THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 042-TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1960 |
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẬT TƯ THỪA SAU KIỂM KÊ ĐÁNH GIÁ TÀI SẢN XÉT ĐỊNH VỐN
Theo báo cáo của Ban kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng trung ương về thanh toán vật tư thừa sau kiểm kê đánh giá tài sản xét định vốn năm 1957, thì các Bộ chủ quản xí nghiệp có số lớn vật tư thừa không dùng đến cần trả lại Nhà nước và có một số vật tư bị hư hỏng đề nghị xin hủy. Đồng thời về giá điều động vật tư thừa và thanh toán vật tư thừa hủy bỏ, cần được giải quyết dứt khoát.
Để điều hòa và triệt để sử dụng hợp lý, tiết kiệm số vật tư thừa trả lại Nhà nước và số vốn thừa liên quan với vật tư thừa, đi đôi với việc giải quyết dứt khoát số vật tư thừa còn tồn tại từ lâu chưa giải quyết, nhằm kiện toàn cơ sở tài vụ của các Bộ chủ quản xí nghiệp và các xí nghiệp, đẩy mạnh công tác hạch toán kinh tế tại các Bộ, các xí nghiệp.
Để giải quyết các vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ quy định một số nguyên tắc sau đây để các Bộ căn cứ vào đó mà giải quyết:
I. THANH TOÁN SỐ VẬT TƯ THỪA TRẢ LẠI NHÀ NƯỚC
Số vật tư thừa của các Bộ chủ quản xí nghiệp trả lại Nhà nước sẽ giải quyết như sau:
a) Một số sẽ để lại cho các Bộ chủ quản xí nghiệp theo yêu cầu và sự cần thiết của Bộ, để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và xây dựng.
b) Một số (phần lớn là thiết bị, máy móc) sẽ chuyển cho Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước, để vào vật tư dự trữ Chính phủ.
c) Số còn lại sẽ chuyển giao cho Bộ Nội thương (các Tổng công ty Mậu dịch quốc doanh) với trách nhiệm bảo quản cho Nhà nước và tích cực tìm biện pháp bán ra để giải quyết những khó khăn cho những cơ sở thủ công nghiệp và công tư hợp doanh hoặc các ngành đang thiếu nguyên liệu.
Việc chủ trì chuyển giao phải do đại diện có thẩm quyền của các Bộ hữu quan chuyển giao và tiếp nhận số vật tư thừa ấy. Khi chuyển giao phải làm thủ tục kiểm nhận và lập biên bản cụ thể ký hợp đồng giao nhận. Phí tổn về việc kiểm nhận, tháo dỡ, bảo quản trong quá trình chuyển giao và phí tổn vận chuyển tới các kho của bên tiếp nhận, sẽ so bên tiếp nhận đài thọ.
Việc thanh toán các vật tư thừa sẽ tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
a) Số vật tư thừa không dùng đến của Bộ chủ quản chuyển giao cho Bộ khác thì nguyên tắc thanh toán là giảm số vốn Nhà nước đã cấp cho mình chứ không phải thanh toán trả bằng tiền. Đối với số vật tư thừa mà cần phải thanh lý thuộc tài sản lưu động, nằm trong định mức vốn lưu động của Bộ, thì được Bộ Tài chính thanh toán cho đủ số vốn lưu động định mức kế hoạch đã được duyệt
b) Đối với các Bộ và Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước tiếp nhận vật tư thừa thì cũng theo nguyên tắc không thanh toán bằng tiền mặt mà coi như Nhà nước cấp thêm vốn.
c) Đối với các Tổng công ty Mậu dịch quốc doanh thuộc Bộ Nội thương tiếp nhận vật tư thừa để bảo quản và tiêu thụ, thì không coi là được cấp thêm vốn, mà còn được hưởng một tỷ lệ lãi nhất định. Nhưng phí tổn sẽ được trừ vào lỗ lãi và được thanh toán cuối năm.
Đối với một số vật tư thừa mà các Tổng công ty nhận của các Bộ để tiêu thụ, sau khi hóa nghiệm mà thấy hoàn toàn mất phẩm chất không có biện pháp tiêu thụ được nữa, phải hủy bỏ thì lập biên bản xin hủy.
Việc chuyển giao thanh toán phải theo đúng nguyên tắc, thể lệ và thủ tục tài vụ, kế toán hiện hành.
Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thanh toán này, đồng thời giúp đỡ hai bên thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận được tốt, nhanh và hợp lệ.
Bộ Nội thương có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản tốt và tích cực tiêu thụ số vật tư thừa mà Bộ đã nhận bảo quản cho Nhà nước. Số vật tư này, cần lập kế toán riêng để theo dõi, đồng thời tích cực tiêu thụ, sau khi tiêu thụ được, hàng tháng phải nộp số tiền thu được đó lại cho Nhà nước. Hàng tháng báo cáo Bộ Tài chính về tình hình bảo quản, tình hình tiêu thụ và tình hình nộp tiền cho Nhà nước.
Phí tổn về việc bảo quản và tiêu thụ đều do Nhà nước đài thọ. Bộ Nội thương cùng Bộ Tài chính quy định cụ thể về phí tổn, tỷ lệ lãi, cách thức cấp phát và thanh toán.
Giá điều động vật tư thừa là giá đã quy định trong kiểm kê xét định vốn 1957 (gọi tắt là giá kiểm kê), trừ hai trường hợp:
a) Đối với tài sản cố định, hoặc xét thấy giá kiểm kê không được hợp lý, quá cao, hoặc do bảo quản không tốt, chất lượng bị giảm sút, thì có thể giám định và đánh giá lại cho được sát hơn. Trường hợp này là đặc biệt và phải được Thủ tướng phủ chuẩn y.
b) Đối với tài sản lưu động, hoặc xét thấy giá kiểm kê cao hơn giá quy định hiện hành của Nhà nước, thì tính theo giá điều động nội bộ, hoặc trong quá trình bảo quản kém, phẩm chất bị giảm sút, thì do hai bên thương lượng giải quyết, sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
Về giá bán các vật tư thừa mà Bộ Nội thương có trách nhiệm bảo quản và tiêu thụ, thì do Bộ Nội thương quy định sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. Giá bán ra sẽ căn cứ:
- Giá kiểm kê,
- Giá bán buôn công nghiệp do Nhà nước quy định, ngoài ra còn căn cứ thực trạng của vật tư thừa.
Những vật tư thừa khó tiêu thụ, vì không thích hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay, thì Bộ Nội thương và Bộ Tài chính quy định giá thích hợp để đẩy mạnh việc tiêu thụ các vật tư thừa đó.
III. THANH TOÁN VẬT TƯ THỪA HỦY BỎ
Đối với vật tư hư hỏng, hủy bỏ, Bộ chủ quản xí nghiệp có trách nhiệm quản lý và thanh toán dứt khoát theo hai trường hợp sau đây:
1. Đối với những vật tư hư hỏng xí nghiệp không thể sử dụng được nữa, thì sau khi Ban Kiểm tra tài sản ứ đọng của Bộ chủ quản xí nghiệp đã xét duyệt đồng ý hủy bỏ thì xí nghiệp đó mới được phép hủy bỏ, nhưng cũng cần giao lại cho Nội thương để triệt để sử dụng cung cấp cho các cơ sở thủ công và công tư hợp doanh thiếu nguyên liệu.
2. Đối với những vật tư hư hỏng còn có thể sử dụng được phần nào (thu hồi bằng kim khí, bằng phụ tùng , bằng sữa chữa lại,…) thì Bộ chủ quản xí nghiệp phải triệt để tận dụng khả năng đó, để thu hồi tiền và nộp lại cho Nhà nước.
Việc hủy bỏ phải được hạch toán theo nguyên tắc kế toán, tài vụ hiện hành.
IV. THANH TOÁN SỐ VẬT TƯ THỪA MÀ CÁC BỘ ĐƯỢC PHÉP GIỮ LẠI ĐỂ SỬ DỤNG
Số vật tư thừa các Bộ chủ quản xí nghiệp được phép giữ lại để sử dụng cho năm 1960 và năm sau, được coi là tài sản của các Bộ chủ quản xí nghiệp, phải được lưu ghi trên các bảng tổng kết tài sản có liên quan, và phải được thanh toán dứt khoát với Nhà nước.
1. Đối với tài sản lưu động thừa:
- Nếu tài sản lưu động thừa đã đem sử dụng từ ngày kiểm kê tới cuối năm 1959, thì phải tính toán nộp lại cho Nhà nước, ngay sau khi ban hành thông tư này.
- Nếu tài sản lưu động thừa sẽ đem sử dụng trong năm 1960 sẽ coi là tài sản lưu động, dự trữ quá mức và vay ngắn hạn ở Ngân hàng quốc gia, để hoàn lại tiền cho Nhà nước vào đầu mỗi quý theo kế hoạch sử dụng vật tư ứ đọng trong quý.
2. Đối với tài sản cố định thừa:
- Nếu tài sản cố định đã đem sử dụng từ ngày kiểm kê tới cuối năm 1959, thì phải kiểm tra thống kê và chỉnh lý sổ sách kế toán tài vụ, theo nguyên tắc kế toán tài vụ hiện hành.
- Nếu tài sản cố định sẽ đem sử dụng trong năm 1960, thì phải ghi vào kế hoạch kiến thiết cơ bản và kế hoạch thu chi tài vụ kiến thiết cơ bản năm 1960 của Bộ chủ quản xí nghiệp.
3. Đối với tài sản lưu động cũng như tài sản cố định đem ra sử dụng sau năm 1960:
Mỗi khi đem ra sử dụng phải theo thủ tục kế toán tài vụ đã quy định, và tài sản phải luôn luôn được bảo quản tốt.
Thông tư này chỉ áp dụng đối với những vật tư ứ đọng do kiểm kê tài sản xét định vốn 1957 phát hiện ra. Bộ Tài chính căn cứ vào thông tư này hướng dẫn cho các Bộ thi hành.
Thủ tướng Chính phủ mong các Bộ nghiên cứu kỹ thông tư này và thi hành cho có kết quả tốt. Việc thanh toán vật tư thừa và triệt để sử dụng vào việc sản xuất, xây dựng trong năm 1960 sẽ tiết kiệm cho Nhà nước về tài chính và vật tư khá lớn. Việc thanh lý vật tư thừa này làm được tốt sẽ có tác dụng ổn định tài vụ của Bộ, của xí nghiệp, đẩy mạnh hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp.
| K.T.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.