BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78-TC/TCT |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1987 |
Thi hành Quyết định số 217/HĐBT ngày 14/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh XHCN đối với xí nghiệp quốc doanh, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở như sau (từ Điều 16 đến Điều 26 trong Quyết định trên);
1/ Về việc sử dụng linh hoạt các nguồn lực của xí nghiệp (Điều 16):
Xí nghiệp được sử dụng linh hoạt các nguồn vốn và qũy của mình (bao gồm vốn lưu động, vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản, vốn khấu hao sửa chữa lớn và các quỹ xí nghiệp) để phục vụ kịp thời các yêu cầu sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc có hoàn lại; Nghĩa là khi nguồn vốn quỹ thiếu, xí nghiệp có thể tạm thời sử dụng nguồn vốn khác để bù đắp, sau đó phải hoàn trả lại.
2/ Chế độ cấp vốn ban đầu một lần (Điều 18):
Nguồn vốn lưu động của xí nghiệp bao gồm:
- Vốn lưu động định mức của xí nghiệp được Nhà nước cấp một lần khi xí nghiệp mới bước vào hoạt động.
Nếu xí nghiệp được đưa vào hoạt động từng bộ phận theo luận chứng kinh tế kỹ thuật thì vốn lưu động định mức của xí nghiệp được xác định và cấp phát theo từng đợt tương ứng với công suất thực tế huy động.
- Vốn xí nghiệp tự bổ sung hàng năm từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất trích từ lợi nhuận để lại cho xí nghiệp.
- Vốn vay Ngân hàng, kể cả vay bằng ngoại tệ.
- Các khoản nợ định mức và nguồn vốn khác (như đã nói ở mục 6 dưới đây về chế độ tạo vốn tự có của xí nghiệp).
Khi mới bước vào sản xuất, xí nghiệp phải xây dựng định mức vốn lưu động, trình cơ quan chủ quản cùng với cơ quan tài chính và Ngân hàng cùng cấp xét duyệt. Kể từ 1/1/1988, đối với các xí nghiệp mới đi vào hoạt động, Ngân sách Nhà nước cấp đủ vốn lưu động định mức 1 lần theo công suất thực tế huy động.
Đối với các xí nghiệp đang hoạt động, sau khi xác định lại định mức vốn lưu động theo mặt bằng giá mới, phần vốn lưu động định mức thiếu được bổ sung bằng các nguồn sau đây:
a. Chênh lệch giá vật tư hàng hoá kiểm kê tồn kho theo Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng số 46 TT/LBTC-NH ngày 30/9/1987.
b. Xí nghiệp tự bổ sung bằng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất trích từ lợi nhuận để lại xí nghiệp theo chế độ hiện hành.
c. Huy động vật tư ứ đọng ra sử dụng.
d. Cơ quan chủ quản cấp trên điều hoà từ nơi thừa đến nơi thiếu (nếu có) trong nội bộ ngành sau khi thống nhất với cơ quan tài chính và Ngân hàng cùng cấp.
e. Sau khi bổ sung từ các nguồn nói trên, nếu vốn lưu động định mức được các cơ quan có thẩm quyền nói trên duyệt phần Ngân sách cấp theo quy định tại Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng số 46 TTLB - NHNN ngày 6/12/1986 vẫn còn thiếu thì xin Nhà nước cấp bổ sung để đảm bảo vốn cho xí nghiệp hoạt động bình thường.
Phần cho vay trong định mức vốn lưu động theo phần như quy định theo các chế độ trước đây và quy định tại Thông tư nói trên, nay sẽ do Ngân hàng Nhà nước Trung ương hướng dẫn và xí nghiệp thực hiện theo hướng dẫn đó của Ngân hàng.
3/ Phương thức nhượng bán TSCĐ (Điều 19 và mục 2, Điều 2 Quyết định 217):
Những TSCĐ được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách nếu không cần dùng thì xí nghiệp báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để điều động cho các xí nghiệp khác theo nguyên tắc nhượng bán TSCĐ trong ngành sử dụng hoặc cho phép bán (hoặc cho thuê) cho các đơn vị kinh tế quốc doanh khác ngoài ngành theo giá cả được hai bên mua bán chấp thuận, trên cơ sở giá trị còn lại của TSCĐ ở thời điểm bán. Những TSCĐ này nếu nhượng bán ra ngoài khu vực kinh tế quốc doanh thì phải có ý kiến thoả thuận của cơ quan tài chính cùng cấp. Sau 30 ngày kể từ khi gửi báo cáo nếu các cơ quan cấp trên không có ý kiến, xí nghiệp được bán tài sản đó theo phương án đã trình.
Đối với TSCĐ được mua sắm bằng nguồn vốn tự có về đầu tư XDCB hoặc quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp, bằng vốn vay Ngân hàng hoặc bằng các nguồn vốn huy động khác, nếu không cần dùng xí nghiệp được quyền bán cho các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế, ưu tiên bán cho quốc doanh và tập thể theo giá cả thoả thuận ở thời điểm bán và theo phân cấp, chất lượng còn lại của TSCĐ. Tiền thu về nhượng bán (hoặc cho thuê) TSCĐ đầu tư từ mọi nguồn vốn, kể cả nguồn vốn vay Ngân hàng sau khi đã trả đủ vốn và lãi vay đều được đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp để bổ sung vốn tự có về đầu tư XDCB nhằm duy trì và đổi mới TSCĐ.
Các xí nghiệp phải báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan tài chính cùng cấp để thực hiện kiểm soát việc mua bán TSCĐ, bảo đảm nguyên tắc: mua và bán TSCĐ của các đơn vị sản xuất là xuất phát từ yêu cầu mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh , cấm mua đi bán lại để hưởng chênh lệch giá.
Xí nghiệp được tự thanh lý TSCĐ đã hết thời hạn khấu hao bất kể là từ nguồn nào. Tiền thu về thanh lý TSCĐ được bổ sung vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp.
4/ Chế độ khấu hao và sử dụng vốn khấu hao TSCĐ (Điều 20 và Điều 21):
a. Nguyên giá TSCĐ hiện có, giá trị hao mòn thực tế và giá trị còn lại (vốn cố định) của TSCĐ đang sử dụng được xác định trên cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước.
Những TSCĐ mới được mua sắm thì hạch toán nguyên giá theo giá thực tế mua cộng chi phí lắp đặt, vận chuyển, bảo quản (nếu có).
b. Tất cả TSCĐ hiện có của xí nghiệp đều phải trích khấu hao và giá thành sản phẩm. Tỷ lệ khấu hao TSCĐ được áp dụng thống nhất theo chế độ quy định của Bộ Tài chính cho những TSCĐ sử dụng phổ biến ở từng ngành kinh tế kỹ thuật, hoặc áp dụng theo tỷ lệ khấu hao do các ngành chủ quản quy định đối với những TSCĐ còn lại trong ngành sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính trên nguyên tắc:
Tỷ lệ khấu hao cơ bản phải phản ánh đúng mức độ hao mòn thực tế TSCĐ trong điều kiện sản xuất bình thường.
Tỷ lệ khấu hao sửa chữa lớn phải phản ánh đúng chi phí thực tế hợp lý phù hợp với mặt bằng giá lương về sửa chữa lớn tài sản cố định theo định kỳ đối với mỗi loại TSCĐ.
Tài sản cố định chưa khấu hao hết nhưng còn sử dụng được thì được đánh giá lại và tiếp tục trích khấu hao và hạch toán vào giá thành sản phẩm; số tiền khấu hao này được đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp.
Tài sản cố định chưa khấu hao hết mà đã hư hỏng do nguyên nhân chủ quan, xí nghiệp phải làm thủ tục thanh lý và phải dùng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp để bù đắp phần thiệt hại về giá trị TSCĐ.
c. Xí nghiệp được lập vốn tự có về đầu tư XDCB gửi tại Ngân hàng đầu tư và xây dựng từ các nguồn: toàn bộ tiền trích khấu hao cơ bản của các xí nghiệp đang hoạt động được để lại cho xí nghiệp, một phần quỹ khuyến khích phát triển sản xuất và một phần quỹ phúc lợi.
Những xí nghiệp khác mới đi vào hoạt động trong 3 năm đầu thì nộp 70% khấu hao cơ bản vào Ngân sách Nhà nước. Số còn lại để lập vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản của xí nghiệp.
Đối với những tài sản cố định đầu tư bằng vốn tự có của xí nghiệp hoặc vốn vay thì tiền trích khấu hao cơ bản để lại toàn bộ cho xí nghiệp để trả nợ vốn vay và sử dụng theo yêu cầu đầu tư của xí nghiệp.
Hàng năm xí nghiệp được sử dụng vốn tự có để đầu tư bổ sung, thay thế, đổi mới tài sản cố định, duy trì và nâng cao năng lực sản xuất của xí nghiệp nhưng phải được kế hoạch hoá để bảo đảm tự cân đối được về vật tư, thiết bị và lực lượng thi công.
Trường hợp nguồn vốn tự có không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư theo kế hoạch thì có thể vay vốn Ngân hàng hoặc tự huy động từ các nguồn vốn khác như quy định ở điểm “6” dưới đây để bổ sung. Nguồn trả nợ Ngân hàng về vốn vay này là vốn tự có và đầu tư XDCB của xí nghiệp.
Trường hợp xí nghiệp xét thấy sửa chữa lớn tài sản cố định quá tốn kém và không có hiệu quả thì xí nghiệp có thể sử dụng một phần vốn khấu hao sửa chữa lớn bổ sung vào vốn tự có về đầu tư XDCB để mua sắm tài sản cố định thay thế. Ngược lại trong những trường hợp cần thiết, xí nghiệp có thể sử dụng một phần vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản chưa sử dụng để bổ sung vốn sửa chữa lớn còn thiếu.
Trên cơ sở cân đối chung về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành. Liên hiệp các xí nghiệp hoặc Tổng Công ty được điều hoà vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản từ nơi thừa đến nơi thiếu trong nội bộ Liên hiệp hoặc Tổng Công ty với sự thoả thuận của xí nghiệp; khi xí nghiệp có yêu cầu về vốn đầu tư thì Liên hiệp hoặc Tổng Công ty phải điều trả lại vốn cho xí nghiệp.
5/ Chế độ cấp phát vốn đầu tư XDCB (Điều 38):
Ngân sách Nhà nước (Ngân sách Trung ương và Ngân sách Địa phương) chỉ cấp vốn theo kế hoạch đầu tư được duyệt cho những công trình được đối tượng Ngân sách cấp phát, bao gồm các công trình phúc lợi công cộng và cơ sở hạ tầng. Đối với các công trình sản xuất - kinh doanh thì Ngân sách Nhà nước cấp vốn cho những công trình trọng điểm của Nhà nước có quy mô lớn và thời gian thu hồi vốn dài (danh mục những công trình này do Uỷ ban kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Tài chính trình Hội đồng Bộ trưởng duyệt cụ thể theo kế hoạch hàng năm và 5 năm). Còn những công trình sản xuất khác: (bao gồm các công trình sản xuất - kinh doanh dịch vụ) thì đầu tư bằng vốn tự có của xí nghiệp, vốn vay Ngân hàng và các nguồn vốn khác mà xí nghiệp có thể huy động theo đúng chính sách của Nhà nước.
Đối với các công trình do nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp phát thì Ngân hàng thực hiện việc cấp phát thay cho tài chính bằng nguồn vốn do tài chính chuyển sang theo kế hoạch từng công trình.
Những tài sản cố định mua sắm bằng vốn vay Ngân hàng để đầu tư chiều sâu thì nguồn trả nợ về vốn là tiền KHCB của TSCĐ đi vay, còn nguồn trả lãi vay được tính vào giá thành sản phẩm xí nghiệp. Trường hợp thời gian trả nợ vay nhanh hơn thời gian khấu hao TSCĐ thì xí nghiệp tự quyết định bổ sung nguồn trả nợ vốn vay từ vốn tự có về đầu tư XDCB của xí nghiệp. Các đơn vị xí nghiệp không được lấy lợi nhuận và các khoản khác phải nộp Ngân sách Nhà nước để trả nợ Ngân hàng.
Nhà nước khống chế tổng mức đầu tư XDCB trong kế hoạch thống nhất của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Mức khống chế đó không phân biệt nguồn vốn và được phân bổ cho từng ngành và từng địa phương để giao cho từng đơn vị kinh tế cơ sở tổ chức thực hiện.
6/ Chế độ tự tạo vốn của xí nghiệp (Điều 22):
- Ngoài phần vốn cố định và vốn lưu động Nhà nước cấp ban đầu, các đơn vị xí nghiệp được quyền và có trách nhiệm tự tạo vốn tự có để mở rộng sản xuất kinh doanh dưới các hình thức:
- Tự bổ sung bằng phần lợi nhuận để lại xí nghiệp (thông qua quỹ khuyến khích phát triển sản xuất).
- Vay vốn Ngân hàng, kể cả vay ngoại tệ.
- Vay vốn nước ngoài để nhập vật tư, thiết bị.
- Góp vốn thông qua các hình thức liên kết sản xuất với các đơn vị quốc doanh khác và các thành phần kinh tế khác.
- Thu hút vốn của tập thể, cá nhân trong nước, của kiều bào, của nước dưới các hình thức góp cổ phần hoặc cho vay, trên cơ sở thực hiện các cam kết với người góp vốn hoặc cho vay vốn.
Xí nghiệp được quyền quyết định nội dung các cam kết trên cơ sở thoả thuận với người góp vốn hoặc cho vay vốn về các chế độ hoàn vốn, trả lại hoặc chia sản phẩm (ngoài phần sản phẩm chủ yếu thuộc chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh phải tiêu thụ theo địa chỉ quy định) trên nguyên tắc bảo đảm các lợi ích: Nhà nước, tập thể xí nghiệp và người góp vốn, và phải chịu trách nhiệm vật chất về việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn huy động đó.
7/ Hạch toán giá thành sản phẩm (Điều 23):
a. Vật tư do Nhà nước cung ứng thì hạch toán vào giá thành sản phẩm theo giá Nhà nước quy định.
Vật tư trong nước do xí nghiệp tự kiếm thì hạch toán theo giá thực mua. Vật tư thiết bị tự nhập khẩu thì hạch toán theo giá bán buôn vật tư trong nước. Trường hợp không có giá trong nước thì tính giá trên cơ sở nguyên tệ nhập nhân với tỷ giá quy định cho từng nhóm hàng và cộng thêm phí ngoại thương.
Xí nghiệp tự kiến vật tư (kể cả vật tư tự nhập khẩu) để sản xuất thêm sản phẩm phải tự tính toán đảm bảo sản xuất có hiệu quả, tự bù đắp được chi phí sản xuất và kinh doanh có lãi (trừ một số mặt hàng Nhà nước bù lỗ theo chính sách).
b. Các khoản lãi vay NH về mua sắm TSCĐ để đầu tư chiều sâu, lãi vay vốn lưu động trong định mức và trên định mức trong kế hoạch tín dụng được hạch toán vào giá thành sản phẩm.
Không hạch toán vào giá thành sản phẩm : tiền lãi vay vốn lưu động trên định mức ngoài kế hoạch tín dụng; vay vốn của tập thể hoặc tư nhân theo các cam kết chia lãi của xí nghiệp, các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng, phạt tín dụng thanh toán, vi phạm kỷ luật thu nộp và các khoản chi không đúng chế độ.
Các khoản chi nói trên được trả bằng nguồn lợi nhuận để lại xí nghiệp.
c. Các khoản chi phí như: chi phí bồi dưỡng tay nghề tập trung, các trường lớp, bệnh viện bên cạnh xí nghiệp, Tổng Công ty hạch toán kinh tế độc lập, chi phí bệnh xá, trạm xá, chi phí phục vụ nhà ăn tập thể, nhà ăn bồi dưỡng cả 3 độc hại, chi phí luyện tập quân sự . . . đều được hạch toán vào giá thành sản phẩm như đã quy định tại Thông tư số 22 TC/CN ngày 19/3/87 của Bộ Tài chính
Các bệnh viện hay trường đào tạo có quy mô lớn ở các vùng miền núi, hải đảo xa trung tâm văn hoá xã hội mà giá thành không có khả năng chịu đựng thì từng bước sắp xếp bàn giao cho các cơ quan chức năng quản lý và đảm bảo chi bằng nguồn Ngân sách cấp phát. Trong khi chưa sắp xếp được thì Ngân sách tạm thời vẫn cấp phát.
Những công trình nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có liên quan trực tiếp đến sản xuất, xí nghiệp được hạch toán vào giá thành sản phẩm.
8/ Phân phối lợi nhuận xí nghiệp (Điều 24):
a. Lợi nhuận thực hiện của xí nghiệp được xác định trên cơ sở tổng doanh thu thực hiện (tính theo giá tiêu thụ sản phẩm) trừ (-) giá thành sản phẩm đã tiêu thụ, trừ (-) thu quốc doanh phải nộp và các khoản nộp Ngân sách khác như chênh lệch giá (nếu có).
Tuỳ theo từng ngành, tổng số lợi nhuận thực hiện của xí nghiệp (không phân biệt trong kế hoạch và vượt kế hoạch) được phân phối như sau:
- Để lại xí nghiệp từ 40 đến 60%
- Nộp Ngân sách Nhà nước từ 60 đến 40%
Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể tỷ lệ này cho từng ngành.
Số lợi nhuận tăng thêm so với kế hoạch do áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật được để lại toàn bộ cho xí nghiệp từ 1 đến 3 năm đầu để bổ sung vào các quỹ xí nghiệp và thưởng cho các tập thể, cá nhân trực tiếp đóng góp vào việc đó (có hướng dẫn riêng về việc khen thưởng các công trình nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật).
70% số lợi nhuận tăng thêm so với kế hoạch do tiết kiệm tiêu hao vật tư so với định mức do cấp có thẩm quyền duyệt (sau khi đã bù trừ với các khoản lãng phí) được để lại xí nghiệp để trích vào các quỹ xí nghiệp.
Xí nghiệp được trừ các khoản lợi nhuận tăng thêm đó (100% do áp dụng khoa học kỹ thuật và 70% do tiết kiệm tiêu hao vật tư) trước khi phân phối theo các tỷ lệ quy định nói trên.
Số tiền tiết kiệm hoặc lợi nhuận tăng thêm nói trên được trích vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất tối thiểu là 35% số còn lại đưa vào 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi. Mức thưởng cho các tập thể và cá nhân đã trực tiếp đóng góp vào việc áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật do Giám đốc xí nghiệp quyết định sau khi có ý kiến tham gia của tổ chức công đoàn xí nghiệp.
Riêng lợi nhuận sản xuất phụ bằng phế liệu, phế phẩm không phân biệt trong mức kế hoạch và vượt mức kế hoạch đều được phân phối: nếu xí nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của sản xuất chính thì 70% để lại cho xí nghiệp và 30% nộp Ngân sách Nhà nước; Nếu xí nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của sản xuất chính thì 50% để lại cho xí nghiệp và 50% nộp Ngân sách Nhà nước.
Nếu xí nghiệp không hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh chủ yếu thì phần lợi nhuận để lại xí nghiệp sẽ bị giảm trừ 2% tổng mức trích vào 3 quỹ xí nghiệp cho mỗi % không hoàn thành về 1 chỉ tiêu pháp lệnh.
b. Lợi nhuận để lại cho xí nghiệp được sử dụng như sau:
1- Trả tiền lãi vay Ngân hàng về vốn lưu động trên định mức ngoài kế hoạch các khoản trả tiền lãi, vay tập thể hoặc tư nhân theo các cam kết chia lãi của xí nghiệp.
2- Thanh toán các khoản nộp phạt như vi phạm hợp đồng kinh tế, phạt vi phạm kỷ luật tiền mặt, tín dụng, thanh toán, kỷ luật nộp Ngân sách.
3- Số còn lại (coi như 100%) được phân phối cho các quỹ theo nguyên tắc sau đây:
- Trích cho quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, tối thiểu là 35% và không hạn chế mức tối đa tuỳ theo ngành sản xuất và yêu cầu cụ thể của xí nghiệp mà Đại hội công nhân viên chức xí nghiệp quyết định cụ thể. Dành 1% quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp nộp lên để lập quỹ dự trữ tài chính tập trung ở Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng Công ty.
- Số còn lại được dùng để lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi của xí nghiệp, mức cụ thể vào mỗi quỹ do Đại hội công nhân viên chức xí nghiệp quyết định.
Trong khi chưa tổ chức Đại hội công nhân viên chức xí nghiệp thì Giám đốc tạm thời quy định việc phân phối vào 3 quỹ xí nghiệp theo nguyên tắc trên.
Trong điều kiện giá cả, tiền lương, thu nhập còn biến động và chênh lệch nhiều giữa các ngành, các địa phương; Trong khi Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính và Tổng công đoàn Việt nam chưa xác định được tỷ lệ điều tiết mức thu nhập hợp lý trong từng ngành nghề để đảm bảo công bằng xã hội như quy định tại Điều 50 Quyết định 217/HĐBT ngày 14/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng và chưa thực hiện chế độ thuế thu nhập đối với người lao động; Nếu tổng số quỹ khen thưởng và qũy phúc lợi của đơn vị kinh tế cơ sở vượt quá 6 tháng lương thực hiện cả năm (trừ các khoản chi bất hợp lý trong quỹ lương) của công nhân viên xí nghiệp thì Nhà nước điều tiết lại một phần của các qũy này theo tỷ lệ lũy tiến như sau:
- Từ trên 6 tháng đến 8 tháng lương thực hiện cả năm thì số vượt đó (coi là 100%), xí nghiệp phải nộp Ngân sách Nhà nước 50% và 10% nộp cơ quan quản lý cấp trên (Liên hiệp xí nghiệp, Tổng Công ty) để lập quỹ dự trữ tài chính; số còn lại 40% bổ sung vào các qũy xí nghiệp do Giám đốc xí nghiệp quyết định.
- Từ trên 8 tháng lương thực hiện cả năm thì số vượt đó (coi là 100%) xí nghiệp phải nộp Ngân sách Nhà nước 70%, 10% nộp lên cơ quan quản lý cấp trên (Liên hiệp xí nghiệp, Tổng Công ty) để lập quỹ dự trữ tài chính; số còn lại 20% bổ sung vào các quỹ xí nghiệp do Giám đốc xí nghiệp quyết định.
Những quy định về phân phối lợi nhuận nói trên được áp dụng từ năm 1988, năm 1987 vẫn áp dụng chế độ phân phối lợi nhuận như các quy định hiện hành.
9/ Chế độ thu nộp Ngân sách (Điều 25):
Tất cả các xí nghiệp quốc doanh đều phải nộp một khoản thu quốc doanh tính bằng tỷ lệ % ổn định từ 3 - 5 năm trên doanh thu bán hàng theo chế độ quy định thống nhất của Nhà nước. Mức thu quy định thống nhất cho các sản phẩm giống nhau trên cùng một địa bàn khu vực, không phân biệt xí nghiệp do cấp trên nào quản lý. Trong khi Bộ Tài chính chưa ban hành chế độ thu mới, tiếp tục thực hiện chế độ thu quốc doanh và mức thu hiện hành được quy định trong Thông tư số 47 TC/TQD ngày 27/12/1985 và Thông tư số 21 TC/TQD ngày 21/8/1986 của Bộ Tài chính.
a. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ năm 1988 và được áp dụng cho tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh hạch toán kinh tế độc lập thuộc tất cả các ngành kinh tế Trung ương và địa phương.
b. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các ngành và các địa phương phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.