BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 15-BYT-TT | Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 1962 |
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ CÁC CHUYÊN KHOA Ở TRUNG ƯƠNG CHỈ ĐẠO KỸ THUẬT CÁC CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ Ở ĐỊA PHƯƠNG
Kính gửi: | - Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh |
Để giúp Bộ chỉ đạo kỹ thuật các chuyên khoa từ trung ương đến các cơ sở địa phương, làm cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo và có hiệu quả; đồng thời để không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng chuyên môn của cán bộ, tổng kết được kinh nghiệm của từng chuyên khoa, góp phần xây dựng nền y học Việt-nam, Bộ quy định các Viện, Bệnh viện, Khoa hiện nay có cán bộ, phương tiện, khả năng kỹ thuật cao nhất ở trung ương có nhiệm vụ giúp Bộ chỉ đạo về kỹ thuật chuyên môn các hệ thống chuyên khoa từ trung ương đến địa phương.
I. CÁC CHUYÊN KHOA Ở TRUNG ƯƠNG CÓ NHIỆM VỤ CHỈ ĐẠO HIỆN NAY:
- Viện Chống lao,
- Viện Đông y,
- Viện Mắt,
- Viện Vệ sinh dịch tễ học,
- Viện sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng,
- Bệnh viện C (phụ sản),
- Các Khoa Nội, Nhi, Truyền nhiễm Da liễu, Tai Mũi Họng, Giải phẫu bệnh lý ở bệnh viện Bạch-Mai,
- Các khoa ngoại, Răng và Hàm Mặt, Ung thư, X quang ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.
II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CHUYÊN KHOA
Các ông Viện trưởng, Bệnh Viện trưởng, Chủ nhiệm các khoa ở trung ương có nhiệm vụ giúp Bộ chỉ đạo về kỹ thuật chuyên môn và các mặt khác đối với hệ thống chuyên khoa từ trung ương đến địa phương, cụ thể là:
1. Nghiên cứu và phân tích tình hình bệnh tật, công tác phòng bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa của mình trong các cơ sở phòng bệnh và điều trị trong nhân dân, để đề xuất với Bộ biện pháp phòng và chữa bệnh có hiệu quả, nâng cao chất lượng điều trị, giảm dần tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh trong nhân dân đối với từng loại bệnh.
2. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ những vấn đề nghiên cứu khoa học phù hợp với yêu cầu trước mắt và lâu dài trong hoàn cảnh cụ thể của nước nhà và sau khi được Bộ thông qua, phổ biến cho địa phương phải có kế hoạch hướng dẫn và tổ chức thực hiện, đồng thời giúp Bộ xác minh những phát minh sáng kiến trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh, các luận án chuyên môn.
3. Nghiên cứu phổ biến và học tập những thành tựu khoa học tiền tiến của các nước bạn và thế giới, tổng kết những thành tựu y học trong nước, học tập Đông y để thực hiện việc kết hợp chặt chẽ giữa Đông y với Tây y.
4. Nhận xét phân tích ưu, khuyết điểm trong công tác chuyên môn, trong việc thực hiện kế hoạch chuyên môn của các cơ sở, rồi thông qua Bộ để Bộ phổ biến cho các địa phương rút kinh nghiệm.
5. Nghiên cứu đề nghị với Bộ để tổ chức những hội nghị chuyên khoa thường kỳ hay bất thường để kiểm điểm công tác chuyên khoa hoặc trình bày những vấn đề chuyên môn hoặc phổ biến những vấn đề cần thiết trong phạm vi chuyên khoa của mình.
6. Nghiên cứu, nắm tình hình về mọi mặt tổ chức, kỹ thuật, trang bị, thuốc men, đào tạo bồi dưỡng cán bộ ở các chuyên khoa, trong hoàn cảnh cụ thể để đề xuất ý kiến với Bộ về chủ trương kế hoạch từng thời kỳ cho chuyên khoa mình từ trung ương đến địa phương. Khi kế hoạch của từng chuyên khoa được Bộ thông qua và phổ biến thì các chuyên khoa phải theo dõi đôn đốc kiểm tra việc thực hiện và trong từng thời gian phải sơ kết tổng kết rút kinh nghiệm.
III. QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC
1. Các chuyên khoa trung ương đối với các Sở, Ty Y tế và các cơ sở chuyên khoa địa phương.
a) Trong từng thời gian các ông Viện trưởng Bệnh viện trưởng, Chủ nhiệm khoa hoặc các cán bộ được Bộ giới thiệu về các cơ sở địa phương công tác để hướng dẫn, bồi dưỡng cán bộ cơ sở về mặt chuyên môn kỹ thuật và nếu có điều kiện thì trực tiếp tham gia làm công tác kỹ thuật .
b) Mỗi khi các cán bộ chuyên khoa về công tác địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Sở, Ty, Phòng Y tế và Bệnh viện, do đó nên khi đến và khi đi, các kế hoạch công tác đều phải thống nhất với địa phương.
c) Hàng năm, các chuyên khoa ở trung ương phải có kế hoạch cho cán bộ chuyên khoa ở các cơ sở địa phương về tham quan, học tập thêm hoặc giải quyết những khó khăn công tác từng thời gian ngắn, để về xây dựng chuyên khoa mình ở địa phương cho tốt, nhưng tránh làm ảnh hưởng đến công tác chung.
d) Thường kỳ, hàng quý, hàng năm các cơ sở chuyên khoa ở địa phương phải báo cáo cho chuyên khoa của mình ở trung ương về các mặt công tác theo mẫu quy định và phải được Bệnh viện trưởng thông qua, đồng thời phải báo cáo trực tiếp với Sở, Ty.
2. Các Sở, Ty Y tế đối với các chuyên khoa ở trung ương và địa phương.
a) Để cho công tác lãnh đạo về mọi mặt đối với từng chuyên khoa ở địa phương cho tốt, các Sở, Ty y tế, Bệnh viện, v.v… cần phải tranh thủ ý kiến và tôn trọng sự chỉ đạo của các chuyên khoa trung ương.
b) Trong khi các cán bộ chuyên khoa về công tác ở địa phương các Sở, Ty, Phòng y tế và Bệnh viện hết sức giúp đỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ đó làm việc được tốt.
c) Sau khi Bộ đã có kế hoạch công tác cho từng chuyên khoa ở địa phương thì các cơ sở y tế địa phương phải có trách nhiệm cùng với các chuyên khoa trung ương nghiên cứu tổ chức thực hiện cho tốt kế hoạch ấy.
3. Đối với Bộ y tế.
a) Các chuyên khoa ở trung ương phải xây dựng kế hoạch chuyên khoa của mình từ trung ương đến địa phương để trình Bộ xét duyệt, và sau khi được Bộ thông qua và phổ biến cho địa phương các chuyên khoa ở trung ương có trách nhiệm cùng với các Sở, Ty y tế theo dõi, hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở chuyên khoa ở địa phương thực hiện.
b) Thường kỳ hàng quý, hàng năm, các Viện trưởng, Bệnh viện trưởng, Chủ nhiệm khoa phải báo cáo tình hình sơ kết, tổng kết công tác có nhận định, có phân tích và đề nghị những biện pháp giải quyết gửi lên Bộ.
c) Tùy từng thời gian cần thiết, Bộ có kế hoạch và tổ chức cho các chuyên khoa đi công tác ở cơ sở địa phương để nắm tình hình, đề xuất chủ trương kế hoạch với Bộ trong công tác xây dựng chuyên khoa về mọi mặt.
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Bộ tạm thời quy định nhiệm vụ cho các Viện, Bệnh viện, Khoa kể trên và sau này do công tác y tế phát triển, các chuyên khoa mới được thành lập, Bộ sẽ bổ sung sau.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gặp khó khăn, trở ngại, hoặc có những vấn đề cần sửa đổi, đề nghị các Sở, Ty Y tế các Viện, Bệnh viện, Khoa và các cơ sở chuyên khoa địa phương báo cáo Bộ biết để nghiên cứu bổ sung cho đầy đủ hơn.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.