TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/TANDTC |
Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 1981 |
HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ.
Thừa kế là sự chuyển dịch di sản của người đã chết cho người còn sống. việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế cần theo những nguyên tắc chung sau đây:
1. “Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân” đoạn 2 Điều 27 Hiến pháp năm 1980. Công dân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết (thừa kế theo di chúc) nếu không có di chúc thì thừa kế theo luật.
2. Phụ nữ và nam giới bình đẳng về quyền lập di chúc, về quyền được thừa kế di sản và về phần di sản được hưởng.
3. Tôn trọng quyền định đoạt bằng di chúc của người có di sản, đồng thời bảo hộ thích đáng quyền lợi của một số người thừa kế theo luật (người thừa kế bắt buộc).
4. Việc thừa kế phát sinh từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là căn cứ để xác định khối di sản thừa kế và những người được thừa kế. Người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế (trừ trường hợp thừa kế thế vị).
5. Người thừa kế có quyền nhận hoặc không nhận thừa kế. Người nhận thừa kế được hưởng các tài sản và các quyên về tài sản của người chết để lại, đồng thời phải chịu trách nhiệm thi hành các nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại, trong phạm vi giá trị tài sản đã nhận được.
Di sản kông có người thừa kế hoặc tuy có người thừa kế nhưng họ không nhận, thì thuộc về Nhà nước.
6. Khi giải quyết việc thừa kế cần kiên trì hòa giải nhằm góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết, thương yêu trong nội bộ gia đình, bảo đảm sản xuất và công tác.
Di sản thừa kế bao gồm:
- Các tài sản thuộc quyền sở hữu của người để thừa kế và thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt và những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ.
- Các quyền về tài sản mà người để thừa kế được hưởng theo quan hệ hợp đồng hoặc do được bồi thường thiệt hại.
- Các nghĩa vụ về tài sản của người để thừa kế phát sinh do quan hệ hợp đồng, do việc gây thiệt hại hoặc do quyết định của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: Một món nợ, một khoản bồi thường thiệt hại v.v...).
Đối với những quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân người chết (tức là không thể di chuyển cho người khác được), thì không phải là di sản thừa kế của người đó. Ví dụ: Các quyền được hưởng trợ cấp thương tật, tiền tuất, trợ cấp vì túng thiếu sau khi ly hôn...chỉ có thể được thực hiện khi người được hưởng quyền còn sống. Nghĩa vụ trợ cấp cho vợ vì túng thiếu sau khi ly hôn chỉ phải thực hiện khi người có có nghĩa vụ còn sống. Vì vậy, các người thừa kế không được hưởng loại quyền tài sản gắn liền với thân nhân người chết, và cũng không phải thực hiện loại nghĩa vụ tài sản đó.
Sau đây là một số loại tài sản cụ thể cần chú ý trong khi xét xử thừa kế:
1. Đất đai.
Theo Điều 19 và Điều 20 của Hiến pháp mới, đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Đất đai (kể cả đất canh tác, đất ở, đất hương hỏa...) không thuộc quyền sở hữu riêng của công dân, nên không thể là di sản thừa kế. Nếu người đang sử dụng đất chết thì việc điều chỉnh quyền sử dụng phần diện tích đó sẽ do pháp luật về đất đai quy định. Cây cối và hoa mầu thuộc quyền sở hữu của người đã chết, vẫn thuộc di sản thừa kế.
2. Nhà thờ họ.
- Nhà thờ có từ lâu đời hoặc nhà thờ do các thành viên trong họ đóng góp công sức và tiền của xây dựng nên là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của những người trong họ, nên không thể trở thành di sản của người trưởng họ (hoặc của bất cứ cá nhân nào). Nếu có tranh chấp thì giải quyết theo nguyện vọng chung của các thành viên trong họ.
- Nhà thờ do người trưởng họ bở tiền riêng xây dựng rồi cho họ mượn làm nơi thờ cúng hoặc nhà của người trưởng họ được dành ra một phần diện tích để làm nơi thờ cúng vẫn thuộc quyền sở hữu của người trưởng họ. Nếu người trưởng họ chết thì nhà này là di sản thừa kế.
3. Tư liệu sản xuất và nhà thuộc diện cải tạo.
Những tư liệu sản xuất, phương tiện kinh doanh, phương tiện vận chuyển của người tư sản cải tạo đã đưa vào công tư hợp danh, hoặc nhà cửa của người tư sản nhà cửa đã chuyển cho Nhà nước quản lý, đều thuộc sở hữu Nhà nước.
Riêng phần diện tích nhà ở mà trong khi cải tạo xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã cho lại chủ nhà để ở thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người chủ nhà. Nếu chủ nhà chết, thì phần diện tích đó vẫn thuộc về di sản thừa kế.
Tiền tỷ lệ phần trăm của tiền cho thuê nhà mà người tư sản nhà cửa được hưởng (theo Thông tư số 12-NV ngày 22-4-1964 của Bộ nội vụ và Thông tư số 31- BXD ngày 15-10-1977 của Bộ xây dựng) hoặc tiền lãi cố định hàng năm, tính theo tỷ lệ phần trăm của vốn mà người tư sản công thương nghiệp được hưởng (theo Quyết định số 71-CP ngày 13-4-1972 của Hội đồng Chính phủ) là để tạo điều kiện cho người tư sản lao động cải tạo dần, tiến tới sống bằng sức lao động của bản thân họ. Nếu họ chết, tiền đó không thuộc về di sản thừa kế.
4. Tư liệu sản xuất của xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Những tư liệu sản xuất đã công hữu hóa và thuộc quyền sở hữu tập thể của hợp tác xã. Những tư liệu sản xuất chưa được công hữu hóa thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người chủ cũ. Nếu người đó chết các tư liệu sản xuất này vẫn thuộc di sản thừa kế, nhưng khi chia thừa kế cần giải quyết hợp lý, hợp tình, để vẫn đảm bảo quyền lợi của các người thừa kế, mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến việc sản xuất của hợp tác xã.
5. Đồ dùng mượn của cơ quan.
Những đồ dùng sinh hoạt (như giường, tủ, bàn ghế) mà cán bộ, công nhân viên chức mượn theo tiêu chuẩn và khi về hưu đã được cấp hẳn (theo Quyết định số 296-CP ngày 20-11-1978 của Hội đồng Chính phủ), thì kể từ ngày được cấp hẳn, các tài sản này thuộc quyền sở hữu của người được cấp. Khi người được cấp chết, tài sản đã thuộc về di sản thừa kế.
Những thứ được mượn nhưng không được cấp thì phải trả lại cho cơ quan, xí nghiệp.
6. Vàng, bạc, bạch kim và kim cương.
Nhà nước công nhận quyền sở hữu chính đáng của người dân về vàng, bạc, bạch kim, kim cương không kể số lượng nhiều hay ít, đã chế biến hay chưa chế biến thành đồ trang sức, mỹ nghệ.
Để bảo hộ quyền sở hữu chính đáng đó, Nhà nước quy định người có vàng bạc, bạch kim, kim cương phải kê khai để Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (theo Quyết định số 39-CP ngày 9-2-1979 của Hội đồng Chính phủ). Những thứ đã được kê khai và có giấy chứng nhận hợp lệ thì khi sở hữu chủ chết, được để làm di sản thừa kế như các tài sản hợp pháp khác. Những thứ không được kê khai và không có giấy chứng nhận hợp lệ thì Tòa án cần trao đổi với Ngân hàng về chủ trương giải quyết. Tuy nhiên, nếu số lượng ít (vàng từ 37,5 g, bạch kim 37,5 g, bạc 375 g, kim cương 0,600 g trở xuống) thì Tòa án cứ chia và báo cho người được chia đến Ngân hàng kê khai.
7. Tiền tuất, bằng khen, huân chương.
- Tiền tuất là tiền cấp cho các thân nhân của người chết, nên tiền tuất không thuộc về di sản của người chết.
- Bằng khen, huân chương, huy chương...không phải là tài sản, mà là thứ có giá trị về mặt tinh thần đối với cả gia đình của người đã có công. Người nào giữ là giữ chung cho cả gia đình. Nếu trong gia đình không thỏa thuận được, thì Ủy ban nhân dân giải quyết.
Thừa kế theo luật là việc di chuyển di sản thừa kề theo những quy định của pháp luật.
Thừa kế theo luật được thực hiện trong các trường hợp: Người để lại thừa kế không định đoạt di sản của mình bằng di chúc hoặc có làm di chúc nhưng toàn bộ hoặc một phần của di chúc không có giá trị pháp luật; hoặc chỉ định đoạt bằng di chúc một phần di sản; hoặc người thừa kế được chỉ định trong di chúc chết trước người lập di chúc hay từ chối không nhận di chúc. Toàn bộ di sản không có di chúc hoặc phần di sản nằm ngoài di chúc hợp pháp sẽ được chuyển cho các người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý của việc thừa kế theo luật là quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Diện những người thừa kế theo luật gồm những người thân gần gũi của những người chết theo ba quan hệ này. Cụ thể: diện thừa kế theo luật gồm: Vợ góa (vợ cả góa, vợ lẽ góa) hoặc chồng góa, các con đẻ và con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ hoặc bố nuôi, mẹ nuôi; ông nội, bà nội và ông ngoại, bà ngoại; anh, chị, em ruột; anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; anh, chị, em nuôi.
Nhưng không phải tất cả những người ở trong diện thừa kế đều được thừa kế cùng một lúc. Những người thân gần gũi nhất với người chết được xếp vào hàng thừa kế thứ nhất. Những người thân gần gũi tiếp theo được xếp vào hàng thừa kế thứ hai. Những người ở hàng thừa kế thứ nhất được chia trước và thừa kế toàn bộ di sản, nếu ở hàng thứ nhất không có ai hoặc tuy có nhưng họ đều không nhận, thì mới đến những người thừa kế ở hàng thứ hai. Các người thừa kế trong cùng một hàng, được hưởng một suất ngang nhau.
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ góa (vợ cả góa, vợ lẽ góa) hoặc chồng góa, các con đẻ và con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ hoặc bố nuôi, mẹ nuôi.
Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột; anh, chị, em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha và anh, chị, em nuôi.
1. Ở hàng thừa kế thứ nhất.
- Quan hệ vợ chồng, cho đến khi mở thừa kế, phải là quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc là quan hệ hôn nhân thực tế, được Tòa án thừa nhận.
Trường hợp một bên xin ly hôn hoặc cả hai bên xin thuận tình ly hôn, Tòa án đã xử cho ly hôn, trong thời gian bản án chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một bên chết, bên còn sống vẫn có quyền thừa kế của bên kia, vì về mặt pháp lý, quan hệ vợ chồng vẫn còn.
Ở miền Nam, đối với những trường hợp vợ chồng đã ly thân trước ngày giải phóng thì về mặt pháp lý, quan hệ vợ chồng vẫn còn, cho nên họ vẫn được thừa kế lẫn nhau. Nhưng nếu sau khi ly thân, mỗi bên đã kết hôn với người khác (hoặc một bên đã kết hôn với người khác mà bên kia không khiếu nại gì) thì thực chất quan hệ vợ chồng không còn nữa, nên họ không được thừa kế của nhau.
- Con đẻ gồm có con chung và con riêng, kể cả người con được thụ thai khi người bố còn sống và sinh ra sau khi người bố chết không quá 300 ngày. Con riêng gồm con trong giá thú và con ngoài giá thú (nếu có).
- Con nuôi được thừa kế phải là con nuôi hợp pháp, tức là việc nuôi con nuôi phải được Ủy ban nhân dân cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch (Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình). Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp nhân dân chưa hiểu pháp luật cho nên chưa xin chính quyền công nhận và đăng ký vào sổ hộ tích việc nuôi con nuôi. Trong trường hợp này, nếu việc nhận con nuôi là ngay thẳng, cha mẹ đẻ của đứa trẻ hoàn toàn tự nguyện, việc nuôi dưỡng đứa trẻ được bảo đảm, thì coi là con nuôi thực tế. Con nuôi và bố mẹ nuôi có quyền thừa kế lẫn nhau. Con nuôi (hợp pháp hay thực tế) không được thừa kế theo luật đối với di sản của bố mẹ đẻ và anh, chị, em ruột.
- Người được nhận làm người thừa tự thì coi như con nuôi của người lập tự và được thừa kế di sản của người đó.
- Con riêng của vợ hay chồng người chết không được thừa kế di sản của người chết, vì không có quan hệ huyết thống đối với người đẻ. Nhưng nếu có đầy đủ bằng chứng để xác định rằng người con riêng đã được bố dượng hoặc mẹ ghẻ thương yêu, nuôi nấng, chăm sóc như con đẻ, thì người con riêng đo được coi như con chung, nên được thừa kế.
Người con nào (kể cả con nuôi) chết trước người để thừa kế, thì các con của người đó (tức là cac cháu của người để thừa kế) sẽ hưởng phần thừa kế của bố hoặc mẹ mình (thừa kế thế vị).
Những người có thể thừa kế lẫn nhau (như vợ và chồng, cha và con...) nếu chết trong cùng một thời điểm, hoặc trong trường hợp không thể xác định được ai chết trước, thì không ai được thừa kế của ai. Di sản của người nào sẽ chia cho những người thế kế của người đó.
- Người con dâu không được thừa kế di sản của bố, mẹ chồng. Nếu người con dâu có đóng góp đáng kể vào việc duy trì và phát triển khối tài sản của nhà chồng, thì họ có quyền được trích chia một phần tài sản tương xứng với công sức đã đóng góp, với danh nghĩa là người có quyền lợi chung.
Người con rể nếu ở với gia đình nhà vợ, cũng được giải quyết tương tự như người con dâu đối với gia đình nhà chồng.
Các con, cháu sống chung trong gia đình, người nào có đóng góp đáng kể trong việc duy trì và phát triển khối tài sản chung, khi bố mẹ hoặc ông bà chết và cần chia di sản, đều được trích chia một phần tài sản tương xứng với công sức đã đóng góp.
Số tài sản được trích chia cho các thành viên trong gia đình với tư cách là người có quyền lợi chung, là nằm ngoài khối di sản của người chết. Do đó, đối với những người vừa được trích chia tài sản với tư cách là người có quyền lợi chung, vừa được chia thừa kế, thì không được trừ số tài sản mà họ được trích chia vào kỷ phần di sản mà họ được chia thừa kế.
2. Ở hàng thừa kế thứ nhất.
Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh, chị, em ruột; anh, chị, em cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ của người để lại thừa kế có quan hệ huyết thống gần gũi với người để thừa kế cho nên thuộc hàng thứa kế thứ hai.
Con nuôi được coi như con đẻ, nên anh, chị, em nuôi cũng được xếp cùng hàng với anh, chị, em ruột và có quyền thừa kế như anh, chị, em ruột.
3. Người sống nương nhờ.
Người mất sức lao động, sống nương nhờ vào người có di sản (bằng trợ cấp thường xuyên hoặc nuôi dưỡng ở trong nhà), không được thừa kế di sản người đó. Nhưng để tránh gây ra những khó khăn đột xuất trong đời sống của người sống nương nhờ, cần trích một phần ở khối di sản để giúp đỡ họ. khoản giúp đỡ này nhiều hay ít tùy thuộc vào thời gian người đó đã được giúp đỡ dài hay ngắn, mức độ nhiều hay ít và tùy theo tình hình khối di sản để lại. Nếu trước khi chết một thời gian, người để lại di sản đã thoi không giúp đỡ nữa, người sống nương nhờ đã có sự giúp đỡ khác bảo đảm đời sống, thì không cần thiết phải trích di sản để giúp đỡ người đó nữa.
Nếu có người thừa kế tự nguyện cho người đang sống nương nhờ được nương nhờ vào mình, thì kỷ phần của người thừa kế này cần được tăng thêm một cách thỏa đáng.
4. Người không được thừa kế.
Người đã giết người để thừa kế hoặc đã đối xử quá tàn tệ với người đó thì không được thừa kế di sản của người đó.
Người đã giết người thừa kế cùng hàng với mình để chiếm đoạt toàn bộ di sản hoặc nhằm làm tăng kỷ phần cho bản thân thì không được thừa kế di sản của cả hai người ấy (người để thừa kế và người bị giết).
Trước hết cần cố gắng hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận với nhau một cách hợp lý, hợp tình, trên tinh thần đoàn kết, nhường nhịn và tương trợ lẫn nhau. Khi xét thấy không còn khả năng hòa giải thành, Tòa án mới đưa vụ án ra xét xử.
Trong việc phân chia di sản, trước tiên cần xác định chín xác phạm vi khối di sản của người chết để lại, tức là cần kiểm kê và trị giá các loại tài sản hiện có, thanh toán khối tài sản chung giữa người chết với người khác như: giữa người chết với vợ hoặc chồng của người đó, giữa người chết với những người đã có đóng góp công sức đáng kể vào khối tài sản chung hoặc với những người đồng sở hữu khác (theo thời giá lúc xử sơ thẩm).
Sau khi đã xác định chính xác khối di sản (gồm các tài sản, các quyền và nghĩa vụ về tài sản) mà người chết để lại, cần thanh toán các khoản nghĩa vụ của người chết theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- Tiền cấp dưỡng;
- Tiền bồi thường tổn hại về sức khỏe, tính mạng của công dân;
- Tiền công lao động;
- Các món nợ của Nhà nước;
- Các món nợ khác.
Tiếp đó, trích ra một phần để giúp đỡ người sống nương nhờ.
Sau khi thanh toán xong các quan hệ về mặt dân luật, phần di sản còn lại sẽ được chia cho những người thừa kế. Người chưa thành niên, người mất sức lao động, người đang gặp khó khăn về đời sống, người có công nuôi dưỡng, chăm sóc người để lại di sản và người có công giữ gìn di sản của người đã chết, cần được chiếu cố.
Khi chia di sản, phải căn cứ vào tính chất và công dụng của từng loại tài sản và nhu cầu thực tế khác nhau về sản xuất, công tác và sinh hoạt của mỗi người thừa kế mà phân chia cho họ được những lại tài sản thích hợp, nhằm vừa phát huy được giá trị sử dụng của từng loại tài sản, vừa tạo cho mỗi người thừa kế có thêm thuận lợi trong sản xuất, công tác và sinh hoạt.
Đối với những tài sản không thể phân chia được hoặc nếu phân chia, sẽ mất công dụng tốt nhất của nó, thì không nên phân chia nhỏ. Nếu giữa người được chia loại tài sản này với người được chia loại tài sản khác có sự chênh lệch về giá trị, thì người được chia loại tài sản có giá trị lớn hơn phải bù chênh lệch.
Những tài sản mà bố mẹ khi còn sống đã cho các con (khi lấy chồng, lấy vợ, ra ở riêng...) thì không tính vào di sản. Nhưng khi chia cần chú ý đến số tài sản mà người đó đã được bố mẹ cho nhiều hay ít và hoàn cảnh của người đó trong mối tương quan chung, để có sự điều chỉnh cho hợp lý, hợp tình, tránh tình trạng có người con đã được bố mẹ cho nhiều nay vẫn được chia một suất bằng suất của người chưa được bố mẹ cho gì và nay đang gặp khó khăn.
Trường hợp sau khi cha mẹ chết, có người con muốn xin chia di sản để ra ở riêng, thì trích cho họ một số tài sản, phù hợp với công sức đóng góp của họ vào khối tài sản chung và một phần di sản bằng một suất thừa kế của họ. Số tài sản còn lại, những người còn sống chung trong gia đình vẫn dúng chung, hưởng chung.
Phần di sản chia cho người chưa thành niên sẽ giao cho người giám hộ quản lý. Phần di sản chia cho người thừa kế vắng mặt, thì tùy trường hợp mà giao cho người thân thích gần gũi nhất của họ hoặc giao cho cơ quan có trách nhiệm quản lý tài sản vắng chủ quản lý.
Thừa kế theo di chúc là việc di chuyển di sản thừa kế của một người đã chết cho các người khác theo sự định đoạt của người đó khi còn sống.
Di chúc có thể là chúc thư viết hoặc di chúc miệng.
Di chúc viết phải do người có năng lực hành vi dân sự tự nguyện lập ra, được chính quyền địa phương xác nhận. Trong trường hợp đặc biệt, di chúc có thể do cơ quan, đơn vị nơi đương sự làm việc xác nhận. Nếu người có tài sản đang đi trên phương tiện giao thông hay đang ở trong một cơ sở chữa bệnh mà gặp tình huống phải cấp bách lập di chúc thì sự chứng nhận của người phụ trách của phương tiện giao thông hay cơ sở chữa bệnh cũng được coi là hợp lệ.
Nếu di chúc không có sự chứng nhận hợp lệ, nhưng có người làm chứng bảo đảm, hoặc xác định được di chúc đó đúng là do người có di sản tự nguyện lập ra (như đúng là chữ viết và chữ ký của người có di sản, thời gian và địa điểm ghi trong di chúc cũng phù hợp...) thì cũng có giá trị.
Nếu là di chúc miệng thì phải có người làm chứng bảo đảm.
Người lập di chúc, khi còn sống có quyền thay đổi việc định đoạt tài sản của mình, tức là có quyền bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ di chúc. Cho nên một người chết có thể để lại nhiều bản di chúc. Trong trường hợp này, nếu các bản di chúc có nội dung khác nhau, thì di chúc lập sau cùng có giá trị thi hành. Nếu di chúc lập sau bổ sung hay cụ thể hóa nội dung của di chúc lập trước thì cả hai đều có giá trị.
Di chúc của người không có năng lực hành vi dân sự hoặc di chúc làm ra vì bị đe dọa, áp buộc hoặc di chúc miệng không có người làm chứng, đều không có giá trị.
Trường hợp khó xác định di chúc nào có giá trị thi hành, thì cần đi sâu điều tra để xác định ý chí cuối cùng của người lập di chúc, không kể là di chúc được lập dưới hình thức nào.
B - Quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc
Thông qua di chúc, người có tài sản có quyền để lại tài sản của mình cho bất cứ ai. Người thừa kế được chỉ định trong di chúc có thể là côn dân, Nhà nước hay một tổ chức xã hội. Nếu là công dân thì người đó có thể ở trong diện thừa kế theo luật, mà cũng có thể không ở trong diện đó.
Tuy nhiên, nội dung của di chúc phải phù hợp với chính sách và pháp luật. Nếu toàn bộ nội dung của di chúc đều trái với chính sách và pháp luật, thì di chúc không có giá trị. Nếu chỉ có một số điểm không đúng pháp luật, thì chỉ riêng những điểm đó không có giá trị, những điểm khác phù hợp với pháp luật vẫn được thi hành.
Người lập di chúc phải dành lại một phần tài sản cho những người thừa kế bắt buộc (nếu có). Những người thừa kế bắt buộc gồm: Vợ góa hoặc chồng góa, con chưa thành niên hoặc tuy đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, bó mẹ già yếu và túng thiếu.
Phần di sản phải dành lại cho mỗi người thừa kế bắt buộc, ít nhất là 2/3 suất của thừa kế theo luật. Nếu di chúc truất quyền thừa kế của người thừa kế bắt buộc hoặc phần dành lại cho mỗi người thừa kế bắt buộc ít hơn 2/3 suất thì phải trích chia cho đủ 2/3.
Sau khi đã trích chia cho những người thừa kế bắt buộc, Tòa án vẫn chiếu theo di chúc để phân chia số di sản còn lại cho những người được chỉ định trong di chúc, theo tỷ lệ phân quyền của họ.
Di chúc do hai vợ chồng cùng làm để định đoạt tài sản chung, nếu một người chết trước, thì chỉ riêng phần di sản của người đó được thi hành theo di chúc. Người còn sống có quyền giữ nguyên, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình.
Trường hợp người chồng (hoặc người vợ) do không hiểu pháp luật hoặc còn bị ảnh hưởng của phong tục, tập quán cũ, đã định đoạt cả khối tài sản chung của vợ chồng, thì phần tài sản của vợ (chồng) của người chết được tách ra giao cho người đó. Phần còn lại là di sản của người chết sẽ giao cho người được chỉ định tron di chúc./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.