UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 292-KHKT/ĐL | Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 1974 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 1033-QĐ NGÀY 31-12-1972 CỦA ỦY BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC BAN HÀNH BẢNG TIÊU CHUẨN CẤP BẬC KỸ THUẬT CỦA KIỂM ĐỊNH VIÊN VÀ CÔNG NHÂN SỬA CHỮA HIỆU CHỈNH DỤNG CỤ DO NGÀNH ĐO LƯỜNG (1)
Ngày 31 tháng 12 năm 1973 Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước đã ra Quyết định số 1033-QĐ ban hành Bảng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật của kiểm định viên và công nhân sửa chữa, hiệu chỉnh dụng cụ đo ngành đo lường. Nay Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn, giải thích thêm những điều chủ yếu để các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện được tốt.
I. Ý NGHĨA VÀ TÁC DỤNG CỦA BẢNG TCCBKT
1. Sau một thời gian xây dựng và hoạt động ngành đo lường đã đào tạo được một đội ngũ kiểm định viên và công nhân sửa chữa hiệu chỉnh dụng cụ đo.
Nay Chính phủ cho ban hành bảng TCCBKT của kiểm định viên và công nhân sửa chữa hiệu chỉnh dụng cụ đo chứng tỏ sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành đo lường và những người làm công tác kiểm định, sửa chữa và hiệu chỉnh dụng cụ đo, đồng thời cũng xác định vị trí và tầm quan trọng của vấn đề đo lường đối với sản xuất, giao lưu phân phối, đời sống và quốc phòng.
2. Bảng TCCBKT này dùng làm căn cứ để:
- Xác định cấp bậc công việc
- Phân công và sử dụng lao động hợp lý
- Soạn giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
- Kiểm tra trình độ kỹ thuật của kiểm định viên và công nhân sửa chữa hiệu chỉnh dụng cụ đo.
Việc ban hành bảng TCCBKT có tác dụng động viên, khuyến khích cán bộ, công nhân viên kiểm định, sửa chữa, hiệu chỉnh dụng cụ đo thường xuyên nâng cao trình độ, bảo đảm việc kiểm định và sửa chữa, hiệu chỉnh thiết bị đo được đúng đắn, chính xác và thống nhất để phục vụ tốt công tác quản lý kỹ thuật và quản lý kinh tế trong các ngành kinh tế quốc dân.
II. NỘI DUNG CỦA BẢNG TCCBKT VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Bảng TCCBKT quy định những yêu cầu về trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ đối với kiểm định viên và công nhân sửa chữa, hiệu chỉnh dụng cụ đo từ bậc 2 đến bậc 7 ở 11 ngành nghề khác nhau: đo độ dài công nghiệp, khối lượng, dung tích, điện, áp suất, nhiệt…
Nội dung TCCBKT đề ra tóm tắt những yêu cầu về hiểu biết lý thuyết và trình độ thành thạo nghề nghiệp đối với người kiểm định viên, người công nhân sửa chữa hiệu chỉnh dụng cụ đo. Nội dung TCCBKT gồm 2 phần: phần hiểu biết và phần làm được. Phần hiểu biết nêu tóm tắt những điểm chính về kiến thức khoa học kỹ thuật đo lường cần thiết cho mỗi bậc trong bảng TCCBKT; kiểm định viên và công nhân sửa chữa hiệu chỉnh dụng cụ đo và phải am hiểu những kiến thức đó và vận dụng được trong khi thực hành. Phần làm được xác định trình độ tay nghề, quy định những việc mà kiểm định viên, công nhân sửa chữa, hiểu chỉnh dụng cụ đo phải làm thông thạo ở mỗi bậc, mỗi nghề.
Hai phần hiểu biết và làm được quan hệ chặt chẽ với nhau. Muốn kiểm định hoặc sửa chữa hiệu chỉnh tốt thiết bị dụng cụ đo thì phải hiểu nguyên lý, kết cấu, đặc điểm, tính năng về đo lường, sự vận hành, phương pháp và quy định trình kiểm định, sử dụng và bảo quản thiết bị dụng cụ đo, đồng thời phải làm thạo sau một quá trình rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Phần hiểu biết là cơ sở và mở đường cho phần làm được, ngược lại phần làm được bổ sung và làm sáng tỏ thêm phần hiểu biết.
Nội dung TCCBKT còn yêu cầu kiểm định viên và công nhân sửa chữa, hiệu chỉnh dụng cụ đo phải có thêm những kiến thức và trình độ nghề tối thiểu của một số nghề khác, giúp cho việc kiểm định, sửa chữa, hiệu chỉnh dụng cụ đo đạt chất lượng tốt.
Đối tượng để áp dụng bảng TCCBKT là những kiểm định viên và công nhân sửa chữa, hiệu chỉnh dụng cụ đo và cán bộ trung cấp kỹ thuật công tác ở Việc đo lường trung ương, ở các phòng đo lường địa phương, ở các cơ quan xí nghiệp thuộc Bộ, Tổng cục, các Ủy ban Nhà nước hay Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố.
Đối với những cán bộ kỹ thuật trung cấp, công nhân, nhân viên, cán sự thuộc ngành nghề khác, nhưng đang làm kiểm định viên hoặc công nhân sửa chữa, hiệu chỉnh dụng cụ đo, nếu tự nguyện xin học tập và kiểm tra theo những yêu cầu trong bảng TCCBKT thì sau khi kiểm tra đạt yêu cầu cũng được sắp xếp theo cấp bậc tương ứng.
Bảng TCCBKT này không áp dụng cho những kiểm định viên đang xếp theo ngạch bậc lương cán bộ tốt nghiệp đại học.
Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, các cơ quan xí nghiệp có tổ chức đo lường và quản lý đo lường chuyên trách hay bán chuyên trách nghiên cứu kỹ nội dung bảng TCCBKT và có kế hoạch tổ chức thực hiện một cách khẩn trương và chu đáo.
Trình tự công việc tiến hành như sau:
1. Tổ chức phổ biến bảng TCCBKT: trước hết cần tổ chức phổ biến ý nghĩa và nội dung của bảng TCCBKT cho toàn thể cán bộ công nhân viên làm công tác đo lường và quản lý đo lường.
2. Sắp xếp, bố trí ổn định ngành nghề:
Từ trước đến nay, do yêu cầu công tác và do chưa có TCCBKT làm căn cứ, nên một số cơ quan, xí nghiệp chưa sắp xếp ổn định ngành nghề cho cán bộ, công nhân viên kiểm định và sửa chữa hiệu chỉnh dụng cụ đo. Nay Chính phủ cho ban hành bảng TCCBKT thì các cơ quan xí nghiệp cần căn cứ vào TCCBKT và từ yêu cầu công tác, xem xét kỹ khả năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng suất lao động, thời gian làm việc trong một ngành nghề và nguyện vọng của từng người để sắp xếp lại ngành nghề cho thật hợp lý, trước khi tổ chức bồi dưỡng và kiểm tra trình độ.
3. Biên soạn giáo trình: để giúp các cơ quan xí nghiệp biên soạn những giáo trình cần thiết.
Viện đo lường biên soạn đề cương chi tiết của các giáo trình giảng dạy từ bậc 2 đến bậc 7 kiểm định viên; từ bậc 2 đến bậc 5 công nhân sửa chữa của các bộ môn trong bảng TCCBKT và giáo trình giảng dạy từ bậc 3 đến bậc 5 về kiểm định viên.
Căn cứ vào nội dung TCCBKT và đề cương chi tiết của Viện đo lường, các cơ quan xí nghiệp tự biên soạn giáo trình cần thiết dưới sự hướng dẫn của Bộ (Tổng cục, Ủy ban) chủ quản hoặc của Ủy ban hành chính địa phương.
Ngoài ra nên tham khảo thêm những giáo trình giảng dạy của một số ngành nghề có liên quan như giáo trình dùng để đào tạo công nhân hoặc cán bộ trung cấp kỹ thuật về điện, về cơ khí v.v…
Trong khi biên soạn giáo trình nếu gặp khó khăn, các cơ quan xí nghiệp cần tranh thủ sự giúp đỡ của Viện đo lường.
4. Tổ chức học tập lý thuyết và bồi dưỡng tay nghề.
Hàng năm cơ quan, xí nghiệp căn cứ vào yêu cầu công tác đơn vị và căn cứ vào kế hoạch lao động và định ra số lượng, trình độ ngành nghề và lựa chọn người cụ thể để tổ chức học tập lý thuyết và bồi dưỡng tay nghề; những người được chọn là thuộc diện được đối tượng được áp dụng bảng TCCBKT và có tinh thần thái độ lao động tương đối tốt; tuyệt đối không chọn những người tinh thần thái độ lao động, tư cách đạo đức kém và những người mà cơ quan, xí nghiệp đang xét hoặc đang thi hành kỷ luật.
Riêng trong đợt 1 thực hiện trong năm 1974-1975 ở các cơ quan hành chính sự nghiệp chưa nên lựa chọn những người đã được nâng lương sau 31-12-1971.
Nội dung học tập và bồi dưỡng theo đúng giáo trình tương ứng với cấp bậc kỹ thuật. Thời gian học tập và bồi dưỡng là 3 tháng.
5. Tổ chức kiểm tra trình độ: thời gian học tập lý thuyết và bồi dưỡng tay nghề kết thúc, cơ quan xí nghiệp phải chuẩn bị các điều kiện và phương tiện cần thiết cho việc kiểm tra và thành lập Hội đồng kiểm tra từ 3 đến 5 người, thành phần gồm có thủ trưởng cơ quan hoặc xí nghiệp: chủ tịch Hội đồng; 1 đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ quan hoặc xí nghiệp: ủy viên Hội đồng; 1 hoặc 2 đại diện cơ quan tổ chức cán bộ lao động tiền lương: ủy viên; 1 đại diện phòng kỹ thuật hay 1 cán bộ kỹ thuật là kỹ sư hay trung cấp kỹ thuật cùng một ngành nghề, nhưng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao hơn đối tượng được kiểm tra: ủy viên. Hội đồng kiểm tra có nhiệm vụ xét và Quyết định những người được dự kiểm tra; ra đầu đề kiểm tra; xét cho điểm và công nhận đề nghị nâng bậc sau khi kiểm tra nếu đạt yêu cầu. Hội đồng kiểm tra làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập trung, biểu quyết theo đa số. Hội đồng kiểm tra có thể huy động một số cán bộ kỹ thuật và công nhân giỏi để giúp Hội đồng chấm bài và cho điểm. Trong khi kiểm tra tuyệt đối không được thay đổi hoặc hạ thấp TCCBKT đã quy định cho từng bậc, từng nghề.
6. Công nhân nâng bậc sau khi kiểm tra:
Căn cứ vào đề nghị của Hội đồng kiểm tra, thủ trưởng cơ quan hoặc xí nghiệp Quyết định công nhận và xếp người dự kiểm tra đạt yêu cầu vào cấp bậc kỹ thuật mới.
Đối với người chưa đạt yêu cầu, thì cơ quan xí nghiệp có trách nhiệm tiếp tục bồi dưỡng, sau 6 tháng kiểm tra lại, nếu không đạt yêu cầu thì giữ nguyên bậc cũ hoặc chuyển qua làm việc khác cho hợp với khả năng và trình độ.
Các cơ quan xí nghiệp cần lưu ý vận dụng chỉ thị số 38-TTg ngày 4-2-1972 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư 04-LĐTL ngày 23-3-1971 của Bộ Lao động hướng dẫn về việc tổ chức học tập, kiểm tra trình độ nghề nghiệp của công nhân.
Các cơ quan xí nghiệp cần khẩn trương tổ chức thực hiện những công việc nói trên và kết thúc việc kiểm tra nâng bậc lần thứ nhất trước ngày 30-6-1975, sau đó hàng năm các cơ quan xí nghiệp tiếp tục việc bồi dưỡng và kiểm tra theo thông tư hướng dẫn này.
Riêng đối với kiểm định viên và công nhân sửa chữa hiệu chỉnh dụng cụ đo thuộc các phòng quản lý đo lường tỉnh, thành phố, thì từ bậc 3 trở lên, trong năm 1974 Viện đo lường sẽ tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra và chứng nhận bậc kỹ thuật mới sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Các Phòng đo lường địa phương cần gửi danh sách những người được lựa chọn để bồi dưỡng và kiểm tra từ bậc 3 trở lên tới Viện đo lường chậm nhất là ngày 30-6-1974.
| KT. CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC |
(1) Quyết định số 1033-QĐ ngày 31-12-1973 in trong Công báo 1973 số 21, trang 352-Bảng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật cụ thể do Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước đã in và phát riêng trong thông tư này viết tắt là TCCBKT
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.