BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 80/2010/TT-BQP | Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2010 |
QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ QUÂN ĐỘI VÀ BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CÁC BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,
THÔNG TƯ:
Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị quân đội; Ban chỉ huy quân sự các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương) thực hiện Luật dân quân tự vệ.
1. Các cơ quan, đơn vị quân đội.
2. Lãnh đạo, Ban chỉ huy quân sự các bộ, ngành Trung ương.
3. Ủy ban nhân dân các cấp.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn Bộ Tổng Tham mưu
Tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng về đường lối, chủ trương, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dân quân tự vệ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch, các dự án, đề án, biện pháp xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở các bộ, ngành và các địa phương theo quy định của Luật dân quân tự vệ;
Chủ trì chỉ đạo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đào tạo các bộ Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã và chỉ huy các đơn vị dân quân tự vệ; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, giáo dục chính trị - pháp luật và huấn luyện; chỉ đạo hội thi, hội thao, kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện của lực lượng dân quân tự vệ. Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế, thành lập các đơn vị dân quân tự vệ theo quy định của Luật dân quân tự vệ; chỉ đạo, hướng dẫn công tác tham mưu tác chiến và thực hiện chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ; hướng dẫn, kiểm tra xây dựng, hoạt động và quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị của lực lượng dân quân tự vệ;
Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo nhiệm vụ hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; nắm chắc tình hình liên quan, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và hoạt động theo các nhiệm vụ quy định tại Điều 8 Luật dân quân tự vệ.
Chỉ đạo các cục chức năng thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Cục Dân quân tự vệ
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tổ chức quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật dân quân tự vệ và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân quân tự vệ trên phạm vi toàn quốc, cụ thể như sau:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài quân đội tham mưu cho Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Quân sự Trung ương đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tổ chức xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài quân đội nghiên cứu giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy quân sự trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng các chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ;
c) Chủ trì tham mưu giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các kế hoạch về tổ chức, quy mô tổ chức biên chế, trang bị vũ khí; đề xuất nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ theo chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về dân quân tự vệ; theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ;
d) Chủ trì đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể, tổ chức lại Ban chỉ huy quân sự và bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; phối hợp với Cục Quân lực đề xuất với Tổng Tham mưu trưởng quyết định thành lập, giải thể, tổ chức lại các đại đội pháo phòng không, đại đội pháo binh dân quân tự vệ;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài quân đội giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân các chủ trương, chính sách pháp luật về dân quân tự vệ;
e) Chủ trì, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện việc mở rộng lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng;
g) Chủ trì, tham mưu với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng xác định mục tiêu, chương trình, nội dung đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo phân cấp cho cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, sĩ quan quân đội biệt phái, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ các cấp; tham gia hội đồng tuyển sinh của Bộ Quốc phòng về đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; là cơ quan thường trực ban chỉ đạo đào tạo cán bộ quân sự cấp xã của Bộ Quốc phòng; phối hợp triển khai đào tạo, nắm kết quả đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo;
h) Chủ trì, phối hợp với Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị, Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện giáo dục chính trị - pháp luật, huấn luyện quân sự và diễn tập hội thi, hội thao cho lực lượng dân quân tự vệ ở các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Luật dân quân tự vệ; chỉ đạo, tổ chức hội thao quốc phòng, diễu binh ở cấp quân khu và do Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tổ chức;
i) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất kiểu dáng, chất liệu và hướng dẫn quản lý, sử dụng trang phục, sao mũ, phù hiệu cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ; nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến đồ dùng, mô hình, học cụ mẫu, sản xuất vật chất bảo đảm cho huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ;
k) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu về phương thức, nhiệm vụ hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong thời bình và thời chiến; quy định nội dung, trình tự lập, thông qua và phê chuẩn kế hoạch hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; nắm chắc tình hình, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, chỉ huy, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu, phục vụ chiến đấu; tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, bảo vệ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm công tác vận động nhân dân ở cơ sở;
l) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ diễn tập chiến đấu – trị an, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ ở địa phương. Phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Cứu hộ - Cứu nạn thuộc Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chỉ đạo việc sử dụng lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong thời bình, thời chiến; chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh về quốc phòng – an ninh, tham gia xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc;
m) Giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tổ chức giao ban, kiểm tra, thông báo, báo cáo kết quả việc thực hiện Luật dân quân tự vệ ở các bộ, ngành và các địa phương; tổ chức sơ kết, tổng kết công tác dân quân tự vệ hằng năm và từng thời kỳ;
n) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự chuyên ngành, tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương và lịch sử Ngành dân quân tự vệ. Biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu huấn luyện dân quân tự vệ; tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã và cán bộ chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ các cấp;
o) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong và ngoài quân đội lập dự toán và mức chi cho công tác dân quân tự vệ, chấp hành quy định lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước của Ngành. Phối hợp với Cục Quân lực, Cục Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn thực hiện các quy định về trang bị, sản xuất, mua sắm vũ khí, phương tiện của lực lượng dân quân tự vệ trong thời bình, trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng;
p) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quản lý, sử dụng giấy chứng nhận của dân quân tự vệ; quy định áp dụng các hình thức kỷ luật, thời hạn, trình tự và thẩm quyền kỷ luật đơn vị cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ; hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong lực lượng dân quân tự vệ; phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ Công an hướng dẫn mẫu dấu, khắc dấu, kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
2. Cục Quân lực
a) Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ chỉ đạo kiện toàn tổ chức, biên chế cán bộ cơ quan dân quân tự vệ các cấp; phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất tổ chức, biên chế lực lượng dân quân tự vệ và hướng dẫn các quân khu, địa phương về trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân tự vệ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu; theo dõi chỉ đạo việc đăng ký, quản lý, giữ gìn bảo quản và sử dụng vũ khí, trang bị của dân quân tự vệ trên toàn quốc;
b) Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất với Tổng Tham mưu trưởng quyết định thành lập các đại đội pháo phòng không, đại đội pháo binh dân quân tự vệ;
c) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt để chuyển thành quân nhân dự bị hạng một báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định;
d) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng về việc mở rộng lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng.
3. Cục Quân huấn
a) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng về chương trình, nội dung, thời gian bồi dưỡng, tập huấn cán bộ; giáo dục chính trị - pháp luật, huấn luyện quân sự, hội thi, hội thao cho dân quân tự vệ;
b) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ nghiên cứu xây dựng chương trình, nội dung huấn luyện bổ sung cho dân quân tự vệ khi mở rộng lực lượng trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và trạng thái quốc phòng; chỉ đạo cơ quan quân huấn cấp dưới phối hợp với cơ quan dân quân tự vệ cùng cấp huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ;
c) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ và Cục Quân lực xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt để chuyển thành quân nhân dự bị hạng một; phối hợp với Cục Dân quân tự vệ biên soạn giáo trình, tài liệu huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ.
4. Cục Tác chiến
a) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất nội dung hoạt động của dân quân tự vệ trong làng, xã chiến đấu; tham gia chỉ đạo hoạt động của dân quân tự vệ đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và các hoạt động khác theo quy định của Luật dân quân tự vệ;
b) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ hướng dẫn, nghiên cứu, phương pháp hoạt động của dân quân tự vệ trong thời bình và thời chiến; tham gia nghiên cứu mở rộng lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng;
c) Phối hợp chỉ đạo sơ kết, tổng kết hoạt động, diễn tập chiến đấu – trị an, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, công tác tham mưu tác chiến của lực lượng dân quân tự vệ.
5. Cục Nhà trường
a) Chủ trì, phối hợp Cục Dân quân tự vệ chỉ đạo các học viện, nhà trường quân đội xây dựng chương trình, nội dung tổ chức dạy và học về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, công tác dân quân tự vệ; phối hợp với Cục Dân quân tự vệ biên soạn hệ thống tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
b) Phối hợp Cục Dân quân tự vệ giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các nhà trường trong quân đội đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở và cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở.
6. Cục Cứu hộ - Cứu nạn
a) Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và huấn luyện, diễn tập, hội thao cho lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự;
b) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ và các cơ quan liên quan giúp cơ quan thường trực phòng thủ dân sự của Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ huy động các loại phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai các biện pháp khẩn cấp xử lý, khắc phục hậu quả, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự;
c) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, sơ kết tổng kết về hoạt động phòng thủ dân sự của lực lượng dân quân tự vệ. Biên soạn tài liệu, huấn luyện về phòng thủ dân sự cho lực lượng dân quân tự vệ.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn Tổng cục Chính trị
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu đề xuất với Đảng ủy quân sự Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng dân quân tự vệ trong xây dựng, huấn luyện và hoạt động; chỉ đạo cơ quan chính trị các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các quân chủng, binh chủng, binh đoàn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, các học viện, nhà trường trong quân đội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về dân quân tự vệ; ban hành nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn giáo dục chính trị - pháp luật cho lực lượng dân quân tự vệ; phát hiện, xây dựng gương điển hình tiên tiến để phổ biến và chỉ đạo nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Kiểm tra đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng của lực lượng dân quân tự vệ.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Cục Tổ chức
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Quân sự Trung ương đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ theo quy định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng; xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị dân quân tự vệ, phát triển Đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ và xây dựng chi bộ quân sự cấp xã;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong Tổng cục Chính trị chỉ đạo tiến hành công tác Đảng, công tác Chính trị trong tổ chức, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; đồng thời sơ kết, tổng kết về công tác xây dựng Đảng trong lực lượng dân quân tự vệ. Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ chỉ đạo hướng dẫn cấp xã diễn tập chiến đấu – trị an vận hành cơ chế theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang ở cơ sở.
2. Cục Tuyên huấn
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan giúp Thủ trưởng Tổng cục chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về dân quân tự vệ. Xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu giáo dục chính trị - pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ; chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện công tác giáo dục chính trị - pháp luật dân quân tự vệ và hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với lực lượng dân quân tự vệ;
b) Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành và toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng của Đảng;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác tư tưởng, công tác giáo dục chính trị, pháp luật, công tác thi đua khen thưởng đối với lực lượng dân quân tự vệ, công tác giáo dục khoa học xã hội và nhân văn trong đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
3. Cục Dân vận
Chủ trì, phối hợp Cục Dân quân tự vệ, tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tiến hành sơ, tổng kết công tác vận động nhân dân của lực lượng dân quân tự vệ.
4. Cục Cán bộ
Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng trong tuyển chọn, đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở, cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở; hướng dẫn việc phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị cho học viên sau khi đã tốt nghiệp.
5. Cục Chính sách
Phối hợp Cục Dân quân tự vệ tham mưu cho Bộ Quốc phòng hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ theo quy định của Luật dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật dân quân tự vệ.
6. Cục Bảo vệ An ninh quân đội
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan bảo vệ các đơn vị, cán bộ chuyên trách quân sự tham mưu cho cơ quan quân sự các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức về công tác bảo vệ chính trị nội bộ của cơ quan, đơn vị mình, chấp hành nghiêm túc các quy định bảo vệ bí mật quốc gia, đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái chống Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao chất lượng chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ.
7. Các cơ quan thông tấn, báo chí trong quân đội
Thực hiện thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về dân quân tự vệ, truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ; phát hiện nêu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm trong tổ chức, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; phê phán những nhận thức, hành động vi phạm pháp luật trong tổ chức, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.
a) Báo Quân đội nhân dân: Thực hiện tuyên truyền Luật dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thực hiện sâu rộng trong lực lượng vũ trang và toàn dân. Mở chuyên mục, diễn đàn trao đổi làm rõ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong Luật dân quân tự vệ; các kinh nghiệm về xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; trao đổi, phản ánh những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện;
b) Tạp chí Quốc phòng toàn dân: Tập trung tuyên truyền đăng tải các bài viết trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, huấn luyện và hoạt động của dân quân tự vệ ở bộ, ngành và các địa phương.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Hậu cần
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quyền phối hợp với Cục Dân quân tự vệ nghiên cứu đề xuất các chế độ chính sách bảo đảm sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ khi ốm đau, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ.
2. Tham gia với Cục Dân quân tự vệ biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên ngành hậu cần dân quân tự vệ; chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động các đơn vị tự vệ ở các doanh nghiệp thuộc quyền.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ.
2. Phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu cải tiến, sản xuất vũ khí tự tạo, mô hình học cụ cho huấn luyện, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ.
3. Chỉ đạo tổ chức xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp quốc phòng thuộc Tổng cục.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn Tổng cục II
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Tổng cục phối hợp với Cục Dân quân tự vệ hướng dẫn thực hiện việc tổ chức, huấn luyện, hoạt động và công tác bảo đảm cho lực lượng dân quân tự vệ trinh sát.
2. Thường xuyên trao đổi thông tin với Cục Dân quân tự vệ về tình hình an ninh trật tự ở cơ sở trong phạm vi cho phép.
3. Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho dân quân tự vệ trinh sát.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng
1. Cục Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ tham mưu cho Bộ Quốc phòng về các chương trình, kế hoạch xây dựng, huấn luyện, hoạt động, công tác bảo đảm cho dân quân tự vệ; hướng dẫn xây dựng các dự án liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển lực lượng dân quân tự vệ. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội quy định, hướng dẫn trang bị, sản xuất vũ khí của lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng.
2. Cục Tài chính
a) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu đề xuất việc bảo đảm ngân sách cho công tác tổ chức, huấn luyện, hoạt động và thực hiện chế độ, chính sách của lực lượng dân quân tự vệ; chỉ đạo cơ quan tài chính cấp dưới, tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy, ủy ban nhân dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ theo Luật dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật dân quân tự vệ;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan tài chính các quân khu, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách bảo đảm công tác quốc phòng, quân sự địa phương và công tác dân quân tự vệ.
3. Cục Khoa học - Công nghệ và Môi trường
Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ tham mưu cho Bộ Quốc phòng về công tác khoa học công nghệ và môi trường của dân quân tự vệ; nghiên cứu, quản lý các đề tài khoa học phát triển, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.
4. Cục Kinh tế
Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ ở các đoàn kinh tế - quốc phòng; chỉ đạo các đoàn kinh tế - quốc phòng phối hợp với cơ quan quân sự địa phương xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.
5. Cục Đối ngoại
Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ thực hiện đối ngoại quân sự và hợp tác quốc tế về dân quân tự vệ; tổ chức tuyên truyền phổ biến về dân quân tự vệ cho cá nhân, tổ chức nước ngoài trong phạm vi cho phép; nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân quân tự vệ ở một số nước trên thế giới.
6. Thanh tra Bộ Quốc phòng
a) Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ và các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội giúp Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra việc thực hiện Luật dân quân tự vệ ở các bộ, ngành, địa phương; tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra và đề xuất với cấp có thẩm quyền các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với tổ chức thanh tra cấp dưới phối hợp với các cơ quan liên quan giúp người chỉ huy tiến hành thanh tra việc thực hiện Luật dân quân tự vệ của các địa phương, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn các tập đoàn, công ty kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tổ chức xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ ở tập đoàn, công ty; phối hợp với cơ quan quân sự địa phương nơi đặt trụ sở xây dựng tự vệ và xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện;
Chỉ đạo thực hiện việc bảo đảm ngân sách và các chế độ, chính sách đối với lực lượng tự vệ trong các cơ quan, đơn vị thuộc quyền.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn Bộ Tư lệnh các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
1. Giúp Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; tổ chức giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện công tác dân quân tự vệ của các địa phương trên địa bàn quân khu theo quy định của Luật dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật dân quân tự vệ; giúp Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về dân quân tự vệ trên địa bàn quân khu, Thủ đô Hà Nội.
2. Hằng năm và từng thời kỳ ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác dân quân tự vệ; chỉ đạo việc rà soát củng cố tổ chức, biên chế, trang bị; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thời bình và thời chiến; chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn quân khu, Thủ đô Hà Nội.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy quân sự, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất với Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân ban hành các chủ trương, nghị quyết, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về dân quân tự vệ; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các đề án đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã, tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và xây dựng mô hình điểm lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh.
4. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền của quân khu, phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương trong xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ nơi đơn vị đóng quân.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với các ban, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất với Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Luật dân quân tự vệ; giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dân quân tự vệ; chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng, huấn luyện và hoạt động của dân quân tự vệ; trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 8 Luật dân quân tự vệ.
2. Chủ trì phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động Thương binh & Xã hội và các ban, ngành đoàn thể liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện các đề án đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã, tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động, xây dựng mô hình điểm dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh. Đối với các tỉnh có biển, tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong tổ chức huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự, tàu thuyền dân quân tự vệ tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống.
3. Phối hợp với các ban của Đảng và cơ quan liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Dân quân tự vệ, xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị dân quân tự vệ, phát triển Đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ và xây dựng chi bộ quân sự cấp xã.
4. Quyết định thành lập, giải thể, tổ chức lại Ban chỉ huy quân sự và bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, đại đội dân quân tự vệ, các trung đội dân quân tự vệ: phòng không, pháo binh, dân quân tự vệ biển và phân đội dân quân thường trực.
5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan của tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật dân quân tự vệ đối với các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn Quân chủng Phòng không - Không quân
1. Chỉ đạo Cục Phòng không Lục quân và các cơ quan liên quan thuộc quyền chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác phòng không nhân dân, tăng cường thế trận phòng không ba thứ quân trong khu vực phòng thủ.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo các quân khu, địa phương xác định nhiệm vụ, khả năng, cách đánh của lực lượng phòng không dân quân tự vệ, xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu phòng chống có hiệu quả các hành động đột nhập, tiến công bằng các phương tiện đường không của dịch; chỉ đạo xây dựng, huấn luyện, hoạt động lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp quốc phòng và các đơn vị thuộc quyền.
3. Tham gia xây dựng chương trình, nội dung, biên soạn, bổ sung, chỉnh lý các tài liệu huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ phòng không.
Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn Quân chủng Hải quân
1. Trực tiếp chỉ đạo công tác tổ chức xây dựng, huấn luyện và hoạt động đối với các đơn vị tự vệ biển thuộc doanh nghiệp Nhà nước và lực lượng tự vệ thuộc các doanh nghiệp do Quân chủng quản lý.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan của các quân khu, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh ven biển tham gia xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển; phối hợp với các địa phương, các lực lượng xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân tuyến ven biển, đảo và tiếp nhận, chỉ huy nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự, tàu thuyền dân quân tự vệ biển tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống.
3. Tham gia xây dựng chương trình, nội dung, biên soạn, bổ sung, chỉnh lý các tài liệu huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển.
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền chủ trì, phối hợp, hướng dẫn dân quân tự vệ tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, biển, đảo.
2. Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở vùng biên giới, ven biển, đảo về tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động cho lực lượng dân quân tự vệ những nội dung liên quan đến công tác biên phòng; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp dân quân tự vệ, góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện ở khu vực biên giới, ven biển, đảo. Chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh có biển phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong nhiệm vụ huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự, tàu thuyền dân quân tự vệ tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống.
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn Cảnh sát biển Việt Nam
Phối hợp chặt chẽ với Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện ở những địa phương có biển chỉ đạo lực lượng cảnh sát biển phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ biển của các địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ như: Tổ chức tuần tra, phát hiện, nắm và thông báo, báo cáo tình hình, tham gia bảo vệ giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam; đấu tranh với các tàu, thuyền, phương tiện của nước ngoài xâm phạm trái phép chủ quyền biển nước ta; thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống ô nhiễm môi trường biển, đảo và các nhiệm vụ khi thực thi pháp luật trên biển.
Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn các binh chủng: Pháo binh, Công binh, Đặc công, Thông tin, Hóa học
Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ chỉ đạo các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong binh chủng phối hợp với các cơ quan của quân khu, tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện về xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ Pháo binh, Công binh, Trinh sát, Thông tin, Hóa học; tham gia biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ; chỉ đạo thực hiện việc xây dựng tự vệ trong các doanh nghiệp quốc phòng và các cơ quan, đơn vị thuộc quyền.
Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn các quân đoàn, binh đoàn
Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương nơi đóng quân tham gia chỉ đạo tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và thực hiện chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ ở các địa phương; trực tiếp tổ chức xây dựng, huấn luyện tự vệ các doanh nghiệp thuộc quyền; phối hợp với dân quân tự vệ địa phương trong hoạt động chiến đấu bảo vệ an ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện và xây dựng khu vực phòng thủ ở các địa phương nơi đóng quân.
Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn các học viện, nhà trường quân đội
Nghiên cứu, tham gia biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo cán bộ quân sự cấp xã, huấn luyện dân quân tự vệ; trực tiếp đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã có trình độ cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở khi được Bộ giao; tổ chức thực hiện việc giảng dạy những nội dung về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, Luật dân quân tự vệ và các nội dung có liên quan đến công tác dân quân tự vệ.
Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ huy quân sự các bộ, ngành Trung ương
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp lãnh đạo bộ, ngành tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân quân tự vệ; ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và kế hoạch thực hiện công tác tự vệ; thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân quân tự vệ theo chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực bộ, ngành quản lý.
2. Tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, cấp Ủy đảng, người đứng đầu bộ, ngành chỉ đạo và hướng dẫn xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ; tổ chức giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết về chỉ đạo thực hiện công tác tự vệ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực, ngành quản lý theo quy định của Luật dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
3. Phối hợp với các cơ quan quân sự địa phương liên quan đề xuất với Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, cấp Ủy đảng, người đứng đầu bộ, ngành về chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng lực lượng tự vệ hàng năm và từng thời kỳ; hướng dẫn thực hiện việc mở rộng lực lượng tự vệ được quy định trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng.
4. Tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, cấp ủy Đảng, người đứng đầu bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành viên phối hợp với cơ quan quân sự địa phương lập kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, huấn luyện tự vệ, hội thi, hội thao, luyện tập, diễn tập; phối hợp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
5. Tham mưu cho lãnh đạo bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành viên phối hợp với cơ quan quân sự địa phương đăng ký, quản lý hướng dẫn sử dụng vũ khí, trang bị, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với lực lượng tự vệ thuộc bộ, ngành.
6. Đối với các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực và hoạt động trên biển, đảo; Ban chỉ huy quân sự có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự, tàu thuyền dân quân tự vệ tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống.
7. Giúp lãnh đạo bộ, ngành chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách và công tác thi đua khen thưởng trong lực lượng tự vệ.
Điều 20. Các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong quân đội chưa quy định nhiệm vụ trong Thông tư này căn cứ Luật dân quân tự vệ và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị mình, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Luật dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật dân quân tự vệ; tổ chức xây dựng, huấn luyện và hoạt động lực lượng tự vệ của cơ quan, đơn vị mình.
Điều 21. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày đăng công báo. Bãi bỏ Quyết định số 169/2004/QĐ-BQP ngày 15/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ.
Điều 22. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm các tổng cục, Tư lệnh các quân khu, quân chủng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ đội Biên phòng, các cơ quan đơn vị khác thuộc Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.