TỔNG CỤC THỐNG KÊ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 838-TCTK/NN | Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1968 |
QUY ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP TÍNH CHỈ TIÊU “DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG BÌNH QUÂN MỘT LAO ĐỘNG LÀM TRONG NĂM”
Phương hướng kế hoạch ba năm phát triển kinh tế địa phương (1968-1970) đã đề ra cho nông nghiệp ba mục tiêu lớn:
- Một lao động làm một hécta gieo trồng;
- Năm tấn thóc hai vụ trên một hécta;
- Hai con lợn trên một hécta gieo trồng.
Phong trào thi đua phấn đấu đạt và vượt ba mục tiêu nói trên đang diễn ra khá sôi nổi ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị.
Để có cơ sở kiểm tra và đánh giá đúng đắn kết quả phong trào thi đua trên đây, cần quy định thống nhất và chặt chẽ phương pháp tính toán các chỉ tiêu thống kê có liên quan đến việc thực hiện ba mục tiêu nói trên.
Nhằm mục đích đó, Tổng cục Thống kê, sau khi đã trao đổi ý kiến thống nhất với các ngành liên quan, đã ra Thông tư số 721-TCTK/NN ngày 07-8-1967 quy định phương pháp tính năng suất lúa và hoa màu lương thực bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác (ha) trong một năm và Thông tư số 837-TCTK/NN ngày 05-10-1968 quy định phương pháp tính một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển chăn nuôi lợn. Căn cứ hai thông tư trên đây, các đơn vị và các địa phương hàng năm có thể tính toán để kiểm tra tình hình thực hiện mục tiêu “năm tấn thóc” và mục tiêu “hai con lợn” của đơn vị mình, địa phương mình.
Để phục vụ việc kiểm tra tình hình thực hiện mục tiêu “1 lao động làm 1 hécta gieo trồng trong năm” Tổng cụ Thống kê, sau khi đã trao đổi ý kiến nhất trí với các ngành có liên quan như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lao động, Ban Nông nghiệp Trung ương và Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng, ra thông tư này quy định phương pháp tính chỉ tiêu “diện tích gieo trồng bình quân một lao động làm trong năm” gồm các điểm như sau:
I. PHƯƠNG PHÁP TÍNH CHỈ TIÊU “DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG BÌNH QUÂN MỘT LAO ĐỘNG LÀM TRONG NĂM”
Tính chỉ tiêu “diện tích gieo trồng bình quân một lao động trong năm” chủ yếu là để đánh giá hiệu suất lao động của kinh tế tập thể hợp tác xã và kiểm tra kết quả thực hiện mục tiêu “một lao động làm việc một hécta gieo trồng” của nông dân xã viên. Do đó, nay quy ước rằng phạm vi tính diện tích gieo trồng và lao động trồng trọt ở đây là chỉ tính trong phạm vi của kinh tế tập thể hợp tác xã.
Công thức tính như sau:
Diện tích gieo trồng bình quân một lao động làm trong năm | = | Tổng số diện tích gieo trồng |
Tổng số lao động trồng trọt |
a) Tổng số diện tích gieo trồng tính ở đây là gồm toàn bộ diện tích gieo trồng cây ngắn ngày của cả 3 vụ (vụ đông xuân, vụ thu, vụ mùa) trong năm cộng lại, và diện tích trồng tập trung các cây lâu năm cần chăm bón hàng năm của hợp tác xã.
Diện tích gieo trồng cây ngắn ngày gồm:
- Diện tích gieo trồng cây lương thực: lúa, ngô, khoai lang, sắn, khoai sọ, khoai nước, dong riềng, v.v… (không tính diện tích dược mạ);
- Diện tích gieo trồng rau và đỗ các loại (trừ đỗ tương);
- Diện tích gieo trồng cây công nghiệp ngắn ngày: bông, đay, gai, cói, lạc, vừng, đỗ tương, thuốc lá, thuốc lào, v.v…;
- Diện tích gieo trồng cây dược liệu;
- Diện tích gieo trồng cây thức ăn cho chăn nuôi;
- Diện tích gieo trồng cây phân xanh trồng tập trung (kể cả diện tích ươm bèo hoa dâu).
Diện tích gieo trồng các loại cây nói trên đây là kể cả diện tích trồng trần và diện tích trồng xen, trồng gối vụ đã được tính đổi ra diện tích trồng trần theo cách tính đổi áp dụng trong điều tra kết thúc gieo trồng hiện nay của ngành thống kê.
Diện tích trồng tập trung cây lâu năm cần chăm bón hàng năm gồm diện tích trồng mới và diện tích chăm sóc các loại cây như chè, sơn, cam, cà-phê, hồ tiêu, v.v…
Như vậy là diện tích gieo trồng ở đây sẽ không bao gồm các diện tích sau đây:
- Diện tích gieo trồng của gia đình xã viên, của hộ nông dân cá thể và của các cá nhân, tổ chức khác;
- Diện tích cây lâu năm không cần chăm bón hàng năm như trầu, sở, dừa, nhãn, vải, quế, cọ, v.v…;
- Diện tích trồng cây gây rừng (do đội trồng cây gây rừng của hợp tác xã trồng);
- Diện tích thả bèo hoa dâu ở ruộng, diện tích điền thanh mô, điền thanh trồng bờ ruộng;
- Diện tích dược mạ.
b) Tổng số lao động trồng trọt tính ở đây là gồm tất cả những người lao động trong độ tuổi quy định (trừ học sinh đang đi học) và người ngoài độ tuổi lao động (chỉ tính những người thực tế có tham gia sản xuất ở hợp tác xã) làm các công việc thuộc phạm vi ngành trồng trọt của sản xuất tập thể hợp tác xã.
Lao động trong độ tuổi quy định là gồm những người từ 16 đến 60 tuổi đối với nam và từ 16 đến 55 tuổi đối với nữ mà không bị mất sức lao động (tức không bị tàn phế, mắc bệnh kinh niên, đau yếu thường xuyên không làm việc được, được cơ quan y tế chứng nhận).
Người ngoài độ tuổi lao động là gồm người trên độ tuổi và dưới độ tuổi lao động.
Người trên độ tuổi lao động là kể những người trên 60 tuổi đối với nam và trên 55 tuổi đối với nữ.
Người dưới độ tuổi lao động là chỉ kể các em từ 13 đến 15 tuổi.
Những người ngoài độ tuổi lao động kể trên chỉ tính những người thực tế có tham gia sản xuất thuộc phạm vi ngành trồng trọt của sản xuất tập thể hợp tác xã.
Thực tế có tham gia sản xuất là có đi làm cho hợp tác xã bất cứ được nhiều công hay ít công.
Tất cả những người ngoài độ tuổi được tính là lao động trồng trọt kể trên đều thống nhất tính đổi ra lao động trong độ tuổi theo hệ số sau đây:
2 lao động trên độ tuổi quy định = 1 lao động trong độ tuổi quy định
3 lao động dưới độ tuổi quy định = 1 lao động trong độ tuổi quy định
Lao động trồng trọt là gồm những người lao động kể trên làm các công việc sau đây:
1. Người trực tiếp làm việc ở các đội sản xuất trồng trọt,
2. Người chuyên làm trồng trọt ở đội chăn nuôi,
3. Người điều khiển các máy móc của xã, hợp tác xã phục vụ cho sản xuất trồng trọt như công nhân lái, sửa chữa máy kéo, công nhân trông coi, sửa chữa máy bơm,
4. Người chuyên chăn giắt trâu bò cày kéo,
5. Người làm công việc gián tiếp phục vụ cho sản xuất trồng trọt như chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán hợp tác xã,
6. Người làm lao động nghĩa vụ Nhà nước thay cho người lao động trồng trọt ở nhà như dân công, thủy lợi, trực chiến (không kể người làm ở các đội thủy lợi chủ lực).
Tính người làm công việc gián tiếp phục vụ cho sản xuất trồng trọt, và người làm nghĩa vụ thay cho lao động trồng trọt ở nhà, là căn cứ vào tổng số người làm các công việc kể trên của hợp tác xã và tỷ lệ người lao động trồng trọt trực tiếp (gồm các loại 1, 2, 3, 4 kể trên) ở trong hợp tác xã mà tính ra (tính theo người lao động trong độ tuổi quy định).
Nhưng hiện nay, do lao động trong hợp tác xã tuyệt đại đa số là lao động trồng trọt, nên để cho việc tính toán được giản đơn, tạm thời quy ước là ở các hợp tác xã ngành nghề chưa phát triển nhiều thì tất cả lao động gián tiếp phục vụ sản xuất và lao động làm nghĩa vụ thay dân công, thủy lực, trực chiến… đều tính cho lao động trồng trọt cả.
Như vậy, những người lao động sau đây ở trong hợp tác xã sẽ không tính là lao động thuộc phạm vi trồng trọt:
1. Người chuyên làm việc ở các đội chăn nuôi tập thể bao gồm chăn nuôi lợn, gà vịt, ngan ngỗng, chăn nuôi trâu bò (không kể người chuyên chăn giắt trâu bò cày kéo và người chuyên làm công việc trồng trọt ở các đội chăn nuôi),
2. Người làm nghề cá bao gồm nuôi cá, đánh cá, ương cá,
3. Người làm các ngành nghề khác trong hợp tác xã, như nghề nung gạch, ngói, vôi, nghề thợ rèn, thợ mộc, nghề vận chuyển, nghề thợ may, cắt tóc, v.v…,
4. Người làm nghề rừng bao gồm đội trồng cây gây rừng của hợp tác xã và người làm sơn tràng chuyên nghiệp,
5. Người chuyên làm công tác hành chính, xã hội, như cán bộ chủ chốt của xã ít có điều kiện tham gia sản xuất (bí thư, chủ tịch, ủy viên thường trực Ủy ban hành chính xã), nhân viên y tế, chủ nhiệm hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, nhân viên mẫu giáo, giữ trẻ chuyên nghiệp.
Xác định số người lao động thuộc các ngành nghề kể trên ở trong hợp tác xã là căn cứ vào số đăng ký phân công lao động của hợp tác xã ở 2 thời điểm ngày 01 tháng 4 và ngày 01 tháng 10 trong năm mà tính ra, bằng cách lấy số lao động đăng ký ngày 01 tháng 4 cộng với (+) số lao động đăng ký ngày 01 tháng 10 rồi chia 2.
Như vậy, số lao động trồng trọt tính ở đây cũng là số lao động bình quân của 2 thời điểm trong năm.
Riêng trong năm 1968, do chưa có tài liệu điều tra lao động ngày 01 tháng 4 nên chỉ dùng số lao động của một thời điểm ngày 01 tháng 10 để tính.
Khi tính chỉ tiêu “diện tích gieo trồng bình quân một lao động làm trong năm” ở huyện và tỉnh, thì số lao động trồng trọt là gồm ngoài những người lao động của hợp tác xã và xã kể trên, còn tính cả cán bộ và công nhân ở các trạm máy kéo, máy bơm do cấp huyện, cấp tỉnh quản lý.
II. CÁC ĐIỂM CẦN TÍNH BỔ SUNG KHI KIỂM TRA KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU “MỘT LAO ĐỘNG MỘT HÉCTA”
1. Diện tích gieo trồng bình quân một lao động làm trong năm đạt cao hay thấp chưa phản ánh được đầy đủ hiệu suất lao động của một đơn vị, một địa phương, vì nó còn chịu ảnh hưởng của cơ cấu các loại cây trồng của đơn vị đó, địa phương đó. Vì vậy, khi tính chỉ tiêu “diện tích gieo trồng bình quân một lao động làm trong năm” để đánh giá thành tích phấn đấu thực hiện mục tiêu “1 lao động 1 hécta”, ngoài việc tính theo diện tích gieo trồng thực tế như đã quy định ở trên, các đơn vị và địa phương có diện tích trồng màu, rau và cây công nghiệp chiếm tỷ lệ cao (thí dụ trên 25%) cần tính thêm theo diện tích gieo trồng đã tính đổi ra diện tích gieo trồng tiêu chuẩn để tham khảo.
Cách tính diện tích gieo trồng tiêu chuẩn là đem diện tích gieo trồng thực tế các loại cây kể trên tính đổi ra diện tích gieo trồng cây tiêu chuẩn.
Lấy lúa làm cây trồng tiêu chuẩn. So sánh công đầu tư vào các loại cây trồng khác với công đầu tư vào cây lúa để quy định hệ số tính đổi các loại cây trồng khác ra cây lúa. Căn cứ vào hệ số ấy mà tính đổi diện tích trồng các loại cây khác ra diện tích trồng lúa, tức là diện tích tiêu chuẩn.
Hệ số tính đổi áp dụng cho từng tỉnh do chi cục thống kê lập và trình Ủy ban hành chính tỉnh thông qua.
2. Chỉ tiêu “diện tích gieo trồng bình quân một lao động làm trong năm” là một chỉ tiêu tổng hợp phản ánh hiệu suất lao động trong ngành trồng trọt. Nó phản ánh một cách gián tiếp năng suất lao động trong nông nghiệp. Việc nâng cao hiệu suất lao động chỉ có giá trị thực tế khi nó dẫn tới việc nâng cao năng suất lao động. Do đó, để phát hiện và loại trừ những trường hợp ngược lại và để đánh giá một cách đúng đắn thành tích thi đua phấn đấu đạt mục tiêu “1 lao động 1 hécta” khi tính chỉ tiêu “diện tích gieo trồng bình quân một lao động làm trong năm” như đã quy định ở trên, các địa phương và các đơn vị cần cố gắng tính thêm hai chỉ tiêu chủ yếu về năng suất lao động trong ngành trồng trọt như sau đây:
1. Giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân một lao động làm ra trong năm;
2. Số lượng thời gian lao động bình quân hao phí để sản xuất ra một đơn vị (tạ) sản phẩm (của một số cây trồng chủ yếu như lúa, ngô, khoai lang, lạc, v.v…).
Phương pháp tính hai chỉ tiêu ấy như sau:
a) Tính chỉ tiêu “giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân một lao động làm ra trong năm”.
Cách tính: Lấy tổng giá trị sản phẩm trồng trọt sản xuất ra trong năm chia cho (:) tổng số lao động trồng trọt.
- Tổng giá trị sản phẩm trồng trọt sản suất ra trong năm là bao gồm giá trị của sản phẩm chính, sản phẩm phụ đã thu hoạch và giá trị sản phẩm dở dang sản xuất ra trong năm trên các loại diện tích gieo trồng theo quy định ở trên.
Nhưng để tính toán được giản đơn, và căn cứ vào nguồn số liệu hiện nay các địa phương có thể thu thập được, nay qui ước rằng tính chỉ tiêu trên ở đơn vị hợp tác xã thì giá trị sản phẩm trồng trọt chỉ tính giá trị sản phẩm thực tế có thu hoạch trong năm theo phương án ăn chia của hợp tác xã; tính chỉ tiêu trên ở tỉnh và huyện thì giá trị sản phẩm trồng trọt là giá trị tổng sản lượng ngành trồng trọt của thành phần kinh tế hợp tác xã, theo tài liệu tính giá trị tổng sản lượng nông nghiệp hàng năm.
- Tổng số lao động trồng trọt tính ở chỉ tiêu này thống nhất với tổng số lao động trồng trọt đã tính ở chỉ tiêu trên.
- Để so sánh được năng suất lao động giữa các đơn vị và các địa phương với nhau, khi tính giá trị sản phẩm phải thống nhất tính theo giá thu mua (giá mua nghĩa vụ và giá mua khuyến khích của Nhà nước, và để so sánh được năng suất lao động qua các năm với nhau, phải thống nhất tính theo giá cố định.
b) Tính chỉ tiêu “số lượng thời gian lao động bình quân hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm (tạ)”:
Cách tính: Lấy tổng số thời gian lao động hao phí để sản xuất ra sản phẩm chia cho (:) tổng sản lượng sản phẩm.
- Tổng số thời gian lao động hao phí để sản xuất ra sản phẩm là gồm thời gian lao động trực tiếp và thời gian lao động gián tiếp. Tính thời gian lao động gián tiếp rất phức tạp, nên nay qui ước chỉ tính thời gian lao động trực tiếp làm ra sản phẩm kể từ khi bắt đầu khâu làm đất cho đến khi thu hoạch xong sản phẩm.
Đơn vị thời gian lao động để tính là ngày trời (ngày 8 tiếng). Hiện nay nhiều hợp tác xã chưa hạch toán được ngày trời, mà chỉ mới hạch toán được ngày công. Do đó, cần phải dùng hệ số giữa ngày trời và ngày công để tính đổi ngày công ra ngày trời. Vì vậy, công thức tính sẽ là:
Số lượng thời gian lao động bình quân hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm (tạ) | = | Tổng số ngày công hao phí để sản xuất ra sản phẩm | x | Hệ số giữa ngày trời và ngày công |
Tổng sản lượng sản phẩm |
Tính chỉ tiêu trên cho đơn vị nào thì dùng hệ số giữa ngày trời và ngày công của đơn vị đó. Việc xác định hệ số giữa ngày trời và ngày công của của một đơn vị là dựa trên cơ sở điều tra điển hình về số ngày trời và ngày công làm được trong năm của một số lao động ở trong đơn vị đó mà tính ra, bằng cách lấy số ngày trời chia cho số ngày công.
- Sản lượng sản phẩm: tính theo sản lượng thực tế đã thu hoạch của hợp tác xã. Riêng sản lượng lúa tính theo sản lượng gặt thống kê.
Để bảo đảm cho việc tính toán được chính xác nay quy định thống nhất nguồn số liệu để tính như sau:
- Số liệu về lao động dùng để tính là số liệu điều tra về lao động nông nghiệp thời điểm ngày 01 tháng 4 và ngày 01 tháng 10 trong năm;
- Số liệu về diện tích gieo trồng dùng để tính là số liệu điều tra kết thúc gieo trồng của cả 3 vụ trong năm (vụ đông xuân, vụ thu, vụ mùa) cộng lại;
- Số liệu về giá trị sản phẩm trồng trọt dùng để tính ở đơn vị hợp tác xã là số liệu phương án thu nhập phân phối của hợp tác xã (theo phương án chính thức). Ở tỉnh và huyện thì dùng số liệu giá trị tổng sản lượng nông nghiệp hàng năm theo sự tính toán của ngành thống kê;
- Số liệu về ngày công và ngày trời dùng để tính là số liệu ghi chép ban đầu về ngày công và ngày trời ở đội sản xuất và ở hợp tác xã.
Vì vậy, các ban quản trị hợp tác xã, Ủy ban hành chính các cấp cần quan tâm lãnh đạo chặt chẽ hơn nữa các cuộc điều tra định kỳ về lao động, điều tra kết thúc gieo trồng; và đặc biệt là phải quan tâm đến công tác quyết toán phương án ăn chia của hợp tác xã, công tác ghi chép ban đầu về ngày công, ngày trời ở đội sản xuất và hợp tác xã trong đơn vị mình và địa phương mình, để bảo đảm cho các nguồn số liệu nói trên có được kịp thời và chính xác.
IV. TỔ CHỨC TÍNH TOÁN, KIỂM TRA, XÉT DUYỆT VÀ CÔNG NHẬN
“1 lao động, 5 tấn thóc, 2 con lợn 1 hécta” là ba mục tiêu phấn đấu lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Để đánh giá thành tích phấn đấu thực hiện ba mục tiêu trên một cách chính xác và toàn diện, bắt đầu từ năm 1968 trở đi, hàng năm cứ đến cuối năm, cơ quan thống kê các cấp cần tổ chức tính toán một số chỉ tiêu chủ yếu có liên quan đến ba mục tiêu nói trên.
Đối với mục tiêu “5 tấn thóc 1 hécta”, ngoài việc tính chỉ tiêu “năng suất lúa bình quân một hécta trong năm trên toàn bộ diện tích đất canh tác hai vụ lúa”, phải tính thêm chỉ tiêu “năng suất lương thực (qui thóc) bình quân 1 hécta trong năm trên toàn bộ diện tích đất canh tác có trồng cây lương thực”, theo đúng sự hướng dẫn trong Thông tư số 721-TCTK/NN ngày 07-8-1967 của Tổng cục Thống kê quy định phương pháp tính năng suất lúa và hoa màu lương thực canh tác (hécta) trong một năm.
Đối với mục tiêu “2 con lợn 1 hécta”, đi đôi với việc tính chỉ tiêu “số lượng đầu lợn bình quân trên một đơn vị diện tích (ha) gieo trồng trong năm”, phải tính thêm chỉ tiêu “trọng lượng thịt lợn sản xuất ra trong năm bình quân trên một đơn vị diện tích (ha) gieo trồng”, theo đúng sự hướng dẫn trong Thông tư số 837-TCKT/NN ngày 05-10-1968 của Tổng cục Thống kê quy định phương pháp tính một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển chăn nuôi lợn.
Đối với mục tiêu “1 lao động 1 hécta”, việc tính chỉ tiêu “diện tích gieo trồng bình quân một lao động làm trong năm”, cần cố gắng tính thêm hai chỉ tiêu về năng suất lao động: một chỉ tiêu giá trị (giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân một lao động làm ra trong năm) và một chỉ tiêu hiện vật (thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị (tạ) sản phẩm) theo đúng sự hướng dẫn trong thông tư này, đặc biệt đối với những đơn vị đã đạt mục tiêu “1 lao động, 1 hécta”. Đối với các đơn vị và các địa phương công tác hạch toán và thống kê còn kém thì cố gắng ít nhất cũng tính một trong hai chỉ tiêu về năng suất lao động, hoặc chỉ tiêu giá trị, hoặc chỉ tiêu hiện vật. Đối với chỉ tiêu hiện vật trước hết nên tính chỉ tiêu “thời gian lao động hao phí để sản xuất ra 1 tạ thóc”. Chất lượng công tác tính toán các chi tiêu này lúc đầu thấp, nhưng hàng năm sẽ được nâng dần lên.
Các chi tiêu trên đây, sau khi tính toán và thẩm tra xong, phải được ghi vào cuốn số liệu thống kê niên giám của đơn vị mình, địa phương mình.
Ba mục tiêu “1 lao động, 5 tấn thóc, 2 con lợn 1 hécta” thực tế chỉ là một mục tiêu tổng hợp, tiêu biểu cho một bước phát triển quan trọng của nền nông nghiệp miền Bắc nước ta. Do đó, khi kiểm tra thành tích phấn đấu của một đơn vị, một địa phương là phải kiểm tra toàn diện cả ba mục tiêu. Những đơn vị và địa phương được công nhận đạt và vượt mục tiêu phải là những đơn vị và địa phương đạt và vượt cả ba mục tiêu.
Việc xét duyệt và công nhận các đơn vị và địa phương (hợp tác xã, xã, huyện) đạt và vượt mục tiêu, do Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố đảm nhiệm. Chi cục thống kê tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương và các ngành liên quan nắm vững phương pháp tính toán, tổ chức chỉ đạo các hợp tác xã, xã và huyện thực hiện tốt các chế độ ghi chép ban đầu và các báo cáo điều tra thống kê hàng năm. Đồng thời thông qua các báo cáo thống kê đó, tiến hành tính toán các chỉ tiêu có liên quan đến ba mục tiêu như đã quy định ở trên để phát hiện các đơn vị và địa phương có khả năng đạt và vượt ba mục tiêu, sơ bộ báo cáo với Ủy ban hành chính tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, chi cụ Thống kê cùng các ngành có liên quan như Ủy ban kế hoạch, ty nông nghiệp, ty lương thực, phối hợp lực lượng tiến hành kiểm tra thực tế, xác minh số liệu, lập danh sách những đơn vị đạt và vượt ba mục tiêu trình Ủy ban hành chính tỉnh xét duyệt và công nhận.
Đối với các tỉnh, thành phố có khả năng đạt và vượt ba mục tiêu phấn đấu về sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Thống kê cùng các ngành có liên quan ở trung ương tổ chức lực lượng tiến hành kiểm tra thực tế, xác minh số liệu, trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt và công nhận.
Tổng cục Thống kê yêu cầu Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố sau khi nhận được thông tư này, tổ chức phổ biến cho các ngành có liên quan và các huyện, cho đến các ban quản trị hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Cần làm cho mọi người quán triệt thông tư này cũng như Thông tư số 721-TCTK/NN ngày 07-8-1967 và Thông tư số 837-TCTK ngày 05-10-1968 nói trên, bảo đảm cho việc tính toán các chỉ tiêu để đánh giá thành tích phấn đấu thực hiện ba mục tiêu lớn vế sản xuất nông nghiệp của các đơn vị và các địa phương được tiến hành chặt chẽ, theo quy định thống nhất và đạt mức độ chính xác cao.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.