BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 134/2010/TT-BTC | Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2010 |
HƯỚNG DẪN HỖ TRỢ LÃI SUẤT TIỀN VAY NGÂN HÀNG ĐỂ MUA TẠM TRỮ LÚA, GẠO HÈ THU NĂM 2010
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010;
Sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010 như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực được giao nhiệm vụ mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30/6/2010.
1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này để mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30/6/2010.
a) Số lượng lúa, gạo được hỗ trợ lãi suất cho từng doanh nghiệp: theo số lượng tối đa quy định tại các văn bản phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
b) Thời gian mua tạm trữ: từ ngày 15/7/2010 đến ngày 15/9/2010.
c) Thời gian tạm trữ: là thời gian tạm trữ thực tế trong khoảng thời gian từ ngày 15/7/2010 đến ngày 15/11/2010.
d) Thời gian được hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng: là thời gian tạm trữ thực tế tính từ thời điểm mua lúa, gạo theo quy định tại tiết b khoản này đến thời điểm bán lúa, gạo tạm trữ nhưng không quá thời hạn ngày 15/11/2010.
đ) Giá để tính hỗ trợ: là giá mua thực tế theo giá thị trường ( chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho từng loại lúa, gạo. Trường hợp doanh nghiệp mua gạo nguyên liệu để sản xuất chế biến ra gạo thành phẩm thì giá để tính hỗ trợ bao gồm cả chi phí sản xuất chế biến.
Căn cứ để xác định giá mua thực tế theo giá thị trường là hợp đồng mua bán, thanh lý hợp đồng, hoá đơn mua hàng, chứng từ chuyển tiền hoặc các chứng từ có liên quan khác do doanh nghiệp xuất trình.
e) Lãi suất hỗ trợ: là lãi suất tiền vay thực tế theo mức lãi suất thấp nhất trong khung lãi suất cho vay hiện hành của các ngân hàng thương mại theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 5126/NHNN -TD ngày 8/7/2010 về việc cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010.
2. Hồ sơ để xem xét hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng:
a) Công văn đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng của doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo. Riêng công văn đề nghị hỗ trợ của Tổng công ty Lương thực miền Nam cần tổng hợp đề nghị hỗ trợ của các doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng công ty.
b) Bản sao hợp đồng tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, có xác nhận của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp vay vốn về việc doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30/6/2010.
c) Bảng kê nhập, xuất, tồn kho lúa gạo mua tạm trữ. Bảng kê phải có xác nhận của Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có kho tạm trữ lúa, gạo (theo biểu mẫu số 1 đính kèm Thông tư này).
Trường hợp doanh nghiệp triển khai thu mua, tạm trữ lúa gạo tại nhiều địa phương thì doanh nghiệp lập bảng kê nhập, xuất, tồn kho lúa gạo mua tạm trữ theo từng địa phương có xác nhận của Sở Công Thương (nơi doanh nghiệp có kho tạm trữ). Căn cứ các bảng kê có xác nhận của Sở Công Thương địa phương, doanh nghiệp lập bảng kê tổng hợp nhập, xuất, tồn kho lúa gạo tạm trữ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu tổng hợp.
d) Bảng kê dư nợ vay ngân hàng để mua lúa, gạo tạm trữ và trả lãi vay ngân hàng phát sinh từ thời điểm mua đến thời điểm xuất bán nhưng không quá thời hạn ngày 15/11/2010 và có xác nhận của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp vay vốn (theo biểu mẫu số 2 đính kèm Thông tư này).
đ) Bảng tính toán lãi suất tiền vay ngân hàng mua lúa, gạo tạm trữ đề nghị được hỗ trợ (theo biểu mẫu số 3 đính kèm Thông tư này).
Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định trên, trong vòng 10 ngày làm việc, Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ và làm thủ tục hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
3. Nguyên tắc tiếp nhận hồ sơ và cấp phát kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp:
a) Đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam:
- Bộ Tài chính tiếp nhận bộ hồ sơ tổng hợp của Tổng công ty Lương thực miền Nam (không tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng công ty). Việc thẩm định hồ sơ hỗ trợ lãi suất được thực hiện một lần sau khi kết thúc thời gian tạm trữ và cấp phát thông qua tài khoản của Tổng công ty.
- Tổng công ty Lương thực miền Nam hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên lập hồ sơ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng và tổng hợp chung theo quy định tại điểm 2 Điều 2 của Thông tư này gửi Bộ Tài chính. Tổng công ty phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đã tổng hợp.
Sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ do Bộ Tài chính cấp về tài khoản Tổng công ty, trong vòng 05 ngày làm việc Tổng công ty thực hiện cấp lại cho các doanh nghiệp thành viên.
b) Đối với các doanh nghiệp khác: Bộ Tài chính tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và hỗ trợ kinh phí thông qua tài khoản của doanh nghiệp.
4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam giám sát để đảm bảo việc mua lúa, gạo tạm trữ và việc hỗ trợ lãi suất thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo Sở Công Thương kiểm tra, xác nhận bảng kê nhập xuất, tồn kho lúa, gạo tạm trữ tại các kho đóng trên địa bàn tỉnh của các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ tạm trữ (kể cả trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở tại địa bàn tỉnh).
c) Hiệp hội Lương thực Việt Nam chịu trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu và kiểm tra việc tổ chức mua lúa, gạo tạm trữ cho các doanh nghiệp theo các nguyên tắc đã nêu tại Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, công văn số 160/BCT-XNK ngày 13/7/2010 và công văn số 7307/BCT-XNK ngày 21/7/2010 của Bộ Công Thương.
5. Trách nhiệm của doanh nghiệp thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ:
a) Thực hiện mua tạm trữ lúa, gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30/6/2010 với sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
b) Chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc nhập, xuất, tồn kho lúa, gạo tạm trữ và hợp đồng tín dụng để mua lúa, gạo tạm trữ, đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo tại hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất.
c) Lưu giữ hồ sơ, chứng từ nhập, xuất, vay vốn của ngân hàng và mở sổ sách theo dõi hạch toán riêng việc thu mua tạm trữ lúa, gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30/6/2010.
d) Chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh đối với việc mua lúa, gạo tạm trữ.
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm quy định về tài chính, kế toán trong thực hiện tạm trữ lúa, gạo.
6. Hạch toán khoản hỗ trợ:
Khoản hỗ trợ lãi tiền vay ngân hàng từ ngân sách nhà nước đối với số lúa, gạo thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được hạch toán vào khoản thu nhập khác và chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2010.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để có hướng dẫn xử lý./.
Nơi nhận: | KT.BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.