UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC | VIỆT |
Số: 1153-KHKT/TT | Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1974 |
Ngày 25 tháng 9 năm 1974 Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 216-CP ban hành Điều lệ quản lý đo lường. Căn cứ vào điều 2 của nghị định, Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước ra thông tư này nhằm giải thích thêm một số điểm và hướng dẫn các Bộ, các ngành và các địa phương trong việc thi hành bản Điều lệ đó.
I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ
Đo lường là cơ sở quan trọng của quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật nhưng để phát huy đầy đủ tác dụng của đo lường thì cần phải quản lý chặt chẽ các hoạt động đo lường mọi lĩnh vực.
Từ năm 1945 đến gần đây, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp chế mà nội dung có liên quan ít nhiều đến công tác quản lý đo lường. Tuy nhiên các văn bản đó chưa đề cập đến một cách toàn diện nhiều mặt quan trọng của quản lý đo lường như kiểm định, giám sát, tổ chức hệ thống cơ quan quản lý đo lường và trách nhiệm các ngành các cấp…
Nay, khi Đảng và Chính phủ chủ trương tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế và kỹ thuật, thì việc đưa công tác quản lý đo lường vào nề nếp qua việc ban hành một số điều lệ gốc về quản lý đo lường là rất cần thiết. Hơn nữa quản lý đo lường tốt sẽ có tác dụng thúc đẩy đo lường phát triển, đáp ứng kịp thời những yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.
II. ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH ĐIỀU LỆ
Điều lệ này dùng để quản lý tất cả các hoạt động đo lường trong nước. Mọi người từ thủ trưởng đến cán bộ, công nhân viên, trong mọi hoạt động đo lường, ở các ngành, các cấp, đều có trách nhiệm, ở cương vị của mình, thi hành điều lệ.
Đó là: - những người dùng thiết bị dụng cụ đo để đo trong sản xuất, giao nhận, buôn bán…
- những người sản xuất, sửa chữa, nhập, kinh doanh thiết bị, dụng cụ đo.
- những người kiểm tra, kiểm định thiết bị, dụng cụ đo;
- những người quản lý các cơ quan, các tổ chức có những hoạt động trên.
Khi nghiên cứu và thi hành điều lệ, cần quán triệt hai nguyên tắc chính:
1. Tăng cường sự quản lý của Nhà nước: Nhà nước ta quản lý chặt chẽ mọi hoạt động kinh tế. Để quản lý thống nhất đo lường trong cả nước và thúc đẩy đo lường tiến lên nhịp nhàng và cân đối với các lĩnh vực khác, Nhà nước phải ban hành các pháp chế về đo lường, danh mục các thiết bị và dụng cụ đo phải qua kiểm định Nhà nước và quy trình kiểm định, các cơ quan quản lý đo lường Nhà nước phải thanh tra, giám sát, kiểm định các chuẩn và các thiết bị chuẩn, duyệt thiết kế và mẫu các thiết bị, dụng cụ đo…
2. Đề cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng; thủ trưởng các ngành, các cấp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng đo lường trong phạm vi mình phụ trách. Muốn quản lý tốt, sản xuất tốt, thủ trưởng phải chăm lo đến tình trạng đo lường trong đơn vị mình, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, tận dụng và phát huy khả nặng của đơn vị, giảm nhẹ phần giúp đỡ của Nhà nước và của cấp trên.
Cần vận dụng đúng đắn và sáng tạo hai nguyên tắc này, tranh thủ tối đa sự chỉ đạo và giúp đỡ của các cơ quan quản lý đo lường Nhà nước, đồng thời đề cao tinh thần trách nhiệm và tự lực cánh sinh cao nhất của thủ trưởng.
IV. HỆ THỐNG CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG
Hệ thống cơ quan quản lý đo lường gồm có:
- Các cơ quan quản lý đo lường Nhà nước từ trung ương đến các địa phương;
- Các cơ quan quản lý đo lường thuộc các ngành, các cơ sở.
Trực thuộc Cục đo lường Nhà nước trung ương có những cơ sở đặt ở một số địa bàn quan trọng, phụ trách quản lý đo lường trong một số lĩnh vực đặc biệt, thường là phức tạp, hoặc trong một địa bàn rộng lớn, mà phòng đo lường địa phương chưa thể đảm nhiệm được. Tuỳ quy mô mà gọi cơ sở đó là trạm, phòng hay chi cục…
Cơ sở thuộc các ngành thì phân ra hai loại: loại 1, mà thiết bị, dụng cụ phải qua kiểm định Nhà nước, không cần tổ chức một bộ phận quản lý đo lường có chuẩn để kiểm định, nhưng ít nhất có 1, 2 cán bộ để hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra thực hiện điều lệ và đăng ký xin kiểm định.
Loại 2, mà thiết bị, dụng cụ đo do cơ sở tự kiểm định hoặc nhờ một số cơ sở khác hay một cơ quan đo lường Nhà nước kiểm định nhưng không có tính chất kiểm định Nhà nước, cần tổ chức bộ phận quản lý đo lường theo điều lệ này và điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.
Sau khi xem xét điều kiện và khả năng vật chất và kỹ thuật của một số xí nghiệp lớn hoặc ngành đặc biệt và sau khi bàn bạc thoả thuận, cục đo lường Nhà nước trung ương công nhận và uỷ quyền kiểm định Nhà nước cho những tổ chức đó mà điều lệ gọi là tổ chức quản lý đo lường đặc biệt (tiết 6 điều 31).
Nói chung các tổ chức quản lý đo lường ở cấp bộ, ngành không phụ trách kiểm định và không có chuẩn để kiểm định. Trường hợp đặc biệt nếu cần trang bị chuẩn và phụ trách kiểm định thì phải xem xét tính toán kỹ lợi hại các mặt và phải được sự thoả thuận của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.
V. KIỂM ĐỊNH THIẾT BỊ, DỤNG CỤ ĐO
Đây là một biện pháp kỹ thuật và hành chính quan trọng nhất để quản lý thiết bị, dụng cụ đo, thông qua việc kiểm tra tính năng kỹ thuật và công nhận tính hợp pháp. Tuỳ theo mục đích sử dụng mà quy định thiết bị, dụng cụ đo có phải qua kiểm định hay không và ở cấp nào. Cơ quan quản lý đo lường Nhà nước kiểm định những thiết bị, dụng cụ đo trong danh mục Nhà nước kiểm định. Các ngành, cơ sở kiểm định những thiết bị, dụng cụ đo thuộc diện tự quản.
Những thiết bị, dụng cụ đo dùng trong giảng dạy, triễn lãm hoặc trong gia đình…, không dùng trong trao đổi, mua bán thì không phải qua kiểm định.
- Nói chung mỗi thiết bị, dụng cụ đo đều phải qua hai loại kiểm định:
- Kiểm định ban đầu, thường là kiểm định Nhà nước, trừ những thiết bị, dụng cụ đo được sửa chữa ở xí nghiệp sản xuất;
- Kiểm định định kỳ, do cơ quan quản lý đo lường Nhà nước hay ngành, cơ sở chủ quản kiểm định là tuỳ theo mục đích sử dụng của thiết bị, dụng cụ đo.
VI. THANH TRA, GIÁM SÁT, TRỌNG TÀI
Thanh tra về đo lường là để nắm một cách tổng hợp tình hình đo lường và quản lý đo lường, việc chấp hành các chế độ thể lệ về đo lường và quản lý đo lường ở cơ sở, việc thực hiện các trách nhiệm về đo lường và quản lý đo lường của các cơ quan chức năng và của từng cá nhân phụ trách.
Nội dung giám sát về đo lường bao gồm một số mặt cụ thể của nội dung thanh tra, và thường có tiến hành kiểm định bất thường thiết bị, dụng cụ đo và kiểm tra bất thường kết quả đo.
Chỉ có thủ trưởng cơ quan quản lý đo lường Nhà nước mới có trách nhiệm thanh tra về đo lường và uỷ nhiệm cho cán bộ của mình tiến hành công việc giám sát. Cán bộ được uỷ quyền phải là người trung thực chí công vô tư, có đủ trình độ về chuyên môn nghiệp vụ. Trong giấy uỷ nhiệm cần ghi rõ những nội dung cần giám sát.
Trong công tác trọng tài, cơ quan quản lý đo lường Nhà nước chỉ kết luận về mặt đo lường mà không đứng ra xử lý các vụ tranh chấp, nhưng kết luận của cơ quan quản lý đo lường Nhà nước là cao nhất về mặt đo lường.
VII. SẢN XUẤT THIẾT BỊ, DỤNG CỤ ĐO
Cục đo lường Nhà nước trung ương xét duyệt thiết kế và mẫu của thiết bị, dụng cụ đo nhưng không quyết định cho phép sản xuất. Căn cứ vào biên bản xét duyệt thiết kế và mẫu, Hội đồng xét duỵêt sản phẩm của Nhà nước, thành lập theo quyết định số 60-CP ngày 21-4-1971 của Hội đồng Chính phủ, sẽ quyết định cho sản xuất.
Ngoài bản thiết kế, khi cục đo lường Nhà nước trung ương thấy cần thiết, còn phải xét duỵêt mẫu của thiết bị, dụng cụ đo vì có những trường hợp chỉ có thể xem xét và thử nghiệm tính năng kỹ thuật trên mẫu.
Sự bãi bỏ hiệu lực của việc xét duyệt mẫu và thiết kế của thiết bị, dụng cụ đo cũng là căn cứ kỹ thuật để Nhà nước xét và quyết định ngừng sản xuất loại thiết bị, dụng cụ đó.
VIII. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC MẮT
1. Thông qua các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí, phát thanh ở trung ương và địa phương, kịp thời phổ biến điều lệ đến tất cả các cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan và tổ chức của Nhà nước và của nhân dân. Tổ chức những buổi nói chuyện, giải thích điều lệ, những triển lãm nhỏ, trưng bày tranh ảnh, áp phích ở những nơi công cộng
2. Các Bộ, Tổng cục và cơ sở cần tổ chức điều tra về tình hình đo lường và quản lý đo lường, nắm tình hình trang bị, cán bộ và công nhân kỹ thuật đo lường và xem xét yêu cầu và khả năng. Đồng thời nên tăng cường hoặc tổ chức mới bộ phận chuyên trách quản lý đo lường trong phạm vi Bộ, Tổng cục hoặc cơ sở. Cần sớm chỉ định cán bộ phụ trách và nên chọn người có kiến thức khá về đo lường và quản lý đo lường, ở những cơ sở lớn nên chọn cán bộ có trình độ đại học và có kinh nghiệm công tác. Bộ, Tổng cục nên chọn một vài xí nghiệp làm thí điểm về tổ chức quản lý đo lường.
Sau đó, nên lập kế hoạch dài (1976-1980) và kế hoạch 1975 về đo lường và quản lý đo lường bao gồm nhiệm vụ và nội dung, tổ chức, cơ cấu, biên chế cán bộ, công nhân, trang bị trụ sở, tài chính, yêu cầu và tổ chức sản xuất, nhập, sửa chữa, kiểm định thiết bị, dụng cụ đo, đào tạo cán bộ…
Căn cứ vào điều lệ của Nhà nước, Bộ, Tổng cục và cơ sở xây dựng và ban hành những quy định cụ thể trong ngành và cơ sở.
3. Ở những địa phương đã có phòng đo lường thì ông chủ tịch Uỷ ban hành chính cần soát xét lại tổ chức và hoạt động, có kế hoạch chấn chỉnh, tăng cường, củng cố cơ quan đó và soát xét lại những văn bản pháp chế của địa phương, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều lệ Nhà nước.
Ở địa phương chưa có phòng đo lường thì cần chuẩn bị và cho thành lập.
Trong những công việc này cần tranh thủ sự giúp đỡ của Cục đo lường Nhà nước trung ương.
4. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Bộ Vật tư cần phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch nhập kịp thời những thiết bị, dụng cụ đo và linh kiện, phụ tùng thay thế. Cần rút kinh nghiệm về việc lên đơn hàng, nhập, bảo quản, phân phối…từ đó đề ra một nề nếp chặt chẽ và hợp lý cho những năm sau.
5. Các Bộ, Tổng cục, địa phương và cơ sở cần trước hết tổ chức việc sửa chữa trong nội bộ mình, đồng thời hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và một số Bộ, Tổng cục nghiên cứu việc tổ chức phân công sửa chữa một số loại thiết bị, dụng cụ đo đặc biệt (điện, điện tử, quang học…).
6. Cần xúc tiến xây dựng và lắp đặt những xí nghiệp sản xuất thiết bị, dụng cụ đo đã ký kết với nước ngoài.
Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cần có quy hoạch và tạo điều kiện cho một số xí nghiệp, hợp tác xã sản xuất một số thiết bị, dụng cụ đo thông dụng.
7. Song song với việc Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước tăng cường mở những lớp ngắn hạn để bồi dưỡng cán bộ đo lường, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Lao động cần bàn với Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước để đưa chương trình giảng dậy về đo lường và quản lý đo lường vào các khoa của các trường, đồng thời nguyên cứu việc tổ chức đào tạo tập trung cán bộ đo lường.
Các Bộ, Tổng cục, địa phương cũng cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ và công nhân kỹ thuật đo lường trong ngành và địa phương.
Thông tư này chỉ giải thích một số vấn đề lớn về nguyên tắc. Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện, các ngành, các cấp cần liên hệ với Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước, để bàn bạc và cùng tìm cách giải quyết kịp thời những khó khăn mắc mứu.
Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước sẽ tiếp tục ra một số thông tư khác về những vấn đề cụ thể và chi tiết.
| K.T CHỦ NHIỆM UỶ BAN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.