BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 62-NT/TT | Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 1960 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ XÍ NGHIỆP CÔNG TƯ HỢP DOANH
Để hướng dẫn tổ chức xí nghiệp công tư hợp doanh nhằm cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, ngày 27-11-1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành điều lệ về công tư hợp doanh.
Thông tư này giải thích bản điều lệ nói trên và ấn định những chi tiết cần thiết nhằm hướng dẫn tổ chức xí nghiệp công tư hợp doanh.
Để phát tiển tốt hơn nữa sức sản xuất của xã hội và đẩy mạnh hơn nữa giao lưu hàng hóa, cần phải cải tạo dần dần quan hệ kinh doanh tư bản chủ nghĩa đang kìm hãm nghiêm trọng các xí nghiệp tư bản tư doanh về công nghiệp, thương nghiệp, vận tải, văn hóa, phục vụ ăn uống, cần phải biến các xí nghiệp ấy thành những xí nghiệp công tư hợp doanh.
Để thực hành công tư hợp doanh với xí nghiệp tư bản tư doanh, cần quán triệt những nguyên tắc nêu trong bản điều lệ:
1. Xí nghiệp công tư hợp doanh là một xí nghiệp trước là của tư nhân nay do Nhà nước và chủ xí nghiệp cũ chung nhau kinh doanh. Nhưng cũng có trường hợp Nhà nước chung với tư nhân góp vốn xây dựng xí nghiệp mới, hoặc cho phép tư nhân góp vốn vào một xí nghiệp quốc doanh địa phương.
Xí nghiệp hợp doanh không phải là một xí nghiệp góp vốn thông thường mà là một xí nghiệp trong đó thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa hợp tác với thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa nhằm cải tạo xí nghiệp tư bản tư doanh, cho nên thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa giữ địa vị lãnh đạo.
2. Thực hành hợp doanh với xí nghiệp tư bản tư doanh phải căn cứ vào yêu cầu về kinh tế của Nhà nước, và sự tự nguyện của chủ xí nghiệp. Nhà nước căn cứ vào yêu cầu về quốc kế dân sinh và điều kiện quản lý của mình mà cho phép những xí nghiệp tư bản tư doanh được hợp doanh với Nhà nước. Mặt khác, Nhà nước cũng chỉ rõ cho chủ xí nghiệp thấy lợi ích của Nhà nước và của bản thân họ và sự cần thiết phải cải tạo xí nghiệp tư bản để khuyến khích họ tự nguyện xin hợp doanh với Nhà nước.
Nhà nước hợp doanh chủ yếu là với xí nghiệp tư bản tư doanh, kể cả xí nghiệp vắng chủ. Ngoài ra, nếu xét cần thiết và để tiện cho việc quản lý và điều chỉnh sắp xếp toàn ngành, Nhà nước có thể hợp doanh với một số xí nghiệp nhỏ của tiểu chủ thuộc một số ngành quan trọng. Xí nghiệp của người Hoa kiều cũ cũng xem như xí nghiệp của công dân Việt Nam và được hợp doanh.
1. Vốn: Trong việc hợp doanh, vấn đề chủ yếu là việc góp vốn. Vốn của xí nghiệp công tư hợp doanh do chủ xí nghiệp cùng với Nhà nước hoặc một số xí nghiệp công tư hợp doanh khác góp lại.
Để bảo đảm điều kiện cho xí nghiệp phát triển, chủ xí nghiệp cần góp toàn bộ số vốn kinh doanh của mình vào hợp doanh, không được phân tán, cất giấu, hủy hoại. Nhà nước sẽ góp vốn vào khi xét cần thiết. Xí nghiệp công tư hợp doanh có thể gọi thêm cổ phần tư nhân.
Được coi là vốn kinh doanh: tất cả máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu, hàng hóa, kể cả hàng làm dở dang và phế phẩm, đất nhà dùng vào kinh doanh, tiền các khoản, vàng bạc, kim cương, đá quý và những tài sản khác cần thiết cho hoạt động của xí nghiệp.
2. Kiểm kê, định giá: Tài sản đưa vào xí nghiệp, hợp doanh được kiểm kê định giá tính thành cổ phần. Việc kiểm kê định giá phải làm theo nguyên tắc công bằng hợp lý và theo phương pháp: chủ xí nghiệp tự báo, đồng nghiệp bình nghị, công nhân giám sát, hai bên công và tư thương lượng và Ủy ban hành chính khu, thành hoặc tỉnh xét duyệt.
a) Kiểm kê: Việc kiểm kê phải làm thật đầy đủ, không bỏ sót một khoản tiền vốn luân chuyển và cố định nào. Tư liệu sinh hoạt thì không kiểm kê. Đối với tài sản có tính chất nhập nhằng giữa tư liệu sinh hoạt và tư liệu sản xuất thì phải xét tác dụng thực tế của tài sản thuộc bên nào là chính và xét yêu cầu của chủ xí nghiệp cũ mà giải quyết thỏa đáng.
Tiền tích lũy, khấu hao cần được sử dụng đúng mục đích của nó là để mua sắm và sửa chữa thiết bị, mở rộng kinh doanh nếu chưa sử dụng thì được tính cổ phần của bên tư, trường hợp chủ xí nghiệp đã lấy dùng vào việc gì khác thì phải hoàn lại cho xí nghiệp và tính thành cổ phần của bên tư.
Những thiết bị phúc lợi do chủ xí nghiệp góp vốn xây dựng thì kiểm kê tính thành cổ phần của bên tư; những thiết bị khác và tiền mặt của quỹ phúc lợi thì chuyển thành tài sản chung của xí nghiệp hợp doanh.
- Trường hợp chủ xí nghiệp đầu tư vào nhiều xí nghiệp thì có thể hoặc kiểm kê toàn bộ số vốn đầu tư trong các xí nghiệp góp lại tính thành cổ phần ở cơ sở hợp doanh chính, hoặc là tài sản ở xí nghiệp nào thì kiểm kê hợp doanh tại xí nghiệp ấy.
- Tài sản vắng chủ cũng được kiểm kê và tính thành cổ phần như tài sản có chủ.
- Tài sản chiếm hữu phi pháp, thì không tính thành cổ phần bên tư.
- Tài sản của những người không phải là tư bản đã góp vào xí nghiệp cũng được kiểm kê và tính thành cổ phần cho họ hưởng lãi.
- Đối với cổ phần do chủ xí nghiệp nhượng lại cho công nhân viên chức nhằm mua chuộc thì công nhân viên chức có thể hiến lại cho xí nghiệp hợp doanh.
b) Định giá tài sản: Việc định giá tài sản nói chung là căn cứ vào giá mua có trừ khấu hao, và căn cứ giá trị sử dụng còn lại do hai bên công và tư thương lượng mà định.
- Đối với nhà, đất thì căn cứ vào hiện trạng, giá mua và sự hướng dẫn về giá cả của cơ quan quản lý nhà cửa mà định.
- Đối với nguyên vật liệu, nói chung là căn cứ vào giá có đối chiếu giá bán buôn của Mậu dịch quốc doanh và hiện trạng mà định. Trường hợp không có giá mua, hoặc nguyên vật liệu mất phẩm chất thì hai bên công và tư thương lượng mà định.
- Đối với hàng hóa tồn kho thì lấy giá mua cộng với phí tổn kinh doanh và xét phẩm chất mà định cho hợp lý. Hàng do xí nghiệp chế tạo thì lấy giá thành mà định.
- Đối với hàng hóa làm dở dang, đối với phế phẩm thì căn cứ giá thành và giá trị sử dụng mà định.
- Đối với hàng ế, khó bán, thì hoặc bán đến đâu thanh toán đến đó hoặc thanh toán ngay do hai bên công và tư thỏa thuận.
- Đối với tài sản do chủ xí nghiệp dùng thủ đoạn không chính đáng để nâng giá, thì điều chỉnh lại cho hợp lý.
1. Để đảm bảo địa vị lãnh đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, Nhà nước phái cán bộ đến trực tiếp quản lý xí nghiệp hợp doanh, có sự tham gia của đại biểu công nhân viên chức và đại biểu cổ đông tư nhân hoặc chủ xí nghiệp cũ, trừ trường hợp chủ xí nghiệp cũ không đủ điều kiện.
Tổ chức quản lý phải gọn gàng, đơn giản, hưởng theo tổ chức quản lý của xí nghiệp quốc doanh cùng ngành.
2. Tất cả công nhân viên chức cũ trong xí nghiệp hợp doanh, được tiếp tục làm việc và được bố trí công việc tùy theo khả năng của mỗi người nhằm phát huy hơn nữa mọi tài năng.
Những người đã có công tác lâu năm trong xí nghiệp cũ nay mất sức lao động, được chiếu cố thích đáng như bố trí công tác nhẹ, cho an dưỡng, trợ cấp…
Chế độ học việc và chế độ tuyển dụng công nhân mới trong xí nghiệp hợp doanh sẽ áp dụng như trong xí nghiệp quốc doanh cùng ngành.
Các chế độ tiền lương và phúc lợi của công nhân viên chức lúc đầu vận giữ nguyên như cũ, và sẽ được dần dần cải tiến theo các chế độ áp dụng trong các xí nghiệp quốc doanh cùng ngành trên tinh thần chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân viên chức.
- Công nhân viên chức trong xí nghiệp hợp doanh cần được học tập nhằm không ngừng nâng cao trình độ chính trị, trình độ nghiệp vụ để có điều kiện thực sự tham gia quản lý xí nghiệp, phát huy tính tích cực và khả năng sáng tạo của mình.
3. Các chủ xí nghiệp và cổ đông sau khi hợp doanh được Nhà nước giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ tự cải tạo, phát huy tài năng và góp phần cống hiến vào công cuộc xây dựng đất nước. Những người từ trước vẫn công tác trong xí nghiệp sẽ được bố trí công việc thích hợp với khả năng. Những người được cử tham gia quản lý xí nghiệp, có chức vụ thì có quyền hạn, giữ chức vụ phải làm tròn trách nhiệm của mình.
Đối với những người có góp vốn vào xí nghiệp, mà từ trước vẫn ở ngoài, nay muốn xin vào xí nghiệp hợp doanh công tác thì tùy điều kiện xí nghiệp và khả năng của họ mà giải quyết.
Sau khi được sắp xếp công tác rồi các chủ xí nghiệp và cổ đông cần tích cực học tập, lao động tốt để cải tạo bản thân, không được kinh doanh theo phương thức tư bản chủ nghĩa nữa.
1. Chính sách lãi chiếu cố nhiều mặt nhằm có lợi cho việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, khuyến khích nhà tư bản bỏ thêm vốn vào hợp doanh, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhân dân, động viên được tính tích cực của công nhân, đồng thời có chiếu cố đến sinh hoạt của nhà tư bản.
Chính sách lãi có phân biệt giữa công nghiệp, thương nghiệp, vận tải, giữa ngành quan trọng và ngành thứ yếu, giữa địa phương này với địa phương khác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hướng từ thương nghiệp sang sản xuất và việc điều chỉnh sắp xếp các ngành nghề theo kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân.
2. Phân phối lãi có 2 cách: định lãi và chia lãi.
Hiện nay, căn cứ theo tình hình chung, định lãi là chủ yếu, chỉ chia lãi trong trường hợp cá biệt và tạm thời, sau này sẽ trở lại định lãi.
Tiền lãi hàng năm sẽ thông qua Ngân hàng mà trả cho cổ đông tư nhân hoặc chủ xí nghiệp cũ. Tiền lãi theo hình thức định lãi có thể trả hàng tháng hoặc 3, 6 tháng. Trường hợp chia lãi thì đến cuối năm sau khi bản quyết toán của xí nghiệp và phương án chia lãi được Ủy ban hành chính khu, thành, hoặc tỉnh xét duyệt rồi thì mới tiến hành trả lãi cho cổ đông.
Tiền lãi của người vắng mặt do Nhà nước quản lý và sẽ thanh toán khi người ấy trở về. Trường hợp có người thừa kế hợp pháp, thì có thể trả cho người thừa kế hợp pháp, toàn bộ hoặc một phần. Nếu trả một phần thì phần còn lại cũng do Nhà nước quản lý và thanh toán khi người chủ trở về.
Phần lãi của Nhà nước thì Ban Giám đốc nộp vào công quỹ.
Tiền tích lũy dùng để mua sắm thêm thiết bị để mở rộng kinh doanh. Trường hợp có vốn thừa thì có thể góp vào chỗ khác.
Trên đây, là một số điểm căn bản, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cần nghiên cứu kỹ mà thi hành.
Trong khi thi hành, gặp trở ngại, khó khăn thì phải thỉnh thị Chính phủ trung ương.
| BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.