BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2021/TT-BYT |
Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2021 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 46/2013/TT-BYT NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2013 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ SỞ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh,
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở phục hồi chức năng.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở phục hồi chức năng
1. Bổ sung khoản 4 Điều 2 như sau:
“4. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này nhưng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật phục hồi chức năng trong phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.”
2. Sửa đổi khoản 1 Điều 3 như sau:
“1. Phục hồi chức năng là một tập hợp các can thiệp, bao gồm các phương pháp y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, công nghệ trợ giúp, biện pháp giáo dục, hướng nghiệp, xã hội và cải thiện môi trường, để người bệnh và người khuyết tật (sau đây gọi chung là người bệnh) phát triển, đạt được, duy trì tối đa hoạt động chức năng, phòng ngừa và giảm khuyết tật phù hợp với môi trường sống của họ.”
3. Sửa đổi khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng là hình thức điều trị nội trú tại cơ sở phục hồi chức năng theo yêu cầu chuyên môn trong giờ làm việc ban ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Giờ làm việc ban ngày là thời gian làm việc ngoài giờ làm việc ban đêm theo quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động (giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau).”
4. Bổ sung khoản 5 vào Điều 3 như sau:
“5. Kỹ thuật phục hồi chức năng gồm: vật lý trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng và kỹ thuật khác.
a) Vật lý trị liệu là kỹ thuật sử dụng các tác nhân vật lý nhằm mục tiêu nâng cao sức khỏe; điều trị, can thiệp, phục hồi chức năng bệnh lý, sau chấn thương hoặc điều chỉnh, thích nghi với các khiếm khuyết của cơ thể người bệnh; phòng ngừa các yếu tố nguy cơ khuyết tật liên quan đến vận động;
b) Hoạt động trị liệu là sử dụng các kỹ thuật huấn luyện kỹ năng, thay đổi cách thức thực hiện hoạt động chức năng, điều chỉnh môi trường sống và cung cấp các dụng cụ thích nghi nhằm tăng cường khả năng tham gia các hoạt động trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của mỗi người bệnh, phù hợp với nhu cầu và theo cách người đó mong muốn;
c) Ngôn ngữ trị liệu là kỹ thuật sử dụng các hình thức giao tiếp và tương tác để lượng giá, chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị, can thiệp, nghiên cứu các vấn đề rối loạn về giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói, giọng nói, sự trôi chảy (nói khó), nghe, nhận thức và nuốt của người bệnh;
d) Tâm lý trị liệu là kỹ thuật sử dụng các hình thức giao tiếp và tương tác để lượng giá, chẩn đoán, điều trị và can thiệp các rối loạn chức năng về phản ứng cảm xúc, cách suy nghĩ và mẫu hành vi của người bệnh;
đ) Can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng là việc sử dụng một hoặc một số sản phẩm, thiết bị hoặc phần mềm để can thiệp về vận động hoặc di chuyển (bao gồm dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả), nghe, nhìn, giao tiếp, nhận thức, chỉnh sửa môi trường, sinh hoạt hàng ngày để người bệnh phát triển, duy trì, cải thiện chức năng, phòng ngừa, giảm hậu quả của khuyết tật và thích nghi tối đa với môi trường sống của họ.”
5. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:
“Điều 4a. Điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng
1. Chỉ định điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng:
Việc chỉ định điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng đối với người bệnh thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh phải điều trị nội trú và không cần theo dõi, điều trị liên tục 24/24 giờ tại cơ sở phục hồi chức năng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, mục đích, yêu cầu của điều trị phục hồi chức năng;
b) Tổng thời gian theo dõi, chăm sóc, thực hiện các phương pháp y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đối với người bệnh theo yêu cầu chuyên môn tại cơ sở phục hồi chức năng không dưới 04 (bốn) giờ trong một ngày.
2. Người bệnh điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng được chuyển sang điều trị nội trú hoặc chuyển từ điều trị nội trú sang điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sỹ.
3. Người bệnh đáp ứng tiêu chí tại khoản 1 Điều này nhưng không cư trú trên cùng địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở cơ sở phục hồi chức năng thì người bệnh có thể được điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ.
4. Người bệnh điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng được bác sỹ thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng hằng ngày hoặc theo lịch hẹn của bác sỹ điều trị và được hưởng chế độ điều trị nội trú, theo dõi và chăm sóc trong thời gian điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng. Các lần thăm khám hàng ngày trong thời gian điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng không được tính tiền khám bệnh.
5. Thủ tục, quy trình khám bệnh, chữa bệnh, hồ sơ bệnh án, ứng dụng công nghệ thông tin đối với điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
6. Giường bệnh điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng:
a) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước: Giường bệnh điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng nằm trong tổng số giường kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân: Giường bệnh điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng nằm trong tổng số giường bệnh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Số người bệnh cần phục hồi chức năng được chỉ định điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng tối đa không quá 03 (ba) người trên 01 (một) giường bệnh trong một ngày.
7. Chi phí khám, chữa bệnh, tiền giường bệnh điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng:
a) Đối với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05 tháng 7 năm 2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp;
b) Đối với người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế : Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05 tháng 7 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp và giá dịch vụ y tế do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”
6. Sửa đổi khoản 3 Điều 21 như sau:
“3. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm:
a) Quy định việc phối hợp giữa khoa phục hồi chức năng hoặc trung tâm phục hồi chức năng với các khoa, phòng và các đơn vị có liên quan trong bệnh viện;
b) Quy định việc phối hợp giữa các thành viên trong nhóm phục hồi chức năng để khám, chẩn đoán, lượng giá, xác định mục tiêu, lập kế hoạch, điều trị và can thiệp phục hồi chức năng có hiệu quả. Nhóm phục hồi chức năng bao gồm: Bác sỹ phục hồi chức năng làm trưởng nhóm, các thành viên là bác sỹ điều trị của các khoa, phòng hoặc các đơn vị có liên quan trong bệnh viện, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, điều dưỡng và nhân viên công tác xã hội.”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 như sau:
“1. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Y tế:
a) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc;
b) Vụ Bảo hiểm y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng, hướng dẫn việc mã hóa tiền giường bệnh điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng để phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
c) Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hướng dẫn triển khai bệnh án điện tử đối với các cơ sở phục hồi chức năng.”
8. Sửa đổi khoản 3 Điều 24 như sau:
“3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm:
a) Tuyển dụng, bố trí đủ nhân lực theo quy định để thực hiện hoạt động phục hồi chức năng có hiệu quả;
b) Quy định, phân công đơn vị làm đầu mối phụ trách hoạt động phục hồi chức năng;
c) Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, tổ chức sản xuất, cung cấp và hướng dẫn sử dụng dụng cụ phục hồi chức năng đáp ứng các quy định tại Thông tư này;
d) Thông báo cho cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động về việc triển khai điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng của cơ sở và ký hợp đồng hoặc bổ sung phụ lục hợp đồng thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng đối với người tham gia bảo hiểm y tế trong trường hợp lần đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng;
đ) Thông báo công khai về việc triển khai điều trị nội trú ban ngày về phục hồi chức năng của cơ sở theo quy định.”
9. Sửa đổi khoản 4 Điều 24 như sau:
“4. Trạm y tế xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ:
a) Thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi chức năng theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế xã, phường, thị trấn;
b) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người khuyết tật về tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phục hồi chức năng, phòng ngừa, giảm khuyết tật;
c) Xây dựng và triển khai kế hoạch phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế; phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật.”
Điều 2. Bãi bỏ một số khoản, điều của Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở phục hồi chức năng
1. Bãi bỏ Điều 5.
2. Bãi bỏ khoản 3 Điều 11.
3. Bãi bỏ Điều 26.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.
2. Điều 5 Thông tư số 18/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Danh mục kỹ thuật, danh mục vật tư y tế dùng trong phục hồi chức năng và việc chi trả chi phí phục hồi chức năng ban ngày thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.