BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17-TC/V I |
Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 1993 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN ĐẶC BIỆT ĐẢM BẢO CHƯƠNG TRÌNH BIỂN ĐÔNG - TRƯỜNG SA.
Căn cứ vào Quyết định số 252/HĐBT ngày 6/7/1992 của Hội đồng Bộ trưởng thành lập Ban chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Trường Sa.
Căn cứ vào các văn bản báo cáo và kết luận của Ban Chỉ đạo Biển Đông - Trường Sa số 01/ BCĐBĐ-TS ngày 4/8/1992; số 21/BCĐBĐ - TS ngày 24/9/1992; số 32/BCĐBĐ-TS ngày 22/10/1992 và thông báo của Văn phòng Chính phủ số 10/TTg ngày 14/10/1992 "về việc kinh phí cho Trường Sa".
Để đảm bảo cấp phát vốn kịp thời; quản lý vốn chặt chẽ, có hiệu quả; sau khi lấy ý kiến tham gia của các Bộ, Ngành liên quan, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 17/PPLT ngày 2/2/1993 "về việc cơ chế cấp phát quản lý vốn Biển Đông - Trường Sa".
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế cấp phát và quản lý vốn cho chương trình Biển Đông - Trường Sa như sau:
I/ NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN ĐẢM BẢO CHƯƠNG TRÌNH BIÊN ĐÔNG - TRƯỜNG SA:
1/ Vốn đảm bảo cho chương trình Biển Đông - Trường Sa thuộc vốn đặc biệt được Nhà nước duyệt. Hàng năm Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phân phối chỉ tiêu ngân sách cho các Bộ căn cứ vào khối lượng công việc Nhà nước giao cho các Bộ trong chương trình Biển Đông - Trường Sa.
2/ Bộ Tài chính cấp vốn đặc biệt này qua các Bộ chủ quản để các Bộ cấp phát và thanh toán cho các chủ đầu tư hoặc các đơn vị sử dụng vốn, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư này.
3/ Các Bộ chủ quản phải mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận vốn, thực hiện chi tiêu theo chế độ hiện hành bảo đảm nguyên tắc chế độ tài chính và Pháp luật Nhà nước, hết năm quyết toán với Bộ Tài chính.
II/ CƠ CHẾ CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ CÁC LOẠI VỐN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH BIỂN ĐÔNG - TRƯƠNG SA.
A/ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Những công trình xây dựng không có tính chất cấp bách, điều kiện thi công bình thường thì thực hiện theo chế độ quản lý XDCB ban hành theo Nghị định 385/HĐBT ngày 11/7/1990 của Hội đồng Bộ trưởng.
Những công trình có tính cấp bách, điều kiện thi công khó khăn, thời gian thi công phụ thuộc vào thời tiết đi biển.... được vận dụng điều lệ XDCB cụ thể như sau:
1/ Vốn xây lắp
Định mức, đơn giá XDCB áp dụng theo chế độ hiện hành tại nơi xây dựng. Nếu những công việc thuộc công trình (hay hạng mục công trình) nào chưa có định mức, đơn giá, chủ đầu tư phải làm việc với cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng, để xây dựng định mức, đơn giá làm cơ sở lập dự toán và thanh quyết toán công trình. Trường hợp chưa đủ điều kiện xây dựng định mức đơn giá mà công trình phải khẩn trương hoàn thành theo nhiệm vụ, chủ đầu tư trình xin ý kiến Chính phủ quyết định.
Bộ Tài chính chỉ đảm bảo vốn cho các công trình có ghi trong kế hoạch XDCB năm của Nhà nước và Bộ Tài chính đã thông báo chỉ tiêu ngân sách cho Bộ chủ quản, theo các bước : tạm ứng lần đầu; thanh toán khối lượng; cấp bổ sung lần cuối khi quyết toán công trình được duyệt y.
1.1/ Tạm ứng lần đầu: Các công trình có đủ luận chứng kinh tế kỹ thuật, khảo sát, thiết kế, dự toán được duyệt, có hợp đồng xây dựng, được tạm ứng 30% vốn đầu tư ghi kế hoạch trong năm của công trình. Trường hợp cần phải tạm ứng cao hơn phải có ý kiến của Ban Chỉ đạo.
Bộ chủ quản duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán do chủ đầu tư lập (đối với những công trình giản đơn, thông dụng). Những công trình quan trọng có ý nghĩa quyết định đến kinh tế chính trị của Quốc gia do Chính phủ phê duyệt (những công trình đó được chỉ định khi duyệt kế hoạch).
Nếu công trình thiếu căn cứ ứng vốn, nhưng do nhiệm vụ cấp bách phải triển khai, chủ đầu tư phải trình Ban chỉ đạo, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Sau khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính xét ứng vốn lần đầu. Chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục cần thiết (nêu trên) mới được nhận vốn từ các lần tiếp theo.
1.2/ Thanh toán khối lượng công trình hoàn thành:
Chủ đầu tư căn cứ vào khối lượng công trình hoàn thành theo tiến độ, trong kế hoạch ghi trong hợp đồng xây dựng; khi có biên bản nghiệm thu kèm phiếu giá công trình, thanh toán khối lượng cho bên B theo những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Đối với những công trình hoặc hạng mục công trình thi công ngoài biển (hoặc đảo xa) không có điều kiện nghiệm thu từng phần, hay lập phiếu giá công trình từng giai đoạn, chủ đầu tư phải trình Ban chỉ đạo xin ứng vốn từ lần thứ 2 theo báo cáo khối lượng do chủ đầu tư lập theo tiến độ kế hoạch ; khi có văn bản nhất trí của Ban chỉ đạo, Bộ Tài chính xét cấp ứng vốn tiếp lần 2 để đảm bảo công trình (hạng mục công trình) hoàn thành theo kế hoạch.
Tổng số vốn ứng lần đầu và các lần tiếp theo cho phần xây lắp công trình không quá 85% giá dự toán xây lắp được duyệt trong năm. Số vốn còn lại sẽ giải quyết khi toàn bộ công trình hoàn thành, có quyết toán được duyệt.
2/ Vốn mua sắm thiết bị, phương tiện vận tải, thông tin liên lạc.
Các đơn vị chủ quản căn cứ vào nhiệm vụ Chính phủ giao, lập kế hoạch mua sắm, kế hoạch tài chính gửi Bộ chủ quản và Bộ Tài chính, đồng thời ký hợp đồng mua hàng.
Trên cơ sở hợp đồng mua hàng và giấy đề nghị ứng tiền, Bộ Tài chính xét ứng vốn cho chủ đầu tư theo các điều khoản ghi trong hợp đồng qua Bộ chủ quản.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng, chủng loại, giá cả vật tư, thiết bị được mua.
Việc thanh quyết toán toàn bộ sẽ được tiến hành khi nghiệp vụ mua hàng kết thúc (đối với thiết bị toàn bộ không cần lắp) theo chế độ hiện hành, vật tư và thiết bị cần lắp sẽ được thanh quyết toán khi công trình xây dựng hoàn thành, báo cáo quyết toán được duyệt y.
3/ Vốn kiến thiết cơ bản khác.
- Đối với các công trình xây dựng thuộc chương trình Biển Đông - Trường Sa, vốn kiến thiết cơ bản khác cũng được Bộ Tài chính xét ứng trước một phần tuỳ theo tính chất đặc điểm xây dựng công trình. Thanh quyết toán cuối cùng theo chế độ hiện hành của Nhà nước khi toàn bộ công trình hoàn thành nghiệm thu và quyết toán được duyệt .
- Công tác khảo sát, thăm dò khu vực Biển Đông - Trường Sa nếu được ghi thành công việc độc lập, chủ đầu tư phải lập phương án khảo sát thăm dò, dự toán, kế hoạch thực hiện theo tiến độ, trình cấp có thẩm quyền xét duyệt. Khi có đầy đủ căn cứ pháp lý, Bộ Tài chính xét ứng vốn lần đầu và thanh toán khối lượng hoàn thành như vốn xây lắp.
4/ Quyết toán công trình :
Chủ quản đầu tư có trách nhiệm xét duyệt tổng quyết toán của chủ đầu tư; Lập hồ sơ báo cáo Ban chỉ đạo, Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
Bộ Tài chính thẩm định tổng quyết toán được duyệt, ra văn bản công nhận số liệu và thanh toán toàn bộ số vốn được cấp cho chủ đầu tư qua Bộ chủ quản.
B/ Vốn cấp cho Công ty Hải sản Trường sa.
Công ty Hải sản Trường sa được thành lập theo quyết định số 45/TTg ngày 3/11/1992.
Theo điều 1 Quyết định 45/TTg, giai đoạn đầu Công ty được Nhà nước đầu tư trực tiếp để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật và tàu thuyền để đánh bắt cá theo kế hoạch hàng năm được duyệt.
Bộ Tài chính giải quyết cấp phát vốn lần đầu cho Công ty theo quy định cấp vốn đầu tư XDCB tại Thông tư này.
Các chế độ, chính sách ưu đãi khác đối với Công ty, Bộ Tài chính cùng các Bộ có liên quan soạn thảo trình Chính phủ theo điều 5 Quyết định 45/TTg
C/ Kinh phí nghiên cứu khoa học và kinh phí sự nghiệp:
1/ Kinh phí nghiên cứu khoa học cho các đề tài thuộc chương trình Biển Đông - Trường Sa, Bộ Tài chính cấp cho các chủ đề tài theo đúng chế độ cấp phát kinh phí nghiên cứu khoa học hiện hành đối với những công trình (hoặc đề tài ) đặc biệt cấp Nhà nước tại Thông tư Liên Bộ số 1213/KH-CN-TC ngày 26/9/1992 của Uỷ ban Khoa học Nhà nước - Bộ Tài chính.
2/ Kinh phí sự nghiệp:
Những đơn vị sự nghiệp được Chính phủ giao nhiệm vụ thuộc chương trình Biển Đông - Trường Sa; đơn vị lập kế hoạch và dự toán kinh phí trình Bộ chủ quản xét duyệt. Khi có đủ căn cứ cấp phát kinh phí sự nghiệp hiện hành Bộ Tài chính xét cấp vốn cho đơn vị qua Bộ chủ quản của đơn vị.
D/ Kinh phí đảm bảo cho Ban chỉ đạo Biển Đông - Trường Sa.
Điều 5 Quyết định số 252/HĐBT ngày 6/7/1992 về việc thành lập Ban chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến Biển Đông - Trường Sa ghi....”Ban chỉ đạo Biển Đông - Trường Sa có kinh phí riêng”.
Bộ Tài chính căn cứ vào dự toán chi tiêu của cơ quan thường trực lập, Trưởng Ban Chỉ đạo duyệt, cấp kinh phí cho Ban Chỉ đạo qua Ban Biên giới của Chính phủ theo cơ chế cấp phát kinh phí hành chính sự nghiệp hiện hành của Nhà nước. Cuối năm Ban biên giới của Chính phủ phải quyết toán riêng khoản kinh phí cấp cho Ban chỉ đạo Biển Đông - Trường Sa với Bộ Tài chính.
III/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
- Cơ chế này được áp dụng cho chương trình Biển Đông - Trường Sa, thực hiện từ quý IV năm 1992.
- Áp dụng cho các công trình thuộc nhiệm vụ Trường Sa của Bộ Quốc phòng từ năm 1993.
- Cơ chế sẽ được bổ sung và hoàn chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ đặc biệt thuộc chương trình Biển Đông - Trường Sa trong những năm tới.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành phản ánh kịp thời với Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.