BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2009/TT-BCA | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2009 |
QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08-9-1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15-9-2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,
Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình của Công an nhân dân như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình của Công an nhân dân (sau đây viết gọn là đầu tư xây dựng), bao gồm: xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, cấp phát vốn, thanh quyết toán trong đầu tư xây dựng công trình.
2. Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đầu tư xây dựng.
Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác quản lý đầu tư xây dựng
Bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Công an các đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi vi phạm quy định về quản lý đầu tư xây dựng, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phiền hà, tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng; xây dựng đơn vị và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng ở Công an các cấp trong sạch, vững mạnh.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác quản lý đầu tư xây dựng
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Bộ Công an về quản lý đầu tư xây dựng. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng dân chủ trong công tác quản lý đầu tư xây dựng nhằm vụ lợi, cản trở, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm các quy định về lĩnh vực này.
2. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, đề cao trách nhiệm quản lý, điều hành của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương và trách nhiệm thực hiện dân chủ của Công an đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; thực hiện công khai minh bạch trong công tác quản lý đầu tư xây dựng (trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước và theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an).
Điều 4. Thực hiện dân chủ trong xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng
1. Kế hoạch đầu tư xây dựng của Công an các đơn vị, địa phương (bao gồm các kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm) phải do đơn vị chuyên môn lập, được Đảng ủy và lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương thống nhất, báo cáo Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật để tập hợp, xây dựng kế hoạch chung của Bộ.
2. Đảng ủy Công an Trung ương và tập thể lãnh đạo Bộ Công an xem xét, phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng và danh mục các công trình xây dựng của Công an các đơn vị, địa phương do Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật trình.
3. Trong quá trình xây dựng, phê duyệt kế hoạch và danh mục các công trình đầu tư xây dựng phải ưu tiên cho các đơn vị mới chia tách, mới thành lập, công trình chiến đấu, vùng sâu, vùng xa và các công trình trọng điểm theo quy định của Nhà nước và của Bộ Công an.
4. Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, phải thông báo công khai kế hoạch đầu tư xây dựng của đơn vị, địa phương mình cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền biết.
Điều 5. Thực hiện dân chủ trong công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình
1. Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình bao gồm các công việc: làm thủ tục xin cấp đất, đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có), đo vẽ chi tiết hiện trạng, xác định chỉ giới xây dựng công trình, khảo sát địa chất, lập dự án đầu tư xây dựng công trình (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình), thẩm định, trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình) và các công việc liên quan khác.
2. Thực hiện dân chủ trong công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng phải bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt, chấp hành các quy định của Nhà nước, của Bộ Công an về đầu tư xây dựng và các quy định sau đây:
a) Đối với các công việc làm thủ tục xin cấp đất, đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có) phải bàn bạc công khai, dân chủ, thống nhất, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan theo quy định của pháp luật;
b) Đối với các công việc đo vẽ chi tiết hiện trạng, xác định chỉ giới xây dựng công trình, khảo sát địa chất, lập dự án đầu tư xây dựng công trình: căn cứ vào khả năng chuyên môn, đơn vị chủ đầu tư xây dựng phải thực hiện từng công đoạn hoặc thuê đơn vị tư vấn để thực hiện; lãnh đạo đơn vị quản lý đầu tư xây dựng phải bàn bạc thống nhất, công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn có uy tín và có năng lực hành nghề phù hợp với quy định của pháp luật;
c) Đối với các công việc thẩm định, trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, tuân thủ quy trình thẩm định của Bộ Công an; quá trình thực hiện, cơ quan thẩm định của Bộ (Cục Quản lý xây dựng cơ bản và Doanh trại) cần trao đổi dân chủ với Công an các đơn vị, địa phương (chủ đầu tư), đảm bảo dự án được phê duyệt phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế kiến trúc, thiết kế kỹ thuật, phù hợp với chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành.
Điều 6. Thực hiện dân chủ trong công tác thực hiện đầu tư xây dựng công trình
1. Công tác thực hiện đầu tư xây dựng công trình do chủ đầu tư thực hiện, bao gồm các công việc: lập thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán xây dựng công trình; phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán xây dựng công trình; tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công công trình; quản lý quá trình thi công xây dựng công trình và các công việc khác có liên quan.
2. Thực hiện dân chủ trong công tác thực hiện đầu tư xây dựng công trình phải bảo đảm đúng kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt, chấp hành các quy định của Nhà nước, của Bộ Công an về đầu tư xây dựng và các quy định sau đây:
a) Thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán xây dựng công trình, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán xây dựng công trình phải được thực hiện theo đúng kế hoạch đầu tư, phù hợp với dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức vật tư do Bộ Xây dựng ban hành, phù hợp đơn giá quy định và giá vật tư thực tế của từng địa phương, từng thời điểm;
b) Căn cứ khả năng chuyên môn, chủ đầu tư có thể thực hiện từng công đoạn của công tác lập thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, thẩm tra thiết kế kỹ thuật -tổng dự toán công trình, hoặc thuê đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, thẩm tra thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình. Chủ đầu tư thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình, trên cơ sở thẩm tra của cơ quan tư vấn;
c) Quản lý quá trình lập thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình phải được bàn bạc thống nhất, công khai trước tập thể chuyên môn, phải được lãnh đạo đơn vị thống nhất, lựa chọn đơn vị tư vấn có uy tín và có năng lực phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công công trình phải được lãnh đạo đơn vị thống nhất và tiến hành công khai, dân chủ phù hợp với quy định của Luật đấu thầu và các quy định khác của Nhà nước, của Bộ Công an, bảo đảm lựa chọn các nhà thầu có uy tín và có năng lực hành nghề phù hợp với quy định của pháp luật; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực như: móc ngoặc, thông đồng, làm lộ giá dự thầu của nhà thầu...;
đ) Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm: kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng tư vấn, hợp đồng thi công, giám sát kỹ thuật, tiến độ, chất lượng thi công công trình, nghiệm thu kỹ thuật, nghiệm thu hoàn thành công trình, bàn giao công trình đưa vào sử dụng, báo cáo cấp quyết định đầu tư về khối lượng, chất lượng, tiến độ thực hiện dự án theo chế độ thường xuyên, định kỳ, lập hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành, đảm bảo công trình hoàn thành đúng chất lượng, tiến độ, an toàn, hiệu quả.
Điều 7. Thực hiện dân chủ trong việc cấp phát vốn các công trình xây dựng
1. Các dự án đầu tư xây dựng chỉ được cấp phát vốn khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình, kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
2. Việc cấp phát vốn phải theo kế hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng công trình, được thông báo công khai, được trao đổi thống nhất, bình đẳng giữa các đơn vị có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ và các đơn vị được Bộ giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình.
3. Cục Quản lý xây dựng cơ bản và Doanh trại, Cục Kế hoạch và Đầu tư thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Cục Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tiến độ đầu tư để báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt cấp phát vốn đầu tư xây dựng công trình. Bảo đảm vốn được đầu tư đúng mục đích, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
4. Trường hợp vốn cấp phát không bảo đảm kế hoạch, cơ quan cấp phát vốn phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho chủ đầu tư biết, phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị chức năng báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện công trình.
Điều 8. Thực hiện dân chủ trong kết thúc đầu tư và thanh quyết toán công trình xây dựng
1. Chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán công trình sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, hồ sơ gồm: các văn bản về chủ trương đầu tư, các quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt thiết kế - dự toán, bản quyết toán chi tiết, hồ sơ hoàn công, nhật ký công trình, các biên bản nghiệm thu kỹ thuật, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, nghiệm thu bàn giao, các tài liệu xác định những thay đổi trong quá trình thi công và các tài liệu liên quan khác.
2. Khối lượng quyết toán chi tiết phải phù hợp với khối lượng thi công thực tế, phù hợp với thiết kế được duyệt. Giá trị quyết toán chi tiết phải phù hợp với khối lượng thi công thực tế, phù hợp với dự toán được duyệt, phù hợp với định mức, đơn giá quy định và giá vật tư thực tế của từng địa phương, từng thời điểm.
3. Cục Quản lý xây dựng cơ bản và Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật thẩm tra quyết toán khối lượng, Cục Tài chính thẩm tra quyết toán giá trị, trình phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành theo phân cấp.
4. Công tác thanh toán, quyết toán công trình phải được trao đổi thống nhất, bình đẳng giữa các đơn vị có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ và các đơn vị được Bộ giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình và phải được tiến hành công khai, thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và của Bộ Công an.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04-01-2010.
Quy chế thực hiện dân chủ trong quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 729/1998/QĐ-BCA(V19) ngày 09-11-1998 của Bộ trưởng Bộ Công an hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Vụ Pháp chế có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Hàng năm Công an các đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư; định kỳ 5 năm 1 lần tổng kết đánh giá việc thực hiện của đơn vị, địa phương mình và báo cáo lãnh đạo Bộ để chỉ đạo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương phản ánh Bộ (qua Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Vụ Pháp chế) để được hướng dẫn kịp thời./.
| BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.