BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03-TBXH | Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 1979 |
|
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ VỀ HƯU
Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 24-12-1977 của Ban bí thư trung ương Đảng, điều 7 trong quyết định số 296-CP ngày 20-11-1978 và điều 3 trong quyết định số 198-CP ngàh 08-08-1978 của Hội đồng Chính phủ có quy định việc giao công tác thích hợp để phát huy khả năng và việc bồi dưỡng cán bộ hưu trí, nghỉ việc vì mất sức lao động, việc sử dụng người về hưu làm việc theo thể thức hợp đồng.
Sau khi có ý kiến thống nhất của Ban tổ chức trung ương Đảng, Ban tổ chức của Chính phủ và Bộ Lao động, Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn việc thực hiện như sau.
I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC GIAO CÔNG TÁC VÀ VIỆC BỒI DƯỠNG CÁN BỘ HƯU TRÍ, NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG
Hiện nay số lượng cán bộ, công nhân viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động ngày càng đông, những năm tới số người về nghỉ sẽ tăng lên nhiều. Trong số đã về nghỉ có cán bộ chính trị, quân sự, văn hóa xã hội, quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề…, phần đông đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; có những người là cán bộ đã hoạt động cách mạng trước Tháng 8 năm 1945, cán bộ cao cấp, trung cấp, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam; nhiều người có trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, có những kinh nghiệm quý, có đạo đức cách mạng tốt, được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm và quý trọng. Đây là vốn quý của địa phương và cơ sở.
Cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân về hưu là những người được hưởng quyền nghỉ ngơi theo chính sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước. Nhưng mặt khác họ là cán bộ, đảng viên, là người công dân nên vẫn được quyền tham gia các hoạt động xã hội. Do vậy cần được động viên, khuyến khích để các đồng chí đó đem kiến thức và kinh nghiệm sẵn có góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Việc giao công tác thích hợp để phát huy khả năng và việc quan tâm bồi dưỡng cán bộ về hưu, chẳng những đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị ở địa phương mà còn phù hợp với nguyện vọng của cán bộ hưu trí, nghỉ việc vì mất sức lao động.
Từ trước đến nay, nhiều địa phương đã quan tâm bồi dưỡng và động viên các bộ hưu trí, nghỉ việc vì mất sức lao động tham gia hoạt động ngày càng đông, đạt nhiều thành tích, thực tế đã khẳng định vai trò và tác dụng tốt về sự đóng góp của cán bộ về hưu đối với cơ sở. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương do nhận thức chưa đầy đủ, nên việc phát huy khả năng và bồi dưỡng cán bộ hưu trí còn hạn chế, số người tham gia hoạt động đạt tỷ lệ chưa cao, hoặc giao nhiều công tác nhưng chưa chú trọng bồi dưỡng đúng mức.
II. NỘI DUNG CỦA VIỆC GIAO CÔNG TÁC VÀ SỬ DỤNG NGƯỜI VỀ HƯU LÀM VIỆC THEO THỂ THỨC HỢP ĐỒNG
A. NỘI DUNG CỦA VIỆC GIAO CÔNG TÁC
Các cơ quan chính quyền, đoàn thể cần căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của địa phương và căn cứ vào khả năng chuyên môn, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sức khỏe của từng người và giao công tác thích hợp.
Đối với những người về nghỉ có thể tham gia công tác hoạt động thường xuyên hoặc tham gia từng đợt, từng việc và tùy theo yêu cầu của địa phương mà hoạt động chuyên trách hay bán chuyên trách hoặc giúp cấp ủy, chính quyền ở cơ sở một số công tác nhất định.
Về những công tác nên giao cho cán bộ hưu trí, nghỉ việc vì mất sức lao động là:
- Tuyên truyền, phổ biến tình hình, nhiệm vụ, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho nhân dân, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đó.
- Xây dựng củng cố các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể quần chúng, hợp tác xã… Làm công tác tuyên huấn cho Đảng bộ, viết lịch sử Đảng, làm giảng viên chính trị cho đảng viên cơ sở.
- Tham gia công tác xã hội như thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, trật tự an ninh, công tác thương binh liệt sĩ, hoặc vận động thực hiện các phong trào lao động sản xuất, tăng gia tiết kiệm, bổ túc văn hóa, bảo trợ trường học, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước,v.v… giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng, góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ.
- Đem kiến thức khoa học, kỹ thuật giúp vào việc đẩy mạnh sản xuất ở cơ sở.
Trường hợp do nhu cầu của địa phưong và được quần chúng tín nhiệm thì giới thiệu hoặc chỉ định vào cơ quan lãnh đạo như Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể. Cá biệt khi địa phương thực sự cần thiết thì có thể giao các chức vụ chủ chốt ở xã, phường, tiểu khu, hợp tác xã (nhưng chỉ nên giao đảm đương trong một thời gian ngắn và tích cực bồi dưỡng ngừơi thay thế).
Đối với những người về nghỉ trong các khu tập thể gia đình cán bộ, công nhân viên chức do cơ quan, xí nghiệp, nông trường quản lý, ngoài những công tác nói trên, có thể giúp vào việc bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho anh chị em công nhân hoặc giúp đỡ về kỹ thuật cho các đơn vị đó.
Những người có nghề đặc biệt, nghề cổ truyền (khảm, thêu, chạm trổ, vẽ, nghề thuốc, các nghệ thuật dân gian khác) thì địa phương nên khuyến khích và tạo điều kiện để họ phát triển ngành nghề theo hướng xã hội chủ nghĩa, dạy truyền nghề cho thế hệ kế tiếp.
Ngoài việc tham gia công tác chung, cán bộ hưu trí, nghỉ việc vì mất sức lao động nếu có điều kiện (sức khỏe, hoàn cảnh gia đình…) thì nên tham gia lao động sản xuất với hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp nhận làm hàng gia công cho Nhà nước hoặc tăng gia tự túc trong gia đình để góp phần làm tăng thêm của cải vật chất cho xã hội và cải thiện đời sống gia đình, bản thân, tăng thêm sức khỏe, không làm ăn phi pháp
Những người do quá già yếu, ốm đau, bệnh tật, đông con nhỏ, trợ cấp thấp, gia đình neo đơn, trình độ hạn chế, không có điều kiện tham gia công tác thì địa phương cần gần gũi, giúp đỡ động viên, thông báo tình hình để anh chị em nắm được nhiệm vụ chung và vận động gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
B. SỬ DỤNG NGƯỜI VỀ HƯU LÀM VIỆC THEO THỂ THỨC HỢP ĐỒNG
Điều 3 trong quyết định số 198-CP ngày 08-08-1978 của Hội đồng Chính phủ nhắc nhở các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chế độ cho những người đến tuổi quy định được về nghỉ. Nếu cơ quan, đơn vị có yêu cầu mà người về hưu còn có sức khỏe và năng lực thì làm việc theo thể thức hợp đồng trong từng thời gian.
Nay nói rõ thêm: trong tình hình biên chế khu vực Nhà nước hiện nay, cần sắp xếp cho cán bộ, công nhân viên chức làm việc với hiệu suất công tác cao, nếu do yêu cầu công tác, sản xuất thật sự cần thiết thì mới sử dụng người về hưu làm hợp đồng và người cán bộ về hưu phải có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, còn đủ sức khỏe để làm một số việc như nghiên cứu đề tài, xử lý về kỹ thuật, bồi dưỡng đào tạo thợ lành nghề (không hợp đồng với cán bộ về hưu làm các cương vị phụ trách).
Làm việc theo thể thức hợp đồng thì chế độ làm việc, điều kiện làm việc và các chế độ khác do hai bên thoả thuận, không bắt buộc giống như đối với người đang tại chức. Nhưng phải chấp hành dùng các quy định chung của Nhà nước. Lương hợp đồng có thể theo lương giờ, lương ngày, lương tháng hoặc lương khoán việc và phải căn cứ vào công việc mà người ấy được giao, không căn cứ vào chức vụ và cấp bậc cũ của họ. Nếu có trường hợp lương hợp đồng cộng với trợ cấp hưu trí cao hơn tổng số tiền lương và phụ cấp của người đó trước khi về hưu thì cũng được. Nhưng riêng lương hợp đồng theo tháng không được cao hơn lương chính của người đó khi còn tại chức.
Một số cán bộ hưu trí tự nguyện đóng góp, giúp đỡ cơ quan, đơn vị cũ một số việc cần thiết trong một thời gian ngắn mà không có hợp đồng thì việc bồi dưỡng cho người đó sẽ do thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, căn cứ vào tính chất công việc, thời gian nhiều ít để quyết định.
III. VIỆC BỒI DƯỠNG, CHĂM SÓC ĐỐI VỚI CÁN BỘ HƯU TRÍ, NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG
Để cán bộ hưu trí, nghỉ việc vì mất sức lao động có điều kiện tham gia hoạt động đông đảo với địa phương, cần chú trọng bồi dưỡng, chăm sóc, giúp đỡ anh chị em ngày càng tốt hơn.
Nhà nước đã ban hành các chế độ, chính sách về lương thực, thực phẩm, khám bệnh, chữa bệnh, nhà ở, về sinh hoạt tinh thần… đối với cán bộ về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành có liên quan cần căn cứ vào chức năng của mình và khả năng của địa phương mà tổ chức thực hiện tốt, tạo mọi thuận lợi để anh chị em được hưởng đầy đủ và đúng với chính sách, chế độ đó. Khi phân phối những thứ hàng công nghệ phẩm cần thiết thì chú ý ưu tiên đối với những người tích cực có nhiều thành tích đóng góp với địa phương.
Những người thu nhập bình quân của gia đình quá thấp, đời sống gặp khó khăn thì địa phương tìm biện pháp sắp xếp cho những người có lao động trong gia đình họ có công việc làm thích hợp để ổn định đời sống. Trường hợp quá khó khăn thì kịp thời xét trợ cấp cứu tế.
Đối với những người được giao các chức vụ ở cơ sở mà có chế độ trợ cấp định suất, nữa định suất thì ngoài trợ cấp bảo hiểm xã hội mà người đó hiện lĩnh, họ vẫn được hưởng đầy đủ mức quy định đối với chức vụ đó.
Đối với những người được giao các công tác ở hợp tác xã nông nghiệp thì thực hiện đúng theo hướng dẫn tại thông tư số 8A-TT/LB ngày 22-6-1971 của Bộ Nội vụ và Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương.
Khi tham gia những công tác đột xuất như bầu cử, điều tra dân số… mà có chế độ bồi dưỡng bằng tiền thì họ cũng được hưởng theo quy định chung.
Điều cần chú trọng là phải bồi dưỡng về mặt tinh thần bằng nhiều hình thức phù hợp, để cán bộ hưu trí, nghỉ việc vì mất sức lao động luôn luôn quán triệt tình hình, nhiệm vụ, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khi có các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính quyền, địa phương cần tổ chức cho anh chị em được nghe phổ biến học tập, nghiên cứu đầy đủ, theo sự phân cấp quản lý cán bộ.
Thường xuyên chăm lo việc tổ chức phổ biến thời sự, chính sách cho cán bộ về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động.
Tổ chức, giúp đỡ về hoạt động câu lạc bộ, có các hình thức vui chơi giải trí lành mạnh và thể dục chữa bệnh phù hợp với sức khỏe, điều kiện của cán bộ hưu trí. Quan tâm đến việc bố trí đi nghỉ mát, nghỉ dưỡng sức, đi điều dưỡng, tham quan đối với người về hưu.
Hàng năm, tổ chức hội nghị cán bộ hưu trí có thành tích tham gia công tác ở cơ sở của các cấp, nhằm biểu dương, khen thưởng những tập thể tốt, người tốt và trao đổi những kinh nghiệm hoạt động giữa các tổ hưu trí, đồng thời đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc chăm sóc, bồi dưỡng đời sống của những người về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động.
Những người có thành tích xuất sắc thì Ủy ban nhân dân, cơ quan, đơn vị mà người đó đã tham gia đóng góp cần có các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời. Mặt khác cần đấu tranh, giúp đỡ với một số người có những tư tưởng, hành động trái với phẩm chất, đạo đức của người cán bộ cách mạng, làm ảnh hưởng đến quần chúng.
Đối với các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nông trường… khi có người về nghỉ cần giải quyết chu đáo mọi quyền lợi và động viên về tư tưởng, nhắc nhở về trách nhiệm để anh chị em yên tâm, thoải mái trước khi chuyển sang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, để tránh khó khăn cho địa phương và bản thân người đó về sau. Cần chú ý thăm hỏi nhân những ngày lễ lớn, ngày tết cổ truyền, khi ốm đau và khi từ trần, đặc biệt đối với cán bộ hoạt động lâu năm, có nhiều công lao thành tích. Việc giao công tác và bồi dưỡng cán bộ hưu trí, nghỉ việc vì mất sức lao động là một việc quan trọng và cần thiết. Vì vậy chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, cơ sở cần nắm chắc số lượng, đánh giá đúng chất lượng cán bộ hưu trí để phát huy tốt khả năng một cách hợp lý và quan tâm bồi dưỡng chu đáo.
Cần chú trọng xây dựng và củng cố các tổ chức hiện có của những người về hưu, tích cực phát huy tác dụng của các tổ chức đó. Mặt khác cần phân công cán bộ chuyên trách để giúp cấp ủy và chính quyền quản lý, theo dõi tình hình, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện tốt.
Thông tư này cần được tổ chức phổ biến, quán triệt cho các ngành, các đoàn thể ở địa phương và có biện pháp tích cực thực hiện.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.