BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 11-LĐ-TT | Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 1964 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI HỌC CÁC TRƯỜNG, LỚP TẠI CHỨC, HÀM THỤ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP VÀ ĐẠI HỌC
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | - Các ông bộ trưởng các bộ, |
Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 101-TTg ngày 11-10-1962 ban hành quy chế chung về tổ chức các trường, lớp tại chức trung học chuyên nghiệp và đại học, Chỉ thị số 96-TTg ngày 30-09-1963 quy định chế độ nghỉ công tác, nghỉ sản xuất cho cán bộ, công nhân, viên chức theo học các trường, lớp nói trên. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 16-TTg ngày 24-02-1964, ở điểm 2 quy định mức lương khởi điểm mới đối với học sinh tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp và sinh viên tốt nghiệp các trường đại học.
Thi hành các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động ra Thông tư này hướng dẫn chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học các trường, lớp tại chức, hàm thụ trung học chuyên nghiệp và đại học, cụ thể như sau:
I. QUYỀN LỢI CỦA HỌC VIÊN TRONG THỜI GIAN HỌC TẬP
A. Cách tính thời gian nghỉ:
Thời gian nghỉ công tác, nghỉ sản xuất để ôn tập, kiểm tra, thi tốt nghiệp hoặc làm luận án, làm đồ án thiết kế hay thực tập chuyên khoa đã quy định ở các điểm 1, 2 trong Chỉ thị số 96-TTg ngày 30-09-1963 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian nghỉ ấy tính theo lịch (tuần, tháng lịch). Trường hợp do sự sắp xếp của nơi mở trường, lớp hoặc do nhu cầu công tác, học viên phải nghỉ nhiều lần xen kẽ vào các ngày làm việc thì tính 26 ngày lao động là một tháng nghỉ.
B. Vấn đề trả lương và các phụ cấp trong thời gian nghỉ:
Trong thời gian nghỉ nói trên, học viên được hưởng nguyên lương (lương cấp bậc hoặc lương chức vụ, không phải lương trả theo sản phẩm); nếu hưởng lương tháng thì lấy tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ để tiếp tục trả lương trong thời gian nghỉ: nếu hưởng lương ngày thì áp dụng như Thông tư số 19-LĐ-TT ngày 30-07-1960 của Bộ Lao động (Thông tư về việc thi hành chế độ lương ngày trong khu vực sản xuất).
Ngoài quyền lợi được hưởng nguyên lương, học viên còn được hưởng các phụ cấp hiện đang hưởng như: phụ cấp khu vực, phụ cấp kỹ thuật, phụ cấp cho cán sự, nhân viên công trường, phụ cấp thâm niên đặc biệt cho một số nghề, vv… (trừ các phụ cấp có tính chất không thường xuyên khi làm thì hưởng, không làm thì thôi như: phụ cấp giảng dạy, phụ cấp trực bệnh viện, phụ cấp lặn theo độ sâu, phụ cấp lưu động cho lái xe vận tải, phụ cấp lưu động cho công nhân, viên chức làm công tác thăm dò, khảo sát, đo đạc, vv…). Điều kiện và thời gian được hưởng từng chế độ phụ cấp, áp dụng như các văn bản hiện hành.
Lương và phụ cấp của học viên trong thời gian nghỉ do các cơ quan, xí nghiệp có người đi học trả.
II. QUYỀN LỢI CỦA HỌC VIÊN SAU KHI TỐT NGHIỆP
A. Mức lương khởi điểm:
Sau khi tốt nghiệp, học viên được hưởng các mức lương khởi điểm như học viên tốt nghiệp các trường tập trung, Bộ Lao động đã quy định ở điểm 1, trong Thông tư số 04-LĐ-TT ngày 09-03-1964 và các văn bản kế tiếp.
B. Điều kiện được hưởng các mức lương khởi điểm nói trên:
1. Học viên phải được đào tạo đúng quy chế về tổ chức các trường, lớp trung học chuyên nghiệp và đại học tại chức đã quy định ở Nghị định số 101-TTg ngày 11 tháng 10 năm 1962 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Học viên phải tốt nghiệp và được sử dụng đúng nghiệp vụ, đúng chức vụ được đào tạo.
C. Thời gian áp dụng các mức lương khởi điểm nói trên:
Các mức lương khởi điểm nói trên được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 1964.
Trong khi áp dụng cần chú ý:
1. Những học viên đã tốt nghiệp mà cơ quan, xí nghiệp đã xếp lương trước 01-01-1964 theo các mức lương khởi điểm cũ thì được tiếp tục hưởng như cũ.
2. Những học viên mới tốt nghiệp từ 01-01-1964 lại đây mà cơ quan, xí nghiệp đã xếp lương theo các mức lương khởi điểm cũ thì từ 01-07-1964 sẽ xếp lại và hưởng mức lương khởi điểm mới, nhưng không phải truy hoàn khoản tiền đã hưởng cao hơn trong thời gian trước 01-07-1964.
D. Cách xếp lương sau khi tốt nghiệp, được sử dụng đúng nghiệp vụ, đúng chức vụ được đào tạo:
1. Những người mà bậc lương đã xếp trước khi tốt nghiệp thấp hơn các mức lương quy định thì được xếp vào các mức lương ấy.
2. Những người mà bậc lương đã xếp trước khi tốt nghiệp bằng hoặc cao hơn các mức lương quy định thì giải quyết như sau:
- Giữ nguyên bậc lương cũ, không xếp lại, nếu cơ quan sử dụng xét thấy bậc lương cũ so với công việc được giao và tương quan với những người cùng chức vụ ở trong đơn vị đã hợp lý;
- Được xếp cao hơn mức lương khởi điểm mới. Nếu sau khi tốt nghiệp, công việc được giao nặng hơn và trình độ khả năng trội hơn rõ rệt theo tương quan ở đơn vị công tác.
Đối với trường hợp này, đơn vị sử dụng đề nghị bậc lương và phải được Bộ chủ quản hoặc Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xét duyệt mới được thi hành.
III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH
Thông tư này áp dụng đối với các trường, lớp tại chức trung học chuyên nghiệp và đại học một ở theo đúng tinh thần Nghị định số 101-TTg ngày 11-10-1962, Chỉ thị số 96-TTg ngày 30-09-1963 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục.
Đối với học viên tốt nghiệp các trường, lớp nói trên, các Bộ, ngành và địa phương cần quyết định xong mức lương mới trong thời gian tối đa là sáu tháng; học viên được hưởng mức lương mới kể từ ngày có quyết định xếp lương, không đặt vấn đề truy lĩnh.
Riêng đối với học viên tốt nghiệp các trường, lớp sư phạm hàm thụ, tại chức trung cấp và đại học, Bộ Giáo dục sẽ ra văn bản hướng dẫn sau.
Trong quá trình thi hành, nếu gặp các mắc mứu gì, đề nghị các Bộ, các ngành, các địa phương phản ảnh cho Bộ Lao động biết để góp ý kiến giải quyết.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.