BỘ
VĂN HOÁ VÀ THÔNG TIN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 150-VHTT/TC |
Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 1977 |
Ngày 14 tháng 6 năm 1977 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 250-TTg ban hành một số chế độ đối với diễn viên.
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động và Bộ Tài chính, nay Bộ Văn hóa và thông tin hướng dẫn việc thi hành như sau.
I. CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG MỨC ĂN THƯỜNG XUYÊN
1. Đối tượng được hưởng:
a) Diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở trung ương bao gồm diễn viên các nhà hát, các đoàn nghệ thuật và diễn viên điện ảnh trực thuộc Bộ Văn hóa và thông tin; diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và quân nhạc thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, diễn viên nghệ thuật thuộc Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam đều được hưởng chế độ bồi dưỡng mức ăn thường xuyên hàng ngày là 1,4đ cho mỗi người, trong đó Nhà nước đài thọ 0,80đ, diễn viên đóng 0,60đ.
Diễn viên nhạc (kể cả chỉ huy dàn nhạc và nhạc trưởng) trong các đơn vị nói trên cũng được hưởng khoản bồi dưỡng này.
b) Trường hợp chuẩn bị đi biểu diễn ở nước ngoài mà diễn viên phải tranh thủ tập luyện ngoài giờ vất vả, nặng nhọc thì được Nhà nước đài thọ thêm cho mỗi diễn viên một đồng một ngày trong thời gian không quá một tháng.
c) Diễn viên đã tốt nghiệp các hệ đào tạo từ trung cấp trở lên đang trong thời gian tập sự, diễn viên tạm tuyển vào lực lượng lao động thường xuyên mà nằm trong chỉ tiêu biên chế của các đoàn cũng được hưởng khoản bồi dưỡng này.
d) Những người được tuyển vào để đào tạo theo lối kèm cặp hoặc để thử việc, những diễn viên làm hợp đồng hưởng theo mức lương riêng thì không áp dụng khoản bồi dưỡng này.
2. Điều kiện được hưởng:
a) Diễn viên được hưởng khoản bồi dưỡng này phải là những người thường xuyên hàng ngày có tham gia tập luyện hoặc biểu diễn theo sự phân công của đơn vị.
b) Diễn viên bị tai nạn lao động trong tập luyện hoặc biểu diễn thì trong thời gian điều trị, điều dưỡng ở bệnh viện, viện điều dưỡng vẫn được hưởng chế độ bồi dưỡng mức ăn thường xuyên của diễn viên và thôi không hưởng mức bồi dưỡng ốm đau của bệnh viện, viện điều dưỡng nữa – cho đến khi ra viện. Trường hợp do bệnh lý mà bệnh viện quyết định mức ăn bồi dưỡng cao hơn chế độ bồi dưỡng mức ăn thường xuyên của diễn viên thì được bệnh viện đài thọ phần chênh lệch cao hơn đó.
c) Diễn viên ốm đau hoặc bị tai nạn rủi ro thì trong thời gian điều trị, điều dưỡng ở bệnh viện, viện điều dưỡng hoặc ở gia đình, được hưởng chế độ bồi dưỡng ốm đau đối với cán bộ, công nhân Nhà nước theo chế độ hiện hành và không hưởng chế độ bồi dưỡng mức ăn thường xuyên của diễn viên trong cùng thời gian đó.
d) Thời gian đi công tác tại nước ngoài, những ngày nghỉ việc không có lý do chính đáng, những ngày bị đình chỉ công tác để kiểm điểm, để thi hành kỷ luật thì những diễn viên đó không được hưởng bồi dưỡng.
e) Nữ diễn viên trong thời gian nghỉ đẻ theo chế độ quy định vẫn được hưởng bồi dưỡng.
Nữ diễn viên có thai mà nghỉ sớm trước thời gian quy định hoặc sau khi hết thời gian nghỉ đẻ mà vẫn chưa tham gia công tác, tập luyện và biểu diễn được, thì thời gian này không được hưởng bồi dưỡng.
g) Diễn viên được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ tập luyện và biểu diễn trong tháng để chờ chuyển sang công tác khác vẫn được tiếp tục hưởng chế độ bồi dưỡng mức ăn thường xuyên cho đến hết tháng đó.
3. Danh sách diễn viên được hưởng chế độ bồi dưỡng mức ăn thường xuyên do thủ trưởng nhà hát hoặc thủ trưởng đoàn nghệ thuật quyết định và cấp trên một cấp duyệt y.
4. Diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhà nước ở các địa phương thì tùy theo tình hình tổ chức, điều kiện hoạt động của các đoàn và khả năng tài chính của từng nơi, mà Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định chế độ bồi dưỡng mức ăn thường xuyên cho diễn viên địa phương mình bằng 70%, 80%, 90% hoặc 100% mức quy định đối với diễn viên các đoàn nghệ thuật ở trung ương; trong đó mức diễn viên tự đóng góp là 0,60đ.
II. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP BIỂU DIỄN TRONG CÁC ĐOÀN NGHỆ THUẬT CHUYÊN NGHIỆP Ở TRUNG ƯƠNG
1. Đối với diễn viên.
Diễn viên tham gia trong một buổi biểu diễn sẽ tùy theo công sức lao động và kết quả biểu diễn nghệ thuật mà được hưởng một trong 4 mức phụ cấp sau đây: 1đ, 1,60đ, 2,20đ và 3đ.
Riêng mức 3 đồng chỉ áp dụng cho một số ít diễn viên tham gia những vai chủ yếu trong 1 buổi diễn, đòi hỏi có công phu tập luyện, trình độ kỹ thuật cao.
Những buổi biểu diễn, diễn viên đã hóa trang nhưng vì lý do khách quan như bị mất điện, trời mưa, rạp bị hỏng, v.v… mà không diễn được thì diễn viên chỉ hưởng mức đồng loạt là 1 đồng. Trường hợp do chủ quan diễn viên gây ra thì không được hưởng phụ cấp biểu diễn.
Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật căn cứ vào chức năng, tính chất nghệ thuật của đơn vị mình mà xây dựng bảng tiêu chuẩn về số lượng và chất lượng biểu diễn của diễn viên theo 4 mức phụ cấp trên đây nhằm khuyến khích lao động nghệ thuật và nâng cao chất lượng biểu diễn.
Bảng tiêu chuẩn này phải được cấp trên một cấp duyệt y để làm căn cứ cho việc xét phụ cấp biểu diễn được công bằng hợp lý và đoàn kết nội bộ.
Việt xét cho diễn viên hưởng các mức phụ cấp biểu diễn do thủ trưởng nhà hát hoặc thủ trưởng đoàn nghệ thuật căn cứ vào chất lượng biểu diễn cao hay thấp, thời gian và cường độ lao động nhiều hay ít của từng diễn viên mà quyết định theo từng chương trình biểu diễn và được cấp trên một cấp thông qua.
2. Đối với cán bộ, công nhân phục vụ buổi biểu diễn.
Cán bộ công nhân trực tiếp phục vụ cho một buổi diễn, mỗi người được hưởng một trong 4 mức phụ cấp là 0,60đ, 0,80đ, 1đ, 1,20đ.
Việc áp dụng các mức phụ cấp này phải căn cứ vào tính chất lao động phức tạp hay giản đơn, thời gian và cường độ lao động nhiều hay ít của từng người mà thủ trưởng nhà hát hoặc thủ trưởng đoàn nghệ thuật xét và quyết định.
Riêng mức phụ cấp 1,20đ chỉ áp dụng cho người chỉ huy trong đêm diễn.
3. Phụ cấp khi đi biểu diễn lưu động.
- Diễn viên, công nhân, cán bộ trong đoàn nghệ thuật đi biểu diễn lưu động ra ngoài thành phố, thị xã nơi cơ quan đóng thì mỗi buổi biểu diễn, mỗi người còn được hưởng thêm 30% của các mức phụ cấp biểu diễn nói trên.
- Riêng trường hợp phải biểu diễn trên sân khấu ngoài trời, không có mái che, mà điều kiện biểu diễn có nhiều khó khăn, thì mặc dù địa điểm diễn nằm trong thành phố, thị xã nơi đoàn nghệ thuật đóng và thuộc địa bàn hoạt động thường xuyên của đoàn thì mọi người vẫn được hưởng mức phụ cấp thêm 30% này.
- Những người được hưởng thêm 30% mà thấp hơn phụ cấp lưu trú thì được hưởng bằng phụ cấp lưu trú.
- Những người được hưởng thêm 30% mà cao hơn phụ cấp lưu trú thì thôi không hưởng phụ cấp lưu trú.
- Trong những ngày không biểu diễn nhưng cần thiết phải ở lại nơi biểu diễn thì cán bộ, diễn viên, công nhân được hưởng phụ cấp lưu trú theo chế độ hiện hành.
4. Phụ cấp biểu diễn đối với các đoàn nghệ thuật ở địa phương do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định bằng 70%, 80%, 90% hoặc 100% mức quy định phụ cấp biểu diễn đối với diễn viên, cán bộ, công nhân các đoàn nghệ thuật ở trung ương.
5. Phụ cấp biểu diễn đối với các trường hợp thu thanh, lồng tiếng, đối với các đoàn làm phim truyện sẽ có quy định riêng.
6. Diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và quân nhạc nói trên được rút ra tổ chức thành từng tốp để biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc tham gia biểu diễn trong các đội tuyên truyền xung kích cũng được hưởng khoản bồi dưỡng và phụ cấp biểu diễn nói trên.
III. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHO NỮ DIỄN VIÊN CÓ CON NHỎ
Công tác của các đoàn nghệ thuật thường phải đi lưu động và biểu diễn về ban đêm, nên nữ diễn viên gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc con cái, một số chị em do cần bảo vệ thanh sắc và sức khỏe nên phải cai sữa sớm để bảo đảm nghệ thuật, bảo đảm biểu diễn.
Hướng giải quyết khó khăn cho nữ diễn viên chủ yếu là cơ quan phải chú ý tổ chức việc giữ trẻ phù hợp với điều kiện công tác của chị em, ở những địa phương có tổ chức được nhà giữ trẻ nhận trông thường xuyên thì cần ưu tiên cho nữ diễn viên được gửi con vào nhà trẻ đó.
Nữ diễn viên có con nhỏ nếu không có điều kiện gửi con vào nhà trẻ của cơ quan, xí nghiệp, đường phố thì chị em được hưởng trợ cấp như sau:
- Con nhỏ dưới 36 tháng, mỗi cháu được trợ cấp 7 đồng 1 tháng;
- Con nhỏ dưới 10 tháng thì ngoài khoản 7 đồng nói trên còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp hàng tháng là 10 đồng. Khoản trợ cấp 10 đồng này thay thế cho khoản trợ cấp mất sữa.
Nữ diễn viên có con nhỏ dù có mất sữa cũng không hưởng trợ cấp mất sữa nữa mà chỉ được cấp tem sữa để tự mua.
Nữ diễn viên đã hưởng chế độ trợ cấp này rồi thì không hưởng các khoản trợ cấp giữ trẻ khác quy định cho nữ cán bộ, viên chức nói chung.
IV. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI DIỄN VIÊN HẾT KHẢ NĂNG BIỂU DIỄN
1. Đối với những diễn viên có trình độ nghệ thuật khá, nay vì tuổi tác sức khỏe, hơi giọng kém, mà không còn đáp ứng được yêu cầu biểu diễn thì cơ quan cần sử dụng khả năng sẵn có của anh chị em vào các công tác khác như: chuyển sang làm công tác giảng dạy, sáng tác, đạo diễn, hướng dẫn văn nghệ quần chúng, nghiên cứu, v.v… thì những diễn viên này vẫn được giữ nguyên lương cũ.
2. Những diễn viên phải chuyển sang các ngành nghề khác, cơ quan sử dụng cần tạo điều kiện cho anh chị em được học nghề hoặc bổ túc văn hóa để anh chị em có thể thi vào trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Kể từ ngày chuyển sang nghề khác, diễn viên được hưởng nguyên lương trong thời hạn là 24 tháng, sau đó sẽ xếp lương theo nghề mới.
Hai khoản trên chỉ áp dụng đối với diễn viên đã có thời gian biểu diễn được từ 5 năm tròn trở lên.
Trường hợp bị tai nạn lao động không còn khả năng biểu diễn mà phải chuyển sang nghề khác thì cũng được áp dụng các điều khoản này.
Các điều khoản quy định tại quyết định số 250-TTg ngày 14-6-1977 của Thủ tướng Chính phủ và những điều hướng dẫn trong thông tư này được thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1977 và thay thế cho những quy định cũ được ban hành theo quyết định số 209-TTg ngày 6-12-1966 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các đoàn nghệ thuật ở các địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sau khi quy định mức ăn thường xuyên và mức phụ cấp biểu diễn cho diễn viên, cán bộ, công nhân ở địa phương sẽ ấn định thời gian thi hành cho địa phương mình nhưng chậm nhất cũng không quá ngày 1 tháng 11 năm 1977.
Ngoài mức ăn bồi dưỡng thường xuyên và mức phụ cấp biểu diễn do địa phương quy định các chế độ khác được thi hành thống nhất trong cả nước theo các điều khoản hướng dẫn trong thông tư này.
Để làm tốt chế độ bồi dưỡng mức ăn thường xuyên và phụ cấp biểu diễn cho diễn viên, các nhà hát, các đoàn nghệ thuật phải thi hành chế độ chấm công, chấm bồi dưỡng hàng ngày và cố gắng tổ chức tốt bếp ăn tập thể, bảo đảm cho diễn viên ăn đủ tiêu chuẩn, bảo đảm giữ gìn thanh sắc và sức khỏe của diễn viên phục vụ biểu diễn được lâu dài.
Cục biểu diễn nghệ thuật phối hợp với các ngành có sử dụng diễn viên hướng dẫn diễn viên tổ chức tốt đời sống và có trách nhiệm nghiên cứu chế độ công tác, chế độ sinh hoạt, chế độ bổ túc nghề nghiệp cho diễn viên và trình Bộ Văn hóa và thông tin ban hành những chế độ đó.
Trong khi thi hành các chế độ đối với diễn viên, nếu có khó khăn mắc mứu gì các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, các Sở, Ty văn hóa và thông tin cần phản ánh về Bộ Văn hóa và thông tin để nghiên cứu giải quyết.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.