BỘ Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2023/TT-BYT |
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023 |
QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG NGÀNH Y TẾ
Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 ngày 15 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành y tế.
Thông tư này quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể khoản 4 Điều 24, khoản 3 Điều 26, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 2 Điều 71, khoản 6 Điều 74, khoản 2 Điều 75 và khoản 6 Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng.
Thông tư này áp dụng đối với tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành y tế và trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Điều 3. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng
1. Bộ trưởng Bộ Y tế phát động, chỉ đạo phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong toàn ngành y tế; ký quyết định khen thưởng theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành y tế.
2. Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Chủ trì hoặc phối hợp với thủ trưởng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế tham mưu Bộ trưởng về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp tổ chức, phát động, chỉ đạo, tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong các lĩnh vực hoặc trong toàn ngành y tế;
b) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng; phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong ngành y tế;
c) Thẩm định hồ sơ đề nghị xét duyệt danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, trình Bộ trưởng để xét, tặng hoặc trình cấp có thẩm quyền xét, tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.
3. Công đoàn Y tế Việt Nam xây dựng kế hoạch và phối hợp với Bộ Y tế tổ chức các hoạt động phong trào do Công đoàn phát động; tổng kết các phong trào thi đua, đề xuất các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế khen thưởng.
4. Thủ trưởng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, tổ chức phát động phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng;
b) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua chuyên đề hằng năm trong phạm vi toàn ngành hoặc lĩnh vực thuộc Bộ Y tế, trong đó phải nêu rõ tiêu chuẩn khen thưởng cụ thể gửi về Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng Bộ Y tế (Vụ Tổ chức cán bộ) trước khi tổ chức phong trào thi đua;
c) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua và lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để trình Bộ trưởng Bộ Y tế khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định của pháp luật.
5. Cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản; đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tích cực tham gia phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc; phổ biến, nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần cổ vũ, khích lệ phong trào thi đua. Công tác tuyên truyền phản ánh đúng kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kịp thời phản ánh, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.
6. Tổ chức, cá nhân khi đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ, tài liệu.
Điều 4. Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”
1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cá nhân đạt tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, cụ thể:
a) Cá nhân đã và đang thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm trở lên được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
b) Cá nhân đi học, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì kết hợp với thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức để bình xét;
c) Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; có kết quả học tập từ loại khá trở lên (nếu tại thời điểm xét có kết quả xếp loại) thì thời gian đi học được tính để bình xét;
d) Đối với cá nhân chuyển công tác trong năm xét tặng: tập thể bình xét cho cá nhân đó có trách nhiệm xin ý kiến nhận xét của đơn vị trước khi chuyển công tác nếu cá nhân có thời gian công tác ở đơn vị đó từ 06 tháng trở lên;
đ) Cá nhân nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật; cá nhân có hành động cứu người, cứu tài sản, cá nhân phục vụ chiến đấu, cá nhân đang thi hành chức trách, nhiệm vụ bị thương tích cá nhân tham gia phòng chống dịch, tham gia khám bệnh, chữa bệnh bị mắc bệnh cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên thì thời gian nghỉ chế độ thai sản và nghỉ điều trị, điều dưỡng được tính làm căn cứ để bình xét;
e) Cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, đơn vị khác thì việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” do cơ quan, đơn vị điều động, biệt phái thực hiện. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận cá nhân điều động, biệt phái có trách nhiệm cho ý kiến nhận xét về việc chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời gian được điều động, biệt phái.
3. Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có thời gian tuyển dụng hoặc đang làm hợp đồng lao động dưới 09 tháng;
b) Nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 6 tháng, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;
c) Cá nhân đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có đơn thư, khiếu nại tố cáo đang được xác minh làm rõ.
Điều 5. Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng “Cờ thi đua của Bộ Y tế”
1. Danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Y tế” để tặng vào dịp kết thúc năm công tác hoặc kết thúc năm học (đối với các cơ sở đào tạo) cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua của cụm, khối thi đua do Bộ Y tế tổ chức và đạt các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Y tế” cho các phong trào thi đua theo chuyên đề do Bộ Y tế phát động thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Thi đua, khen thưởng.
3. Đối tượng xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Y tế” là các tập thể tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua của cụm, khối thi đua và phong trào thi đua theo chuyên đề do Bộ Y tế phát động, bao gồm:
a) Đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế;
b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Các đơn vị, tổ chức, hoạt động trong lĩnh vực y tế;
d) Khoa, phòng, ban và tương đương của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Điều 6. Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”
1. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Đối tượng xét tặng Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”:
a) Đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế;
b) Khoa, phòng, ban và tương đương của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Điều 7. Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”
1. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Đối tượng xét tặng Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”:
a) Đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế;
b) Khoa, phòng, ban và tương đương của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Điều 8. Tên, đối tượng và tiêu chuẩn xét tặng kỷ niệm chương
1. Kỷ niệm chương của ngành y tế là Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.
2. Đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương (trừ các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này):
a) Cá nhân có thời gian công tác trong ngành y tế từ 20 năm trở lên đối với nam và 15 năm trở lên đối với nữ. Trường hợp cá nhân trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật có thời gian công tác trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, X-Quang, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Hồi sức, Cấp cứu - chống độc, Nhi, Y học cổ truyền; cá nhân chăm sóc người nhiễm HIV, người bệnh AIDS; cá nhân trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc cá nhân công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì mỗi năm công tác tại chuyên ngành, địa bàn được quy đổi thành 01 năm 02 tháng;
b) Cá nhân ngoài ngành y tế và cá nhân người nước ngoài có đóng góp tác động rõ đến việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành y tế, được tập thể công nhận và Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao, bao gồm: lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo của cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan thông tấn, báo chí; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đóng góp trong việc quản lý, chỉ đạo góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; cá nhân có đóng góp lớn về vật chất, tinh thần cho ngành y tế; cá nhân người nước ngoài có đóng góp nổi bật cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; cá nhân có hành động dũng cảm hoặc có đóng góp trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
3. Đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân công tác trong lĩnh vực dân số:
a) Cá nhân có đủ 12 năm liên tục trở lên làm công tác dân số tại cơ quan, tổ chức cấp huyện trở lên;
b) Cá nhân có đủ 10 năm liên tục trở lên làm công tác dân số tại xã, phường, thị trấn; trường hợp cá nhân công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì phải có đủ 08 năm liên tục trở lên;
c) Cộng tác viên dân số tại tổ dân phố, thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc có đủ 08 năm liên tục trở lên làm công tác dân số; đối với cộng tác viên dân số công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì phải có đủ 06 năm liên tục trở lên;
d) Cá nhân có đủ 15 năm trở lên kiêm nhiệm công tác dân số;
đ) Cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số có đóng góp chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu về dân số trong một nhiệm kỳ công tác trở lên.
4. Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng hoặc truy tặng cho cá nhân quy định tại các Điều 17 và Điều 25 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
5. Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng một lần cho cá nhân có đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
6. Bộ Y tế (Vụ Tổ chức cán bộ) đăng ký với Bộ Nội vụ tên Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.
7. Trường hợp cá nhân bị xử lý kỷ luật, thời gian thi hành kỷ luật không được tính vào thời gian để xét tặng Kỷ niệm chương. Cá nhân đã được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số” không đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.
Điều 9. Tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế
1. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể thuộc thẩm quyền quản lý đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 74 Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Trong 01 năm không được đề nghị tặng quá 02 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho một tập thể hoặc một cá nhân (trừ trường hợp khen thưởng thành tích xuất sắc, đột xuất). Riêng đối với khen chuyên đề, mỗi năm không được đề nghị tặng quá 01 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Không khen thưởng cho tập thể, cá nhân khi tham gia tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại, phục vụ sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội hoặc các hình thức tương tự.
4. Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định.
Điều 10. Tiêu chuẩn xét tặng Giấy khen của Thủ trưởng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế
1. Giấy khen của Thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc và trực thuộc Bộ Y tế tặng cho cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
b) Có phẩm chất đạo đức tốt; giữ gìn đoàn kết nội bộ; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; tích cực tham gia các phong trào thi đua do cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và phát động;
c) Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
2. Giấy khen của Thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc và trực thuộc Bộ Y tế tặng cho tập thể thuộc thẩm quyền quản lý đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
b) Nội bộ đoàn kết, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua;
c) Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
d) Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với các thành viên trong tập thể.
Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện theo quy định tại Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng gồm 01 bộ (bản chính) và các văn bản điện tử của hồ sơ khen thưởng, trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.
2. Thông tư số 38/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Điều 13. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.
Hồ sơ xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế nộp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành y tế (trừ trường hợp tập thể, cá nhân đề nghị được thực hiện theo quy định tại Thông tư này).
1. Vụ Tổ chức cán bộ:
a) Là Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng Bộ Y tế;
b) Chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Vụ Tổ chức cán bộ) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.