BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2009/TT-BCA |
Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2009 |
QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG
Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08-9-1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14-11-2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,
Bộ Công an quy định việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; Công an xã (gọi chung là Công an nhân dân); các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
1. Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, bảo đảm dân chủ đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương.
2. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, cản trở, chống người thi hành công vụ; các hành vi tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tuỳ theo mức độ vi phạm phải được xử lý theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Điều 4. Những việc Công an nhân dân phải thông báo để nhân dân biết
1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và chỉ huy, điều khiển giao thông:
a) Tên đơn vị (cục, phòng, đội, trạm), trụ sở, số điện thoại của Thủ trưởng, trực ban, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
b) Trang phục và các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ;
c) Nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình tuần tra kiểm soát, chỉ huy điều khiển giao thông và dẫn đoàn;
d) Các trường hợp được dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát;
đ) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và chỉ huy, điều khiển giao thông.
2. Trong công tác đăng ký, cấp biển số, quản lý phương tiện giao thông:
a) Địa chỉ, sơ đồ nơi làm việc, lịch giải quyết các công việc về đăng ký, cấp biển số, quản lý phương tiện giao thông;
b) Thủ tục đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an;
c) Lệ phí đăng ký phương tiện giao thông;
d) Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông;
đ) Địa điểm, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác đăng ký, cấp biển số, quản lý phương tiện giao thông;
e) Các quy định khác của Nhà nước và của Bộ Công an về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông.
3. Trong công tác xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông và giải quyết các vụ tai nạn giao thông:
a) Nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Công an nhân dân trong xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông;
b) Quy trình xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và giải quyết tai nạn giao thông;
c) Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông;
d) Những trường hợp khám, tạm giữ, thời hạn, địa điểm tạm giữ đối với người hoặc tang vật, phương tiện giao thông, giấy phép lái xe và các giấy tờ khác có liên quan;
đ) Những quy định về việc thông báo hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người vi phạm;
e) Địa điểm, thời gian, người có thẩm quyền giải quyết các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hoặc các vụ tai nạn giao thông và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Điều 5. Các hình thức thông báo
1. Niêm yết công khai các nội dung phải thông báo tại nơi tiếp công dân, bảo đảm thuận lợi cho nhân dân (dễ nhìn thấy, dễ đọc, dễ hiểu).
2. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc họp của các tổ chức quần chúng bàn về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
3. Bằng panô, áp phích nơi công cộng.
4. Qua các dịch vụ điện thoại, trên website.
5. Giấy hẹn, phiếu hẹn hoặc bằng văn bản khác theo quy định.
Điều 6. Những việc nhân dân bàn và tham gia ý kiến
1. Bàn về chủ trương công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và tự giải toả công trình, vật kiến trúc lấn chiếm hành lang trật tự, an toàn giao thông.
2. Bàn về việc thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở các đoạn đường, đoạn sông, bến đỗ, nơi họp chợ...
3. Tham gia ý kiến về biện pháp để thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
4. Tham gia ý kiến về sáng kiến góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; phòng ngừa và đấu tranh chống đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, các loại tội phạm hoạt động trên các phương tiện và tuyến giao thông.
5. Góp ý kiến về lề lối, thái độ, tác phong làm việc của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
6. Đề nghị biểu dương khen thưởng những gương người tốt, việc tốt; kiến nghị, đề nghị xử lý các trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân sai phạm, thiếu trách nhiệm, yếu kém về phẩm chất và năng lực công tác.
1. Tham gia cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ các công trình giao thông. Trường hợp phát hiện công trình giao thông có dấu hiệu không bảo đảm an toàn hoặc người có hành vi đe doạ đến an toàn giao thông thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp báo hiệu và khẩn trương thông báo cho chính quyền địa phương hoặc đơn vị chủ quản, cơ quan công an hoặc cơ quan nhà nước khác nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, các công trình, thiết bị an toàn giao thông.
3. Tự giải toả chướng ngại vật gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông như: nhà cửa, lều quán, cây, biển quảng cáo, đổ phế thải… vi phạm hành lang an toàn giao thông.
4. Khi tham gia giao thông phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, có đầy đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến hoạt động giao thông, tuân thủ việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
5. Giúp đỡ, ủng hộ Công an nhân dân khi thi hành công vụ.
6. Tham gia các phong trào giữ gìn trật tự, an toàn giao thông.
Điều 8. Những việc nhân dân có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Công an nhân dân
1. Các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.
2. Các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng làm ảnh hưởng an toàn giao thông.
3. Đặt chướng ngại vật trên đường giao thông.
4. Ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham gia giao thông.
5. Hành vi chống lại cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
6. Giả danh cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
7. Vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất độc, chất ma tuý hoặc vận chuyển trái phép các hàng hoá khác.
8. Các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông hoặc vi phạm pháp luật khác.
Điều 9. Những việc nhân dân giám sát, kiểm tra Công an nhân dân
1. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật và của Bộ Công an trong công tác quản lý, đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông; điều tra, xử lý tai nạn giao thông; phòng, chống các loại tội phạm hoạt động trên các phương tiện, các tuyến giao thông.
2. Việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, quy trình công tác, thái độ, tư thế, tác phong, lời nói… của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi thi hành công vụ.
3. Việc nhân dân giám sát, kiểm tra Công an nhân dân thực hiện các quy định tại các khoản 1, 2 Điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật.
Điều 10. Các hình thức giám sát, kiểm tra
1. Thông qua hòm thư góp ý công khai đặt tại các đơn vị Cảnh sát giao thông; hòm thư phải bố trí thuận tiện để nhân dân góp ý.
2. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
3. Quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông.
4. Qua kết quả giải quyết các vụ việc, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo.
5. Thủ trưởng đơn vị Công an nhân dân có có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16-11-2009.
Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban hành kèm theo Quyết định số 729/1998/QĐ-BCA(V19) ngày 09-11-1998 của Bộ trưởng Bộ Công an hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Thông tư này đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và tổ chức thực hiện. Thông tư này được công bố cho toàn thể nhân dân và các cơ quan, tổ chức biết để thực hiện.
2. Tổng cục Cảnh sát, Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Hàng năm, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông đường thuỷ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sơ kết việc thực hiện Thông tư này và báo cáo kết quả bằng văn bản về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát, Vụ Pháp chế) để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, tổ chức cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát, Vụ Pháp chế) để được hướng dẫn, giải quyết./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.