BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT |
Số: 19-NT | Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 1975 |
HƯỚNG DẪN VIỆC XỬ LÝ NHỮNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG.
I:TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ TÀI SẢN TRONG NGÀNH
Tài sản của Nhà nước là cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, là nguồn giàu có, ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta, là nguồn sức mạnh về kinh tế và quốc phòng của cả nước.
Quản lý và bảo vệ tốt tài sản của Nhà nước là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, một nguyên tắc cơ bản của quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, một vấn đề thuộc về đạo đức cách mạng của mọi người công dân.
Ngành nội thương có nhiệm vụ quản lý một khối lượng tài sản lớn gồm tiền vốn, vật tư hàng hóa các loại, trên một phạm vi rất rộng. Hoạt động của ngành lại phức tạp, bao gồm nhiều nghiệp vụ khác nhau. Vì vậy, cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành phải có tinh thần tự giác xã hội chủ nghĩa cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao trình độ tổ chức, trình độ nghiệp vụ kỹ thuật; năng lực quản lý và ý thức bảo vệ, giữ gìn tài sản đó với tất cả nhiệt tình cách mạng, với ý thức trách nhiệm cao, bảo đảm sử dụng hợp lý và hiệu quả mọi tài sản, tiền vốn được giao nhằm phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.
Cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đồng thời quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, từng người, kịp thời biểu dương những người tốt, việc tốt, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc bảo vệ của công, xử lý thích đáng những trường hợp gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước không bỏ qua bất kỳ vụ nào.
Nguyên tắc xử lý của Nhà nước ta là: căn cứ vào tính chất của vụ vi phạm và tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có hình thức giải quyết công minh, có lý, có tình, xét xử công khai theo đúng đường lối của Đảng và luật pháp của Nhà nước.
Để việc xử lý được công minh và có tác dụng động viên, giáo dục mọi người, cần xác định mức độ lỗi cho chính xác, vì lỗi là cơ sở để quy trách nhiệm và thi hành kỷ luật đối với người phạm lỗi.
Khi xác định mức độ lỗi cần làm thận trọng: phải xem xét toàn diện, phân biệt những nguyên nhân khách quan và chủ quan, điều tra kỹ lưỡng, chu đáo theo đường lối quần chúng, có sự tham gia của công đoàn cơ sở, có đối chiếu với chức năng, nhiệm vụ theo như nội quy công tác đã đề ra. Khó khăn khách quan cần được chiếu cố đúng mức nhưng không được đổ hết tội lỗi cho khách quan của người có trách nhiệm về tài sản của Nhà nước.
Nếu thiệt hại do điều kiện khách quan không thể lường trước được hoặc vượt quá sức khắc phục của con người như bão to, lụt lớn, địch bắn phá, v.v... mà người phụ trách công việc đã làm hết sức mình để đề phòng hoặc hạn chế thiệt hại thì được miễn trách nhiệm; nếu không làm hết trách nhiệm và khả năng mà để xảy ra thiệt hại thì vẫn có lỗi.
Nói chung, nếu để xảy ra thiệt hại về tài sản của Nhà nước thì người có trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tài sản ấy đương nhiên là người có lỗi. Chỉ trong trường hợp chứng minh được rằng thiệt hại gây ra không phải do lỗi của mình, hoặc mình đã làm hết sức để phòng ngừa và hạn chế thiệt hại của người đó mới được công nhận là không có lỗi.
Một người gây thiệt hại thì riêng người ấy có lỗi. Nếu nhiều người cùng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người có trách nhiệm và chức vụ cao nhất trong số người phạm lỗi này phải chịu lỗi nặng hơn và bị xử lý nghiêm khắc hơn.
Trong việc xác định lỗi, có thể có trường hợp phức tạp: người trực tiếp gây ra thiệt hại không phải là người có lỗi, mà sở dĩ thiệt hại xảy ra là vì phải thi hành lệnh của cấp trên hoặc vì hậu quả của hành động phạm lỗi của người khác. Như vậy, phải xét cả người trực tiếp gây thiệt hại và những người có liên quan rồi tùy theo mức độ lỗi và mối liên quan của từng người mà quy trách nhiệm.
Cán bộ làm sai nguyên tắc, chế độ, gây thiệt hại, không thể viện lý do là đã thi hành lệnh của cấp trên được vì nếu là cán bộ có trình độ chính trị và nghiệp vụ phải có trách nhiệm đối chiếu việc làm cụ thể với nguyên tắc, chính sách, chế độ, không được mặc nhiên làm trái nguyên tắc, chính sách. Nếu vi phạm thì cả người trực tiếp vi phạm và cấp trên ra lệnh đều có lỗi. Về nguyên tắc, khi quyết định những vấn đề về quản lý, sử dụng tài sản, cấp trên không được ra lệnh miệng; trường hợp để quyết định một vấn đề cấp bách phải ra lệnh miệng thì sau đó phải làm ngay lệnh viết chính thức cho việc đó.
Trong việc xác định lỗi, cần chú ý phân biệt những vụ vi phạm thông thường do có khuyết điểm nhỏ hoặc do nhược điểm về trình độ quản lý được xử lý nội bộ với những vụ vi phạm thuộc về hình sự. Tội phạm hình sự được xác định trong những trường hợp sau: cố ý làm trái chính sách, chế độ hoặc tuy chỉ là thiếu tinh thần trách nhiệm nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.
Tính chất nghiêm trọng thể hiện ở hai mặt: thiệt hại vật chất lớn và ảnh hưởng chính trị xấu. Ảnh hưởng chính trị xấu đối với người ta thường là ở chỗ: người vi phạm đã lợi dụng sự không cân đối về cung cầu vật tư, hàng hóa mà móc ngoặc rồi cấp phát trái chính sách, chế độ để kiếm lời riêng làm ảnh hưởng đến kế hoạch phân phối, chính sách phân phối, làm tăng thêm sự mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, tạo ra sơ hở cho phần tử xấu có thể lợi dụng rút hàng hóa, vật tư của Nhà nước đem buôn đi bán lại, làm hỗn loạn giá cả, phá rối thị trường, làm cho đời sống quần chúng có thêm khó khăn, dư luận xã hội không đồng tình.
Để đánh giá đúng đắn sự thiệt hại, từ đó xác định lỗi phải có cách nhìn toàn diện, nghĩa là ngoài việc chú ý đúng mức đến mức thiệt hại vật chất được quy ra tiền, còn cần chú ý cả đến tính chất và công dụng của loại tài sản bị thiệt hại, đến tác động của sự tồn tại trong từng nơi, từng lúc nhất định. Tóm lại, để định hình thức xử lý thích hợp, cần đứng trên giác độ chính trị mà nhận xét toàn diện, kết hợp bốn mặt chủ yếu dưới đây:
1. Tính chất của hành vi phạm lỗi hoặc phạm tội: nghiêm trọng ít hay nhiều
2. Tính chất và giá trị tài sản bị thiệt hại quan trọng ít hay nhiều.
3. Tinh thần, thái độ công tác hàng ngày, đạo đức cách mạng và ý thức bảo vệ của công thường ngày của người vi phạm.
4. Nhiệm vụ chính trị của đơn vị cơ sở, của địa phương, của ngành bị ảnh hưởng như thế nào.
Khi phát hiện ra thiệt hại về tài sản ở đơn vị mình thì thủ trưởng đơn vị phải điều tra kỹ, lập hồ sơ, xác định lỗi, đối chiếu sự việc với luật pháp đã ban hành để áp dụng cho thích hợp. Phải xem cụ thể:
- Trường hợp nào thì xử lý theo nghị định số 49-CP;
- Trường hợp nào thì chuyển hồ sơ qua Viện kiểm sát nhân dân để xử lý theo pháp luật;
- Trường hợp nào không nằm trong phạm vi xử lý theo nghị định số 49-CP, sắc lệnh số 149-LCT công bố Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, mà phải áp dụng một văn bản pháp quy khác v.v...
Đối với những vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa được coi là những vụ phạm pháp về hình sự. Bộ nhắc các cấp, các đơn vị trong ngành không được tự ý giữ lại để xử lý nội bộ mà phải chuyển hồ sơ qua Viện kiểm sát nhân dân để quyết định việc đưa ra tòa án xét xử hoặc trả về đơn vị xử lý nếu xét thấy chưa đến mức phải truy tố trước pháp luật. Đây là một kỷ luật bắt buộc đã được quy định trong thông tư số 139-TTg ngày 28-5-1974 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, thủ trưởng đơn vị phải thi hành ngay mọi biện pháp để thu hồi tài sản của Nhà nước bị xâm phạm, ngăn chặn kẻ gian phân tán của cải.
Đối với những trường hợp xử lý theo nghị định số 49-CP, liên Bộ Tài chính – Lao động – Tổng công đoàn đã có thông tư liên Bộ số 128-TT/LB ngày 24-7-1968 giải thích và hướng dẫn thi hành. Trong thông tư này, Bộ chỉ nói thêm những điểm cụ thể cần thiết để áp dụng trong ngành nội thương.
III: PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 49-CP
Chế độ trách nhiệm vật chất chỉ áp dụng cho công nhân, viên chức Nhà nước về những thiệt hại xảy ra do vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, công tác
Vi phạm kỷ luật lao động: Không nên hiểu đơn giản chỉ là vi phạm thời giờ làm việc (sử dụng không đầy đủ và không hợp lý, trái với quy định của Nhà nước) mà phải hiểu là vi phạm một trong năm điều kỷ luật lao động đã ghi trong điều 2 bản điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước ban hành kèm theo nghị định số 195-CP ngày 31-12-1964 của Hội đồng Chính phủ, cụ thể (5 điều kỷ luật) là:
1. Thực hiện đúng định mức lao động, hoàn thành kế hoạch sản xuất, chương trình công tác với chất lượng tốt nhất.
2. Nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và chế độ trách nhiệm được quy định trong sản xuất và công tác; tôn trọng các quy phạm, quy trình về công nghệ, về kỹ thuật và an toàn lao động.
3. Thực hiện nghiêm chỉnh nội quy xí nghiệp, cơ quan, sử dụng đầy đủ và hợp lý thì giờ làm việc của Nhà nước đã quy định.
4. Bảo vệ của công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nguyên liệu, vật liệu, thời gian, đề cao cảnh giác cách mạng, giữ gìn bí mật Nhà nước.
5. Giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi làm việc.
Vận dụng 5 điều kỷ luật lao động nói trên, Bộ đã có quyết định số 61-NT/QĐ1 ngày 6-11-1974 ban hành 5 điều kỷ luật lao động đối với nhân viên trong các cửa hàng thu mua, trạm gia công và cửa hàng bán lẻ, ăn uống, phục vụ thuộc hoạt động mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán của ngành nội thương.
Thiếu tinh thần trách nhiệm là không quan tâm đầy đủ đến nhiệm vụ của mình; thiếu tinh thần khắc phục khó khăn; thiếu điều tra nghiên cứu tình hình cụ thể; không nắm vững chủ trương chính sách, chế độ, điều lệ, nguyên tắc; làm bừa, làm ẩu, tắc trách, qua loa, đại khái, chủ quan không lường trước để có các biện pháp phòng ngừa hoặc quá tin vào các biện pháp sơ sài của mình; buông trôi, bỏ lỏng không chỉ đạo cụ thể, không kiểm tra đôn đốc; đã biết rõ những người không đủ trình độ, năng lực, đạo đức để đảm nhiệm công việc mà vẫn giao phụ trách phần việc ấy để xảy ra thiệt hại về tài sản.
Đối tượng thi hành chế độ trách nhiệm vật chất là công nhân, viên chức làm việc lâu dài hay tạm thời (trong biên chế hay ngoài biên chế Nhà nước, thuộc lực lượng lao động thường xuyên hay không thường xuyên) dù ở cương vị nào (là cán bộ lãnh đạo hay công nhân, nhân viên) trong cơ quan, xí nghiệp từ cấp huyện trở lên. Cụ thể đối với ngành nội thương là tất cả cán bộ, công nhân, nhân viên trong ngành, không phân biệt ở trong hay ngoài biên chế, là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý hay công nhân, nhân viên, không phân biệt xí nghiệp sản xuất, kinh doanh hay cơ quan hành chính sự nghiệp, thuộc xí nghiệp quốc doanh hay công tư hợp doanh, kể cả hợp tác xã mua bán ở huyện. Riêng đối với hợp tác xã mua bán thuộc kinh tế tập thể, Bộ sẽ có thông tư quy định hướng dẫn riêng, không áp dụng thông tư này.
Sau đây, Bộ nêu ra một số thí dụ về những trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật lao động trong ngành phải xử lý theo chế độ trách nhiệm vật chất:
a) Đối với cán bộ lãnh đạo:
- Vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong kinh doanh nên buôn thua, bán lỗ, làm ăn để mất vốn, để hàng hóa, tài sản hư hỏng, giảm phẩm chất quá mức quy định hoặc để mất mát lớn;
- Phân công tác, giao trách nhiệm cho cấp dưới không rõ ràng, rành mạch, thiếu cụ thể nên khi xảy ra thiệt hại về tài sản, không biết quy trách nhiệm cho ai;
- Thiếu kiểm tra, đôn đốc theo nhiệm vụ, chức trách của mình nên để xảy ra thiệt hại về tài sản;
- Không báo cáo hoặc báo cáo không rõ ràng, đầy đủ, kịp thời với cấp trên về hoàn cảnh khó khăn vượt thẩm quyền và khả năng giải quyết của đơn vị mình nên cấp trên không nắm được tình hình và cho ý kiến giải quyết; do đó xảy ra tổn thất về tài sản;
- Thiếu chủ trương, biện pháp thiết thực, kịp thời để chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên nên đã để xảy ra thiệt hại;
- Không giải quyết kịp thời theo báo cáo và kiến nghị của cấp dưới để xảy ra thiệt hại;
- Đã ký hoặc ủy nhiệm cán bộ thuộc quyền mình ký những hợp đồng kinh tế có những điều khoản ràng buộc không cụ thể nên không đòi được bồi thường thiệt hại khi đối phương vi phạm hợp đồng;
- Có những chủ trương giải quyết công việc tùy tiện như: ra lệnh điều động hàng hóa hoặc xuất nhập hàng hóa vô nguyên tắc để mất tài sản không truy cứu được; ra lệnh tiếp nhận, nghiệm thu hàng hóa không đúng quy cách phẩm chất đã quy định trong hợp đồng kinh tế, gây thiệt hại; ra lệnh chỉ tiêu không đúng chế độ, tiêu chuẩn; cho vay, cho tạm ứng vô nguyên tắc, không thu hồi được, v.v...
b) Đối với cán bộ, nhân viên khác:
- Nhân viên bán hàng, phục vụ, vì nhầm lẫn, quên không thu tiền, quên không thu tem phiếu mua hàng, hoặc thu không đủ, hoặc sơ suất dể mất hàng, mất tiền, mất tem phiếu, hoặc không cẩn thận để hư hỏng, đổ vỡ hàng hóa, hoặc dể mất dụng cụ kinh doanh;
- Nhân viên thu mua vì nhầm lẫn đã mua hàng không đúng quy cách, phẩm chất, sai cấp, sai giá để thiệt hại tài sản của Nhà nước hoặc vô ý đánh mất tiền, để hư hỏng hàng hóa;
- Nhân viên thủ kho, bảo quản, vì sơ suất trong lúc xuất nhập hàng để mất hàng hóa hoặc do làm việc cẩu thả, tắc trách hoặc không có đầy đủ các biện pháp có hiệu lực để phòng ngừa mưa, bão, lụt, cháy, mối xông, chuột cắn, trộm cắp hoặc chủ quan không lường trước mọi hậu quả nguy hại có thể xảy ra nên đã gây ra thiệt hại đến tài sản Nhà nước;
- Thủ quỹ, vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thu, phát, đếm, nhận, giao tiền, bảo vệ tiền quỹ, dẫn đến chỗ để thiếu, hụt hoặc mất mát công quỹ;
- Nhân viên nghiệp vụ, kho vận vì thiếu kế hoạch cụ thể nên sử dụng phương tiện vận tải lãng phí, như điều động xe nhưng không có hàng hóa để chuyên chở, hoặc không có người bốc xếp nên xe phải đi về không, hoặc để phải phạt lưu kho, lưu bãi không có lý do chính đáng; do thiếu tinh thần trách nhiệm, điều động hàng hóa cho bên mua không đúng với hợp đồng hai bên đã ký kết nên hàng không được thanh toán, hàng phải gửi lại ở bên mua sinh ra kém phẩm chất hoặc bị điều ngược trở lại về kho v.v...
- Nhân viên kiểm nghiệm, nhân viên thu hóa nhận hàng không đúng tiêu chuẩn, không đúng quy cách, phẩm chất theo hợp đồng kinh tế nên hàng không bán được hoặc phải bán giá rẻ hơn;
- Nhân viên kế toán không làm hết chức trách của mình trong phạm vi phân hành theo đúng nguyên tắc, chế độ, thủ tục đã quy định trong việc tính toán, ghi chép, theo dõi, thanh toán, làm thất lạc chứng từ, không đòi được nợ, thanh toán nhầm lẫn, ghi chép sai sót để mất tài sản, không truy cứu được;
- Nhân viên làm công tác vật giá phổ biến sai giá mua, giá bán hàng hóa gây thiệt hại cho công quỹ;
- Nhân viên giao nhận, áp tải, vận chuyển không có kế hoạch bảo vệ chu đáo để hàng hóa bị hư hỏng, bị mất trong quá trình giao nhận vận chuyển hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm nên giao nhận không kịp thời để tổn thất tài sản, hàng hóa, vật tư, hoặc để không còn đủ cơ sở pháp lý đòi khách hàng, chủ phương tiện đền bù những hư hao, tổn thất;
- Công nhân lái xe không bảo quản tốt để mất phụ tùng, dụng cụ sửa xe hoặc không thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng, chế độ sử dụng để xe hư hỏng phải sửa chữa hoặc không chằng, buộc kỹ càng, che đậy cẩn thận, chăm sóc đầy đủ để xảy ra mất mát, hư hỏng hàng hóa;
- Nhân viên thiết kế, thi công thì không tôn trọng quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn kỹ thuật nên chất lượng công trình xây dựng không được bảo đảm, gây thiệt hại về tài sản chi phí về sửa chữa không đáng có;
- Nhân viên kỹ thuật không tôn trọng quy trình, quy phạm nội quy về sử dụng, bảo quản để máy móc, thiết bị dụng cụ nguyên liệu bị hư hỏng làm cho cơ quan, xí nghiệp phải chi tiêu về sửa chữa hoặc phải hạ giá bán.
Trên đây chỉ là một số thí dụ về trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật lao động Bộ nêu ra để các đơn vị biết cách vận dụng và giải quyết trong những trường hợp tương tự. Trong quá trình xử lý các vụ tổn thất theo nghị định số 49-CP, nếu các đơn vị gặp khó khăn trong việc vận dụng cụ thể thì phản ảnh lên Bộ để Bộ hướng dẫn cách giải quyết.
IV: VẤN ĐỀ BỒI THƯỜNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 49-CP
A. Định mức bồi thường:
1. Khi đánh giá thiệt hại để định mức bồi thường thì chỉ căn cứ vào những thiệt hại đã trực tiếp gây ra cho tài sản của Nhà nước mà người phạm lỗi có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, sử dụng, chứ không tính đến những thiệt hại gián tiếp là hậu quả của việc tài sản bị thiệt hại gây ra.
2. Trị giá tài sản phải bồi thường là trị giá tài sản thực tế bị thiệt hại, cụ thể là:
Nếu tài sản bị mất là hàng hóa, vật tư thì trị giá theo giá bán lẻ; nếu là tem phiếu mua hàng thì tùy tình hình giá cả ở thị trường địa phương trong thời gian bị mất mà quy định mức bồi thường.
Nếu tài sản bị thiệt hại là tài sản cố định hay vật rẻ tiền mau hỏng thì trị giá theo nguyên giá đã trừ phần khấu hao (trường hợp tài sản bị mất) hoặc là tiền chi phí để sản xuất khôi phục lại giá trị của tài sản (trường hợp tài sản bị hư hỏng).
Khi định mức bồi thường, cần dựa trên cơ sở xác định lỗi như đã nói ở phần trên, ngoài ra còn chiếu cố đến tinh thần, thái độ công tác và ý thức bảo vệ của công thường ngày của người phạm lỗi và tham khảo ý kiến quần chúng trong đơn vị.
3. Cần phân biệt trường hợp làm hư hỏng tài sản với trường hợp làm mất tài sản.
Nếu chỉ làm hư hỏng tài sản mà hiện vật hãy còn đó, chứ không bị lấy mất đi, thì tùy tình hình cụ thể, người phạm lỗi phải bồi thường cả hay một phần thiệt hại, nhưng nhiều nhất không quá ba tháng lương và phụ cấp khu vực của mình.
Nếu để mất tài sản của Nhà nước, người phạm lỗi phải bồi thường toàn bộ tài sản bị mất như vẫn thi hành từ trước đến nay. Nguyên tắc này cần được giữ vững để tránh kẻ gian lợi dụng sơ hở làm bậy. Nhưng cũng cần tránh việc bắt bồi thường toàn bộ một cách máy móc, không hợp tình, hợp lý. Vì vậy điều 12 quy định: “trường hợp có lý do chính đáng, có thể xét và quy định một mức bồi thường thấp hơn” nhưng phải do cơ quan cấp trên xét và quyết định theo đề nghị của thủ trưởng đơn vị và công đoàn cơ sở, sau khi tham khảo ý kiến của đông đảo quần chúng trong đơn vị.
Cần chú ý là trong trường hợp để mất tài sản, mức bồi thường không chỉ giới hạn trong ba tháng lương chính và phụ cấp khu vực như trường hợp làm hư hỏng tài sản.
4. Đối với trường hợp để hao hụt vật tư, hàng hóa thì căn cứ vào định mức hao hụt do Bộ, Tổng công ty, Cục, Sở, Ty thương nghiệp mà quy định; nếu chưa có định mức hao hụt do cấp trên quy định thì có thể dựa vào mức hao hụt tự nhiên hợp lý mà đơn vị đã xác định chính thức bằng văn bản. Người phạm lỗi chỉ phải bồi thường phần hao hụt vượt định mức do thiếu tinh thần trách nhiệm hay vi phạm kỷ luật lao động gây ra.
B. Cách thực hiện bồi thường:
Nếu mức bồi thường không lớn, người phạm lỗi tự nguyện trả cả một lần thì tốt nhất, còn nói chung, thực hiện bồi thường bằng cách trừ dần vào lương hàng tháng. Cần tính toán số tiền trừ hàng tháng một cách hợp lý, sát với hoàn cảnh kinh tế của người phạm lỗi nhưng không dưới 10% và cũng không quá 30% tổng số lương chính và phụ cấp khu vực hàng tháng (nếu có phụ cấp khu vực)
Nếu người phạm lỗi còn nợ Nhà nước những khoản tiền khác thì tổng số tiền phải trừ này cũng không được quá 30% tổng số lương chính và phụ cấp khu vực hàng tháng.
Phải thi hành việc bồi thường ngay trong tháng có quyết định xử lý. Nếu tháng đó đã phát hết lương thì bắt đầu trừ vào tháng lương kế tiếp.
Cần theo dõi, đôn đốc thực hiện việc trừ lương cho đều đặn và đầy đủ. Khi người có trách nhiệm bồi thường chuyển đi cơ quan khác thì cơ quan cũ phải báo cho cơ quan mới biết để tiếp tục trừ lương cho đủ số tiền bồi thường (ghi trong giấy thôi trả lương tổng số tiền còn nợ công quỹ và số tiền phải trừ hàng tháng). Khi người phạm lỗi thôi việc, cơ quan vẫn có nhiệm vụ thu hồi theo đúng chế độ đã quy định đối với các khoản nợ công quỹ.
C. Việc miễn, giảm, hoãn bồi thường:
1. Trong thời gian phải bồi thường: nếu người phạm lỗi gặp khó khăn đột xuất trong đời sống như thiên tai, dịch họa, ốm đau v.v… có thể xin tạm hoãn việc bồi thường, nhưng thời gian tạm hoãn không được quá ba tháng, và trong quá trình đền bù không được tạm hoãn quá hai lần.
2. Nếu đã trả được từ 50% số tiền bồi thường trở lên và vẫn tích cực làm việc, có thành tích trong công tác hay sản xuất, người phạm lỗi có thể xin giảm hay miễn số tiền còn lại.
Có 2 trường hợp đặc biệt là:
a) Nếu người phạm lỗi gặp khó khăn đột xuất trong đời sống mà lại có thành tích rất xuất sắc trong công tác, có thái độ gương mẫu trong lao động thì thủ trưởng đơn vị có thể đề nghị giảm hay miễn mức bồi thường còn lại nếu việc chiếu cố này được quần chúng đồng tình.
b) Nếu người phạm lỗi chưa trả được 50% số tiền bồi thường nhưng có thành tích rất xuất sắc trong công tác, có sáng kiến cải tiến đưa lại hiệu quả kinh tế cao, hoặc được suy tôn là chiến sĩ thi đua v.v… thì cũng có thể được giảm hoặc miễn số tiền còn lại.
Để việc thi hành chính sách miễn giảm, hoãn được thận trọng, không tùy tiện, tràn lan, mọi trường hợp miễn, giảm, hoãn đều do thủ trưởng đơn vị đề nghị, sau khi bàn bạc thống nhất với ban chấp hành công đoàn cơ sở và do cơ quan cấp trên của đơn vị quyết định sau khi bàn bạc với cơ quan tài chính cùng cấp (Sở, Ty tài chính hay Bộ tài chính).
Việc miễn, giảm, hoãn chỉ được thi hành sau khi có quyết định chính thức của cơ quan cấp trên.
D. Vấn đề hạch toán số chi về thiệt hại tài sản và số thu về bồi thường
1. Đối với đơn vị kinh doanh, sản xuất:
Số tiền bắt bồi thường đã được xác định thì cán bộ kế toán đơn vị phải ghi vào sổ sách kế toán để theo dõi và thu hồi (nợ phải thu)
Số tiền không bắt bồi thường hoặc được miễn, giảm thì coi đó là tổn thất, xí nghiệp phải chịu:
- Nếu là tải sản cố định bị mất hay hư hỏng hoàn toàn thì ghi giảm vốn tài sản cố định.
- Nếu tài sản cố định bị hư hỏng nhiều thì dùng nguồn vốn sửa chữa lớn; nếu hư hỏng ít thì dùng vốn lưu động ghi vào phí lưu thông.
Chú ý: khi thanh toán tài sản hoặc sửa chữa tài sản thì phải giảm số tiền bắt bồi thường đã được xác định để thu hồi dần.
Trường hợp công nhân, viên chức phạm lỗi phải bồi thường nhưng chưa thu đủ mà phải chuyển công tác sang đơn vị khác (trong ngành cũng như ngoài ngành) thì về nguyên tắc đơn vị cũ phải chuyển nợ cho đơn vị mới bằng cách ghi vào giấy thôi trả lương của đương sự số tiền mà đương sự còn nợ để đơn vị mới tiếp tục thu hồi cho công quỹ.
2. Đối với các đơn vị sự nghiệp:
Phải mở sổ sách theo dõi thu hồi số tiền bắt bồi thường như ở các đơn vị kinh doanh, sản xuất. Khi đương sự chuyển công tác phải thông báo để đơn vị mới thu hồi tiền bồi thường nhưng không chuyển nợ cho đơn vị mới.
Toàn bộ giá trị tài sản bị thiệt hại đều do ngân sách chịu, khi thu được tiền bồi thường đến đâu thì nộp ngân sách đến đấy.
V: THẨM QUYỀN XỬ LÝ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 49-CP
Căn cứ vào điều 15 và 19 của chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước ban hành kèm theo nghị định số 49-CP ngày 9-4-1968 và căn cứ vào hệ thống tổ chức bộ máy của ngành nội thương hiện nay, sau khi được liên Bộ Tài chính – Lao động – Tổng công đoàn thỏa thuận bằng công văn số 627-TC/TNGT ngày 18-12-1974 của Bộ Tài chính, Bộ quy định dưới đây thẩm quyền xử lý (tức là thẩm quyền quyết định mức bồi thường trong trường hợp đã xác định rõ lỗi nằm trong phạm vi thi hành nghị định số 49-CP) và trách nhiệm, quyền hạn của cấp trên trực tiếp.
A, Thẩm quyền xử lý.
1. Các đơn vị sự nghiệp dự toán cấp II trực thuộc Bộ:
Trường thương nghiệp trung ương và các trường trung học thương nghiệp, trường bổ túc văn hóa, viện điều dưỡng, bệnh viện, Cục bảo quản và kiểm nghiệm, Cục dự trữ vật tư, viện kinh tế kỹ thuật thương nghiệp, v.v... được quyền xử lý từng vụ thiệt hại không quá hai trăm đồng (200đ)
2. Các đơn vị kinh doanh, sản xuất, hạch toán kinh tế độc lập:
a) Đơn vị trực thuộc các Tổng công ty hoặc trực thuộc Bộ được quyền xử lý từng vụ thiệt hại không quá 1000 đồng (một nghìn);
b) Đơn vị trực thuộc các Cục nghiệp vụ như Cục ăn uống công cộng và phục vụ, Cục kiến thiết cơ bản và trang thiết bị, Cục quản lý hợp tác xã mua bán v.v... được quyền xử lý từng vụ thiệt hại không quá 500 đồng (năm trăm)
3. Các tổng công ty chuyên doanh được quyền xử lý:
a) Đối với văn phòng tổng công ty và các đơn vị phụ thuộc tổng công ty, từng vụ thiệt hại không quá một nghìn đồng (1000đ);
b) Đối với các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc tổng công ty, từng vụ thiệt hại không quá hai nghìn đồng (2000đ).
4. Các cục nghiệp vụ được quyền xử lý:
a) Đối với văn phòng cục, từng vụ thiệt hại không quá 500 đồng (năm trăm);
b) Đối với đơn vị hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc cục, từng vụ thiệt hại không quá 1000 đồng (một nghìn).
5. Những cơ sở phụ thuộc các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập như các kho, trạm, cửa hàng, v.v... không được quyền xử lý, mà có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo các vụ thiệt hại tài sản của cơ sở và đề nghị thủ trưởng đơn vị hạch toán kinh tế độc lập quyết định.
Riêng đối với những cơ sở phụ thuộc có cử người phụ trách chung giữ chức vụ như cửa hàng trưởng, trạm trưởng v.v… hoặc các chức vụ tương đương và có cán bộ kế toán chuyên trách được thủ trưởng đơn vị hạch toán kinh tế độc lập bổ nhiệm chính thức thì những cơ sở này có thể được giao trách nhiệm giải quyết những vụ thiệt hại thông thường xảy ra hàng ngày trong quá trình kinh doanh, sản xuất, phục vụ, nhưng thủ trưởng đơn vị hạch toán kinh tế độc lập phải quy định mức xử lý cụ thể bằng văn bản cho từng cơ sở phụ thuộc và vẫn phải chịu trách nhiệm về những việc cơ sở đã giải quyết.
6. Đối với các vụ, viện, ban, phòng... thuộc cơ quan Bộ mà tài sản do văn phòng Bộ quản lý: khi xảy ra thiệt hại tài sản thì thủ trưởng của đơn vị phải phối hợp với chánh văn phòng Bộ nghiên cứu xử lý, có sự tham gia ý kiến của Ban chấp hành công đoàn đơn vị đó rồi báo cáo lên thủ trưởng Bộ quyết định.
7. Bộ xử lý những vụ tổn thất trên mức quy định cho cấp dưới. Trường hợp có những vụ thiệt hại nghiêm trọng, Bộ sẽ trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cần chú ý là đối với những vụ thiệt hại tài sản vượt quá thẩm quyền xử lý mà Bộ đã quy định cho từng loại đơn vị nói trên thì đơn vị nơi xảy ra sự việc có trách nhiệm về tài sản phải lập hồ sơ đầy đủ và gửi lên cấp trên trực tiếp của mình, có kèm theo ý kiến đề nghị về mức bồi thường và hình thức kỷ luật hành chính nếu cần, để cấp trên xét và quyết định theo thẩm quyền xử lý của cấp trên. Nếu có những việc chưa rõ thì đơn vị cần hỏi ý kiến Viện kiểm sát nhân dân đồng cấp.
Nếu cấp trên trực tiếp không đủ thẩm quyền xử lý theo quy định trên đây của Bộ thì tiếp chuyển hồ sơ lên Bộ xét và quyết định, nhưng cũng phải có ý kiến về mức bồi thường và hình thức kỷ luật hành chính.
8. Đối với đơn vị kinh doanh, sản xuất, phục vụ... thuộc hệ thống nội thương ở địa phương, đã phân cấp quản lý hay chưa phân cấp quản lý thì theo điều 15 và 19 của chế độ trách nhiệm vật chất, Ủy ban hành chính các tỉnh và thành phố quy định thẩm quyền và mức xử lý cho các đơn vị thuộc địa phương (Bộ chỉ quy định cho các đơn vị thuộc trung ương)
Tuy nhiên, để thống nhất quản lý toàn ngành, và để tránh những chênh lệch không hợp lý giữa các địa phương có những đặc điểm tương tự giống nhau, Bộ hướng dẫn dưới đây việc quy định mức xử lý căn cứ vào quy mô tổ chức ngành thương nghiệp ở các địa phương.
Loại 1 (gồm các thành phố và tỉnh: Hà-nội,
- Các Sở, Ty thương nghiệp được quyền xử lý từng vụ thiệt hại không quá hai nghìn đồng (2000đ);
- Các công ty cấp II trực thuộc Sở, Ty thương nghiệp được quyền xử lý từng vụ thiệt hại không quá một nghìn đồng (1000đ);
- Các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập khác trực thuộc Sở, Ty thương nghiệp (như các xí nghiệp sản xuất, chế biến, hợp tác xã mua bán huyện kinh doanh bằng vốn của Nhà nước cấp...) được quyền xử lý từng vụ thiệt hại không quá hai trăm đồng (200đ)
Loại II (gồm các tỉnh: Ninh-bình, Quảng-bình, Hà-tĩnh, Vĩnh-linh, Hòa-bình, Sơn-la, Lai-châu, Lào-cai, Yên-bái, Cao-bằng, Lạng-sơn, Bắc-thái, Tuyên-quang, Hà-giang, Nghĩa-lộ);
- Các ty thương nghiệp được quyền xử lý từng vụ thiệt hại không quá một nghìn đồng (1000đ);
- Các công ty cấp II trực thuộc ty thương nghiệp được quyền xử lý từng vụ thiệt hại không quá năm trăm đồng (500đ);
- Các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập khác trực thuộc ty thương nghiệp được quyền xử lý từng vụ thiệt hại không quá một trăm đồng (100đ)
B. Trách nhiệm và quyền hạn của cấp trên trực tiếp
1. Cấp trên trực tiếp của đơn vị có thẩm quyển xử lý có những trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
- Nhận xét đơn khiếu nại của người phạm lỗi ở đơn vị cấp dưới và trả lời cho người gửi đơn;
- Thẩm tra lại việc xử lý, bồi thường của cấp dưới;
- Bác bỏ hay sửa đổi quyết định xử lý bồi thường và hình thức kỷ luật hành chính (nếu có) của cấp dưới nếu xét thấy việc xử lý của cấp dưới không thỏa đáng;
- Quyết định việc đưa ra tòa án xét xử những vụ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, những tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa xảy ra ở trong đơn vị mình;
- Xét các trường hợp miễn, giảm, hoãn bồi thường do cấp dưới đề nghị sau khi bàn bạc vớ cơ quan tài chính có thẩm quyền.
2. Những đơn vị cấp trên trực tiếp của đơn vị có thẩm quyền xử lý bồi thường được Bộ quy định như sau:
- Cấp trên trực tiếp của công ty cấp 1, xí nghiệp, trạm, xưởng… hạch toán kinh doanh độc lập trực thuộc tổng công ty hoặc cục là tổng công ty hoặc cục chủ quản;
- Cấp trên trực tiếp của công ty, ban, viện, trường trực thuộc Bộ và của các cụ, các tổng công ty là Bộ.
C. Hội đồng kỷ luật
Nếu sự việc đã rõ ràng, thiệt hại không lớn, người phạm lỗi nhận trách nhiệm bồi thường thì thủ trưởng đơn vị có thể quyết định bồi thường sau khi bàn bạc với ban chấp hành công đoàn cơ sở và kế toán trưởng của đơn vị, không cần đưa ra hội đồng kỷ luật xét.
Nếu sự việc phức tạp, thiệt hại tương đối lớn thì thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải đưa ra hội đồng kỷ luật, xét và kiến nghị mức bồi thường, hoặc chuyển hồ sơ lên cấp trên để quyết định việc truy tố.
Hội đồng kỷ luật gồm có:
- Giám đốc xí nghiệp chủ nhiệm công ty hoặc chủ trương đơn vị là người chủ trì;
- Một đại diện của ban chấp hành công đoàn cơ sở;
- Một đại biểu công nhân, viên chức do công nhân, viên chức tại bộ phận làm việc của đương sự đề cử.
Nếu có những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, hội đồng kỷ luật có thể mời người có thẩm quyền về kỹ thuật đến tham gia ý kiến. Ý kiến của hội đồng kỷ luật là ý kiến đề nghị, không phải là ý kiến quyết định nhưng cần được tham khảo đầy đủ.
Người phạm lỗi được mời đến phiên họp của hội đồng kỷ luật để trình bày ý kiến của mình đối với nhận xét và kết luận của hội đồng kỷ luật. Biên bản của hội đồng kỷ luật phải ghi ý kiến và phải có chữ ký của đương sự.
Trước khi thủ trưởng đơn vị quyết định mức bồi thường cần lấy ý kiến của kế toán trưởng đơn vị như nghị định số 176-CP ngày 10-9-1970 của Hội đồng Chính phủ đã quy định về trách nhiệm và quyền hạn của kế toán trưởng. Quyết định của thủ trưởng phải viết thành văn bản chính thức (1 bản lưu hồ sơ, 1 bản gửi phòng kế toán, 1 bản gửi đương sự và 1 bản gửi lên cấp trên trực tiếp để báo cáo)
Đối với những vụ thiệt hại tài sản do thủ trưởng đơn vị hoặc cán bộ lãnh đạo cấp tương đương gây ra, bất kỳ ở cấp nào, cách xử lý thủ tục xử lý cũng tiến hành như đối với người khác.
Trong trường hợp thủ trưởng là người phạm lỗi, hội đồng kỷ luật của đơn vị nơi xảy ra thiệt hại sẽ do phó thủ trưởng chủ trì; nếu không có phó thủ trưởng thì cơ quan cấp trên cử một đại diện của cơ quan mình hoặc chỉ định một cán bộ có chức vụ cao nhất trong đơn vị cơ sở chủ trì. Hồ sơ về việc này kèm theo biên bản của hội đồng kỷ luật phải gửi lên cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị để xét quyết định mức bồi thường.
D. Thời hạn xử lý và thời hạn thẩm tra, xét các đơn khiếu nại, xin miễn, giảm
1. Kể từ khi phát hiện ra vụ thiệt hại tài sản, đơn vị có trách nhiệm quản lý tài sản phải lập biên bản, điều tra nguyên nhân, quy trách nhiệm. Nếu thấy đúng là do vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà công nhân, viên chức trong đơn vị đã gây ra thiệt hại thì phải xử lý trong vòng một tháng.
2. Nhận được đơn khiếu nại, xin miễn, giảm, hoãn bồi thường, cơ quan trực tiếp cấp trên có trách nhiệm điều tra, nghiên cứu và trả lời trong vòng một tháng cho đơn vị cấp dưới và đương sự.
Trong khi chờ đợi cấp trên trực tiếp xét đơn khiếu nại thì quyết định bồi thường của thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm quản lý tài sản có hiệu lực thi hành ngay khi công bố.
3. Nếu sau khi quyết định mức bồi thường và hình thức kỷ luật hành chính (nếu có) mà phát hiện những sự việc mới làm thay đổi nhận định trước về lỗi và mức độ lỗi của đương sự thì đơn vị có thẩm quyền xử lý phải xét và quyết định lại mức bồi thường và hình thức kỷ luật hành chính theo thể thức dưới đây:
- Nếu mức bồi thường và hình thức kỷ luật hành chính mới thấp hơn mức cũ, người phạm lỗi được lĩnh lại số tiền đã nộp quá và được thi hành theo hình thức kỷ luật hành chính mới;
- Nếu mức bồi thường và hình thức kỷ luận hành chính mới cao hơn mức cũ, người phạm lỗi phải bồi thường theo mức mới và phải thi hành theo hình thức kỷ luật hành chính mới;
- Nếu sự việc mới phát hiện ra có tính chất nghiêm trọng cần truy tố trước tòa án thì đơn vị có thẩm quyền xử lý cần hỏi ý kiến viện kiểm sát nhân dân (tổng công ty, cục và đơn vị trực thuộc Bộ thì hỏi ý kiến Bộ)
4. Nếu trong khi đang thi hành việc bồi thường theo vụ vi phạm cũ mà người phạm lỗi lại gây thêm một vụ tổn thất mới thì việc xử lý tổn thất mới này phải thật nghiêm khắc và người phạm lỗi phải chịu hình thức kỷ luật nặng, ngoài việc tiếp tục bồi thường theo hình phạt trước.
1. Tổ chức chuyên trách theo dõi và kiểm tra việc xử lý những thiệt hại về tài sản của Nhà nước trong ngành.
a) Ở Bộ: Vụ trưởng Vụ kế toán thống kê tài chính có trách nhiệm giúp Bộ:
- Nghiên cứu các hồ sơ tài sản bị thiệt hại thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ do Văn phòng Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ chuyển đến;
- Thẩm tra việc xử lý của các đơn vị nói trên, đề nghị Bộ bãi bỏ hay sửa đổi các quyết định bồi thường của cấp dưới, xét các đề nghị miễn, giảm, hoãn bồi thường thuộc thẩm quyền của Bộ;
Riêng việc xét đơn khiếu nại của người phạm lỗi thì do Ban thanh tra của Bộ phục trách, có sự phối hợp với Vụ kế hoạch thống kê tài chính và phòng pháp chế của Bộ;
- Định kỳ tổ chức kiểm tra việc quản lý tài sản và xử lý những thiệt hại về tài sản của Nhà nước trong ngành có sự phối hợp với Ban thanh tra và công đoàn thương nghiệp Việt-nam.
b) Tại các tổng công ty, cục quản lý nghiệp vụ trực thuộc Bộ:
Kế toán trưởng hoặc trưởng phòng kế toán tài vụ có trách nhiệm giúp thủ trưởng:
- Nghiên cứu các hồ sơ tài sản bị thiệt hại thuộc thẩm quyền xử lý của đơn vị mình do các đơn vị trực thuộc chuyển đến;
- Thẩm tra việc xử lý của các đơn vị trực thuộc, đề nghị bãi bỏ hay sửa đổi quyết định bồi thường của cấp dưới, xét các đề nghị miễn, giảm, hoãn bồi thường của các đơn vị trực thuộc;
Việc xét đơn khiếu nại của người phạm lỗi ở các đơn vị trực thuộc gửi lên do ban thanh tra thuộc tổng công ty và cục phụ trách, phối hợp với kế toán trưởng.
- Định kỳ tổ chức kiểm tra việc quản lý tài sản và xử lý những thiệt hại về tài sản trong nội bộ đơn vị mình có sự phối hợp với ban thanh tra và công đoàn của đơn vị.
c) Tại các đơn vị kinh doanh, sản xuất, phục vụ:
Kế toán trưởng của đơn vị có trách nhiệm giúp thủ trưởng:
- Mở đầy đủ các sổ sách kế toán, hồ sơ theo dõi tình hình các loại tài sản trên của đơn vị;
- Điều tra nghiên cứu, nắm tình hình, sưu tầm tài liệu và lập hồ sơ về từng vụ tổn thất tài sản;
- Đôn đốc, theo dõi thu hồi tiền bồi thường;
- Hàng tháng lập báo cáo tình hình tổn thất tài sản và báo cáo việc xử lý và thu hồi tiền bồi thường lên cấp trên.
2. Tổ chức phổ biến, học tập những văn kiện về quản lý, bảo vệ tài sản của Nhà nước.
Tất cả các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, công ty v.v... thuộc hệ thống nội thương, từ trung ương đến địa phương, có trách nhiệm tổ chức phổ biến, học tập chế độ trách nhiệm vật chất ban hành kèm theo nghị định số 49-CP ngày 9-4-1968 của Hội đồng Chính phủ, thông tư hướng dẫn số 128-TT/LB ngày 24-7-1968 của liên Bộ Tài chính – Lao động – Tổng công đoàn, pháp lệnh trừng trị tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của nhân dân và thông tư này của Bộ cho toàn thể công nhân, viên chức trong ngành để mọi người nắm vững ý nghĩa, mục đích và nội dung của chế độ trách nhiệm vật chất, trên cơ sở đó có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về trách nhiệm và vai trò làm chủ tập thể đối với tài sản của Nhà nước. Cần kết hợp việc học tập với việc tuyên dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những đơn vị và cá nhân có thành tích trong việc tiết kiệm, bảo vệ tài sản của Nhà nước và xử lý các vụ thiệt hại về tài sản ở đơn vị hiện còn chưa được giải quyết.
Phải coi việc quản lý, bảo vệ tài sản của Nhà nước là một tiêu chuẩn thi đua trong các dịp sơ kết, tổng kết công tác, là một trong những tiêu chuẩn để nhận xét, đánh giá về chất lượng cán bộ, công nhân, viên chức.
3. Thi hành các nguyên tắc, chế độ, điều lệ đã ban hành
Tất cả các cấp, các đơn vị trong ngành đều phải nghiêm chỉnh thi hành các nguyên tắc, chế độ, điều lệ đã ban hành; đồng thời phải xây dựng nội quy công tác, chế độ làm việc cụ thểm cho từng đơn vị, từng bộ phận và từng người để có căn cứ xét khen thưởng hoặc quy trách nhiệm.
Nghiên cứu kiến nghị bổ sung những điều khoản của các chế độ quản lý hiện hành nếu thấy có sơ hở, thiếu sót hoặc không còn phù hợp nhằm góp phần củng cố và hoàn chỉnh từng bước, đưa công tác quản lý tài sản vào nền nếp. Những nơi đã kiến nghị rồi, cũng cần soát xét lại và bổ sung ý kiến nếu thấy cần thiết.
4. Tất cả các đơn vị tổng công ty, cục, công ty, xí nghiệp và các vụ, viện, ban, trưởng v.v... đều phải nghiêm chỉnh chấp hành chế độ kiểm kê tài sản định kỳ và chế độ kế toán tài sản hiện hành.
Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, chính sách, chế độ và xử lý nghiêm minh là biện pháp quan trọng để tăng cường quản lý kinh tế – tài chính và bảo vệ tài sản của Nhà nước.
Cán bộ lãnh đạo các cấp và các đơn vị trong ngành phải nhận thức hết ý nghĩa, mục đích của chế độ này để đề cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện. Mặt khác, phải tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và kết hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn ở các cấp và các đơn vị trong ngành nhằm bảo đảm cho chế độ quản lý bảo vệ tài sản của Nhà nước được thực hiện nghiêm chỉnh ở từng đơn vị, từng cấp. Riêng đối với bản thân cán bộ lãnh đạo các cấp và thủ trưởng các đơn vị phải tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ, thể lệ, nội quy để nêu một gương tốt cho công nhân, viên chức, từ đó mới xây dựng được phong trào quần chúng, động viên mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo vệ tài sản của Nhà nước.
Thông tư này thay thế thông tư số 18-NT ngày 14-6-1970 của Bộ và có hiệu lực thi hành trong toàn ngành nội thương.
Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào thông tư này mà định các mức xử lý cho từng loại đơn vị cơ sở kinh doanh, sản xuất, công tác thuộc hệ thống nội thương ở địa phương mình.
Trong quá trình thực hiện các cấp và các đơn vị trong ngành nếu gặp khó khăn gì, cần phản ảnh về Bộ (qua Vụ kế toán – thống kê – tài chính) để Bộ giải quyết kịp thời và chỉ đạo thực hiện thống nhất toàn ngành.
| BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.