BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/1997/TC-CSTC |
Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 1997 |
Chấp hành Quyết định số 675/TTg ngày 18 tháng 9 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng cái, Tỉnh Quảng Ninh. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các chế độ tài chính áp dụng thí điểm đối với khu vực cửa khẩu Móng cái như sau:
I/ NHỮNG ƯU ĐÃI VỀ TIỀN THUÊ ĐẤT, MẶT NƯỚC;ƯU ĐÃI VỀ THUẾ
1. Những ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Quyết định số 675/TTg ngày 18 tháng 9 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp khi thuê đất và mặt nước được giảm 50% giá thuê đất, mặt nước so với mức giá hiện hành đang áp dụng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, cụ thể là:
a - Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, khi thuê đất, mặt nước của Nhà nước được giảm 50% giá thuê đất, mặt nước so với giá cho thuê đất, mặt nước đang áp dụng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái phù hợp với các quy định về xác định giá cho thuê mặt đất, mặt nước tại Quyết định số 1417 TC/TCĐN ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Mức giá nêu trên là căn cứ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định số tiền thuê đất, mặc nước mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải trả và ghi vào giấy phép đầu tư.
Mọi ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước khác vẫn theo quy định tại Quyết định số 1417 TC/TCĐN ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhưng được tính toán trên cơ sở số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải trả đã xác định ở trên.
b - Đối với doanh nghiệp trong nước:
Các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động tại khu vực cửa khẩu Móng Cái khi thuê đất, mặt nước của Nhà nước được giảm 50% giá thuê đất, mặt nước so với giá cho thuê đất, cho thuê mặt nước đang áp dụng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái theo quy định tại Quyết định số 1357 TC/QĐ/TCT ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Mọi ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước khác vẫn theo quy định tại Quyết định số 1357 TC/QĐ/TCT ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhưng được tính toán trên cơ sở số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải trả đã xác định ở trên.
2. Những ưu đãi về thuế lợi tức, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, các loại thuế khác:
a. Thuế lợi tức:
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện nộp thuế lợi tức theo thuế suất quy định tại giấy phép đầu tư; các doanh nghiệp trong nước áp dụng thuế suất, thuế lợi tức quy định cho từng ngành nghề theo quy định tại Luật thuế lợi tức, Luật khuyến khích đầu tư trong nước trong thời gian hoạt động của doanh nghiệp.
Trong thời hạn 4 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu phải nộp thuế lợi tức, doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế lợi tức với mức thuế suất thấp nhất trong khung thuế suất theo quy định phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 3, Quyết định số 675/TTg ngày 18 tháng 9 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là:
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được áp dụng thuế suất thuế lợi tức 10% (thuế suất thấp nhất theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) trong thời hạn 4 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu phải nộp thuế lợi tức theo quy định hiện hành của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Các doanh nghiệp trong nước được áp dụng thuế suất thuế lợi tức 25% (thuế suất thấp nhất theo quy định của Luật thuế lợi tức) trong thời hạn 4 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu phải nộp thuế lợi tức theo quy định hiện hành của Luật thuế lợi tức.
Trường hợp các doanh nghiệp trong nước thuộc đối tượng được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì nộp thuế lợi tức với thuế suất 25% trong thời hạn 4 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu phải nộp thuế lợi tức theo quy định hiện hành của Luật khuyến khích đầu tư trong nước.
Mọi ưu đãi về giảm thuế lợi tức sau khi kết thúc thời hạn miễn thuế lợi tức vẫn theo quy định hiện hành tại các Luật thuế lợi tức, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhưng được tính toán trên cơ sở thế suất xác định ở trên trong thời hạn thuế suất đó được áp dụng.
Hết thời hạn 4 năm áp dụng thuế suất ưu đãi theo quy định trên đây các doanh nghiệp phải nộp thuế lợi tức theo thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo đúng các quy định của Luật thuế lợi tức, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
b. Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài:
Theo quy định tại khoản 4, Điều 3, Quyết định số 675/TTg ngày 18 tháng 9 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập doanh nghiệp và kinh doanh tại khu vực cửa khẩu Móng Cái nếu chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thì chỉ phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài với thuế suất 5% (áp dụng cho chủ đầu tư lựa chọn để hưởng các ưu đãi đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước hoặc theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).
Thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định trên đây là căn cứ để ghi vào giấy phép đầu tư vào khu vực cửa khẩu Móng Cái.
c. Các loại thuế khác:
Mọi ưu đãi về miễn, giảm các loại thuế khác vẫn theo các quy định hiện hành tại các Luật thuế, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
II/ NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG VỐN TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI
Theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 675/TTg ngày 18 tháng 9 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, việc huy động vốn được thực hiện cụ thể như sau:
- Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái được huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước bằng các hình thức thích hợp như vay ngân hàng, vay các tổ chức và cá nhân, phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của Pháp luật hiện hành để tạo nguồn vốn phát triển kinh doanh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình được phép áp dụng các hình thức huy động vốn thích hợp như phát hành trái phiếu công trình, phát hành xổ số kiến thiết loại đặc biệt để huy động vốn đầu tư cho các công trình tại khu vực cửa khẩu Móng Cái (sau khi Bộ Tài chính thoả thuận bằng văn bản), huy động lao động công ích của nhân dân... để xây dựng các cơ sở hạ tầng cho khu vực cửa khẩu Móng Cái theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Việc huy động vốn phải được Hội đồng nhân dân Tỉnh Quảng Ninh thông qua về biện pháp huy động, mức vốn huy động...;
- Số vốn huy động được chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái;
- Vốn huy động phải được quản lý theo đúng các quy định về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản;
- Thực hiện quyết toán riêng số vốn huy động để xây dựng các cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái trong tổng quyết toán chung về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Tỉnh Quảng Ninh.
1. Công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hoạt động tại khu vực cửa khẩu Móng Cái được thuê đất trong khu vực cửa khẩu Móng Cái để xây dựng cơ sở hạ tầng và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuê lại theo giá thoả thuận sau khi đã có cơ sở hạ tầng.
Công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng được phép thu một lần tiền cho thuê lại đất đã xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhiều năm nhưng tối đa không vượt quá mốc thời gian Công ty được phép hoạt động quy định trong giấy phép kinh doanh của Công ty.
2. Trường hợp công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thu một lần tiền cho thuê lại đất đã xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhiều năm, phải thực hiện nghĩa vụ thuế như sau:
- Thuế doanh thu: Nộp thuế doanh thu cho toàn bộ số doanh thu phát sinh do cho thuê lại đất tại thời điểm phát sinh doanh thu theo quy định của Luật thuế doanh thu.
- Thuế lợi tức: Hàng năm cơ quan thuế xác định doanh thu thực tế về cho thuê lại đất, các chi phí hợp lý, hợp lệ tương ứng phát sinh trong năm (chi phí về lương, chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí giao dịch, tiền thuê đất phải trả...) theo đúng quy định của Luật thuế lợi tức để xác định thuế lợi tức phải nộp.
3. Công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng được hưởng mọi ưu đãi về tiền thuê mặt đất, mặt nước, ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác (nếu có) theo các quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành khác.
Theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 657/TTg ngày 18 tháng 9 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 1996 - 2000, việc đầu tư riêng của Nhà nước cho khu vực cửa khẩu Móng Cái hàng năm được thực hiện như sau:
1. Lập kế hoạch vốn đầu tư cho khu vực cửa khẩu Móng Cái:
Căn cứ vào dự toán thu ngân sách Nhà nước từ địa bàn khu vực cửa khẩu Mông Cái đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh Quảng Ninh duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh Quảng Ninh, Uỷ ban nhân tỉnh Quảng Ninh đề nghị mức vốn Nhà nước đầu tư riêng hàng năm qua ngân sách Tỉnh cho khu vực cửa khẩu Móng Cái (chi tiết cho từng công trình đầu tư và được xếp theo thứ tự ưu tiên) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét.
Trên cơ sở dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn khu vực cửa khẩu Móng Cái và đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tài chính xác định tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư riêng mỗi năm cho khu vực cửa khẩu Móng Cái nhưng không dưới 50% tổng số thu ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa bàn khu vực cửa khẩu Móng Cái. Số vốn đầu tư này Bộ Tài chính sẽ cấp qua Sở Tài chính - Vật giá Tỉnh Quảng Ninh để đầu tư cho khu vực cửa khẩu Móng Cái.
Bộ Tài chính thoả thuận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vốn đầu tư cho từng công trình, tổng số vốn đầu tư và các vấn đề liên quan khác trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư cả giai đoạn 1996 - 2000 và kế hoạch đầu tư hàng năm bằng số vốn ngân sách cấp riêng cho Tỉnh Quảng Ninh.
Căn cứ vào thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức vốn đầu tư từng năm từ ngân sách trung ương cho khu vực cửa khẩu Móng Cái, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư theo từng quý gửi Bộ Tài chính (chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối quý trước).
Trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư cả năm, kế hoạch sử dụng vốn từng quý do địa phương lập và khả năng của ngân sách trung ương ở từng thời điểm, Bộ Tài chính xác định và thông báo kế hoạch cấp vốn hàng quý cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh.
Số vốn Nhà nước đầu tư cho khu vực cửa khẩu Móng Cái qua ngân sách Tỉnh được xác định trên cơ sở dự toán số thu ngân sách hàng năm trên địa bàn khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (không kể các khoản thu không giao trong cân đối ngân sách như các khoản ghi thu về học phí, viện phí, viện trợ, đóng góp của nhân dân...) và được xem xét lại vào năm sau trên cơ sở số thu thực tế năm trước để điều chỉnh vào kế hoạch đầu tư vốn năm sau, trường hợp số thực thu trong năm vượt hay hụt so với dự toán thu giao đầu năm thì phần chênh lệch sẽ được điều chỉnh vào mức vốn đầu tư năm sau. Số vốn đầu tư này coi như phần trợ cấp có mục tiêu của ngân sách trung ương cho Tỉnh, không tính vào nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
Riêng số vốn đầu tư năm 1996 từ ngân sách Trung ương cho khu vực cửa khẩu Móng Cái qua ngân sách Tỉnh, Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh làm việc cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về số vốn và mục đích sử dụng cụ thể số vốn này để Bộ Tài chính quyết định.
2. Trình tự, thủ tục, phương thức cấp phát, chế độ báo cáo và quyết toán vốn đầu tư cho khu vực cửa khẩu Móng Cái:
Theo kế hoạch sử dụng vốn đầu tư cả năm và hàng quý được duyệt, Bộ Tài chính (ngân sách Trung ương) cấp cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh (ngân sách địa phương), Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh chuyển vốn cho các công trình đầu tư (số vốn Nhà nước đầu tư cho khu vực cửa khẩu Móng Cái qua ngân sách Tỉnh).
Mọi khoản vốn ngân sách trung ương cấp cho Uỷ ban nhân Tỉnh Quảng Ninh chỉ sử dụng cho mục đích xây dựng các cơ sở hạ tầng trong danh mục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư duyệt và phải được quản lý theo đúng các quy định hiện hành về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Số vốn đầu tư cho khu vực cửa khẩu Móng Cái qua ngân sách Tỉnh được quyết toán chung vào quyết toán ngân sách địa phương nhưng ghi một phần riêng cho các công trình đầu tư ở Móng cái (gồm cả nguồn vốn ngân sách cấp riêng và nguồn vốn do Tỉnh huy động).
Hàng quý, Tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, cấp phát vốn cho từng công trình, cuối năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện cả năm.
Trình tự, thủ tục, phương thức cấp phát, chế độ báo cáo và quyết toán vốn đầu tư thực hiện theo chế độ hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18-9-1996, mọi quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
|
Phạm Văn Trọng (Đã Ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.