NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75-NH/TT |
Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 1989 |
Thực hiện Quyết định số 139-CT ngày 24-5-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, hộ kinh tế cá thể kinh doanh vàng bạc, đá quý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh, đơn vị kinh tế tập thể, hộ kinh tế cá thể kinh doanh vàng bạc, đá quý theo những quy định sau:
I- VỀ TỔ CHỨC, ĐIỀU KIỆN VÀ PHẠM VI KINH DOANH
2/ Ngoài hệ thống kinh doanh vàng bạc của Ngân hàng Nhà nước, ở những nơi có nhu cầu thực sự cần thiết, các đơn vị kinh tế quốc doanh khác của một số ngành sản xuất kinh doanh có liên quan chặt chẽ đến khai thác, chế biến vàng, bạc như Tổng cục Mỏ và Địa chất, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Kinh tế đối ngoại (Tổng Công ty xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ)..., các đơn vị kinh tế tập thể, hộ kinh tế cá thể cũng được phép kinh doanh vàng bạc, đá quý (gọi chung là đơn vị kinh doanh vàng bạc) theo những quy định chi tiết hướng dẫn trong Thông tư này.
3/ Điều kiện để các đơn vị nói trên được kinh doanh vàng bạc, bao gồm :
3.1. Vốn bằng hiện kiêm.
Đối với đơn vị kinh doanh vàng bạc là đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể phải có mức vốn ban đầu tối thiếu tương đương với 50 lượng (37g5/lượng) vàng 10 tuổi; đối với hộ kinh doanh vàng bạc là cá thể phải có mức vốn ban đầu tối thiểu tương đương với 10 lượng (37g5/lượng) vàng 10 tuổi. Khi bắt đầu kinh doanh nếu số vố bằng hiện kim tối thiểu còn thiếu phải mau ngay để có đủ số hiện kim theo quy định trên.
Trong quá trình kinh doanh số vốn bằng hiện kim của đơn vị kinh tế vàng bạc có thể thay đổi nhưng không được dưới mức hiện kim quy định trên.
3.2. Ký quỹ bằng hiện kim ở Ngân hàng Nhà nước:
Để đảm bảo an toàn trong kinh doanh, đơn vị kinh doanh vàng bạc nhất thiết phải ký quỹ 30% mức vốn ban đầu bằng hiện kim tại Ngân hàng Nhà nước. Khi số vốn bằng hiện kim tăng lên đơn vị kinh doanh vàng bạc phải ký quỹ vốn bằng hiện kim bổ sung vào Ngân hàng Nhà nước và khi giảm xuống đơn vị có thể yêu cầu rút bớt số ký quỹ bằng hiện kim tương ứng, bảo đảm tỷ lệ quy định.
Khi đơn vị kinh doanh vàng bạc muốn ngừng kinh doanh, hoặc chuyển vốn sang sản xuất kinh doanh ngành nghề khác thì sẽ được rút toàn bộ số vốn bằng hiện kim gửi ký quỹ ở Ngân hàng Nhà nước.
3.3. Chuyên môn kỹ thuật:
Đơn vị kinh doanh vàng bạc quốc doanh, tập thể phải có ít nhất 2 thợ vàng bạc; hộ kinh doanh vàng bạc cá thể phải có những người trong hộ là thợ vàng bạc.
Thợ vàng bạc phải có trình độ chuyên môn; biết phân biệt thật giả, biết sử dụng các dụng cụ cân đo chính xác trọng lượng, khối lượng, chất lượng các loại vàng, bạc và các loại đá quý, biết sửa chữa, làm mới các hàng tư trang thông dụng bằng vàng, bạc, đá quý theo yêu cầu của người tiêu dùng.
3.4. Cửa hàng (cửa hiệu):
Cửa hàng (cửa hiệu) của đơn vị kinh doanh vàng bạc phải ghi địa chỉ rõ ràng (số nhà, đường phố, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, thành phố). Địa chỉ cửa hàng (cửa hiệu) của đơn vị kinh doanh vàng bạc phải có chứng nhận hợp pháp của Uỷ ban nhân dân phường (hoặc cấp tương đương). Khi thay đổi địa chỉ, đơn vị kinh doanh vàng bạc phải gửi đến Ngân hàng giấy báo thay đổi địa chỉ và đăng ký địa chỉ mới.
3.5. Giấy phép kinh doanh vàng bạc.
Muốn được cấp giấy phép kinh doanh vàng bạc, đơn vị kinh doanh vàng bạc phải gửi đơn xin cấp giấy phép đến Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực. Trên đơn phải có xác định của cơ quan chủ quản theo quy định như sau:
- Đối với đơn vị kinh doanh vàng bạc là quốc doanh do thủ trưởng cơ quan cấp chủ quản trực tiếp của đơn vị xác nhận.
- Đối với đơn vị kinh doanh vàng bạc tập thể, hộ kinh doanh vàng bạc cá thể do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường (hoặc cấp tương đương) xác nhận. Riêng đối với đơn vị kinh doanh vàng bạc tập thể phải gửi kèm theo đơn nói trên bản điều lệ hoặc nội quy hoạt động hợp lệ của đơn vị.
Giấy phép kinh doanh vàng bạc phải lập theo mẫu thống nhất và áp dụng trong cả nước gồm các nội dung cần thiết (mẫu giấy phép kinh doanh vàng bạc đính kèm).
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực xem xét các thủ tục, điều kiện kinh doanh theo Thông tư này, để cấp giấy phép kinh doanh vàng bạc cho đơn vị.
Đối với các đơn vị kinh tế tập thể, hộ kinh tế cá thể hiện đang kinh doanh vàng bạc nhưng chưa có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp, hoặc đã có giấy phép do chính quyền địa phương, hay do Ngân hàng Nhà nước cấp trước khi ban hành quyết định 139-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cần làm đơn và các thủ tục quy định trong Thông tư này xin cấp giấy phép. Những đơn vị, cá nhân sau khi Ngân hàng xét không đủ điều kiện cấp giấy phép, không được tiếp tục kinh doanh; nếu đơn vị, cá nhân nào vẫn tiếp tục kinh doanh sẽ bị xử lý về các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép theo pháp luật hiện hành.
Riêng đối với những đơn vị quốc doanh đã được chính quyền địa phương cấp giấy phép cho mua, bán, sửa chữa, cầm đồ tư trang bằng vàng bạc của địa phương song song với cửa hàng kinh doanh vàng bạc của hệ thống ngân hàng, nay theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 139-CT, thì chỉ có các đơn vị kinh tế quốc doanh có liên quan chặt chẽ đến khai thác, chế biến vàng bạc mới được kinh doanh vàng bạc, do vậy, việc giải quyết đối với các cửa hàng này phải làm trong một thời gian nhất định theo hướng:
- Những cửa hàng đặt ở các địa bàn mà tổ chức của công ty kinh doanh vàng bạc chưa có, tại nơi đó xét thấy thật sự cần phải có cửa hàng để phục vụ nhân dân; cửa hàng thời gian qua đã kinh doanh có lãi; cán bộ nhân viên có tay nghề khá, có tín nhiệm với khách hàng... thì tuỳ theo phạm vi, quy mô kinh doanh tại nơi đó có thể chuyển sang hình thức: cửa hàng thuộc hệ thống Công ty kinh doanh vàng bạc của Ngân hàng Nhà nước, của các ngành được phép kinh doanh vàng bạc như ở Điều 1 Quyết định số 139-CT đã quy định, hoặc chuyển thành đơn vị kinh tế tập thể kinh doanh vàng bạc. Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ nhiệm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực xem xét cụ thể và quyết định tại chỗ vấn đề này.
- Các đơn vị quốc doanh kinh doanh vàng bạc còn lại, nếu xét thấy không thể chuyển qua các hình thức đã nêu trên, thì Giám đốc Ngân hàng Nhà nước bàn với các ngành chủ quản báo cáo với Uỷ ban nhân dân đồng cấp để có biện pháp thích hợp giải quyết, chậm nhất đến cuối quý III-1989 ngừng hoạt động.
Các đơn vị kinh doanh vàng bạc chỉ được mua, bán, sửa chữa, làm mới các mặt hàng tư trang bằng vàng, bạc, đá quý ở trong nước; không được buôn bán vàng khối, vàng thỏi, vàng lá và mua bán vàng trực tiếp với nước ngoài.
II- TRÁCH NHIỆM TRONG KINH DOANH
Không phân biệt thành phần kinh tế, các đơn vị kinh doanh vàng bạc có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp đều có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau, cụ thể như sau:
1/ Đơn vị kinh doanh vàng bạc được thuê mướn lao động kỹ thuật phù hợp với các yêu cầu kinh doanh theo phạm vi được phép ký hợp đồng về kinh doanh vàng bạc với các cơ quan đơn vị quốc doanh, tập thể, và công dân; mở tài khoản gửi vốn hiện kim tại Công ty, cửa hàng vàng bạc thuộc Ngân hàng Nhà nước; mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng chuyên doanh để thanh toán, giao dịch phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
2/ Đơn vị kinh doanh vàng bạc có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, kịp thời cho Ngân sách Nhà nước; việc mua, bán, sửa chữa, làm mới các tư trang bằng vàng, bạc, đá quý đơn vị kinh doanh vàng bạc đều phải có hoá đơn, có sổ sách và thực hiện hạch toán kế toán theo Pháp lệnh kế toán và thống kê; cụ thể:
- Mua hàng phải lập hoá đơn mua hàng và ghi đầy đủ các yếu tố đã quy định.
- Hàng bán cho khách hàng nhất thiết phải đóng dấu ký mã hiệu riêng trên sản phẩm, hoá đơn bán hàng phải ghi rõ số lượng, chất lượng (tuổi vàng, bạc, đá quý loại A, B, C), đơn giá, số tiền bán.
- Nhận sửa chữa, làm mới các tư trang bằng vàng, bạc, đá quý phải có biên lai giao cho khách hàng, trên biên lai ghi rõ số lượng hàng, trọng lượng (gam), chất lượng, quy cách hàng đặt làm mới hoặc sửa chữa, gia công, ngày trả hàng.
- Các hoạt động mua, bán, làm dịch vụ về vàng, bạc, đá quý nhất thiết phải hạch toán, ghi chép đầy đủ vào sổ sách.
3/ Đơn vị kinh doanh vàng bạc ngừng hoạt động vẫn phải chịu trách nhiệm đầy đủ về tài sản của khách hàng (vàng, bạc, đá quý của khách hàng đưa sửa chữa, làm mới chưa trả, công nợ chưa thanh toán) và số thuế trong thời gian trước khi ngừng hoạt động chưa nộp đủ cho Nhà nước.
Trường hợp thay đổi chủ đơn vị kinh doanh, người lên thay phải nhận đầy đủ quyền và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh do người chủ cũ giao lại.
4/ Các đơn vị kinh doanh vàng bạc phải chịu sự quản lý, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước về phạm vi kinh doanh, các phương tiện cân đo, sổ sách kế toán, kỹ mã hiệu và chất lượng các hàng tư trang vàng bạc, đá quý. Đơn vị kinh doanh vàng bạc có trách nhiệm báo cáo và xuất trình các hiện vật và tài liệu cần thiết khi Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có nhiệm vụ đến kiểm tra.
5/ Đơn vị kinh doanh vàng bạc vi phạm các quy định của Thông tư này, tuỳ theo mức vi phạm sẽ bị xử lý theo các hình thức sau: cảnh cáo; phạt bằng tiền; tịch thu tang vật vàng, bạc, đá quý vi phạm; thu hồi giấy phép kinh doanh; truy tố trước pháp luật.
Tiền phạt, tang vật vàng, bạc, đá quý tịch thu nói trên sau khi đã trích chi thưởng theo chế độ quy định cho các đơn vị và cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, điều tra, số còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước.
Việc thực hiện tốt Quyết định số 139/CT ngày 24-5-1989 có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất quan trọng vì vậy Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, khu vực trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó cần chú ý các vấn đề sau:
1/ Trực tiếp báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương về nội dung, yêu cầu và kế hoạch triển khai thực hiện quyết định trên; đồng thời bàn với các ngành để có biện pháp phối hợp đồng bộ kể cả việc tuyên truyền, giải thích sâu rộng trong nhân dân.
2/ Về phần nội bộ Ngân hàng.
- Bố trí cán bộ có năng lực (trong đó có thợ vàng bạc) trong phòng tiền tệ - kho quỹ để chuyên trách công tác đăng ký, cấp giấy phép kinh doanh và kiểm tra việc thực hiện các chính sách quản lý kinh doanh vàng bạc trong địa phương.
- Sử dụng các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn trong ngành có liên quan để phục vụ cho công tác này như:
+ Trưng tập một số thợ vàng bạc có tay nghề khá để tổ chức kiểm tra tay nghề thợ vàng bạc trước khi cấp giấy phép kinh doanh cho các đơn vị kinh doanh vàng bạc.
+ Tổ chức việc tiếp nhận vốn ký quỹ bằng hiện kim do các đơn vị kinh doanh vàng bạc gửi. Khi tiếp nhận hiện kim phải xác định chu đáo. Phòng kế toán và tài vụ mở sổ sách theo dõi chặt chẽ, rành mạch, chính xác việc nhận, xuất số vốn bằng hiện kim này.
+ Trong việc kiểm tra thực hiện, có thể uỷ nhiệm cho phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước ở quận, huyện, thị xã trực tiếp kiểm tra việc chấp hành giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh vàng bạc trên địa bàn.
3/ Riêng đối với các địa phương thuộc Ngân hàng Nhà nước khu vực I, đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực I cần uỷ nhiệm các đồng chí Giám đốc Ngân hàng Công thương thành phố hồ Chí Minh, Ngân hàng Công thương đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, đồng chí Giám đốc Ngân hàng phát triển Nông nghiệp Sông Bé tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 139/CT và Thông tư này tại địa phương.
4/ Hàng tháng (vào đầu tháng sau), Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực lập và gửi báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 139/CT và Thông tư này về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Lưu thông tiền tệ và kho quỹ).
5/ Vụ Kế toán và tài vụ, Công ty kinh doanh vàng bạc Trung ương và các đơn vị khác có liên quan ở Ngân hàng Nhà nước Trung ương, căn cứ vào nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quyết định 139-CT và Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, trở ngại yêu cầu đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Lưu thông tiền tệ và kho quỹ) để có chủ trương giải quyết kịp thời.
|
Cao Sĩ Kiêm (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.