BỘ LÂM NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13-LN/KL | Hà Nội , ngày 12 tháng 10 năm 1992 |
SỐ 13-LN/KL NGÀY 12-10-1992 CỦA BỘ LÂM NGHIỆP HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 18-HĐBT QUY ĐỊNH DANH MỤC THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG QUÝ, HIẾM VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, BẢO VỆ
Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành nghị định số 18-HĐBT ngày 17-1-1992 quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ. Để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định trên, nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm của nước ta, trước mắt là lập lại trật tự, kỷ cương trong việc khai thác, vận chuyển và sử dụng các loại gỗ quý hiếm, Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn cụ thể một số nội dung chủ yếu sau đây.
I- PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA NGHỊ ĐỊNH VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ
1- Quy định về chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm tại Nghị định số 18-HĐBT và Thông tư này áp dụng đối với những loại thực vật rừng, động vật rừng đã được ghi trong bản danh mục kèm theo Nghị định và áp dụng chủ yếu đối với rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Đối với rừng đặc dụng, thì thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và toàn bộ quần thể sinh vật rừng của từng khu rừng đặc dụng đều được quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt theo một quy chế đặc biệt riêng.
2- Xuất phát từ giá trị đặc biệt của thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm, Nghị định 18-HĐBT đã đề ra nguyên tắc là Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ ) thống nhất quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm trong phạm vi cả nước. Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thực hiện việc thống nhất quản lý này.
Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm trong phạm vi địa phương của mình, không được tự ý làm trái các quy định đó.
3- Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bảo vệ, phát triển nguồn lợi thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và bảo đảm quyền lợi trong việc sử dụng sản phẩm do họ làm ra.
II- CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, BẢO VỆ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG QUÝ, HIẾM.
1- Nắm tình hình thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm
Bộ Lâm nghiệp phối hợp với các cơ quan khoa học ở Trung ương chỉ đạo các địa phương có rừng tổ chức thực hiện công tác nắm tình hình thực vật rừng, động vật rừng ở từng địa phương và tổng hợp tình hình chung trong cả nước.
Các địa phương, căn cứ vào Bản danh mục, chỉ đạo việc điều tra, xác định những diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng quý , hiếm trên bản đổ và trên thực địa : thống kê số lượng, trữ lượng từng loại thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm hiện có và theo dõi diễn biến hàng năm ở từng địa phương. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý lâm nghiệp địa phương tiến hành việc khoanh giữ những khu rừng tập trung nhiều thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và tổ chức việc quản lý, bảo vệ chặt chẽ, chỉ đạo các chủ rừng thực hiện việc quản lý, bảo vệ gây nuôi, phát triển thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và tổ chức quản lý trực tiếp những diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm chưâ giao cho tổ chức, cá nhân nào quản lý sử dụng.
2- Chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm hoang dã thuộc nhóm I (IA, IB).
Nhà nước nghiêm cấm việc khai thác, sử dụng thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm I (IA, IB) : gồm những loại đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học và kinh tế, có số lượng, trữ lượng rất ít hoặc đang có nguy cơ diệt chủng.
Trường hợp đặc biệt có nhu cầu sử dụng, phải tuân theo các quy định sau đây :
- Cơ quan có nhu cầu nghiên cứu khoa học hoặc hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phải được cơ quan quản lý khoa học có thẩm quyền xác nhận về nhu cầu đó.
- Cơ quan có nhu cầu phải làm văn bản trình bày cụ thể về mục đích sử dụng, về tên loại thực vật rừng hoặc động vật rừng (tên phổ thông, la tinh), số lượng hoặc khối lượng xin lấy, địa điểm lây và có ý kiến thoả thuận của cơ quan quản lý lâm nghiệp cấp tỉnh sở tại, để báo cáo Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Khi lấy sản phẩm, cơ quan được phép sử dụng phải thực hiện đúng giấy phép và các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phải báo cho hạt kiểm lâm sở tại biết để hướng dẫn, kiểm tra, lập biên bản kiểm tra đối với sản phẩm lấy ra và phải nộp thuế tài nguyên theo chính sách hiện hành.
3- Việc khai thác, sử dụng thực vật, động vật rừng quý, hiếm , hoang dã thuộc nhóm II (IIA, IIB).
Nhà nước hạn chế việc khai thác, sử dụng thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm II (IIA; IIB) : gồm những loại có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt và có nguy cơ diệt chủng.
a) Việc khai thác sử dụng các loại gỗ quý, hiếm thuộc nhóm IIA.
- Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp căn cứ vào tình hình rừng và nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu , trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng khối lượng gỗ khai thác hàng năm, trong đó ấn định rõ khối lượng gỗ quý, hiếm thuộc nhóm IIA được phép khai thác.
- Các tỉnh, thành phố có rừng, trong khi trình Bộ Lâm nghiệp duyệt thiết kế khai thác rừng hàng năm, phải có thiết kế cụ thể về khối lượng từng loại cây gỗ quý, hiếm thuộc nhóm IIA của từng đơn vị để báo cáo Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt chỉ tiêu khai thác gỗ quý, hiếm hàng năm của các địa phương trong cả nước. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được duyệt đó, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp quyết định giao chỉ tiêu khai thác gỗ quý, hiếm cho các tỉnh, thành phố và giao cụ thể cho từng đơn vị Trung ương, địa phương.
- Chủ rừng, khi khai thác phải chấp hành đúng thiết kế được duyệt, lệnh mở rừng của Bộ Lâm nghiệp và quy trình khai thác phải tận dụng sản phẩm của gây gỗ đã chặt hạ và nhanh chóng đưa ra khỏi rừng không được để gỗ bị hư hỏng, tồn rừng. Gỗ khai thác ra phải được hạt kiểm lâm sở tại kiểm tra, đo đếm lập lý lịch từng loại cây, đóng dấu búa kiểm lâm, lập biên bản kiểm tra và phải nộp thuế tài nguyên theo chính sách hiện hành.
- Nhà nước đã quy định gỗ quý, hiếm chỉ được sử dụng để xây dựng các công trình đặc biệt của Nhà nước, chế biến hàng mỹ nghệ, đồ mộc cao cấp phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng gỗ quý, hiếm (nhóm IIA), phải làm văn bản trình bày rõ nhu cầu sử dụng, khối lượng chủng loại, địa điểm mua và có xác nhận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi cư trú hoặc Bộ chủ quản, để báo cáo sở lâm nghiệp sở tại xét, cho phép. đối với gỗ quý, hiếm (nhóm IIA) xử lý tịch thu, cũng áp dụng theo quy định này.
Khi vận chuyển gỗ ra ngoài tỉnh, phải có giấy phép vận chuyển đặc biệt của Bộ Lâm nghiệp.
b) Đối với các loại thực vật rừng ngoài cây lấy gỗ, thuộc nhóm IIA.
- Chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân hợp đồng mua bán với chủ rừng, khi có nhu cầu khai trhác, phải làm văn bản trình bày cụ thể về loại cây, số lượng, địa điểm khai thác, để báo cáo cơ quan quản lý lâm nghiệp cấp tỉnh xét, cho phép.
- Khi khai thác, người được phép khai thác phải chấp hành đúng giấy phép và quy trình kỹ thuật lâm nghiệp. Lâm sản khai thác ra phải được hạt kiểm lâm sở tại kiểm tra, lập biên bản kiểm tra và phải nộp thuế tài nguyên theo chính sách hiện hành. Khi vận chuyển ra ngoài tỉnh, phải có giấy phép vận chuyển do chi cục kiểm lâm sở tại cấp.
c) Đối với động vật rừng thuộc nhóm IIB.
- Chỉ được bẫy bắt trong trường hợp thật cần thiết như tạo giống gây nuôi, phục vụ nghiên cứu khoa học, trao đổi quốc tế về giống hoặc phục vụ những yêu cầu cần thiết khác.
- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bẫy bắt, phải làm văn bản trình bày rõ nhu cầu sử dụng, tên loài động vật rừng (tên phổ thông, la tinh), số lượng , phương pháp và phương tiện bẫy bắt, địa điểm bẫy bắt và có ý kiến để nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi cư trú hoặc Bộ chủ quản, để báo cáo Bộ trưởng Bộ lâm nghiệp xét, cho phép.
- Tổ chức, cá nhân được phép bẫy bắt phải chịu sự hướng dẫn của chủ rừng nơi bẫy bắt và có trách nhiệm giải quyết thoả đáng lợi ích của chủ rừng theo sự thoả thuận giữa hai bên. Động vật rừng đã bẫy bắt, phải được hạt hiểm lâm sở tại kiểm tra, lập biên bản kiểm tra và phải nộp thuế tài nguyên theo chính sách hiện hành. Khi vận chuyển ra ngoài tỉnh, phải có giấy phép vận chuyển đặc biệt của Bộ Lâm nghiệp.
4- Việc khai thác, sử dụng thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm I, nhóm II do tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn nuôi trồng.
a) Đối với thực vật rừng (nhóm IA, IIA) do tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn gây trồng, khoanh nuôi phục hồi rừng, khi cây đến tuổi khai thác thì chủ rừng được khai thác, sử dụng và tiêu thụ sản phẩm, nhưng phải báo cho hạt kiểm lâm sở tại biết để kiểm tra, lập biên bản kiểm tra đối với sản phẩm đã khai thác (xác nhận sản phẩm tự bỏ vốn gây trồng và khối lượng, chủng loại).
b) Đối với động vật rừng thuộc nhóm IB, chủ rừng chỉ được sử dụng chung với mục đích gây nuôi phát triển tại chỗ.
Cơ quan quản lý lâm nghiệp địa phương có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ các chủ rừng gây nuôi phát triển động vật rừng quý, hiếm và báo cáo Bộ Lâm nghiệp để có hướng sử dụng trong việc bảo tồn các loại động vật đặc hữu này và giải quyết quyền lợi vật chất cho họ.Mọi nhu cầu sử dụng đối với nguồn động vật này, đều phải làm văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp xét, cho phép.
c) Đối với dộng vật rừng thuộc nhóm IIB, chủ rừng ngoài mục đích sử dụng chúng để gây nuôi phát triển, được quyền sử dụng động vật sống từ thế hệ hai trở đi để trao đổi với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu gây nuôi phát triển. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng này phải làm văn bản báo cáo và được sở lâm nghiệp sở tại cho phép. Khi trao đổi, chủ rừng phải báo cho hạt kiểm lâm sở tại biết để kiểm tra, lập biên bản kiểm tra đối với sản phẩm đã tiêu thụ (xác nhận sản phẩm tự bỏ vốn gây nuôi, từ thế hệ hai trở đi và tên loài động vật, số lượng).
Đối với việc khai thác, sử dụng thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm do tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn nuôi trồng, thì sản phẩm lấy ra được miễn thuế tài nguyên. Trường hợp vận chuyển ra ngoài tỉnh, phải có giấy phép vận chuyển do chi cục kiểm lâm sở tại cấp.
5- Trong trường hợp thú rừng thuộc loại quý, hiếm phá hoại sản xuất hoặc đe doạ tính mạng con người thì được xua đuổi, đồng thời phải báo cáo với chính quyền địa phương và hạt kiểm lâm sở tại biết để có biện pháp hỗ trợ. Trong trường hợp thú rừng phá hoại trên quy mô lớn, nghiêm trọng, thì phải báo cáo về tỉnh và Bộ Lâm nghiệp để có biện pháp giải quyết . Chỉ trong trường hợp việc tổ chức thực hiện những biện pháp của cơ quan có thẩm quyền không có hiệu quả và khi thú rừng uy hiếp trực tiếp tính mạng con người, thì mới được áp dụng biện pháp phòng vệ chính đáng và sau đó phải báo cáo về tình và Bộ Lâm nghiệp.
III- THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN ĐẶC BIỆT
Việc vận chuyển các loại lâm sản quý, hiếm phải theo đúng các thủ tục quy định tại Thông tư số 8-LN/KL ngày 25-4-1992 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn kiểm tra khai thác và vận chuyển lâm sản.
Về thủ tục cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt, quy định như sau :
1- Tổ chức, cá nhân xin giấy phép vận chuyển đặc biệt thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và sản phẩm của chúng, phải xuất trình tại Cục kiểm lâm thuộc Bộ Lâm nghiệp các văn bản sau đây :
a) Đối với giấy phép vận chuyển đặc biệt các loại gỗ quý, hiếm thuộc nhóm IIA.
a1) Văn bản xin Bộ Lâm nghiệp cho vận chuyển gỗ quý, hiếm, nội dung nêu rõ: nguồn gốc gỗ (mua ở đâu, cơ quan cho phép), khối lượng, chủng loại gỗ, địa điểm vận chuyển (từ nơi nào đến nơi nào), thời gian vận chuyển. Kèm theo có bản sao (photocopy) văn bản xin mua gỗ và ý kiến phê duyệt của cơ quan quản lý lâm nghiệp nơi mua gỗ.
a2) Đăng ký hành nghề (đối với người kinh doanh).
a3) Hồ sơ gỗ có nguồn gốc khai thác hợp pháp :
- Bản sao hồ sơ thiết kế khai thác được Bộ Lâm nghiệp duyệt và lệnh mở cửa rừng của Bộ Lâm nghiệp.
- Biên bản kiểm tra của hạt kiểm lâm sở tại đối với gỗ xử lý tịch thu, phải có bản sao (photocoppy) quyết định xử lý của cơ quan kiểm lâm và có xác nhận đề nghị của chi cục kiểm lâm sở tại.
- Lý lịch gỗ có xác nhận của chi cục kiểm lâm sở tại (ghi rõ số dấu búa kiểm lâm đóng vào gỗ).
b) Đối với giấy phép vận chuyển đặc biệt động vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm IIA.
b1) Văn bản xin Bộ Lâm nghiệp cho vận chuyển động vật rừng quý, hiếm, nội dung nêu rõ nguồn gốc động vật rừng (được phép bẫy bắt ở đâu), tên loài động vật rừng, số lượng, địa điểm vận chuyển (từ nơi nào đến nơi nào), thời gian vận chuyển. Kèm theo có văn bản xin bẫy bắt và ý kiến phê duyệt của Bộ Lâm nghiệp.
b2) Biên bản kiểm tra của hạt kiểm lâm sở tại.
2- Cục kiểm lâm nhận hồ sơ, kiểm tra xem xét để trình lãnh đạo Bộ xét duyệt. Sau khi được duỵêt, Cục kiểm lâm cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt cho các đối tượng xin vận chuyển.
Khi vận chuyển, người vận chuyển phải sử dụng bản chính giấy phép vận chuyển đặc biệt.
Đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt, trường hợp phải xin gia hạn vận chuyển, thì phải có văn bản trình bày rõ lý do, số lượng đã vận chuyển, số lượng chưa vận chuyển, thời gian xin gia hạn và có kiểm tra, xác nhận của chi cục kiểm lâm sở tại, để xuất trình Cục kiểm lâm kiểm tra xem xét trình lãnh đạo Bộ duyệt và sau đó Cục kiểm lâm ký gia hạn vận chuyển.
Nhận được Thông tư này, Bộ Lâm nghiệp yêu cầu các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 18-HĐBT và Thông tư hướng dẫn này trong phạm vi địa phương mình. Đối với mọi hành vi vi phạm, phải kiểm tra, lập biên bản và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cục kiểm lâm có trách nhiệm giúp Bộ theo dõi, chỉ đạo thực hiện và từng thời gian tổng hợp tình hình để báo cáo lãnh đạo Bộ
| Phan Thanh Xuân (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.