THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 51-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 1963 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Hội đồng Chính phủ đã quy định trong Nghị định số 82-CP ngày 03-6-1963 việc tạm thời chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân thành hai khu vực:
1. Khu vực các ngành sản xuất vật chất.
2. Khu vực các ngành không sản xuất vật chất.
Thủ tướng Chính phủ giải thích cụ thể một số điểm trong nghị định ấy để các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thi hành.
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VIỆC PHÂN CHIA CÁC NGÀNH TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
Việc tạm thời phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân nhằm mục đích thống nhất việc tính toán trong công tác kế hoạch và thống kê, thống nhất việc tính toán giữa các loại hạch toán kế toán, hạch toán thống kê và hạch toán nghiệp vụ. Việc phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân thống nhất và hợp lý là một cơ sở để nghiên cứu và xác định phương hướng tổ chức của từng ngành để nghiên cứu và xác định đúng đắn quan hệ tỷ lệ phát triển giữa các ngành và giữa các bộ phận trong từng ngành của nền kinh tế quốc dân.
II. NGUYÊN TẮC SẮP XẾP CÁC TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ VÀ CƠ QUAN VÀO CÁC NGÀNH TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
Theo điều 3 của nghị định thì nguyên tắc để sắp xếp các tổ chức, đơn vị và cơ quan vào các ngành trong nền kinh tế quốc dân là căn cứ theo chức năng chủ yếu và hoạt động thực tế của từng tổ chức, đơn vị và cơ quan. Điều đó có nghĩa là việc sắp xếp các tổ chức, đơn vị và cơ quan. Điều đó có nghĩa là việc sắp xếp các tổ chức, đơn vị và cơ quan vào các ngành trong nền kinh tế quốc dân không phải chỉ căn cứ theo Bộ hay ngành quản lý, vì phạm vi quản lý của một Bộ hay một ngành quản lý thường gồm nhiều tổ chức, đơn vị và cơ quan hoạt động có tính chất khác nhau. Mặt khác, tình hình kinh tế, văn hóa miền Bắc nước ta đang trên đà phát triển, có những ngành đã hình thành tương đối rõ rệt, nhưng cũng có ngành đang trong quá trình hình thành. Vì vậy, khi sắp hết phải căn cứ vào chức năng và hoạt động thực tế hiện nay của các tổ chức, đơn vị, cơ quan là chủ yếu, đồng thời phải tính đến hướng phát triển về sau này của các ngành ấy.
III. CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA TỪNG NGÀNH TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
Do sự phân công lao động của xã hội, nên trong xã hội đã hình thành nhiều ngành khác nhau. Các ngành ấy đều cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của xã hội, nhưng tác dụng của các ngành ấy trong quá trình tái sản xuất xã hội không giống nhau. Có một số ngành trực tiếp sáng tạo ra, hoặc làm thêm giá trị của sản phẩm vật chất; một số ngành khác không trực tiếp sản xuất ra, cũng không làm tăng thêm giá trị sản phẩm vật chất. Căn cứ vào điểm khác nhau cơ bản đó mà phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân ra hai khu vực: khu vực các ngành sản xuất vật chất và khu vự các ngành không sản xuất vật chất.
Khu vực các ngành sản xuất vật chất gồm 10 ngành:
1. Ngành công nghiệp
2. Ngành nông nghiệp
3. Ngành lâm nghiệp
4. Ngành xây dựng cơ bản.
5. Ngành vận tải hàng hóa
6. Ngành bưu điện và liên lạc phục vụ sản xuất.
7. Ngành thu mua
8. Ngành thương nghiệp và ăn uống công cộng
9. Ngành cung cấp vật tư kỹ thuật và tiêu thụ tư liệu sản xuất
10. Ngành sản xuất vật chất khác.
Lao động của các ngành này trực tiếp sản xuất ra sản phẩm vật chất, hoặc làm tăng thêm giá trị sản phẩm vật chất. Các ngành này chia làm hai nhóm:
a) Nhóm một gồm sáu ngành:
1. Ngành công nghiệp có chức năng trang bị kỹ thuật cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, sản xuất ra tư liệu sản xuất, vật phẩm tiêu dùng và khai thác của cải thiên nhiên. Hoạt động công nghiệp bao gồm việc khai thác khoáng chất, động vật, thực vật có sẵn trong thiên nhiên và chế biến nguyên liệu công nghiệp, nông nghiệp, nhằm thỏa mãn nhu cầu sản xuất tiêu dùng. Hoạt động của ngành công nghiệp còn gồm cả việc sửa chữa lớn máy móc thiết bị và sửa chữa vật phẩm tiêu dùng.
2. Ngành nông nghiệp có chức năng sản xuất ra sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi để cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội, nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp. Đặc điểm sản xuất của nông nghiệp là kết hợp lao động của con người với quá trình phát triển tự nhiên của sinh vật, cho nên sản phẩm của nông nghiệp tuy là sản phẩm chưa qua chế biến, nhưng là kết quả lao động của con người, không phải là những thứ có sẵn trong thiên nhiên.
3. Ngành lâm nghiệp có chức năng trồng cây, gây rừng, trung ương bổ, bảo vệ và cải tạo rừng để cung cấp gỗ cho ngành xây dựng, ngành công nghiệp và để chắn gió, phòng bão, phòng hạn, chống xói mòn đất, chống nước mặn, điều hòa khí hậu và lọc không khí. Việc khai thác gỗ không thuộc ngành lâm nghiệp mà thuộc ngành công nghiệp.
4. Ngành xây dựng cơ bản có chức năng sản xuất ra tài sản cố định ở ngay địa điểm mà tài sản cố định đó sẽ phát huy tác dụng. Hoạt động của ngành này bao gồm việc xây dựng nhà cửa và vật kiến trúc, lắp thiết bị và máy móc, thăm dò và thiết kế để phục vụ cho công tác xây dựng, sửa chữa lớn nhà cửa và vật kiến trúc. Các công việc lắp hồ ao, làm khô đất, tiêu nước để thi công, phát quan và nhổ gốc cây…để khai hoang đều thuộc ngành xây dựng cơ bản.
5. Ngành sản xuất vật chất khác bao gồm những hoạt động có tính chất sản xuất vật chất, như việc thu nhặt nông sản, lâm sản, hải sản…như việc thu nhặt sắt vụn, phế liệu, phế phẩm…như việc săn bắn…như việc xuất bản, sản xuất phim…
Các hoạt động này không đủ điều kiện để xếp thành từng ngành sản xuất vật chất độc lập, cũng không thể xếp chung vào các ngành sản xuất vật chất khác như công nghiệp, nông nghiệp v .v…
6. Ngành bưu điện và liên lạc phục vụ sản xuất có chức năng phục vụ các ngành sản xuất vật chất.Lao động của ngành này vừa trực tiếp nhập vào giá trị sản phẩm vật chất sản xuất ra, vừa làm tăng thêm giá trị sản phẩm vật chết trong khâu lưu thông.
b) Nhóm hai gồm bốn ngành:
7. Ngành vận tải hàng hóa có chức năng vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Lao động của ngành này tiếp tục hoàn thành quá trình sản xuất và làm tăng thêm giá trị của sản phẩm vật chất.
Việc vận tải hàng hóa trong nội bộ các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường không thuộc ngành vận tải hàng hóa, vì đó là khâu vận chuyển nội bộ gắn liền với chu kỳ sản xuất sản phẩm vật chất ở xí nghiệp.
8. Ngành thu mua có chức năng thực hiện kế hoạch thu mua nông sản phẩm và bảo quản nông sản phẩm đó. Hoạt động của ngành này góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp để không ngừng tăng thêm khối lượng hàng hóa nông sản, cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng của xã hội ngày càng tăng. Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, hoạt động thu mua nông sản còn do nhiều cơ quan phụ trách, nhưng cần phải sắp xếp thành một ngành riêng.
9. Ngành cung cấp vật tư kỹ thuật và tiêu thụ tư liệu sản xuất có chức năng cung cấp, phân phối và tư liệu sản xuất. Ngành phân phối và tiêu thụ tư liệu sản xuất. Ngành này cũng như ngành thu mua có tham gia vào quá trình sản xuất ra sản phẩm vật chất.
Những bộ phận cung ứng, cung tiêu của các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường. không thuộc ngành cung cấp vật tư kỹ thuật, vì hoạt động của những bộ phận này gắn liền với chu kỳ sản xuất của xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường. Những tổ chức quản lý vật tư dự trữ của Nhà nước của quốc phòng, ...cùng không thuộc ngành cung cấp vật tư kỹ thuật, vì các đơn vị này chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý vật tư dự trữ, chứ không làm nhiệm vụ cung cấp, phân phối vật tư.
10. Ngành thương nghiệp và ngành ăn uống công cộng có chức năng cung cấp, phân phối hàng hóa tiêu dùng đến tay người tiêu dùng và bán thức ăn phục vụ nhân dân. Tuy trong ngành ăn uống có việc chế biến thức ăn tại các cửa hàng ăn là một hoạt động có tính chất công nghiệp nhưng việc chế biến thức ăn ấy là để bán ngay tại chỗ cùng với những hàng hóa thực phẩm khác, cho nên hoạt động chủ yếu của ngành ăn uống công cộng là hoạt động thương nghiệp; vì vậy ngành ăn uống công cộng xếp chung vào ngành thương nghiệp.
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, ba ngành thu mua, cung cấp vật tư kỹ thuật và tiêu thụ tư liệu sản xuất, thương nghiệp và ăn uống công cộng, có nhiệm vụ thực hiện mối liên hệ có kếhoạch giữa sản xuất và tiêu dung, thực hiện việc cung cấp, phân phối và tiêu thụ tư liệu sản xuất theo kế hoạch, thực hiện mối liên hệ hàng hóa giữa công nghiệp và công nghiệp giữa thị thành và nông thôn, giữa các ngành và các vùng kinh tế trong nước. Hoạt động của ba ngành có làm tăng thêm giá trị sản phẩm vật chất, đồng thời một bộ phận sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân của hai ngành công nghiệp và nông nghiệp được thực hiện qua hoạt động của ba ngành này. Tuy vậy lao động của ba ngành này vẫn mang hai tính chất: một phần lao động có tính chất sản xuất vì nó có tham gia vào quá trình sản xuất, hoặc tiếp tục quá trình sản xứat trong khâu lưu thông, có làm tăng thêm giá trị sản phẩm vật chất như: vận chuyển, cân đo, đóng, gói, bao bì, bảo quản, sơ bộ chọn lọc, phân loại, kiểm tra chất lượng và quy cách hàng hóa…; một phần lao động không có tính chất sản xuất, không làm tăng thêm giá trị của sản phẩm vật chất như: mua và bán hàng hóa, tuyên truyền, quảng cáo hàng…nhưng phần lao động không có tính chất sản xuất chỉ chiếm phần nhỏ và không thể tách riêng được.
Khu vực các ngành không sản xuất vật chất gồm bảy ngành:
1. Ngành phục vụ công cộng và phục vụ sinh hoạt
2. Ngành vận tải, bưu điện và liên lạc phục vụ đời sống nhân dân và phục vụ các ngành không sản xuất vật chất.
3. Ngành y tế, thể dục thể thao, bảo hiểm xã hội.
4. Ngành giáo dục, văn hóa, nghệ thuật
5. Ngành khoa học và công tác phục vụ khoa học
6. Ngành tín dụng và cơ quan bảo hiểm Nhà nước
7. Ngành các cơ quan quản lý Nhà nước; các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị và xã hội.
Lao động của các ngành này tuy không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm vật chất nhưng cần thiết cho sự phát triển của xã hội, có tác dụng lớn đến tái sản xuất xã hội.
Sau đây là chức năng cụ thể của từng ngành;
1. Ngành phục vụ công cộng và phục vụ sinh hoạt
2. Ngành vận tải, bưu điện và liên lạc phục vụ đời sống nhân dân và phục vụ các ngành không sản xuất vật chất.
Hai ngành này có chức năng phục vụ trực tiếp sinh hoạt của nhân dân. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, điều kiện sinh hoạt và điều kiện lao động của nhân dân không ngừng được nâng cao, cho nên yêu cầu của xã hội đối với các ngành này ngày càng lớn. Trong thực tế, tổ chức và hoạt động của ngành vận tải, bưu điện và liên lạc thường không tách riêng phần phục vụ nhân dân, phục vụ các ngành không sản xuất vật chất và phục vụ sản xuất. Vì vậy khi nghiên cứu hoạt động của hai ngành này, phải dùng các phương pháp gián tiếp để tách phần hoạt động phục vụ sản xuất với phần phục vụ đời sống nhân dân và phục vụ các ngành không sản xuất vật chất.
3. Ngành y tế, thể dục thể thao, bảo hiểm xã hội có chức năng góp phần bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân để phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng.
4. Ngành giáo dục, văn hóa, nghệ thuật có chức năng đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ văn hóa, trình độ kỹ thuật của nhân dân, góp phần vào việc nâng cao tăng năng suất lao động, chất lượng lao động, nâng cao hiệu suất công tác, và thỏa mãn nhu cầu văn hóa, nghệ thuật của nhân dân lao động.
5. Ngành khoa học và công tác phục vụ khoa học là một ngành kinh tế quốc dân độc lập, có chức năng nghiên cứu khoa học để phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Kết quả nghiên cứu khoa học trong xã hội xã hội chủ nghĩa phải được phổ cập trong nhân dân và áp dụng vào thực tế để không ngừng đổi mới kỹ thuật sản xuất và làm tăng mức sản xuất vật chất.
6. Ngành tín dụng có chức năng điều hòa lưu thông tiền tệ, phụ trách xuất nhập tiền mặt, huy động tiền nhàn rỗi, cho vay, làm trung tâm thanh toán và bảo quản vốn ngoại tệ. Thông qua việc vận dụng chức năng giám đốc bằng đồng tiền và vận dụng tác dụng đòn bẩy của công tác tín dụng và tiền tệ, ngành này góp phần thúc đẩy sản xuất và lưu thông góp phần phát triển và củng cố chế độ hạch toán kinh tế và chế độ tiết kiệm.
Hiện nay ở Việt-nam chưa có cơ quan bảo hiểm Nhà nước. Sau này, khi được tổ chức thì cơ quan ấy có thể xếp chung vào ngành tín dụng và cơ quan bảo hiểm Nhà nước, vì cơ quan bảo hiểm Nhà nước cũng là một cơ quan kinh doanh tiền tệ, thông qua công tác bảo hiểm mà thúc đẩy sản xuất phát triển.
7. Ngành các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị và xã hội:
Ngành này gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan và tổ chức của Đảng, các cơ quan và tổ chức của các đoàn thể chính trị và xã hội.
Trong các cơ quan quản lý Nhà nước có các cơ quan quản lý về kinh tế, tài chính, lao động và các cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp, trị an và quốc phòng v .v…
Trong xã hội, mỗi ngành trong nền kinh tế quốc dân đều có chức năng và tác dụng riêng. Những người lao động trong khu vực sản xuất vật chất và khu vực không sản xuất có sự trao đổi hoạt động với nhau và có quan hệ khăng khít với nhau. Nhưng vì tổng sản phẩm xã hội chỉ tạo ra trong các ngành sản xuất vật chất, cho nên việc phân phối đúng đắn lao động giữa khu vực sản xuất vật chất và khu vực không sản xuất vật chất có ý nghĩa to lớn về kinh tế. Nhiệm vụ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Nhà nước quản lý, nhất là các cơ quan quản lý hành chính, để tập trung lao động đẩy mạnh sản xuất; đồng thời phải không ngừng cải tiến tổ chức lao động, cải tiến sản xuất trong các ngành sản xuất vật chất để tiết kiệm lao động và nâng cao tăng năng suất lao động.
Các ngành trong nền kinh tế quốc dân đều cần thiết cho sự phát triển của xã hội; nhưng công nghiệp là ngành chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, nông nghiệp là cơ sở cho công nghiệp phát triển cho nên công nghiệp và nông nghiệp là hai ngành sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế quốc dân. Hoạt động của tất cả các ngành đều phải nhằm phục vụ cho sản xuất công nông nghiệp phát triển, và sản xuất công nông nghiệp phát triển tạo điều kiện vững chắc cho sự phát triển của tất cả các ngành.
Việc phân ngành kinh tế quốc dân là một việc rất cần thiết, nhưng còn mới mẽ đối với chúng ta. Yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu kỹ nghị định của Hội đồng Chính phủ và thông tư của Thủ tướng Chính phủ về vấn để này để thực hiện cho tốt. Trong khi tiến hành việc phân ngành, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần trao đổi ý kiến với Tổng cục Thống kê. Mặt khác, Tổng cục Thống kê cũng cần thống nhất với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước,trước khi có ý kiến quyết định về sự phân chia ngành của các Bộ, các cơ quan ngang Bô, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.