BỘ NÔNG NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 08-NN/TT | Hà Nội , ngày 13 tháng 04 năm 1962 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 97-CP NGÀY 31-07-1961 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ THỂ LỆ SÁT SINH TRÂU BÒ
Ngày 31 tháng 07 năm 1961 Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 97-CP về thể lệ sát sinh trâu bò.
Theo điều 13 của nghị định, Bộ Nông nghiệp ra Thông tư này để hướng dẫn việc thi hành nghị định trên như sau:
I. MỤC ĐÍCH CỦA THỂ LỆ SÁT SINH TRÂU BÒ
Trong thời kỳ kháng chiến Chính phủ đã ban hành thể lệ sát sinh trâu bò, nhưng đến nay, trước yêu cầu của sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, và trước tình hình quan hệ sản xuất ở nông thôn đã đổi mới, một số điểm trong bản thể lệ sát sinh ấy không còn phù hợp nữa.
Ngày 31-07-1961, Chính phủ ban hành nghị định số 97-CP về sát sinh trâu bò theo tinh thần dưới đây:
Hiện nay và cả trong một thời gian dài sau này nữa, trâu bò vẫn là lực lượng chủ yếu để giải quyết sức cày kéo, góp phần cung cấp thực phẩm cho nhân dân và tăng thêm nguồn phân bón cho trồng trọt. Nhất là trước tình hình tăng vụ, khai hoang và thâm canh tăng năng suất ngày càng cao, đòi hỏi phải có đủ sức kéo, mà trâu bò của ta trong mấy năm qua phát triển chậm, riêng năm 1961 lại sút hơn năm 1960. Vì vậy việc bảo vệ và phát triển đàn trâu bò cày kéo bằng cách thực hiện tiết kiệm, kiên quyết chống lạm sát là một yêu cầu hết sức khẩn trương và cần thiết.
- Khu vực chăn nuôi theo hướng xã hội chủ nghĩa bao gồm các nông trường, các trại, các cơ sở chăn nuôi tập trung của Nhà nước cũng như của hợp tác xã đòi hỏi phải có những biện pháp tích cực nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu bò và loại được những con già, cọc, xấu, làm cho đàn trâu bò ngày một tốt hơn, để đảm bảo tiêu thụ, điều hòa đi đôi với sản xuất.
- Việc mổ thịt trâu bò cung cấp cho thị trường đến nay tập trung vào mậu dịch quốc doanh, càng có điều kiện đề cao ý thức chấp hành tiêu chuẩn mổ thịt, đề cao công tác phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh thực phẩm ở các lò mổ, theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
- Chính quyền xã ngày càng được củng cố, để tránh bớt phiền phức cho nhân dân, khi cần xin phép mổ thịt trâu,bò, Chính phủ giao trách nhiệm cho Ủy ban hành chính xã xét cho phép mổ thịt những con trâu bò từ 12 tuổi trở lên quả thực đã hết cả 2 khả năng sinh sản và cày kéo.
Điều 2 và điều 3 của nghị định quy định:
“Chỉ được phép mổ thịt những con trâu bò từ 12 tuổi trở lên không còn đủ cả 2 khả năng cày kéo và sinh sản. Những trâu bò dưới 12 tuổi phải được bảo vệ để dùng vào việc cày, kéo, sinh sản và lấy sữa”.
Việc quy định trâu bò 12 tuổi trở lên không còn đủ khả năng cày kéo và sinh sản mới được phép mổ thịt là một tiêu chuẩn để Ủy ban hành chính xã căn cứ vào đó mà thi hành đúng theo những điều đã quy định trong nghị định. Tuy nhiên, nếu cá biệt có có những con trâu bò tuy đã 12 tuổi trở lên, còn mập béo, cày kéo khỏe, hoặc sinh sản được thì không nên máy móc cho mổ thịt.
Trâu bò từ 12 tuổi trở lên thì răng ở hàm dưới đã thay và mòn nhiều, răng nọ cách răng kia một kẽ hở, sừng có từ 10 ngấn trở lên. Ngoài xem răng và sừng, còn phải kết hợp xem ngoại hình con vật, tầm vóc, mập béo gầy yếu, v.v…
Những con dưới 12 tuổi thì cần được bảo vệ. Đối với trâu bò thuộc loại này, chỉ được phép mổ thịt trong những trường hợp đặc biệt đã ghi ở điều 3 của nghị định.
1. Bò cóc là loại bò nhỏ, giống xấu, mặc dầu có chăm vỗ cũng lâu lớn và lớn có hạn, khả năng cày kéo và sinh sản đều kém.
Trâu bò, dê, nghé gầy yếu, còi cọc là những con dù đã chăm sóc chu đáo hay nuôi dưỡng lâu cũng không thể béo khỏe đủ sức cày kéo hay sinh sản được nữa.
Trâu bò, bê, nghé có tật là những con bị mù hai mắt, đi giật cục, đi lao đầu.
Nếu trâu, bò, bê, nghé gầy yếu tạm thời do làm nhiều ăn ít, thiếu bồi dưỡng sau vụ cày bừa, chăm dắt cẩu thả hoặc mang tật nhẹ như mù một mắt, chạm khoeo, sứt mũi, gẫy đuôi, xét không ảnh hưởng nhiều đến sức cày kéo, sinh sản và cho sữa thì không được phép mổ thịt.
2. Trâu, bò cái xổi, phải là những con không sinh đẻ tuy đã lấy đực nhiều lần trong 3 năm liền mà không chữa.
Trâu, bò, cái xổi đồng thời không đủ sức cày kéo thì mới được phép mổ thịt.
3. Trâu đực dái quá 4 tuổi (đã thay 6 răng) và bò đực dái quá 6 tuổi (đã thay hết 8 răng) không thể truyền giống vì tầm vóc bé nhỏ, hình dáng xấu, thể lực ốm yếu không nhảy cái được, đồng thời lại không cày kéo được thì mới được phép cho mổ thịt.
4. Trâu bò, bê, nghé bị tai nạn như hút nhau, hoặc sa hố bị thương nặng, bị hổ vồ, v.v… chữa không khỏi hoặc xét chữa chạy quá tốn kém, thì mới được phép mổ thịt.
III. QUYỀN HẠN CHO PHÉP MỔ THỊT:
Theo nghị định số 97-CP đã quy định, thì bất cứ một con trâu, bò , bê, nghé nào cũng đều phải có giấy phép của chính quyền địa phương mới được phép mổ thịt.
1. Đối với trâu bò từ 12 tuổi trở lên không còn đủ 2 khả năng cày kéo và sinh sản thì Ủy ban hành chính xã có quyền cho phép, nhưng trước khi cho phép mổ thịt, Ủy ban hành chính xã cần lấy thêm ý kiến của chuyên môn (cán bộ thú y xã) và sau khi đã quyết định cho phép mổ thịt, Ủy ban hành chính xã cần đóng dấu chín sát sinh “S.S ” vào sừng hoặc vào má bên trái trâu,bò.
2. Tất cả trâu bò dưới 12 tuổi đã ghi ở điều 3 của nghị định đều do Ủy ban hành chính huyện quyết định, cho nên Ủy ban hành chính xã khi nhận được đơn xin mổ thịt đều phải kiểm tra ghi nhận xét và chuyển đơn lên huyện quyết định.
Ủy ban hành chính huyện và Ủy ban hành chính xã phải có sổ sát sinh trâu bò ghi theo mẫu dưới đây:
Ngày tháng năm (cho phép mổ) | Nói rõ trâu hay bò, bê hay nghé, đực hay cái | Họ và tên chủ bò, trâu hay hợp tác xã xin mổ | Lý do cho mổ | Ủy ban hành chính xã hay Ủy ban hành chính huyện cho phép | Bi chú
|
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
|
|
|
|
|
|
Hàng tháng, Ủy ban hành chính xã sẽ làm báo cáo gửi Ủy ban hành chính huyện về những trường hợp cho mổ thịt trâu, bò trong xã.
3. Đối với các cơ quan Y tế và Thú y dùng trâu bò, bê, nghé để nghiên cứu thí nghiệm hoặc chế thuốc thì khi mua phải được Ủy ban hành chính tỉnh nơi bán cho phép, khi mổ thịt phải báo cáo cho huyện và xã nơi đóng trụ sở rõ về số lượng mổ thịt, ngày giờ mổ và việc sử dụng toàn bộ hay bán 1 phần cho nhân dân.
Để khuyến khích kinh doanh chăn nuôi trâu bò đàn ở các nông, lâm trường, các trại chăn nuôi tập trung cũng như các hợp tác xã nông nghiệp và các đơn vị sản xuất khác chăn nuôi vỗ béo khoảng 50 con trở lên để bán hoặc tự túc trong đơn vị mình, Ủy ban hành chính tỉnh do đề nghị của các cơ sở chăn nuôi nói trên, sẽ thành lập một Hội đồng có nhiệm vụ khám xét và cho thải loại những trâu, bò, bê, nghé ngoài các tiêu chuẩn đã quy định trong điều 2 và điều 3.
Hội đồng gồm các thành phần như đã ghi trong điều 8, sẽ làm việc tại nơi có trâu bò xét cần thái loại và lập biên bản. Chủ tịch hội đồng sẽ gửi biên bản tới các cơ quan hữu quan và Ủy ban hành chính tỉnh.
Những trâu bò được phép thải loại, bán ra để mổ thịt nhất thiết phải đóng dấu “S.S” trên má hay trên sừng về phía trái con vật. Khi đưa đàn trâu bò đến địa điểm sát sinh đương sự cũng phải báo ngay cho Ủy ban hành chính (thị xã, hoặc huyện sở tại) và Ty Nông nghiệp biết. Nếu có người muốn mua lại những trâu bò đó về để cày kéo hoặc sinh sản thì nên bán cho họ để tránh sát sinh những con trâu còn khả năng cày kéo hoặc sinh sản.
Tất cả trâu bò bất kỳ của cơ quan thực phẩm, của đơn vị quân đội, của cơ quan đoàn thể hoặc cá nhân nào đã được phép phát sinh đều phải đưa đến lò sát sinh để mổ thịt, theo quy định ở điều 11. Nếu ở cách xa lò sát sinh quá 3 cây số thì những trâu bò được phép mổ thịt có thể mổ ở ngoài lò, nhưng phải thực hiện đầy đủ các điều kiện vệ sinh do Ủy ban hành chính xã cử cán bộ chăn nuôi, thú y xã tới hướng dẫn và kiểm soát vệ sinh. Ở tất cả các lò sát sinh, các Sở, Ty Nông nghiệp sẽ bổ dụng cán bộ chuyên môn để kiểm soát tiêu chuẩn sát sinh và vệ sinh phòng dịch bệnh, đồng thời có trách nhiệm đào tạo hướng dẫn, quản lý số cán bộ nói trên về mặt nghiệp vụ.
Theo đề nghị của Ty Nông nghiệp và Ty Thương nghiệp tỉnh, và theo mức kiểm tra của Ủy ban kế hoạch Nhà nước:
- Ủy ban hành chính tỉnh sẽ ấn định mức mổ trâu, bò hàng năm, hàng quý và hàng tháng cho các huyện, và thị xã.
- Ty Nông nghiệp có trách nhiệm giới thiệu những vùng chăn nuôi trong tỉnh để các cơ quan Thương nghiệp (Công ty tư liệu sản xuất và Công ty thực phẩm) có kế hoạch điều hòa trâu bò hoặc tiêu thụ trâu bò già bị ứ đọng.
VI. TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC VÀ KIỂM TRA VIỆC THI HÀNH THỂ LỆ SÁT SINH
Nghị định số 97-CP và thông tư này cần được tổ chức học tập, phổ biến đến tận đơn vị cơ sở của tất cả các ngành và các cấp.
1. Các Khu, Sở, Ty Nông nghiệp có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính đặt kế hoạch vận động, tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra đôn đốc và đề ra những biện pháp thi hành cụ thể ở địa phương. Ủy ban hành chính các cấp từ tỉnh đến xã phải lãnh đạo việc học tập, phổ biến Nghị định và Thông tư đến tận hợp tác xã và xã viên nông nghiệp.
2. Cơ quan thực phẩm, phối hợp với các cơ quan nông nghiệp tổ chức từng đợt học tập sâu rộng trong ngành từ trung ương đến địa phương, đồng thời phải triệt để tuân theo các thủ tục mua bán và mổ thịt trâu bò đã quy định.
3. Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị bộ đội, xí nghiệp, trường học, công trường, nông lâm trường… có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến việc sát sinh trâu bò đều có trách nhiệm phổ biến sâu rộng trong ngành mình và phải gương mẫu chấp hành đầy đủ những điều đã quy định trong nghị định này.
4. 6 tháng một lần, Công ty thực phẩm và những ngành có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh phải báo cáo tình hình sát sinh với Ủy ban hành chính tỉnh và đề nghị thông qua mưc mổ thịt từng tháng của quý sau. Ty Nông nghiệp có nhiệm vụ giúp Ủy ban kiểm tra theo dõi sự thực hiện nghị định và thông tư này. Mỗi khi có hiện tượng lạm sát xảy ra thì Ủy ban hành chính tỉnh sẽ tùy theo mức độ và vi phạm lạm sát mà triệu tập đại biểu các ngành có liên quan như Ty Nông nghiệp. Công ty tư liệu sản xuất, Công ty thực phẩm, hợp tác xã mua bán, Viện kiểm sát nhân dân và đại biểu của Ủy ban hành chính huyện để tiến hành hội nghị và đề ra những biện pháp chính tích cực để giải quyết kịp thời và thỏa đáng.
Báo cáo kiểm tra sát sinh của Ủy ban hành chính tỉnh gửi thuờng kỳ một năm 2 lần về Bộ Nông nghiệp vào thượng tuần tháng giêng và tháng 07.
5. Để làm cho nghị định và thông tư này được chấp hành nghiêm chỉnh và triệt để, bất luận đơn vị hoặc cá nhân nào cũng điều có trách nhiệm báo cáo các trường hợp phạm pháp với Ủy ban hành chính xã và Viện kiểm sát nhân dân địa phương để nghiên cứu xem xét và có sự xử lý thích đáng. Tùy theo trường hợp phạm pháp, Ủy ban hành chính địa phương lập biên bản, tịch thu tang vật, phạt tiền hoặc truy tố trước Tòa án nhân dân.
Mức độ phạt do Ủy ban hành chính xã đề nghị và Ủy ban hành chính huyện quyết định.
Bất cứ một cơ quan nào, đơn vị nào vi phạm luật lệ sát sinh đều phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mặt pháp lý.
Từ trước đến nay, việc thi hành các thể lệ sát sinh chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Bộ yêu cầu các Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh, hết sức chú ý chỉ đạo việc thi hành nghị định này cho tốt. Cần tuyên dương khen thưởng những cá nhân hoặc đơn vị phát hiện những trường hợp phạm pháp, đồng thời trừng phạt nghiêm minh, những trường hợp cố tình vi phạm thể lệ Nhà nước đã quy định.
Đối với miền núi, trong khi thi hành nếu gặp gì khó khăn, thì Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành cần kịp thời phát hiện và góp ý kiến với Bộ để bổ sung thêm cho phù hợp với tình hình chung và đặc điểm của miền núi.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.