm vi 50 mm bên trên hoặc bên dưới bề mặt một giá đỡ được làm lạnh thì cảm biến nhiệt độ đó phải được chuyển sang vị trí nằm bên trên và cách giá đỡ đó 50 mm.
D.2.4.9 Khoang tiện ích và bố trí cảm biến nhiệt độ
Trong trường hợp các khoang tiện ích gây ảnh hưởng tới việc bố trí cảm biến nhiệt độ thì áp dụng quy tắc giống như đối với các giá đỡ trong D.2.4.8 và đối với các ngăn chiếm một phần chiều rộng, áp dụng D.2.4.7. Nếu cảm biến trong ngăn nằm trong khoang tiện ích, cảm biến phải được di chuyển sang vị trí gần nhất bên ngoài khoang tiện ích đó.
D.2.4.10 Cảm biến trong ngăn đông và giá đỡ trên cửa
Trong trường hợp các giá đỡ trên cửa gây ảnh hưởng hoặc bao quanh vị trí đặt các cảm biến TMP12 hoặc TMP14 (xem Hình D.5 và Hình D.6) hoặc khoảng cách trong không khí nhỏ hơn 10 mm, thì đường tâm của cảm biến phải được dịch chuyển đến 150 mm vào trong ngăn (thêm 50 mm). Nếu việc này chưa đáp ứng được các yêu cầu, cảm biến phải được bố trí bên trong giá đỡ càng gần vị trí ban đầu càng tốt trong khi vẫn duy trì khoảng hở 30 mm giữa đường tâm của cảm biến đến vách và 50 mm từ đường tâm của cảm biến đến đáy của giá.
D.2.4.11 Bố trí cảm biến nhiệt độ trong ngăn kéo và hộp
Trong trường hợp ngăn kéo hoặc hộp tạo thành ngăn/ngăn phụ hoặc khoang tiện ích khép kín thì, đối với mục đích đặt cảm biến, nóc của không gian đó phải ngang bằng với điểm cố định thấp nhất bên trên ngăn kéo hoặc hộp khi trượt ra hoặc vào (trên thực tế bằng với đỉnh của đồ vật cao nhất có thể đặt vào trong ngăn kéo hoặc hộp mà không bị kẹt lại).
Trong trường hợp cảm biến nhiệt độ được yêu cầu phải nằm bên trong hoặc gần ngăn kéo hoặc hộp thì cảm biến đó phải được đặt bên trong ngăn kéo hoặc hộp và ngăn kéo hoặc hộp đó phải được coi là ở bên trong của lớp lót.
Khi ngăn kéo và/hoặc hộp chiếm toàn bộ hoặc phần lớn không gian bên trong ngăn thì các cảm biến phải được đặt trong các ngăn kéo hoặc hộp này, ở các vị trí như trong D.2.2 hoặc D.2.3, tùy trường hợp áp dụng. Trong trường hợp ngăn kéo hoặc hộp không rỗng, các cảm biến nhiệt độ phải nằm bên trong ngăn kéo hoặc hộp liên quan (xem D.2.4) trong khi vẫn đảm bảo tất cả các khe hở (xem D.2.4.7) và coi đế của hộp như là giá đỡ (xem D.2.4.8).
Trong trường hợp không gian có sẵn quá nhỏ đến mức không thể đảm bảo được khe hở quy định, thì khe hở không khí giữa cảm biến nhiệt độ và đế của hộp (25 mm) phải được duy trì trong chừng mực có thể trong khi giảm khe hở đến nóc của ngăn.
Vị trí của các cảm biến nhiệt độ trong ngăn kéo và hộp được minh họa trên Hình D.8.
D.2.5 Lưu ý về các khoang tiện ích
Đối với mục đích của các thử nghiệm trong tiêu chuẩn này, khoang tiện ích không phải đo nhiệt độ áp dụng cho các ngăn phụ khi khoang tiện ích đáp ứng các điều kiện dưới đây
a) dung tích tổng của các khoang tiện ích cố định trong một ngăn không được lớn hơn 25 % dung tích ngăn; hoặc
b) dung tích tổng của các khoang tiện ích cố định và tháo ra được trong một ngăn không được lớn hơn 40 % dung tích ngăn.
Trong trường hợp dung tích của các khoang tiện ích cố định trong một ngăn bất kỳ lớn hơn các giới hạn này thì phải chọn số lượng đủ các khoang tiện ích cố định và coi là ngăn phụ (và do đó được phân loại và thử nghiệm như với ngăn phụ) cho đến khi đáp ứng yêu cầu nêu trên về dung tích đối với khoang tiện ích. Việc chọn này được thực hiện theo quy tắc sau:
i) Đầu tiên, các khoang tiện ích có bộ điều khiển nhiệt độ riêng (kể cả khoang tiện ích có hai bộ điều khiển vị trí) theo thứ tự giảm dần về kích thước; sau đó
ii) Khoang tiện ích không có bộ điều khiển nhiệt độ riêng theo thứ tự giảm dần về kích thước;
Trong trường hợp các quy tắc trên đưa ra hai hoặc nhiều khoang tiện ích có thứ tự xếp hạng như nhau thì chọn khoang tiện ích ở xa nhất so với tâm của không gian mà ở đó đặt cảm biến nhiệt độ của ngăn.
Chi tiết về việc đặt chỉnh định khống chế nhiệt độ đối với khoang tiện ích được nêu trong B.2.5.3
Trong trường hợp ngăn gồm toàn bộ hoặc chủ yếu là ngăn kéo và/hoặc hộp thì chúng thường không được coi là các khoang tiện ích.
D.3 Xác định nhiệt độ không khí trung bình của ngăn
D.3.1 Quy định chung
Đối với từng ngăn, nhiệt độ không khí trung bình ở từng vị trí đặt cảm biến được xác định. Sau đó các giá trị nhiệt độ này được kết hợp lại để xác định nhiệt độ của ngăn.
D.3.2 Xác định nhiệt độ trung bình của cảm biến trong một khoảng thời gian
Nhiệt độ trung bình của cảm biến trong một khoảng thời gian về nguyên tắc phải được xác định bằng cách tích phân. Cho phép sử dụng lấy mẫu thường xuyên hơn trong các khoảng thời gian đã chọn trong quá trình thử nghiệm. Ví dụ việc lấy mẫu tần suất cao hơn có thể có ích đối với các sự kiện diễn ra trong thời gian ngắn. Nếu cần kết hợp các số liệu có tốc độ lấy mẫu khác nhau, từng điểm dữ liệu phải được lấy trọng số tỷ lệ với thời gian lấy mẫu liên quan.
D.3.3 Xác định nhiệt độ của ngăn
Nhiệt độ của ngăn phải được xác định trên khoảng thời gian xác định nhiệt độ như quy định dưới đây.
D.3.4 Tính toán nhiệt độ trung bình
Nhiệt độ của ngăn phải là trung bình cộng của các nhiệt độ của tất cả các cảm biến trong ngăn đó.
Kích thước tính bằng milimét
Hình D.1 - Các điểm đo nhiệt độ không khí - Ngăn không đông có dàn bay hơi dạng tấm hoặc được che chắn và các ví dụ về chiều cao và chiều rộng hiệu dụng
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ THÍCH 1: Đối với chú dẫn, xem Hình D.1.
CHÚ THÍCH 2: Hai ví dụ trên minh họa việc thực hiện các thay đổi.
Hình D.2 - Các điểm đo nhiệt độ không khí - Ngăn thực phẩm tươi, ngăn nhiệt độ thấp và ngăn đồ uống - Ví dụ về các ngăn thông dụng có ngăn rau và khoang tiện ích
Kích thước tính bằng milimét
Hình D.3 - Các điểm đo nhiệt độ không khí - Các ngăn nhỏ và ngăn có chiều cao thấp
Kích thước tính bằng milimét
Hình D.4 - Vị trí cảm biến nhiệt độ trong ngăn đông kiểu cánh đứng không có các giá đỡ được làm lạnh và có chiều cao bằng 1 000 mm hoặc nhỏ hơn
Kích thước tính bằng milimét
Hình D.5 - Vị trí cảm biến nhiệt độ trong ngăn đông kiểu cánh đứng không có các giá đỡ được làm lạnh và có chiều cao lớn hơn 1 000 mm
Kích thước tính bằng milimét
Hình D.6 - Vị trí cảm biến nhiệt độ trong ngăn đông kiểu cánh đứng có các giá đỡ được làm lạnh và có chiều cao lớn hơn 1 000 mm
Kích thước tính bằng milimét
Hình D.7 - Vị trí cảm biến nhiệt độ trong các ngăn đông kiểu cánh lật
Kích thước tính bằng milimét
(a) Cảm biến TMP1 được đặt lại để duy trì khe hở đến lớp lót của ngăn kéo (ngăn không đông)
(b) Vị trí cảm biến nhiệt độ trong ngăn kéo hoặc hộp chứa (ngăn đông)
(c) Vị trí cảm biến nhiệt độ phía trên trong trường hợp ngăn kéo phía trên có chiều cao < 75 mm (ngăn đông)
CHÚ THÍCH: Đối với các chú dẫn, xem Hình D.1.
Hình D.8 - Vị trí cảm biến nhiệt độ trong các ngăn kéo và hộp chứa
Hình D.9 - Vị trí cảm biến nhiệt độ khi áp dụng hình ảnh đối xứng gương
(quy định)
Chi tiết về các ký hiệu nhận biết
Chi tiết về các ký hiệu nhận biết dùng cho ngăn đông được biểu diễn trên Hình E.1 và Hình E.2.
Kích thước tính bằng milimét
Các kích thước chỉ để tham khảo; chúng có thể được giảm xuống, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ, nhưng chiều cao của ký hiệu không được nhỏ hơn 5 mm (xem ISO 7000).
Hình E.1 - Chi tiết các ký hiệu nhận biết đối với ngăn 4 sao
Kích thước tính bằng milimét
Các kích thước chỉ để tham khảo; chúng có thể được giảm xuống, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ, nhưng chiều cao của ký hiệu không được nhỏ hơn 5 mm.
Hình E.2 - Chi tiết các ký hiệu nhận biết đối với ngăn đông (ngoại trừ ngăn 4 sao)
(tham khảo)
Các hạng mục cần nêu trong báo cáo thử nghiệm
Các hạng mục sau đây cần nêu trong báo cáo thử nghiệm theo bộ tiêu chuẩn TCVN 11917 (IEC 62552):
TCVN 11917-2 (IEC 62552-2):
Điều 6 Thử nghiệm khả năng bảo quản
Điều 7 Thử nghiệm năng suất lạnh
Điều 8 Thử nghiệm năng suất kết đông
Điều 9 Thử nghiệm năng suất làm đá tự động
Phụ lục A Thử nghiệm giảm nhiệt độ
Phụ lục B Thiết bị bảo quản rượu và các ngăn; Thử nghiệm khả năng bảo quản
Phụ lục C Thử nghiệm tăng nhiệt độ
Phụ lục D Thử nghiệm ngưng tụ hơi nước
TCVN 11917-3 (IEC 62552-3):
Đo điện năng tiêu thụ
Đo dung tích
(quy định)
G.1 Phạm vi áp dụng
Phụ lục G nhằm xác định các thuật ngữ, định nghĩa và tính năng của các thiết bị bảo quản rượu.
G.2 Thuật ngữ, định nghĩa và ký hiệu
Đối với mục đích của Phụ lục G, áp dụng các thuật ngữ, định nghĩa và ký hiệu dưới đây.
G.2.1
Nhiệt độ ngăn bảo quản rượu (wine storage compartment temperature)
Twma là giá trị trung bình số học của nhiệt độ ngăn bảo quản rượu Tw1m, Tw2m, Tw3m.
G.2.2
Cơ cấu trao đổi không khí môi trường (ambient air exchange device)
Cơ cấu cho phép trao đổi không khí trong ngăn được làm lạnh với không khí môi trường. Cơ cấu này được cố định hoặc bởi nhà chế tạo, điều khiển một cách tự động hoặc đặt thủ công bởi người sử dụng khi có hướng dẫn.
CHÚ THÍCH: Lỗ dùng cho nước xả khi xả băng không được coi là cơ cấu trao đổi không khí.
G.3 Yêu cầu
G.3.1 Dải nhiệt độ yêu cầu
Thiết bị có nhiệt độ bảo quản liên tục, được đặt trước hoặc đặt thủ công theo hướng dẫn, trong khoảng từ Twma = +5 °C đến +20 °C. Mỗi ngăn phải có Twma ≤ +12 °C.
CHÚ THÍCH: Khoảng +5 °C đến +20 °C là khoảng tối đa cho phép, không phải là nhiệt độ mục tiêu.
G.3.2 Dao động nhiệt độ lớn nhất
Nhiệt độ bảo quản thay đổi theo thời gian nhỏ hơn 0,5 K tại mỗi nhiệt độ môi trường công bố, được chỉ rõ bởi vùng khí hậu đối với thiết bị lạnh gia dụng (xem 4.1). Xác định sự thay đổi nhiệt độ được chỉ ra trong Điều G.7.
G.3.3 Rung
Thiết bị phải có kết cấu để giảm sự lan truyền rung tới ngăn từ máy nén hoặc từ nguồn bên ngoài bất kỳ.
G.4 Điều kiện thử nghiệm chung
G.4.1 Quy định chung
Nếu không có quy định khác, áp dụng Điều A.3 của tiêu chuẩn này cho các thiết bị bảo quản rượu.
G.4.2 Nhiệt độ môi trường thấp
Đối với các thử nghiệm ở nhiệt độ môi trường gần hoặc thấp hơn nhiệt độ bảo quản trung bình của một ngăn cụ thể, phải xét đến hướng dẫn đối với cách đặt nhiệt độ ấm nhất khả thi nếu áp dụng được.
G.4.3 Phần bên trong
Nếu vị trí của các giá đỡ có thể điều chỉnh được, chúng phải được trải rộng đồng đều trong buồng lạnh.
Các giá đỡ, giỏ và ngăn chứa đặt đúng vị trí theo hướng dẫn.
G.5 Xác định dung tích
G.5.1 Chiều sâu
Đối với thiết bị bảo quản rượu: Nếu một dàn bay hơi được lắp phía sau được che chắn bởi một tấm che cố định (để bảo vệ chẳng hạn), chiều sâu của không gian dàn bay hơi được tính là khoảng cách trung bình theo phương ngang của phần cao nhất của tấm che bảo vệ.
G.5.2 Đánh giá khả năng chứa chai đối với ngăn bảo quản rượu
Để đánh giá khả năng chứa danh định các chai, phải sử dụng các chai 0,75 lít hoặc sự thay thế tương đương có kích thước quy định trên Hình G.1.
CHÚ THÍCH: Kích thước chai có được từ NF H35-124:2006-07.
Để kiểm tra sự biến dạng của các giá đỡ, trong điều kiện sử dụng bình thường, các chai được đựng nước để có tổng khối lượng mỗi chai là 1 200 g ± 50 g.
Những phần có thể tháo ra, được ghi rõ bởi nhà chế tạo khi cần thiết cho hoạt động đúng về nhiệt và cơ của ngăn bảo quản rượu, phải được đặt đúng vị trí dự kiến của chúng theo các hướng dẫn. Các chai được xếp vào từng không gian dự kiến để chứa các chai trong sử dụng bình thường như sau:
- Khoảng cách đến vách/phía sau/cửa theo hướng dẫn
- nếu không có hướng dẫn, để đảm bảo làm lạnh phù hợp, mép phía trong của giá đỡ và khe hở 5 mm đến cửa được coi là giới hạn
- các chai đặt ở giá đỡ cửa có thể chạm vào lớp lót cửa
- nếu dàn bay hơi được bao phủ bởi các phương tiện cố định để bảo vệ, các chai có thể được xếp chạm vào phần bảo vệ đó
- các chai có thể đặt ngược lại và xen kẽ nhau
- các chai có thể đặt chạm vào các vách bên nếu không có quy định từ nhà chế tạo
- các chai có thể đặt nằm ngang, thẳng đứng hoặc nghiêng nếu các phương tiện cố định được cung cấp cho các vị trí nghiêng
- các phần di chuyển như là giá đỡ lồng nhau phải được giữ để có thể di chuyển và tiếp cận được trong các điều kiện mang tải.
Hình vẽ về cách đặt các chai để chỉ rõ vị trí các chai nhằm đánh giá khả năng chứa chai đối với các ngăn bảo quản rượu phải được đưa vào báo cáo thử nghiệm bất kỳ.
Kích thước tính bằng milimét
Hình G.1 - Chai tiêu chuẩn để đánh giá khả năng chứa chai
G.6 Đo nhiệt độ bảo quản
Các nhiệt độ Tw1m, Tw2m, Tw3m được đo trong gói M được đỡ hoặc treo để có tâm hình học của chúng tại các điểm gắn cảm biến nhiệt độ và bề mặt lớn nhất là nằm ngang. Các gói M này có thể được đỡ, ví dụ, bằng cách sử dụng một khối polystyrene mở rộng (EPS) có kích thước cơ bản như một gói M. Các gói M không được tiếp xúc trực tiếp với bề mặt khác bất kỳ.
Để xác định nhiệt độ bảo quản, các điểm gắn cảm biến nhiệt độ được đặt tại TMPw1, TMPw2, TMPw3 như Hình G.2, nửa chừng giữa vách ngăn trong phía sau của thiết bị và vách ngăn trong của cửa đóng. Các vách ngăn được xác định để tính toán dung tích bảo quản.
Gói M phải được ngăn cách với bề mặt dẫn nhiệt bất kỳ tối thiểu 25 mm. Nhiệt độ tức thời của gói M Tw1, Tw2 và Tw3 phải được ghi lại.
Các nhiệt độ Tw1m, Tw2m và Tw3m tại các điểm gắn cảm biến nhiệt độ phải là giá trị trung bình được lấy tích phân theo thời gian của Tw1, Tw2 và Tw3 trong suốt giai đoạn thử nghiệm với bước tích phân là 60 s hoặc nhỏ hơn.
Nhiệt độ bảo quản Twma là trung bình số học của nhiệt độ trung bình Tw1m, Tw2m và Tw3m.
Nếu các bộ phận bên trong không cho phép đọc Tw1, Tw2 và Tw3 tại các điểm quy định thì việc đọc này phải được tiến hành tại vị trí tâm hình học của gói M và không lớn hơn 25 mm từ điểm cụ thể ở trên. Nếu sự bố trí bên trong của ngăn bảo quản rượu không thích hợp như trình bày trên Hình G.2, các nhiệt độ Tw1, Tw2 và Tw3 phải được đọc ở các vị trí được xác định tương tự các vị trí đã đề cập.
Nếu có một thiết bị trao đổi không khí môi trường và điều này bị ảnh hưởng bởi người sử dụng thì thiết bị đó phải được đặt để vận hành cho sử dụng bình thường theo hướng dẫn của nhà chế tạo.
Nhiệt độ bảo quản được thử nghiệm ở nhiệt độ môi trường 25 °C và tại nhiệt độ môi trường thấp nhất và cao nhất đối với các vùng khí hậu. Mỗi ngăn bảo quản rượu phải được đo tại Twma ≤ 12 °C.
Phải ghi lại các nhiệt độ này.
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ THÍCH: Đối với thiết bị bảo quản rượu có một cửa nhưng được phân cách bằng vách ngăn cố định hoặc điều chỉnh được thành các ngăn riêng rẽ có cơ cấu điều khiển nhiệt độ độc lập thì bố trí trên phải được áp dụng cho từng ngăn.
Nếu z < 100 mm thì không được sử dụng TMPw2.
Nếu hw < 300 mm thì không được sử dụng TMPw2.
CHÚ DẪN
1 Giá đỡ phía trên hộp chứa đặt ở vị trí thấp nhất có thể
2 D1 và D2 = khoảng cách giữa các đường chuẩn được sử dụng để xác định dung tích chứa
Hình G.2 - Các điểm đo nhiệt độ (gói thử)
G.7 Xác định độ dao động nhiệt độ
Xác định độ dao động nhiệt độ được tiến hành ở nhiệt độ Twma = 12 °C hoặc nhiệt độ lạnh hơn gần nhất ở nhiệt độ môi trường 25 °C và tại nhiệt độ môi trường thấp nhất và cao nhất đối với các vùng khí hậu công bố.
Thử nghiệm được tiến hành trong điều kiện quy định trong Điều G.6.
Độ dao động nhiệt độ được đánh giá đối với mỗi điểm đo TMPwi. Các nhiệt độ tức thời của gói M Tw1, Tw2 và Tw3 phải được ghi lại.
Biên độ được quy định là sự chênh lệch giữa nhiệt độ tức thời nóng nhất và lạnh nhất giữa hai khoảng dừng hoạt động liên tiếp của hệ thống lạnh. Nếu không thể nhận biết khoảng dừng hoạt động liên tiếp của hệ thống lạnh thì sẽ xem xét trong một giai đoạn liên tục 4 h.
Trung bình của tất cả biên độ nhiệt độ tại mỗi điểm đo TMPwi trong toàn bộ giai đoạn thử nghiệm phải nằm trong phạm vi 0,5 K.
G.8 Báo cáo thử nghiệm cuối cùng
Báo cáo thử nghiệm cuối cùng bất kỳ đối với thiết bị bảo quản rượu phải có kết quả của các thử nghiệm sau:
a) Tiêu thụ năng lượng (xem Điều 5 của TCVN 11917-3 (IEC 62552-3))
b) Dao động nhiệt độ (xem B.5.1 của TCVN 11917-2 (IEC 62552-2))
c) Khả năng chứa chai của ngăn (xem G.5.2)
d) Sơ đồ bố trí chai thể hiện vị trí các chai để đánh giá khả năng chứa chai.
G.9 Ghi nhãn và hướng dẫn
G.9.1 Thông tin kỹ thuật và thương mại của sản phẩm
Thông tin sau đây được ghi trên thông tin kỹ thuật và sản phẩm thiết bị bảo quản rượu: "Thiết bị này được sử dụng dành riêng cho việc bảo quản rượu".
Điều này không áp dụng cho các thiết bị lạnh gia dụng mà không được thiết kế cụ thể cho việc bảo quản rượu, tuy nhiên có thể được sử dụng với mục đích này hoặc cho các thiết bị lạnh gia dụng có ngăn bảo quản rượu được kết hợp với các loại ngăn khác.
G.9.2 Hướng dẫn
Thông tin sau đây được ghi trên các hướng dẫn cung cấp cho thiết bị bảo quản rượu: "Thiết bị này được sử dụng dành riêng cho việc bảo quản rượu".
Điều này không áp dụng cho các thiết bị lạnh gia dụng không được thiết kế cụ thể cho việc bảo quản rượu, tuy nhiên có thể được sử dụng với mục đích này hoặc cho các thiết bị lạnh gia dụng có ngăn bảo quản rượu được kết hợp với các loại ngăn khác.
Đối với các ngăn cung cấp việc đặt nhiệt độ gần hoặc cao hơn nhiệt độ vùng khí hậu thấp nhất công bố, phải có các hướng dẫn cho việc đặt nhiệt độ nóng nhất có thể tại các nhiệt độ môi trường thấp.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] IEC 60335-2-24, Household and similar electrical appliance - Safety - Part 2-24: Particular requirements for refrigerating appliances, ice-cream appliances and ice makers
[2] IEC 60704-2-14, Household and similar electrical appliance - Test code for the determination of airbone ascoustical noise - Part 2-14: Particular requirements for refrigerators, frozen-food storage cabinets and food freezers
[3] IEC/ISO 82079-1, Preparation of instructions for use - structuring, content and presentation - Part 1: General principles and detailed requirements
[4] ISO/IEC Guide 98-3:2008, Uncertainty of measurement - Part 3: Guide to the expression of uncertainty in measurement (GUM:1995)
[5] ISO 3055, Kitchen equipment - Coordinating sizes
[6] ISO 5149, Mechnical refrigerating systems used for cooling and heating - Safety requirements
[7] ISO 7000, Graphical symbols for use on equipment - Index and synosis
[8] AFNOR H35-124-2006-07, Bottling industry - Glass bottles -"Bordeaux traditional" 75 cl bottle
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.