BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92/2020/TT-BCA |
Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2020 |
QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2018;
Căn cứ Nghị Quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;
Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định thực hiện dân chủ trong các cơ sở y tế Công an nhân dân.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong các cơ sở y tế Công an nhân dân (gọi chung là cơ sở y tế).
2. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là công an các đơn vị địa phương); cán bộ y tế Công an nhân dân (gọi chung là cán bộ y tế); người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh, người nhà người bệnh tại các cơ sở y tế Công an nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh cho phạm nhân, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trại viên, học sinh trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ; trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở y tế Công an nhân dân là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương quản lý, bao gồm: bệnh viện, bệnh xá, phòng khám bệnh (không có giường bệnh), trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng.
2. Cán bộ y tế trong Công an nhân dân là cán bộ, chiến sĩ, người lao động có thời hạn hoặc không xác định thời hạn làm việc trong các cơ sở y tế Công an nhân dân.
3. Người nhà người bệnh là những người đến cơ sở y tế để tham gia phục vụ, chăm sóc người bệnh.
Điều 3. Mục đích thực hiện dân chủ trong các cơ sở y tế
1. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và nhân dân tại các cơ sở y tế Công an nhân dân.
2. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, tiêu cực góp phần xây dựng các cơ sở y tế Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong các cơ sở y tế
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm; nghiêm cấm những hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ sở y tế Công an nhân dân, của cán bộ y tế Công an và người bệnh, người nhà người bệnh.
2. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, đề cao trách nhiệm quản lý, điều hành của Thủ trưởng các cơ sở y tế Công an nhân dân (Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa, Trưởng phòng, Bệnh xá trưởng, ...), sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, sự phối hợp của người bệnh, người nhà người bệnh để cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện đầy đủ những nội dung về công khai, minh bạch, tham gia ý kiến và giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ sở y tế; nâng cao chất lượng và hiệu quả trong khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ phục vụ người bệnh theo đúng các quy định về khám, chữa bệnh của Nhà nước và của Bộ Công an.
Mục 1. THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG NỘI BỘ CƠ SỞ Y TẾ
Điều 5. Nội dung Thủ trưởng cơ sở y tế công khai đối với cán bộ y tế
1. Chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của cơ sở y tế.
2. Nội quy, quy chế làm việc của cơ sở y tế; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo cơ sở y tế, lãnh đạo khoa, phòng và cán bộ y tế trong cơ sở y tế, quy trình công tác, thủ tục hành chính giải quyết công việc.
3. Chính sách, chế độ đối với cán bộ ở cơ sở y tế và người bệnh.
4. Tuyển dụng, tiếp nhận, đào tạo, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thăng cấp, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ cơ sở y tế.
5. Kết quả giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ sở y tế.
6. Các nguồn thu, chi tài chính của cơ sở y tế theo quy định.
7. Các quy định về chuyên môn, kỹ thuật y tế, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế.
8. Những nội dung khác mà Thủ trưởng cơ sở y tế thấy cần thiết và không trái với quy định của pháp luật, quy định của Bộ Công an.
Điều 6. Hình thức công khai đến cán bộ y tế
1. Niêm yết công khai nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư này tại bảng thông báo của cơ sở y tế, bảng phân công công tác của các khoa, phòng (trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước và theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an). Thời gian niêm yết công khai như sau:
a) Đối với văn bản của cấp trên: chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản theo dấu văn thư đến.
b) Đối với văn bản do cơ sở y tế ban hành: ít nhất trước 3 ngày làm việc kể từ ngày văn bản có hiệu lực thi hành.
2. Thông báo tại hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị cán bộ của cơ sở y tế.
3. Gửi văn bản đến lãnh đạo các khoa, phòng, tổ chức đảng và các đoàn thể thuộc cơ sở y tế để thông báo đến cán bộ y tế thuộc phạm vi quản lý.
4. Qua mạng máy tính nội bộ cơ sở y tế (nếu có).
Điều 7. Nội dung cán bộ y tế tham gia ý kiến
1. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Công an liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ sở y tế.
2. Quy hoạch phát triển của cơ sở y tế và các đơn vị trực thuộc.
3. Chủ trương, biện pháp thực hiện cải cách hành chính; các nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 5 của Thông tư này theo quy định phân cấp về quản lý cán bộ của Bộ Công an.
4. Kế hoạch công tác; kế hoạch thu chi tài chính hàng năm; kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở; kế hoạch cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao hàng năm; kế hoạch mua sắm, thanh lý tài sản của cơ sở y tế.
5. Chức trách, nhiệm vụ; nội quy, quy chế làm việc; quy định chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế và của các khoa, phòng. Các quy chế, quy định thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ y tế.
6. Biện pháp phòng hộ, an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, cải tiến chế độ làm việc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ y tế, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cơ sở y tế.
7. Quy trình, thủ tục hành chính về đón tiếp, giải quyết công việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh: các biện pháp chống tệ quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu người bệnh, người nhà người bệnh và các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong khám bệnh, chữa bệnh.
8. Chương trình hành động thực hiện các phong trào thi đua của cơ sở y tế; bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm, báo cáo sơ kết công tác 6 tháng, tổng kết công tác năm của cơ sở y tế.
9. Những nội dung khác mà Thủ trưởng cơ sở y tế thấy cần thiết lấy ý kiến của cán bộ y tế.
Điều 8. Hình thức để cán bộ y tế tham gia ý kiến
1. Tham gia ý kiến trực tiếp với lãnh đạo cơ sở y tế, lãnh đạo khoa, phòng.
2. Qua hội nghị, hội thảo của cơ sở y tế.
3. Gửi ý kiến vào hòm thư góp ý của cơ sở y tế.
4. Qua mạng máy tính nội bộ cơ sở y tế (nếu có).
5. Cấp ủy đảng, các đoàn thể quần chúng lấy ý kiến của quần chúng, đảng viên, đoàn viên, hội viên...
6. Thông qua việc gặp gỡ, trao đổi, hướng dẫn, tư vấn trực tiếp với cán bộ y tế; các hình thức phù hợp khác (nếu có).
7. Gửi dự thảo văn bản để cán bộ tham gia ý kiến.
Điều 9. Nội dung cán bộ y tế giám sát, kiểm tra
1. Việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch công tác của cơ sở y tế; chức năng nhiệm vụ, nội dung, quy chế làm việc của cơ sở y tế; các quy định về chuyên môn, kỹ thuật y tế.
2. Việc cung ứng thuốc, hóa chất, máu, dịch truyền; mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị; mua sắm, sử dụng, thanh lý tài sản.
3. Các nguồn thu, chi tài chính của cơ sở y tế theo quy định.
4. Việc thực hiện các chế độ, chính sách của nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ y tế; các quy chế, quy định về công tác tổ chức, cán bộ; các nội dung công khai của Thủ trưởng cơ sở y tế.
5. Quá trình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về chuyên môn của cán bộ y tế và của người bệnh, người nhà người bệnh.
Điều 10. Hình thức thực hiện giám sát, kiểm tra của cán bộ y tế
1. Hoạt động Thanh tra của cơ sở y tế.
2. Hội nghị cán bộ của cơ sở y tế.
3. Các cuộc họp, sinh hoạt định kỳ của các khoa, phòng.
4. Hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng.
5. Hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện.
6. Hoạt động giao ban và hoạt động tuyến.
Mục 2. THỰC HIỆN DÂN CHỦ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH, NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH
Điều 11. Nội dung Thủ trưởng cơ sở y tế công khai đối với người bệnh và người nhà người bệnh
1. Lịch làm việc, lịch trực hằng ngày của cán bộ y tế.
2. Quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người nhà người bệnh đối với cơ sở y tế.
3. Nội quy bệnh viện, bệnh xá, sơ đồ chỉ dẫn các khoa, phòng của cơ sở y tế.
4. Các quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh.
5. Mức thu viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí, chế độ bảo hiểm y tế, thanh toán viện phí và bảo hiểm y tế theo đúng quy định của pháp luật.
6. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của người bệnh, giá gửi phương tiện (xe đạp, xe máy, ô tô) trong cơ sở y tế và các dịch vụ khác.
7. Bộ phận giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ sở y tế, số điện thoại đường dây nóng của cơ sở y tế.
Điều 12. Hình thức công khai đối với người bệnh và người nhà người bệnh
1. Niêm yết công khai:
Cơ sở y tế tổ chức niêm yết công khai các nội dung quy định tại Điều 11 của Thông tư này bằng các hình thức: các văn bản, sơ đồ, biển chỉ dẫn đường đến các khu vực, khoa, phòng trong cơ sở y tế; nội quy, quy định về các loại phí dịch vụ phục vụ người bệnh tại các địa điểm thuận lợi có nhiều người bệnh, người nhà người bệnh qua lại. Việc niêm yết công khai phải thường xuyên, liên tục, kịp thời, nội dung dễ đọc, dễ hiểu.
2. Thông tin, tuyên truyền, tư vấn:
Cơ sở y tế tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn về chế độ chính sách, những vấn đề có liên quan đến việc khám bệnh, chữa bệnh kể từ khi người bệnh đến phòng khám bệnh, phòng cấp cứu, buồng bệnh.
3. Thông qua trang thông tin điện tử của cơ sở y tế (nếu có), các hình thức phù hợp khác.
Điều 13. Nội dung người bệnh và người nhà người bệnh giám sát, tham gia ý kiến
1. Việc thực hiện các chế độ, chính sách y tế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh; các chế độ, chính sách khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Nhà nước và Bộ Công an.
2. Việc thực hiện nội quy, quy chế về khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế.
3. Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, đề xuất ý kiến để đóng góp động viên tinh thần, thái độ phục vụ nhiệt tình, trách nhiệm trong khám và chữa bệnh của cán bộ y tế; trao đổi và phối hợp với cán bộ y tế trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh.
4. Việc thực hiện vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự nơi khám bệnh, chữa bệnh.
5. Giải quyết, khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo của người bệnh và người nhà người bệnh.
Điều 14. Hình thức giám sát, tham gia ý kiến của người bệnh và người nhà người bệnh
1. Tham gia ý kiến, phản ánh trực tiếp đối với cán bộ y tế tại các khoa, phòng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Tham gia ý kiến, phản ánh với cán bộ lãnh đạo cơ sở y tế.
3. Gửi văn bản tham gia ý kiến vào hòm thư góp ý.
4. Thông qua điện thoại, đường dây nóng, email, hòm thư góp ý.
5. Phản ánh qua các buổi sinh hoạt của người bệnh.
6. Thông qua trang thông tin điện tử của cơ sở y tế (nếu có).
7. Các hình thức phù hợp khác.
Mục 3. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI CƠ SỞ Y TẾ
Điều 15. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ sở y tế
1. Thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân viên, lao động hợp đồng trong đơn vị.
2. Ban hành quy chế quản lý trang thiết bị làm việc trong cơ quan, đơn vị bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; sử dụng tiết kiệm kinh phí được cấp; thực hiện các quy định về công khai tài chính. Việc mua sắm thiết bị, phương tiện và các tài sản của cơ quan, đơn vị phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hàng tháng, hàng quý và 6 tháng để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải thực hiện trong thời gian tới của cơ quan, đơn vị. Cuối năm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tổ chức đánh giá tổng kết hoạt động của cơ quan, đơn vị tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức.
5. Lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân, lao động hợp đồng. Khi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân, lao động hợp đồng đăng ký được gặp và có nội dung, lý do cụ thể thì bố trí thời gian thích hợp để gặp và trao đổi.
6. Xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân, lao động hợp đồng của cơ quan, đơn vị; kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
7. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng; xử lý và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bố trí hòm thư góp ý tại địa điểm thuận lợi; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
8. Thực hiện công khai việc phân công công việc trong lãnh đạo cơ sở y tế, các khoa, phòng bảo đảm công bằng, đúng người, đúng việc, không gây chồng chéo và không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
9. Công khai các ý kiến tham gia góp ý, phê bình, kiến nghị của cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và của công dân, cơ quan, tổ chức địa phương theo thẩm quyền và kịp thời xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
10. Kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật
Điều 16. Trách nhiệm thực hiện dân chủ của cán bộ y tế tại các cơ sở y tế
1. Chỉ được tiếp nhận tài liệu và giải quyết công việc của công dân, tổ chức tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị; bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác và bí mật thông tin về người tố cáo theo quy định của pháp luật.
2. Khi công dân, tổ chức có yêu cầu, cán bộ y tế có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu đó theo thẩm quyền. Những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết, cán bộ y tế phải thông báo để công dân, tổ chức biết và hướng dẫn công dân, tổ chức đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Cán bộ y tế không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
3. Công việc của công dân, tổ chức phải được cán bộ y tế nghiên cứu xử lý và kịp thời giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.
4. Những công việc đã có thời hạn giải quyết theo quy định thì cán bộ y tế phải chấp hành đúng thời hạn đó. Trường hợp phức tạp đòi hỏi phải có thời gian để nghiên cứu giải quyết thì cán bộ y tế có trách nhiệm báo cáo người phụ trách trực tiếp và kịp thời thông báo cho công dân, tổ chức biết.
Điều 17. Trách nhiệm của các đoàn thể quần chúng, Thanh tra của cơ sở y tế
1. Các đoàn thể quần chúng của cơ sở y tế có trách nhiệm thường xuyên giám sát việc thực hiện dân chủ trong cơ sở y tế.
2. Thanh tra của cơ sở y tế có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện dân chủ trong cơ sở y tế liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Điều 18. Trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh
1. Người bệnh, người nhà người bệnh có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Thông tư này.
2. Báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong các cơ sở y tế.
3. Đóng góp ý kiến, phản ánh trực tiếp đối với cán bộ y tế tại các khoa, phòng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 10 năm 2020 và thay thế Thông tư số 64/2009/TT-BCA ngày 19 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong các cơ sở y tế Công an nhân dân.
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Cục Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tham mưu giúp lãnh đạo Bộ tổ chức kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện Thông tư này.
3. Định kỳ 06 tháng, 01 năm và khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này, báo cáo kết quả về Cục Y tế để tập hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Công an.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Y tế, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) để tập hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.