BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2014/TT-BNNPTNT | Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2014 |
QUY ĐỊNH YÊU CẦU KỸ THUẬT ĐỐI VỚI THIẾT KẾ MẪU TÀU CÁ
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 07 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá.
Thông tư này quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
Trong Thông tư này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thiết kế mẫu tàu cá: là thiết kế điển hình trên cơ sở đã được thống nhất hóa, có những chỉ số ưu việt phù hợp với nghề, vùng biển hoạt động khai thác thủy sản.
2. Vật liệu mới: là vật liệu có cơ, lý, hóa tính đảm bảo sử dụng để đóng tàu không bao gồm vật liệu thép, nhôm, gỗ.
YÊU CẦU KỸ THUẬT ĐỐI VỚI THIẾT KẾ MẪU TÀU CÁ
1. Thiết kế kỹ thuật phải thể hiện đầy đủ các số liệu cần thiết để chứng minh sự phù hợp với các quy phạm phân cấp và đóng tàu (Danh mục các quy phạm phân cấp và đóng tàu theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Bản tính toán để xác định các thông số và đại lượng phải phù hợp với các yêu cầu quy phạm tương ứng hoặc theo phương pháp tính toán được cơ quan đăng kiểm tàu cá Trung ương (Tổng cục Thủy sản) chấp thuận.
3. Thiết kế mẫu phải phù hợp với nghề và vùng biển hoạt động.
Quy trình thiết kế mẫu tàu cá gồm các bước:
1. Thiết kế sơ bộ:
a) Xác định các thông số cơ bản;
b) Xây dựng tuyến hình;
c) Xây dựng bản vẽ kết cấu sơ bộ, mặt cắt ngang;
d) Xây dựng bố trí chung;
đ) Tính toán ổn định sơ bộ;
e) Tính sức cản, lựa chọn công suất máy chính, chọn hệ thống đẩy;
g) Phác thảo và xây dựng bản 3D;
h) Thuyết minh chung.
2. Thiết kế kỹ thuật.
Thiết kế kỹ thuật được thực hiện sau khi hoàn thành thiết kế sơ bộ và được sự đồng ý của chủ đầu tư. Đơn vị thiết kế thực hiện thiết kế kỹ thuật gồm các bước:
a) Xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật mẫu tàu cá được lập theo quy định tại phần 1A chương 5 quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển TCVN 6718: 2000 ;
b) Lập khái toán giá thành tàu.
1. Thiết kế thân tàu, hệ thống máy tàu, trang thiết bị điện, trang thiết bị chữa cháy, phương tiện cứu sinh, phương tiện tín hiệu, trang thiết bị vô tuyến điện, thiết bị hàng hải, thiết bị lạnh phải thỏa mãn yêu cầu theo quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển TCVN 6718: 2000.
Thiết kế trang thiết bị nghề cá phải đáp ứng yêu cầu tại phần 6B quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển cỡ nhỏ TCVN 7111: 2002 .
2. Thiết kế mẫu tàu cá phải thỏa mãn yêu cầu bố trí lắp đặt trang thiết bị phù hợp với các nghề khai thác cụ thể:
a) Đối với nghề lưới rê yêu cầu bố trí lắp đặt máy thu lưới sử dụng tang ma sát dẫn động bằng thủy lực kiểu treo, có nguồn động lực dẫn động độc lập, rađa quan sát lưới và thiết bị nâng hạ;
b) Đối với nghề lưới vây yêu cầu bố trí lắp đặt thiết bị nâng hạ, máy thu giềng rút thu đồng thời hai đầu truyền động thủy lực, tời thu lưới vây thủy lực kiểu treo cao, máy dò ngang;
c) Đối với nghề lưới chụp yêu cầu bố trí lắp đặt thiết bị nâng hạ, máy thu giềng rút truyền động thủy lực hoặc truyền động cơ khí;
d) Đối với nghề câu vàng yêu cầu bố trí lắp đặt máy thu câu tự động dẫn động bằng thủy lực, máy bắn câu điều khiển bằng điện và thiết bị nâng hạ;
đ) Đối với tàu dịch vụ hậu cần nghề cá yêu cầu bố trí lắp đặt thiết bị nâng hạ.
3. Thiết bị nâng hạ bố trí trên các tàu làm các nghề lưới rê, lưới vây, lưới chụp, câu vàng và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá phải thỏa mãn yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 23: 2010/BGTVT - quy phạm thiết bị nâng hàng tàu biển. Việc bảo quản sản phẩm bằng khoang lạnh đảm bảo duy trì nhiệt độ trong khoang phù hợp nghề khai thác thủy sản, đảm an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.
4. Thiết kế mẫu tàu cá phải phù hợp với đặc trưng từng vùng biển hoạt động khai thác thủy sản.
Điều 7. Trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản
1. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, tuyên truyền, phổ biến đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Tổ chức thẩm định thiết kế mẫu tàu cá, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và công bố các thiết kế mẫu tàu được lựa chọn.
3. Theo dõi, tổng hợp, định kỳ (06 tháng) báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình triển khai thực hiện Thông tư.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá.
2. Hướng dẫn chủ tàu lựa chọn thiết kế mẫu tàu cá phù hợp với nghề và vùng biển hoạt động.
3. Theo dõi, tổng hợp, định kỳ (6 tháng) báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư này tại địa phương về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản).
Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
1. Trách nhiệm của đơn vị thiết kế
a) Thiết kế mẫu tàu cá theo đúng quy định;
b) Trình Tổng cục Thủy sản hồ sơ thiết kế mẫu tàu cá để thẩm định;
c) Lập thông báo ổn định cho thuyền trưởng sau khi hoàn thành việc đóng mới tàu cá, có kết quả thử nghiêng lệch.
2. Trách nhiệm của chủ tàu
a) Lựa chọn thiết kế mẫu để đóng tàu cá phù hợp với nghề và vùng biển hoạt động;
b) Trong quá trình tàu cá được đóng mới hoặc ngay khi đặt đóng mới tàu cá, chủ tàu có quyền yêu cầu đơn vị thiết kế mẫu tàu cá điều chỉnh thiết kế so với thiết kế mẫu nhưng không làm ảnh hưởng đến tính năng và an toàn của con tàu. Chủ tàu có trách nhiệm phối hợp với đơn vị thiết kế tàu cá điều chỉnh thiết kế.
c) Việc điều chỉnh mẫu thiết kế tàu cá nêu tại điểm b khoản 2 Điều này phải được sự chấp thuận của Tổng cục Thủy sản.
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 8 năm 2014.
2. Các tiêu chuẩn, duy chuẩn kỹ thuật Quốc gia được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này khi có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì được dẫn chiếu áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế.
3. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
DANH MỤC CÁC QUY PHẠM PHÂN CẤP VÀ ĐÓNG TÀU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 25 /2014/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
1. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6718: 2000 Quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển;
2. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111: 200 Quy phạm phân cấp và đóng tàu cá cỡ nhỏ;
3. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia - Quy phạm thiết bị nâng hàng tàu biển QCVN 23: 2010/BGTVT;
4. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu làm bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh QCVN 56: 2013/BGTVT;
5. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép QCVN 21-2010/BGTVT;
6. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Quy phạm các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu QCVN 26: 2010/BGTVT
7. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điều khiển tự động và từ xa QCVN 52-7: 2013/BGTVT
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.