BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 2667-BYT-T.T | Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1956 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG CỐ VẤN Y HỌC TẠI BỘ Y TẾ.
Ngành y tế nước Việt-nam dân chủ cộng hòa ngày một phát triển, đòi hỏi nền y học của ta phải bước lên một trình độ kỹ thuật ngày một cao mới có đủ khả năng phục vụ nhân dân.
Vốn y học cổ truyền của Việt-nam rất phong phú, kinh nghiệm của Tây y áp dụng vào nước ta, kinh nghiệm của ta, trong những năm kháng chiến, chưa được khai thác và đúc kết để xây dựng nền y học Việt-nam và góp phần vào nền y học chung.
Từ ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ta lại có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các ngành y học của các nước bạn qua các chuyên gia, qua sự trao đổi trực tiếp và qua các tài liệu ngày một nhiều. Nhưng chúng ta cũng chưa có một tổ chức thích hợp để khai thác vốn y học của dân tộc kết hợp với vốn y học tiền tiến của các nước bạn.
Dựa vào hoàn cảnh thực tế nói trên, và dựa vào những điều kiện thuận lợi trong nước và ngoài nước, Bộ ra nghị định thành lập “Hội đồng Cố Vấn Y học” của Bộ.
Hội đồng Cố vấn Y học có nhiệm vụ góp ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện một chủ trương, đường lối, chính sách của ngành y tế về chuyên môn và về tổ chức.
PHƯƠNG CHÂM
1) Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay về khả năng cán bộ và phương tiện.
2) Dựa vào kinh nghiệm thực tế Việt-nam và y học cổ truyền kinh nghiệm từ khi có Tây y và kinh nghiệm trong những năm kháng chiến.
3) Khai thác vốn y học tiền tiến của các nước bạn và các nước trên thế giới, kết hợp Đông y và Tây y áp dụng thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện và trình độ nước ta.
TỔ CHỨC
Hội đồng Cố Vấn Y học có một Ban thường trực và các tiểu ban
Thành phần gồm có:
- Chủ tịch: Bộ trưởng (Khi Bộ trưởng vắng mặt, Thứ trưởng thay)
- Ban thư ký: Do Hội đồng cử.
Các Hội viên gồm Thứ trưởng và một số cán bộ kỹ thuật chuyên môn có khả năng và thành tích trong ngành do một nghị định cử trong một thời hạn hai năm.
Ngoài các hội viên nói trên, Hội đồng Cố vấn Y học tuỳ theo sự cần thiết có thể mời một số cán bộ kỹ thuật ở ngành chuyên môn khác có liên quan tham gia (như đại biểu Nông lâm, Thú y, Kiến trúc v.v…)
Ban Thường trực Hội đồng gồm có Chủ tịch và Ban thư ký.
Các tiểu ban Hội đồng tuỳ sự cần thiết sẽ lập ra.
Hiện nay có 5 tiểu ban:
- Tiểu ban huấn luyện
- Tiểu ban vệ sinh phòng dịch
- Tiểu ban điều trị.
- Tiểu ban Đông y
- Tiểu ban Dược.
SINH HOẠT LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG, BAN THƯỜNG TRỰC VÀ CÁC TIỂU BAN
Hội đồng Cố vấn Y học sinh hoạt thường kỳ ba tháng một lần để xét duyệt kết quả công việc của các tiểu ban và thảo luận công tác mới.
Ban Thường trực chịu trách nhiệm thay mặt Hội đồng điều khiển mọi công việc trong thời gian giữa hai khoá họp, giúp Hội đồng theo dõi các tiểu ban làm việc, chuẩn bị báo cáo, nội dung hội nghị, triệu tập Hội đồng thường lệ và các cuộc họp bất thường.
Sinh hoạt của Ban Thường trực mỗi tháng một lần.
Các tiểu ban có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề do Hội đồng hoặc do Bộ đề ra thuộc phạm vi tiểu ban phụ trách, làm thành đề án trình Hội đồng xét duyệt và trao Ban Thường trực trình Bộ.
Sinh hoạt các tiểu ban một tháng một lần.
Các ông Giám đốc các Vụ, các Phòng chuyên môn kế cận Bộ sẽ tham gia các kỳ sinh hoạt của Hội đồng hoặc các tiểu ban tuỳ theo vấn đề có liên quan đến công tác.
Các tiểu ban tuỳ theo sự cần thiết có thể mời một số các nhà chuyên môn khác tham gia các cuộc sinh hoạt của tiểu ban.
Hội đồng Cố vấn Y học theo nhiệm vụ và phương châm nói trên với tổ chức và lề lối làm việc của nó, sẽ phát huy tinh thần dân chủ tập thể, tính tích cực và khả năng sáng tạo để góp phần cống hiến vào công cuộc xây dựng nền y tế của nước Việt-nam Dân chủ Cộng hoà ngày một lớn mạnh và góp phần vào nền y học chung của thế giới.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.