BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 022-NV | Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 1964 |
HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÁC CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ, TRỢ CẤP THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG VÀ TIỀN TUẤT ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC
Thi hành Quyết định số 31-CP ngày 20-3-1963 của Hội đồng Chính phủ về việc điều chỉnh một số nhiệm vụ giữa Bộ Nội vụ và Tổng Công đoàn Việt Nam, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp thương tật vì tai nạn lao động phải thôi việc và tiền tuất đối với công nhân, viên chức Nhà nước.
Bộ Nội vụ và Tổng công đoàn đã tiến hành việc bàn giao các công tác nói trên và đã có thông tư liên Bộ số 13-NV ngày 23-4-1964 hướng dẫn các Ủy ban hành chính và Liên hiệp công đoàn địa phương tiến hành việc bàn giao ở địa phương, và kể từ 01-7-1964, Ủy ban hành chính cũng như Liên hiệp công đoàn đã phụ trách các nhiệm vụ mới được điều chỉnh.
Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Nội vụ, Hội đồng Chính phủ cũng đã thông qua điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu và chết. Sau khi điều lệ đó được ban hành, Bộ Nội vụ cũng sẽ nhận trách nhiệm quản lý các chế độ hưu trí, thương tật, mất sức lao động và tiền tuất của quân nhân.
Ở trung ương, Bộ Nội vụ phụ trách công tác này trước Đảng và Chính phủ. Ở các địa phương, Bộ phân cấp cho các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.
Khối lượng công tác này sẽ càng ngày càng lớn. Việc quản lý lại yêu cầu phải chặt chẽ, việc cấp phát trợ cấp phải kịp thời, đến tận tay người được hưởng, phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng chính sách, nhưng thủ tục lại phải đơn giản, trách phiền phức cho quần chúng. Do đó, đòi hỏi các Ủy ban hành chính địa phương cần tăng cường chỉ đạo chặt chẽ, nhất là thời gian đầu, để tránh những thiếu sót có thể xẩy ra.
Để giúp các Ủy ban làm tốt công tác này, Bộ Nội vụ ra thông tư này hướng dẫn về nội dung công tác tổ chức, quản lý như sau:
Nội dung công tác tổ chức, quản lý các chế độ nói trên gồm có các việc sau đây:
1. Quản lý chính sách;
2. Quản lý hồ sơ, giấy tờ của người được hưởng trợ cấp, cấp phát các sổ trợ cấp và quản lý việc đăng ký người được hưởng trợ cấp;
3. Quản lý tài vụ;
4. Quản lý các sự nghiệp an dưỡng, dưỡng lão;
5. Theo dõi tình hình đời sống, tư tưởng của công nhân, viên chức đã về nghỉ việc
1. Quản lý các chính sách bảo hiểm xã hội (hưu trí, mất sức lao động, tuất)
Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh có trách nhiệm quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chế độ nói trên, trong địa phương mình; bao gồm các việc:
- Tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách sâu rộng trong nhân dân; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, uốn nắn những lệch lạc của các cơ sở trong việc thực hiện chính sách;
- Tập hợp những mắc mứu và phát hiện những điểm chưa hợp lý trong các chế độ để đề nghị Bộ Nội vụ giải thích hoặc bổ sung; tham gia ý kiến với Bộ trong việc nghiên cứu ban hành các chính sách mới.
Ủy ban cần chú ý tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và uốn nắn kịp thời những sai lệch ở cơ sở, cụ thể là:
Đối với công nhân, viên chức ở các cơ quan xí nghiệp địa phương, thuộc quyền quản lý của Ủy ban hành chính, thì Ủy ban có trách nhiệm:
- Hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp làm đầy đủ các thủ tục cần thiết cho công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động;
- Ra quyết định cho những người nói trên được về nghỉ việc và được hưởng trợ cấp như chế độ đã quy định;
- Căn cứ vào các văn bản đã ban hành, hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp giải quyết những mắc mứu, khó khăn. Nếu gặp những vấn đề chưa có quy định, thì cần báo cáo về Bộ Nội vụ góp ý kiến giải quyết;
- Giải quyết những đơn từ khiếu nại của công nhân, viên chức về các chế độ nói trên;
- Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, xí nghiệp tích cực thi hành chính sách, đảm bảo cho công nhân, viên chức được về nghỉ ngơi và được hưởng đầy đủ các chế độ đã được Nhà nước quy định;
- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách bảo hiểm xã hội trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước và trong nhân dân để mọi người thấy rõ tính ưu việt của chế dộ ta mà đồng tình ủng hộ chính sách và góp phần thực hiện chính sách được tốt hơn nữa.
Đối với công nhân, viên chức thuộc các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, lâm trường, của trung ương đóng tại địa phương, Ủy ban hành chính không có trách nhiệm quản lý về nhân sự, nhưng căn cứ Nghị định số 94-CP ngày 27-8-1962 của Hội đồng Chính phủ về việc phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (điều 21 của bản quy định số 95-CP kèm theo Nghị định số 94-CP) thì Ủy ban vẫn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các chính sách, chế độ lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội… trong các xí nghiệp, công trường của trung ương đóng ở địa phương mình. Do đó, đối với các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động và tiền tuất, Ủy ban vẫn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách cho các đơn vị của trung ương, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đó thi hành đúng chính sách tham gia ý kiến giải quyết những mắc mứu trong khi thi hành chính sách, cũng như đối với các cơ quan, xí nghiệp của địa phương. Còn việc ký quyết định cho công nhân, viên chức về hưu, thôi việc vì mất sức lao động là trách nhiệm của Bộ, ngành chủ quản hoặc của giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng công trường, nếu những đơn vị đó đã được Bộ, ngành chủ quản phân cấp quản lý công nhân, viên chức.
Từng thời gian, Ủy ban cần tiến hành sơ kết, tổng kết việc thi hành chính sách bảo hiểm xã hội ở địa phương, rút ra những kinh nghiệm, ưu khuyết điểm, và phát hiện những điểm chưa hợp lý trong các chính sách để tham gia ý kiến với Bộ Nội vụ trong việc bổ sung và xây dựng chính sách.
2. Quản lý hồ sơ, sổ sách.
Nội dung cụ thể của công tác này mà Ủy ban phải đảm nhiệm là:
- Hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp lập đầy đủ hồ sơ theo đúng các thủ tục đã quy định cho công nhân, viên chức về hưu, thôi việc vì mất sức lao động và cho gia đình công nhân, viên chức đã chết để xin hưởng tiền tuất;
- Tổ chức việc đăng ký những người về hưu, thôi việc vì mất sức lao động, vì tai nạn lao động, và những người được hưởng tiền tuất;
- Tổ chức việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách;
- Làm các thủ tục đăng ký sổ sách và giới thiệu cho những người được hưởng trợ cấp xin di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, chuyển giao đầy đủ hồ sơ của họ cho địa phương mới, đảm bảo cho người di chuyển được lĩnh trợ cấp một cách dễ dàng khi đến nơi mới;
- Phụ trách việc thống kê số liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu chính sách, và qua công tác thống kê số liệu, phát hiện được những vấn đề mắc mứu, sai lệch để giúp cho việc quản lý tài vụ được tốt.
Công tác này rất quan trọng, vì muốn quản lý được chặt chẽ thì trước hết hồ sơ, sổ sách cần phải được tổ chức, sắp xếp sao cho đơn giản, gọn ghẽ nhưng rõ ràng, ngăn nắp, không nhầm lẫn, và cần được nghiên cứu cải tiến cho mỗi ngày một khoa học hơn.
Khi Ủy ban nhận bàn giao của Liên hiệp công đoàn, cần xem lại hồ sơ của từng người được hưởng trợ cấp, vì hồ sơ có hợp lệ thì mới có cơ sở để tiếp tục cấp phát trợ cấp sau này.
Hồ sơ, giấy tờ hưu trí cần phải làm cẩn thận, đánh máy hoặc viết tay bằng mực tốt, không phai, không nhòe, chữ viết phải rõ ràng, không tẩy xóa. Nếu có sửa chữa thì phải được cấp có thẩm quyền chứng nhận (ký tên và đóng dấu) ở bên cạnh.
Các quyết định cho công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động, vì tai nạn lao động phải do thủ trưởng các cơ quan quản lý công nhân, viên chức ký, cụ thể là: Ở các Bộ, các cơ quan, đoàn thể ở trung ương thì do Bộ, Thứ trưởng, hoặc thủ trưởng, thủ phó các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương ký. Ở các địa phương thì do Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thư ký Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh ký. Ở các xí nghiệp, công trường của trung ương đã được Bộ, ngành chủ quản phân cấp quản lý công nhân, viên chức thì do Giám đốc hay Phó giám đốc xí nghiệp, công trường ký quyết định.
Các giấy tờ nói trên phải do chính tay người có thẩm quyền ký, mà không dùng con dấu có chữ ký khắc sẵn để đóng thay chữ ký.
Các hồ sơ giấy tờ làm không hợp lệ, thì Ủy ban cần gửi trả các cơ quan, xí nghiệp có công nhân, viên chức được hưởng trợ cấp và hướng dẫn cho họ cách làm lại.
Các sổ lĩnh trợ cấp hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp thương tật và tiền tuất để phát cho cá nhân người được hưởng trợ cấp sẽ do Bộ Nội vụ lập sổ, đăng ký theo số thống nhất và gửi về Ủy ban để phát cho đương sự. Các sổ lĩnh trợ cấp do Tổng công đoàn và các Liên hiệp công đoàn địa phương đã phát trước đây cho người được hưởng trợ cấp sẽ được thu hồi và thay thế bằng sổ mới. Kế hoạch thu hồi sổ cũ và cấp phát sổ mới, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn sau. Trong khi Bộ chưa kịp cấp sổ mới thì vẫn tiếp tục sử dụng các sổ cũ của Tổng công đoàn và các Liên hiệp công đoàn đã phát trước. Đối với những người mới được hưởng trợ cấp trong quý III và quý IV – 1964 thì Ủy ban có thể cấp cho họ một sổ tạm thời do Bộ đã in và gửi về các địa phương.
Cách thức tổ chức và lưu trữ các hồ sơ cũng như cách thức đăng ký các sổ cái. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.
3. Quản lý tài vụ.
Tại Quyết định số 62-CP ngày 10-4-1964, Hội đồng Chính phủ đã quyết định trích và giao cho Bộ Nội vụ quản lý 1% trong tỷ lệ 4,7% so với tổng quỹ tiền lương của công nhân, viên chức Nhà nước do các cơ quan, xí nghiệp nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội để Bộ Nội vụ đài thọ các khoản trợ cấp hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp thương tật vì tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp, tiền chôn cất và tiền tuất cho công nhân, viên chức. Việc phân chia tỷ lệ 4,7% nói trên được thi hành từ 01-01-1964.
Quỹ bảo hiểm xã hội Nhà nước (phần hưu trí, mất sức lao động, tuất) có hệ thống thu chi riêng do Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý. Bộ phân cấp cho các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý quỹ này ở các địa phương.
Nhiệm vụ của Ủy ban trong công tác quản lý quỹ này là:
- Tổng hợp các dự trù thu phí của các cơ quan, xí nghiệp về trợ cấp hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp thương tật, tiền chôn cất và tiền tuất; lập dự toán, quyết toán hàng quý, hàng năm, tổng kết công tác quản lý quỹ ở địa phương, hàng năm báo cáo lên Bộ Nội vụ;
- Tổ chức lãnh đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc nộp kinh phí của các đơn vị ở địa phương;
- Tổ chức việc cấp phát các khoản trợ cấp hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp thương tật, tiền chôn cất và tiền tuất cho những người được hưởng trợ cấp cư trú ở địa phương;
- Nộp kinh phí thừa đúng thời hạn về quỹ trung ương (Bộ Nội vụ) để Bộ có thể điều chỉnh quỹ cho những nơi thiếu tiền.
Phương châm của công tác quản lý quỹ bảo hiểm xã hội là: Bảo đảm thu đầy đủ vào ngân sách, cấp phát đúng chính sách và kịp thời đến tận tay người được hưởng.
a) Về thu: Trong công tác quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, thì việc bảo đảm thu đầy đủ kinh phí 1% so với tổng quỹ tiền lương do các cơ quan, xí nghiệp phải nộp cho quỹ là một khâu quan trọng nhất vì quỹ bảo hiểm xã hội không do ngân sách Nhà nước cấp phát hàng tháng mà là một quỹ độc lập, phải tự thu lấy mà chi, có thu được đầy đủ kinh phí vào quỹ thì mới bảo đảm được việc cấp phát trợ cấp kịp thời.
Hiện nay khoản thu 1% trên thực tế là chưa đủ để chi các khoản trợ cấp mà Bộ Nội vụ phụ trách cấp phát, còn phải xin ngân sách Nhà nước cấp thêm. Sau đây, Bộ sẽ nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quy định lại một tỷ lệ hợp lý hơn. Do đó, các Ủy ban bầu cử cán bộ chuyên trách để tích cực kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, xí nghiệp nộp kinh phí đầy đủ và đúng thời hạn vào quỹ, hết sức chống thất thu và hàng tháng gửi báo cáo về tình hình thu, chi của quỹ về Bộ Nội vụ.
b) Về chi: Một yêu cầu chủ yếu của việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội của Bộ Nội vụ là nhằm bảo đảm đời sống vật chất cho người công nhân, viên chức sau khi đã về nghỉ ngơi, và cho gia đình công nhân, viên chức chết, cho nên việc tổ chức cấp phát kịp thời các khoản trợ cấp đến tận tay người được hưởng và đúng chính sách cũng là một mặt hết sức quan trọng và có tính chất quyết định của công tác quản lý quỹ. Việc cấp phát tốt hay xấu đều có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người được hưởng trợ cấp, đến việc thực hiện chính sách của Đảng và Chính phủ.
Để giải quyết yêu cầu trên đây, để tránh nhầm lẫn mất mát, và để thuận tiện cho người được hưởng trợ cấp khỏi phải đi xa, tổn phí tiền tàu xe, Bộ Nội vụ đã thống nhất ý kiến với Ngân hàng Nhà nước tổ chức việc trả nợ cấp qua các Chi điếm Ngân hàng, nơi người được hưởng trợ cấp cư trú.
Trong công tác quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, Ủy ban cần chú ý lãnh đạo chặt chẽ để bảo đảm đúng thể lệ và nguyên tắc tài chính của Nhà nước, đề phòng tệ nạn tham ô, lãng phí. Thể thức và nội dung tổ chức thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội (phần do Bộ Nội vụ quản lý) đã được quy định tại thông tư liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Ngân hàng Nhà nước và Tổng công đoàn Việt Nam số 16-TT-LB ngày 6-6-1964.
4. Quản lý các sự nghiệp an dưỡng, dưỡng lão.
Ủy ban hành chính tỉnh, thành sẽ quản lý các sự nghiệp an dưỡng, dưỡng lão do địa phương tổ chức, xây dựng hoặc do Bộ Nội vụ phân cấp quản lý sau này. Nội dung công tác này gồm có các việc như sau:
- Tổ chức, xây dựng và trang bị các cơ sở an dưỡng, dưỡng lão;
- Xét duyệt việc thu nhận những công nhân, viên chức về hưu hay thôi việc vì mất sức lao động, không có nơi nương tựa vào các cơ sở an dưỡng, dưỡng lão của địa phương và của Bộ sẽ phân cấp cho địa phương quản lý;
- Tổ chức, quản lý, nuôi dưỡng chu đáo những người được thu nhận vào các cơ sở an dưỡng, dưỡng lão, thi hành đầy đủ mọi chế độ đã được quy định đối với họ;
- Tổ chức lãnh đạo bộ máy quản trị các cơ sở đó.
Mọi chi tiêu cho các cơ sở an dưỡng, dưỡng lão (kể cả lương và phụ cấp ngoài lương của nhân viên quản trị) đều chi vào quỹ bảo hiểm xã hội phần do Bộ Nội vụ quản lý, do đó mọi khoản chi cho các cơ sở đó, Ủy ban đều phải ghi vào dự toán hàng năm, hàng quý và phải được Bộ Nội vụ xét duyệt trước khi chi tiêu và phải quyết toán với Bộ. Biên chế của bộ máy quản lý các cơ sở an dưỡng, dưỡng lão cũng do Bộ xét duyệt, vì không nằm trong biên chế hành chính thuộc cơ quan tài chính cấp phát lương hàng tháng.
Thi hành Thông tư 84-TTg ngày 20-8-1963 của Hội đồng Chính phủ, Bộ Nội vụ đương nghiên cứu xây dựng một số cơ sở an dưỡng, dưỡng lão để thu nhận những công nhân, viêc chức về hưu, hoặc thôi việc vì mất sức lao động không có gia đình hoặc thân nhân. Nhưng khả năng xây dựng của trung ương hiện nay chỉ có chừng mực nhất định, không thể thu nhận được tất cả những công nhân, viên chức thuộc đối tượng nói trên. Do đó, các địa phương nếu có điều kiện, nên tự tổ chức các nhà an dưỡng, dưỡng lão cho công nhân, viên chức thuộc địa phương mình, nên tận dụng các cơ sở về đất đai, nhà cửa sẵn có, ở những nơi khí hậu tốt, tiện đường giao thông, gần các bệnh viện, bệnh xá, có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi. Về chỗ ở, thì cần bố trí cho thoải mái, không nên tập trung nhiều người, mà có thể phân tán làm nhiều cơ sở. Về trang bị thì cần đơn giản, tiết kiệm, dựa vào khả năng sẵn có của bản thân những người an dưỡng đóng góp và sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, Nhà nước chỉ mua sắm những thứ vật dụng thật cần thiết. Về số người phục vụ thì nên tổ chức theo phương châm những người an dưỡng “tự quản lý lấy” và trên tinh thần đo, chỉ cần bố trí một số người thật cần thiết như: tiếp phẩm, bảo vệ, y tế, v.v... cố gắng chi ít mà vẫn bảo đảm được kết quả tốt.
Bộ sẽ có thông tư quy định cụ thể về chế độ, tiêu chuẩn và nguyên tắc thu nhận người và chi tiêu ở các nhà an dưỡng, dưỡng lão.
Riêng ở các nông trường, thì việc xây dựng, tổ chức các nhà an dưỡng cho công nhân, viên chức về hưu và mất sức lao động không có nơi nương tựa do các nông trường tự đảm nhiệm. Nhưng Ủy ban hành chính địa phương cũng cần chú ý kiểm tra, theo dõi giúp đỡ để việc tổ chức, thực hiện được tốt, đảm bảo cho người an dưỡng được hưởng đầy đủ các chế độ mà Nhà nước đã quy định.
5. Theo dõi tình hình đời sống tư tưởng của công nhân, viên chức đã về nghỉ việc.
Công tác này trước đây ở địa phương, Ủy ban hành chính, Liên hiệp công đoàn và cơ quan lao động đều đã có làm, nhưng do chưa giao nhiệm vụ rõ ràng cho một cơ quan nào chuyên trách, nên ở địa phương nào, các cơ quan nói trên quan tâm đến thì thực hiện được tốt, còn ở những địa phương khác, vì chưa được chú ý đến, nên kết quả bị hạn chế. Nói chung, việc theo dõi tình hình công nhân, viên chức đã về nghỉ việc chưa được tốt.
Từ nay, công tác quản lý các chế độ này đã do Ủy ban hành chính phụ trách, thì việc theo dõi tình hình đời sống, tư tưởng của công nhân, viên chức đã về nghỉ việc ở trong địa phương cũng là nhiệm vụ của Ủy ban và là một phần việc trong toàn bộ công tác này.
Ngoài việc cấp phát trợ cấp cho công nhân, viên chức đã về nghỉ việc, thường xuyên Ủy ban cần có cán bộ theo dõi tình hình đời sống của người đã về nghỉ để nếu họ có những khó khăn trong sinh hoạt (như vấn đề ăn, ở, công việc làm của vợ con, việc học tập của con cái, thuốc men khi họ đau ốm, v.v... ) thì có kế hoạch giúp đỡ. Những quyền lợi đã được Nhà nước quy định cho họ được hưởng nếu chưa được giải quyết thì Ủy ban chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương cần giải quyết kịp thời và đúng chính sách. Sau khi họ đã nghỉ việc, nếu còn có những vấn đề tồn tại mà cơ quan, xí nghiệp cũ giải quyết chưa xong, thì Ủy ban cũng chú ý nhắc nhở các nơi đó giải quyết cho thỏa đáng.
Về mặt tinh thần, Ủy ban và đoàn thể địa phưong sẽ giới thiệu cho anh em được tham gia sinh hoạt với nhân dân địa phương nơi cư trú. Tùy tình hình sức khỏe, khả năng, trình độ của mỗi người, chính quyền và đoàn thể địa phương nên để anh em tham gia các công tác xã hội thích hợp, đóng góp cho phong trào địa phương, và cho anh em được dự các buổi học tập về chủ trương, chính sách, về thời sự cùng với công nhân, viên chức còn đương công tác có trình độ tương đương.
Những ngày lễ, ngày tết, Ủy ban có lời thăm hỏi, hoặc tổ chức đi thăm trực tiếp, nếu có điều kiện. Việc này, Ủy ban tỉnh, thành phố có thể phân công cho các Ủy ban huyện, xã, thị trấn hay khu phố, nơi người công nhân, viên chức ở. Từng thời gian, Ủy ban cũng cần tổ chức những buổi họp mặt chung với công nhân, viên chức đã về nghỉ việc trong địa phương để thăm hỏi tình hình sức khỏe, phổ biến những chủ trương, chính sách mới và cũng là để xem anh em có những thắc mắc gì về chính sách để có kế hoạch giải quyết hoặc giải đáp cho anh em thông suốt.
Ngoài ra, Ủy ban cũng cần nhắc nhở các cơ quan, xí nghiệp cũ thường xuyên giữ mối quan hệ tốt với công nhân, viên chức đã về nghỉ, làm cho anh em luôn luôn gắn bó với đơn vị cũ.
Có như vậy mới thể hiện được đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ đối với công nhân, viên chức đã về nghỉ việc là có thủy có chung để cho họ được họ được vui vẻ, phấn khởi về nghỉ ngơi và đem khả năng còn lại cống hiến cho cách mạng, cho xã hội ở vị trí mới của họ.
Việc theo dõi tình hình đời sống và tư tưởng của công nhân, viên chức đã về nghỉ việc là rất cần thiết, người cán bộ phụ trách phải có sự quan tâm đầy đủ đến đời sống quần chúng, phải chịu khó đi sát cơ sở, đi sâu vào đời sống và tâm lý của công nhân, viên chức nghỉ việc để thấy hết những khó khăn và tình cảm của họ. Những công nhân, viên chức đã về nghỉ việc là những người đã có những cống hiến nhất định cho cách mạng, cho xã hội, và đã có một trình độ hiểu biết nhất định. Trong khi tiếp xúc với họ, người cán bộ làm công tác này cần phải có thái độ thân kính, ưu ái và khiêm tốn; nếu họ có những thắc mắc về chính sách thì cần kiên trì giải thích để họ thông suốt.
Do tính chất của công tác nói trên, Ủy ban hành chính cần chú ý lãnh đạo chặt chẽ, bố trí cán bộ có trình độ, khả năng chuyên trách và theo dõi, cho ý kiến giải quyết những trường hợp khó khăn.
Đối với những công nhân, viên chức về nghỉ việc là những cán bộ đã hoạt động cách mạng lâu năm và những cán bộ lãnh đạo, có nhiều cống hiến, thì Ủy ban cần trực tiếp gặp và chiếu cố khi thấy cần thiết.
Để đảm nhiệm tốt công tác quản lý trên đây, sau khi nhận bàn giao của Liên hịêp công đoàn, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cần tổ chức ngay bộ máy để phụ trách công tác này trước Ủy ban. Phần việc này nằm trong Ban Tổ chức dân chính và gồm những bộ phận như sau:
1. Bộ phận quản lý chính sách và theo dõi tình hình đời sống và tư tưởng của công nhân, viên chức được hưởng trợ cấp;
2. Bộ phận quản lý sổ sách, hồ sơ, thống kê số liệu;
3. Bộ phận quản lý tài vụ và quản lý các sự nghiệp an dưỡng, dưỡng lão (nếu có).
Tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương và căn cứ vào khối lượng công tác, Ủy ban sẽ quyết định việc tổ chức các bộ phận công tác và đề nghị một biên chế thích hợp trên nguyên tắc đơn giản, tiết kiệm, nhưng đảm bảo được công tác.
Đây là một công tác mới mẻ, nội dung lại có nhiều vấn đề phức tạp, nên tất nhiên thời gian đầu, Ủy ban không tránh khỏi có nhiều khó khăn, do đó, Ủy ban cần tăng cường sự chỉ đạo đối với bộ phận công tác này và tận dụng khả năng của các ngành có liên quan để có sự phối hợp chặt chẽ. Mặt khác, cần thường xuyên báo cáo về Bộ để Bộ nắm được tình hình và có kế hoạch giúp đỡ khi cần thiết.
| BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.