BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/TC/TCDN | Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 1996 |
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 46 TC/TCDN NGÀY 9 THÁNG 8 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU NỘP VÀ PHÂN BỔ CÁC KHOẢN THU TỪ ĐẤU THẦU KHAI THÁC ĐÁ QUÝ VÀ THU THEO HỢP ĐỒNG KHAI THÁC PHÂN CHIA SẢN PHẨM ĐÁ QUÝ
Căn cứ Điều 17 Nghị định 65/CP ngày 13 tháng 10 năm 1995 của Chính phủ, ban hành quy chế quản lý các hoạt động trong lĩnh vực đá quý. Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu nộp và phân bổ các khoản thu từ đấu thầu khai thác đá quý và thu theo hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm đá quý như sau:
1. Tất cả các khoản thu từ đấu thầu khai thác quý (bao gồm tiền trả thầu do các đơn vị trúng thầu khai thác nộp, tiền thu từ hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm đá quý...) được nộp tập trung vào tài khoản mở tại Kho bạc của Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam (sau đây gọi là Tổng công ty).
2. Tổng công ty có trách nhiệm mở sổ kế toán theo dõi chi tiết các khoản thu cho từng đối tượng nộp, thực hiện nộp ngân sách, nộp cho địa phương có mỏ khai thác, quản lý sử dụng và thanh quyết toán theo chế độ quy định.
3. Các tổ chức kinh tế, cá nhân Việt Nam trúng thầu khai thác và ký kết hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm đá quý với Tổng công ty (sau đây gọi là đơn vị khai thác) ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo luật định (trừ thuế tài nguyên và tiền thuê đất đã nộp trong giá mua thầu) có trách nhiệm nộp đầy đủ, đúng thời gian các khoản tiền nói tại điểm 1 vào tài khoản mở tại Kho bạc của Tổng công ty theo quy định cụ thể tại Thông tư này.
4. Giá trúng thầu là giá cao nhất do các đơn vị dự thầu trả cho mỗi lô đất chứa đá quý, tối thiểu bù đắp các yếu tố: Chi phí điều tra địa chất, khảo sát, thăm dò mỏ, chi phí sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho công tác khai thác trong vùng mỏ, tiền thuê đất, thuế tài nguyên và tiền phục hồi môi trường có tính đến thời gian khai thác hoàn trả đất ngắn nhất và phương án khai thác bảo vệ môi trường tốt nhất.
5. Thông tư này quy định chế độ thu nộp và phân bổ các khoản thu từ đấu thầu khai thác đá quý và thu theo hợp đồng khai thác đá quý thuộc nhóm I trong những vùng mỏ đã giao cho Tổng công ty. Quy định nghĩa vụ nộp ngân sách và các khoản nộp khác của các đơn vị khai thác và Tổng công ty.
6. Đơn vị khai thác đá quý theo quy định tại điểm 3 mục I phải nộp các khoản sau đây:
6.1. Nộp tiền trả thầu vào tài khoản Tổng công ty quy định như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo trúng thầu, đơn vị trúng thầu phải nộp lần đầu 50% tổng số tiền trả thầu (tính cho cả số tiền đã đặt cọc) vào tài khoản mở tại Kho bạc của Tổng công ty.
- Số tiền trả thầu còn lại được chi đều cho số năm khai thác ghi trong hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm đá quý giữa Tổng công ty và đơn vị khai thác. Mỗi năm nộp hai kỳ, mỗi kỳ nộp 50% số phải nộp của năm. Kỳ I phải nộp trước ngày 10/6, kỳ II nộp trước ngày 10/12 hàng năm. Trước khi kết thúc khai thác 06 tháng, đơn vị khai thác phải nộp đủ toàn bộ số tiền mua thầu vào tài khoản Tổng công ty.
6.2. Các đơn vị khai thác đá quý ngoài nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp ngân sách theo luật định (trừ thuế tài nguyên và tiền thuê đất đã nộp trong giá trả thầu) hàng năm, theo Điều 4 Nghị định số 65/CP của Chính phủ phải nộp 1% doanh thu từ đá quý khai thác được cho Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi có mỏ đá quý khai thác để lập quỹ hỗ trợ bảo vệ tài nguyên đá quý của tỉnh.
- Thời gian nộp được quy định như sau: Hàng quý căn cứ vào doanh thu đá quý khai thác được, đơn vị khai thác tạm thời trích nộp vào tài khoản của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Cuối năm, sau khi xác định được kết quả khai thác cả năm của đơn vị, đơn vị khai thác phải trích nộp đủ theo tỷ lệ quy định nói trên vào tài khoản của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Thời gian nộp chậm nhất trước ngày 30 tháng 01 năm sau.
- Trường hợp số tạm trích nộp trong năm lớn hơn số phải nộp thì chuyển sang số tạm trích nộp cho năm sau.
6.3. Đơn vị khai thác phải nộp cho Tổng công ty giá trị sản phẩm thu được trong quá trình khai thác (sau khi nộp các khoản thuế) theo tỷ lệ quy định trong hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm đá quý với Tổng công ty. Cụ thể:
- Đối với những viên đá quý có giá bán nhỏ hơn 1 tỷ đồng: Đơn vị khai thác được 85%, Tổng công ty được 15%.
- Đối với những viên đá quý có giá bán đạt từ 1 tỷ đồng 1 viên trở lên: Đơn vị khai thác 75%, Tổng công ty 25%.
7. Tổng công ty thu tập trung tiền trả thầu của các đơn vị khai thác và nộp trực tiếp vào tài khoản của ngân sách nhà nước mở tại Kho bạc các khoản sau đây trong giá mua thầu:
7.1. Nộp tiền thuê đất: Theo quy định của Luật đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993, Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất ngày 14 tháng 10 năm 1994, Nghị định số 18/CP ngày 13 tháng 02 năm 1995 của Chính phủ và Quyết định số 1357 TC/QĐ/TCT ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Bộ Tài chính quy định khung giá cho thuê đất đối với các tổ chức trong nước được Nhà nước cho thuê đất.
7.2. Nộp thuế tài nguyên: Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên ngày 30 tháng 03 năm 1990, Nghị định số 06-HĐBT ngày 07 tháng 01 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 07-TC/TCT ngày 07 tháng 02 năm 1991 của Bộ Tài chính.
Thủ tục nộp tiền được quy định như sau:
- Sau khi kết quả trúng thầu được công bố, Tổng công ty lập tờ khai đăng ký nộp tiền thu từ đấu thầu khai thác đá quý gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý Tổng công ty. Tờ khai phải ghi rõ: tổng số lô đất trúng thầu, loại đất, diện tích mỗi lô, trữ lượng đá quý dự báo mỗi lô, giá đề nghị tính thuế tài nguyên đá quý.
- Sau thời gian 30 ngày, kể từ khi nhận được tờ khai đăng ký nộp tiền thu từ đấu thầu khai thác đá quý, cơ quan thuế quản lý trực tiếp Tổng công ty có trách nhiệm thẩm định và ra thông báo nộp cho Tổng công ty.
- Chậm nhất, sau thời gian 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo nộp tiền, Tổng công ty có trách nhiệm nộp lần đầu vào tài khoản ngân sách nhà nước mở tại Kho bạc 50% các khoản phải nộp nói trên. Số phải nộp còn lại được chia đều cho số năm khai thác theo hợp đồng ký kết giữa Tổng công ty và đơn vị khai thác. Mỗi năm nộp hai kỳ: Kỳ I nộp trước ngày 30/6, kỳ II nộp trước ngày 31/12 hàng năm.
8. Số tiền thu từ đấu thầu khai thác đá quý còn lại sau khi nộp ngân sách được phân bổ sử dụng như sau:
8.1. Chi phí điều tra địa chất do Nhà nước đã đầu tư cho những lô đất trúng thầu được thu lại trong giá trả thầu của các đơn vị khai thác, để lại cho Tổng công ty bổ sung vốn điều tra địa chất. Quy chế sử dụng vốn này phải tuân theo các quy định về lập phương án, dự toán, nghiệm thu thanh quyết toán do Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp (cũ) ban hành và được trừ vào kế hoạch cấp phát vốn điều tra địa chất trong năm của Tổng công ty.
8.2. Số tiền còn lại được bổ sung vào nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Tổng công ty để sử dụng vào mục đích xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng mỏ mới, phục hồi môi trường, đền bù hoa màu và các khoản đền bù khác. Việc sử dụng vốn này thực hiện theo các quy định tại Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.
9. Tiền thu từ hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm đá quý (quy định tại Điều 16 Nghị định số 65/CP ngày 13 tháng 10 năm 1995 của Chính phủ) sau khi trừ các chi phí của Tổng công ty: Chi cho cán bộ hướng dẫn khai thác, chi phí nghiệm thu, phân loại, định giá, bảo quản tiêu thụ và nộp thuế lợi tức theo tỷ lệ quy định đối với ngành khai thác mỏ, số còn lại được phân chia như sau:
- Nộp 50% cho Uỷ ban nhân dân tỉnh có mỏ để tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng công trình y tế, giáo dục, văn hoá của địa phương.
- 50% để lại Tổng công ty trích lập các quỹ theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.
10. Đơn vị khai thác có khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được xét giảm tiền trả thầu đối với số tiền trả thầu phải nộp trong năm thiệt hại như sau:
- Nếu giá trị thiệt hại từ 20-50% so với số tiền trả thầu phải nộp trong năm Bộ Tài chính xét giảm tiền trả thầu phải nộp trong năm theo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ thiệt hại.
- Nếu thiệt hại trên 50% so với số tiền trả thầu phải nộp trong năm thì Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét giảm hoặc miễn số tiền trả thầu phải nộp trong năm thiệt hại.
Thủ tục xem xét giảm tiền trả thầu: Đơn vị khai thác phải có đơn đề nghị nêu rõ nguyên nhân và mức độ thiệt hại gửi đến Cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại địa phương và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị (có ý kiến xác nhận của Tổng công ty). Cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước, Cơ quan Thuế địa phương nhận được đơn và hồ sơ của đơn vị phải thực hiện kiểm tra xác minh và có ý kiến bằng văn bản gửi lên Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và Cơ quan Thuế cấp trên. Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng cục Thuế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét giải quyết theo quy định.
11. Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam có trách nhiệm thu từ đơn vị khai thác và kê khai nộp đầy đủ, đúng thời gian quy định các khoản thu từ đấu thầu khai thác đá quý và thu theo hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm đá quý vào ngân sách nhà nước và địa phương có mỏ. Nếu nộp chậm hoặc cố ý dây dưa nộp tiền mua thầu sẽ bị xử lý theo pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm.
12. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị khai thác, Tổng công ty và các cơ quan liên quan cần phản ánh về Bộ Tài chính xem xét giải quyết.
| Phạm Văn Trọng (Đã Ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.