BỘ TÀI CHÍNH Số: 74-TC/TQD |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******* Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 1966 |
GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH THUẾ LỢI TỨC DOANH NGHIỆP
Căn cứ điều 48 của Điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo quyết định số 200-NQ/TVQH ngày 18-01-1966 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và chỉ thị số 35-TTg/TN ngày 21-02-1966 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn việc thi hành thuế lợi tức doanh nghiệm như sau:
Thuế lợi tức doanh nghiệp thu vào lãi kinh doanh của tất cả các cơ sở công thương nghiệp kinh doanh tập thể hay riêng lẻ. Bằng cách điều hòa thu nhập giữa các ngành và điều tiết các mức lãi không hợp lý, thuế lợi tức doanh nghiệp khuyến khích, hướng dẫn các ngành nghề sản xuất, kinh doanh đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy thực hiện quy hoạch nghành nghề, phân bổ lại lực lượng sản xuất, tăng cường và củng cố quan hệ sản xuất mới và thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa.
A. AI PHẢI NỘP THUẾ LỢI TỨC DOANH NGHIỆP
Trừ các trường hợp nói ở đoạn dưới, tất cả các hợp tác xã, tổ chức hợp tác và hộ riêng lẻ kinh doanh công thương nghiệp có lãi đều phải nộp thuế lợi tức doanh nghiệp, kể cả các tư nhân cho thuê nhà, đất ở thành phố và thị xã.
Các trường hợp sau đây không phải nộp thuế lợi tức doanh nghiệp:
- Các người buôn chuyến đã nộp thuế buôn chuyến (vì thuế buôn chuyến là một hình thức thu gộp hai thứ thuế (doanh nghiệp và lợi tức doanh nghiệp), làm một;
- Các người làm nghề lặt vặt như mài dao kéo, giữ xe đạp… đan len, đan sợi, vì thu nhập ít nên đã được miễn thuế doanh nghiệp;
- Các cơ sở làm các nghề được coi là không thuộc hoạt động công thương nghiệp (người viết sách báo, ông lang chữa bệnh bằng châm cứu, bắt mạch kê đơn, họa sĩ bán tác phẩm do mình sáng tác, các đoàn tuồng, chèo, cải lương, các xưởng của trường học sản xuất không nhằm mục đích kinh doanh…) cũng không phải nộp thuế lợi tức doanh nghiệp. Nhưng nếu họ có những hoạt động kinh doanh phải chịu thuế doanh nghiệp thì cũng phải nộp thuế lợi tức doanh nghiệp (xem thông tư số 07-TC/TQD ngày 05-3-1966 của Bộ Tài chính về thuế doanh nghiệp);
- Các người làm nghề chuyên chở hàng hóa ở miền núi bằng xe lết, bằng ngựa thồ, bằng xe cút kít cũng được miễn thuế lợi tức doanh nghiệp;
- Các cơ sở thuộc trường hợp phải nộp thuế lợi tức doanh nghiệp, nhưng thu nhập thấp hay là gặp khó khăn do thiên tai địch họa, tai nạn bất ngờ, có thể được Ủy ban hành chính từ cấp huyện trở lên xét giảm hoặc miễn thuế lợi tức doanh nghiệp trong một thời hạn nhất định, theo đề nghị của cơ quan thu. Thời hạn này do Ủy ban hành chính quyết định, tùy theo cơ sở có khó khăn hay bị thiệt hại nhiều hay ít;
- Ngoài ra, để chiếu cố các tổ chức hợp tác và người riêng lẻ làm nghề vận tải hàng hóa bằng xe thồ, xe ba gác, xe bò người kéo, xe xích lô chuyên dùng để chở hàng hóa, các cơ sở này cũng được tạm thời miễn thuế lợi tức doanh nghiệp, tuy thuộc diện phải nộp thuế doanh nghiệp theo Điều lệ thuế công thương nghiệp mới.
Ở những vùng điều kiện vận tải có khó khăn hoặc phương tiện vận tải thiếu thốn, ở những vùng có nhu cầu đặc biệt về vận tải, các hoạt động vận tải bằng một số loại phương tiện vận tải nhất định như xe ngựa, xe trâu, thuyền,… nếu được Ủy ban hành chính tỉnh xét và quyết định tạm thời chưa thu thuế doanh nghiệp hay cho miễn thuế doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, thì cũng được tạm thời miễn thuế lợi tức doanh nghiệp trong thời gian đó.
I. Để phân biệt đối đãi các ngành kinh doanh khác nhau, điều lệ thuế mới có quy định ba biểu thuế khác nhau:
- Một biểu thuế cho các ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, kiến trúc và ngành kinh doanh nông nghiệp nhưng không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp,
- Một biểu thuế cho các ngành phục vụ và ăn uống,
- Một biểu thuế cho ngành thương nghiệp.
Nhằm động viên đóng góp công bằng hợp lý, sát với tình hình thu nhập (hiện nay còn khác nhau) của các cơ sở kinh doanh, đồng thời khuyến khích tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất, các biểu thuế lợi tức mới đều là biểu thuế lũy tiến từng phần.
1. Đối với các ngành tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, vận tải, kiến trúc, ngành kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện chịu thuế nông nghiệp, biểu thuế quy định trong điều lệ là một biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 8% đến 22%, áp dụng cho các hợp tác xã.
Đối với các hộ riêng lẻ kinh doanh các ngành nghề nói trên, điều lệ quy định là phải nộp thuế lợi tức theo biểu thuế áp dụng cho các hợp tác xã cộng thêm 25%; như vậy là để khuyến khích, thúc đẩy các hộ cá thể đi vào con đường làm ăn tập thể, đồng thời để tỏ rõ thái độ của Nhà nước ưu đãi hợp tác xã.
Tuy nhiên, đối với các hộ riêng lẻ kinh doanh các nghề mà Ủy ban hành chính tỉnh, hoặc thành phố đã quyết định không cần thiết phải tổ chức vào hợp tác xã vì tính chất của ngành, nghề đó, hoặc đối với các hộ riêng lẻ kinh doanh, sản xuất ở nơi xa xôi hẻo lánh, công thương nghiệp không tập trung, không có điều kiện tổ chức họ vào hợp tác xã, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hoặc cấp chính quyền được ủy nhiệm) có thể quyết định chỉ phải cộng thêm 10% thôi.
2. Đối với ngành phục vụ, ngành ăn uống, biểu thuế quy định trong điều lệ là để áp dụng cho các hộ kinh doanh riêng lẻ, và là một biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 10% đến 28%.
Để quản lý các hộ kinh doanh hai ngành này và giúp đỡ họ tiếp thu cải tạo, điều lệ quy định là các tổ hợp tác kinh doanh ngành phục vụ và ngành ăn uống nộp thuế theo biểu thuế áp dụng đối với hộ riêng lẻ nhưng được trừ đi 5%.
3. Đối với ngành thương nghiệp, biểu thuế quy định trong điều lệ là để áp dụng cho các hộ kinh doanh riêng lẻ, và là một biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 12% đến 32%.
Thuế lợi tức đối với các tổ hợp tác kinh doanh thương nghiệp cũng tính theo biểu thuế trên đây nhưng được trừ đi 5% như đã giải thích ở điểm 2.
II. Hiện nay, có một số cơ sở kinh doanh công thương nghiệp thu được những mức lãi quá cao; để thúc đẩy các cơ sở đó kinh doanh đúng đường lối của Đảng và Nhà nước, chính sách thuế quy định việc điều tiết các mức lãi quá cao đó như sau: ngoài việc nộp thuế theo các biểu thuế đã định, các cơ sở có lợi tức vượt mức còn phải nộp thêm một tỷ lệ phần trăm tính trên phần lợi tức vượt mức. Tỷ lệ này do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hoặc cấp chính quyền được ủy nhiệm) quyết định cho từng trường hợp và có phân biệt đối đãi giữa các ngành.
Ngành |
Lợi tức hàng năm vượt mức |
Phải nộp thêm |
Sản xuất Phục vụ ăn uống Thương nghiệp
|
1.600đ 1.500đ 1.400đ |
từ 5% đến 15% từ 8% đến 18% Phần lợi tức từ 10% đến 20% vượt mức |
Chính sách thuế lợi tức còn quy định những trường hợp miễn giảm thuế nhằm khuyến khích các hợp tác xã tăng cường trang bị kỹ thuật, khuyến khích tận dụng phế liệu, phế phẩm và sử dụng nguyên vật liệu thay thế cũng như khuyến khích các hợp tác xã di chuyển cơ sở theo quy hoạch của Nhà nước, khuyến khích các hợp tác xã thu nhận thương binh tham gia sản xuất. Các trường hợp miễn giảm này sẽ giải thích ở phần dưới.
I. ĐỐI VỚI NGÀNH TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP, VẬN TẢI, KIẾN TRÚC VÀ KINH DOANH NÔNG NGHIỆP KHÔNG THUỘC DIỆN NỘP THUẾ DOANH NGHIỆP
1. Hợp tác xã:
a) Lợi tức chịu thuế là doanh thu trừ (-) các khoản hao phí vật chất, phí tổn hợp lệ, và suất miễn thu, cộng (+) lợi tức phụ.
Doanh thu: xem giải thích trong thông tư số 07-TC/TQD ngày 05-3-1996 của Bộ Tài chính.
Các khoản được trừ gồm: hao phí vật chất, phí tổn hợp lệ và suất miễn thu.
Khi tính trừ hao phí vật chất, cần chú ý hai khoản: hao phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và khấu hao tài sản cố định.
Để phát huy tác dụng giám đốc của tài chính đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thông qua việc thu thuế lợi tức doanh nghiệp, việc tính trừ hao phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phải theo nguyên tắc là: mức trừ nhiều nhất không quá định mức do xí nghiệp cơ quan Nhà nước gia công, đặt hàng đã xác định. Nếu hao phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu của hợp tác xã thực hiện thấp hơn định mức của xí nghiệp, cơ quan gia công đặt hàng, thì cơ quan thu trừ theo mức thực tế của hợp tác xã, đồng thời phản ảnh với xí nghiệp cơ quan đặt hàng để nghiên cứu, điều chỉnh lại định mức cho sát với thực tế, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố cần xác định trách nhiệm cho các xí nghiệp, cơ quan gia công đặt hàng phải tính toán giá cả và các định mức hao phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho sát, và mỗi khi ký một hợp đồng gia công đặt hàng, phải gửi một bản cho cơ quan thu để theo dõi và phối hợp quản lý, giúp đỡ hợp tác xã thực hiện tốt hợp đồng.
Cơ quan thu phải giúp đỡ hợp tác xã quản lý tốt và sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo đảm phẩm chất, quy cách hàng hóa. Cơ quan thu phải kiểm tra việc kê khai hao phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, ngăn ngừa lãng phí, tham ô vật tư của Nhà nước, đồng thời bảo đảm thu đủ, thu đúng chính sách.
Tính trừ khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) phải theo công thức khấu hao công nghiệp, và tính riêng cho từng tài sản cố định:
Mức khấu hao tổng hợp cả năm |
= |
Nguyên giá tài sản cố định |
- |
Giá trị tàn dư |
+ |
Phí tổn thanh toán |
+ |
Chi phí sửa chữa lớn |
Thời gian sử dụng
|
Trong kỳ thu thuế lợi tức doanh nghiệp đầu tiên theo chính sách thuế mới, cơ quan thu tạm thời dựa vào những số liệu tính trừ khấu hao tài sản cố định hiện đang áp dụng mà tính thuế nhưng phải điều chỉnh lại những trường hợp trừ khấu hao không hợp lý quá rõ ràng xét có thể điều chỉnh ngay được, còn những trường hợp trừ khấu hao không hợp lý khác thì ghi lại để sau này bàn với cơ quan quản lý thủ công nghiệp biện pháp điều chỉnh theo nguyên tắc khấu hao quy định trong chế độ tài vụ hợp tác xã thủ công nghiệp (sắp ban hành).
Đối với ngành vận tải thuyền, cũng tạm thời áp dụng phương pháp khấu hao hiện hành của ngành vận tải. Bộ Tài chính sẽ liên hệ với Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu vấn đề này và sẽ hướng dẫn sau.
Cần chú ý là chỉ những tài sản cố định đang dùng vào sản xuất mới được khấu hao. Những tài sản cố định chưa dùng hay không dùng vào sản xuất thì không được tính khấu hao. Những tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng chưa hỏng, vẫn tiếp tục được dùng vào sản xuất, thì không tính khấu hao cơ bản nữa nhưng phải tiếp tục tính khấu hao sửa chữa lớn để bảo đảm cho hợp tác xã có điều kiện sửa chữa lớn tài sản cố định đúng kỳ hạn.
Các khoản phí tổn.
Khi tính trừ các khoản phí tổn như chi phí quản lý, chi phí tiêu thụ trong đó có các khoản thuế doanh nghiệp, thuế hàng hóa đã nộp, thì chỉ công nhận những khoản chi đã được quy định trong chế độ tài vụ hợp tác xã và phải kiểm tra chứng từ xem số tiền chi có tương xứng với nội dung các khoản chi hay không, để kịp thời phát hiện những trường hợp chi tiêu lãng phí, sai chế độ.
Các khoản sau đây không được tính vào phí tổn hay thiệt hại để trừ vào lợi tức chịu thuế:
- Tiền thuế lợi tức doanh nghiệp;
- Tiền nộp các khoản phạt do cơ quan thu hay cơ quan khác phạt;
- Tiền công trả cho số nhân công thuê quá tỷ lệ được phép thuê (trừ trường hợp nói ở phần dưới);
- Chi phí về xây dựng các công trình phục vụ sản xuất (khoản này đã tính trừ ở mục khấu hao tài sản cố định). Phí tổn về nguyên vật liệu dùng vào việc chế tạo tài sản cố định để tự trang bị;
- Các khoản thiệt hại về thiên tai, địch họa (thuộc phạm vi xét miễn giảm thuế lợi tức);
- Các khoản chi khác không được cơ quan thu công nhận vì không hợp lệ.
Hiện nay, trong các tổ chức kinh tế tập thể, việc chia tiền công căn cứ vào thu nhập, tháng nhiều tháng ít; mặt khác, năng suất lao động trong hợp tác xã còn thấp, nhiều người mới vào nghề, trình độ nghề nghiệp và năng suất lao động khác nhau; cho nên không thể có một chế độ tiền công nhất định. Bởi vậy, khi tính lợi tức không thể cho trừ tiền lương (như đối với xí nghiệp quốc doanh), phải ấn định những mức miễn thu cố định và cho trừ vào thu nhập của hợp tác xã để tính ra lợi tức chịu thuế. Những mức miễn thu này quy định khác nhau giữa các ngành nghề khác nhau và giữa các vùng khác nhau.
- Ngành, nghề sản xuất đòi hỏi lao động có kỹ thuật hay lao động giản đơn, lao động nặng hay lao động nhẹ;
- Cơ sở sản xuất kinh doanh đặt ở Hà Nội, Hải Phòng, hay ở thành phố khác, các thị xã và miền núi hay ở các khu khác, giá sinh hoạt khác nhau.
Riêng đối với một số ngành nghề cần đặc biệt chiếu cố và cần khuyến khích chuyển về nông thôn, thì điều lệ quy định một mức miễn thu chung cho cả ba khu vực (cơ khí, điện, hóa chất, thủy tinh nấu, cát, vận tải thủy: 38đ; đóng thuyền, phà: 34đ).
Ngoài ra, ở miền núi, cần ra sức khuyến khích phát triển thủ công nghiệp, cho nên đối với thị xã hay nông thôn miền núi đều cùng một mức miễn thu như nhau.
Để khuyến khích các hợp tác xã di chuyển cơ sở theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hay cấp chính quyền được ủy nhiệm) có thể quyết định cho hợp tác xã được hưởng mức miễn thu ở nơi cũ trong một thời hạn từ một đến hai năm, nếu mức miễn thu ở nơi cũ cao hơn ở nơi mới đến. Các trường hợp tự động di chuyển cơ sở thì không được hưởng điều khoản chiếu cố này.
Cách tính suất miễn thu cho các loại lao động trong hợp tác xã như sau:
- Đối với hợp tác xã làm nhiều nghề thì về công trực tiếp, xã viên thường xuyên làm nghề nào thì được trừ một suất miễn thu theo mức quy định cho nghề ấy. Về công gián tiếp (như xã viên làm kế hoạch, kế toán, thống kê…) thì tính trừ cho mỗi người một suất miễn thu theo mức quy định cho nghề sản xuất chính của hợp tác xã.
- Đối với người học việc trong hợp tác xã, nếu do cơ quan chủ quản đưa xuống để đào tạo thợ cho ngành và hợp tác xã phải đài thọ phí sinh hoạt, thì tính trừ nửa(1/2) suất miễn thu cho mỗi người, theo mức quy định cho nghề học. Đối với những người học việc khác, nếu được đại hội xã viên công nhận và cơ quan thu thừa nhận, thì mới được trừ nửa (1/2) suất miễn thu cho mỗi người, theo mức quy định cho nghề học.
Các hợp tác xã có thuê nhân công được tính trừ tiền công trả cho nhân công, nhưng chỉ được trừ trong phạm vi số nhân công mà điều lệ tổ chức hợp tác xã cho phép thuê mướn, tức là không quá 10% số xã viên trong danh sách của hợp tác xã và mức tiền công được trừ về số nhân công thuê mướn đó không được cao hơn mức tiền công của xã viên cùng trình độ kỹ thuật.
Riêng đối với một số cơ sở sản xuất phục vụ quốc phòng hoặc xuất khẩu (cơ khí, may…) nếu phải thuê một số nhân công quá tỷ lệ 10% tổng số xã viên, do yêu cầu hoàn thành kế hoạch đột xuất trong một thời gian ngắn, và nếu được cơ quan chủ quản xác nhận, thì được trừ tiền công trong thời gian đó như đã nói ở trên cho toàn bộ số nhân công thuê mướn.
Công thức tính số suất miễn thu như sau:
Tổng số ngày công đã chấm cho xã viên |
= |
số suất miễn thu được trừ |
25 ngày |
Tính mỗi công lao động 25 ngày một tháng là để bảo đảm quản lý chặt chẽ lao động và khuyến khích sử dụng lao động hợp lý trong hợp tác xã sản xuất.
Đối với hợp tác xã thủ công nghiệp ở nông thôn, việc tính trừ miễn thu phức tạp hơn, vì thời gian sản xuất nghề thủ công không liên tục, mà xen kẻ với sản xuất nông nghiệp, cho nên có thể căn cứ vào mức khoán sản phẩm so sánh với giá trị ngày công lao động của hợp tác xã thủ công cùng nghề ở nơi khác, mà tính ra số ngày công, và từ đó tính ra số suất miễn thu được trừ.
Đính kèm theo thông tư này bằng hướng dẫn áp dụng các mức miễn thu.
Lợi tức phụ gồm các khoản:
- Tiền thu về bán phế liệu, phế phẩm,
- Tiền chênh lệch thừa về bán tài sản cố định sau khi đã trừ hết khấu hao, về bán vật rẻ tiền mau hỏng sau khi đã phân bổ hết trị giá vào phí tổn sản xuất,
- Tiền lãi thu được về tiền gửi ngân hàng,
- Tiền chênh lệch về nhượng lại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho các cơ sở sản xuất bạn,
- Tiền cho thuê nhà, xưởng (nếu có),
- Các lợi tức về kinh doanh nghiệp vụ khác, như chở thuê một chuyến xe, làm công việc sửa chữa…
b)Tính thuế lợi tức hàng quý hay sáu tháng phải căn cứ vào lợi tức chịu thuế bình quân của một xã viên, quy ra cả năm, và áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần thích hợp ghi trong biểu thuế.
Tính thuế vào phần lợi tức vượt mức.
Những hợp tác xã có lợi tức vượt mức do cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất làm cho năng suất lao động tăng, hoặc do cải tiến quản lý, nên tiết kiệm được nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, chống được lãng phí, tham ô, hoặc do tăng cường độ lao động, thì vẫn được áp dụng thuế suất bình thường (22%) để tính thuế lợi tức doanh nghiệp về số lợi tức vượt mức.
Những hợp tác xã do lề thói kinh doanh không chính đáng mà có lợi tức vượt mức, ví dụ: mua được nguyên liệu cũ với giá rẻ nhưng tính giá cao với Nhà nước; biết giá cả hoặc công thức gia công của xí nghiệp, cơ quan quy định không sát, nhưng vì thấy có lợi cho mình nên không phát hiện để sửa đổi, hoặc bán hàng ra thị trường với giá cao v.v… thì phần lợi tức vượt mức phải chịu thuế suất 22% cộng (+) thêm một tỷ lệ từ 6% đến 15%, do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quyết định đối với từng cơ sở sản xuất, theo đề nghị của cơ quan thu. Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố có thể ủy nhiệm cho Ủy ban hành chính huyện, thị xã hay khu phố xét và quyết định các tỷ lệ thu thêm này.
Ấn định tỷ lệ thu thêm phải căn cứ vào ba yếu tố:
- Số lợi tức vượt mức nhiều hay ít;
-Tỷ lệ lãi cao hay thấp so với các hợp tác xã cùng nghề;
- Thái độ kinh doanh.
c) Các trường hợp trích giảm, miễn thuế lợi tức doanh nghiệp.
- Giảm thuế lợi tức cho hợp tác xã có mua sắm máy móc, công cụ và xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Nhằm khuyến khích tăng cường trang bị kỹ thuật cho các ngành nghề cần tiến lên cơ giới hóa và nửa cơ giới hóa, điều lệ thuế quy định các hợp tác xã có thực tế mua sắm máy móc công cụ, xây dựng nhà xưởng sản xuất, được trích giảng một phần thuế lợi tức để bỏ vào quỹ tích lũy. Việc giảm thuế này có phân biệt các ngành nghề và trình độ tổ chức của hợp tác xã. Khi xét trích giảm, cần phân biệt hai trường hợp:
- Trường hợp hợp tác xã thực hiện kế hoạch trang bị của năm hiện hành.
- Trường hợp kế hoạch trang bị của năm trước chưa thực hiện được, hợp tác xã phải dồn qua năm hiện hành, và nếu quỹ tích lũy hiện có không đủ chi.
Tỷ lệ trích giảm thuế cao nhất trong mỗi trường hợp ấn định như sau:
LOẠI HỢP TÁC XÃ |
Trường hợp thực hiện kế hoạch trang bị của năm hiện hành |
Trường hợp thực hiện kế hoạch trang bị của hai năm dồn làm một và quỹ tích lũy của hợp tác xã không đủ chi |
- Hợp tác xã cấp cao thuộc các ngành nghề: cơ khí, điện, hóa chất; thủy tinh nấu cát; vận tải thủy và đóng thuyền phà - Hợp tác xã cấp cao thuộc các nghề khác - Hợp tác xã cấp vừa thuộc tất cả các ngành nghề |
30% 25% 15% |
50% 40% 20% |
Chỉ các hợp tác xã được chính thức công nhận mới được hưởng các điều khoản trích giảm nói trên.
Các cơ quan thu nên đôn đốc các cơ quan quản lý thủ công hướng dẫn các hợp tác xã đưa việc mua sắm thiết bị, máy móc và xây dựng nhà, xưởng sản xuất vào kế hoạch, nhưng cơ sở để tính số thuế được trích giảm không phải là số dự thi theo kế hoạch mà là số thực chi trong mỗi kỳ quyết toán; do đó nói chung, việc trích giảm thuế nói ở đây chỉ nên thực hiện vào những kỳ thanh toán thuế lợi tức.
Việc xếp hợp tác xã vào cấp cao hoặc cấp vừa để định tỷ lệ trích giảm do Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố quyết định, theo đề nghị của cơ quan quản lý công nghiệp và cơ quan thu.
- Miễn thuế lợi tức cho những trường hợp sản xuất bằng phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu thay thế.
Nhằm khuyến khích hợp tác xã tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu và phát huy cao độ tinh thần tự lực cánh sinh, không ỷ lại vào nguồn nguyên liệu, vật liệu của Nhà nước, các hợp tác xã vận dụng phế liệu, phế phẩm để làm thêm hàng hóa, các hợp tác xã sử dụng nguyên liệu, vật liệu địa phương được phép khai thác để thay thế nguyên liệu, vật liệu, do nhập khẩu hoặc nguyên liệu, vật liệu, do Nhà nước cung cấp, để làm ra sản phẩm, đều được miễn thuế về phần lợi ích làm ra do sử dụng phế liệu, phế phẩm hay nguyên liệu, vật liệu thay thế. Thời hạn miễn thuế là một năm kể từ ngày có hàng hóa sản xuất bằng phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật liệu thay thế bán ra.
Vấn đề sử dụng phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật liệu thay thế là một vấn đề khá phức tạp. Cần phải căn cứ vào tình hình thực tế mới có thể quy định cụ thể được. Đề nghị các địa phương phản ánh về Bộ những trường hợp hợp tác xã sản xuất bằng phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật liệu thay thế, để Bộ tập hợp tình hình, nghiên cứu và ban hành những quy định cần thiết, làm căn cứ cho việc miễn thuế nói trên.
- Giảm, miễn thuế lợi tức cho các hợp tác xã di chuyển cơ sở.
Nhằm góp phần khuyến khích việc phân bổ lại lực lượng sản xuất, xây dựng các vùng kinh tế mới, điều lệ quy định các hợp tác xã di chuyển cơ sở theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, nếu đến địa điểm mới mà sản xuất gặp khó khăn, thu nhập bị sút kém thì có thể được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hoặc cấp chính quyền được ủy nhiệm), xét giảm thuế lợi tức trong thời hạn từ ba tháng đến một năm theo đề nghị của cơ quan thu. Sau đó, nếu còn khó khăn thì có thể được xét giảm thuế thêm một thời hạn từ ba tháng đến một năm nữa. Tỷ lệ giảm thuế lợi tức như sau:
- Di chuyển đến miền núi và đến các vùng có nhiều khó khăn: giảm từ 25% đến 50% thuế lợi tức;
- Di chuyển đến các địa phương khác: giảm từ 10% đến 20%.
Đối với những trường hợp có khó khăn đặc biệt, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hay cấp chính quyền được ủy nhiệm) có thể xét miễn hẳn thuế lợi tức trong một thời hạn như nói ở trên. Việc miễn giảm này áp dụng cho cả hai trường hợp:
a) Di chuyển cơ sở theo quy hoạch điều chuyển kinh tế của chính quyền địa phương;
b) Di chuyển do yêu cầu sơ tán phòng không, theo kế hoạch của chính quyền địa phương.
Trong cả hai trường hợp, nếu sản xuất gặp khó khăn, thu nhập sút kém do hoàn cảnh khách quan gây nên thì hợp tác xã mới được xét giảm thuế. Hoàn cảnh khách quan nói ở đây là năng suất lao động bị giảm sút so với trước, do việc cung cấp nguyên liệu tạm thời gặp khó khăn vì hoàn cảnh di chuyển, thiếu điện nước; thu nhập của toàn hợp tác xã bị sút ít nhất khoảng 25% so với trước khi di chuyển, do địa điểm mới chật hẹp không thuận lợi cho sản xuất v.v… chi phí vận tải, chi phí bảo quản tăng.
Nếu thu nhập của hợp tác xã sút kém do khuyết điểm chủ quan của hợp tác xã gây nên, như quản lý lao động thiếu chặt chẽ, lãnh đạo tư tưởng không đầy đủ, xã viên không tích cực sản xuất, lợi dụng tình hình, đi lại buôn bán, thì hợp tác xã không được hưởng miễn giảm thuế lợi tức.
- Miễn giảm thuế cho thương binh tham gia sản xuất trong các hợp tác xã thủ công nghiệp, vận tải, kiến trúc…
Đối với cơ sở sản xuất của thương binh, cần có sự chiếu cố đầy đủ, đồng thời cần khuyến khích các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, kiến trúc, thu nhận thương binh tham gia sản xuất, do đó, điều lệ quy định:
- Thương binh tham gia sản xuất trong hợp tác xã, được miễn thuế lợi tức doanh nghiệp về phần mình. Phần thuế được miễn này hợp tác xã phải giao lại cho người thương binh.
- Các hợp tác xã có từ 10% số xã viên trở lên là thương binh, được giảm thuế lợi tức theo một tỷ lệ tương đương, tính trên số thuế còn lại sau khi đã trừ phần miễn cho cá nhân các xã viên là thương binh. Nếu hợp tác xã có từ 70% số xã viên trở lên là thương binh thì được miễn toàn bộ số thuế lợi tức hợp tác xã phải nộp (sau khi đã trừ phần miễn cho cá nhân xã viên là thương binh). Số thuế lợi tức hợp tác xã được giảm hoặc miễn, phải bỏ vào quỹ tích lũy của hợp tác xã.
Điều khoản miễn giảm này nhằm khuyến khích thương binh tham gia vào các ngành sản xuất. Thương binh tham gia kinh doanh ngành phục vụ, ngành ăn uống và ngành thương nghiệp không thuộc diện chiếu cố này.
- Thời gian tiến hành trích giảm thuế.
Việc trích giảm thuế lợi tức không làm hàng tháng, mà chỉ làm vào những đợt thanh toán thuế, sau mỗi kỳ quyết toán kinh doanh của hợp tác xã. Tuy nhiên, nếu xét thấy hợp tác xã đang gặp khó khăn, thu nhập bị sút kém, hoặc nếu hợp tác xã ở vào trường hợp được trích giảm một tỷ lệ thuế lớn, thì khi tính số thuế tạm thu hàng tháng, cơ quan thu cần chiếu cố đến tình hình cụ thể của hợp tác xã, để ước tính số tạm thu hàng tháng cho sát, nhằm giảm bớt khó khăn cho hợp tác xã, đồng thời để tránh phải hoàn lại thuế khi đến kỳ thanh toán.
- Các trường hợp hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã nghề muối, nghề cá kinh doanh thêm nghề khác.
Điều lệ thuế lợi tức có phân biệt các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã nghề muối, nghề cá có kinh doanh thêm các nghề sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, kiến trúc, hoặc là kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp, chỉ phải nộp thuế lợi tức doanh nghiệp về phần kinh doanh thêm này, theo thuế suất thấp nhất ghi trong biểu thuế tức là 8%. Nếu kinh doanh thêm các nghề khác như phục vụ, ăn uống, thương nghiệp, thì nộp thuế lợi tức như các hợp tác xã khác kinh doanh các nghề này, theo các biểu thuế nói ở các điều 24 và 27 của điều lệ.
Các hợp tác xã nông nghiệp, nghề muối, nghề cá kiêm thêm nghề tiểu công, thủ công, nghề vận tải, nghề kiến trúc và kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp, cũng được hưởng các điều khoản về suất miễn thu, về trích giảm thuế trong các trường hợp có trang bị kỹ thuật và sản xuất bằng phế liệu phế phẩm,về miễn thuế lợi tức cho xã viên thương binh tham gia sản xuất. Nếu trong bộ phận sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, kiến trúc, số xã viên là thương binh chiếm từ 10% trở lên tổng số xã viên của bộ phận sản xuất này, thì hợp tác xã cũng được trích giảm thuế theo một tỷ lệ tương đương.
Các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã nghề muối, nghề cá, có cơ sở sản xuất công nghiệp, cũng được miễn thuế lợi tức doanh nghiệp về phần sản phẩm thủ công được miễn thuế doanh nghiệp, nói ở điều 9 của điều lệ thuế công thương nghiệp.
2. Hộ kinh doanh riêng lẻ
Hộ riêng lẻ sản xuất thủ công nghiệp, làm nghề vận tải, nghề kiến trúc, kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp, nộp thuế lợi tức doanh nghiệp theo như đã giải thích ở phần B trên đây.
Các hộ riêng lẻ sản xuất thủ công nghiệp, làm nghề vận tải, kiến trúc đều được trừ mỗi người có thực tế tham gia sản xuất và là lao động chính một suất miễn thu, và trừ cho mỗi lao động phụ có thực tế tham gia sản xuất nửa (1/2) suất miễn thu.
Lợi tức chịu thuế của các bộ riêng lẻ làm các nghề nói trên là lợi tức chung của cả hộ, không chia bình quân theo đầu người tham gia sản xuất. Những hộ có mức lợi tức hàng năm trên 1.600đ phải nộp thêm, về phần lợi tức vượt mức, một tỷ lệ từ 6% đến 15% do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hay cấp chính quyền được ủy nhiệm) quyết định đối với từng hộ, theo đề nghị của các cơ quan thu.
Thuế lợi tức đối với hộ riêng lẻ thu dứt khoát hàng tháng, cùng một lúc với thuế doanh nghiệp cuối năm không thanh toán lại nữa. Cách tính do Cục thu quốc doanh và thuế công thương nghiệp hướng dẫn.
Các cơ sở sản xuất tuy lấy tên là tổ sản xuất, hay tập đoàn sản xuất nhưng về thực chất là kinh doanh riêng lẻ, thì phải nộp thuế lợi tức như hộ riêng lẻ.
1. Hộ kinh doanh riêng lẻ
a) Lợi tức chịu thuế của các hộ riêng lẻ kinh doanh ngành ăn uống và phục vụ là: doanh thu bán hàng hoặc doanh thu phục vụ trừ (-) tiền mua hàng hoặc tiền mua nhiên liệu, vật liệu, phí tổn kinh doanh và suất miễn thu, cộng (+) lợi tức phụ (nếu có).
Tiền mua hàng gồm tiền mua hàng và chi phí vận chuyển hàng từ nơi mua về cửa hàng.
Phí tổn kinh doanh gồm tiền thuê cửa hàng hoặc lệ phí chỗ ngồi, tiền điện nước, dầu đèn, tiền mua sổ sách, hóa đơn, chi phí phân bổ về sửa chữa cửa hàng hoặc mua sắm đồ đạc dụng cụ dùng vào kinh doanh, tiền thuế doanh nghiệp và các phí tổn khác được cơ quan thu công nhận.
Cơ quan thu cần tổ chức nắm số hàng mua vào của các hộ kinh doanh riêng lẻ để có thể kiểm tra được giá thành và doanh thu. Cần phải định chế độ cho tất cả các cơ sở kinh doanh riêng lẻ, nếu không có khả năng giữ sổ sách kế toán thì ít nhất phải giữ đủ chứng từ mua vào để tiện cho việc kiểm tra của cơ quan thu.
Hộ riêng lẻ được trừ một số suất miễn thu cho bản thân người đứng tên đăng ký kinh doanh. Riêng đối với một số hộ thuộc những nghề cần thiết phải có người trong gia đình phụ nghề thì cơ quan thu có thể xét trừ thêm nữa (1/2) suất hay nhiều nhất là một suất miễn thu.
Đối với hộ kinh doanh riêng lẻ có thuê người làm và trả tiền công theo quan hệ chủ thợ thì cơ quan thu phải báo cáo với Ủy ban hành chính để xem xét, đồng thời về phương pháp tính thuế thì không trừ tiền công trả cho nhân công thuê mướn và chỉ trừ một suất miễn thu cho bản thân người chủ hộ. Trường hợp cá biệt, nếu được chính quyền địa phương đồng ý, thì khi tính thuế lợi tức, có thể cho trừ thêm nhiều nhất là một suất miễn thu.
b) Tính thuế lợi tức của các hộ riêng lẻ phải căn cứ vào lợi tức chung của cả hộ, không chia bình quân theo đầu người tham gia kinh doanh (như đối với hợp tác xã )
Hộ riêng lẻ kinh doanh ngành ăn uống, ngành phục vụ, nộp thuế lợi tức theo biểu thuế ấn định trong điều 24 của điều lệ thuế công thương nghiệp.
Các hộ có mức lợi tức bình quân hàng năm trên 1.500đ, thì không kể là thu được lợi tức vượt mức do nguyên nhân nào, đều phải nộp thêm từ 8% đến 18% phần lợi tức vượt mức. Tỷ lệ thu thêm do cơ quan thu căn cứ vào hai yếu tố: lợi tức vượt mức nhiều hay ít, và tỷ lệ lãi cao hay thấp, mà đề nghị với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hoặc cấp chính quyền được ủy nhiệm) xét quyết định đối với từng hộ.
c) Tư nhân có nhà, đất, cho thuê ở các thành phố và thị xã có mức lợi tức chịu thuế cao hơn mức miễn thu quy định cho ngành phục vụ tức là trên 28đ một tháng ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và trên 26đ một tháng ở các thành phố khác và thị xã phải nộp thuế lợi tức như những người kinh doanh khác trong ngành phục vụ.
2. Tổ hợp tác
Để phân biệt đối đãi các tổ hợp tác so với các hộ riêng lẻ, điều 25 của điều lệ quy định: các tổ hợp tác kinh doanh ngành ăn uống và ngành phục vụ nộp thuế lợi tức tính trên lợi tức chịu thuế bình quân tổ viên có thực tế tham gia kinh doanh và theo biểu thuế áp dụng đối với hộ riêng lẻ trừ (-) đi 5%
Các tổ hợp tác được trừ cho mỗi tổ viên có trực tiếp tham gia kinh doanh một suất miễn thu. Công thức tính số miễn thu như sau:
Tổng số ngày công đã chấm cho các tổ viên |
= |
Số suất miễn thu được trừ |
25 ngày |
Các tổ hợp tác có lợi tức bình quân tổ viên trên 1.500 đ một năm. phải nộp thêm từ 8% đến 18% phần lợi tức vượt mức. Tỷ lệ thu thêm do cơ quan thu đề nghị với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hoặc cấp chính quyền được ủy nhiệm) xét quyết định đối với từng tổ.
Các tổ hợp tác được thương nghiệp quốc doanh hay hợp tác xã mua bán sử dụng, nếu mua sắm quầy hàng, tủ hàng, sửa chữa quán hàng thì được giảm một tỷ lệ thuế lợi tức bằng tỷ lệ số tiền đã chi so với lợi tức chịu thuế, nhưng số tiền được giảm không được quá 10% số thuế lợi tức phải nộp.
Thuế lợi tức đối với tổ hợp tác và hộ riêng lẻ kinh doanh ngành ăn uống và phục vụ, thu dứt khoát hàng tháng cùng một lúc với thuế doanh nghiệp, cuối năm không thanh toán lại nữa. Cách tính do Cục thu quốc doanh và thuế công thương nghiệp hướng dẫn.
Việc tìm lợi tức chịu thuế và tính thuế lợi tức đối với các hộ riêng lẻ và tổ hợp tác kinh doanh thương nghiệp cũng giống như đối với hộ riêng lẻ và tổ hợp tác kinh doanh ngành phục vụ và ngành ăn uống. Tuy nhiên, cần chú ý hai điểm dưới đây:
- Về suất miễn thu, thì hộ riêng lẻ kinh doanh thương nghiệp mặc dù tổ chức kinh doanh như thế nào, cũng chỉ được trừ một suất thôi.
- Hộ riêng lẻ có lợi tức hàng năm (hoặc tổ hợp tác có lợi tức bình quân tổ viên hàng năm) trên 1.400đ, thì không kể là thu được lợi tức vượt mức do nguyên nhân nào, cũng đều phải nộp thêm từ 10% đến 20% phần lợi tức vượt mức. Tỷ lệ thu thêm do cơ quan thu đề nghị với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hay cấp chính quyền được ủy nhiệm) xét quyết định cho từng trường hợp.
Đối với tổ hợp tác ngành ăn uống và ngành thương nghiệp có bộ phận sản xuất thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt.
Nhằm khuyến khích các tổ hợp tác kinh doanh ngành ăn uống và ngành thương nghiệp chuyển sang sản xuất, chính sách thuế quy định là các tổ hợp tác thuộc hai ngành nói trên nếu có bộ phận sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, hoặc có bộ phận kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp, thì đều được miễn thuế lợi tức về bộ phận kinh doanh này trong thời hạn một năm kể từ ngày có sản phẩm bán ra. Sau thời hạn đó, nếu bộ phận sản xuất của tổ hợp tác còn có khó khăn, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hoặc cấp chính quyền được ủy nhiệm) có thể xét, miễn thuế lợi tức thêm một thời hạn nữa nhưng không quá một năm.
Hết hạn miễn thuế, tổ hợp tác phải nộp thuế về phần lợi tức của bộ phận sản xuất, nhưng phần lợi tức này được tính thuế riêng, theo biểu thuế quy định ở điều 16, chứ không phải cộng gộp với lợi tức của bộ phận kinh doanh thương nghiệp hay ăn uống để tính thuế chung.
Nếu bộ phận sản xuất của tổ hợp tác có mua sắm dụng cụ sản xuất, thì được trích giảm một số thuế lợi tức để bỏ vào quỹ tích lũy. Tỷ lệ thuế được trích giảm bằng tỷ lệ số tiền đã chi so với lợi tức chịu thuế, nhưng số tiền được giảm không được quá 10% số thuế lợi tức phải nộp.
Các hợp tác xã phải giữ sổ sách kế toán theo chế độ của Nhà nước quy định, phải quyết toán lỗ lãi kinh doanh ba tháng hoặc sáu tháng một lần.
Chậm nhất là 10 ngày đầu tháng sau mỗi kỳ quyết toán kinh doanh, các hợp tác xã phải nộp cho cơ quan thu tờ khai thanh toán thuế lợi tức và các tài liệu quyết toán kinh doanh, theo sự hướng dẫn của Cục thu.
Các hợp tác xã phải thanh toán thuế trong vòng 5 ngày sau khi nhận được thông báo nộp thuế của cơ quan thu.
Trong trường hợp sáp nhập, phân tán hoặc ngừng hoạt động, các hợp tác xã phải báo cáo với cơ quan thu, phải kết toán lỗ lãi về thời gian đã thực tế kinh doanh, gửi tờ khai thanh toán thuế lợi tức về thời gian kinh doanh đó tới cơ quan thu, và nộp thuế trước ngày thôi kinh doanh hay chuyển sang tổ chức mới.
Cơ quan thu có trách nhiệm đôn đốc các hợp tác xã nộp tờ khai đúng kỳ hạn, kiểm tra tờ khai, tính thuế và phát hành thông báo nộp thuế kịp thời. Tất cả các việc này phải làm gọn ngay trong tháng tiếp sau ký quyết toán, không được kéo dài.
Đối với hộ kinh doanh riêng lẻ, hàng tháng cơ quan thu, căn cứ vào doanh thu kê khai hay doanh thu đã cố định và áp dụng tỷ lệ thực lãi trung bình của từng nghề mà tính và thu thuế lợi tức.
Đối với các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, kiến trúc, kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp, thuế lợi tức doanh nghiệp thi hành theo điều lệ mới, kể từ ngày 01-01-1966.
Tính thuế từ đầu năm cho hợp tác xã theo điều lệ mới, nếu thấy số thuế tăng lên đột ngột so với cách tính theo điều lệ cũ, thu nhập của hợp tác xã có sự chuyển biến đột ngột, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố hoặc cấp chính quyền được uỷ nhiệm có thể xét, giảm thuế để tránh ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của hợp tác xã, tạo điều kiện cho hợp tác xã ổn định sản xuất, kinh doanh.
Đối với các cơ sở kinh doanh khác (tổ hợp tác và hộ riêng lẻ nộp thuế lợi tức cùng một lúc với thuế doanh nghiệp, theo chế độ thu dứt khoát hàng tháng) thì thuế lợi tức thu theo điều lệ mới cùng một lúc với thuế doanh nghiệp mới, và tính trên doanh thu tháng 2 năm 1966 như đã hướng dẫn trong công điện số 11-TC/TQD ngày 02-02-1966 của Bộ Tài chính.
Căn cứ vào điều lệ thuế công thương nghiệp của Quốc hội và thông tư giải thích này, Cục Thu quốc doanh và thuế công thương nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan thu về các phương pháp tính toán cụ thể thuế lợi tức doanh nghiệp.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
BẢNG HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG
CÁC MỨC MIỄN THU VỀ THUẾ LỢI TỨC DOANH NGHIỆP
(ban hành kèm theo thông tư số
74-TC/TQD ngày 05-5-1966 của Bộ Tài chính).
A. NGÀNH TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP, VẬN TẢI, KIẾN TRÚC
I. Mức 38đ: Áp dụng thống nhất đối với các nghề sau đây:
Cơ khí điện; hóa chất; thủy tinh nấu cát; vận tải thủy. Không phân biệt địa phương kinh doanh.
1. Cơ khí điện bao gồm các cơ sở sản xuất cơ giới hóa cụ thể là dùng máy móc chạy bằng điện để:
- Sản xuất, sửa chữa các loại máy móc lớn, nhỏ (kể cả sửa chữa ô tô);
- Đóng sà-lan, ca-nô;
- Lắp ráp, làm các công trình bằng kim loại, (cột điện vượt sông, làm bể chứa dầu…);
- Sản xuất dụng cụ đồ nghề bằng kim loại theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật;
- Sản xuất phụ tùng xe ô tô, các bộ phận chính của xe đạp theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
(Những cơ sở cũng làm những nghề trên đây, nhưng không dùng máy móc, mà làm theo lối thủ công thì không xếp vào loại hưởng mức miễn thu 38đ này).
2. Hóa chất bao gồm các cơ sở sản xuất, các loại hóa chất như: at-xít, phèn đơn, phèn kép, bột chì, bột kẽm, phân bón ruộng, thuốc trừ sâu, sơn hóa học, bột sơn, v.v…
3. Thủy tinh nấu cát bao gồm các cơ sở sản xuất đồ thủy tinh nấu bằng cát (không phải bằng mảnh thủy tinh).
4. Vận tải thủy bao gồm các cơ sở vận tải thủy bằng ca-nô, bằng thuyền (chèo tay hay lắp máy).
II. Mức 34đ: Áp dụng thống nhất đối với các cơ sở đóng phà, thuyền gỗ, không phân biệt địa phương kinh doanh.
III. Mức 32đ: ở Hà Nội, Hải Phòng,
30đ: ở thành phố khác, các thị xã và miền núi,
26đ: ở các khu vực khác,
Áp dụng đối với các ngành nghề:
1. Rèn thủ công bao gồm các cơ sở rèn bằng lò bễ thủ công.
2. Xẻ gỗ và sản xuất đồ gỗ, bao gồm các cơ sở:
- Cưa xẻ gỗ, tiện đồ gỗ,
- Sản xuất đồ bằng gỗ dùng trong sản xuất (xe cải tiến, khung cửi, ống suốt, máy cung, cán bông v.v…)
- Sản xuất đồ dùng bằng gỗ cho gia đình và cá nhân (bàn, ghế, tủ, giường, khung ảnh, mắc áo, thước đo…).
3. Sản xuất phương tiện vận tải bộ bao gồm các cơ sở đóng và sửa chữa các phương tiện vận tải đường bộ và phụ tùng (xe ngựa, xe bò, xe trâu, xe ba gác, xe cút kít, xe xích-lô…)
4. Sản xuất đồ thủy tinh nấu mảnh bao gồm các cơ sở sản xuất các loại đồ thủy tinh nấu bằng mảnh thủy tinh vỡ; các cơ sở tráng gương và làm các loại gương soi.
5. Sản xuất đồ cao su bao gồm các cơ sở sản xuất đồ bằng cao su (ống tuýp, vú bình sữa, dây cu-roa, phao bơi, giầy dép bằng cao su…).
6. Sản xuất đồ bằng đất nung, sành, sứ, gốm, đá bao gồm các cơ sở sản xuất đồ gốm, đồ sành, đồ sứ (nồi niêu, bát đĩa, chum vại…); đồ bằng đá (cối đá, mộ chí…); đồ bằng xi-măng, gra-ni-tô.
7. Thuộc da bao gồm các cơ sở thuộc các loại da thú vật (da trâu, da bò, da lợn…)
8. Sản xuất đồ điện bao gồm các cơ sở sản xuất các đồ dùng điện như bếp điện, lò sưởi điện, chuông điện, đèn để bàn, đèn ngủ, đèn chùm, cầu giao điện… (kể cả sản xuất que hàn điện)…
9. Vận tải bộ bao gồm các cơ sở chuyên chở hành khách và hàng hóa bằng xe ngựa, xe bò, xe trâu. (Các cơ sở vận tải đường bộ bằng các phương tiện vận tải thô sơ khác như xe ba gác, xe thồ cũng thuộc loại này nhưng hiện không thuộc diện nộp thuế lợi tức doanh nghiệp).
10. Kiến trúc bao gồm cơ sở xây dựng và sửa chữa nhà cửa, làm nghề nề, mộc, quét vôi, sơn cửa; các cơ sở bao thầu xây dựng và sửa chữa nhà cửa có cả vật liệu.
11. Sản xuất vật liệu xây dựng bao gồm các cơ sở sản xuất vôi, gạch, ngói, ống máng, mái phi-brô, xi-măng, gra-ni-tô, bột đá, bột màu, quét vôi; các cơ sở sản xuất bản lề, ê-ke, móc cửa, then chốt cửa…
12. Sản xuất đồ mỹ nghệ bao gồm các cơ sở làm các đồ trang sức bằng vàng, bạc, hoặc giả vàng, giả bạc, các cơ sở sản xuất đồ trang trí, đồ sơn mài,… các cơ sở sản xuất đồ điêu khắc, khảm, chạm bằng vỏ trai, vỏ ốc, đồi mồi, ngà, xương, sừng, bạc, đồ thêu, rua, ren…, đồ sơn dùng trong gia đình như: liễn cơm, hộp chè, hộp thuốc lá…
VI. Mức 28đ: ở Hà Nội và Hải Phòng,
26đ: ở thành phố khác, các thị xã và miền núi,
22đ: ở các khu vực khác,
Áp dụng đối với các ngành nghề:
1. Dệt, may, đồ da bao gồm các cơ sở dệt các loại vải, lụa, đũi, nái, các loại khăn mặt, khăn tay, dây lưng, dây giầy, dải rút, bấc đèn, cung, cán bông…; dệt chiếu, dệt bao tải gai, sản xuất chi. Các cơ sở may quần áo, đệm gối, chăn màn, khăn xếp, ô, dù, mũ vải, mũ lợp vải… các cơ sở may các đồ da, giả da: giầy dép (kể cả dép lốp), túi du lịch, túi xách tay, va-ly, các cơ sở nhuộm vải tấm, lụa tấm.
2. Chế biến lương thực phụ, nông sản, thực phẩm bao gồm các cơ sở:
- Xay xát gạo, chế biến hoa màu (ngô, khoai, sắn, giong riềng…);
- Sản xuất mật, đường thủ công;
- Sản xuất chượp, nước mắm, mắm tôm, chế biến các loại thủy sản khác;
- Sản xuất các loại nước chấm: xì dầu, sáng sấu, ma-gi, tương dấm;
- Sản xuất các loại mì sợi, miến, đậu phụ, bánh khô, bánh ngọt, kẹo, mứt, mạch nha, ô mai, quả khô…,
- Chế biến cau khô,
- Chế biến các loại dầu thảo mộc;
- Sản xuất thuốc nam, thuốc bắc, cao đơn hoàn tán.
3. Sản xuất đồ nhựa, ny-lông tái sinh, khuy trai bao gồm các cơ sở:
- Sản xuất đồ bằng nhựa, ny-lông tái sinh, quai guốc, quai dép, lược, hộp, bàn chải, đũa, bao kính, ví, thắt lưng.
- Sản xuất khuy trai, khuy sừng, khuy nhựa, lược sừng, quản bút sừng…
4. Sản xuất văn phòng phẩm, học phẩm bao gồm các cơ sở sản xuất thước kẻ, quản bút, công-pa, phấn viết, mực viết, kẹp giấy, giấy than, giấy nến, băng đánh máy… sản xuất nhạc cụ.
5. Sản xuất giấy bao gồm các cơ sở sản xuất giấy viết, giấy báo, giấy gói, giấy bìa, giấy moi, giấy bản…
6. Sản xuất than: than quả bàng, than nắm, than tổ ong… than củi.
7. Sản xuất đồ tôn, thiếc, sắt bao gồm các cơ sở:
- Sản xuất đồ dùng bằng tôn, thiếc, sắt tây như bi-đông, đèn dầu hỏa, làn xách tay, hộp xà phòng v.v…
- Sản xuất đồ bằng đồng, nhôm (đối với hợp tác xã được xí nghiệp cơ quan cho gia công) như môi, thìa, nồi, mâm v.v…
8. Khai thác đất, cát, sỏi, đá.
9. Khai thác lâm sản bao gồm các cơ sở khai thác gỗ, củi, bương, tre, nứa, lá, và các loại lâm sản phụ.
V. Mức 25đ: ở Hà Nội, Hải Phòng,
23đ: ở thành phố khác, các thị xã và miền núi,
19đ: ở các khu vực khác,
Áp dụng đối với các ngành nghề:
1. Đan lát và sản xuất đồ tre, nứa, lá, mây, song bao gồm các cơ sở:
- Sản xuất thúng mủng, dần sàng, nong nia, rổ rá, bồ, cót, quạt nan, mũ nan.
- Đan bị, ró, làm thảm dừa, dép dừa, thảm bẹ ngô, mũ lá, nón lá, áo tơi, quạt lá…
- Đan lưới đánh cá, vặn thừng chão, đan võng, lưới bóng.
- Sản xuất lược bí, go dệt vải, lược thưa, tăm hương, tăm xỉa răng.
- Sản xuất bàn, ghế, giường, xe nôi…
2. Dán hộp giấy, bồi bìa, đóng sách bao gồm cơ sở làm các loại hộp giấy đựng thuốc, bánh mứt,… bồi bìa, đóng sách, xén, kẻ giấy.
3. Sản xuất hương, nến, vàng mã, hoa giấy bao gồm các cơ sở sản xuất hương, vàng mã, nến, pháo, hoa, đèn giấy, bàn cờ, quân cờ, bài lá v.v…
4. Kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp bao gồm các cơ sở làm các nghề chăn vịt đàn, ngỗng đàn, ấp trứng vịt, vớt cá bột, cá giống v.v…
Mức miễn thu là 28đ ở Hà Nội, Hải Phòng; 26đ ở các thành phố khác và các thị xã; 22đ ở các khu vực khác; áp dụng thống nhất đối với tất cả các nghề sửa chữa, phục vụ ghi trong bản hướng dẫn áp dụng thuế suất thuế doanh nghiệp.
Mức miễn thu là 25đ - 23đ – 19đ (ở mỗi khu vực như trên) áp dụng thống nhất đối với tất cả các nghề về ăn uống ghi trong bảng hướng dẫn áp dụng thuế suất thuế doanh nghiệp.
D. NGÀNH THƯƠNG NGHIỆP (buôn ngồi)
Mức miễn thu là 24đ - 20đ – 16đ (ở mỗi khu vực như trên) áp dụng thống nhất đối với tất cả các kinh doanh thương nghiệp ghi trong bảng hướng dẫn áp dụng thuế suất thuế doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.