BỘ VĂN HOÁ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3011-VH/TT | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1985 |
CỦA BỘ VĂN HOÁ SỐ 3011-VH/TT NGÀY 28 THÁNG 10 NĂM 1985 VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ BẢO QUẢN VÀ TU BỔ DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ VĂN HOÁ
Trong 30 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã quan tâm giữ gìn và phát huy di sản lịch sử và văn hoá của dân tộc. Nhiều di tích đã được giữ gìn, tu bổ và đang đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội trong đời sống văn hoá của nhân dân ta.
Tuy nhiên, tình trạng chung của các di tích vẫn đang tiếp tục xuống cấp, nhiều di tích bị hư hại nặng, một số biến thành phế tích kể cả những di tích thời kỳ đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc như Côn Đảo, Tân Trào, Điện Biên Phủ,v.v... Tình hình trên làm cho dư luận xã hội có nhiều ý kiến, nguyên nhân chủ yếu làm cho di tích xuống cấp do:
- Kinh phí, vật tư, phương tiện, cán bộ chuyên môn dành cho việc tu bổ di tích quá ít ỏi, không đáp ứng được, ngay cả những yêu cầu cấp thiết.
- Các di tích không được bảo quản thường xuyên, thậm chí còn bị vi phạm; những sự hư hỏng không được loại trừ kịp thời, các kế hoạch tu bổ triển khai không đồng bộ và châm trễ.
- Sự phân cấp quản lý chưa rõ ràng, Trung ương trông cậy ở địa phương, địa phương ỷ lại ở Trung ương, nhân dân phó thác cho Nhà nước.
Để giữ gìn và phát huy có hiệu quả hơn nữa di sản văn hoá vô giá của dân tộc, thi hành triệt để Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh do Hội đồng Nhà nước ban hành, Bộ Văn hoá đề ra một số quy định tạm thời về phân cấp quản lý bảo quản và tu bổ các di tích như sau:
1. Bộ Văn hoá trực tiếp quản lý các di tích đặc biệt quan trọng, có tầm cỡ quốc gia về các mặt kế hoạch, đầu tư và kỹ thuật tu bổ theo danh sách đã được Hội đồng Bộ trưởng ấn định.
Kinh phí dùng cho tu bổ các di tích loại này được trích từ ngân sách hàng năm của Nhà nước.
Bộ Văn hoá có trách nhiệm trình Hội đồng Bộ trưởng việc lập các kế hoạch, đề án, phương án, giải pháp tu bổ và tôn tạo; trực tiếp hoặc hướng dẫn thi công.
Bộ Văn hoá giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có di tích thuộc loại này, trách nhiệm bảo quản thường xuyên, tu bổ mang tính chất bảo quản cấp thiết. Hàng năm, trên cơ sở các đề xuất của địa phương, Bộ sẽ cấp một số vốn cho việc này, trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp.
Thực hiện phương châm "Trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân cùng làm", chính quyền và nhân dân địa phương có di tích đặc biệt quan trọng cần có kế hoạch đầu tư một phần kinh phí và nhân lực để đẩy mạnh việc tu bổ và tôn tạo.
2. Các di tích khác đã được Bộ Văn hoá công nhận, giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý toàn diện. Kinh phí dùng cho tu bổ các di tích này trích từ ngân sách của địa phương. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố, Bộ Văn hoá đề nghị lên Hội đồng Bộ trưởng cấp một phần kinh phí cùng những vật tư chuyên dùng.
Bộ Văn hoá xét duyệt các kế hoạch và đề án, hướng dẫn về nghiệp vụ và kỹ thuật tu bổ các di tích này.
3. Để thực hiện công tác quản lý các di tích đặc biệt quan trọng có tầm cỡ quốc gia, thành lập các Ban quản lý di tích trực thuộc Sở Văn hoá và thông tin các tỉnh và thành phố.
Đối với các di tích lớn thuộc diện quản lý của tỉnh và thành phố, thành lập tổ chức tương tự. Bộ Văn hoá sẽ có hướng dẫn và quy định cụ thể về vấn đề này.
4. Các Ban quản lý di tích có nhiệm vụ nghiên cứu, bảo vệ, bảo quản, tu bổ và tổ chức phát huy, khai thác di tích.
Trong điều kiện hiện nay, khi các di tích chưa được khảo cứu, khảo sát đầy đủ, chưa có quy hoạch tổng thể, khi kinh phí và vật tư thiếu thốn, lực lượng thực hiện thiếu, cần ưu tiên tiến hành:
- Bảo quản, gia cố cấp thiết các di tích khỏi bị đổ nát, giữ nguyên trong các di tích;
- Khẩn trương tiến hành khảo sát toàn diện, lập hồ sơ khoa học, lập kế hoạch và đồ án tu bổ, lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật và các phương án tu bổ, tôn tạo.
Việc tiến hành tu sửa, phục hồi và tôn tạo di tích phải chấp hành các quy định của pháp luật và theo quy trình chuyên môn của ngành văn hoá ban hành.
5. Đối với các di tích lịch sử đặc biệt trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, cần chú trọng việc cắm biển, dựng bia, để có tác dụng ghi nhận sự kiện lịch sử và tác động mạnh mẽ đến người tham quan.
Việc xây dựng các tượng đài hoành tráng cần phải tiến hành thận trọng, trên cơ sở nghiên cứu tìm tòi kỹ lưỡng về nghệ thuật, trên cơ sở cân nhắc giữa phí tổn và hiệu quả đạt được; tránh lãng phí và làm giảm giá trị di tích.
Các công trình tượng đài dự kiến xây dựng tại các di tích thuộc diện quản lý của tỉnh và thành phố, do Bộ Văn hoá xét duyệt.
Các công trình tượng đài dự kiến xây dựng tại các di tích Bộ Văn hoá quản lý do Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt.
Trong trường hợp đặc biệt, như việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được sự chuẩn y của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng.
6. Khi lập các kế hoạch và đề án tu bổ di tích, đồng thời phải tính đến các khả năng phát huy tác dụng về mặt giáo dục truyền thống hoặc thẩm mỹ cho nhân dân, khả năng khai thác kinh tế các di tích bằng tổ chức du lịch và dịch vụ.
Việc sử dụng tích cực các di tích là một trong những nhân tố quyết định bảo đảm sự tồn tại lâu bền của chúng.
| Nguyễn Văn Hiếu (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.