BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 28-BYT/TT | Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1971 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI LƯƠNG Y ĐƯỢC MỜI ĐỂ THAM GIA ĐIỀU TRỊ, PHỔ BIẾN KINH NGHIỆM
Ngày 31-01-1967 Bộ Y tế có Thông tư số 03-BYT/TT về chế độ đãi ngộ đối với lương y được mời đến bệnh viện để tham gia điều trị và phổ biến kinh nghiệm, nhằm thừa kế và phát huy những kinh nghiệm quý báu của đông y.
Trong quá trình thực hiện, đến nay theo phản ảnh và đề nghị của nhiều địa phương, Bộ nhận thấy đối tượng và phạm vi quy định trong thông tư số 03-BYT/TT nói trên có phần bị hạn chế cho việc thừa kế và phát huy đông y, vì chỉ bệnh viện tỉnh, thành loại 4 trở lên mới được mời lương y đến tham gia điều trị và phổ biến kinh nghiệm, nhiều người lương y tuổi đã cao, ở xa hoặc người dân tộc do thói quen không muốn đi xa, hơn nữa việc đi lại có nhiều khó khăn trở ngại. Tình hình hiện nay các bệnh viện đông y đã được thành lập, các bệnh viện huyện cũng đã được tăng cường về trang bị kỹ thuật và cán bộ, nếu hạn chế không được mời lương y đến tham gia điều trị và phổ biến kinh nghiệm thì sẽ hạn chế rất lớn cho công tác thừa kế phát huy đông y và kết hợp đông tây y.
Trong công tác thừa kế và phát huy những kinh nghiệm quý báu của đông y: Ngoài việc mời lương y đến bệnh viện để tham gia điều trị và phổ biến kinh nghiệm. Còn có hình thức viết và trình bày tâm đắc. Mỗi tâm đắc hay là một cống hiến cho nền y học của dân tộc và có giá trị như một công trình nghiên cứu khoa học, nhưng về chế độ chi phí cho các cuộc hội nghị tâm đắc này chưa được quy định nên các địa phương thi hành còn gặp khó khăn lúng túng.
Sau khi được sự thỏa thuận của Bộ Lao động bằng công văn số 51-LĐ/BCTL ngày 22-6-1971 và của Bộ Tài chính bằng công văn số 315-TC/HCVX ngày 30-9-1971, Bộ Y tế ra thông tư này nhằm hướng dẫn và quy định chế độ đãi ngộ đối với những lương y được mời đến để tham gia điều trị phổ biến kinh nghiệm và trình bày tâm đắc như sau:
1. Các bệnh viện đông y và bệnh viện, bệnh xá huyện được mời những lương y có danh tiếng, có nhiều kinh nghiệm điều trị được một số bệnh đặc biệt, lương y có bài thuốc gia truyền độc đáo, hoặc lương y dùng một số cây thuốc trong địa phương mà chữa được một số bệnh có kết quả tốt, đến bệnh viện để tham gia điều trị và phổ biến kinh nghiệm được thi hành chế độ đãi ngộ quy định tại thông tư số 03-BYT/TT ngày 31-01-1967 của Bộ Y tế cụ thể như sau:
a) Đãi ngộ đối với các lương y được mời đến bệnh viện mỗi ngày từ 2 đến 4đ (bao gồm cả tiền ăn và các khoản chi phí khác) tùy theo trình độ chuyên môn và kết quả công tác của mỗi lương y mà Ủy ban hành chính tỉnh, huyện quy định mức đãi ngộ cho hợp lý. Ngoài ra còn được hưởng chi phí đi đường và tiền tàu xe đi, về theo chế độ hiện hành như đối với cán bộ, nhân viên Nhà nước khi đi công tác.
b) Khi xong việc về gia đình có thể thù lao một khoản tiền từ 10đ đến 50đ tùy theo từng trường hợp; hoặc cấp bằng khen, giấy khen của Ủy ban hành chính tỉnh hoặc Sở, Ty y tế, nếu có những sự cống hiến có giá trị thì được xét khen thưởng từ 10đ đến 2000đ theo quy định của Nghị định số 20-CP ngày 08-02-1965 của Hội đồng Chính phủ và thông tư số 27-BYT/TT ngày 22-8-1968 của Bộ Y tế.
c) Trong thời gian được mời làm việc, nếu bị ốm đau phải nằm bệnh viện thì được tiếp tục hưởng phụ cấp thêm một tháng nữa theo mức đãi ngộ như khi làm việc, được hưởng tiền bồi dưỡng và tiền thuốc tiêu chuẩn như cán bộ Nhà nước. Tiền thuốc và bồi dưỡng do bệnh viện thanh toán,tiền ăn do bản thân thanh toán.
- Nếu bệnh còn kéo dài quá 1 tháng thì viện phí chuyển sang quỹ cứu tế địa phương nơi cư trú của bệnh nhân đài thọ.
- Nếu bệnh nhân muốn về gia đình, thì bệnh viện cấp tiền tầu xe về đến gia đình.
- Trường hợp bị chết, nếu chết tại bệnh viện thì được mai táng theo chế độ hiện hành như đối với công nhân, viên chức Nhà nước khi chết. Nếu chết tại nhà riêng thì bệnh viện cử người đến thăm viếng.
2. Khi mời lương y đến công tác ở bệnh viện, cần làm thủ tục có quyết định của chính quyền (theo phân cấp quản lý cán bộ để đảm bảo về mặt pháp lý và giải quyết chính sách).
3. Kinh phí chi các khoản nói ở điểm a, b, c mục 1 nói trên do các Sở, Ty y tế hoặc phòng y tế các huyện làm dự trù để xin Ủy ban hành chính tỉnh hoặc huyện xét duyệt theo yêu cầu của mỗi địa phương.
II. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI LƯƠNG Y ĐƯỢC MỜI DỰ HỘI NGHỊ TÂM ĐẮC
Những lương y được mời đến dự các hội nghị tâm đắc để báo cáo và trình bày tâm đắc của mình, nhằm thừa kế và phát huy kinh nghiệm quý báu của đông y, được đãi ngộ mỗi người một ngày dự hội nghị là 2đ (bao gồm tiền ăn, tiền chè nước và chi phí khác).
Nhừng người có những bài viết tâm đắc để trình bày trước hội nghị, thì cứ mỗi buổi báo cáo (từ 2 giờ đến 4 giờ được tính là 1 buổi) được bồi dưỡng 0đ60 dùng để mua nước ngọt bồi dưỡng bằng hiện vật tại chỗ, tuyệt đối không được trả bằng tiền.
Được hưởng chế độ công tác phí và tiền tầu xe đi, về từ nơi cư trú đến nơi dự hội nghị như cán bộ, nhân viên Nhà nước khi đi công tác.
Những người là cán bộ, nhân viên Nhà nước có lương dự hội nghị tâm đắc nói trên phải nộp tiền ăn theo tiêu chuẩn của hội nghị quy định.
Những tâm đắc có giá trị đã được thực tế chứng minh có kết quả tốt về phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học thì được xét khen thưởng từ 10đ đến 2000đ theo quy định của Nghị định số 20-CP ngày 08-02-1965 của Hội đồng Chính phủ và thông tư số 27-BYT/TT ngày 22-8-1968 của Bộ Y tế.
Về kinh phí: Kinh phí chi cho các khoản hội nghị nói trên do các Sở, Ty y tế làm dự trù để xin Ủy ban hành chính tỉnh, thành xét duyệt.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Khi thi hành chế độ thưởng bằng tiền đối với những công trình cống hiến những bài thuốc hay, cây thuốc quý v.v… Các Sở, Ty y tế và bệnh viện cần báo cáo về Bộ và Viện Đông y để biết và tham gia ý kiến.
Trong khi thi hành nếu có gặp khó khăn gì xin báo cáo về Bộ để nghiên cứu giải quyết.
| QUYỀN BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.