BỘ XÂY DỰNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2005/TT-BXD |
Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2005 |
THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 95/2005/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 07 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở, QUYỀN SỞ HỮU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng
4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về
việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng;
Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 7
năm 2005 của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở
hữu công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 95/2005/NĐ-CP) như
sau:
1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với nhà ở theo mẫu hướng dẫn tại phụ lục số 01 của Thông tư này;
2. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với công trình xây dựng theo mẫu hướng dẫn tại phụ lục số 02 của Thông tư này;
3. Đơn đề nghị cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và trường hợp do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật mà bên chuyển quyền sở hữu đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng theo mẫu hướng dẫn tại phục lục số 03 của Thông tư này;
4. Đơn đề nghị xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận đã được cấp theo mẫu hướng dẫn tại phụ lục số 04 của Thông tư này.
1. Giấy tờ về tạo lập nhà ở, công trình xây dựng áp dụng đối với cá nhân trong nước quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 95/2005/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:
1.1. Đối với nhà ở, công trình xây dựng được tạo lập từ trước ngày Nghị định số 95/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì phải có bản sao một trong những giấy tờ sau đây:
a) Giấy phép xây dựng nhà ở, công trình xây dựng đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính đối với nhà ở, công trình xây dựng được xây dựng trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2004);
c) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 05 tháng 7 năm 1994;
d) Giấy tờ về giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;
đ) Giấy tờ về sở hữu nhà ở, công trình xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ; giấy tờ về nhà đất do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khoá XI "về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991", Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội "quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991";
e) Giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở, công trình xây dựng đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân từ cấp xã trở lên; giấy tờ của Toà án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có hiệu lực pháp luật; trường hợp mua nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở đã được hai bên ký kết;
g) Trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận có một trong những giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng không đúng tên trong các giấy tờ đó thì trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc tạo lập nhà ở, công trình xây dựng do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
h) Trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận không có một trong những giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này thì phải có giấy tờ xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nhà ở, công trình xây dựng không có tranh chấp về sở hữu và được xây dựng trước khi có quy hoạch xây dựng đối với trường hợp đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật về xây dựng.
1.2. Đối với nhà ở, công trình xây dựng được tạo lập từ ngày Nghị định số 95/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì phải có bản sao giấy tờ theo quy định sau:
a) Nhà ở, công trình được tạo lập thông qua việc xây dựng mới thì phải có giấy phép xây dựng. Trường hợp không phải xin phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất.
b) Nhà ở, công trình được tạo lập thông qua việc mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật kèm theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình của bên chuyển quyền sở hữu;
c) Trường hợp mua nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán thì doanh nghiệp phải làm các thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho bên mua. Giấy tờ tạo lập nhà ở trong trường hợp này bao gồm:
- Hợp đồng mua bán nhà ở do hai bên ký kết;
- Quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất.
2. Giấy tờ (bản sao) về tạo lập nhà ở, công trình xây dựng áp dụng đối với người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 95/2005/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:
2.1. Nhà ở, công trình được tạo lập thông qua việc đầu tư xây dựng mới theo quy định của pháp luật thì phải có giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất;
2.2. Nhà ở, công trình được tạo lập thông qua việc mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật kèm theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng của bên chuyển quyền sở hữu.
3. Giấy tờ (bản sao) về tạo lập nhà ở, công trình xây dựng áp dụng đối với tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 95/2005/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:
3.1. Nhà ở, công trình được tạo lập thông qua việc đầu tư xây dựng mới theo quy định của pháp luật thì phải có:
a) Quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất;
Trường hợp tổ chức là doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở mà đầu tư xây dựng để bán thì doanh nghiệp phải làm các thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho bên mua theo quy định tại điểm c khoản 1.2 của mục này.
3.2. Nhà ở, công trình được tạo lập thông qua việc mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật kèm theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng của bên chuyển quyền sở hữu.
4. Bản sao các giấy tờ về tạo lập nhà ở, công trình xây dựng quy định tại Phần II của Thông tư này không phải có công chứng hoặc chứng thực. Khi nộp hồ sơ, người đề nghị cấp giấy phải đem theo bản chính để cơ quan tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Trong trường hợp người đề nghị cấp giấy nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực thì khi nộp hồ sơ không phải mang bản chính để đối chiếu.
5. Khi nộp đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận phải nộp kinh phí cấp giấy chứng nhận theo quy định cho cơ quan tiếp nhận đơn. Cơ quan tiếp nhận đơn phải có phiếu thu theo quy định. Trong trường hợp không được cấp giấy chứng nhận thì phải hoàn trả lại kinh phí này cho người nộp.
III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở, QUYỀN SỞ HỮU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
1. Trình tự, thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng và việc xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 95/2005/NĐ-CP .
2. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật được thực hiện như sau:
2.1. Tổ chức, cá nhân nhận quyền sở hữu làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận kèm theo văn bản về giao dịch tương ứng theo quy định của pháp luật, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng và nộp kinh phí cấp đổi giấy chứng nhận theo quy định cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện nếu là cá nhân, nộp cho Sở Xây dựng nếu là tổ chức. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có giấy biên nhận hồ sơ và biên lai thu kinh phí cấp giấy chứng nhận;
2.2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Xây dựng đối với trường hợp được uỷ quyền ký giấy chứng nhận) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải cấp giấy chứng nhận mới cho chủ sở hữu.
3. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo Nghị định số 60/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ mà chuyển dịch quyền sở hữu thì được Sở Xây dựng nếu là tổ chức, Uỷ ban nhân dân cấp huyện nếu là cá nhân xác nhận việc thay đổi chủ sở hữu tại trang 3 của giấy chứng nhận đó.
Trường hợp chủ sở hữu có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp theo Nghị định số 60/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ bằng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo Nghị định số 95/2005/NĐ-CP thì:
3.1. Chủ sở hữu có đơn đề nghị cấp đổi kèm theo giấy chứng nhận đã được cấp và nộp kinh phí cấp đổi giấy chứng nhận theo quy định tại Sở Xây dựng nếu là tổ chức, tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện nếu là cá nhân. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có giấy biên nhận hồ sơ và biên lai thu kinh phí cấp đổi giấy chứng nhận;
3.2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Xây dựng đối với trường hợp được uỷ quyền ký giấy chứng nhận) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mới cho chủ sở hữu.
Cơ quan cấp giấy chứng nhận phải ghi vào trang 3 của giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nội dung: "Chủ sở hữu nhà ở đã được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mới theo Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ" và sao 01 bản để lưu hồ sơ trước khi giao lại giấy chứng nhận này cho chủ sở hữu.
4. Người nộp đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận được cấp giấy thông báo theo mẫu hướng dẫn tại phụ lục số 05 của Thông tư này. Khi đã thực hiện đối chiếu các giấy tờ và kiểm tra bản vẽ sơ đồ, cơ quan cấp giấy phải viết giấy biên nhận theo hướng dẫn tại phụ lục số 06 của Thông tư này.
5. Trước khi nhận giấy chứng nhận, chủ sở hữu phải nộp biên lai thu lệ phí trước bạ (trừ trường hợp chủ sở hữu được cấp đổi, cấp lại, xác nhận thay đổi, cấp giấy lần đầu mà đã nộp lệ phí trước bạ, trường hợp không phải nộp và được miễn nộp theo quy định của pháp luật); nộp bản chính các giấy tờ về tạo lập nhà ở, công trình xây dựng cho cơ quan cấp giấy để lưu hồ sơ (trừ các giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư dự án, giấy phép đầu tư) và ký nhận vào sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở, sổ đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng.
Khi giao giấy chứng nhận, cơ quan cấp giấy chứng nhận phải gửi kèm theo phiếu xác nhận đã cấp giấy chứng nhận (theo mẫu hướng dẫn tại phụ lục số 07 của Thông tư này) để chủ sở hữu nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở, công trình xây dựng đó biết và theo dõi.
6. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung trong đơn và các giấy tờ khác trong hồ sơ. Trong trường hợp cơ quan cấp giấy chứng nhận cấp sai thì phải cấp lại và không được thu kinh phí cấp lại.
7. Trường hợp đang có tranh chấp, khiếu nại về quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng thì chỉ thực hiện việc cấp giấy sau khi đã giải quyết xong tranh chấp, khiếu nại đó theo quy định của pháp luật.
IV. ĐO VẼ SƠ ĐỒ NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
1. Việc đo vẽ sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
1.1. Nhà ở, công trình xây dựng đã có bản vẽ thể hiện hình dáng, kích thước các cạnh của mặt bằng nhà ở, công trình xây dựng hoặc mặt bằng của từng tầng đối với nhà ở, công trình xây dựng có nhiều tầng và không có thay đổi giữa bản vẽ so với thực tế thì không phải đo vẽ lại;
1.2. Nhà ở, công trình xây dựng chưa có bản vẽ hoặc có bản vẽ nhưng thực tế đã có thay đổi thì phải đo vẽ lại theo quy định của Thông tư này;
1.3. Nhà ở tại đô thị không thuộc các dự án nhà ở hoặc dự án khu đô thị mới mà do chủ nhà tự đo vẽ thì bản vẽ sơ đồ phải có chữ ký của chủ nhà và của tổ đo vẽ.
Trong trường hợp nhà ở có phần xây dựng trên đất của chủ khác hoặc nhà ở riêng lẻ có chung tường, khung cột với nhà ở, công trình xây dựng của chủ khác thì bản vẽ sơ đồ phải có xác nhận của các chủ đó. Nếu các chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà đó không chịu xác nhận thì Uỷ ban nhân dân cấp phường nơi có nhà ở có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận vào bản vẽ làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người đề nghị cấp giấy;
1.4. Nhà ở, công trình xây dựng tại nông thôn thì bản vẽ sơ đồ phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã về địa chỉ, vị trí trên thửa đất và số tầng của nhà ở, công trình xây dựng.
2. Vẽ sơ đồ nhà ở
2.1. Đối với nhà ở riêng lẻ: Trường hợp nhà ở 1 tầng thì bản vẽ sơ đồ phải thể hiện hình dáng thửa đất, trên đó thể hiện hình dáng mặt bằng, ghi kích thước các cạnh, diện tích sàn của tầng 1 và vẽ mũi tên ký hiệu cửa ra vào chính của nhà ở. Trường hợp nhà ở nhiều tầng nhưng các tầng giống nhau thì thể hiện bản vẽ sơ đồ như nhà 1 tầng và ghi diện tích sàn của tầng 1 nhân với số tầng, đồng thời ghi chú số tầng của nhà ở đó. Trường hợp nhà ở nhiều tầng, trong đó có một số tầng giống nhau, một số tầng khác nhau thì thể hiện mặt bằng tầng 1 và mặt bằng các tầng khác tầng 1 và ghi chú các số liệu về các tầng như quy định tại điểm này (ví dụ hướng dẫn tại phụ lục số 08 và số 09 của Thông tư này).
2.2. Đối với căn hộ trong nhà chung cư thì vẽ nét liền hình dáng mặt bằng tầng có căn hộ và vẽ nét liền hình dáng mặt bằng căn hộ, trong đó vẽ mũi tên ký hiệu lối đi vào cầu thang và ký hiệu cửa ra vào căn hộ đồng thời ghi rõ số căn hộ, kích thước các cạnh và diện tích sàn căn hộ (ví dụ hướng dẫn tại phụ lục số 10 của Thông tư này).
2.3. Đối với nhà ở tại đô thị nằm ngoài dự án thì cơ quan cấp giấy chứng nhận thông qua tổ đo vẽ để thực hiện. Trong trường hợp chủ nhà tự đo vẽ thì tổ đo vẽ của cơ quan cấp giấy chứng nhận phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp phường nơi có nhà ở đó kiểm tra, chỉnh sửa bản vẽ trước khi thể hiện trên giấy chứng nhận.
3. Vẽ sơ đồ công trình xây dựng
Bản vẽ sơ đồ công trình phải thể hiện được hình dáng mặt bằng của thửa đất, ký hiệu cửa chính ra vào công trình, cửa ra vào chính của từng hạng mục công trình và thể hiện vị trí, hình dáng mặt bằng, ghi kích thước các cạnh, diện tích sàn của từng hạng mục công trình. Trường hợp thửa đất quá rộng thì chỉ vẽ phần khuôn viên đất có công trình xây dựng chính (ví dụ hướng dẫn tại phụ lục số 11 của Thông tư này).
V. THỂ HIỆN BẢN VẼ SƠ ĐỒ TRONG GIẤY CHỨNG NHẬN
1. Bản vẽ sơ đồ trên giấy chứng nhận thể hiện theo hướng dẫn tại phần IV của Thông tư này. Căn cứ vào số tầng của nhà ở hoặc số hạng mục của công trình xây dựng mà bố trí sơ đồ trong trang giấy chứng nhận cho phù hợp. Bản vẽ sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng không yêu cầu đúng tỷ lệ.
2. Hướng của bản vẽ sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng được lấy từ cạnh theo chiều ngang phía dưới của trang giấy chứng nhận làm mốc để vẽ đường, phố, ngõ, ngách đi vào cửa chính của nhà ở, công trình xây dựng (mặt tiền của nhà ở hoặc công trình xây dựng), không lấy theo hướng quy định về vẽ bản đồ.
3. Bản vẽ sơ đồ trong giấy chứng nhận phải được bố trí hợp lý theo nguyên tắc:
3.1. Trường hợp nhà ở có một tầng hoặc có nhiều tầng nhưng các tầng có hình dáng và kích thước trùng nhau thì chỉ vẽ một sơ đồ ở giữa khuôn giấy tại Mục III của giấy chứng nhận;
3.2. Trường hợp nhà ở có nhiều tầng và các tầng khác nhau thì tuỳ thuộc vào số lượng sơ đồ phải vẽ mà chia khuôn giấy tại Mục III thành 2 phần, trong đó phần bên trái từ dưới lên: vẽ sơ đồ thửa đất và mặt bằng tầng 1, tiếp đến vẽ tầng 2, tầng 3...., phần bên phải từ dưới lên: vẽ sơ đồ mặt bằng các tầng còn lại;
3.3. Trường hợp trong công trình xây dựng có một hoặc một số hạng mục công trình có nhiều tầng thì vẽ sơ đồ mặt bằng tầng 1 và đánh dấu chấm đậm tương ứng với số tầng tại một góc của sơ đồ hạng mục công trình đó.
VI. THỂ HIỆN NỘI DUNG TRÊN GIẤY CHỨNG NHẬN
1. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do Bộ Xây dựng phát hành kèm theo Thông tư này và được sử dụng thống nhất trong cả nước.
2. Sở Xây dựng phải lập sổ theo dõi việc nhận và cấp phát giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng theo nguyên tắc số giấy chứng nhận đã cấp cho chủ sở hữu và số giấy bị hư hỏng trong quá trình thể hiện các nội dung trên giấy (nếu có) phải bằng số giấy chứng nhận đã phát ra.
Định kỳ sáu tháng một lần và hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải có báo cáo gửi Sở Xây dựng và Sở Xây dựng phải có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tổng số giấy chứng nhận đã nhận, số giấy chứng nhận đã cấp phát, số giấy chứng nhận đã cấp cho chủ sở hữu và số giấy chứng nhận bị hư hỏng (nếu có) trên địa bàn.
3. Cơ quan cấp giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ các thông số trên giấy chứng nhận. Trong trường hợp có thông số không xác định được thì đánh dấu gạch ngang (-). Ví dụ: Không xác định được năm xây dựng thì dòng Năm xây dựng: (-)
4. Hướng dẫn ghi một số nội dung trong giấy chứng nhận:
4.1. Phần Uỷ ban nhân dân: nếu là Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy thì ghi cả tên huyện và tỉnh; nếu là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Xây dựng cấp giấy thì chỉ ghi tên Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (ví dụ: "huyện thanh trì-thành phố hà nội" hoặc "thành phố thanh hoá-tỉnh thanh hoá" hoặc "tỉnh Hải Dương".
4.2. Phần mã số giấy chứng nhận: Mã số giấy chứng nhận có 15 ô, cách ghi như sau:
Tính từ trái sang phải, 2 ô đầu tiên ghi mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 3 ô tiếp theo ghi mã số huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 5 ô tiếp theo ghi mã số xã, phường, thị trấn; 3 ô tiếp theo ghi số quyển sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng; 2 ô cuối ghi số tờ trong sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng.
Mã số các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thống nhất ghi theo quy định tại Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ ''về việc ban hành bảng Danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam''.
4.3. Về ghi tên chủ sở hữu (Muc I); ghi đầy đủ họ tên chủ sở hữu, số chứng minh thư nhân dân (nếu có). Nếu chủ sở hữu là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài thì ghi số hộ chiếu, ngày, tháng, năm cấp. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu của vợ chồng thì phải ghi cả tên vợ và chồng.
Trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung nhưng có chủ sở hữu chung đã chết mà chưa giải quyết chia thừa kế theo quy định thì ghi họ tên người đó và ghi thêm là: (đã chết). Ví dụ:
Ông Nguyễn Văn A, CMTND số: 012345456
Và vợ: Bà Trần Thị B (đã chết)
Trường hợp chủ sở hữu là tổ chức thì ghi tên tổ chức đó theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc theo quyết định thành lập hoặc theo giấy phép đầu tư.
4.4. Địa chỉ nhà ở: Đối với nhà ở tại đô thị thì ghi số nhà, ngõ, ngách (nếu có), đường (hoặc phố), phường, quận (huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh). Đối với nhà ở tại nông thôn thì ghi địa chỉ cụ thể: xóm, thôn, xã, huyện.
Đối với căn hộ chung cư: Ngoài các thông tin quy định tại điểm này, phải ghi thêm số căn hộ, số tầng có căn hộ và tên của nhà chung cư.
4.5. Về diện tích sàn (nhà ở, căn hộ) được ghi như sau:
a) Đối với nhà ở một tầng thì ghi diện tích mặt bằng xây dựng của nhà đó, trường hợp có tường chung thì chỉ tính 1/2 diện tích mặt bằng tường chung đó;
b) Đối với nhà ở nhiều tầng thì ghi tổng diện tích sàn mặt bằng xây dựng của các tầng, trường hợp có tường chung ở các tầng thì tính diện tích như quy định tại điểm a khoản này;
c) Đối với căn hộ trong nhà chung cư thì ghi diện tích sàn căn hộ (trừ diện tích mặt bằng tường, cột chung);
4.6. Về cấp (hạng) nhà ở, công trình xây dựng:
a) Cấp, hạng nhà ở ghi theo quy định tại Thông tư số 05-BXD/ĐT ngày 09/02/1993 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định diện tích sử dụng và phân cấp nhà ở;
b) Cấp công trình xây dựng ghi theo quy định tại Nghị định số 209/ 2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
4.7. Về ghi số tầng (tầng): nếu là nhà ở riêng lẻ thì ghi số tầng của ngôi nhà chính. Trường hợp có gác xép thì không tính là một tầng và diện tích sàn của gác xép được tính là diện tích sàn nhà phụ. Nếu là căn hộ trong nhà chung cư thì ghi số tầng có căn hộ và tổng số tầng của nhà chung cư, cách ghi được thực hiện dưới dạng phân số (ví dụ căn hộ số 505, trong nhà chung cư 15 tầng thì ghi 5/15, trong đó 5 là số tầng của căn hộ, 15 là tổng số tầng của nhà chung cư).
4.8. Về kết cấu nhà ở, công trình xây dựng: chỉ ghi các kết cấu chủ yếu tường, khung, sàn, mái (ví dụ tường, khung, sàn BTCT; mái ngói);
4.9. Diện tích sàn xây dựng, diện tích đất được tính bằng m2 và lấy sau dấu phẩy 2 con số (ví dụ 124,43 m2 hoặc 32,00 m2);
4.10. Phần ngày, tháng, năm ký giấy chứng nhận: sử dụng dấu dập hoặc viết tay.
4.11. Phần ghi tên người ký giấy chứng nhận: ghi tên người được phân công ký giấy, ví dụ:
a) Trường hợp Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Phó chủ tịch UBND cấp huyện ký thay Chủ tịch thì ghi như sau:
TM. Uỷ ban nhân dân (ghi rõ tỉnh, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)......
KT. Chủ tịch
Phó Chủ tịch
(ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên người ký)
b) Trường hợp Sở Xây dựng được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh uỷ quyền ký giấy chứng nhận thì ghi như sau:
TM. Uỷ ban nhân dân (ghi rõ tỉnh, thành phố).......
TUQ. Chủ tịch
Giám đốc Sở Xây dựng
(ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên người ký)
4.12. Đóng dấu vào giấy chứng nhận: Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp huyện ký giấy chứng nhận thì đóng dấu của Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Xây dựng ký giấy chứng nhận thì đóng dấu của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
4.13. Ghi hồ sơ gốc: sử dụng dấu hoặc viết tay và được ghi như sau: số, ký hiệu của Quyết định cấp giấy chứng nhận và số thứ tự vào sổ đăng ký quyền ở hữu nhà ở. (ví dụ 123/QĐ-UB. 1455).
Dưới phần ghi hồ sơ gốc dùng để ghi các thông tin về cấp đổi, cấp lại trong trường hợp cấp đổi, cấp lại. (ví dụ Cấp đổi lần thứ nhất; Cấp lại lần thứ hai...);
4.14. Về ghi những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận tại Mục IV của giấy chứng nhận: Cột (1) ghi ngày, tháng, năm Sở Xây dựng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện xác nhận việc thay đổi; cột (2) ghi những nội dung thay đổi; cột (3) ký, đóng dấu của cơ quan xác nhận (được phép đóng dấu chồng lấn lên nhau).
Những thay đổi này cũng phải được thể hiện vào bản sao giấy chứng nhận đã lưu tại cơ quan cấp giấy.
5. Việc sử dụng phần mềm máy tính để thể hiện các nội dung trong giấy chứng nhận được thực hiện theo hướng dẫn của Cục Quản lý nhà-Bộ Xây dựng.
VII. SỔ ĐĂNG KÝ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ SỔ ĐĂNG KÝ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
1. Mỗi sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở và sổ đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng được đóng thành quyển có 99 tờ. Mỗi tờ có 2 mặt dùng để ghi các nội dung cho một nhà ở hoặc một công trình xây dựng đã được cấp giấy chứng nhận. Mẫu sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở theo hướng dẫn tại phụ lục số 12, mẫu sổ đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng theo hướng dẫn tại phụ lục số 13 của Thông tư này và được áp dụng thống nhất trong cả nước.
2. Căn cứ vào nhu cầu thực tế nhà ở, công trình xây dựng cần cấp giấy chứng nhận, Sở Xây dựng và Uỷ ban nhân dân cấp huyện lập sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở, sổ đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng. Sở Xây dựng hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện thống nhất cách đánh số thứ tự sổ đăng ký quyền sở hữu tại mỗi phường, xã, thị trấn để không có sự trùng lắp.
3. Đối với những địa phương đã lập sổ theo dõi việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo Nghị định số 60/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ mà thể hiện được các nội dung của mẫu sổ đăng ký quyền sở hữu hướng dẫn tại Thông tư này thì không phải lập lại sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở mới.
4. Cơ quan lập và quản lý sổ đăng ký quyền sở hữu:
4.1. Sở Xây dựng lập và quản lý sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở, sổ đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng đối với những trường hợp do Uỷ ban nhân cấp tỉnh hoặc Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận;
4.2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện lập và quản lý sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở, sổ đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng đối với những trường hợp do Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận.
VIII. LƯU TRỮ VÀ QUẢN LÝ HỒ SƠ VỀ SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
1. Hồ sơ lưu trữ bao gồm:
1.1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận (bao gồm đơn đề nghị cấp mới, cấp đổi, cấp lại, cấp khi chuyển dịch quyền sở hữu và đơn đề nghị xác nhận thay đổi sau khi cấp giấy);
1.2. Giấy tờ biên nhận hồ sơ; giấy tờ xác nhận của các cơ quan liên quan về việc mất giấy chứng nhận (nếu có);
1.3. Giấy tờ tạo lập nhà ở, công trình xây dựng;
1.4. Bản vẽ sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng;
1.5. Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp cho chủ sở hữu hoặc giấy chứng nhận cũ trong trường hợp cấp đổi, cấp khi chuyển dịch quyền sở hữu và cấp khi hết trang ghi những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận;
1.6. Các giấy tờ khác có liên quan đến nhà ở, công trình xây dựng.
2. Cơ quan lưu trữ và quản lý hồ sơ:
2.1. Sở Xây dựng có trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vấn đề sở hữu nhà ở, sở hữu công trình xây dựng do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận;
2.2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vấn đề sở hữu nhà ở, sở hữu công trình xây dựng do Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận.
3. Nội dung lưu trữ và quản lý hồ sơ:
3.1. Lưu trữ các hồ sơ quy định tại điểm 1 Phần VIII của Thông tư này theo đúng quy định của pháp luật về lưu trữ hồ sơ;
3.2. Lập cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ bằng hệ thống mạng máy tính để phục vụ cho việc thống kê, báo cáo kết quả thực hiện và phục vụ yêu cầu quản lý nhà ở, công trình xây dựng;
3.3. Sở Xây dựng và Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cung cấp số liệu về nhà ở, công trình xây dựng cho các cơ quan có liên quan khi có yêu cầu.
4. Việc báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 95/2005/NĐ-CP được thực hiện như sau:
4.1. Hàng quý, Uỷ ban nhân dân cấp huyện gửi báo cáo về Sở Xây dựng về tình hình thực hiện Nghị định trên địa bàn theo mẫu hướng dẫn tại phụ lục số 14 của Thông tư này để Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
4.2. Hàng quý, Sở Xây dựng phải có báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình thực hiện Nghị định trên địa bàn theo mẫu hướng dẫn tại phụ lục số 15 của Thông tư này;
4.3. Chậm nhất vào ngày 15/7 hàng năm và ngày 15/01 của năm sau, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và báo cáo kết quả thực hiện cả năm trên địa bàn gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo mẫu hướng dẫn tại phụ lục số 16 của Thông tư này;
4.4. Ngoài các báo cáo định kỳ quy định tại điểm 4.1, 4.2 và 4.3 khoản này thì Sở Xây dựng hoặc Uỷ ban nhân dân các cấp phải có báo cáo khi có yêu cầu.
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nội dung sau:
1.1. Căn cứ vào Nghị định số 95/2005/NĐ-CP , hướng dẫn tại Thông tư này và tình hình cụ thể của địa phương, quy định cụ thể các giấy tờ về tạo lập nhà ở, công trình xây dựng, quy trình cấp giấy chứng nhận và chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm thực hiện nhanh chóng, thuận tiện và không gây phiền hà cho nhân dân;
1.2. Căn cứ vào quy định về kinh phí cấp giấy chứng nhận tại khoản 6 Điều 22 của Nghị định số 95/2005/NĐ-CP và thực tế của địa phương để quy định cụ thể mức kinh phí cấp giấy chứng nhận, bảo đảm nguyên tắc các bộ phận tham gia cấp giấy chứng nhận có kinh phí để thực hiện. Việc sử dụng kinh phí phải tiết kiệm và có quyết toán hàng năm, phần kinh phí sử dụng không hết phải nộp vào ngân sách Nhà nước;
1.3. Chỉ đạo Sở Xây dựng lập chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cấp giấy chứng nhận cho cán bộ chuyên môn của huyện và của Sở; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các quận, huyện phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến để nhân dân biết và thực hiện tốt quy định của Chính phủ;
1.4. Căn cứ vào nhu cầu cấp giấy chứng nhận, lập kế hoạch tăng cường lực lượng, đầu tư trang thiết bị để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận và phục vụ cho công tác quản lý nhà ở, công trình xây dựng trên địa bàn.
1.5. Chỉ đạo việc quản lý hồ sơ về sở hữu nhà ở, công trình xây dựng trên địa bàn thống nhất tại Sở Xây dựng và Uỷ ban nhân dân cấp huyện (bao gồm cả hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận theo Nghị định số 60/CP ngày 05/7/1994 trước đây).
2. Cục Quản lý nhà có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng của các địa phương; tổng hợp tình hình thực hiện việc cấp giấy để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định số 95/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới và các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện đúng Nghị định số 95/2005/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị có ý kiến gửi về Bộ Xây dựng để hướng dẫn giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.