BAN THI ĐUA TRUNG ƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 835-TĐ | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1973 |
HƯỚNG DẪN BỔ SUNG VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ TẶNG CÁC LOẠI CỜ THI ĐUA
Từ năm 1964 đến nay, việc thực hiện chế độ tặng cờ thi đua ở các ngành và địa phương, theo quy định trong nghị định số 80-CP ngày 13-5-1964 của Hội đồng Chính phủ, đã đưa dần việc tặng cờ thi đua vào nền nếp, và đã gây nên một ý thức thi đua tập thể góp phần thúc đẩy phong trào thi đua tập thể ngày một tiến lên.
Nhưng việc sử dụng tổng hợp các loại cờ thi đua tặng thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước chưa làm được đều đặn. Việc vận dụng tiêu chuẩn, lựa chọn đối tượng để tặng cờ và thủ tục xét duyệt đề nghị tặng cờ còn nhiều nơi làm sai tinh thần nghị định.
Có tình trạng trên đây, một phần do việc chưa thi hành đúng các điều quy định trong nghị định số 80-CP, một phần do các thông tư hướng dẫn kèm theo chưa được đầy đủ.
Trong điều kiện tình hình mới, theo yêu cầu của phong trào thi đua, nhằm giúp cho các ngành, các địa phương nắm vững những nguyên tắc Nhà nước đã quy định, mà có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu động viên khen thưởng kịp thời và đúng quy định của Nhà nước, Ban thi đua trung ương, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, giải thích thêm một số điểm và hướng dẫn thi hành chế độ tặng cờ thi đua trong nghị định số 80-CP như sau.
Một số điểm cần chú ý:
Toàn bộ nghị định số 80-CP không có gì thay đổi, Ban thi đua trung ương chỉ nhắc và nói rõ thêm một số ý về việc khen thưởng các cờ như sau:
Đơn vị được đề nghị tặng cờ luân lưu của Chính phủ phải là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ phối hợp với Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh tiến hành việc lựa chọn. Hồ sơ đề nghị cần làm sớm để Thủ tướng Chính phủ xét xong trong quý I hàng năm.
Đơn vị được xét đề nghị tặng cờ luân lưu của Chính phủ phải là đơn vị có phong trào thi đua tập thể, thực hiện kế hoạch Nhà nước đã đạt được thành tích cao nhất và toàn diện nhất. Cụ thể là các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đều đạt và vượt mức, đúng chính sách, đúng chế độ. Đồng thời là đơn vị có nhiều tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, xứng đáng làm mẫu mực, để các đơn vị khác trong ngành học tập, là đơn vị điển hình của ngành. Đơn vị này được các đơn vị khác trong ngành công nhận là lá cờ đầu của ngành, bằng cách công khai so sánh thành tích ở hội nghị toàn ngành.
Việc trao tặng cờ luân lưu của Chính phủ phải tổ chức cho trọng thể, nhưng tránh hình thức lãng phí.
Cờ luân lưu của Chính phủ cho năm kế hoạch 1971-1973 này được sử dụng đến hết năm 1975 mới kết thúc. Những Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ muốn xin thêm cờ luân lưu của Chính phủ thì cần đề nghị Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-11-1973.
Cờ tổng kết thi đua của Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính khu, tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương thì do Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành quyết định sau khi được sự đồng ý của Ban thi đua trung ương.
Đơn vị được tặng cờ tổng kết thi đua phải đảm bảo có đủ 2 điều kiện:
- Phải là đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Phải là đơn vị có thành tích sản xuất, công tác xuất sắc nhất trong phong trào thi đua hàng năm.
Cờ tổng kết thi đua được quy định cụ thể bằng văn bản của Chính phủ, nên chỉ có giá trị khi nào có quyết định của cấp có thẩm quyền và làm đúng thủ tục đã quy định.
Đơn vị được tặng cờ là đơn vị trực thuộc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh độc lập về sản xuất, kinh doanh hoặc công tác, có thành tích sản xuất hoặc công tác xuất sắc nhất trong phong trào thi đua hàng năm.
Đơn vị trực thuộc một cấp là do cấp đó trực tiếp chỉ đạo không qua một cấp trung gian. Đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ là: Tổng cục, Cục, Viện, Tổng công ty, Công ty trực thuộc, Sở, Ty, đơn vị kinh doanh cấp I, liên hiệp các xí nghiệp, các xí nghiệp, công trường, lâm trường, nông trường, bệnh viện, trường học... do Bộ, cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý của các đơn vị này, không gọi là đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Đơn vị trực thuộc Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là những Sở, Ty (và tổ chức tương đương) thành phố thuộc tỉnh, huyện, thị xã và các đơn vị sản xuất, kinh doanh, công tác khác do Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành trực tiếp chỉ đạo, quản lý. Các Sở, Ty là những đơn vị thuộc song trùng lãnh đạo, nếu được coi là đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đồng thời là đơn vị trực thuộc Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các đội sản xuất trong hợp tác xã, các phân xưởng trong xí nghiệp, các phân đội trong công trường v.v... không phải là đơn vị hoàn chỉnh, không phải là đơn vị trực thuộc Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Riêng đối với khu vực Vĩnh – linh, thì các đơn vị trực thuộc, là các Ty, các xã, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và công tác khác do Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh – linh trực tiếp chỉ đạo quản lý.
Số lượng cờ tổng kết thi đua hàng năm cần công bố từ đầu năm kế hoạch, để các đơn vị trực thuộc có mục tiêu phấn đấu ngay từ đầu kế hoạch. Để tiện cho việc xét duyệt cuối năm, trước khi công bố số lượng cờ và tiêu chuẩn thi đua của ngành mình, địa phương mình, thì nên tranh thủ ý kiến của Ban thi đua trung ương.
Trước khi quyết định tặng cờ cho đơn vị nào, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cần thống nhất ý kiến với Ban thi đua trung ương, như đối với việc công nhận các tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa.
Theo tinh thần điều 5 của nghị định số 80-CP và tình hình tổ chức bộ máy hiện nay, thì mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, mỗi Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hàng năm, chỉ nên sử dụng từ một đến 5 cờ tổng kết thi đua để tặng các đơn vị trực thuộc, có thành tích xuất sắc nhất trong phong trào thi đua của ngành, của địa phương.
Đối với các ngành ở trung ương, mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ chỉ nên sử dụng từ 1 đến 5 cờ tổng kết thi đua của ngành để tặng cho các đơn vị trực thuộc, có thành tích sản xuất hoặc công tác xuất sắc nhất trong phong trào thi đua của ngành, như sau:
- Một cờ cho đơn vị dẫn đầu những đơn vị hành chính sự nghiệp làm nhiệm vụ giúp Bộ nghiên cứu chính sách, thể lệ chế độ và chỉ đạo quản lý sản xuất, kinh doanh (như các Cục, Vụ, Viện, Ban, Tổng cục thuộc Bộ, Tổng công ty thuộc Bộ, v.v...)
- Hai cờ cho 2 đơn vị dẫn đầu những đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ trực tiếp sản xuất, kinh doanh (như xí nghiệp thuộc Bộ, công trường của Bộ, cửa hàng thuộc Bộ, bệnh viện, trường học thuộc Bộ, v.v...). Tùy đặc điểm tình hình tổ chức của từng ngành mà chia thành 2 khối hoặc hai đơn vị trực thuộc (theo nhóm ngành nghề, theo quy mô lớn nhỏ, kỹ thuật khác nhau v.v...) để lựa chọn đơn vị điển hình dẫn đầu mỗi khối hoặc loại đơn vị. Nếu thấy thật cần thiết, xin thêm cờ để tặng cho đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh thì bàn với Ban thi đua trung ương để đề nghị với Chính phủ;
- Một cờ cho đơn vị Sở, Ty dẫn đầu những Sở, Ty (và đơn vị tương đương) các tỉnh miền núi (kể cả các tỉnh miền núi thuộc trung ương và 2 khu Việt-bắc và Tây-bắc)
- Một cờ cho đơn vị dẫn đầu những Sở, Ty (và đơn vị tương đương) các tỉnh đồng bằng, trung du (kể cả các tỉnh thuộc khu 4 cũ) và các thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với các địa phương, mỗi Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ nên sử dụng từ một đến 5 cờ tổng kết thi đua của địa phương để tặng cho các đơn vị trực thuộc có thành tích xuất sắc nhất trong phong trào thi đua của địa phương, như sau:
- 1 cờ cho đơn vị Sở, ty dẫn đầu các Sở, Ty (và đơn vị tương đương) làm nhiệm vụ chức năng quản lý Nhà nước và hành chính sự nghiệp giúp Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố, như: Ty lao động, Ty hành chính, Chi nhánh ngân hàng, Ty giáo dục, Ty y tế, Ty văn hóa, Ty thương binh xã hội, Chi cục thống kê, Ủy ban kế hoạch, v.v...
- 1 cờ cho đơn vị Sở, Ty dẫn đầu các Sở, Ty (và đơn vị tương đương) làm nhiệm vụ chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh như các Sở, Ty công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, Ủy ban nông nghiệp, lâm nghiệp, điện lực, vật tư, thương nghiệp, ngoại thương, thủy lợi, thủy sản, bưu điện, v.v...;
- 3 cờ cho đơn vị huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dẫn đầu các huyện, thị trong các vùng đất đai hoặc canh tác khác nhau trong tỉnh, thành phố.
Đối với các tỉnh miền núi, có thể sử dụng:
- 1 cờ cho đơn vị dẫn đầu các huyện vùng cao;
- 1 cờ cho đơn vị dẫn đầu các huyện vùng giữa;
- 1 cờ cho đơn vị dẫn đầu các huyện vùng thấp.
Đối với các tỉnh trung du, đồng bằng và thành phố trực thuộc trung ương, thì tùy đặc điểm tình hình của địa phương và vùng đất đai, vùng sản xuất, mà Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đặt các huyện, thị theo vùng thích hợp để lựa chọn đơn vị điển hình dẫn đầu vùng, và tặng cờ tổng kết thi đua cho hợp lý. Đối với thành phố trực thuộc trung ương, có thể dùng một cờ cho một khu phố khá nhất và một cờ cho một huyện khá nhất.
Tùy theo tình hình cụ thể, mỗi ngành, mỗi địa phương đặt khối đơn vị trực thuộc cùng loại thi đua giành cờ tổng kết, và đặt tiêu chuẩn tặng cờ tổng kết thi đua cho thích hợp với khối đơn vị trực thuộc đó, theo hướng dẫn trên. Nơi nào thấy có vướng mắc về tiêu chuẩn và số lượng cờ, thì xin ý kiến thêm Ban thi đua trung ương.
Cuối năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh kết hợp với việc tổng kết công tác thực hiện kế hoạch Nhà nước, tiến hành tổng kết thi đua và lựa chọn các đơn vị trực thuộc đủ tiêu chuẩn để tặng cờ. Đơn vị được chọn để tặng cờ phải là đơn vị có thành tích toàn diện và đảm bảo tiêu chuẩn của ngành, của địa phương đề ra đầu năm.
Về tiền thưởng kèm theo cờ, cần chấp hành đúng thông tư số 18-TC/VP ngày 19-9-1964 của Bộ Tài chính. Đặc biệt cần nắm vững đoạn I của thông tư nói về nguồn kinh phí để khen thưởng thi đua, và chú ý là việc dự trù kinh phí khen thưởng về cờ luân lưu, cờ danh hiệu tổ, đội và tiền thưởng kèm theo cờ đã giao lại các ngành và địa phương chịu trách nhiệm thay cho Ban thi đua trung ương.
Cờ danh hiệu thi đua:
Cờ danh hiệu tặng cho tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, vẫn sử dụng như lâu nay, đúng theo quy định ở điều 3, nghị định số 80-CP ngày 13-5-1964 của Hội đồng Chính phủ, không có gì thay đổi.
Cờ danh hiệu anh hùng tặng cho các đơn vị được tuyên dương anh hùng sẽ do các ngành chịu trách nhiệm may thêu cho đơn vị anh hùng trong ngành, mỗi khi được tuyên dương, theo đúng kích thước quy định trong thông tư số 34-TTg ngày 11-3-1970 của Thủ tướng Chính phủ (xem Công báo số 6, ngày 15-4-1970)
Cờ đuôi nheo:
Trong điều kiện quy định việc tặng cờ tổng kết thi đua của các ngành, các địa phương như hướng dẫn trên đây, các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh (như các Tổng công ty, Cục, Viện, Sở, Ty, huyện, thị...) cần sử dụng tốt loại cờ này để động viên khen thưởng thi đua trong các đơn vị tổ chức cơ sở có thành tích thi đua toàn diện hoặc từng mặt công tác.
Trên đây là một số điểm hướng dẫn về việc sử dụng, xét duyệt, trao tặng các loại cờ thi đua từ nay về sau. Những điều hướng dẫn của Ban trước đây, trái với hướng dẫn này đều bãi bỏ.
| TM. BAN THI ĐUA TRUNG ƯƠNG KT. TRƯỞNG BAN ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC
Hồng Kỳ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.